Về Phía Các Ngân Hàng Thương Mại


ngân hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp mới đi vào sản xuất kinh doanh.

Các doanh nghiệp này thường khởi nghiệp có tính chất cá biệt cao trên cơ sở nhận thức được các cơ hội đầu tư sinh lời, các nhà đầu tư hầu như tự bỏ vốn, tự khai thác thị trường yếu tố đầu vào, đầu ra,… nên năng lực tài chính của các DNNVV tại tỉnh Phú Thọ thấp. Ngoài ra, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, sức tiêu thụ của thị trường giảm sút, sản phẩm, hàng hóa ứ đọng, xuất khẩu hàng hóa giảm cả về sản lượng và giá trị, DNNVV có xu hướng thu hẹp sản xuất, hoạt động cầm chừng, nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể hoặc ngừng hoạt động,… dẫn đến nhu cầu vay vốn của DNNVV giảm, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp thấp, đặc biệt là vốn trung dài hạn và chất lượng cho vay của NHTM sụt giảm.

Uy tín và vị thế DNNVV tại tỉnh Phú Thọ còn thấp. Các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp vẫn chưa khẳng định được thương hiệu vững chắc trên thị trường. Các doanh nghiệp chưa chú trọng xây dựng thương hiệu, chưa vươn xa và chưa tự đảm bảo khả năng đứng vững trên thị trường.

Năm là, trình độ quản trị và khả năng hội nhập của DNNVV tỉnh Phú Thọ còn nhiều bất cập, chưa có nhiều kinh nghiệm trong lập hồ sơ vay vốn, các dự án đầu tư/phương án sản xuất kinh doanh thiếu tính khả thi. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do DNNVV thiếu đội ngũ cán bộ có trình độ cao. Lãnh đạo doanh nghiệp còn yếu về khả năng xây dựng kế hoạch và xác định tầm nhìn chiến lược trong kinh doanh của DNNVV, dẫn đến việc các dự án đầu tư/phương án sản xuất kinh doanh của DNNVV thiếu sáng tạo, thiếu năng động, chưa đạt hiệu quả cao, do vậy chưa thuyết phục được NHTM cấp tín dụng.

Sáu là, tính minh bạch tình hình tài chính của các DNNVV tại tỉnh Phú Thọ chưa cao. Các DNNVV hiện nay vẫn chưa tách biệt được vốn đầu tư của


cá nhân, gia đình và vốn đầu tư của doanh nghiệp, dẫn đến số vốn đầu tư trong sổ sách kế toán thường thấp hơn so với số vốn thực tế doanh nghiệp bỏ ra kinh doanh, do đó khi phân tích tình hình tài chính DNNVV, các NHTM thường đánh giá năng lực tài chính của doanh nghiệp thấp hoặc không đủ năng lực trả nợ. Trong quá trình quản lý khoản cho vay, việc kiểm soát dòng tiền và mục đích sử dụng vốn của DNNVV cũng gặp nhiều khó khăn do các giao dịch thanh toán của DNNVV chủ yếu bằng tiền mặt, không có hóa đơn chứng từ, doanh nghiệp có nhiều khoản thu chi không được ghi nhận trên sổ sách kế toán,…

Ngoài ra, việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của các DNNVV trên địa bàn tỉnh Phú Thọ còn gặp nhiều khó khăn do các nguyên nhân khác như sức cạnh tranh của DNNVV trên thị trường trong nước và quốc tế còn thấp; biến đổi khí hậu, tình hình thiên tai, bão lũ ngày càng phức tạp cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của các DNNVV, kéo theo đó là ảnh hưởng tới chất lượng tín dụng DNNVV của các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

2.3.2.2. Về phía các ngân hàng thương mại

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 248 trang tài liệu này.

