Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chính quyền cấp xã ở tỉnh Phú Thọ hiện nay - 2

đào tạo, bồi dưỡng nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ chính quyền cấp xã.

Chính quyền cấp xã là cấp chính quyền gần dân nhất, là cầu nối trực tiếp giữa hệ thống chính quyền cấp trên với nhân dân, hàng ngày tiếp xúc, nắm bắt và phản ánh tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Cấp xã có vai trò rất quan trọng trong việc tổ chức và vận động nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tăng cường đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, huy động mọi khả năng phát triển kinh tế- xã hội, tổ chức cuộc sống của cộng đồng dân cư.

Chính quyền được hiểu là bộ máy điều khiển, quản lý công việc của nhà nước và hoạt động của nó mang tính chất quyền lực của Nhà nước, bằng phương thức tác động của Nhà nước. Cấp xã là đơn vị cấp dưới cùng, vì thế Chính quyền cấp xã chỉ bao gồm HĐND và UBND. Qua đó có thể hiểu, chính quyền cấp xã là một cấp cuối cùng trong hệ thống chính quyền 4 cấp của Việt Nam, là nơi trực tiếp thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, các mục tiêu kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng ở cơ sở, thực hiện việc quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn.

Từ những phân tích trên đây, có thể nêu khái quát khái niệm chính quyền cấp xã như sau: Chính quyền cấp xã bao gồm HĐND và UBND là cấp thấp nhất trong hệ thống chính quyền 4 cấp ở Việt Nam, thực hiện quyền lực nhà nước ở địa phương, có chức năng thay mặt nhân dân địa phương, căn cứ vào nguyện vọng của nhân dân địa phương, quyết định và tổ chức thực hiện những vấn đề có liên quan đến phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng và đời sống của nhân dân địa phương, theo Hiến pháp, pháp luật và các mệnh lệnh, quyết định của cấp trên.

b) Đặc điểm của chính quyền cấp xã


Chính quyền cấp xã có những đặc điểm sau:


Một là: Chính quyền cấp xã có HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương và UBND do HĐND bầu ra là cơ quan chấp hành của HĐND, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương. Vì thế, chính quyền cấp xã là cấp trực tiếp thực hiện nhiệm vụ cụ thể về quản lý hành chính nhà nước trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng ở cơ sở, là cầu nối trực tiếp giữa nhà nước và nhân dân, xử lý trực tiếp, kịp thời những yêu cầu hàng ngày của nhân dân.

Hai là: Chính quyền cấp xã khác với chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện: Tổ chức bộ máy chính quyền cấp xã chỉ bao gồm cơ quan quyền lực nhà nước là HĐND là cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân ở địa phương và UBND là cơ quan chấp hành của HĐND và là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, không có các cơ quan tư pháp: Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 96 trang tài liệu này.

Ba là: Chính quyền cấp xã là nơi trực tiếp tiếp xúc với nhân dân; cán bộ chính quyền cấp xã là người hàng ngày trực tiếp giải quyết những vấn đề liên quan đến mọi quyền lợi và nghĩa vụ của nhân dân đảm bảo theo đúng đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, các văn bản pháp luật của cấp trên. UBND còn có trách nhiệm rất nặng nề phải quản lý mọi mặt đời sống của nhân dân địa phương cho nên trong hoạt động mang nhiều tính chất hành chính địa phương.

Bốn là: Trong hoạt động của chính quyền cấp xã, giữa HĐND và UBND khó tách biệt nhau về các lĩnh vực thẩm quyền và UBND có ưu thế vượt trội: Chính quyền cấp xã được coi là một cấp chính quyền hoàn chỉnh, bao quát toàn diện đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng ở địa bàn cơ sở. Nội dung các nghị quyết của HĐND và quyết định của UBND nhìn chung là giống nhau, chỉ khác ở chỗ: HĐND quyết định biện pháp, còn UBND tổ chức thực hiện. Trong khi đó, tổ chức bộ máy của HĐND không đủ sức hoạt động độc lập mà chủ yếu dựa vào bộ máy của UBND để soạn thảo các nghị quyết. Theo Điều 5, Luật tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi): "Hội đồng nhân dân cấp xã có Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân" [35, tr. 7]. Đối với cấp tỉnh và cấp huyện: "Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện có Thường trực Hội đồng nhân dân và các ban của Hội đồng nhân dân" [35, tr. 7]. Với cơ cấu tổ chức như trên, các ban của HĐND cấp tỉnh và cấp huyện có khả năng soạn thảo các nghị quyết, thức hiện chức năng quyết định các biện pháp, chủ trương về các vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện. Trong khi đó, ở cấp xã, do không có bộ máy giúp việc, đại biểu HĐND lại kiêm nhiệm, việc chuẩn bị các kỳ họp hoàn toàn dựa vào bộ máy của UBND và mỗi năm chỉ họp từ 3 - 4 lần. Trong điều kiện đó, hoạt động của UBND sẽ có ưu thế vượt trội hơn, dễ lấn át HĐND, dễ lâm vào tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi".

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chính quyền cấp xã ở tỉnh Phú Thọ hiện nay - 2

Năm là: Các đơn vị hành chính cấp xã, được hình thành trên nền tảng những địa điểm quần cư, nó liên kết dân cư trong một khối liên hoàn thống nhất. Mọi vấn đề của địa phương đều liên quan chặt chẽ với nhau và cần phải được giải quyết trên cơ sở kết hợp

hài hòa các lợi ích: Nhà nước, dân cư và giữa dân cư với nhau. Chính quyền ở đây không chỉ là cơ quan cai trị- quản lý mà còn là cơ quan thể hiện lợi ích chung của dân cư.

Trong khi tổ chức quyền lực nhà nước ở cấp trung ương có việc phân chia, hoặc phân công phân nhiệm một cách rạch ròi giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp. Cấp tỉnh, cấp huyện cũng có cơ quan tư pháp - Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân. Riêng cấp xã, trong cơ cấu tổ chức bộ máy chính quyền chỉ có HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương và UBND là cơ quan chấp hành của HĐND và là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, thậm chí UBND cấp xã, phường, thị trấn trong nhiều trường hợp còn phải kiêm nhiệm luôn cả chức năng tư pháp (xét xử, hòa giải).

1.1.2. Vị trí, vai trò của đội ngũ cán bộ chính quyền cấp xã


C. Mác, Ph. Ăngghen, V.I. Lênin và Chủ tịch Hồ Chí Minh đều đánh giá rất cao vai trò của đội ngũ cán bộ. Có đường lối đúng đắn nhưng thiếu đội ngũ cán bộ có phẩm chất và năng lực thì cách mạng cũng khó thành công. Cán bộ có vai trò quyết định thắng lợi của cách mạng.

C. Mác, Ph. Ăngghen là người sáng lập ra chủ nghĩa cộng sản khoa học, là lãnh tụ vĩ đại đầu tiên của phong trào cách mạng vô sản trên thế giới đã đưa ra những tư tưởng, quan điểm cơ bản về tầm quan trọng của việc xây dựng đội ngũ cán bộ. Song do điều kiện lịch sử lúc bấy giờ, chưa có một đảng vô sản nào giành được chính quyền nên Mác và Ăngghen chưa thể bàn cụ thể về cán bộ và công tác cán bộ trong điều kiện Đảng cầm quyền. Nhưng chính các ông đã trực tiếp bắt tay vào việc tuyển chọn, xây dựng đội ngũ cán bộ cho tổ chức cộng sản có tính quốc tế đầu tiên là "ủy ban thông tin cộng sản". Trong Đại hội "Liên đoàn những người cộng sản", Mác và Ăngghen đã nêu rõ nguyên tắc tổ chức một đảng cách mạng của giai cấp vô sản là phải lựa chọn cho mình những đại biểu công nhân giác ngộ nhất, tiêu biểu nhất theo phương châm: Cần phải sàng lọc từng người một.

V.I. Lênin là người đã vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác trong điều kiện lịch sử cụ thể của nước Nga. Trong tác phẩm "Những nhiệm vụ bức thiết của phong trào chúng ta", khi nói về vai trò của người lãnh đạo phong trào cách mạng, Người đã chỉ rõ: "Trong lịch sử, chưa hề có một giai cấp nào giành được quyền thống trị,

nếu nó không đào tạo ra được trong hàng ngũ của mình những lãnh đạo chính trị, những đại biểu tiên phong có đủ khả năng tổ chức và lãnh đạo phong trào" [30, tr. 473].

Tổng kết những năm đầu của cách mạng (1917-1922), V.I. Lênin đã khẳng định: "Nghiên cứu con người, tìm những cán bộ có bản lĩnh. Hiện nay đó là then chốt; nếu không thế thì tất cả mọi mệnh lệnh và quyết định sẽ chỉ là mớ giấy lộn" [33, tr. 449].

Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc" [39, tr. 269]; "công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém".

Quan điểm lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và qua thực tiễn cách mạng ở các nước, các Đảng cộng sản và công nhân quốc tế đều chứng minh và khẳng định vai trò quan trọng của cán bộ và công tác cán bộ.

Tính đến 19/4/2002, nước ta có 10.579 đơn vị hành chính cấp xã. Trong kỳ bầu cử ngày 14/11/1999, tổng số đại biểu HĐND xã, phường, thị trấn được bầu là 227.000 đại biểu.

Tổng số cán bộ xã, phường, thị trấn được hưởng sinh hoạt phí và phụ cấp hàng tháng từ các nguồn ngân sách và kinh phí khác nhau trong toàn quốc khoảng 2 triệu người, bình quân mỗi xã, phường, thị trấn có khoảng 190 cán bộ. Cán bộ chuyên trách bình quân mỗi xã có 22 người. Đại biểu HĐND bình quân mỗi xã có 22 đại biểu; cán bộ cấp thôn tổng số có khoảng 480.000 người; cán bộ y tế, giáo dục mầm non khoảng

200.000 người. Cán bộ không chuyên trách (như cán bộ phụ trách công tác dân số, Hội người cao tuổi, Hội chữ thập đỏ, cán bộ hoạt động văn hóa - thông tin...) có khoảng

780.000 người. Có thể thấy, số lượng cán bộ cấp xã là quá lớn, và xu hướng còn mở rộng thêm chứ không tinh giảm được do công việc dồn xuống cấp dưới quá nhiều, và nhiều ngành cũng như cấp tỉnh, huyện đều muốn có cán bộ của mình ở cơ sở cấp xã.

Trong hệ thống chính trị ở cơ sở có cán bộ chuyên trách và không chuyên trách:


Cán bộ chuyên trách là những cán bộ phải dành phần lớn thời gian lao động, làm việc tại công sở để thực hiện chức trách được giao, bao gồm: Cán bộ giữ chức vụ qua bầu cử gồm: Cán bộ chủ chốt của cấp ủy đảng, HĐND, UBND, những người đứng đầu ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội. Cán bộ chuyên môn được UBND tuyển chọn gồm trưởng công an, xã đội trưởng, cán bộ văn phòng, địa chính, tài chính -

kế toán, tư pháp, văn hóa - xã hội. Số lượng cán bộ chuyên trách do Chính phủ quy định. Tổng số cán bộ chuyên trách ở một xã, phường, thị trấn tối thiểu là 17 người, tối đa là 25 người (chưa kể kiêm nhiệm).

Cán bộ chuyên trách ở cấp xã có chế độ làm việc và được hưởng chính sách chế độ về cơ bản như cán bộ, công chức nhà nước; khi không còn là cán bộ chuyên trách mà chưa đủ điều kiện để hưởng chế độ hưu trí, được tiếp tục tự đóng bảo hiểm xã hội hoặc hưởng phụ cấp một lần theo chế độ nghỉ việc. Cán bộ, công chức cơ sở có đủ điều kiện được thi tuyển vào ngạch công chức ở cấp trên.

Theo Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh cán bộ, công chức, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 2003, tại điểm g h khoản 1, Điều 1 quy định: Những người do bầu cử để đảm nhiệm chức vụ theo nhiệm kỳ trong thường trực HĐND, UBND; Bí thư, Phó bí thư Đảng ủy; người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội xã, phường, thị trấn và những người được tuyển dụng, giao giữ một chức danh chuyên môn nghiệp vụ thuộc UBND cấp xã được gọi là cán bộ công chức nhà nước trong biên chế, được hưởng lương từ ngân sách nhà nước và các nguồn thu sự nghiệp theo quy định của pháp luật.

Cán bộ chính quyền cấp xã là bộ phận lớn nhất và rất quan trọng trong đội ngũ cán bộ của bộ máy chính quyền ở nước ta. Họ vừa là người đại diện của nhân dân trong quản lý hành chính nhà nước ở địa phương, vừa là người trực tiếp tổ chức thực hiện quyền hành pháp và quản lý hành chính nhà nước, cũng như thực hiện các nhiệm vụ quản lý và phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế, an ninh, quốc phòng ở địa phương. Cán bộ chính quyền cấp xã đã có nhiều đóng góp, trưởng thành trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng tổ quốc qua các thời kỳ cách mạng trước đây và hiện nay, họ vẫn phát huy được những ưu điểm của mình.

Tuy nhiên, đứng trước những nhiệm vụ to lớn của giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước, trước những hoàn cảnh và tình thế mới, đội ngũ cán bộ chính quyền cấp xã cũng bộc lộ nhiều điểm bất cập cần phải nghiên cứu khắc phục.

Trước hết, đó là mâu thuẫn giữa số lượng ngày một tăng của đội ngũ cán bộ chính quyền cấp xã nhưng chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Đội ngũ cán bộ

chính quyền cấp xã tuy rất đông về số lượng nhưng không đủ sức đảm đương được những công việc trong những điều kiện và tình hình mới của đất nước.

Theo quy định tại Nghị định số 174/CP của Chính phủ ban hành ngày 29/9/1994, cơ cấu của UBND xã, phường, thị trấn gồm có: 1 chủ tịch, 1 phó chủ tịch và 5 ủy viên ủy ban. Với khoảng 1 vạn đơn vị hành chính cấp xã, đội ngũ cán bộ chính quyền cấp xã có số lượng khoảng 70.000 người.

Nghị định số 50/CP ngày 26/7/1995 quy định, ngoài số ủy viên ủy ban đã nêu trên, các chức danh khác được bố trí phù hợp với yêu cầu của từng địa phương theo các mức sau đây:

- Dưới 5.000 dân: 12 cán bộ.


- Từ 5.000 dân đến dưới 10.000 dân: 14 cán bộ.


- Từ 10.000 dân đến dưới 15.000 dân: 16 cán bộ.


- Từ 15.000 dân đến dưới 20.000 dân: 18 cán bộ.


- Trên 20.000 dân trở lên tối đa không quá 20 cán bộ.


Trừ số cán bộ làm công tác đoàn thể, số cán bộ chính quyền cấp xã gồm chủ tịch UBND và các thành viên của ủy ban dao động từ 7 đến 13 người tùy theo từng loại xã.

Đến Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ban hành ngày 23/01/1998, quy định số lượng cán bộ chính quyền cấp xã như sau:

- Xã dưới 10.000 dân: 17-19 cán bộ.


- Xã từ 10.000 dân đến 20.000 dân: 19-21 cán bộ.


- Xã trên 20.000 dân, cứ thêm 3.000 dân thêm 1 cán bộ, tối đa không quá 25 cán

bộ.


Như vậy, nếu trừ số cán bộ làm công tác đoàn thể, số lượng cán bộ làm công tác

chính quyền cấp xã đã tăng lên ở từng loại xã từ 3 đến 5 người và nếu lấy bình quân mỗi xã có khoảng 20 cán bộ, thì tổng số cán bộ chính quyền cấp xã trong cả nước sẽ vào khoảng 212.000 người. So với đội ngũ công chức hành chính trong toàn quốc từ cấp huyện đến Trung ương hiện có khoảng 200.000 người, thì đội ngũ cán bộ làm công tác chính quyền ở cấp xã không phải là nhỏ. Ngoài số đó ra còn có 227.000 người là đại biểu

HĐND và hàng trăm ngàn các trưởng thôn, trưởng bản, trưởng các cụm dân cư, những người đang được chính quyền cấp xã trao những quyền hạn nhất định về quản lý hành chính, tạo thành một đội ngũ cán bộ đông đảo ở cấp xã trong toàn quốc.

Việc quy định số lượng cán bộ chính quyền cấp xã tính theo quy mô dân số là chủ yếu, và quy định mức tối thiểu là 17 người và mức tối đa không quá 25 người là chưa thực sự phù hợp với tình hình thực tế. Cụ thể là đối với xã, phường, thị trấn quá ít dân cư (dưới 1.000 người) thì biên chế cho 17 người là nhiều; còn đối với xã, phường, thị trấn có quá đông dân cư (trên 30.000) mà lại có địa hình tự nhiên và tình hình kinh tế - xã hội phức tạp thì biên chế tối đa theo quy định là ít. Do đó, phát sinh tư tưởng muốn chia tách thêm đơn vị hành chính để giảm nhẹ công việc, lại được tăng thêm biên chế cán bộ. Đối với chức danh trưởng thôn, trưởng khu hành chính... nếu làm kiêm thêm chức danh bí thư chi bộ thì mức sinh hoạt phí chỉ được tính tăng thêm 1,5 lần (nếu làm nguyên chức danh trưởng thôn, trưởng khu hành chính, bí thư chi bộ... thì được hưởng mức phụ cấp là 80.000/tháng. Nếu làm kiêm cả hai chức danh thì được hưởng mức phụ cấp là 120.000/tháng). Do đó chưa kích thích được họ làm kiêm nhiệm cả hai chức danh. Hầu hết các xã, phường, thị trấn đều có tình trạng tách riêng hai chức danh trưởng thôn, trưởng khu hành chính... và bí thư chi bộ để tăng thêm cán bộ và giảm nhẹ công việc.

Phần lớn các bộ, ngành đều muốn có chân rết của mình xuống tận cơ sở để tiện cho việc chỉ đạo, liên hệ, và yêu cầu cần có thêm chức danh trong cơ cấu chính quyền và hợp thức hóa các chức danh đó. ý muốn này bắt gặp sự yếu kém về năng lực của cán bộ cấp xã, sự lúng túng trong chỉ đạo của bộ máy chính quyền đã dẫn tới sự tăng nhanh số lượng cán bộ ở cấp xã trong những năm qua, làm cho cơ cấu đội ngũ cán bộ chính quyền cấp xã phình to, tạo gánh nặng cho ngân sách và làm giảm hiệu quả hoạt động của chính quyền cấp xã. Bình quân mỗi xã có khoảng 190 cán bộ, trong đó có 90 cán bộ nằm trong diện quy định của Chính phủ, 100 cán bộ do các bộ ngành ở Trung ương và tỉnh quy định. ở một số xã, số lượng cán bộ được chi trả hàng tháng dưới các hình thức sinh hoạt phí, hoạt động phí, phụ cấp từ các nguồn ngân sách và kinh phí khác nhau lên tới 250 đến 280 định suất.

Công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo được nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng và hăng hái thực hiện, đã thu được những thành tựu rất quan trọng. Tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII, Đảng ta đã chỉ ra 4 nguy cơ lớn của đất

nước: Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và toàn thế giới; nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa; nguy cơ về nạn tham nhũng và tệ quan liêu; nguy cơ "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch. Đồng thời, Hội nghị nhận định "Công tác cán bộ vẫn là một khâu yếu. Đội ngũ cán bộ nhìn chung chưa ngang tầm đòi hỏi của nhiệm vụ" [13, tr. 21].

Cán bộ quyết định mọi công việc. Trong hệ thống các cơ quan quản lý hành chính nhà nước, cán bộ chính quyền cấp xã có vị trí hết sức quan trọng. Họ là những người quán triệt quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đưa vào cuộc sống, biến chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước thành hiện thực. Cán bộ chính quyền cấp xã có vai trò to lớn và trách nhiệm hết sức nặng nề trong hệ thống quản lý nhà nước. Cán bộ chính quyền cấp xã được Nhà nước trao cho thẩm quyền quản lý nhà nước ở địa phương. Do phải thường xuyên tiếp xúc với nhân dân, trực tiếp giáo dục, động viên và tổ chức nhân dân thực hiện pháp luật, thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân. Cán bộ chính quyền cấp xã, ngoài phẩm chất chính trị, cần phải có trình độ, năng lực nhất định và cần nhất là phải tạo dựng được uy tín trong cộng đồng dân cư.


1.2. Khái niệm chất lượng đội ngũ cán bộ chính quyền cấp xã và những yếu tố tác động đến chất lượng đội ngũ cán bộ chính quyền cấp xã

1.2.1. Khái niệm chất lượng đội ngũ cán bộ chính quyền cấp xã


Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học do Nxb Đà Nẵng xuất bản năm 2000 định nghĩa: "Chất lượng: Cái tạo nên phẩm chất, giá trị của một con người, một sự vật, sự việc" [46, tr. 144].

Khi đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ chính quyền cấp xã, một vấn đề đặt ra là hiểu cho đúng thế nào là chất lượng của đội ngũ cán bộ. Chất lượng của đội ngũ cán bộ được xem xét dưới nhiều góc độ khác nhau:

Chất lượng của đội ngũ cán bộ được thể hiện thông qua hoạt động của bộ máy chính quyền cấp xã, ở việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền cấp xã.

Xem tất cả 96 trang.

Ngày đăng: 26/04/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí