Nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành viễn thông Việt Nam - 2


PHẦN MỞ ĐẦU

1. Sự cần thiết của nghiên cứu

Ngành viễn thông là một trong những ngành có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, được coi là ngành kinh tế - kỹ thuật mũi nhọn, đi tắt đón đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của đất nước. Ngày 18/10/2001 Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 158/2001/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Bưu chính - Viễn thông Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, trong đó đã khẳng định quan điểm “Bưu chính, viễn thông Việt Nam trong mối liên kết với tin học, truyền thông tạo thành cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia, phải là một ngành mũi nhọn, phát triển mạnh hơn nữa, cập nhật thường xuyên công nghệ và kỹ thuật hiện đại. Phát triển đi đôi với quản lý và khai thác có hiệu quả, nhằm tạo điều kiện ứng dụng và thúc đẩy phát triển công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực của toàn xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước và nâng cao dân trí”. Chính phủ đã khẳng định và coi ngành viễn thông là trọng yếu góp phần quan trọng hình thành cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia. Chính phủ đã chỉ rõ việc xây dựng ngành viễn thông cùng với xu thế hội tụ của công nghệ tiên tiến và hiện đại tạo thành ngành kinh tế - kỹ thuật mũi nhọn đóng góp quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước “Xây dựng bưu chính, viễn thông trong xu thế hội tụ công nghệ thành ngành kinh tế - kỹ thuật mũi nhọn hoạt động hiệu quả, đóng góp ngày càng cao vào tăng trưởng GDP của cả nước, tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội”.

Cho đến nay ngành viễn thông Việt Nam đã có những bước thay đổi mạnh mẽ về cơ chế chính sách, biểu hiện rõ nhất là ngành viễn thông đang chuyển biến tích cực theo hướng thông thoáng hơn, tự do hơn và bắt đầu cho phép tư nhân tham gia đầu tư vào ngành viễn thông. Ngành viễn thông Việt Nam chuyển từ kinh doanh độc quyền từ một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ là VNPT đến nay thế độc quyền đã bị phá vỡ với sự ra đời của nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông khác, trong đó nổi lên 6 doanh nghiệp viễn thông lớn có tên tuổi. Ngoài hai doanh nghiệp của VNPT là Công ty thông tin di động VMS (MobiFone) và Công ty dịch vụ viễn thông Vinaphone, còn có các doanh nghiệp khác như: Công ty viễn thông điện lực (EVN Telecom - từ tháng 3/2012 đã thuộc về Viettel), Công ty cổ phần viễn thông Hà Nội (với mạng di độngVietnam mobile), Công ty cổ phần dịch vụ bưu chính viễn thông Sài Gòn, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) và Công ty Viễn thông di động toàn cầu Gtel Mobile (với mạng di động BeeLine chính thức ra mắt thị trường ngày 20/7/2009). Đến tháng 4/2012 Tập đoàn viễn thông Vimpelcom của Nga đã bán toàn bộ 49% cổ phần cho Gtel Mobile [14] và rút khỏi Việt Nam, và tháng 9/2012 Gtel đã công bố thương hiệu mới là Gmobile thay thế cho thương hiệu Beeline. Ngành viễn thông Việt Nam đang chứng kiến sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch


vụ viễn thông trong ngành, các doanh nghiệp chạy đua về tăng thuê bao, tăng thị phần, mở rộng mạng lưới, xây dựng thương hiệu, tăng doanh thu.

Ngành viễn thông Việt Nam có tốc độ tăng trưởng doanh thu nhanh liên tục những năm qua. Từ năm 2006 đến 2010 doanh thu viễn thông tăng liên tục từ hơn 2,7 tỷ USD lên 9,4 tỷ USD, sau 5 năm doanh thu viễn thông tăng gấp 3,3 lần. Tuy nhiên bước sang năm 2011 doanh thu viễn thông bị sụt giảm lớn xuống còn gần 7 tỷ USD, giảm 26% [9]. Sau một thời gian tăng trưởng nhanh và nóng, ngành viễn thông, nhất là viễn thông di động đã bước sang giai đoạn bão hòa về thuê bao nhưng dịch vụ gia tăng trên nền di động vẫn chưa phát triển và đang có nhiều cơ hội để gia tăng doanh thu và lợi nhuận, dịch vụ internet có nhiều tiềm năng phát triển .

Sau hơn 5 năm Việt Nam gia nhập WTO, thực hiện cam kết WTO về mở cửa thị trường viễn thông, năm 2009 là năm đánh dấu sự kiện ngành viễn thông bắt đầu chuyển biến theo cơ chế thị trường hơn với việc thực hiện cam kết WTO cho các doanh nghiệp viễn thông nước ngoài đầu tư vào thị trường viễn thông Việt Nam. Điển hình ngày 11/3/2010 Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT chính thức công bố tập đoàn ST Telemedia mua 10% cổ phần của Công ty CP đầu tư quốc tế VNPT (VNPT Global), ST Telemedia là công ty có trụ sở tại Singapore chuyên đầu tư trong lĩnh vực viễn thông với các hoạt động tại khu vực Châu Á -Thái Bình Dương, Châu Âu và Châu Mỹ, trọng tâm kinh doanh của hãng là lĩnh vực truyền thông di động và các dịch vụ IP toàn cầu [45].

Ngày 10/8/2011 hãng dịch vụ viễn thông di động lớn nhất Nhật Bản, NTT Docomo, cho biết đã bỏ hơn 1,4 tỷ Yên tương đương 370 tỷ đồng mua khoảng 25% cổ phần của Công ty Cổ phần Truyền thông VMG Media của Việt Nam, để mở rộng thị trường tại châu Á - Thái Bình Dương [33].

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 177 trang tài liệu này.

Điều đó có nghĩa các doanh nghiệp trong ngành viễn thông Việt Nam sẽ phải đối mặt cạnh tranh trực tiếp với các tập đoàn, các doanh nghiệp viễn thông nước ngoài hàng đầu thế giới vốn rất mạnh về tiềm lực tài chính, công nghệ hiện đại ngay trên sân nhà. Bản thân các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam phải nâng cao sức cạnh tranh để không bị đối tác nước ngoài trong các liên doanh thôn tính.

Đặc biệt một xu hướng mới trong ngành viễn thông là đầu tư ra nước ngoài để mở rộng thị trường, tăng doanh thu (ví dụ các doanh nghiệp trong ngành điển hình là Viettel đã tiên phong đầu tư xây dựng mạng viễn thông Metfone tại Campuchia và mạng Unitel tại Lào…), các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam khi đầu tư ra nước ngoài sẽ phải cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp viễn thông nước sở tại cũng như là các doanh nghiệp viễn thông nước ngoài khác đầu tư vào nước sở tại. Đây thực sự là thách thức rất lớn đối với các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam, điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết cần phải tìm ra các biện pháp nâng cao sức cạnh tranh của ngành viễn

Nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành viễn thông Việt Nam - 2


thông ở cả cấp độ vĩ mô là cơ chế chính sách và cấp vi mô là các biện pháp, phương thức kinh doanh của các doanh nghiệp viễn thông trong ngành.

Mặt khác ngành Viễn thông Việt Nam, tuy đã đạt được tăng trưởng cao trong thời gian qua, song đang bộc lộ dần những yếu kém, đó là: giá dịch vụ còn cao, trong khi chất lượng dịch vụ thấp, không ổn định, hạ tầng mạng lưới không đồng bộ và mất cân đối giữa nông thôn và thành thị, doanh thu bình quân trên 1 thuê bao giảm, dịch vụ cung cấp nghèo nàn, chăm sóc khách hàng thiếu chuyên nghiệp. Hệ thống chính sách quản lý điều hành viễn thông còn chưa theo kịp với sự phát triển nóng của ngành viễn thông. Thị trường viễn thông ngày nay đặc biệt là viễn thông di động không còn là mỏ vàng để các doanh nghiệp khai thác thỏa thích nữa mà bắt đầu bước vào giai đoạn bão hòa về thuê bao. Điều này đã tạo ra nhiều thách thức to lớn tới khả năng cạnh tranh trong thời gian tới của ngành Viễn thông Việt Nam.

Việc tìm ra một hệ thống những tri thức giúp các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách đưa các giải pháp để nâng cao sức cạnh tranh của cả hệ thống ngành viễn thông Việt Nam, đưa ngành viễn thông Việt Nam thật sự trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật mũi nhọn trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay là một đòi hỏi thực tiễn cấp thiết đặt ra. Xuất phát từ yêu cầu cấp bách đó, Nghiên cứu sinh đã lựa chọn đề tài “Nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành viễn thông Việt Nam” để thực hiện luận án tiến sỹ kinh tế của mình.

2. Mục đích nghiên cứu

Mục đích chung của việc nghiên cứu luận án là trên cơ sở luận giải các cơ sở khoa học (cơ sở lý luận về năng lực cạnh tranh cấp ngành và thực tiễn năng lực cạnh tranh của ngành viễn thông), xác định rõ những ưu điểm, hạn chế của ngành, thời cơ và thách thức, từ đó đề xuất hướng đi và các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành viễn thông trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Cụ thể, việc nghiên cứu Luận án tập trung vào các mục đích chính sau đây:

- Hệ thống hóa các vấn đề lý luận cơ bản liên quan đến nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành nói chung và nói riêng đối với ngành viễn thông mang nhiều nét đặc thù. Cụ thể: Nghiên cứu cơ sở lý luận về cạnh tranh và về năng lực cạnh tranh cấp ngành, các chỉ tiêu phản ánh năng lực cạnh tranh cấp ngành làm căn cứ lý luận cho việc đánh giá đầy đủ, khách quan, chính xác thực trạng năng lực cạnh tranh của ngành viễn thông Việt Nam. Để làm rõ phần lý luận, luận án tập trung tìm hiểu và vận dụng các lý thuyết quan niệm về ngành, cấu trúc ngành và mô hình Kim cương của Michael E.Porter để xác định những nhân tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của ngành viễn thông.

- Luận án phân tích và chỉ ra những tồn tại, hạn chế của các kết quả nghiên cứu trước đây có liên quan đến lĩnh vực năng lực cạnh tranh ngành viễn thông từ đó


thấy rõ khoảng trống, những vấn đề còn tồn tại, những vấn đề chưa được nghiên cứu về năng lực cạnh tranh của ngành viễn thông Việt Nam.

- Phân tích, đánh giá thực trạng năng lực cạnh tranh ngành viễn thông Việt Nam thời gian qua nhằm xác định những kết quả đạt được, những tồn tại hạn chế, điểm mạnh, điểm yếu về năng lực cạnh tranh ngành viễn viễn thông. Trả lời câu hỏi: Năng lực cạnh tranh ngành viễn thông hiện nay của Việt Nam như thế nào?

- Đề xuất phương hướng và hệ thống các giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành viễn thông Việt Nam thời gian tới.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

3.1. Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của luận án là năng lực cạnh tranh của ngành viễn thông Việt Nam. Tuy nhiên, do quá trình sản xuất kinh doanh của ngành viễn thông Việt Nam có quan hệ không tách rời với sự phát triển của nền kinh tế, vì thế trong quá trình nghiên cứu, Luận án cũng đề cập đến các yếu tố và điều kiện trong sự phát triển của các ngành có liên quan cũng như của toàn bộ nền kinh tế.

3.2. Phạm vi nghiên cứu

Phạm vi nghiên cứu là ngành viễn thông Việt Nam bao gồm các doanh nghiệp viễn thông không thuộc sở hữu 100% của nước ngoài đang hoạt động kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam và các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam đang hoạt động kinh doanh trên thị trường ngoài nước, không phân biệt thành phần kinh tế.

Trong ngành viễn thông, đề tài tập trung chủ yếu lĩnh vực viễn thông di động, viễn thông cố định và internet, băng rộng của ngành viễn thông để nghiên cứu.

Nội dung nghiên cứu của Luận án đề cập một cách toàn diện đến các yếu tố thuộc môi trường bên trong và bên ngoài ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của ngành viễn thông.

Đồng thời luận án cũng nghiên cứu bài học nâng cao năng lực cạnh tranh ngành viễn thông của các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới như Đài Loan, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil… làm kinh nghiệm cho Việt Nam.

Luận án chủ yếu sử dụng các số liệu từ năm 1993 trở về đây để nghiên cứu bởi giai đoạn này ngành viễn thông Việt Nam mới bắt đầu có những bước phát triển và cạnh tranh theo cơ chế thị trường. Đặc biệt là số liệu về ngành viễn thông từ năm 2006 trở về đây, đây là giai đoạn mà Việt Nam bắt đầu bùng nổ về thị trường viễn thông và thị trường bắt đầu bước vào cạnh tranh thực sự, bước vào năm 2010 viễn thông di động bắt đầu chớm bão hòa.


4. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài:

* Đóng góp về mặt lý luận:

- Luận án làm rõ khái niệm về ngành, cạnh tranh, năng lực cạnh tranh và năng lực cạnh tranh ngành viễn thông.

- Luận án đưa ra bộ tiêu chí phản ánh năng lực cạnh tranh của ngành viễn thông.

- Vận dụng mô hình viên kim cương mở rộng (của Michael E.Porter và John H.Dunning) vào để đánh giá sáu nhân tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của ngành viễn thông: Chiến lược, cấu trúc và cạnh tranh trong ngành viễn thông; Cầu thị trường viễn thông; Đầu tư nước ngoài; Điều kiện yếu tố sản xuất; Các ngành công nghiệp có liên quan và các ngành công nghiệp bổ trợ cho ngành viễn thông; Chính phủ.

* Đóng góp về mặt thực tiễn, đề xuất rút ra từ kết quả nghiên cứu:

- Luận án đưa ra những bài học kinh nghiệm về nâng cao năng lực cạnh tranh ngành viễn thông của các nước có trình độ phát triển viễn thông hàng đầu thế giới như Đài Loan, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil…

- Từ các phân tích về năng lực cạnh tranh ngành viễn thông Việt Nam, luận án rút ra những kết quả nổi bật và những điểm yếu cần được khắc phục để xác định cơ sở thực tiễn cho việc đề xuất các giải pháp kiến nghị nâng cao năng lực cạnh tranh ngành viễn thông.

- Luận án phân tích và chỉ ra cơ hội và thách thức đối với ngành viễn thông Việt Nam, điều này có ý nghĩa quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành viễn thông.

- Luận án đưa ra các giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh ngành viễn thông Việt Nam.

- Luận án đưa ra các kiến nghị để nâng cao năng lực cạnh tranh ngành viễn thông.

5. Kết cấu luận án

Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục kết cấu của luận án được trình bày trong 4 chương:

Chương 1: Tổng quan các công trình khoa học liên quan đến đề tài. Chương 2: Cơ sở lý luận năng lực cạnh tranh của ngành viễn thông. Chương 3: Thực trạng năng lực cạnh tranh của ngành viễn thông Việt Nam.

Chương 4: Phương hướng và giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành viễn thông Việt Nam.


CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI

1.1. Các công trình nghiên cứu liên quan mật thiết đến đề tài luận án

Lĩnh vực viễn thông đã được các tổ chức, cá nhân thực hiện nhiều nghiên cứu từ trước tới nay, tuy nhiên các đề tài nghiên cứu về ngành viễn thông chủ yếu trên góc độ phát triển kỹ thuật công nghệ, mạng lưới và một vài lĩnh vực nhỏ trong tổng thể ngành viễn thông, chưa có đề tài nào nghiên cứu một cách toàn diện và hệ thống năng lực cạnh tranh của ngành viễn thông Việt Nam giai đoạn 2006 trở về đây. Từ năm 2006 đến nay, giai đoạn ngành viễn thông Việt Nam có bước phát triển đột phá và mạnh mẽ, thay đổi căn bản và toàn diện.

1.1.1. Các công trình có liên quan đến lý luận về ngành, cạnh tranh và năng lực cạnh tranh cấp ngành

Lý luận về ngành:

Theo Porter (2008) [27] Ngành là một nhóm các doanh nghiệp sản xuất những sản phẩm thay thế gần gũi cho nhau.

Theo Viện khoa học thống kê thuộc tổng cục thống kê (2012) về phân ngành kinh tế thì việc phân ngành kinh tế thực chất là phân loại các hoạt động kinh tế xã hội có cùng đặc trưng hoạt động như là có cùng quy trình sản xuất, sử dụng yếu tố sản xuất đầu vào và sản phẩm có công dụng tương tự nhau, vào các ngành tương ứng, mà các hoạt động kinh tế xã hội đều được thực hiện bởi các đơn vị hoặc các tổ chức kinh tế xã hội khác nhau. Như vậy một ngành kinh tế là một tập hợp các đơn vị có đặc trưng của qui trình sản xuất giống nhau hoặc tương tự. Nguyên tắc phân ngành dựa vào 3 yếu tố chính là: Một là, đặc trưng sản phẩm hàng hóa và dịch vụ sản xuất ra. Hai là, nguồn nguyên liệu đầu vào và quy trình công nghệ. Ba là, công dụng của sản phẩm hàng hóa và dịch vụ.

Như vậy có thể hiểu ngành là một hệ thống tập hợp các đơn vị như là các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân sản xuất và cung cấp những sản phẩm tương tự, thay thế cho nhau dựa trên các yếu tố đầu vào, quy trình sản xuất, công nghệ và sản phẩm đầu ra có công dụng tương tự nhau.

Lý luận về cạnh tranh:

Theo từ điển Bách Khoa Toàn thư online Việt Nam [41]: Cạnh tranh được hiểu là hoạt động tranh đua giữa những người sản xuất hàng hoá, giữa các thương nhân, các nhà kinh doanh trong nền kinh tế thị trường, bị chi phối bởi quan hệ cung - cầu, nhằm giành các điều kiện sản xuất, tiêu thụ và thị trường có lợi nhất. Cạnh tranh buộc những người sản xuất và buôn bán phải cải tiến kĩ thuật, tổ chức quản lí để tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng hàng hoá, thay đổi mẫu mã, bao bì phù hợp với thị hiếu của


khách hàng; giữ tín nhiệm; cải tiến nghiệp vụ thương mại và dịch vụ, giảm giá thành, giữ ổn định hay giảm giá bán và tăng doanh lợi”.

Theo giáo trình Kinh tế Chính trị Mác - Lênin (2004) [15] dùng cho khối ngành kinh tế - quản trị kinh doanh, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia: Cạnh tranh được hiểu là sự đấu tranh giữa các chủ thể hành vi kinh tế nhằm giành lợi ích tối đa cho mình.

Theo quan điểm của Diễn đàn OECD (2000) [67]: Cạnh tranh được hiểu là khả năng của doanh nghiệp, ngành, quốc gia và vùng trong việc tạo ra việc làm và thu nhập cao hơn trong điều kiện cạnh tranh quốc tế.

Như vậy có thể thấy có nhiều cách tiếp cận khác nhau dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau về thuật ngữ cạnh tranh song chúng đều có điểm chung là cạnh tranh bản chất là sự ganh đua, đấu tranh, tìm mọi biện pháp, phương thức và các cách thức tiến hành với mục đích là giành được sự tồn tại, khẳng định được ưu thế, hơn hẳn đối thủ về lợi thế, kết quả, danh tiếng, lợi nhuận, địa vị hay những thứ khác mà các bên mong muốn đạt được.

Lý luận về năng lực cạnh tranh:

Theo từ điển Bách Khoa Toàn thư online Việt Nam [41]: “Năng lực cạnh tranh là khả năng của một mặt hàng, một đơn vị kinh doanh, hoặc một nước giành thắng lợi (kể cả giành lại một phần hay toàn bộ thị phần) trong cuộc cạnh tranh trên thị trường tiêu thụ. Một mặt hàng có NLCT là mặt hàng có thể thu hút được nhiều người mua hơn những hàng hoá cùng loại đang được tiêu thụ trên thị trường. NLCT dựa trên nhiều yếu tố: giá trị sử dụng và chất lượng sản phẩm cao, điều kiện sản xuất ổn định do sản xuất dựa chủ yếu trên cơ sở kĩ thuật hiện đại, công nghệ tiên tiến, quy mô sản xuất lớn và nhờ đó giá thành và giá cả sản phẩm hạ. Các yếu tố xã hội như giữ được tín nhiệm (chữ tín) trên thị trường, việc tuyên truyền, hướng dẫn tiêu dùng, quảng cáo cũng có ảnh hưởng quan trọng. Ở nhiều nước, các nhà sản xuất còn sử dụng một số hình thức như bán hàng trả tiền dần (trả góp) để kích thích tiêu dùng, trên cơ sở đó tăng NLCT”.

Theo OECD (1996) [66]: Năng lực cạnh tranh là sức sản xuất ra thu nhập tương đối cao trên cơ sở sử dụng các yếu tố sản xuất có hiệu quả làm cho doanh nghiệp, các ngành, các địa phương, các quốc gia và khu vực phát triển bền vững trong điều kiện cạnh tranh quốc tế.

Theo Diễn đàn kinh tế thế giới (2006) [74] quan niệm: Năng lực cạnh tranh là khả năng của một đất nước trong việc đạt được tỷ lệ thu nhập bình quân đầu người cao và bền vững”.

Như vậy có thể thấy rằng Năng lực cạnh tranh có nhiều cách hiểu, nhiều quan điểm khác nhau do đứng trước các cách tiếp cận khác nhau, tuy nhiên có thể hiểu rằng năng lực cạnh tranh là khả năng của chủ thể trong việc kiểm soát, làm chủ, sử dụng các lợi


thế, các nguồn lực của chủ thể hiệu quả hơn, đạt kết quả cao hơn so với nội tại và so với các đối thủ cạnh tranh.

Lý luận về năng lực cạnh tranh cấp ngành:

Theo United Nations (2001) [72] Năng lực cạnh tranh của một ngành là khả năng sinh lời của các doanh nghiệp trong ngành, cán cân ngoại thương của ngành, cán cân đầu tư nước ngoài (đầu tư ra nước ngoài và đầu tư từ nước ngoài vào) và những thước đo trực tiếp về chi phí và chất lượng ở cấp ngành.

Theo Van Duren (1991) [73] Năng lực cạnh tranh cấp ngành là năng lực duy trì được lợi nhuận trên thị trường trong nước và quốc tế.

Khi nói tới năng lực cạnh tranh cấp ngành chủ yếu nói tới ở phạm vị rộng lớn, ám chỉ tới sự mạnh, yếu của một lĩnh vực, sản phẩm trên phạm vi quốc gia hoạt động trên thị trường trong nước và quốc tế. Trong ngành đó là tập hợp những doanh nghiệp có đặc điểm sản xuất, công nghệ, phương thức sản xuất giống nhau, tương tự nhau, cung cấp sản phẩm giống nhau, tương tự nhau ra thị trường để cạnh tranh với nhau.

Như vậy bản chất của năng lực cạnh tranh của ngành là năng lực để tạo ra sản phẩm và dịch vụ có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước hoặc quốc tế nhằm tạo ra và duy trì lợi nhuận, hiệu suất cao trên thị trường trong nước và quốc tế. Năng lực cạnh tranh của một ngành thường xuyên vận động chứ không bất biến, cấu trúc của ngành luôn vận động và biến đổi.

Mối quan hệ giữa năng lực cạnh tranh ngành với phát triển ngành:

Đứng trên quan điểm triết học có thể chia một vấn đề thành hai mặt là mặt lượng và mặt chất. Mặt lượng là biểu hiện thuộc tính bên ngoài, mặt chất là biểu hiện thuộc tính bên trong của vấn đề.

Áp dụng vào phân tích năng lực cạnh tranh của ngành và phát triển ngành thì giữa năng lực cạnh tranh của ngành và phát triển ngành có điểm giống và khác nhau khi phân tích.

Điểm giống nhau:

Điểm giống nhau chủ yếu là về mặt lượng hay sự biểu hiện ra bên ngoài của năng lực cạnh tranh của ngành và phát triển ngành, được biểu hiện qua quy mô và tốc độ tăng trưởng của ngành. Quy mô của ngành thường được biểu hiện qua tổng giá trị hay sản lượng mà ngành tạo ra được trong một khoảng thời gian nhất định. Tốc độ tăng trưởng của ngành thể hiện quy mô của ngành tăng nhanh hay chậm so với thời gian trước hay so với quá trình thời gian.

Điểm khác nhau:

Xem tất cả 177 trang.

Ngày đăng: 01/10/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí