2. Tổng quan tình hình nghiên cứu
2.1. Tình hình nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm trên thế giới
Khái niệm quản lý quỹ được giới thiệu bởi Ray Russel năm 2011 với đầy đủ các khái niệm cơ bản về sự điều hành của công ty quản lý quỹ, biện pháp đo lường hiệu quả đầu tư của công ty quản lý quỹ [53]. Nghiên cứu về các khía cạnh, các mô hình của công ty quản lý quỹ trên thế giới cũng đã được thực hiện bởi rất nhiều nhà nghiên cứu. Trong đó, Michael K. Berkowitz đã đánh giá rủi ro của các nhà đầu tư trong quyết định đầu tư vào quỹ vào năm 2000 [49], Qiu đã nghiên cứu về các sự khác biệt giữa các công nghệ được sử dụng trong công ty quản lý quỹ [50]. Hiệu quả đầu tư của các quỹ khác nhau như quỹ tương hỗ, quỹ đầu cơ hay quỹ chỉ số cũng được so sánh vào năm 2011 bởi Robert Pozen và Theresa Hamacher [54]. Riêng đối với quỹ trái phiếu, Christopher R. Blake, Edwin J. Elton và Martin J. Gruber đã chỉ ra mối quan hệ tỷ lệ nghịch giữa chi phí quản lý và lợi suất đầu tư của quỹ trái phiếu [31]. Năm 2001, Melissa B. Frey đã chứng minh được rằng: chiến lược đầu tư của những công ty quản lý quỹ thuộc ngân hàng có thể bảo thủ hơn so với chiến lược của những công ty quản lý quỹ khác nhưng không hề kém hiệu quả hơn [35]. Cũng nghiên cứu về công ty quản lý quỹ trực thuộc ngân hàng thương mại, John G. Gallo, Vincent
P. Apilado và James W. Kolari đã chỉ ra rằng: quỹ tương hỗ làm tăng hiệu quả hoạt động của ngân hàng thương mại và làm giảm rủi ro của ngân hàng [36].Nhờ sự ảnh hưởng tích cực này vào năm 1996 mà sau đó các ngân hàng thương mại đã liên tục mở ra các công ty tài chính sân sau, nhằm làm giảm rủi ro và tăng hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Huang Li, vào năm 2010, đã đưa ra những kết luận về phương pháp nâng cao khả năng cạnh tranh của những công ty quản lý quỹ trực thuộc ngân hàng tại Trung Quốc [40]. Cheong Sing Tng vào năm 2006 đã đánh giá mối quan hệ giữa hiệu quả hoạt động của công ty quản lý quỹ và những nhân tố sau: rủi ro, chi phí, quy mô quỹ, và loại hình công ty quản lý quỹ (thuộc ngân hàng hay phi ngân hàng) tại Singapore [33].
Về mô hình đánh giá hiệu quả của các công ty quản lý quỹ, chỉ tiêu giá trị tài sản ròng của quỹ (NAV) được lần đầu giới thiệu tại Đạo luật về quỹ đầu tư (Investment Company Act) năm 1940 của Mỹ. Mô hình đánh giá danh mục
đầu tư được công bố bởi H. M. Markowitz vào năm 1955 [38]. Ông vận dụng toán học và những phương pháp máy tính vào giải quyết những vấn đề thực tiễn, chẳng hạn như sự không chắc chắn trong việc ra quyết định đầu tư. Markowitz đã cố gắng lượng hóa rủi ro, nhưng các nghiên cứu chỉ thực sự phát triển khi William Sharpe phát triển mô hình CAPM vào năm 1964. Ông đã chỉ ra số liệu quá khứ không phải là một chỉ tiêu đáng tin cậy để dự đoán hiệu quả của hoạt động đầu tư trong tương lai [57]. Nghiên cứu của John L. Evans và Stephen H. Archer đã kết luận với một danh mục xấp xỉ 10 cổ phiếu là đạt được lợi ích biên của việc đa dạng hóa, để chứng minh cho khả năng hạn thiểu rủi ro của việc đa dạng hóa danh mục đầu tư [43]. Jensen [51] đã kiểm tra mô hình CAPM một lần nữa và chỉ ra rằng các công ty quản lý quỹ nên đầu tư nhiều hơn nữa vào việc nghiên cứu thị trường chứng khoán để dự đoán được xu hướng chung của thị trường, giúp các nhà đầu tư tối đa hóa lợi nhuận trên cơ sở rủi ro thấp nhất. Robert R. Grauer vào năm 2008 lại nhấn mạnh: các phương pháp đo lường hiệu quả danh mục đầu tư của các quỹ hiện nay không phù hợp với hiệu quả của những danh mục bị động [55]. Ngoài ra cũng đã có rất nhiều nhà nghiên cứu về hiệu quả của công ty quản lý quỹ tại thị trường quản lý quỹ châu Á [41], châu Âu [42] [43].
2.2. Các công trình nghiên cứu trong nước
Tại Việt Nam, tính đến thời điểm hiện tại, có tương đối nhiều công trình nghiên cứu khoa học về Ngân hàng thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam, chủ yếu là lĩnh vực quản trị rủi ro như luận án tiến sĩ của Nguyễn Đức Tú năm 2012 [26], luận án tiến sĩ của Hoàng Xuân Phong năm 2014 [19]. Tuy nhiên, số lượng công trình nghiên cứu về công ty quản lý quỹ còn rất ít. Đưa ra lý thuyết làm nền tảng cho việc đào tạo về tài chính nói chung và ngành quản lý quỹ nói riêng, Đại học kinh tế quốc dân (1993) đã biên dịch và xuất bản sách “Tiền tệ, ngân hàng và thị trường tài chính” của Federic S. Miskhin và Giáo trình Quản lý quỹ (dịch từ giáo trình “Quản lý danh mục đầu tư: một quá trình năng động” của Maginn, J.L., Tuttle, D.L., Pinto, J.E. and McLeavey, D.W. xuất bản năm 2007). Ngoài ra, thạc sỹ Châu Thiên Trúc Quỳnh cũng đã tìm hiểu về hoạt động của quỹ đầu tư tại Việt Nam vào năm 2006 [22], thạc sỹ
Nguyễn Thị Chiến nghiên cứu về công ty quản lý quỹ Bảo Việt năm 2011 [5], hay Nguyễn Minh Đức đã nghiên cứu về mô hình công ty quản lý quỹ đầu tư áp dụng cho các tổng công ty nhà nước [15]. Nguyễn Xuân Thành áp dụng mô hình công ty quản lý quỹ vào hoạt động đầu tư của Tập đoàn tài chính bảo hiểm Bảo Việt năm 2005 [24]. Nghiên cứu về nâng cao hiệu quả quản lý danh mục đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam có thạc sỹ Trần Văn Chương năm 2015 [6] và tiến sĩ Trần Văn Trí, 2015 [25].
Có thể bạn quan tâm!
- Nâng cao hiệu quả hoạt động của Công ty Quản lý quỹ Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam - 1
- Khái Niệm Công Ty Quản Lý Quỹ Đầu Tư
- Tổ Chức Và Quản Lý Hoạt Động Của Công Ty Quản Lý Quỹ
- Quản Trị Rủi Ro Trong Hoạt Động Đầu Tư Của Công Ty Quản Lý Quỹ
Xem toàn bộ 189 trang tài liệu này.
Như vậy, nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư của các công ty quản lý quỹ đã được đề cập tới nhiều trong các công trình nghiên cứu về hoạt động của công ty quản lý quỹ ở nước ngoài. Tuy nhiên do sự khác nhau nhất định giữa nền kinh tế phát triển và nền kinh tế đang phát triển, và do sự minh bạch về thông tin thị trường ở Việt Nam còn hạn chế, việc áp dụng các mô hình đánh giá cũng như các kết quả nghiên cứu của thế giới sẽ không phản ánh được chính xác thực trạng của ngành quản lý quỹ tại Việt Nam. Trong khi đó, việc nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư của công ty quản lý quỹ được nghiên cứu rất hạn chế tại Việt Nam và chưa thực sự đi sâu vào nghiên cứu về cả cơ sở lý luận và thực tiễn quy trình, cũng như phương pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty quản lý quỹ.
2.3 Khoảng trống nghiên cứu và những vấn đề mà luận án sẽ kế thừa:
Các mô hình đánh giá hiệu quả của các loại hình quỹ đầu tư đã được các chuyên gia trên thế giới nghiên cứu từ những năm 1990, trên tất cả các khía cạnh của quỹ đầu tư. Tuy nhiên tại Việt Nam, số lượng công trình nghiên cứu về mô hình nâng cao hiệu quả đầu tư cũng như hiệu quả hoạt động của công ty quản lý quỹ nói chung còn rất hạn chế. Khoảng trống trong các công trình nghiên cứu về lĩnh vực này là rất lớn, cụ thể như sau:
Một là, chưa có nghiên cứu nào liên quan đến hiệu quả đầu tư cũng như hiệu quả hoạt động nói chung của công ty quản lý quỹ tại Việt Nam. Thị trường chứng khoán non trẻ của Việt Nam có sự khác biệt lớn đối với thị trường chứng khoán và quản lý quỹ đã phát triển qua hàng trăm năm của thế giới, đòi hỏi phải có những nghiên cứu riêng biệt.
Hai là, có rất ít nghiên cứu liên quan đến quả hoạt động của công ty quản lỹ quỹ được thành lập và quản lý bởi các ngân hàng ngân hàng thương mại. Chiến
lược đầu tư của các công ty quản lý quỹ trực thuộc ngân hàng thương mại có khác biệt gì so với công ty quản lý quỹ phi ngân hàng, những lợi thế hay rủi ro tiềm ẩn của nhóm công ty quản lý quỹ thuộc ngân hàng ảnh hưởng thế nào đến hiệu quả hoạt động của công ty đều chưa được nghiên cứu tại Việt Nam.
Những khoảng trống này đặt ra các câu hỏi: Hiệu quả hoạt động của công ty Quản lý quỹ là gì? Mô hình đánh giá hiệu quả hoạt động của công ty quản lý quỹ tại Việt Nam như thế nào? Thực trạng hiệu quả hoạt động của Công ty Quản lý quỹ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam như thế nào? Và giải pháp nào để tăng cường hiệu quả hoạt động của Công ty Quản lý quỹ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam? Đây là những câu hỏi nghiên cứu và câu hỏi quản lý cần phải có lời giải đáp.
Kế thừa những kết quả của những nghiên cứu đi trước, trong phạm vi nghiên cứu này, tác giả sẽ xác định hiệu quả hoạt động của Công ty Quản lý quỹ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam trên cơ sở các vấn đề lý luận như hiệu quả hoạt động của công ty quản lý quỹ đầu tư là gì, các nhân tố ảnh hưởng và các tiêu chí để đo lường hiệu quả hoạt động của công ty quản lý quỹ đầu tư. Từ đó đưa ra những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động đối với Công ty Quản lý quỹ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam trong đến năm 2025 và tầm nhìn từ năm 2025 trở đi như: xây dựng hệ thống chỉ tiêu chuẩn đánh giá hiệu quả đầu tư; hoàn thiện quy chế, quy trình nghiệp vụ; hoàn thiện hệ thống xây dựng chiến lược và quản trị rủi ro; nâng cao năng lực, trình độ của cán bộ; nâng cao chất lượng thu thập và xử lý thông tin; tăng cường hoạt động kiểm soát nội bộ; đầu tư phát triển hệ thống công nghệ thông tin hiện đại; phát triển sản phẩm mới, tận dụng lợi thế của ngân hàng; và một số giải pháp hỗ trợ khác.
Là cán bộ trực tiếp công tác tại đơn vị, nghiên cứu sinh có lợi thế tiếp cận với nguồn số liệu cập nhật, chính xác và đầy đủ thu thập từ những nguồn đáng tin cậy. Luận án sử dụng cách tiếp cận mới, với mục tiêu đưa ra sự đánh giá sâu sắc, chi tiết về thực trạng hiệu quả hoạt động của Công ty Quản lý quỹ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, từ đó đề ra những giải pháp sát thực và phù hợp.
3. Mục đích nghiên cứu
- Hệ thống hoá những vấn đề lý luận về hiệu quả hoạt động của công ty quản lý quỹ đầu tư.
- Tham khảo kinh nghiệm của các nước trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty quản lý quỹ đầu tư của các ngân hàng thương mại, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm cho Công ty Quản lý quỹ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam.
- Đánh giá thực trạng hiệu quả hoạt động của Công ty Quản lý quỹ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam trong giai đoạn 2011-2016, chỉ ra những kết quả đạt được, những hạn chế và nguyên nhân.
- Đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Công ty Quản lý quỹ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam đến 2030.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của đề tài
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của đề tài là hiệu quả hoạt động kinh doanh dưới góc độ tài chính của công ty quản lý quỹ.
4.2. Phạm vi nghiên cứu của đề tài
- Về nội dung: Luận án nghiên cứu những vấn đề liên quan đến hiệu quả về mặt tài chính và đối với hoạt động kinh doanh trên góc độ quản lý của công ty, mà không nghiên cứu trên góc độ hiệu quả của các nhà đầu tư.
- Về không gian: Luận án tập trung đánh giá hiệu quả hoạt động tại Công ty Quản lý quỹ Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam.
- Thời gian nghiên cứu: Giai đoạn từ 2011 – 2016, đề xuất giải pháp đến 2025 và tầm nhìn từ năm 2025 trở đi.
5. Phương pháp nghiên cứu
Luận án sử dụng phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử để đảm bảo việc nghiên cứu về hiệu quả hoạt động của Công ty Quản lý quỹ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam được thực hiện một cách đồng bộ,
gắn với hoàn cảnh, điều kiện và các giai đoạn cụ thể. Các nội dung được xem xét trong mối liên hệ chặt chẽ với nhau cả về không gian và thời gian.
Trên nền tảng của phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, để có các phân tích, đánh giá, lập luận có căn cứ khoa học về đề tài nghiên cứu, nghiên cứu sinh sử dụng các phương pháp:
Các phương pháp tư duy khoa học: Qui nạp, diễn dịch, loại suy, phân tích, tổng hợp, đối chiếu, so sánh, hệ thống hóa, khái quát hóa các dữ liệu nghiên cứu sinh đã thu thập được để làm sáng tỏ các vấn đề lý luận hiệu quả hoạt động của các công ty quản lý quỹ và thực trạng thực trạng hiệu quả hoạt động tại Công ty Quản lý quỹ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam.
Phương pháp thống kê: Tác giả đã thu thập và sử dụng số liệu thống kê thích hợp liên quan đến các lĩnh vực hoạt động của Công ty Quản lý quỹ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam theo chuỗi thời gian từ các báo cáo nội bộ, báo cáo của các Công ty quản lý quỹ khác trên thị trường, báo cáo của các cơ quan quản lý Nhà nước và quan sát trực tiếp ở các phòng ban, bộ phận khác nhau của Công ty để thu thập thông tin và số liệu phục vụ cho nghiên cứu của luận án.
Phương pháp phỏng vấn: Phỏng vấn, xin ý kiến các chuyên gia, các cán bộ phụ trách đầu tư, cán bộ quản lý tại Công ty Quản lý quỹ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam cũng như các Công ty quản lý quỹ khác để có thêm các thông tin cần thiết, hữu ích phục vụ cho quá trình nghiên cứu và hoàn thiện luận án.
Phương pháp thống kê, so sánh, phân tích, tổng hợp: Thông qua việc thống kê, so sánh, phân tích, tổng hợp số liệu các báo cáo thống kê Công ty Quản lý quỹ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, nghiên cứu sinh đánh giá phân tích thực trạng hiệu quả hoạt động kinh doah dưới góc độ tài chính của Công ty.
Phương pháp suy luận logic: Từ những vấn đề cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn đặc biệt những tồn tại, yếu kém và nguyên nhân tại Công ty Quản lý quỹ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam về quản trị hiệu quả hoạt động,
nghiên cứu sinh đã suy luận logic để đề xuất các giải pháp và kiến nghị nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động kinh doanh của Công ty.
6. Những điểm mới của Luận án
Ý nghĩa khoa học: Trên cơ sở sưu tầm, tổng hợp, luận án đã hệ thống hoá và làm rõ hơn một số vấn đề lý luận và thực tiễn về hiệu quả hoạt động của công ty quản lý quỹ đầu tư của các ngân hàng thương mại. Bên cạnh đó, luận án cũng đã sưu tầm kinh nghiệm nâng cao hiệu quả hoạt động của một số công ty quản lý quỹ đầu tư của các Ngân hàng thương mại ở một số quốc gia trên thế giới, từ đó rút ra những kinh nghiệm có giá trị tham khảo, vận dụng cho công tác hiệu quả hoạt động của Công ty Quản lý quỹ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam.
Ý nghĩa thực tiễn: Luận án đã tổng hợp và phân tích một cách hệ thống về thực trạng hiệu quả hoạt động của Công ty Quản lý quỹ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam trong giai đoạn 2011 - 2016. Trên cơ sở phân tích những kết quả đạt được, những hạn chế, luận án cũng đã chỉ ra nguyên nhân dẫn đến những hạn chế. Kết hợp với kinh nghiệm nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty quản lý quỹ đầu tư của các Ngân hàng thương mại ở một số quốc gia trên thế giới, luận án đã đề xuất các giải pháp thiết thực nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động tại Công ty Quản lý quỹ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn từ năm 2025 trở đi.
7. Kết cấu của luận án
Ngoài phần mở đầu và kết luận, luận án được kết cấu thành 3 chương:
Chương 1 - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty quản lý quỹ.
Chương 2 - Thực trạng hiệu quả hoạt động của Công ty Quản lý quỹ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam.
Chương 3 - Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Công ty Quản lý quỹ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam.
CHƯƠNG 1
MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA CÔNG TY QUẢN LÝ QUỸ
1.1. KHÁI QUÁT VỀ CÔNG TY QUẢN LÝ QUỸ ĐẦU TƯ
1.1.1. Quỹ đầu tư
1.1.1.1. Khái niệm Quỹ đầu tư
Có nhiều quan điểm khác nhau về quá trình hình thành của các quỹ đầu tư, tuy nhiên đa phần các quan điểm đều cho rằng sự hình thành của quỹ đầu tư gắn liền với khủng khoảng kinh tế năm những năm cuối thế kỷ 18 ở Châu Âu. Vào thời điểm nền kinh tế Châu Âu kiệt quệ vì quá trình khai phá, xâm chiếm thuộc địa tràn lan, thì vào năm 1774, Adriaan van Ketwich - một nhà môi giới ở Amsterdam đã có một ý tưởng đó là tập trung các khoản tiền nhỏ của các nhà đầu tư thành một nguồn lớn hơn để đầu tư vào các loại chứng khoán đa dạng khác nhau. Đây là một mô hình tương tự như các quỹ đóng ngày nay.
Mô hình quỹ đầu tư này nhanh chóng lan rộng sang Anh, Pháp vào đầu thế kỷ 19 sau đó là Hoa Kỳ vào những năm 1890, nơi mà mô hình này phát triển mạnh mẽ nhất. Vào ngày 21/3/1894, quỹ tương hỗ (mutual fund) đầu tiên chính thức được thành lập tại Boston (Hoa Kỳ) với tên gọi là Quỹ tín thác các nhà đầu tư Massachusetts (Massachusetts Investers Trust - MIT), đánh dấu cho sự ra đời của mô hình quỹ tương hỗ hiện đại ngày nay.
Cuộc khủng khoảng kinh tế thế giới năm 1929-1933 đã làm chậm quá trình phát triển của các quỹ đầu tư tại Hoa kỳ với việc xóa sổ hầu hết các quỹ đóng sử dụng nhiều đòn bẩy, tuy nhiên một số quỹ mở nhỏ vẫn tồn tại. Sự ra đời của Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC) năm 1934 cùng với sự ra đời của các đạo luật: Luật chứng khoán năm 1933, Luật Giao dịch chứng khoán năm 1934 và Luật Công ty đầu tư chứng khoán năm 1940 đã tạo nên cơ sở pháp lý cho hoạt động đầu tư cũng như góp phần khôi phục lại thị trường cho các quỹ đầu tư. Tiếp theo đó, một loạt các quy định và Luật có liên quan với các chỉ dẫn pháp lý bắt buộc các quỹ đầu tư phải tuân theo cũng được ban hành và còn được áp dụng đến ngày nay.