Bên cạnh những kết quả đạt được trong mở rộng tín dụng DNNVV, hỗ trợ DNNVV tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng thì còn một số hạn chế về phía NHTM cần được khắc phục, cụ thể:

Một là, mặc dù các NHTM đã có những động thái tích cực hướng đến thị trường tín dụng DNNVV nhưng các NHTM chưa có những nghiên cứu chính thức quy mô lớn về đối tượng khách hàng DNNVV, nhiều NHTM còn dè dặt trong cấp tín dụng cho DNNVV. Qua đó cho thấy các NHTM chưa thực sự am hiểu về DNNVV, dẫn đến các cải cách chính sách tín dụng của NHTM vẫn chưa thực sự hiệu quả, chưa sát với nhu cầu và đặc thù của DNNVV, tác động đến khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của DNNVV thấp. Các cơ chế,

Nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại tỉnh Phú Thọ - 18


chính sách của NHTM đều áp dụng chung cho các đối tượng khách hàng, không phân khúc theo thị trường theo quy mô doanh nghiệp hay theo những đối tượng khách hàng DNNVV đặc thù. Đặc biệt đối với những doanh nghiệp nhỏ, DNNVV mới thành lập thì các NHTM vẫn chưa có những chính sách tín dụng riêng.

Hai là, các sản phẩm tín dụng của NHTM dành cho DNNVV chưa được đa dạng hóa, thông tin về các chương trình, sản phẩm tín dụng chưa được phổ biến kịp thời tới các DNNVV. Sản phẩm tín dụng chủ yếu là các sản phẩm truyền thống, chất lượng chưa cao, không có sự khác biệt lớn giữa các NHTM, tính cạnh tranh giữa các NHTM thấp. Chưa có nhiều những sản phẩm tín dụng đặc thù phù hợp với đặc điểm riêng của DNNVV. Một số NHTM cũng đã triển khai các sản phẩm tín dụng cho DNNVV nhưng các sản phẩm này còn mang tính riêng lẻ với những điều kiện và giới hạn nhất định, cũng như mang tính đồng nhất cho mọi khách hàng DNNVV. Điều này một mặt do nghiệp vụ quản trị rủi ro tín dụng ở các NHTM chưa cao; mặt khác do NHTM thiếu sự am hiểu sâu sắc về DNNVV, do đó để thiết kế và cho ra đời các sản phẩm tín dụng phù hợp với đặc thù của DNNVV đòi hỏi phải có thời gian và chi phí đầu tư ban đầu lớn, trong khi tín dụng DNNVV tại Việt Nam vẫn chưa phát triển, tiềm ẩn nhiều rủi ro và chi phí quản lý lớn dẫn đến việc một số NHTM, đặc biệt là các NHTM quy mô nhỏ mới bắt đầu “thăm dò” thị trường và áp dụng thí điểm các quy chế cho vay, quy trình tín dụng,… cho một nhóm nhỏ khách hàng DNNVV đã được sàng lọc qua các tiêu chí thẩm định khắt khe.

Ba là, mặc dù theo đánh giá của nhiều DNNVV, quy trình và thủ tục cho vay của các NHTM đã có nhiều đổi mới, nhân viên NHTM luôn nhiệt tình hướng dẫn và giúp đỡ DNNVV, các thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm, công chứng tài sản thế chấp đã nhanh gọn hơn. Tuy nhiên, nhiều DNNVV


cho rằng thủ tục vay vốn của một số NHTM còn phức tạp, điều kiện cấp tín dụng cho DNNVV còn quá chặt chẽ. Nguyên nhân của tình trạng này là do nhiều NHTM lo ngại về rủi ro tiềm ẩn khi mở rộng tín dụng DNNVV nên đã đưa ra các chính sách sàng lọc khách hàng DNNVV khá chặt chẽ như quy định về thời gian hoạt động tối thiểu, DNNVV phải kinh doanh có lãi, bắt buộc DNNVV phải có tài sản đảm bảo là bất động sản,… Các tiêu chí và quy định này được áp dụng với đại bộ phận DNNVV, chưa xét đến đặc thù riêng của từng nhóm khách hàng. Những tiêu chí, quy định này là rào cản lớn đối với các DNNVV khi tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, đặc biệt khi một lượng lớn DNNVV được thành lập từ chính sách khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi lên mô hình DNNVV và chủ trương khuyến khích khởi nghiệp hiện nay thì tiêu chí về thời gian hoạt động sẽ làm các DNNVV mới thành lập này không đáp ứng được, và tình trạng DNNVV tại tỉnh Phú Thọ khó tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng sẽ trở lên trầm trọng hơn trong thời gian tới nếu không có giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Bốn là, kết quả nghiên cứu thực nghiệm tại tỉnh Phú Thọ cho thấy chi phí vay vốn là nhân tố tác động mạnh nhất đến khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của DNNVV, điều này cho thấy các DNNVV đang mất một khoản chi phí không nhỏ để có được quyền sử dụng vốn của NHTM. Khi vay vốn, các DNNVV phải cân nhắc chi phí sử dụng vốn bao gồm tiền lãi vay và các chi phí khác để có được quyền sử dụng vốn của NHTM. Trong đó, việc mất nhiều chi phí thuê tư vấn của các bên liên quan để thỏa mãn các điều kiện cấp tín dụng của NHTM đã làm cho một số DNNVV không đủ kiên nhẫn để tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Ngoài ra, khả năng tư vấn của cán bộ NHTM không hiệu quả, không sát với DNNVV đã làm cho DNNVV tốn nhiều thời gian và chi phí để thực hiện nghiệp vụ vay vốn. Một thực tế hiện nay là trình độ, năng lực chuyên môn của nhiều cán bộ tín dụng chưa đáp ứng được yêu


cầu cho vay DNNVV, đặc biệt là trong việc phân tích khả năng tài chính, thẩm định dự án đầu tư/phương án sản xuất kinh doanh vay vốn và quản lý tín dụng đối với khách hàng DNNVV. Trong quá trình thẩm định các dự án đầu tư/phương án sản xuất kinh doanh, năng lực và trình độ của cán bộ tín dụng cũng chưa đáp ứng hoàn toàn yêu cầu nên các NHTM thường ưu tiên lựa chọn hình thức thế chấp tài sản, mà đặc biệt là đất đai nhằm đảm bảo an toàn vốn chứ chưa đạt được ý nghĩa NHTM là một nhà đầu tư của DNNVV. Bên cạnh đó, khối lượng công việc nhiều cũng làm cho cán bộ tín dụng không có thời gian nghiên cứu văn bản, trau dồi nghiệp vụ.

Năm là, các hình thức đảm bảo tiền vay còn ít, tài sản thế chấp chủ yếu là bất động sản, tỷ lệ cho vay so với giá trị tài sản đảm bảo còn thấp. NHTM còn quá chú trọng đến tài sản thế chấp hơn là hiệu quả của dự án đầu tư/phương án sản xuất kinh doanh và khả năng tài chính của DNNVV. Các hình thức đảm bảo khoản vay bằng máy móc thiết bị, hàng tồn kho, các khoản phải thu, nguyên vật liệu,… chỉ mới được áp dụng đối với các khoản vay ngắn hạn, trong khi đó hầu hết các khoản vay trung và dài hạn đều yêu cầu tài sản thế chấp là bất động sản. Trong trường hợp DNNVV có tài sản đảm bảo thì lượng vốn vay được cũng bị hạn chế do NHTM thường định giá tài sản đảm bảo của DNNVV thấp hơn so với giá thị trường. NHTM thường định giá khoảng 70% – 80% giá trị thị trường của tài sản và số tiền cho vay chỉ khoảng 50% – 70% giá trị định giá của NHTM. Do đó, nếu tính theo giá thị trường của tài sản thì DNNVV chỉ vay được khoảng 60% giá trị tài sản mà DNNVV nắm giữ. Ngoài ra, việc thẩm định giá tài sản đảm bảo chủ yếu do NHTM tự thực hiện, đôi khi vẫn dựa trên kinh nghiệm của cán bộ tín dụng là chủ yếu, điều này dẫn đến việc một số NHTM chưa định giá đúng hoặc chỉ ưu tiên định giá tài sản là bất động sản, ngại định giá những tài sản đảm bảo khác của DNNVV mà những tài sản này trên thực thế không khó thẩm định hoặc nếu


được chấp nhận thì được định giá thấp không đảm bảo quyền lợi của DNNVV.

Sáu là, dư nợ tín dụng DNNVV tại tỉnh Phú Thọ chỉ chiếm 19,33% tổng dư nợ tín dụng, thấp hơn so với trung bình cả nước là 22% do vậy chưa đáp ứng được nhu cầu của DNNVV, đặc biệt là dư nợ tín dụng trung và dài hạn [39]. Nhiều DNNVV phải chấp nhận vay với số vốn thấp hơn nhu cầu và thời hạn ngắn hơn thực tế đòi hỏi của dự án đầu tư/phương án sản xuất kinh doanh. Do đó, các DNNVV phải tiếp cận các khoản vay phi chính thức để bù đắp phần vốn bị thiếu, làm tăng chi phí sử dụng vốn và giảm mức lợi nhuận của dự án. Chênh lệch về kỳ hạn cũng khiến cho các DNNVV cũng gặp khó khăn trong việc kiểm soát dòng tiền, khó khăn trong quản trị tài chính. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của dự án đầu tư/phương án sản xuất kinh doanh, và do vậy cũng ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng trả nợ và lợi nhuận của DNNVV. Dư nợ tín dụng trung và dài hạn đối với khách hàng là DNNVV tại tỉnh Phú Thọ chỉ chiếm 23,88% trong tổng dư nợ tín dụng, điều này cho thấy việc tiếp cận với vốn tín dụng trung và dài hạn của các DNNVV còn nhiều khó khăn. Thực tế cho thấy nhiều DNNVV hoạt động hiệu quả song nhu cầu về vốn trung và dài hạn không được đáp ứng kịp thời và đầy đủ đã dẫn đến phải sản xuất kinh doanh cầm chừng, thậm chí đóng cửa không hoạt động, do vậy làm cho sức cạnh tranh chung của nền kinh tế giảm sút. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng các NHTM chủ yếu cho vay ngắn hạn, rất ít cho vay trung và dài hạn là do:

(i) Thống kê ở Việt Nam cho thấy dư nợ tín dụng trung và dài hạn chiếm 53% tổng dư nợ tín dụng, trong khi nguồn vốn huy động trung và dài hạn toàn hệ thống chỉ chiếm khoảng 15%, đang tạo sức ép và rủi ro chênh lệch kỳ hạn cho hệ thống ngân hàng [9]. Do đó, trong cơ cấu nguồn vốn huy động của NHTM thì nguồn vốn ngắn hạn là chủ yếu nên để tránh bất cân


xứng kỳ hạn giữa tài sản Nợ và tài sản Có, các NHTM chủ yếu cho vay ngắn hạn,

(ii) Việc NHNN quy định tỷ lệ tối đa sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn đối với các NHTM với lộ trình giảm dần và xuống mức 40% từ ngày 01/01/2019 đã gây khó khăn cho NHTM khi cấp tín dụng trung và dài hạn11, nhiều NHTM đã hạn chế cấp tín dụng trung và dài hạn để tuân thủ quy định của NHNN.

(iii) NHTM và DNNVV đều lo ngại những rủi ro gia tăng trong điều kiện nền kinh tế có nhiều biến động, NHTM muốn tập trung vào các khoản cấp tín dụng ngắn hạn có thời gian thu hồi vốn nhanh và ít chịu rủi ro, còn các DNNVV cũng không mặn mà với các khoản đầu tư mới mà chủ yếu tập trung vay vốn lưu động để duy trì sản xuất kinh doanh.

(iv) Tại tỉnh Phú Thọ, với tỷ trọng lớn các DNNVV hoạt động trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, vòng quay hàng tồn kho ngắn, thời gian thu hồi vốn nhanh đã đòi hỏi một lượng tín dụng ngắn hạn cần thiết để đáp ứng nhu cầu vốn cho khối doanh nghiệp này.

Bảy là, hoạt động tư vấn và hỗ trợ của NHTM đối với DNNVV vay vốn chưa phát huy hiệu quả. Việc NHTM theo dõi và giám sát hoạt động sử dụng vốn của DNNVV một mặt để đảm bảo cho DNNVV tuân thủ các điều khoản đề ra trong hợp đồng tín dụng, mặt khác giúp DNNVV tìm ra cơ hội kinh doanh mới và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên trong thời gian qua, các chi nhánh ngân hàng tại tỉnh Phú Thọ chưa thực sự làm tốt công tác này do một phần yếu tố tâm lý ngại gây phiền hà cho DNNVV, một phần do hệ thống thông tin quản lý tài chính tại các DNNVV tại tỉnh Phú Thọ hoạt động không hiệu quả, không cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ cho


11 Tỷ lệ tối đa sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn đối với các NHTM giai đoạn 2009 – 2014 là 30% theo Thông tư số 15/2009/TT-NHNN; giai đoạn 2015 – 2016 là 60%, năm 2017 là 50% theo Thông tư số 36/2014/TT-NHNN; năm 2018 là 45% và kể từ 01/01/2019 là 40% theo Thông tư số 19/2017/TT-NHNN.


NHTM. Ngoài ra, do thiếu am hiểu về DNNVV dẫn đến NHTM khó đưa ra những tư vấn hỗ trợ kịp thời cho DNNVV, đa phần các DNNVV phải tự xoay xở với những khó khăn nội tại của mình. Các NHTM đa phần mới dùng ở quá trình kiểm soát quá trình sử dụng vốn và khả năng trả nợ của DNNVV, chưa quan tâm đến các giải pháp hỗ trợ DNNVV nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

2.3.2.3. Về phía Chính phủ và tỉnh Phú Thọ

Bên cạnh những kết quả đạt được thì việc thực hiện các chính sách hỗ trợ cho các DNNVV từ Trung ương đến địa phương chưa có sự phối hợp chặt chẽ, còn chưa ăn khớp, thiếu tính đồng bộ và chưa mang lại hiệu quả mong muốn, cụ thể:

Một là, các cơ chế, chính sách của Nhà nước có nhiều thay đổi, các văn bản hướng dẫn chậm được ban hành và chưa thực sự đồng bộ nên chưa tạo được sự an tâm cho DNNVV đầu tư. Các quyết định của UBND tỉnh Phú Thọ đối với sự phát triển của DNNVV chưa đồng bộ, còn nhiều bất cập, chưa được bổ sung kịp thời, nhiều thủ tục hành chính chưa được sửa đổi, chưa theo kịp tiến trình phát triển của DNNVV.

Hai là, mặc dù UBND tỉnh Phú Thọ đã có nhiều biện pháp nhằm tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, tăng năng lực cạnh tranh cho DNNVV nhưng việc thu hút vốn đầu tư vào tỉnh Phú Thọ còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Nội lực kinh tế của tỉnh còn thấp, đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa đồng bộ, chưa tạo được nhiều quỹ đất sạch cho DNNVV. Chính sách huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển của các thành phần kinh tế chưa đạt hiệu quả cao. Tỉnh Phú Thọ vẫn chưa có chương trình riêng để hỗ trợ cho các DNNVV và việc triển khai hỗ trợ DNNVV còn nhiều lúng túng, thiếu nguồn lực. Hiệu quả của các lớp đào tạo, tập huấn kiến thức cho DNNVV chưa cao, số lượng DNNVV tham gia ít.

Xem tất cả 248 trang.

Ngày đăng: 27/11/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí