Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp du lịch Bến Tre - 12


nghiệp. Chất lượng sản phẩm, dịch vụ phải gắn liền với lợi ích mà sản phẩm mang lại và thời gian cung cấp phải đảm bảo. Chất lượng sản phẩm, dịch vụ thường được đo lường bằng sự thỏa mãn, sự hài lòng của khách hàng. Kết quả tổng hợp cho thấy hầu hết các nhà quản lý cho rằng, yếu tố chất lượng sản phẩm, dịch vụ rất quan trọng trong việc tạo ra hình ảnh cũng như NLCT của doanh nghiêp. Đối với các thành phần của yếu tố này, các chuyên gia cho rằng chất lượng sản phẩm dịch vụ rất khó để đo lường vì nó phụ thuộc vào cảm nhận của khách hàng ở từng phân khúc khác nhau. Riêng trong lĩnh vực du lịch đòi hỏi sản phẩm, dịch vụ luôn đổi mới và khác biệt, bởi vì ít ai bỏ tiền ra để sử dụng một sản phẩm, dịch vụ du lịch mà họ đã từng trải nghiệm trước đó. Đối với Bến Tre, các sản phẩm, dịch vụ du lịch sinh thái truyền thống sông nước miệt vườn, làng quê và tham quan di tích văn hóa – lịch sử, công trình kiến trúc nghệ thuật kết hợp với nhiều lễ hội so với một số địa phương khác trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long tuy có nhiều điểm tương đồng, nhưng lại có những điểm khác biệt, điều này đã tạo thành dấu ấn đặc thù riêng, đó chính là dừa và sản phẩm từ dừa. Dừa tạo nên thương hiệu riêng cho du lịch Bến Tre với hơn 500 món ăn có các nguyên liệu từ dừa, các đặc sản từ dừa mà không phải địa phương nào cũng có được như đuông dừa, củ hũ dừa, mật hoa dừa. Dừa còn được sử dụng để tạo nên nhiều sản phẩm độc đáo khác như cơm dừa nạo sấy, thủ công mỹ nghệ dừa, kẹo dừa. Các vườn dừa tạo nên phong cảnh thiên nhiên gần gũi, trong lành, có một nét quyến rũ riêng, những hàng dừa đong đưa trong gió như hình ảnh của những người con gái đẹp đang chải tóc, hình ảnh ẩn dụ độc đáo mà trong ca khúc “Dáng đứng Bến Tre” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã viết: “Ai đứng như bóng dừa tóc dài bay trong gió”. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, chất lượng sản phẩm, dịch vụ trong du lịch không thể tách rời yếu tố con người (nhân viên phục vụ, hướng dẫn) và những dịch vụ hỗ trợ khác kèm theo như mua sắm, massage, bar,…. Vì thế, các chuyên gia cho rằng, yếu tố này nên bổ sung thêm thành phần như sản phẩm - dịch vụ phải gắn liền với cây dừa và các sản phẩm từ dừa, sản phẩm - dịch vụ phải mang nét đặc trưng riêng của du lịch sinh thái xứ dừa Bến Tre.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, các biến quan sát của thang đo này bao gồm:

(1) Các sản phẩm, dịch vụ doanh nghiệp cung cấp luôn gắn liền với các sản phẩm từ cây dừa (Tổng hợp ý kiến chuyên gia).

(2) Sản phẩm, dịch vụ doanh nghiệp cung cấp rất phong phú, đa dạng (Choi và Chu, 1999; Mittal, Kumar, và Tsiros, 1999; Ratchford, 1975; Ladd và Zober, 1977).


(3) Các sản phẩm, dịch vụ doanh nghiệp cung cấp luôn đảm bảo chất lượng và uy tín (Lewis và Booms, 1983; Berry, Zeithaml, và Parasuraman, 1990).

(4) Các sản sản phẩm, dịch vụ doanh nghiệp cung cấp luôn đổi mới (Barkema, 1993; Levins, 2000; Schweikhardt, 2000; Babcock, 2002).

(5) Các sản phẩm, dịch vụ doanh nghiệp cung cấp mang nét đặc trưng riêng của du lịch sinh thái xứ dừa Bến Tre (Tổng hợp ý kiến chuyên gia).

(6) Các sản phẩm, dịch vụ doanh nghiệp cung cấp thân thiện với môi trường xanh của xứ dừa Bến Tre (Oh, 1999; Dube, Enz, Renaghan, và Siguaw, 1999 và tổng hợp ý kiến chuyên gia).

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 308 trang tài liệu này.

Năng lực marketing

Theo Kotler và cộng sự (2006); Homburg và cộng sự (2007), năng lực marketing của doanh nghiệp được thể hiện ở khả năng theo dõi, đáp ứng được những thay đổi của khách hàng, đối thủ cạnh tranh và môi trường. Theo Nguyễn Đình Thọ và Nguyễn Thị Mai Trang (2011) thì năng lực marketing được xây dựng dựa trên 4 thành phần cơ bản, (1) Đáp ứng khách hàng, (2) Phản ứng với đối thủ cạnh tranh, (3) Thích ứng với môi trường vĩ mô và

Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp du lịch Bến Tre - 12

(4) Chất lượng mối quan hệ với đối tác.

Nguyen và Barrett (2006, 2007); Nguyen và cộng sự (2006); Nguyen (2007), cũng chỉ ra rằng, khả năng đáp ứng khách hàng, thích ứng với đối thủ cạnh tranh, đáp ứng với thị trường có quan hệ với kết quả kinh doanh. Nghiên cứu của Keh và cộng sự (2007) cho thấy, định hướng kinh doanh có mối quan hệ chặt chẽ với năng lực marketing của doanh nghiệp. Năng lực marketing là khả năng nắm bắt những thay đổi nhu cầu của khách hàng về sản phẩm, dịch vụ nhằm đáp ứng tốt với những thay đổi này. Vì vậy, năng lực này gắn liền với năng lực sáng tạo của doanh nghiệp (Benedetto và cộng sự, 2008).

Các câu hỏi phỏng vấn chuyên gia và thảo luận nhóm cho thang đo này theo Phụ lục

4. Kết quả tổng hợp (Phụ lục 5) cho thấy, hầu hết chuyên gia cho rằng yếu tố năng lực marketing là rất cần thiết trong hoạt động của doanh nghiệp du lịch, nó chính là công cụ quan trọng để truyền đạt thông tin về doanh nghiệp như sản phẩm dịch vụ, hình ảnh, uy tín,… Nó cũng là công cụ tương tác giữa doanh nghiệp và khách hàng, giúp doanh nghiệp tìm hiểu được nhu cầu, sở thích của khách hàng, từ đó các doanh nghiệp có thể cung cấp sản phẩm, dịch vụ phù hợp với các nhu cầu này. Để có một hoạt động marketing hiệu quả, các chuyên gia cho rằng, ngoài những thành phần mà tác giả nêu trên cần phải quan tâm đến chi phí đầu tư cho hoạt động này. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần phải quan tâm đến


các hoạt động quảng cáo, khuyến mãi để khuyến khích khách hàng tham gia. Đây là những yếu tố quan trọng nhưng chưa thấy tác giả đề cập đến trong nhóm này. Ngoài ra, hoạt động marketing không chỉ dừng lại ở hoạt động quảng cáo, khuyến mãi mà theo chuyên gia, doanh nghiệp cần quan tâm đến các hoạt động xã hội như tổ chức các sự kiện như giới thiệu sản phẩm, tham gia các hoạt động triển lãm, hội chợ, các hoạt động từ thiện,…

Kết quả nghiên cứu cho thấy, các biến quan sát của thang đo này bao gồm:

(1) Khả năng đáp ứng nhu cầu, thị hiếu khách hàng của doanh nghiệp luôn đảm bảo (Kotler và cộng sự, 2006; Homburg và cộng sự, 2007; Nguyễn Đình Thọ và Nguyễn Thị Mai Trang, 2011; Nguyen và Barrett, 2007; Nguyen và cộng sự, 2006; Nguyen, 2007).

(2) Doanh nghiệp luôn phản ứng tốt với đối thủ cạnh tranh (Kotler và cộng sự, 2006; Homburg và cộng sự, 2007; Nguyễn Đình Thọ và Nguyễn Thị Mai Trang, 2011; Nguyen và Barrett, 2007; Nguyen và cộng sự, 2006; Nguyen, 2007).

(3) Doanh nghiệp có khả năng thích ứng tốt với biến động của môi trường (Kotler và cộng sự, 2006; Homburg và cộng sự, 2007; Nguyễn Đình Thọ và Nguyễn Thị Mai Trang, 2011).

(4) Chiến lược phát triển các hoạt động marketing du lịch của doanh nghiệp luôn phát huy hiệu quả (Keh và cộng sự, 2007; Benedetto và cộng sự 2008).

(5) Chất lượng mối quan hệ của doanh nghiệp với khách hàng luôn đảm bảo (Nguyễn Đình Thọ và Nguyễn Thị Mai Trang, 2011).

Năng lực tổ chức, quản lý

Theo Porter (1980) năng lực tổ chức, quản lý trong doanh nghiệp được xem là yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, được thể hiện ở các mặt như trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý (trình độ học vấn, kiến thức); trình độ tổ chức, quản lý doanh nghiệp (Khả năng tổ chức bộ máy quản lý, phân định chức năng - nhiệm vụ của các bộ phận); năng lực hoạch định (hoạch định kế hoạch, chiến lược); tốc độ thay thế nhân sự trước các biến đổi. Đối với hoạt động du lịch và khách sạn thì năng lực này còn thể hiện thêm ở khả năng liên minh, liên kết. Khả năng tổ chức các liên minh, liên kết đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược cạnh tranh (Shaw và Williams, 1990; Preble, Reichel và Hoffman, 2000; Heath, 2000; Hwang và Chang, 2003; Pine và Phillips, 2005). Các liên minh thường khác nhau về động cơ, phạm vi, cấu trúc, mục tiêu và cách thức (Evans và cộng sự, 2003). Vì vậy, doanh nghiệp du lịch cần phải xác định rõ những yếu tố này để có những liên minh phù


hợp với mình. Liên minh, liên kết với các đối tác, nhà cung cấp, chính quyền, đối thủ nhằm bổ sung các kỹ năng và nguồn lực (Varadarajan và Cunningham, 1995). Các nguồn lực quan trọng đó bao gồm: vị trí, thương hiệu, khách hàng, cơ sở vật chất,…

Các câu hỏi phỏng vấn chuyên gia và thảo luận nhóm cho thang đo này theo Phụ lục

4. Kết quả tổng hợp (Phụ lục 5) cho thấy, hầu hết chuyên gia cho rằng, yếu tố này là rất cần thiết trong hoạt động của doanh nghiệp du lịch. Tuy nhiên, nếu tách biệt nhóm yếu tố trên thành năng lực tổ chức, quản lý và năng lực hợp tác liên minh thì dễ hiểu hơn, thuận tiện hơn trong trả lời phỏng vấn. Các chuyên gia cũng cho rằng, năng lực tổ chức, quản lý ảnh hưởng rất lớn đến NLCT của doanh nghiệp. Trình độ tổ chức, quản lý của doanh nghiệp được thể hiện qua trình độ của nhà quản lý trong việc hoạch định chiến lược phát triển cho doanh nghiệp, xây dựng bộ máy hoạt động, tổ chức các phòng ban, khả năng động viên. Bến Tre có lợi thế hơn các địa phương khác trong vùng ĐBSCL đó là quê hương xứ dừa, với sản phẩm đặc trưng từ dừa, môi trường thiên nhiên xanh sạch bởi những hàng dừa nên doanh nghiệp cần phải có năng lực tận dụng các lợi thế này trong xây dựng chiến lược phát triển của mình. Các chuyên gia cũng nhận định rằng, khả năng tổ chức các liên minh, liên kết đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch như công ty lữ hành, nhà hàng - khách sạn, khu du lịch,… Các doanh nghiệp này luôn phụ thuộc, hỗ trợ lẫn nhau trong một chuỗi các hoạt động từ tham quan, nghỉ dưỡng, tìm hiểu về lịch sử - văn hóa xã hội, môi trường thiên nhiên và thưởng thức ẩm thực. Khách du lịch luôn muốn tìm hiểu và thưởng thức càng nhiều càng tốt. Vì thế, một doanh nghiệp, một địa phương không thể nào làm tốt được điều này mà cần phải có sự kết hợp của nhiều doanh nghiệp ở nhiều địa phương. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần phải liên kết với các tổ chức đoàn thể, chính quyền nhằm thu hút và phục vụ du khách đến với những chuyến công tác, các sự kiện.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, các biến quan sát của thang đo này bao gồm:

(1) Doanh nghiệp có bộ máy tổ chức hoạt động hiệu quả, linh hoạt tận dụng được các lợi thế của Bến Tre (Porter, 1980; Ho, 2005; Tổng hợp ý kiến chuyên gia).

