Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Nguyễn Bắc Sơn - 2

2. Lịch sử vấn đề

2.1. Những ý kiến bàn chung về nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại

Trong văn học Việ t Nam đương đ ại, tiể u thuyế t chiế m mộ t v ị trí quan trọng. Thể tài này được coi là “cỗ trọng pháo” trong nền văn học. Chính vì thế từ giữa thậ p kỷ 90, trong bối cảnh hộ i nhậ p, tiể u thuyế t đã có s ự tìm tòi theo mộ t hư ớng mới, ở đó “hình thức của tiể u thuyế t đã trở thành chủ đề quan trọng”.

Tiểu thuyết Việt Nam đương đại đã có cách tân cả về nội dung lẫn nghệ thuật, nhất là giai đoạn từ sau đổi mới đến nay. Đây là giai đoạn mà văn học nói chung và tiểu thuyết nói riêng có những bước tiến đáng ghi nhận, đội ngũ sáng tác ngày càng đông đúc, số lượng tác phẩm dồi dào, trong đó có những tác phẩm thực sự có giá trị. Thực tế đó đòi hỏi giới nghiên cứu phải có sự quan tâm thích đáng đối với thể loại văn học chủ soái này.

Trong công trình Văn học Việt Nam sau năm 1975 - những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy do Nguyễn Văn Long và Lã Nhâm Thìn chủ biên, tập hợp khá nhiều ý kiến khác nhau về tiểu thuyết. Xin được điểm qua một số bài viết sau: Tiểu thuyết Việt Nam sau 1975 - nhìn từ góc độ thể loại của Bùi Việt Thắng; Một cách lý giải về thực trạng tiểu thuyết Việt Nam đương đại của Nguyễn Hòa; Ý thức cách tân trong tiểu thuyết Việt Nam sau 1975 của Nguyễn Bích Thu; Về một hướng thử nghiệm của tiểu thuyết Việt Nam từ cuối thập kỷ 80 đến nay của Nguyễn Thị Bình…

Những công trình, bài viết trên đây đề cập khái quát về nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại. Qua các công trình, bài viết đó, chúng tôi nhận thấy tiểu thuyết Việt Nam đang nỗ lực làm mới thể loại cho thích hợp với hiện thực mới phức tạp, đa chiều. Dư luận bạn đọc có chỗ thống nhất, cũng có chỗ xung đột, có cả cái nhìn hoài nghi bi quan nhưng không thể phủ nhận được một thực tế là các nhà văn nước ta đang rất giàu khát vọng cách tân tiểu thuyết. Trên cơ sở đó, chúng tôi nhận diện đóng góp của tác giả Nguyễn Bắc Sơn với hai cuốn tiểu thuyết Luật đời và cha con Lửa đắng được đông đảo bạn đọc yêu thích.

2.2. Những ý kiến bàn về tiểu thuyết Luật đời và cha con Lửa đắng

Sau khi xuất hiện trên văn đàn văn học đương đại, hai tiểu thuyết Luật đời và cha con Lửa đắng đã được bạn đọc và khán giả đón nhận như một “hiện tượng

mới”. Các nhà nghiên cứu phê bình văn học, đạo diễn điện ảnh và cả những bạn đọc yêu thích văn chương đều có những bài nhận xét, đánh giá. Đặc biệt đã có rất nhiều tờ báo có bài phỏng vấn trực tiếp nhà văn Nguyễn Bắc Sơn như : báo Văn nghệ, An ninh thủ đô, Nhà báo và công luận, Người lao động... Mỗi tác giả quan tâm đến những khía cạnh khác nhau của tác phẩm.

Là một nhà văn được yêu mến, một “hiện tượng” đang diễn ra, nên những bài viết tìm hiểu về sáng tác của Nguyễn Bắc Sơn được đăng tải nhiều trên các phương tiện truyền thông. Số lượng bài viết dồi dào, sắc thái, “cấp độ” tình cảm khác nhau, người viết có thể là nhà nghiên cứu, nhà phê bình văn học chuyên nghiệp hay đơn thuần chỉ là một độc giả yêu thích văn chương.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 118 trang tài liệu này.

2.2.1. Về tiểu thuyết Luật đời và cha con

Các nhà nghiên cứu phê bình văn học đánh giá tác phẩm ở nhiều khía cạnh nhưng đều thống nhất đánh giá cao thành công nổi bật của tác giả trong việc lựa chọn đề tài sáng tác mới, xông thẳng vào những vấn đề nóng bỏng, thậm chí có thể là mạo hiểm của cuộc sống hiện đại. Chúng tôi xin giới thiệu tóm tắt một số bài viết đó:

Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Nguyễn Bắc Sơn - 2

Nhà thơ, đạo diễn Đỗ Minh Tuấn trên báo Văn nghệ Trẻ số 40 (462)

ngày 2/10/2005 đã khẳng định: “Luật đời và cha con là cuốn tiểu thuyết Việt Nam đầu tiên mổ xẻ sự vận động của toàn xã hội trong quá trình đổi thay cơ chế , một sự vận động đụng chạm đến từng gia đình, từng số phận” [47, tr.541]. Trong bài viết tác giả cũng thẳng thắn chỉ ra một vài nhược điểm của tác phẩm là một số chương đoạn còn lan man, xô bồ, dễ dãi, chạy theo sự vụ, mượn mồm nhân vật để kể chuyện đời... Nhưng kết luận cuối cùng của bài viết là một lời khen ngợi: “Luật đời và cha con là một cuốn tiểu thuyết thuyết tình ái - chính trị gai góc và sinh động, một bước cố gắng thể hiện những vấn đề của cuộc sống và con người hiện đại ở góc nhìn mới mang tính luận đề, một cái nhìn trực diện về những diễn biến theo hướng suy đồi của xã hội hôm nay và chia sẻ những khó khăn của những người lãnh đạo có tầm nhìn mới, bản lĩnh mới và năng lực mới” [47, tr.543 - 544 ].

Bài viết Luật đời và cha con của nhà văn Hoàng Minh Tường (Báo Văn nghệ số 49 ngày 3/12/2005) cho rằng câu chuyện của tiểu thuyết Luật đời và cha con xoay quanh chuyện của một gia đình song cũng là chuyện của xã hội. Những tha hóa của các thành viên trong một gia đình nhìn bề ngoài mẫu mực, những mối quan hệ nhằng

nhịt trong hôn nhân, những vấn đề tham nhũng, tệ nạn xã hội...tất cả đều được phản ánh trong tác phẩm. Từ đó Hoàng Minh Tường khẳng định: “Ở lĩnh vực nào, ngòi bút của Nguyễn Bắc Sơn cũng tỏ ra hoạt náo và giàu chi tiết đời sống” [47, tr.549].

Trong bài Cái nhìn hiện thực và con người trong tiểu thuyết Nguyễn Bắc Sơnin trên Tạp chí Nhà văn số 3/2006, nhà nghiên cứu Bích Thu đã nhận định về thành công của tác phẩm: Đề tài mới mẻ mang tính thời sự “Luật đời và cha con là cuốn tiểu thuyết mang tính thời sự cập nhật đầy ắp chất liệu của đời sống và con người đương đại” [47, tr.551]; biết cách xây dựng nhân vật “trong sự soi chiếu từ nhiều điểm nhìn, tạo góc cạnh và chiều sâu cho nhân vật” [47, tr.553]; về kết cấu “thể hiện rõ cái nhìn mới của Nguyễn Bắc Sơn về cuộc đời và con người” [47, tr.556] thông qua hai mảng chính : chuyện gia đình với bao phức tạp do sự tác động của xã hội, chuyện xã hội với bao đề tài nhức nhối về tham nhũng, cơ chế...; Cách xây dựng các tình tiết “bất ngờ, mang đậm yếu tố bi hài làm nổi bật sự đa chiều, đa diện của hiện thực và con người” [47, tr.557]. Bên cạnh những thành công tác giả cũng chỉ ra một số hạn chế của nhà văn như: có những trang tác giả còn nói hộ nhân vật, văn viết có lúc thô, chưa thật uyển chuyển.

Trong chương trình Tác giả và tác phẩm do Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội 1 giới thiệu nhà văn Bắc Sơn, phát sóng 8/8/2009, nhà nghiên cứu Bích Thu cũng phát biểu về tiểu thuyết Luật đời và cha con như sau: “Với cuốn tiểu thuyết này nhà văn Nguyễn Bắc Sơn đã đem lại cho người đọc sự hấp dẫn và mang được những vấn đề mà tiểu thuyết đương đại mặc dù không có những cách tân lớn lao, tác phẩm được viết theo lối tiểu thuyết truyền thống nhưng tính hấp dẫn, hiện đại của đề tài, những thủ pháp nghệ thuật rất chừng mực của anh làm cho tiểu thuyết đến được bạn đọc”.

Bài Đi qua ranh giới để tồn tại của Nguyễn Đăng Điệp in trên báo Văn nghệ ngày 1/4/2006 nhấn mạnh đến đề tài mới mẻ, đến tổ chức và sự lựa chọn cách kể hợp lí của nhà văn Nguyễn Bắc Sơn. Bài viết cũng khẳng định ý nghĩa thực tiễn và những thành công ban đầu của Nguyễn Bắc Sơn: “Vấn đề anh đặt ra trong tác phẩm này gai góc hơn nhiều: Cần có sự chuyển đổi phương thức lãnh đạo đất nước trong đội ngũ Đảng viên sao cho phù hợp với những thay đổi của đời sống, phải nhanh chóng xem lại văn hóa Đảng trong điều kiện kinh tế thị trường. Đây là vấn đề nóng. Nóng đến mức nhiều người chỉ bàn mà ngại đụng bút... Đọc Luật đời và cha con, vì thế ta

như được tiếp xúc trực tiếp với những luồng điện nằm sẵn trong đời, được thấy phù sa đời sống chạm vào xúc giác của mình, được hít thở vị mặn của cuộc sống đang diễn ra trước mắt ta từng phút giây” [47, tr.563 - 567].

Tác giả cũng có ý kiến phát biểu trực tiếp, đánh giá thỏa đáng những thành công của nhà văn: về mặt tư duy tiểu thuyết, tiểu thuyết Nguyễn Bắc Sơn là tiểu thuyết mang tính luận đề, thông thường những tiểu thuyết luận đề thì khô khan nhưng Nguyễn Bắc Sơn đã biết mềm mại hóa, biết làm cho nó có khả năng chinh phục người đọc. Bởi lẽ cách tổ chức các tuyến sự kiện, tuyến nhân vật, ngôn ngữ rất gần gũi với đời sống. Chính điều này mang lại sự tươi mới cho tiểu thuyết của Nguyễn Bắc Sơn.

Nhà phê bình văn học Nguyễn Chí Hoan có bài Một cuốn tiểu thuyết về đổi mới in trên báo Người Hà Nội ngày 31/3/2006 nói về những điểm đổi mới của Luật đời và cha con gồm: Vấn đề xã hội mới được nói đến, tác phẩm được triển khai theo hình mẫu ngôn ngữ tiểu thuyết hiện thực “truyền thống” - “Cuốn tiểu thuyết này đặt trọng tâm và dựa cả vào nhân vật và cốt truyện, trong đó phần của các nhân vật có vai trò lấn át” [47, tr.573], điểm nhìn mới của cuốn tiểu thuyết “chính là nhìn vào một khía cạnh hiển nhiên nhưng không phải lúc nào cũng được chú ý”.

Trong buổi thảo luận về tiểu thuyết Luật đời và cha con do báo Văn nghệ tổ chức ngày 26/12/2006 có rất nhiều ý kiến phát biểu trực tiếp, khen ngợi thành công của cuốn tiểu thuyết. Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam phát biểu: “Tác phẩm của nhà văn Nguyễn Bắc Sơn đã thành công về mặt thể loại” [47, tr.580]. Nhà phê bình Lê Quang Trang cho rằng: “Thành công đáng chú ý nhất của cuốn tiểu thuyết là tác giả dũng cảm và sắc sảo trong việc phô bày những vấn đề của xã hội. Tác giả đã thông qua hình tượng nghệ thuật để nêu những bất cập của cơ chế, nêu độ vênh giữa lý luận và thực tiễn đời sống” [47, tr.581]. Nhà văn Phạm Ngọc Tiến đánh giá cao ý nghĩa thời sự của tác phẩm, theo ông: “Văn đàn năm nay có một số sự kiện, trong đó có cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Bắc Sơn. Lâu lắm mới có một cuốn tiểu thuyết thế sự, xông thẳng vào đời sống chính trị như thế này” [47, tr.582]. Nhà thơ, nhà phê bình Nguyễn Hoàng Sơn đánh giá: “ Luật đời và cha con dễ đọc, đọc được một mạch. Tác giả hiểu biết nhiều, không lên gân. Viết thành thực” [47, tr.583]. Cùng với quan điểm trên là quan điểm của nhà văn Dạ Ngân: “… cũng như Luật đời

và cha con của Nguyễn Bắc Sơn được đọc hiện nay là nhờ vấn đề gai cạnh, nóng sốt”

[47, tr.584].

2.2.2. Về tiểu thuyết Lửa đắng

Lửa đắng chỉ được giải ba trong cuộc thi tiểu thuyết lần thứ ba (2006-2010), nhưng nó là một trong những tác phẩm được dư luận quan tâm nhiều nhất. Các nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình đều đánh giá cao thành công của tác phẩm, và cho rằng nét nổi bật là sự mới mẻ về đề tài. Nhà văn đã đề cập đến những vấn đề bất cập trong cơ chế hành chính và những vấn đề xã hội ở nước ta, vấn đề này đã được triển khai ở Luật đời và cha con , nhưng được khai thác sâu hơn trong Lửa đắng.

Nhà văn Vũ Duy Thông, khi viết thay lời giới thiệu cho cuốn sách Lửa đắng đã viết: “Những nhân vật trong tiểu thuyết của Nguyễn Bắc Sơn đều đại diện cho một loại cán bộ, đảng viên, công chức nào đó. Nhưng vượt lên những ước lệ mòn sáo, những nhân vật này không chỉ gánh vác trách nhiệm đại diện của mình mà còn tồn tại như một con người cụ thể, có vui buồn, yêu, ghét; khát vọng cao cả và dục vọng thấp hèn; tự tin và tự ti; thành công và thất bại… Các nhân vật của ông tồn tại như người đang sống quanh ta, bởi thế, có lẽ là lần đầu tiên một cách có hệ thống, trong tiểu thuyết đương đại, người đọc được hé mở tấm màn của chủ nghĩa sơ lược để tiếp cận với lớp người vẫn thường được gọi là “quan” trong xã hội với tấm chân dung chân thực của nó” [51, tr.8 - 9].

Phạm Xuân Nguyên khi giới thiệu Sách hay - lan toả tri trức đã có bài “Lửa đắng và tiểu thuyết chính trị”. Bài viết khẳng định Lửa đắng là một tiểu thuyết chính trị. Tiểu thuyết đã “đưa người cán bộ đảng viên làm nhân vật trung tâm, và có thể nói ông là người đầu tiên dựng nên hình tượng người Tổng bí thư Đảng trong tác phẩm văn học”.

Bích Thu cũng có lời nhận xét khích lệ, biểu dương: “Nguyễn Khoa Điềm có tập thơ tên “Ngôi nhà có ngọn lửa ấm” nhưng đây lại là Lửa đắng. Nó đặt ra trước mắt chúng ta rất nhiều vấn đề nóng, nhiều vấn đề bức xúc về cơ chế, về đổi mới tư duy, về cải cách hành chính mà anh Nguyễn Bắc Sơn đã đưa tất cả vào trong tác phẩm của mình. Nói là tiểu thuyết chính trị, có thể nói là tiểu thuyết luận đề, ngay tên Lửa đắng đã là tiểu thuyết luận đề, hoặc những vấn đề đặt ra đã mang tính luận đề. Cái điều đáng nói ở đây là những nhân vật trong Lửa đắng không phải là cái loa

phát ngôn của tác giả. Những nhân vật hiện lên rất sống động, là những hình tượng nghệ thuật đều nói lên điều mà nhà văn tâm huyết”.

Bài Cuộc trở dạ đau đớn của Đào Thị Mĩ Dung in trên báo Văn nghệ số 39 ra ngày 26/9/2009 đã đề cập tới một số khía cạnh chính của tác phẩm: Đó là vị đắng của cuộc sống được phản ánh qua Lửa đắng. Vị đắng của cơ chế mua bán càng ngày càng ngấm sâu vào lòng độc giả, chà sát bao nhiêu tấc lòng còn nặng trĩu ưu tư về tương lai đất nước. Đó là trận chiến cải cách xã hội được thể hiện qua hình tượng nhân vật Trần Kiên - người đã thực hiện: “ nhất thể hoá hai vai trò trong một cương vị trở thành một giải pháp tránh những bất cập trong công tác quản lí, lãnh đạo; đồng thời bắt buộc người lãnh đạo phải luôn ý thức vai trò của mình trước Đảng và chính quyền” [7].

Trong cuộc tọa đàm về cuốn tiểu thuyết Lửa đắng của nhà văn Nguyễn Bắc Sơn (ngày 5/9/2011) do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, có rất nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình từ các nơi đến dự như: Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Quang Thiều, Phong Lê, Trần Đình Sử, Lê Thành Nghị, Bích Thu, Nguyễn Khắc Trường, Nguyễn Hoàng Sơn, Phạm Xuân Nguyên… nhiều bản tham luận đã được trình bày, nhiều ý kiến trao đổi về đề tài, về nội dung của Lửa đắng đã diễn ra. Cụ thể: Tham luận của nhà phê bình Lê Thành Nghị cho rằng đây là cuốn tiểu thuyết viết về đời sống hiện đại với nỗi đau trước cái ác và sự lộng hành của đồng tiền đang làm biến dạng một bộ phận xã hội, nhưng không làm độc giả mất niềm tin vào cuộc đời. Nhà thơ Hữu Thỉnh nhận định, nhà văn Nguyễn Bắc Sơn đã dám dũng cảm “xông vào” thể nghiệm một đề tài mang tính thời sự nóng bỏng hiện nay: cơ chế thị trường đã xâm nhập một cách mạnh mẽ vào các phương diện: quản lí - tri thức và giáo dục. Lửa đắng là một tác phẩm tiên phong đưa ra cái nhìn mới về những giá trị cũ, hệ tư duy cũ, cơ chế cũ… như một điều đáng báo động vẫn còn đang tiếp diễn trong cuộc sống hiện nay. Có tham luận lại nói về cách dàn dựng các tuyến nhân vật đối lập nhau của cuốn tiểu thuyết trong thế cờ cải cách hành chính.

Nhà văn Ma Văn Kháng có bài Lửa đắng bức toàn cảnh hôm nay in trên báo Văn nghệ số 19(12/5/2012). Bài viết nhận định Lửa đắng viết về rất nhiều vấn đề của cuộc sống hôm nay, về chuyện của một gia đình, chuyện của toàn xã hội: “Đọc Lửa đắng có cái thú vị là gặp gỡ ở đây một cuộc sống thật phong phú trên rất nhiều bình

diện…Nói thế là để đi đến một nhận xét căn bản nữa: Lửa đắng qua miêu tả hiện thực một đơn vị thành phố mang tên Thanh Hoa có cái vóc dáng và tham vọng trở nên một bức họa toàn cuộc ngày hôm nay” [19]. Nhà văn cũng ghi nhận, với Lửa đắng, Nguyễn Bắc Sơn đã “đẩy cuốn sách vào giữa dòng đời sôi sục đổi mới của ngày hôm nay”.

Bên cạnh đó còn có một số bài phỏng vấn trực tiếp nhà văn Nguyễn Bắc Sơn về Lửa đắng như : Sức khoẻ và đời sống có bài Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn: ngọn lửa văn chương là thuốc đắng, Việt Báo.vn có bài Lửa đắng sẽ bùng cháy, Tuanvietnam.net có bài Tiểu thuyết Lửa đắng - bức tranh tha hoá quyền lực, An ninh thủ đô với bài Sau Luật đời và cha con là Lửa đắng,…Các bài phỏng vấn đó đều có sự động viên, khích lệ nhà văn. Đồng thời thông qua những tâm sự của chính tác giả để làm rõ nội dung tác phẩm về đề tài, cách xây dựng nhân vật, ý đồ sáng tác…

Điểm lại những bài nghiên cứu, phê bình, những ý kiến phát biểu, thảo luận về hai tiểu thuyết của Nguyễn Bắc Sơn, chúng tôi nhận thấy:

Hầu hết các bài viết đều khẳng định tài năng và giá trị tác phẩm của Nguyễn Bắc Sơn, tuy còn đôi chỗ khác biệt nhưng về cơ bản là thống nhất. Hầu như các khía cạnh thành công của tác giả về cả nội dung và nghệ thuật đều được đề cập. Song vì mới chỉ dừng lại ở phạm vi các bài nghiên cứu, bài báo, ý kiến phát biểu, phỏng vấn… nên các tác giả chưa có điều kiện để đi sâu lí giải toàn diện, cụ thể về đặc điểm tiểu thuyết Nguyễn Bắc Sơn và những đóng góp của ông cho sự phát triển của tiểu thuyết Việt Nam đương đại. Chúng tôi xin tiếp thu tất cả ý kiến của các nhà nghiên cứu, các nhà văn, nhà báo, bạn đọc về tiểu thuyết của Nguyễn Bắc Sơn. Đó là những gợi mở quý báu để chúng tôi tiếp tục nghiên cứu trong luận văn của mình.

3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

3.1. Mục đích nghiên cứu: Đề tài tập trung nghiên cứu làm sáng tỏ đặc điểm nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Nguyễn Bắc Sơn về các mặt nghệ thuật tổ chức cốt truyện, nghệ thuật xây dựng nhân vật và nghệ thuật tổ chức trần thuật. Qua đó góp phần làm sáng rõ những đặc điểm cơ bản, những nét độc đáo, đặc sắc của nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Nguyễn Bắc Sơn.

3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu:

- Xác định những khái niệm liên quan đến nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết.

- Tìm hiểu về nghệ thuật tổ chức cốt truyện và xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết Nguyễn Bắc Sơn.

- Tìm hiểu về người kể chuyện, ngôn ngữ và giọng điệu trong tiểu thuyết Nguyễn Bắc Sơn.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

4.1. Đối tượng nghiên cứu: Đề tài tập trung nghiên cứu nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Nguyễn Bắc Sơn qua nghệ thuật tổ chức cốt truyện, nghệ thuật xây dựng nhân vật và nghệ thuật tổ chức trần thuật.

4.2. Phạm vi nghiên cứu: Luận văn khảo sát chủ yếu hai cuốn tiểu thuyết gây tiếng vang của Nguyễn Bắc Sơn, đó là Luật đời và cha con (Nhà xuất bản Văn học, 2008) và Lửa đắng (Nhà xuất bản Lao động, 2011), đồng thời có so sánh với một số tiểu thuyết cùng thời của một số tác giả khác.

5. Phương pháp nghiên cứu

Để thực hiện đề tài này, chúng tôi chủ yếu sử dụng những phương pháp sau:

5.1. Phương pháp thống kê - phân loại.

5.2. Phương pháp so sánh - đối chiếu.

5.3. Phương pháp hệ thống - loại hình.

5.4. Phương pháp phân tích- tổng hợp.

6. Cấu trúc của luận văn

Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Thư mục tham khảo, phần Nội dung được chia làm ba chương:

Chương 1: Khái quát về nghệ thuật tự sự và sáng tác của Nguyễn Bắc Sơn.

Chương 2: Nghệ thuật tổ chức cốt truyện và xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết Nguyễn Bắc Sơn.

Chương 3: Người kể chuyện, ngôn ngữ và giọng điệu trong tiểu thuyết Nguyễn Bắc Sơn.

7. Đóng góp của luận văn

Luận văn tìm hiểu Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Nguyễn Bắc Sơn nhằm chỉ ra những đặc điểm cơ bản, những nét độc đáo, đặc sắc của nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Nguyễn Bắc Sơn.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 26/09/2023