doanh nghiệp trong khu vực chế xuất và một doanh nghiệp ngoài khu chế xuất được coi là hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế, nhưng hàng hóa trong trường hợp này không di chuyển khỏi biên giới quốc gia.
- Đồng tiền thanh toán là ngoại tệ của ít nhất một bên. Đây cũng không phải là điểm tất yếu. Khi một doanh nghiệp Việt Nam mua hàng hóa của một doanh nghiệp Mỹ, đồng tiền thanh toán là đôla Mỹ (USD) thì đồng tiền này là ngoại tệ đối với Việt Nam nhưng không phải là ngoại tệ đối với Mỹ.
- Các bên tham gia hoạt động mua bán có trụ sở kinh doanh tại các nước khác nhau. Đây chính là đặc trưng quan trọng nhất của yếu tố quốc tế.
1.1.3. Vai trò của hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế trong nền kinh tế quốc dân.
Ngày nay mọi người đều nhận thức được rằng một quốc gia không thể đầy đủ, ấm no nếu như không phát triển quan hệ kinh tế quốc tế và thương mại quốc tế trong đó không thể thiếu hoạt động mua bán hàng hóa giữa các quốc gia. Lịch sử đã chứng minh rằng: nhiều quốc gia với nền kinh tế đóng, sản xuất đã không có hiệu quả và buộc phải chuyển sang cơ chế quản lý kinh tế mới. Vai trò của hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế được thể hiện thông qua ảnh hưởng của hoạt động này tới sự phát triển kinh tế và những lợi ích kinh tế mà nó mang lại cho các quốc gia cũng như cho các doanh nghiệp. Vai trò của hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế đối với mỗi quốc gia được thể hiện ở một số mặt cơ bản sau đây:
Thứ nhất, đó là cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng sử dụng có hiệu quả cao nguồn lực hiếm hoi. Các quốc gia sẽ tập trung vào sản xuất những ngành mà mình có lợi thế tuyệt đối và tương đối, có nghĩa là một quốc gia sẽ tập trung vào sản xuất những sản phẩm mà chi phí hoặc chi phí cơ hội quốc gia này phải bỏ ra để sản xuất ra những sản phẩm đó thấp hơn so với các quốc gia khác. Một quốc gia có được những lợi thế này là do có lợi thế về tự nhiên, trình độ khoa học công nghệ, trình độ lao động, ngoài ra là do có sự khác biệt
về nguồn lực giữa các quốc gia cũng như sự khác nhau trong tỷ lệ các yếu tố sản xuất được sử dụng để sản xuất ra các hàng hóa. Khi các quốc gia tận dụng được những lợi thế này, năng suất lao động của quốc gia sẽ cao hơn, giá thành các sản phẩm cũng sẽ thấp hơn. Nhờ đó khi tham gia trao đổi mua bán với các quốc gia khác - xuất khẩu các sản phẩm có lợi thế, nhập khẩu những sản phẩm kém lợi thế - họ sẽ có lợi.
Thứ hai, hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế giúp mở rộng khả năng sản xuất của mỗi quốc gia thông qua thị trường quốc tế rộng lớn. Nhờ có thị trường tiêu thụ, các nhà sản xuất trong nước không ngừng đầu tư để phát triển sản xuất, từ đó không những mở rộng quy mô sản xuất mà còn góp phần nâng cao năng suất lao động cá biệt, hạ giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm. Thứ ba, hoạt động này giúp tạo vốn và kỹ thuật từ bên ngoài. Việc tăng cường xuất khẩu để tự cân đối ngoại tệ trong cán cân thương mại, tạo nguồn cung cấp tài chính cho nhập khẩu kỹ thuật công nghệ, máy móc, thiết bị hiện đại từ bên ngoài đã góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển. Đây là điều kiện vật chất rất quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa
đất nước.
Thứ tư, hoạt động xuất khẩu có tác dụng kích thích đổi mới trang thiết bị, công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, qua đó kích thích lực lượng sản xuất phát triển. Để đáp ứng yêu cầu cao của thị trường thế giới về quy cách, phẩm chất của sản phẩm, một mặt doanh nghiệp phải đổi mới trang thiết bị công nghệ, mặt khác phải nâng cao trình độ tay nghề của người lao động, học hỏi kinh nghiệm sản xuất và bản thân người quản lý phải không ngừng học tập nâng cao sự hiểu biết và trình độ quản lý.
Có thể bạn quan tâm!
- Một số giải pháp hạn chế rủi ro trong hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế của các thương nhân Việt Nam - 1
- Rủi Ro Trong Hoạt Động Mua Bán Hàng Hóa Quốc Tế
- Tổng Quan Về Hoạt Động Mua Bán Hàng Hóa Quốc Tế Của Các Doanh Nghiệp Việt Nam
- Một Số Mặt Hàng Nhập Khẩu Chủ Yếu Thời Kỳ 2000-2007
Xem toàn bộ 96 trang tài liệu này.
Thứ năm, hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế đã góp phần giải quyết công ăn việc làm và nâng cao mức sống cho người lao động. Thông qua hoạt động xuất khẩu, các quốc gia tăng cường đầu tư phát triển sản xuất, từ đó tạo ra nhiều công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Thứ sáu, thông qua việc nhập khẩu những mặt hàng trong nước chưa sản xuất được hoặc phải sản xuất với chi phí cao, những khiếm khuyết của nền kinh tế đã được phần nào bổ sung, đáp ứng cho nhu cầu của sản xuất và nhu cầu sống ngày càng cao của nhân dân.
Và cuối cùng, thông qua hoạt động trao đổi hàng hóa đã tăng cường uy tín và vị thế của các quốc gia trên trường quốc tế. Nhờ có quan hệ giao dịch, trao đổi hàng hóa mà quốc gia này có thể hiểu thêm về sự phát triển, văn hóa, tập quán và con người của quốc gia khác.
Qua những phân tích trên ta có thể thấy, hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế đóng vai trò hết sức quan trọng trong nền kinh tế cũng như sự phát triển của một quốc gia, đặc biệt trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay. Tuy nhiên, hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế cũng có những hạn chế nhất định đối với mỗi quốc gia, gây ra những thiệt hại về kinh tế khi quan hệ trao đổi không bình đẳng và do những rủi ro gây ra.
1.2. Rủi ro trong hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế
1.2.1. Rủi ro trong kinh doanh
1.2.1.1. Khái niệm rủi ro
Rủi ro là sự kiện không may mắn, hết sức đa dạng, phức tạp luôn gắn liền với môi trường hoạt động của con người, trong đó không loại trừ hoạt động kinh doanh. Người không dám chấp nhận rủi ro không thể tham gia vào kinh doanh, đây là một chân lý. Tuy nhiên, một nhà kinh doanh thành đạt không chỉ là người biết chấp nhận mạo hiểm trong kinh doanh mà còn là người biết phân tích, đánh giá, lường trước rủi ro và tìm ra các phương án thích hợp để phòng ngừa và hạn chế rủi ro. Vậy rủi ro là gì? Trên thế giới và Việt Nam đã có nhiều nhà kinh tế, nhà kinh doanh bảo hiểm nghiên cứu, đưa ra những khái niệm khác nhau về rủi ro.
Inrving Pferfer (Mỹ) cho rằng : “Rủi ro là tổng hợp của những sự ngẫu nhiên có thể đo lường được bằng xác suất”[4]. Theo nhà kinh tế này, rủi ro
gắn liền với sự hiện diện ngẫu nhiên của sự vật, hiện tượng có thể đo lường được bằng xác suất, có nghĩa là rủi ro là sự cố ngẫu nhiên không phụ thuộc vào ý chí của con người.
Marilu Hurt MrCarthy thuộc viện khoa học kỹ thuật Georgia (Mỹ) lại cho rằng: “Rủi ro là một tình trạng trong đó các biến cố xảy ra trong tương lai có thể xác định được”[4]. Theo đó, kinh nghiệm của một công ty có thể cung cấp chứng cứ về tần số của các biến cố riêng biệt trong quá khứ, do đó cho phép các nhà quản trị xác định phân bổ xác suất xuất hiện của các biến cố tương lai. Tuy vậy, sự xuất hiện của các biến cố còn bị ảnh hưởng bởi những yếu tố tác động hiện tại.
Theo Từ điển kinh tế học hiện đại, “Rủi ro là hoàn cảnh trong đó một sự kiện xảy ra với một xác suất nhất định hoặc trong trường hợp quy mô của sự kiện đó có một phân phối xác suất”[4].
Còn trong tác phẩm: “Phương pháp mạo hiểm và phòng ngừa rủi ro trong kinh doanh”, tác giả Nguyễn Hữu Thân, có viết: “Rủi ro là sự bất trắc gây ra mất mát, thiệt hại”[4]. Bất trắc chính là những điều không lường trước được. Như vậy theo khái niệm này thì, rủi ro phải là bất trắc gây ra hậu quả cho con người, còn những bất trắc không gây ra tổn thất không phải là rủi ro.
Như vậy, đa số các nhà kinh tế và học giả đều cho rằng: rủi ro là những điều không chắc chắn về những gì xảy ra trong tương lai nhưng có thể đo lường được, xác định được ở một mức độ nào đó. Điều này có nghĩa là con người có thể lường trước được những rủi ro có khả năng xảy ra và phòng ngừa, hạn chế được những rủi ro ở mức tối đa.
1.2.1.2. Đặc điểm của rủi ro
Từ các khái niệm trên, ta thấy rủi ro trong kinh doanh có những đặc điểm sau:
- Tính khách quan: rủi ro tồn tại khách quan, rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào và không phụ thuộc vào ý chí của con người.
- Tính tương lai: rủi ro có tính tương lai vì khi tính đến rủi ro thì nó chưa xảy ra, chúng ta chỉ dự đoán và đo lường trước rủi ro.
- Tính bất định: rủi ro mang tính bất định, con người chỉ có thể lường trước được rủi ro chứ không thể đánh giá một cách chính xác về mức độ của rủi ro cũng như khi nào thì rủi ro xảy ra.
- Tính khả năng: rủi ro có thể trở thành hiện thực nhưng cũng có thể không xảy ra, không ai có thể khẳng định chắc chắn sẽ có hay không có rủi ro mà chỉ có thể tính được xác suất xảy ra rủi ro là lớn hay nhỏ.
- Tính lịch sử: ở mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn khác nhau có những rủi ro khác nhau. Có thể lấy ví dụ như khi khoa học kỹ thuật và công nghệ phát triển, kỹ thuật đóng tàu hiện đại hơn đã khắc phục được nhiều yếu tố rủi ro thiên tai trong vận tải biển nhưng cũng đồng thời mở ra nhiều hình thức thương mại mới, thanh toán mới và nảy sinh những rủi ro mới.
1.2.1.3. Các nhân tố ảnh hưởng và nguyên nhân gây ra rủi ro trong hoạt động kinh doanh
Qua theo dõi, nghiên cứu và phân tích quá trình kinh doanh của các doanh nghiệp cho thấy các nhân tố ảnh hường và nguyên nhân gây ra rủi ro trong kinh doanh có thể được chia thành hai nhóm như sau:
a) Các nhân tố ảnh hưởng và nguyên nhân khách quan:
Nguyên nhân khách quan gây ra rủi ro tổn thất cho doanh nghiệp là những nhân tố thuộc môi trường tự nhiên, chính trị, kỹ thuật, xã hội, đặc biệt là những nhân tố thuộc môi trường kinh tế tác động và nằm ngoài sự kiểm soát của doanh nghiệp.
- Môi trường tự nhiên: Môi trường tự nhiên vừa là tiền đề cho sự phát triển kinh tế nhưng đôi khi lại là nhân tố tác động làm gia tăng nguy cơ rủi ro trong kinh doanh thông qua các hiện tượng tự nhiên bất lợi như bão lụt, động đất, núi lửa… Môi trường tự nhiên cũng là nhân tố làm giảm sút giá trị sử dụng và giá trị thương mại của hàng hóa qua đó làm hoạt động sản xuất kinh
doanh trở nên khắc nghiệt, khó khăn hơn. Sự tác động của môi trường tự nhiên bất lợi làm cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đầy bất định và chứa nhiều rủi ro hơn.
- Môi trường chính trị: Sự ổn định chính trị là điều kiện vô cùng quan trọng đảm bảo cho một quốc gia phát triển và thịnh vượng. Kinh doanh trong một môi trường chính trị ổn định là điều kiện cần cho sự thành công của các doanh nghiệp. Với một môi trường chính trị bất định, doanh nghiệp sẽ thường xuyên gặp phải những rủi ro không lường trước được. Hậu quả của những loại rủi ro này sẽ rất nghiêm trọng đối với doanh nghiệp bởi vì rủi ro chính trị thường là nguyên nhân của nhiều rủi ro khác và tạo ra chuỗi rủi ro.
- Môi trường kỹ thuật: Kỹ thuật là nhân tố nền tảng quyết định sản xuất, quyết định phát triển năng suất lao động trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh. Xét về phương diện nào đó, phát triển khoa học kỹ thuật cũng tạo ra những rủi ro trong cuộc sống cũng như trong kinh doanh. Mặt khác, trong kinh doanh, khi khoa học mới ra đời và nhanh chóng được áp dụng sẽ là nguy cơ rủi ro trong đầu tư cho nhiều doanh nghiệp đang áp dụng kỹ thuật cũ. Để phòng chống rủi ro loại này, nhiều doanh nghiệp phải mua quyền sử dụng các phát minh, sáng chế nhằm tiếp cận kỹ thuật mới trong quá trình hoạt động kinh doanh của mình.
- Môi trường xã hội: Trong kinh doanh không thể không đề cập đến môi trường xã hội. Nếu có những hiểu biết sâu sắc về xã hội, doanh nghiệp sẽ tạo dựng cho mình một nền tảng vững chắc trong kinh doanh. Nếu kinh doanh mà thiếu tri thức về xã hội sẽ gặp phải nhiều rủi ro và bất trắc. Môi trường xã hội có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh thông qua một số nhân tố thuộc quan hệ xã hội, tôn giáo, văn hóa, đạo đức, tập quán,… Sự khác biệt về tôn giáo, văn hóa, phạm trù đạo đức, tập quán luôn làm gia tăng tính bất định trong quan hệ kinh tế giữa các doanh nghiệp.
- Môi trường pháp lý: Môi trường pháp lý là toàn bộ những quy phạm, quy tắc ứng xử, quy định về phạm vi, quyền hạn của cá nhân, tổ chức được phép kinh doanh hành nghề trong một quốc gia, lãnh thổ. Môi trường pháp lý minh bạch là một trong những cơ sở quan trọng giúp cho các doanh nghiệp ổn định, yên tâm phát triển kinh doanh. Sự thay đổi theo hướng bất lợi của các quy phạm, quy định của văn bản pháp lý, ví dụ như: thắt chặt quản lý, tăng thuế xuất nhập khẩu, thuế nội địa,… hoặc có sự chồng chéo giữa các văn bản pháp luật, là nguyên nhân làm tăng tính bất định, rủi ro trong kinh doanh làm suy giảm niềm tin của các doanh nghiệp.
- Sự biến động của chu kỳ kinh doanh: Chu kỳ kinh doanh chính là sự phát triển kinh tế theo chu kỳ, là quy luật kinh tế đặc trưng của nền kinh tế thị trường. Một trong những biểu hiện của chu kỳ kinh doanh là khủng hoảng kinh tế, là nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ rủi ro cho doanh nghiệp. Nhận thức được chu kỳ kinh doanh là điều cần thiết đối với các doanh nghiệp nhằm điều chỉnh hành vi của doanh nghiệp, qua đó hạn chế được rủi ro trong kinh doanh.
- Cạnh tranh: Cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường chính là những thủ pháp của các doanh nghiệp nhằm giành được nhiều thị phần, uy tín và lợi nhuận trong kinh doanh. Cạnh tranh có thể kích thích sản xuất phát triển bằng cách nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí, mang lại nhiều lợi ích cho xã hội nhưng cũng không tránh khỏi những biện pháp thiếu lành mạnh, cá lớn nuốt cá bé dẫn đến tiêu diệt lẫn nhau. Nếu như doanh nghiệp không xác định cho mình một chỗ đứng, không có chiến lược kinh doanh tốt, sách lược mềm dẻo, không ngừng cải tiến chất lượng sản phẩm, nâng cao năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm… thì không có khả năng cạnh tranh trong một nền kinh tế mở và tất nhiên sẽ thất bại trên thương trường.
- Lạm phát: Lạm phát được biểu hiện qua sự mất giá của đồng tiền trước khả năng thanh toán. Lạm phát ngoài tầm kiểm soát của chính phủ sẽ có ảnh
hưởng xấu đến môi trường kinh doanh, làm cho hoạt động kinh doanh không có hiệu quả, làm tăng mức độ rủi ro trong đầu tư, khi doanh nghiệp bỏ một lượng vốn rất lớn nhưng sau một thời gian kinh doanh không thu hồi được vốn tính theo giá trị cũ. Nếu lạm phát quá nhanh, mọi người sẽ đầu cơ nhiều hàng hóa, từ đó hạn chế lưu thông , trao đổi hàng hóa, đương nhiên sản xuất cũng không thể phát triển.
- Cung cầu và giá cả hàng hóa: Sự biến đổi của giá cả hàng hóa là do tác động giữa cung và cầu trên thị trường, là một trong những nhân tố thường nằm ngoài tầm kiểm soát của các cá nhân và tổ chức. Nằm ngoài ý chí của con người, giá cả có thể làm cho các cá nhân, tổ chức này gặp may mắn nhưng cũng có thể làm cho các cá nhân, tổ chức khác gặp rủi ro.
- Tỷ giá hối đoái: Tỷ giá hối đoái là sự thể hiện một đơn vị tiền tệ này đổi được bao nhiêu đơn vị tiền tệ khác. Sự biến đổi tỷ giá hối đoái ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận của các doanh nghiệp. Khi xuất khẩu nếu tỷ giá giảm hoặc khi nhập khẩu nếu tỷ giá tăng thì sẽ làm giảm lợi nhuận trong kinh doanh.
- Thiếu thông tin về kinh tế, xã hội: Khi doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn thông tin hoặc sai lệch thông tin dẫn đến những sai lầm trong công tác xây dựng chiến lược đầu tư, lựa chọn thị trường, ngành hàng… khi ra quyết định kinh doanh. Tuy đây không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra rủi ro nhưng nó có ảnh hưởng sâu sắc đến hoạt động của các doanh nghiệp cũng như toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Sự ảnh hưởng này còn phụ thuộc vào quy mô hoạt động kinh doanh, từ đó quyết định đến mức độ nghiêm trọng của rủi ro.
- Khách hàng hoặc người thứ ba gây ra rủi ro: Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, cá nhân và tổ chức phải quan hệ với rất nhiều người và tổ chức khác nhau. Chính từ mối quan hệ này đã phát sinh các nhân tố có thể gây ra rủi ro, tổn thất cho cá nhân hoặc tổ chức.