Nghiên cứu so sánh thơ Thiền Lý - Trần với thơ thiền Đường - Tống Trung Quốc - 2


2.1. Quá trình tìm hiểu và so sánh thơ Lý Trần và Đường Tống trong giai đoạn trung đại:

Việc sưu tầm và nghiên cứu thơ văn Lý Trần thời trung đại được bắt đầu từ đầu thế kỷ XV, với Việt âm thi tập của Phan Phu Tiên năm 1433 (sau được Chu Xa hiệu đính, bổ sung, Lý Tử Tấn phê bình, khắc in năm 1459). Trải qua hơn nửa thế kỷ, văn học Lý Trần đã xuất hiện lần lượt ít nhiều trong các công trình sau: Quần hiền phú tập (Hoàng Sần Phu), Cổ kim chế từ tập (Lương Như Hộc), Việt điện u linh tục bổ (Nguyễn Văn Chất), Tinh tuyển chư gia luật thi

(Dương Đức Nhan), Đại Việt sử ký toàn thư (Ngô Sĩ Liên), Quốc triều chương

biểu tập (Trần Văn Mô), Lĩnh Nam chích quái (Vũ Quỳnh và Kiều Phú sưu tầm),

Trích diễm thi tập (Hoàng Đức Lương) soạn xong khoảng năm 1497.

Đến thế kỷ XVIII, nhà bác học Lê Quí Đôn đã biên soạn Toàn Việt thi lục bao gồm thơ văn của nước ta từ thời Lý đến đời Hồng Đức. Cùng với thiên Văn nghệ chí trong Đại Việt thông sử, Lê Quí Đôn được ghi nhận là “người đầu tiên cung cấp cho ta mục lục các sách cha ông ta sáng tác từ thời Lý Trần” (trang 61- TCVH số 6/1976, bài của Trương Chính). Trong cuốn Kiến văn tiểu lục,

Quyển chi tứ, Thiên Chương, Lê Quí Đôn viết như sau: “Thời Lý thời Trần, nước nhà, đối chiếu chính vào khoảng thời Tống thời Nguyên bên Trung Hoa. Hiềm một nỗi, những vở biên chép về văn hóa bấy giờ, sơ sót không tường. Tôi may cóp nhặt trong tập Kim thạch di văn được vài chục thiên, thì thấy vào thời Lý phần nhiều dùng lối biền ngẫu lời văn văn hoa và tươi đẹp, còn giống như thể văn đời Đường. Đến thời nhà Trần thì văn chỉnh tề, lưu loát, đã giống khí phẩm người đời Tống” [61; 240]. Dựa vào những trước tác lớn còn lại trong di sản văn học cổ nước nhà, có thể nói, đây là điểm nhìn so sánh văn học Lý Trần với Đường Tống đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam. Tuy Lê Quí Đôn không


nhấn mạnh trường hợp “thơ thiền” trong khi so sánh, nhưng khái niệm “văn” mà ông sử dụng vẫn có thể bao hàm cả thơ văn nói chung.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 285 trang tài liệu này.

Tiếp đó, trong sách Vũ trung tùy bút, mục Văn thể, Phạm Đình Hổ có đưa

ra nhận định: “Ta thường xét về văn hiến nước ta, văn đời Lý thì cổ áo xương kính, phảng phất như văn đời Hán…, đến đời Trần lại hơi kém hơn đời Lý, nhưng cũng còn điển nhã hoa thiệm, nghị luận phô bày đều có sở trường cả, so với những văn các danh gia đời Hán, Đường không đến nỗi kém lắm. Gián hoặc có đôi ba bài để lẫn vào trong tập văn Hán, Đường cũng không khác gì, chưa dễ mấy người đã phân biệt được” [88; 136]; hoặc một đoạn khác nằm trong phần Thể thơ: “Nước ta thơ đời Lý già dặn, súc tích, thơ đời Trần tinh vi, trong trẻo, đều có sở trường tột bực, cũng như thơ đời Hán, Đường bên Trung Hoa…”[88; 144].

Nghiên cứu so sánh thơ Thiền Lý - Trần với thơ thiền Đường - Tống Trung Quốc - 2

Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí đã dành riêng phần

Văn tịch chí để giới thiệu văn học nước nhà từ thời Lý Trần đến nửa đầu thế kỷ

XIX. Có đến ba lần tác giả so sánh thơ ca đời Trần với đời Đường, nhưng lại tập trung vào thơ văn của nhà nho. Ví dụ như các nhận định sau: “Lời thơ hùng hồn, mạnh mẽ và phóng khoáng, không kém gì đời Thịnh Đường” [42; 90] (nhận xét bài thơ “Bạch Đằng Giang” của Trần Minh Tông trong Minh Tông thi tập); “Lời thơ phần nhiều hào mại phóng khoáng, có khí khách và cốt cách Đỗ Lăng” [42; 95]. “Những câu hay rất nhiều không kể hết. Thơ tứ tuyệt lại càng hay, không kém gì đời Thịnh Đường” [42; 97] (nhận xét thơ Nguyễn Trung Ngạn). Các tập thơ ngộ đạo hoặc mang thi hứng Phật giáo hầu như đứng ngoài mối quan tâm so sánh của tác giả. Đặc biệt thơ đời Lý (hầu hết là thơ Phật giáo) không hiểu sao lại vắng mặt hoàn toàn trong mục Văn tịch chí của Phan Huy Chú.

2.2. Quá trình tìm hiểu và so sánh thơ Lý Trần và Đường Tống giai đoạn

1900-1945:


Do đặc điểm của phương thức nghiên cứu thơ văn Lý Trần của cả hai giai đoạn 1900-1945 và 1945 đến nay, chúng tôi chọn giới thiệu các công trình nghiên cứu, các tuyển tập thơ văn Lý Trần song song với các công trình khảo cứu về Phật học. Ngay trong những công trình khảo cứu Phật học đó, các tác giả đã dừng lại khá lâu ở những thi phẩm ví dụ có nguồn gốc từ văn học Phật giáo Lý Trần.

Trên tạp chí Nam Phong tập 20, tiến sĩ Đinh Văn Chấp phiên dịch hàng

loạt thơ thời Lý Trần với chủ ý “để chép lại câu văn của Tổ quốc kẻo lâu ngày thất thác…”. Hoạt động này cùng với nhiều bài dịch và giới thiệu thơ Lý Trần của Thi Nham, Nguyễn Lợi, Hoa Bằng… được ghi nhận như là những nỗ lực lớn của giới nghiên cứu văn học Việt Nam đối với “việc giới thiệu thơ văn của thời đại xa xăm này”. Năm 1942, Ngô Tất Tố nổi bật với hai công trình giá trị Văn học

đời Lý Văn học đời Trần. Điều đáng nói là tác giả đã mạnh dạn giới thiệu (bao

gồm ghi nguyên văn chữ Hán, phiên âm, chú thích, giải nghĩa, dịch thuật) mảng thơ văn Phật giáo của các nhà sư đời Lý và đời Trần, bên cạnh các trước tác đậm nét Nho học. Tuy nhiên, việc so sánh chỉ được tiến hành trong phạm vi giữa văn học đời Lý và đời Trần.

2.3. Việc tìm hiểu và so sánh thơ thiền Lý Trần và Đường Tống giai đoạn từ

1945 đến nay:

Đặng Thai Mai trong bài Mối quan hệ lâu đời và mật thiết giữa văn học Việt Nam và văn học Trung Quốc đăng trên Tạp chí Nghiên cứu văn học số 7 - 1961 đã phát biểu về thơ “theo tinh thần giáo lý Thích Ca” như sau: “Từ ngữ

trong thơ, kể cả thơ nói về đời sống tinh thần theo giáo lý Thích Ca, thường thường vẫn được vay mượn trong sách vở thánh hiền, và trong điển cố văn chương của nho học, của đạo học từ thời Xuân Thu Chiến Quốc cho đến đời Đường, đời Tống”[135; 10]. Đoạn văn ngắn này đã chỉ ra khá rò nguồn gốc ảnh hưởng thơ ca Phật giáo ở Việt Nam thời cổ, đặc biệt có nhấn mạnh ảnh hưởng


điển văn của thời Đường, Tống. Tiếp đó, Kiều Thu Hoạch có bài Tìm hiểu thơ văn của các nhà sư Lý – Trần đăng trên TCVH số 6 – 1965. Năm 1972, TCVH số 5 có đăng bài viết Một vài tìm tòi bước đầu về văn bản “Thơ văn Lý Trần” của Trần Thị Băng Thanh. Theo tác giả, ba trường hợp văn bản được nêu rò còn tồn đọng nhiều vấn đề về lai lịch và dị bản là Khóa hư lục, Tam tổ thực lục Thánh đăng lục (đều là các tác phẩm thuộc văn học Thiền tông).

Từ đầu thập kỷ 70, và những năm 80, nhiều bài viết của Nguyễn Huệ Chi đăng trên Tạp chí Văn học bàn về văn học Lý Trần đánh dấu sự thể hiện rò nét của việc nghiên cứu sâu hơn về thể loại văn học Lý. Đó là loạt bài: Từ nghĩa rộng và hẹp của hai chữ “văn học” trong quá khứ đến việc phân loại các loại hình văn học Lý-Trần, TCVH, số 5-1976; Trần Tung, một gương mặt lạ trong làng thơ thơ thiền thời Lý-Trần, TCVH, số 4-1977; Các yếu tố Phật Nho Đạo được tiếp thu và chuyển hóa như thế nào trong đời sống tư tưởng và văn học thời đại Lý-Trần, TCVH, số 6-1978, tr.76-94; Mãn Giác và bài thơ thiền nổi tiếng của ông, TCVH, số 5-1987, tr. 67-72; Đề nghị một cách hiểu mối quan hệ giữa văn học đời Trần và cuộc kháng chiến chống quân xâm lược đời Trần, TCVH, số 3-1988; Hiện tượng hội nhập văn hóa dưới thời Lý Trần nhìn từ một trung tâm Phật giáo tiêu biểu: Quỳnh Lâm, TCVH, số 2 – 1992,… Từ thực tế công tác sưu tập chỉnh lý văn bản, dịch thuật, và giới thiệu thơ thiền Lý Trần, Nguyễn Huệ Chi đã gợi dẫn phương

thức nghiên cứu đặc thù cho văn học giai đoạn này, đồng thời cũng giúp “phục chế” lại gương mặt Tuệ Trung trong bối cảnh chung “làng thơ thiền” đời Trần, định hình một số nguyên tắc tìm hiểu thơ văn Lý Trần và văn học trung đại, trong đó việc tìm hiểu ảnh hưởng Trung Hoa đối với thơ văn Lý Trần cũng được tác giả quan tâm lý giải… Quan trọng nhất là sự xuất hiện bộ ba cuốn Thơ văn Lý Trần của Viện Văn học mà tác giả thuộc Hội đồng chủ biên. Tính từ các tuyển tập

trước đó bằng chữ quốc ngữ của Ngô Tất Tố, các bài dịch của tiến sĩ Đinh Văn


Chấp, thì Thơ văn Lý Trần có thể được xem là công trình công phu nhất về văn học trung đại thế kỷ X – XIV. Công tác dịch thuật, khảo chú trong tác phẩm trên không chỉ dừng lại ở việc giới thiệu, sưu tập, mà còn có ý nghĩa phân định giá trị văn học Phật giáo Thiền tông thời Đại Việt. Điểm nhìn so sánh của ông có thể được phát hiện rải rác. Nhận định về Trần Quang Triều là một ví dụ tiêu biểu cho những điểm xuyết so sánh của tác giả: “Ta hãy để ý: những bài thơ này đều mang rò sắc thái “thi trung hữu họa” rất gần với thơ Vương Duy đời Đường” [202; 20].

Giáo sư Hà Văn Tấn trong bài viết Vấn đề văn bản học các tác phẩm văn

học Phật giáo Việt Nam (TCVH số 4 – 1992) đã trích dẫn trường hợp những bài thơ thiền của một số thiền sư Việt Nam trong Thiền uyển tập anh có nguồn gốc hoặc có sự tương đồng rò nét với thơ thiền của các thiền sư Trung Hoa trong Cảnh Đức truyền đăng lục. Đó là trường hợp các bài thi kệ của Tịnh Không (Việt Nam) và Giáp Sơn (Trung Quốc), Nguyện Học (Việt Nam) và Huệ Tư (Trung Quốc), Không Lộ (Việt Nam) và Lý Tường (Trung Quốc). Tác giả bài viết cũng

nêu ra một số trường hợp phức tạp về văn bản như thơ của Huyền Quang và Ảo Đường Trung Nhân, Hương Hải và Thanh Nguyên Hành Tư… Cách đặt vấn đề của Hà Văn Tấn, cũng như một số bài viết về sau của Nguyễn Khắc Phi, Nguyễn Đăng Na, Lê Mạnh Thát… về khả năng ảnh hưởng lẫn nhau giữa thơ thiền hai nước, hoặc nghi vấn “ai đó” đã sao lục và gán ghép thơ của các thiền sư Trung Quốc cho các thiền sư Việt Nam, đều nhằm phản ánh xác thực một tình trạng “tam sao” rất phức tạp của thơ thiền đời Lý Trần. Đứng từ góc độ so sánh loại hình, tình trạng nói trên là một luận cứ quan trọng để người viết có thể tham chiếu kỹ hơn trong khi đưa ra những kết luận về mặt thi học đối với trường hợp thơ thiền.


Năm 1999, Nguyễn Duy Hinh có công trình Tư tưởng Phật giáo Việt Nam, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội. Tuy bàn về Phật giáo Việt Nam từ góc độ lịch sử tư tưởng triết học, song trong quá trình tham cứu, tác giả đã dẫn giải khá nhiều thơ thiền Lý - Trần và chỉ ra khá nhiều nguồn gốc thư tịch thiền tông (chứ không phải thơ thiền) Trung Hoa của chúng. Chẳng hạn ở trang 409 tác giả dẫn thơ Đạo Huệ “Lô trung hoa nhất chi” với lời bình “Ý cành hoa sen trong lò lửa có trong kinh Phật mà các thiền sư Trung Hoa thường dùng trước Đạo Hueä để chỉ Phật tính vĩnh hằng không thể thiêu đốt”… Đặt nghi vấn về trường hợp nhà sư Thảo Đường, tác giả đã lần trở lại Bích Nham Lục do Viên Ngộ Khắc Cần biên soạn dựa trên 100 công án của Tuyết Đậu Trùng Hiển. “Với 100 công án Tuyết Đậu được đưa vào nước ta theo chân Thảo Đường, các nhà sư Việt Nam đã biết đến hai thiền sư thời Tống mà trước đó học chỉ biết đến thiền sư đời Đường” [79; 473]. Cách lập luận như vậy gián tiếp cho thấy mối liên hệ tư tưởng thiền như là một cơ sở dẫn đến ảnh hưởng thiền thi giữa các nhà thơ – thiền sư Việt Nam và các nhà thơ – thiền sư Trung Quốc (đặc biệt vào thời Lý-Trần và Đường-Tống).

Tác giả Nguyễn Hữu Sơn qua công trình Loại hình tác phẩm Thiền uyển

tập anh, NXB KHXH, Hà Nội, 2002, ở chương II, đã nhấn mạnh tính chất “tàng trữ giá trị thi ca” trong Thiền uyển tập anh và đặt tính chất ấy trong trong quan hệ với truyện – ghi chép tiểu sử thiền sư. Tác giả cũng trích dẫn một số bài thơ thiền đời Lý và phân tích chúng trong điểm nhìn đối sánh nguồn gốc thiền tịch Trung

Hoa. Nhà nghiên cứu Phạm Tú Châu trong công trình tập hợp các bài nghiên cứu xoay quanh mối quan hệ giữa văn học Việt Nam và văn học Trung Quốc nhan đề Đi giữa đôi dòng (NXB Khoa học xã hội, Hà Nội năm 1999) có đề cập tới hiện tượng “ảnh hưởng công án” của thơ thiền Trung Quốc đối với thơ thiền Việt Nam qua trường hợp nghiên cứu “Xác định tính chất và bối cảnh ra đời bài Cảm xúc khi đọc Phật sự đại minh lục của Trần Thánh Tông”. Thực chất tinh thần của bài


viết này là so sánh ảnh hưởng thơ thiền Trung Quốc đối với thơ thiền Việt Nam xuất phát từ một trường hợp thơ vịnh công án. Cách tiếp cận như vậy theo chúng tôi rất có giá trị đối với những người quan tâm đến sự vận động và phát triển của thơ thiền Việt Nam, từ góc độ nghiên cứu những hình ảnh thơ ca trong công án thiền Trung Hoa và sự xuất hiện phổ biến các hình ảnh ấy trong thơ thiền. Cùng năm, Phạm Văn Khoái trong bài Hán văn Lý – Trần, thời kỳ cổ điển của 10 thế kỷ

Hán văn Việt Nam thời độc lập đăng trên Hán Nôm, số 1 – 1999 có một nhận định

như sau: “Nhóm các văn bản ngữ lục Thiền tông phần nào định hướng theo ngôn ngữ nói của bạch thoại Trung đại (bạch thoại sớm), do nó chịu ảnh hưởng của ngôn ngữ các bản dịch kinh Phật và do nhiều yếu tố xã hội – ngôn ngữ khác nữa” [112; 3]. Như vậy, bài viết này có điểm qua việc ngôn ngữ văn học thiền tông Việt Nam chịu ảnh hưởng Hán văn thời Tiên Tần, Lưỡng Hán và ngôn ngữ kinh điển Phật giáo Trung Hoa. Đây cũng là điểm nhìn mang nét so sánh giữa ngôn ngữ văn học thiền Việt Nam và ngôn ngữ Trung Hoa cổ.

Trần Đình Sử trong tiểu luận Mấy vấn đề thi pháp văn học Việt Nam trung

đại, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1999, viết: “So với thơ thiền Trung Quốc như của Vương Duy thì thơ thiền Việt Nam thuộc loại thơ thiền sư nhiều hơn là thơ thi nhân. Thời gian thiền ở đây ít được hiểu hiện ngoại lộ trong phong cảnh, cảm giác mà khép kín trong cảm giác nội tại của nhân vật trữ tình, người ngoài có thể đoán thấy, hiểu được mà không dễ cảm thấy và chia sẻ. Có lẽ đó cũng là do thơ thiền Việt Nam gần kệ hơn thơ. Kệ vốn không phải là thơ. Ở Trung Quốc từ Đường, Tống mới bắt đầu có sự “kệ thơ quán thông”, nhưng ranh giới vẫn có phân biệt. Thơ của Tề Kỷ, Thập Đắc gần kệ hơn, thơ Vương Duy gần thơ hơn. Thơ thiền Việt Nam đời Lý Trần ngay nhan đề cũng mang hình thức kệ (…). Sang đời Trần, cảm giác thiền thú được tăng lên và sang đời Lê thì phai dần. Tính chất nói trên có thể cũng do thơ thiền ta nói chung gần thơ Tống hơn thơ Đường” [192;


234]. Đoạn văn ngắn này đã trực tiếp đề cập sự tương đồng giữa thơ thiền Lý Trần và Đường Tống, đặc biệt quan điểm thơ thiền Việt Nam gần với thơ Tống hơn thơ Đường là một gợi ý nghiên cứu khá sâu sắc.

Chuyên luận Từ văn học so sánh đến thi học so sánh (NXB Văn học, Hà Nội, 2002) của Phương Lựu dành ba chương cho việc nghiên cứu so sánh văn học Việt Nam và Trung Quốc, trong đó chương VIII với nhan đề “So sánh thi học Việt Nam – Trung Hoa từ các khuynh hướng và học phái” đã bàn về quan niệm Phật Lão và ảnh hưởng của quan niệm này đến thơ ca Việt Nam nói chung. Tác giả cũng chỉ ra ảnh hưởng của Nghiêm Vũ đời Tống (qua những phát biểu vềà thơ thiền Trung Hoa) đối với nền văn học mang màu sắc Phật giáo ở Việt Nam; Tuy nhiên những luận cứ cụ thể về việc so sánh thơ thiền hai nước lại chưa có mặt trong công trình này.

Cuốn Thơ thiền Việt Nam – những vấn đề lịch sử và tư tưởng nghệ thuật

của tác giả Nguyễn Phạm Hùng, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội in năm 1999 là một công trình khoa học khảo sát toàn diện thể loại thơ thiền Việt Nam thời trung đại, từ thời Lý Trần cho đến thời nhà Nguyễn… Tuy không đưa ra luận điểm so sánh, nhưng công trình lại thể hiện định hướng chứng minh đặc điểm của thơ thiền Việt Nam trong tương quan so sánh phức tạp với thơ thiền Trung Hoa từ góc

độ thiền luận (nghĩa là đi từ nguồn gốc ảnh hưởng đến hình thành đặc điểm).

Hình dung tính chất quan trọng của việc đối sánh, tác giả chủ động giới thiệu thơ thiền Trung Hoa ở nhiều trang viết. So sánh những “hình ảnh thơ ca sinh động, bột phát, trực cảm” trong thơ thiền nói chung. Trong khi liên hệ tới bài kệ nổi tiếng của Lục Tổ Huệ Năng (Trung Quốc), tác giả viết: “Thơ thiền Việt Nam nở rộ theo chiều hướng đó” [92; 61]. Kết luận ngắn ngủi này tuy có thể bị lướt qua trong hàng trăm trang sách bình luận thơ thiền, nhưng chúng tôi cho rằng đó chính là một gợi ý nghiên cứu so sánh có cơ sở. Ngoài ra, trên tạp chí NCPH số 2

Xem tất cả 285 trang.

Ngày đăng: 21/07/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí