Đặc Điểm Hoạt Động Kinh Doanh Của Doanh Nghiệp Bảo Hiểm Phi Nhân Thọ



* Giám sát định kỳ: Bên cạnh giám sát thường xuyên, DN cần có cái nhìn khách quan, độc lập hơn về tính hữu hiệu của toàn hệ thống thông qua đánh giá hệ thống định kỳ. Giám sát định kỳ còn giúp đánh giá tính hữu hiệu của các hoạt động giám sát thường xuyên trong tổ chức. Khi thực hiện hoạt động giám sát định kỳ, cần lưu ý các nội dung sau như: Quy mô và mật độ của các hoạt động giám sát định kỳ; Người thực hiện các hoạt động giám sát định kỳ; Quy trình đánh giá trong giám sát định kỳ; Phương pháp đánh giá; Tài liệu hóa; Kế hoạch thực hiện.

2.2.1.3. Tính hữu hiệu của kiểm soát nội bộ

Qua quá trình nghiên cứu tác giả nhận thấy “tính hữu hiệu của KSNB” cần được làm rõ. Theo từ điển tiếng Việt: “hữu hiệu có nghĩa là có hiệu lực” (Hoàng Phê, 2018). Walton và Dawson (2001) cho rằng tính hữu hiệu là một khái niệm mang tính xét đoán về khả năng đạt được mục tiêu của tổ chức. Tính hữu hiệu là một khái niệm được xác định hướng đến việc đánh giá mức độ thực hiện các mục tiêu, mục đích đã được định trước cho một hoạt động hoặc một chương trình đã được thực hiện (đạt được kết quả thoả đáng từ việc sử dụng các nguồn lực và các hoạt động của tổ chức). Etzioni (1985) cho rằng xác định tính hữu hiệu là mức độ thành công của tổ chức trong nỗ lực đạt được các mục tiêu. Đồng quan điểm này, Arens và Loebecke (2000) hữu hiệu là mức độ đạt được các mục tiêu của tổ chức. Họ đưa ra định nghĩa về tính hữu hiệu là mối quan hệ đầu ra và mục đích, hoặc có thể là thước đo mức đầu ra của các chính sách và thủ tục của tổ chức. Vì vậy, điểm quan trọng trong đánh giá tính hữu hiệu là phải xem xét giữa kết quả mong đợi trong kế hoạch với kết quả thực tế qua hoạt động. Đối với mỗi học giả nghiên cứu, ứng với các hệ thống đánh giá khác nhau thì sẽ có những quan điểm riêng về tính hữu hiệu, nhưng điểm chung trong quan điểm của họ chính là việc hoàn thành mục tiêu hay là những hoạt động để đáp ứng được mục tiêu.

Tính hữu hiệu của KSNB được mô tả với nội dung phản ánh mức độ các mục tiêu của tổ chức đạt được và mối quan hệ giữa tác động được mong đợi và tác động thực tế, đồng thời mục tiêu đạt được phải hiệu quả về mặt chi phí (INTOSAI GOV 9100, 2004). Tuy nhiên, phải tách biệt tính hữu hiệu của KSNB và hiệu quả của KSNB. Hiệu quả của KSNB là chất lượng của các kiểm soát mang lại một thước đo tối ưu của các nguồn lực đầu vào cho các kết quả đầu ra. Tính hiệu của KSNB tập trung vào chất lượng của các kiểm soát đối với việc đạt được các mục tiêu quản lý cụ thể (Applegate và Willis, 1999; trích Jokipii, 2006). Tính hữu hiệu của KSNB được đo lường trên cơ sở các xét đoán chủ quan của nhà quản lý. Nhà quản lý được yêu cầu đánh giá mức độ đảm bảo hợp lý của họ về ba mục tiêu của KSNB (tức là DN đã đáp ứng ba mục tiêu của KSNB tốt như thế nào?). COSO (2013) cho rằng KSNB là một quá trình, còn tính hữu hiệu là một trạng



thái hay điều kiện của quá trình có hiệu lực tại một thời điểm. Vì vậy, điều quan trọng là các nhà quản lý cần phải đánh giá tính hữu hiệu KSNB thường xuyên. Việc xác định KSNB có hữu hiệu hay không là một xét đoán chủ quan xuất phát từ sự đánh giá mức độ hữu hiệu ngoài ba mục tiêu còn đánh giá tính hữu hiệu 5 thành phần của KSNB. Cần lưu ý rằng, khi cho rằng năm tiêu chí trên cần được thỏa mãn khi đánh giá tính hữu hiệu của KSNB thì điều này cũng không có nghĩa là mỗi bộ phận hợp thành của KSNB đều phải hoạt động y hệt như nhau hoặc cùng mức độ ở các bộ phận khác nhau. Lý do, theo COSO (2013) như sau: có sự bù trừ tự nhiên giữa các bộ phận của KSNB. KSNB phục vụ cho nhiều mục tiêu vì vậy kiểm soát hữu hiệu ở bộ phận này có thể phục vụ cho mục tiêu kiểm soát ở bộ phận kia. Đồng thời, để đối phó với một rủi ro cụ thể, nhà quản lý có thể đề ra nhiều mức độ kiểm soát khác nhau ở các bộ phận khác nhau. Amudo và Inanga (2009) cho rằng khuôn khổ KSNB nếu quá chú trọng vào việc giải thích chi tiết về các thành phần khác nhau của hệ thống và phương pháp thiết kế chúng mà bỏ qua chi tiết về cách thức đo lường từng thành phần để đánh giá tính hữu hiệu của chúng là một KSNB thiếu sót. Do đó, điểm quan trọng trong đánh giá tính hữu hiệu là phải xem xét giữa kết quả mong đợi trong kế hoạch với kết quả thực tế qua hoạt động. Mỗi học giả khác nhau, ứng với mỗi KSNB khác nhau thì sẽ có quan điểm riêng của mình về tính hữu hiệu, nhưng điểm chung trong quan điểm của họ chính là việc hoàn thành mục tiêu hay những hoạt động để đáp ứng được mục tiêu. KSNB của các tổ chức khác nhau được vận hành với mức độ hữu hiệu khác nhau. Đồng thời một KSNB cụ thể của tổ chức cũng sẽ vận hành với mức độ hữu hiệu khác nhau ở các thời điểm khác nhau.

Từ việc hiểu được thuật ngữ về “tính hữu hiệu/effectiveness” gắn với nghiên cứu của luận án. NCS cho rằng KSNB của đơn vị có tính hữu hiệu (hiệu lực) là việc cung cấp sự đảm bảo hợp lý cho việc đạt được mục tiêu đề ra. Nói cách khác, KSNB hữu hiệu phải giảm thiểu rủi ro của việc không đạt được một hay cả 3 nhóm mục tiêu xuống mức thấp nhất có thể chấp nhận được.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 245 trang tài liệu này.

Nhiều nghiên cứu trước đã đo lường tính hữu hiệu của KSNB theo các tiêu chí bao gồm: tính hữu hiệu và hiệu quả của hoạt động, BCTC đạt được độ tin cậy, tuân thủ pháp luật và các quy định liên quan (Jokipii, 2006; Karagiorgos và cộng sự, 2011; COSO, 2013; Hồ Tuấn Vũ, 2016; Hung và Tuan, 2019; Phạm Quốc Thuận và Nguyễn công Cường, 2020; …). Đây là thang đo mà tác giả kế thừa và sử dụng trong luận án.

Thứ nhất, mục tiêu hoạt động: Đây là mục tiêu liên quan đến tính hữu hiệu và hiệu quả của hoạt động, bao gồm: các mục tiêu về hoạt động và tài chính, bảo vệ tài sản chống mất mát, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của tổ chức.

Nghiên cứu kiểm soát nội bộ trong các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam - 8



Thứ hai, mục tiêu báo cáo: Đây là mục tiêu liên quan đến báo cáo tài chính và phi tài chính trong và ngoài tổ chức cho các bên liên quan, bao gồm: độ tin cậy, tính kịp thời, minh bạch, hoặc các điều khoản khác được thành lập bởi các nhà quản lý, người thiết lập tiêu chuẩn và hoặc các chính sách của tổ chức.

Thứ ba, mục tiêu tuân thủ: Đây là mục tiêu liên quan đến luật và các quy định mà tổ chức phải tuân theo, bao gồm: sự tuân thủ pháp luật, các luật và quy định hiện hành.

Những mục tiêu của KSNB rất rộng, bao trùm lên mọi mặt hoạt động và có ý nghĩa quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của DN.

Ngoài ba mục tiêu trên, khi đánh giá tính hữu hiệu KSNB, người đánh giá phải hiểu hoạt động của 5 yếu tố thành phần, mục đích của các nguyên tắc và giả định cơ bản hoạt động của các yếu tố thành phần KSNB và cách chúng được áp dụng trong toàn tổ chức. Cụ thể:

- Năm yếu tố cấu thành của KSNB và các nguyên tắc kiểm soát liên quan đều phải hiện hữu và vận hành hữu hiệu trong thực tế. Cụ thể: các nguyên tắc kiểm soát là khái niệm cơ bản của từng yếu tố cấu thành. COSO (2013) tin rằng 17 nguyên tắc có thể phù hợp cho mọi loại hình đơn vị. Nếu một nguyên tắc không hiện hữu hoặc không vận hành hữu hiệu trong thực tế thì yếu tố liên quan cũng không hiện hữu hoặc không vận hành hữu hiệu.

- Năm yếu tố cấu thành cùng hoạt động như một thể thống nhất, cụ thể: sự vận hành của năm yếu tố tạo ra tác động chung làm giảm rủi ro không đạt được mục tiêu nào đó xuống mức thấp nhất có thể chấp nhận được. Năm yếu tố cấu thành của KSNB phụ thuộc lẫn nhau với các mối liên hệ và liên kết đa chiều giữa các yếu tố, nhất là sự tương tác giữa các nguyên tắc kiểm soát trong một yếu tố và giữa các nguyên tắc của các yếu tố khác nhau.

Nhà quản lý là người chịu trách nhiệm cao nhất trong việc đánh giá tính hữu hiệu của KSNB tại đơn vị. Ngoài ra có thể có sự tham gia của kiểm toán độc lập, cơ quan quản lý nhà nước nhưng không thay thế đánh giá của nhà quản lý.

2.2.2. Các lý thuyết nền tảng

2.2.2.1. Lý thuyết đại diện

Lý thuyết đại diện (Agency theory) ra đời vào năm 1976 bởi Jensen và Meckling khi nghiên cứu việc phân chia rủi ro giữa người ủy quyền và người đại diện do họ có mục tiêu và sự phân công lao động khác nhau. Theo hai tác giả, lý thuyết người đại diện cho rằng khi có sự tách biệt giữa quyền sở hữu và quyền điều hành sẽ nảy sinh mâu thuẫn



giữa người chủ sở hữu và người điều hành. Người điều hành không phải lúc nào cũng hành động vì lợi ích tốt nhất của cổ đông. Lý thuyết này tập trung nghiên cứu vào: mối quan hệ giữa chủ sở hữu - người điều hành như một hợp đồng mà một bên (chủ sở hữu) thuê bên khác (người đại diện hay người điều hành) thực hiện một số công việc thay cho mình và giao một số quyền quyết định cho người điều hành. Nếu cả hai bên đều là những người muốn tối đa hóa lợi ích, thì người điều hành không phải lúc nào cũng hành động vì lợi ích tốt nhất của người chủ sở hữu. Do có sự tách biệt giữa quyền sở hữu và quyền điều hành đã tạo ra thông tin bất cân đối xứng, người đại diện được xem là nắm được những thông tin riêng mà người ủy quyền không thể tiếp cận được. Những thông tin này là cơ sở cho việc lựa chọn những hành động của người đại diện. Một giả thuyết nữa là người đại diện không thích những rủi ro.

Theo đó, chính thông tin bất tương xứng và lợi ích cá nhân đã ngăn cản sự hợp tác giữa người ủy quyền và người đại diện. Để giải quyết mâu thuẫn này, cần thực hiện cơ chế thích hợp để hạn chế sự phân hóa lợi ích giữa người ủy quyền và người đại diện như: thiết lập những cơ chế đãi ngộ thích hợp cho người đại diện và chịu thêm chi phí cho việc thiết lập cơ chế giám sát hiệu quả để hạn chế những hành vi không bình thường, tư lợi của người đại diện. Vấn đề đại diện đã làm phát sinh chi phí đại diện, chi phí này là chi phí mà tổ chức phải gánh chịu do sự ủy nhiệm như chi phí liên quan đến việc sử dụng bên được ủy nhiệm. Chẳng hạn như chi phí giám sát do chủ sở hữu trả để đánh giá, theo dõi và kiểm soát hành vi người điều hành. Chi phí này bao gồm chi phí kiểm toán, chi phí tư vấn hợp đồng và chi phí thay thế người điều hành. Ngoài ra, một số hoạt động giám sát cũng đòi hỏi thêm chi phí như việc thực hiện các quy định của pháp luật. Những chi phí liên quan người điều hành để xây dựng cơ chế sao cho chủ sở hữu thấy được họ hành động tốt nhất vì lợi ích của chủ sở hữu hoặc cơ chế đãi ngộ họ tương xứng. Chi phí này được gọi là chi phí ràng buộc. Chi phí này không phải lúc nào cũng là dưới dạng tiền. Chi phí này có thể bao gồm chi phí cung cấp thêm thông tin cho cổ đông, nhưng ban điều hành rõ ràng có lợi từ việc chuẩn bị các thông tin như vậy để báo cáo. Chẳng hạn khi lợi ích của người điều hành và cổ đông cũng khó có khả năng gắn kết hoàn toàn với nhau. Do vậy, vẫn có những tổn thất phát sinh từ mâu thuẫn lợi ích, đó là tổn thất về tiền do người điều hành không hành động tốt nhất vì lợi ích cổ đông.

Vận dụng lý thuyết người đại diện:

- Lý thuyết này nhấn mạnh việc xem xét cơ chế giám sát của việc tách biệt giữa chủ sở hữu và người điều hành để đảm bảo lợi ích tốt nhất cho DN và các bên liên quan. Do đó, nghiên cứu xem xét việc tách biệt giữa chủ tịch HĐQT (chủ sở hữu) và Giám đốc điều hành (người đại diện) đem lại tính khách quan và chuyên nghiệp hơn trong công tác quản trị, đồng thời sẽ có sự bất đối xứng thông tin giữa chủ sở hữu và Giám



đốc diều hành, và việc tách bạch này cũng dựa trên sự phân tích mối quan hệ chi phí- lợi ích đối với quản trị DN nói chung và KSNB nói riêng.

- Lý thuyết này nhấn mạnh: thứ nhất, hoạt động kiểm soát cần phải được thiết kế các quy trình, thủ tục, phân công, phân nhiệm ủy quyền, thiết kế các chốt kiểm soát trọng yếu để làm giảm rủi ro. Hơn nữa, hoạt động kiểm soát được thiết kế dựa trên phân tích mối quan hệ giữa chi phí - lợi ích; thứ hai, cần thiết kế được hệ thống thông tin và truyền thông cả nội bộ và bên ngoài để giải quyết được sự bất cân đối xứng thông tin giữa người chủ sở hữu và người đại diện. Do đó, hoạt động kiểm soát, hệ thống thông tin và truyền thông sẽ thay đổi và phát triển phù hợp với sự thay đổi phát hiện rủi ro, sự bất cân đối xứng thông tin giữa người chủ sở hữu và người đại diện, đặc biệt nó phải phù hợp với môi trường kiểm soát. Ngoài ra, công tác đánh giá rủi ro giúp phát hiện các rủi ro cấp DN và quy trình sẽ cung cấp những dữ liệu quan trọng để thiết kế các quy trình thủ tục hay chốt kiểm soát sao cho phù hợp hay công tác giám sát giúp cho hoạt động kiểm soát hữu hiệu và hệ thống thông tin và truyền thông giải quyết được sự bất cân đối xứng thông tin giữa chủ sở hữu và Giám đốc điều hành.

2.2.2.2. Lý thuyết ngẫu nhiên

Lý thuyết ngẫu nhiên của tổ chức (Contingency theory of organizations) lần đầu tiên được phát triển trong lý thuyết tổ chức vào giữa thập niên 1960. Từ cơ sở ban đầu cho rằng DN là một hệ thống mở, các học giả tập trung nghiên cứu các giải pháp tốt nhất, để một DN hoạt động hiệu quả trong tất cả các tình huống (Simon, 1957; Bums và Stalker 1961). Từ đó, Lawrence và Lorsch (1967) đề xuất “thuyết ngẫu nhiên” nhằm giải thích sự phát triển và thành công của các DN. Lawrence và Lorsch (1967) đề cao vai trò và tầm ảnh hưởng của các yêu tố tình huống tới hoạt động của các DN. Học thuyết giải thích các mối quan hệ giữa các yếu tố tác động và kết quả trên cơ sở phân tích hành vi, hoạt động của DN, đồng thời lý giải những yếu tố tình huống cụ thể, như môi trường, công nghệ, kinh nghiệm và quy mô, có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ trên. Giữa thập niên 1970, lý thuyết kế toán mới tiếp tục phát triển lý thuyết này, theo đó lý thuyết đưa ra giả thuyết là một quy trình và cấu trúc hiệu quả của DN là ngẫu nhiên trong bối cảnh của DN (Waterhouse va Tiessen, 1978). Hambrick (1983) cho rằng lý thuyết ngẫu nghiên bao gồm việc xác định và làm cho khớp hoàn cảnh thực tế với hoàn cánh DN.

Mintzberg (1979) cho rằng các nhân tố ngẫu nhiên tác động đến cấu trúc của DN có thể chia làm bốn nhóm: số năm thành lập và quy mô của DN, hệ thống kỹ thuật DN đó sử dụng, môi trường xung quanh và sức mạnh của các mối liên hệ. Chenhall và Harrison (1981) đưa ra yếu tố môi trường và các yếu tố ngẫu nhiên nội tại như: công nghệ, quy mô, cấu trúc lại có tác động đáng kể lên các quy trình hoạt động và ra quyết định của DN. Sau này khi mở rộng và phát triển thêm lý thuyết, Otley (1980) cho rằng



không có một hệ thống quản trị hiệu quả duy nhất nào là phù hợp cho tất cả các tổ chức và phù hợp cho mọi hoàn cảnh bởi lẽ những đặc điểm riêng biệt của hệ thống và hiệu quả của nó sẽ phụ thuộc vào những đặc thù riêng của tổ chức và những tác nhân thuộc về ngữ cảnh. Tosi và cộng sự (1984) cho rằng cấu trúc tổ chức thích hợp và phong cách quản trị phụ thuộc vào một tập hợp các yếu tố ngẫu nhiên. Nội dung cơ bản của lý thuyết ngẫu nhiên là bối cảnh và cấu trúc tổ chức phải phù hợp với nhau để một tổ chức hoạt động tốt (Drazin và Van de Ven, 1985). Roth vả Morrison (1992) nghiên cứu sự phù hợp với bối cảnh liên quan đến việc sự phối hợp sắp xếp giữa môi trường - chiến lược. Priem (1994) lý giải sự phù hợp giữa chiến lược - cấu trúc - môi trường, mà dựa trên sự đánh giá hoạt động đem lại hiệu năng cao cho tổ chức. Sự phù hợp với ngữ cảnh khi một số đặc tính của biến ngữ cảnh được phối sắp xếp với các biển khác của tổ chức: cấu trúc, văn hóa, chiến lược (Venkatraman và Prescott, 1990). Lý thuyết ngẫu nhiên bao gồm 3 biến: phù hợp với hoàn cảnh, đáp ứng và hiệu quả và sự phù hợp. Các biến phù hợp với hoàn cảnh liên quan đến ngữ cảnh môi trường, trong khi các biến đáp ứng liên quan đến cấu trúc tổ chức hay các hoạt động quản lý (Tosi và Slocum Jr, 1984; Zeithaml và cộng sự, 1988). Theo lý thuyết ngẫu nhiên giải thích việc xây dựng mô hình khái niệm, hướng dẫn thiết kế tổ chức, hệ thống phù hợp với hoàn cảnh và sự thay đổi của thời gian. Lý thuyết này nêu rằng không có một cấu trúc duy nhất nào để áp dụng cho mọi tổ chức.

Thay vào đó, DN phải xem xét đến các yếu tố hoàn cảnh ảnh hưởng đến cơ cấu tổ chức để thiết lập một cơ cấu phù hợp với những yếu tố hoàn cảnh đó, mang lại hiệu quả và thích nghi với môi trường và thời gian. Những yếu tố hoàn cảnh đó được gọi là biến ngẫu nhiên. Khi xem xét mức độ của các biến cấu trúc (biến phụ thuộc) phải phù hợp với mức độ của các biến ngẫu nhiên thì mới đảm bảo đạt hiệu suất cao. Nếu các biến phụ thuộc không phù hợp với biến ngẫu nhiên, cấu trúc không thích ứng, sẽ dẫn đến việc làm giảm hiệu suất của DN. Điều này cũng có nghĩa là mức độ các biến ngẫu nhiên sẽ ít linh hoạt hơn so với mức độ của biến phụ thuộc, đây là trường hợp biến ngẫu nhiên là môi trường hoặc qui mô tổ chức, nên cấu trúc cần điều chỉnh để phù hợp với các biến ngẫu nhiên. Theo lý thuyết ngẫu nhiên đối tượng nghiên cứu chủ yếu là các công tác quản lý của tổ chức, do vậy đặc tính của các biến ngẫu nhiên chủ yếu liên quan đến cả ba phạm vi là tính hiệu quả, môi trường và sự phù hợp. Với tính hiệu quả của tổ chức các học giả nghiên cứu kết hợp trong cả phạm vi quá rộng hoặc quá hẹp. Ở phạm vi quá rộng, sự hiệu quả của tổ chức chỉ dừng lại để hoạt động và tồn tại chứ không quan tâm đến mức độ hiệu quả của hoạt động. Theo thời gian, tính hiệu quả trong một tổ chức thành công có liên quan đến sự năng động khi môi trường thay đổi, khả năng thích nghi với môi trường mới, các chiến lược mới và cơ sở hạ tầng mới. Ở phạm vi hẹp hơn, sự



hiệu quả của tổ chức chỉ đề cập đến lợi nhuận (Lawrence và Lorsch, 1967), tính hiệu quả chỉ gói gọn trong một số tiêu chí để đánh giá kết quả như thị phần sản phẩm, sự phát triển, sự linh hoạt, sự hữu hiệu, và chất lượng sản phẩm (Snow và Hrebiniak, 1980). Ngoài ra, tính hiệu quả còn được xác định dựa vào việc sử dụng hiệu quả của các nguồn lực, liên quan đến việc thu hoạch từ việc cung cấp dịch vụ cho khách hàng và công chúng trong các tổ chức nhà nước (Mott, 1972). Bởi vì các DN hoạt động nhờ vào vốn ngân sách và nguồn vốn tư nhân nên chỉ số lợi nhuận là một tiêu chuẩn phản ảnh giá trị xã hội rộng rãi phù hợp với triết lý của kinh tế phổ biến.

Tuy nhiên, với các nguồn vốn kinh doanh khác thì triết lý này không phù hợp, lợi nhuận không còn là tiêu chuẩn duy nhất cho sự hiệu quả mà thuật ngữ hữu hiệu được sử dụng rộng rãi trong nghiên cứu ngẫu nhiên. Thứ nhất, tính hữu hiệu đề cập đến cách tận dụng nguồn lực trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Thứ hai, hữu hiệu thông thường nói về kết quả của các thành phần của tổ chức như thu nhập, sự hài lòng công việc hay sự căng thẳng trong công việc và chất lượng cuộc sống, văn hóa dân tộc. DN được coi là một hệ thống mở cần được quản lý cẩn trọng để đáp ứng và cân bằng nhu cầu nội bộ, đồng thời có thể thích nghi với hoàn cảnh môi trường (Thompson, 1967). Vì thế nên bên trong của DN phải được thiết kế hợp lý để có thể tự kiểm soát, tìm cách đối phó với môi trường bất ổn bên ngoài nhằm mục đích thu về hiệu quả cao. Bên cạnh hiệu quả và môi trường, lý thuyết ngẫu nhiên được xây dựng trên cơ sở phù hợp. Cải tiến sự phù hợp giữa cơ cấu tổ chức của DN và các yếu tố của môi trường sẽ dẫn tới cải tiến hiệu quả. Mỗi DN có khả năng chịu đựng rủi ro khác nhau vì thế nên có một cơ cấu tổ chức, các hệ thống được thiết kế riêng biệt để có thể vận hành trong một thị trường luôn thay đổi nhằm đối phó để giảm thiểu rủi ro. Một cơ cấu tổ chức, hệ thống như vậy được xem là phù hợp và mang lại hiệu quả cho DN.

Lý thuyết ngẫu nhiên được vận dụng trong nghiên cứu hệ thống kiểm soát quản lý và KSNB: Chenhall (2003) dựa vào lý thuyết ngẫu nhiên để giải thích mối quan hệ: chiến lược kinh doanh, văn hóa tổ chức, cấu trúc tổ chức...đến hệ thống kiểm soát quản lý; Jokipii (2010) dựa vào lý thuyết ngẫu nhiên để giải thích các biến mang đặc tính tổ chức đến cấu trúc KSNB và tính hữu hiệu KSNB. Donaldson (2001) cho rằng cách tiếp cận ban đầu của lý thuyết ngẫu nhiên trong tổ chức gồm 3 yếu tố cốt lõi khi kết hợp với nhau sẽ tạo thành một mô hình được áp dụng trong KSNB. Thứ nhất, có mối liên hệ giữa các biến mang đặc tính ngẫu nhiên và cấu trúc KSNB. Thứ hai, các biến ngẫu nhiên này xác định cấu trúc KSNB, một tổ chức thay đổi các biến ngẫu nhiên này cũng sẽ thay đổi cấu trúc KSNB. Thứ ba, có sự phù hợp về mức độ của cấu trúc KSNB với từng mức độ của các biến ngẫu nhiên. Sự phù hợp dẫn đến tính hữu hiệu KSNB cao



hơn, ngược lại sự phù hợp dẫn đến tính hữu hiệu KSNB thấp hơn. Lý thuyết ngẫu nhiên cũng được tìm thấy COSO (1992, 2013) khi quy định rằng hai tổ chức không nên có KSNB giống nhau trừ khi các tổ chức đó hoàn toàn giống hệt nhau. Các tổ chức đều cần KSNB đối với các hoạt động của họ, nhưng KSNB có thể khác nhau. Vận dụng lý thuyết ngẫu nhiên, các nhà nghiên cứu cố gắng giải thích tính hữu hiệu của hệ thống kiểm soát kế toán và quản lý bằng cách thiết kế phù hợp với các nhân tố: môi trường, quy mô, cấu trúc, công nghệ, chiến lược, văn hóa, cạnh tranh và sự khác biệt xã hội (Chapman, 1997; Reid và Smith, 2000; Chenhall 2003).

Tác giả vận dụng lý thuyết ngẫu nhiên trong nghiên cứu của đề tài, nghiên cứu KSNB đặt trong bối cảnh của DN và sự phù hợp của các nhân tố mang đặc tính của tổ chức với thành phần KSNB sẽ làm cho tính hữu hiệu KSNB được tốt hơn. Điều này được khẳng định trong khuôn khổ COSO (1992, 2013) cho rằng KSNB sẽ khác nhau tùy theo đặc điểm tổ chức. Vì thế, lý thuyết ngẫu nhiên được chọn làm cơ sở lý thuyết nền tảng cho đề tài để luận giải sự thay đổi KSNB gắn với bối cảnh tổ chức khác nhau trong thực tế.

2.3. Mô hình nghiên cứu lý thuyết

2.3.1. Đặc điểm hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ

2.3.1.1. Đặc điểm của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ

Theo Luật kinh doanh bảo hiểm số 61/2010/QH12, bảo hiểm phi nhân thọ là loại BH bao gồm các nghiệp vụ BH tài sản, BH trách nhiệm dân sự, BH sức khỏe và các nghiệp vụ BH khác không thuộc BH nhân thọ. DNBH là DN được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của luật kinh doanh BH và các quy định khác của pháp luật có liên quan để kinh doanh BH, tái BH.

Đặc điểm của DNBHPNT:

+ Thứ nhất, DNBH có hoạt động kinh doanh tài chính, chủ yếu thường xuyên và mang tính nghề nghiệp là kinh doanh BH. Sản phẩm của BH là sản phẩm vô hình, nó là sự đảm bảo về mặt tài chính trước rủi ro cho người được BH kèm theo là dịch vụ có liên quan. Tâm lý người mua hàng không muốn tiêu dùng dịch vụ này vì không mong muốn có sự kiện rủi ro xảy ra để được nhận quyền lợi BH dù rằng quyền lợi đó có thể nhiều hơn gấp bội lần so với số phí phải đóng. Chu trình kinh doanh BH là chu kỳ đảo ngược, tức là sản phẩm được bán ra trước, doanh thu được thực hiện sau đó mới phát sinh chi phí.

+ Thứ hai, DNBH được tổ chức, thành lập và hoạt động theo các quy định của luật kinh doanh BH và các quy định khác của pháp luật.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 15/02/2023