(2) Doanh nghiệp hoạch định được các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh doanh tốt (Porter, 1980; Ho, 2005).

(3) Việc bố trí sắp xếp và thay thế nhân sự luôn đảm bảo tốt cho các hoạt động dịch vụ (Porter, 1980; Ho, 2005).


(4) Doanh nghiệp tổ chức được các liên minh, hợp tác tốt với các đối tác trong và ngoài tỉnh (Shaw và Williams, 1990; Preble, Reichel và Hoffman, 2000; Heath, 2000; Hwang và Chang, 2003; Pine và Phillips, 2005).

(5) Bộ máy tổ chức của doanh nghiệp mang đặc trưng riêng về văn hóa, con người và quê hương Bến Tre (Tổng hợp ý kiến chuyên gia).

(6) Các liên minh, liên kết luôn mang đến lợi ích cho doanh nghiệp về khách hàng và bổ sung các nguồn lực còn thiếu (Bernini, 2009; Erkus, 2009).

Thương hiệu

Theo Kotler (1994), thương hiệu là một cái tên, một thuật ngữ, một dấu hiệu, một biểu tượng, một thiết kế,… hoặc là sự kết hợp của tất cả các yếu tố trên nhằm xác định hàng hóa, dịch vụ của một người bán. Còn theo các tác giả Aaker (2000); Keller (1998) và Knapp (2000) thì cho rằng, thương hiệu là một sản phẩm, nhưng là một sản phẩm có bổ sung các yếu tố khác để khác biệt hóa nó theo một cách nào đó.

Nhận biết thương hiệu bị ảnh hưởng bởi sức mạnh của thương hiệu trong trí nhớ, nó được phản ánh bởi khả năng xác định thương hiệu của khách hàng trong điều kiện khác nhau (Rossiter và Percy, 1987). Nó phản ánh sự hiện diện của một thương hiệu trong tâm trí của khách hàng (Konecnik, 2006). Theo Knapp (2000), thương hiệu là tổng hợp tất cả những ấn tượng từ khách hàng bởi vị trí được phân biệt rõ trong tâm trí của họ dựa trên những lợi ích chức năng và cảm xúc cảm nhận được. Còn theo Clifton và Simons (2003), thương hiệu là một tập hợp những thuộc tính hữu hình và vô hình, nếu như nó được quản lý đúng hướng sẽ tạo ra sức ảnh hưởng và giá trị. Các tác giả cũng khẳng định tên thương hiệu là quan trọng nhất trong các thành tố của thương hiệu, nó đóng góp quan trọng vào tài sản thương hiệu. Còn theo Keller (1998), các thành phần chính của thương hiệu bao gồm: tên thương hiệu, biểu trưng và biểu tượng, các đặc tính của thương hiệu, khẩu hiệu, nhạc hiệu.

Trong du lịch, hình ảnh của công ty du lịch, khu du lịch được xác định là một khái niệm của tất cả niềm tin, ý tưởng và ấn tượng (Crompton, 1979). Hình ảnh công ty du lịch, khu du lịch bao gồm hai khía cạnh, (1) Nhận thức (niềm tin và kiến thức về thuộc tính vật chất của một điểm đến); (2) Tình cảm (Hosany và cộng sự, 2006). Doanh nghiệp thể hiện hình ảnh rõ ràng, họ có thể giao tiếp hiệu quả với khách hàng về các dịch vụ, giá cả và thái độ của khách hàng (Brown và Ragsdale, 2002; Prasad và Dev, 2000). Các chương trình tiếp thị hiệu quả dựa trên xây dựng thương hiệu là quan trọng, gồm lòng trung thành của khách hàng và khách hàng sẵn sàng chi trả một mức giá cao cho thương hiệu (Kim và Kim, 2005). Xây dựng


thương hiệu cho một doanh nghiệp du lịch, khu du lịch là rất quan trọng nhằm tạo ra NLCT dài hạn và bền vững (Boo và cộng sự, 2009). Sở hữu thương hiệu được coi là một khái niệm quan trọng bởi vì việc tiếp thị có thể đạt được lợi thế cạnh tranh thông qua thương hiệu thành công (Lassar và cộng sự, 1995). Một thương hiệu mạnh có thể giúp phân biệt được sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp với đối thủ cạnh tranh (Lim và O'Cass, 2001).

Các câu hỏi phỏng vấn chuyên gia và thảo luận nhóm cho thang đo này theo Phụ lục 4. Kết quả tổng hợp (Phụ lục 5) cho thấy, hầu hết chuyên gia cho rằng, thương hiệu là yếu tố rất cần thiết trong hoạt động của doanh nghiệp du lịch. Du lịch là một trong những lĩnh vực rất nhạy cảm, khách du lịch sẽ có ấn tượng rất xấu và lan truyền thông tin này đến tất cả những người xung quanh nếu như họ nhận một sản phẩm du lịch tồi và không đúng như cam kết ban đầu. Khách du lịch thường trung thành và sẵn sàng trả một chi phí cao hơn với thương hiệu mà họ hài lòng. Đối với thành phần của nhóm này, các chuyên gia cho rằng, để có một thương hiệu uy tín, nhiều người biết đến ngoài việc đảm bảo chất lượng của dịch vụ doanh nghiệp cần phải quan tâm đến việc xây dựng, quảng bá hình ảnh của mình. Để làm được điều này, doanh nghiệp cần đầu tư cho việc xây dựng và phát triển thương hiệu như: xây dựng chiến lược quảng bá hình ảnh cũng như sản phẩm, tổ chức các sự kiện, tham gia các hoạt động xã hội,… Vì thế, ngoài những thành phần trong nhóm này các chuyên gia còn đề nghị bổ sung thêm yếu tố xây dựng và phát triển thương hiệu đặc thù của doanh nghiệp mình.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, các biến quan sát của thang đo này bao gồm:

(1) Thương hiệu của doanh nghiệp được nhiều người biết đến (Crompton, 1979; Rossiter và Percy, 1987; Keller, 1998; Lassar và cộng sự, 1995; Aaker, 2000; Knapp, 2000; Lim và O'Cass, 2001; Konecnik, 2006).

(2) Thương hiệu của doanh nghiệp được xây dựng và quản lý bài bản (Kim và Kim, 2005; Boo và cộng sự, 2009).

(3) Thương hiệu của doanh nghiệp đảm bảo niềm tin và cảm xúc với khách hàng (Hosany và cộng sự, 2006; Konecnik, 2006; Knapp, 2000; Rossiter và Percy, 1987).

(4) Các thành phần chính trong thương hiệu của doanh nghiệp (tên; biểu trưng, biểu tượng; đặc tính; khẩu hiệu; nhạc hiệu) rất thu hút và dễ hiểu (Crompton, 1979; Clifton và Simons, 2003).

(5) Thương hiệu doanh nghiệp thân thiện với môi trường (Baloglu và McCleary, 1999).


Nguồn nhân lực

Theo Manmohan (2013), nguồn nhân lực của một tổ chức bao gồm những nỗ lực, kỹ năng và khả năng của tất cả những người làm việc trong doanh nghiệp. Người nhân viên sẽ làm tốt công việc của mình vì lợi ích của tổ chức cũng như lợi ích của chính mình nếu như họ được quản lý một cách hiệu quả. Theo Porter (1980), chất lượng của nguồn nhân lực trong doanh nghiệp sẽ tác động đến năng suất mà họ cung cấp. Theo Brian và cộng sự (2001), nguồn nhân lực được coi là một tài sản của doanh nghiệp vì họ đóng một vai trò then chốt trong việc thực hiện mục tiêu, chiến lược và cũng là một nguồn tạo ra khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp. Cùng quan điểm trên, Wayne (2010) cho rằng, không có con người thì các tổ chức không thể tồn tại. Chất lượng của nguồn nhân lực ảnh đến chất lượng các dịch vụ du lịch và tính cạnh tranh của doanh nghiệp du lịch (Vesna và cộng sự, 2011).

Theo Duffey (1988), người lao động cần phải có khả năng hiểu, sử dụng được công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ thông tin và thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của tổ chức. Vì vậy, việc đào tạo, huấn luyện đóng một vai trò quan trọng nhằm tạo ra sự phát triển chiều rộng và chiều sâu kiến thức của tổ chức (Narasimbha, 2000). Theo Fântânariu và Andra (2011), nguồn nhân lực du lịch có tầm quan trọng đầu tiên trong việc tạo ra NLCT trong du lịch và luôn đi kèm với hoạt động đào tạo.

Theo David (2001), quản lý nguồn nhân lực là một phần không tách rời của chiến lược duy trì và phát triển doanh nghiệp. Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp được xác định bởi kỹ năng thì nguồn lực con người là yếu tố trung tâm trong việc đạt được khả năng cạnh tranh (Bueno, 1999). Vì vậy, quản lý nhân viên một cách hiệu quả, đảm bảo thỏa mãn nhu cầu của khách hàng về các dịch vụ sẽ tạo ra lòng trung thành đối với người tiêu dùng.

Các câu hỏi phỏng vấn chuyên gia và thảo luận nhóm cho thang đo này theo Phụ lục

4. Kết quả tổng hợp (Phụ lục 5) cho thấy, hầu hết chuyên gia cho rằng, nguồn nhân lực là yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến NLCT đặc biệt là trong ngành du lịch. Sản phẩm của ngành du lịch chủ yếu là dịch vụ, vì thế con người chính là yếu tố quyết định chất lượng của sản phẩm dịch vụ. Để hoạt động du lịch tốt đòi hỏi người nhân viên phải có nhiều kỹ năng hơn, kết hợp với khả năng tổ chức quản lý, đào tạo họ một cách liên tục. Theo các chuyên gia để tăng khả năng và lợi thế cạnh tranh trong du lịch cần phải trang bị cho nhân viên nhiều kỹ năng và sự sẵn sàng. Đối với thành phần của yếu tố nguồn nhân lực, chuyên gia cho rằng, thành phần thứ 1, nguồn nhân lực trong doanh nghiệp có chất lượng tốt là chưa rõ ràng. Cần thể hiện rõ các tiêu chuẩn để đánh giá, một trong những tiêu chuẩn quan


trọng của nguồn nhân lực trong lĩnh vực dịch vụ là nhiệt tình, vui vẻ, hướng dẫn khách hàng. Khi chọn nhân viên trong lĩnh vực này cần quan tâm đến nhận thức, tính cách và thái độ của nhân viên có phù hợp hay không?. Thành phần thứ 2, nguồn nhân lực phải đảm bảo các kỹ năng và phải thể hiện rõ ràng kỹ năng gì?.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, các biến quan sát của thang đo này bao gồm:

(1) Nguồn nhân lực đã qua đào tạo về kỹ thuật và chuyên môn (Porter, 1980; Narasimbha, 2000; Vesna và cộng sự, 2011).

(2) Nguồn nhân lực đảm bảo các kỹ năng cho hoạt động du lịch (Porter, 1980; Narasimbha, 2000; Vesna và cộng sự, 2011).

(3) Chiến lược sử dụng và quản lý nhân viên hiệu quả (Bueno, 1999; David, 2001; Manmohan, 2013).

(4) Nguồn nhân lực luôn được đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng và kiến thức (Narasimbha, 2000; Fântânariu và Andra, 2011).

Trách nhiệm xã hội

Theo Bowen (1953), trách nhiệm xã hội là trách nhiệm của chủ doanh nghiệp, không làm tổn hại đến quyền và lợi ích của người khác, chủ doanh nghiệp phải có lòng từ thiện và bù đắp những thiệt hại do doanh nghiệp mình gây ra khi làm tổn hại cho xã hội. Còn theo Sethi (1975), trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là nâng hành vi của doanh nghiệp lên một mức phù hợp với các quy phạm, giá trị và kỳ vọng xã hội đang phổ biến.

Theo Archie và Kareem (2010), trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp bao gồm: nghĩa vụ đóng thuế, trách nhiệm với khách hàng, trách nhiệm với xã hội – cộng đồng, trách nhiệm người lao động, bảo vệ môi trường. Còn Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp Việt Nam thể hiện ở hai lĩnh vực, lao động và môi trường. Cũng theo các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB), trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là sự cam kết của doanh nghiệp đóng góp vào sự phát triển kinh tế bền vững, hợp tác cùng người lao động, gia đình họ, cộng đồng và xã hội nói chung để cải thiện chất lượng cuộc sống cho họ, sao cho vừa tốt cho doanh nghiệp vừa ích lợi cho phát triển. Michel và Fr. Quairel (2009) khẳng định, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp thể hiện trên các phương diện như: đóng thuế đầy đủ, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động, bình đẳng trong đối xử với người lao động, thực hiện tốt vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, thực hiện nghiêm túc vấn đề bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 26/03/2023