Mở rộng tín dụng ngân hàng để phát triển bền vững cây công nghiệp dài ngày của các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Bình Dương - 2

LỜI MỞ ĐẦU

1. Lý do lựa chọn đề tài.

Bình Dương là một tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, phát triển công nghiệp năng động của cả nước. Mặc dù tỷ trọng ngành nông lâm nghiệp chỉ chiếm một phần nhỏ trong GDP của tỉnh, khoảng 4%, nhưng giá trị cây công nghiệp dài ngày lại giữ một vị trí khá quan trọng trong đời sống kinh tế của nhiều người dân trong tỉnh. Phát triển cây CNDN tại Bình Dương một mặt nhằm tận dụng lợi thế so sánh của tỉnh có khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp cho loại cây này, mặt khác còn tạo nhiều công ăn việc làm, mang lại cơ hội để nhiều người dân thoát nghèo vươn lên làm giàu. Sự phát triển cây CNDN, sẽ góp phần tích cực vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, hiện đại, tạo động lực để thúc đẩy nhanh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Trong quyết định số 81/2007/QĐ-TTg ngày 05 tháng 06 năm 2007 của Thủ tướng chính phủ về Phê duyệt "Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương đến năm 2020" có đoạn viết: “Phát triển nông nghiệp ổn định, bền vững, năng suất cao trên cơ sở khai thác hợp lý các lợi thế về vị trí địa lý, các nguồn lực, giữ gìn và bảo vệ môi trường sinh thái. Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị cao. Phát triển nông thôn mới trong tiến trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Áp dụng công nghệ sinh học, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi có năng suất và chất lượng cao trong nông nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Đầu tư phát triển các vùng chuyên canh cây CNDN như cao su; cây ăn trái,…” (Chính phủ 2007).

Trong những năm qua, giá trị sản lượng và giá trị xuất khẩu các sản phẩm từ cây CNDN của Việt Nam nói chung và của Bình Dương nói riêng luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao. Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, trong năm 2015 cây CNDN tiếp tục phát triển. Diện tích và sản lượng một số cây chủ yếu tăng so với năm 2014, trong đó diện tích chè ước tính đạt 134,7 nghìn ha, tăng 1,6% so với năm trước; sản lượng chè búp đạt 1 triệu tấn, tăng 1,9%; cà phê diện tích đạt

645,2 nghìn ha, tăng 0,6%, sản lượng đạt 1.445 nghìn tấn, tăng 2,6%; cao su diện tích đạt 981 nghìn ha, tăng 0,2%, sản lượng đạt 1.017 nghìn tấn, tăng 5,2%; hồ tiêu diện tích đạt 97,6 nghìn ha, tăng 14%, sản lượng đạt 168,8 nghìn tấn, tăng 11,3%. Riêng cây điều, mặc dù diện tích cho sản phẩm giảm 1,5% so với năm trước, nhưng do năng suất tăng nên sản lượng đạt xấp xỉ năm 2014. Các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao do sau quá trình chế biến giá trị sẽ gia tăng nhiều lần. Bên cạnh đó, đây cũng là mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao. Vì vậy, loại cây này không chỉ tạo việc làm, cải thiện đời sống cho các hộ nông dân mà còn góp phần tạo ra nguồn thu ngoại tệ lớn để tái đầu tư cho chính ngành này và các hoạt động kinh doanh khác, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trị giá xuất khẩu cà phê là 2.674 triệu USD, cao su là 1.532 triệu USD, hồ tiêu là 1.260 triệu USD và chè là 213 triệu USD.

Bình Dương là một tỉnh nằm ở vị trí chuyển tiếp giữa sườn phía nam của dãy Trường Sơn, nối nam Trường Sơn với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Vùng đất Bình Dương tương đối bằng phẳng, thấp dần từ bắc xuống nam. Các quy luật tự nhiên tác động lên vùng đất này tạo nên nhiều dạng địa hình khác nhau cùng với đất đai đa dạng và phong phú về chủng loại như: đất xám, đất nâu vàng trên phù sa cổ, đất phù sa Glây, đất dốc tụ,… Bên cạnh đó, khí hậu ở Bình Dương cũng như khí hậu của khu vực miền Đông Nam Bộ là nắng nóng và mưa nhiều, độ ẩm khá cao. Do đặc điểm khí hậu nhiệt đới ẩm và đất đai màu mỡ, Bình Dương là một tỉnh thuận lợi cho việc phát triển cây CNDN. Tuy vậy, sự phát triển của cây CNDN tại Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng còn chưa bền vững. Chẳng hạn như, giá cao su sụt giảm trong giai đoạn 2011 do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới khiến cho các hoạt động sản xuất sử dụng mủ cao su bị đình trệ. Giá giảm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế và thu nhập của nông dân nên họ bắt đầu phá bỏ cây cao su để chuyển sang trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế. Ngoài nguyên nhân do biến động giá, phát triển cây CNDN chưa thực sự bền vững còn xuất phát từ việc thiếu hụt vốn cho trồng trọt của các hộ nông dân. Việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng khó khăn đã khiến cho các hộ nông dân không thể cải tạo vườn cây già cỗi. Điều này đã


làm giảm năng suất của các loại cây CNDN và gia tăng chi phí trồng trọt. Bên cạnh đó, việc thiếu hụt vốn khiến cho người nông dân phải chấp nhận bán sản phẩm thô, bán non. Điều này đã khiến cho người nông dân phải chịu áp lực bị ép giá, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của các loại cây CNDN.

Như vậy, có thể thấy trong bối cảnh hiện nay việc giải quyết tình trạng thiếu vốn tín dụng, đầu tư vốn chưa đúng mức cho việc phát triển bền vững cây CNDN là quan trọng và có ý nghĩa thiết thực. Vì những lý do trên và để phát triển bền vững cây CNDN tại tỉnh Bình Dương, tác giả lựa chọn đề tài: “Mở rộng tín dụng ngân hàng để phát triển bền vững cây công nghiệp dài ngày của các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Bình Dương”. Các kết quả được mong đợi sẽ đóng góp thêm vào lý luận và thực tiễn cho vấn đề nghiên cứu trong giai đoạn hiện nay.

2. Tổng quan tình hình nghiên cứu

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 156 trang tài liệu này.

2.1 Các nghiên cứu có liên quan

Phát triển cây công nghiệp lâu năm ở Việt Nam của Nguyễn Sinh Cúc (2005), đăng trên Tạp chí Cộng sản, đã nghiên cứu:

Mở rộng tín dụng ngân hàng để phát triển bền vững cây công nghiệp dài ngày của các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Bình Dương - 2

Phát triển cây CNDN ở Việt Nam cho thấy các loại cây CNDN cho sản phẩm chủ yếu làm nguyên liệu cho các ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Do đó, các loại cây CNDN có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, việc phát triển các loại cây CNDN đang gặp phải những rào cản như: biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây, sâu bệnh phát triển, lạm dụng phân hóa học quá nhiều, tình trạng đốt phá rừng, thiếu vốn. Trong đó tác giả nhấn mạnh đến tình trạng được mùa mất giá gây khó khăn cho các hộ nông dân, từ đó dẫn đến tình trạng thiếu vốn cho phát triển cây CNDN.

Trên cơ sở phân tích thực trạng để đánh giá những thành tựu đạt được và chỉ ra những rào cản, tác giả đã đề xuất một số giải pháp có tính định hướng nhằm khắc phục các hạn chế và góp phần phát triển bền vững cây CNDN. Trong đó, tác giả nhấn mạnh cần phải gia tăng việc đầu tư phát triển cây công nghiệp dài ngày thông qua việc chuyển hướng đầu tư từ đầu tư chiều rộng sang đầu tư chiều sâu, ứng dụng rộng rãi các tiến bộ khoa học, công nghệ nhất là công nghệ


sinh học vào sản xuất để tăng năng suất, nâng cao chất lượng. Để làm được điều này cần thiết phải có nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Phát triển bền vững ngành cao su Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế (2012) của Trần Đức Viên, đăng trên Tạp chí Khoa học và Phát triển, đã nghiên cứu:

Tình hình sản xuất và xuất khẩu cao su của Việt Nam cho thấy sản lượng và giá trị cao su xuất khẩu không ngừng gia tăng qua các năm trong giai đoạn nghiên cứu. Tuy nhiên do tác động của việc tham gia vào thị trường thế giới và WTO. Nghiên cứu cũng điểm lại một số chính sách của Việt Nam liên quan đến sản xuất và xuất khẩu cao su, tổng hợp những tác động của quá trình hội nhập quốc tế đối với ngành cao su.

Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp phát triển bền vững ngành cao su Việt Nam trong quá trình hội nhập. Các giải pháp được tác giả đưa ra tập trung vào nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành cao su như: hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến ngành cao su, xây dựng chính sách thúc đẩy đầu tư các ngành công nghệ mũi nhọn sử dụng sản phẩm cao su, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư bằng cách xã hội hóa lĩnh vực trồng cao su ở các vùng kinh tế phù hợp, khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài, các nhà đầu tư cá nhân tham gia vào lĩnh vực trồng, khai thác và chế biến mủ cao su. Bên cạnh đó, tác giả cũng kiến nghị cần đa dạng hóa hoạt động nhằm hạn chế rủi ro có thể xảy ra khi giá cao su xuống thấp.

Giải pháp nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững cây cao su trên địa bàn tỉnh Quảng Bình (2014) của Nguyễn Đức Lý, đăng trên tạp chí Thông tin khoa học và công nghệ Quảng Bình, đã nghiên cứu

Phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh Quảng Bình cho thấy cây cao su có vị trí và tầm quan trọng đối với kinh tế tỉnh Quảng Bình, chỉ ra những khó khăn trong quá trình phát triển, đồng thời đưa ra các kiến nghị nhằm phát triển bền vững cây cao su ở tỉnh Quảng Bình.

Tác giả kiến nghị Chính phủ cần có chính sách cho khoanh nợ, giãn nợ, xóa nợ và cho vay với lãi suất ưu đãi với thời gian từ 6-7 năm mới trả gốc và lãi để


doanh nghiệp, hộ gia đình có điều kiện tiếp tục trồng mới cao su, cho vay vốn ưu đãi đối với người trồng cây cao su; bảo hiểm đối với cây cao su. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Viện nghiên cứu cây cao su Việt Nam nghiên cứu lai tạo chọn giống và điều chỉnh quy trình kỹ thuật cây cao su phù hợp điều kiện Bắc Trung bộ nói chung và tỉnh Quảng Bình nói riêng. UBND tỉnh có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vườn ươm giống cây cao su bảo đảm chất lượng, đúng chủng loại và phù hợp với điều kiện khí hậu Quảng Bình; khuyến khích phát triển mạng lưới kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm cung ứng kịp thời, đầy đủ thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh hại cây cao su.

Hiệu quả kinh tế và những rủi ro trong sản xuất hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Quảng Trị (2015) luận án tiến sĩ của tác giả Phạm Thị Thanh Xuân, bảo vệ thành công tại trường Đại học Huế, đã nghiên cứu:

Khung lý thuyết về phân tích hoạt động sản xuất hồ tiêu dựa trên cơ sở các phương pháp hạch toán tài chính, phương pháp hàm sản xuất Cobb – Douglas, phương pháp DEA, phương pháp phân tích mô phỏng Monte Carlo, phương pháp phân tích kịch bản.

Nghiên cứu tiến hành với mẫu 400 hộ sản xuất hồ tiêu trên địa bàn 2 huyện Vĩnh Linh và Cam Lộ được thu thập thông qua điều tra phỏng vấn trực tiếp bằng bảng câu hỏi. Kết quả nghiên cứu cho thấy sản xuất hồ tiêu trong thời gian qua đã mang lại nguồn thu nhập quan trọng cho hộ sản xuất. Bình quân mỗi ha hồ tiêu, hộ sản xuất thu được mức thu nhập hỗn hợp là 100 – 160 triệu đồng/năm và lợi nhuận khoảng 80 -90 triệu đồng/năm. Các chỉ tiêu tài chính NPV = 325,6 triệu đồng/ha, IRR = 16,97% và BCR = 1,99 lần đều chứng tỏ rằng hiệu quả và khả năng sinh lời của cây hồ tiêu là rất lớn. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất còn theo hình thức quảng canh, mức đầu tư cho cây hồ tiêu còn thấp hơn so với yêu cầu kỹ thuật. Đây là nguyên nhân dẫn đến năng suất hồ tiêu ở Quảng Trị thấp hơn so với các vùng sản xuất khác trong cả nước. Kết quả phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến năng suất hồ tiêu chỉ ra rằng hộ sản xuất có thể tăng thêm năng suất khi gia tăng đầu tư thêm các yếu tố phân bón và lao động chăm sóc. Kết quả


phân tích hiệu quả kinh tế sản xuất hồ tiêu trong điều kiện sản xuất có rủi ro bằng phương pháp phân tích kịch bản và mô hình mô phỏng Monte Carlo đều cho thấy hồ tiêu là cây trồng đem lại hiệu quả cho hộ nông dân. NPV kỳ vọng đạt được là 343,4 triệu đồng/ha, cao hơn so với mức thực tế người dân đang đạt được.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, tác giả đề xuất các nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế và giảm thiểu rủi ro trong sản xuất hồ tiêu. Nhóm các giải pháp liên quan đến kỹ thuật sản xuất bao gồm: chọn lựa giống hồ tiêu; xây dựng vườn hồ tiêu; sử dụng phân bón cân đối, đủ về số lượng, đúng thời gian; chăm sóc và bảo vệ vườn cây; thu hoạch và chế biến. Nhóm giải pháp giảm thiểu rủi ro do thời tiết, khí hậu: bao gồm trồng các loại cây chắn gió để hạn chế gió hại; khôi phục các vườn hồ tiêu bị thiệt hại sau gió bão; áp dụng đúng yêu cầu kỹ thuật trong quá trình canh tác nhằm hạn chế ảnh hưởng của điều kiện thời tiết bất lợi. Nhóm các giải pháp nâng cao năng lực cho hộ sản xuất: nhằm nâng cao kiến thức trong sản xuất, khả năng tiếp cận thông tin thị trường cho các hộ sản xuất. Các biện pháp cần thực hiện bao gồm: tổ chức các lớp tập huấn về kiến thức và kỹ năng sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, lập kế hoạch sản xuất; tăng cường công tác truyền thông về các kiến thức khoa công nghệ mới trong sản xuất hồ tiêu; tăng cường mối liên kết giữa các hộ sản xuất hồ tiêu; xây dựng và phát triển các mô hình câu lạc bộ sản xuất hồ tiêu; thực hiện đa dạng hóa sản xuất. Nhóm giải pháp về chính sách vĩ mô nhằm hỗ trợ các hộ sản xuất hồ tiêu phòng tránh và giảm thiểu tác động của các yếu tố rủi ro, nâng cao hiệu quả kinh tế. Các giải pháp cần thực hiện bao gồm: giải pháp về đầu tư và tín dụng; nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến nông; đầu tư cơ sở hạ tầng; hoàn thiện công tác quy hoạch vùng sản xuất hồ tiêu.

Giải pháp phát triển tín dụng có hiệu quả cho khu vực nông nghiệp, nông thôn (2011) của Tô Ngọc Hưng, đăng trên tạp chí Khoa học và Phát triển, đã nghiên cứu:

Bài viết khái quát thực trạng hoạt động tín dụng đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh việc đánh giá những thành tựu trong quá trình phát triển, nghiên cứu đã chỉ ra những hạn chế như các sản phẩm tín dụng cung ứng


của đa phần các trung gian tài chính còn đơn điệu, nguồn nhân lực thiếu về số lượng và thấp về chất lượng, vốn tín dụng đầu tư chưa đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn của nền kinh tế và khu vực nông nghiệp, nông thôn. Kết quả phân tích của bài viết mang tính kinh nghiệm và có tính khái quát cao.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, tác giả đề xuất một số kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam như: Thứ nhất, giao cho các bộ phận chức năng thực hiện nghiên cứu, đánh giá mức độ hấp thụ vốn của các đối tượng được cấp tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Cụ thể, khu vực đồng bằng Sông Cửu Long là khu vực nông nghiệp có tính chiến lược, cần đánh giá khả năng hấp thụ vốn của khu vực này để có thể đáp ứng. Chỉ khi kiểm soát được mức độ hấp thụ vốn tối đa, Ngân hàng Nhà nước mới có thể đưa ra được các định hướng chính xác về khối lượng tín dụng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn. Thứ hai, căn cứ trên khả năng quản trị thanh khoản của một số ngân hàng lớn, cho phép điều chỉnh giới hạn sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Từ đó, giúp các ngân hàng này có thể hướng một phần nguồn vốn của mình đầu tư vào hoạt động tín dụng trung dài hạn cho khu vực nông thôn. Thứ ba, thực hiện các nghiên cứu định hướng cho các NHTM các sản phẩm tín dụng mới phù hợp với đặc thù khu vực nông nghiệp và nông thôn. Thứ tư, tăng cường công tác thanh tra giám sát đảm bảo tính lành mạnh của thị trường và sự tham gia của các nhà đầu tư.

Tín dụng ngân hàng đối với phát triển cây cà phê ở tỉnh Lâm Đồng (2014) của Vũ Văn Thực, đăng trên tạp chí Phát triển và Hội nhập, đã nghiên cứu:

Bài viết điểm qua về thực trạng cây cà phê trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, phân tích thực trạng tín dụng ngân hàng đối với cây cà phê, những hạn chế và nguyên nhân những hạn chế của đầu tư tín dụng ngân hàng đối với cây cà phê, qua đó đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển cây cà phê ở tỉnh Lâm Đồng.

Các giải pháp nhằm góp phần phát triển cây cà phê trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được tác giả đề xuất tập trung vào: Một là, đa dạng hóa các mô hình tài trợ vốn: nhằm đáp ứng tối đa khả năng nguồn vốn tài trợ cho phát triển đối với cây cà phê, ngoài các hình thức cho vay truyền thống, các NHTM nên nghiên cứu


mở rộng các mô hình tài trợ cho sự phát triển của cây cà phê, một số mô hình cụ thể là: ngân hàng cho vay một phần và bảo lãnh một phần; ngân hàng bảo lãnh hoặc cho vay 100% vốn vay; đối với nhà xưởng máy móc thiết bị có giá trị lớn thì thông qua các công ty con ngân hàng có thể mua lại của khách hàng và cho khách hàng thuê lại; ngân hàng bảo lãnh vay vốn 100% dự án xin vay. Hai là, tăng cường huy động vốn, đặc biệt là nguồn vốn trung, dài hạn. Trong khi nguồn vốn huy động toàn hệ thống của mỗi NHTM còn hạn chế, hơn nữa các NHTM không chỉ đầu tư riêng cho cây cà phê mà còn cho vay nhiều ngành nghề và mục đích kinh doanh khác nhau. Do đó, muốn mở rộng cho vay thì các NHTM trên địa bàn cần tăng cường huy động vốn để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng dư nợ cây cà phê. Để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng dư nợ, các NHTM trên địa bàn cần tăng cường huy động vốn, giải pháp đưa ra là tiếp tục mở rộng các hình thức huy động vốn, nghiên cứu hình thức huy động mới như: tiền gởi gắn liền với mục đích gởi tiền như: tiết kiệm tích lũy để mua tài sản, tiết kiệm đi du lịch, tiết kiệm gắn với mục đích nhân đạo,… Bên cạnh đó, tác giả cũng đề xuất các giải pháp khác như: mở rộng đối tượng cho vay và khách hàng vay, nâng cao trình độ và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ ngân hàng, tăng cường hoạt động marketing ngân hàng…

2.2 Đóng góp của luận án

Các nghiên cứu trước đã có những đóng góp nhất định cả về lý luận lẫn thực tiễn tuy nhiên các nghiên cứu này chỉ tập trung nghiên cứu cụ thể một loại cây CNDN nào đó, chẳng hạn như cây cao su, cây cà phê hay cây hồ tiêu một cách riêng biệt. Mặc dù các nghiên cứu có giá trị gắn với phạm vi một địa phương cụ thể, chẳng hạn Quảng Bình, Quảng Trị, Lâm Đồng,… nhưng do chỉ nghiên cứu riêng biệt cho một loại cây CNDN nên các giải pháp đưa ra dựa trên kết quả nghiên cứu không thể áp dụng hiệu quả trong trường hợp các loại cây CNDN khác. Một số nghiên cứu khác có đối tượng nghiên cứu là các loại cây CNDN với phạm vi nghiên cứu trên cả nước tuy nhiên đều dừng lại ở nghiên cứu định tính, Kết quả nghiên cứu chủ yếu mang tính kinh nghiệm phát triển cây CNDN mà chưa đi sâu phân tích cụ thể những hạn chế và nguyên nhân hạn chế


về vốn cho sự phát triển cây CNDN. Trong luận án này, tác giả tiến hành nghiên cứu với nhiều loại cây CNDN và gắn liền với một địa phương cụ thể là tỉnh Bình Dương. Bên cạnh đó, tác giả kết hợp cả phương pháp nghiên cứu định tính và phương pháp nghiên cứu định lượng nên các kết quả thu được có tính khái quát và có sức thuyết phục cao hơn. Vì vậy, luận án có những đóng góp nhất định cả về lý luận lẫn thực tiễn. Cụ thể:

Thứ nhất, luận án đã tập hợp đầy đủ và có tính hệ thống những lý luận cơ bản nhất về tín dụng ngân hàng cho sự phát triển bền vững cây CNDN. Cụ thể là luận án đã làm sáng tỏ quan điểm phát triển bền vững cây CNDN; vai trò và đặc điểm của tín dụng ngân hàng cho cây CNDN; các nhân tố ảnh hưởng đến mở rộng tín dụng ngân hàng cho cây CNDN.

Thứ hai, luận án đã phân tích được thực trạng phát triển cây CNDN. Cụ thể là làm rõ thực trạng quy mô diện tích, quy mô sản lượng, cơ cấu cây trồng, giá trị xuất khẩu, năng suất sản xuất, hiệu quả sản xuất của cây CNDN. Nội dung phân tích phần này là cơ sở để cơ quan quản lý hoạch định chính sách phát triển cây CNDN, cũng như cơ sở để các ngân hàng định hướng chính sách cấp tín dụng cho cây CNDN. Đồng thời luận án đã phân tích được thực trạng tín dụng ngân hàng cho cây CNDN. Cụ thể luận án đã làm rõ: quy mô và tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng; cơ cấu dư nợ tín dụng ngân hàng; chất lượng tín dụng ngân hàng. Thông qua đó, luận án rút ra đánh giá về những hạn chế của tín dụng ngân hàng cho cây CNDN.

Thứ ba, các giải pháp mở rộng tín dụng cho sự phát triển bền vững cây CNDN được luận án đưa ra căn cứ vào kết quả nghiên cứu thực nghiệm. Đầu tiên luận án đánh giá năng lực hoạt động của các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Bình Dương để mở rộng tín dụng cho phát triển bền vững cây CNDN. Sau đó luận án tiến hành làm rõ các nhân tố cản trở khả năng tiếp cận vốn tín dụng của các hộ trồng cây CNDN trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Thứ tư, trên cơ sở kết quả nghiên cứu của các chương trước, luận án đã đề xuất các giải pháp tín dụng ngân hàng cho sự phát triển bền vững cây CNDN. Các giải pháp mở rộng tín dụng từ phía ngân hàng bao gồm: bổ sung và hoàn


thiện chính sách tín dụng ngân hàng; nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị điều hành, năng lực chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa phương thức huy động vốn, xây dưng chính sách lãi suất phù hợp; nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng của các NHTM. Các giải pháp mở rộng tín dụng từ phía hộ nông dân bao gồm: nâng cao hiệu quả sản xuất cây CNDN, nâng cao khả năng tiếp cận vốn và nâng cao nhận thức về nguồn vốn tín dụng cho hộ.

3. Mục tiêu nghiên cứu và câu hỏi nghiên cứu

Mục tiêu nghiên cứu:

Mục tiêu tổng quát của luận án là nghiên cứu vấn đề mở rộng tín dụng của các NHTM để phát triển bền vững cây CNDN trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Từ đó đề xuất các giải pháp đối với NHTM nhằm mở rộng tín dụng để phát triển bền vững cây CNDN

Để đạt mục tiêu tổng quát như trên, luận án có các mục tiêu cụ thể như sau:

Phân tích được thực trạng tín dụng ngân hàng đối với phát triển cây CNDN tại các NHTM trên địa bàn tỉnh Bình Dương, chỉ ra những kết quả và những hạn chế trong việc mở rộng tín dụng ngân hàng đối với phát triển cây CNDN trên địa bàn tỉnh Bình Dương từ năm 2011-2015.

Tìm hiểu và phân tích các nguyên nhân bên trong cũng như bên ngoài ngân hàng dẫn đến những hạn chế trong quá trình mở rộng tín dụng ngân hàng để phát triển cây CNDN như: năng lực hoạt động của các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong việc cung cấp tín dụng cho phát triển cây CNDN, khả năng tiếp cận vốn tín dụng của các hộ trồng cây CNDN trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp và khuyến nghị đồng bộ trên nhiều phương diện nhằm mở rộng tín dụng để phát triển bền vững cây CNDN tại tỉnh Bình Dương trong giai đoạn tới.

Câu hỏi nghiên cứu

Để đạt được các mục tiêu cụ thể, luận án tập trung giải quyết các câu hỏi nghiên cứu sau:

Thực tế việc mở rộng tín dụng ngân hàng đối với phát triển cây CNDN tại các NHTM trên địa bàn tỉnh Bình Dương diễn ra như thế nào? Đạt được những


kết quả và có những hạn chế nào?

Những nguyên nhân chủ quan (từ ngân hàng), khách quan (từ phía khách hàng) nào dẫn đến những hạn chế nêu trên?

Những giải pháp và khuyến nghị nào cần thực hiện để nhằm mở rộng tín dụng ngân hàng đối với phát triển cây CNDN tại Bình Dương trong thời gian tới?

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu: tín dụng ngân hàng phát triển bền vững cây CNDN.

Không gian nghiên cứu: tỉnh Bình Dương (trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện tại có hơn 30 NHTM đang hoạt động, luận án chỉ giới hạn nghiên cứu 10 NHTM có dư nợ tín dụng cây CNDN lớn nhất tại Bình Dương là: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương tín, Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu, Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn. Cây CNDN được trồng tại Bình Dương có hơn 20 loại cây, luận án chỉ giới hạn nghiên cứu 4 loại cây được trồng nhiều nhất và chiếm tỷ lệ về diện tích, sản lượng hơn 85% so với tổng diện tích, sản lượng cây CNDN như Cao su, Cà phê, Tiêu, Điều).

Thời gian nghiên cứu: từ năm 2011 đến năm 2015.

5. Phương pháp nghiên cứu

Luận án sử dụng tổng hợp phương pháp định tính và phương pháp định lượng. Cụ thể:

Phương pháp định tính được sử dụng trong luận án bao gồm phương pháp so sánh, phương pháp thống kê mô tả, phương pháp phân tích chỉ số. Phương pháp so sánh được sử dụng để phân tích thực trạng phát triển cây CNDN, phân tích thực trạng tín dụng ngân hàng về cây CNDN nhằm đạt được mục tiêu nghiên


cứu thứ nhất. Phương pháp thống kê mô tả được sử dụng để phân tích dữ liệu thu thập cho nghiên cứu thực nghiệm phục vụ cho các mục tiêu nghiên cứu thứ hai. Phương pháp phân tích chỉ số được sử dụng để phân tích năng lực hoạt động của các NHTM trong việc mở rộng tín dụng cây CNDN nhằm đạt được mục tiêu nghiên cứu thứ hai.

Phương pháp định lượng được sử dụng trong luận án bao gồm phương pháp phân tích nhân tố khám phá EFA và phương pháp phân tích nhân tố khẳng định CFA, phương pháp hồi quy mối quan hệ giữa các biến. Phương pháp phân tích nhân tố khám phá EFA và phương pháp phân tích nhân tố khẳng định CFA được sử dụng để đánh giá năng lực hoạt động của các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Bình Dương để mở rộng tín dụng cho phát triển bền vững cây CNDN nhằm đạt được mục tiêu nghiên cứu thứ hai. Phương pháp hồi quy mối quan hệ giữa các biến được sử dụng để xác định các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của các khách hàng trong lĩnh vực cây CNDN nhằm đạt được mục tiêu nghiên cứu thứ hai.

Trên cơ sở kết quả đạt được khi giải quyết các mục tiêu nghiên cứu trên, tác giả tiến hành đưa ra các giải pháp mở rộng tín dụng ngân hàng để phát triển bền vững cây CNDN nhằm đạt được mục tiêu nghiên cứu thứ ba.

Trình tự nghiên cứu có thể tóm lược qua khung nghiên cứu dưới đây

Xem tất cả 156 trang.

Ngày đăng: 21/04/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí