Chương III: GIẢI PHÁP CẢI THIỆN HIỆU QUẢ MÔ HÌNH QUẢN LÝ VÀ KINH DOANH RÁC THẢI Ở VIỆT NAM
Như đã phân tích trong chương II, hệ thống pháp luật của ta còn nhiều thiếu sót, tuy vừa cứng về hệ thống, vừa mềm trong cơ chế, bộ máy hoạt động còn cồng kềnh. Khái niệm “phân loại rác thải tại nguồn” còn khá mới mẻ, chưa được đề cập đến nhiều chứ chưa nói là được “chuẩn hóa” trong các văn bản pháp quy. Các quy định liên quan và điều chỉnh như “Tiêu chuẩn phân loại rác thải”, “Luật tái chế”, “Quy định đảm bảo an toàn vệ sinh cho người thu gom”… còn thiếu rất nhiều.
Công ty kinh doanh dịch vụ liên quan đến rác thải còn khá độc quyền, hầu như chỉ có URENCO với công nghệ xử lý thô sơ, sử dụng nhiều lao động phổ thông, hiệu quả kinh doanh thấp, chưa được đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn, số lao động sử dụng còn rất nhiều, phí thu gom còn thấp, chủ yếu chỉ mang tính “thống kê” chứ chưa đủ để bù đắp chi phí hoạt động. Việc thu gom rác còn tiến hành tập trung, chưa có phân loại tại nguồn, khiến hiệu quả tái chế, xử lý, chế biến còn chưa cao.
Một điểm lạ ở Việt Nam mà các nước phát triển ít gặp là việc thu gom, buôn bán các loại “đồng, nhôm nát, sắt vụn, dép hỏng…” Các hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ, tự phát, từ qui mô nhỏ là các cá nhân cho đến quy mô lớn hơn là hình thành các làng nghề tái chế (Minh Khai, Dương Ô, Đa Hội, Triều Khúc…). Hoạt động kinh doanh rác tái chế này cũng tuân theo cơ chế thị trường và bị chi phối rất nhiều bởi giá cả rác tái chế, nhưng cũng góp phần không nhỏ vào việc giảm thiểu lượng rác thải đem tới các bãi chôn lấp. Các gia đình cũng thường bán các đồ dùng này cho những người “ve chai” hơn là việc vứt bỏ vào thùng. Giá trị của rác tái chế vẫn còn đó, và đủ để tạo ra thị trường rác tái chế, nhưng cơ chế hoạt động còn yếu, chưa có “luật chơi” rõ ràng nên hoạt động còn manh mún và chưa được pháp luật chính thống công nhận. Nếu như URENCO có thể hoạt động với tư cách một doanh nghiệp Nhà nước độc quyền thì các mô hình “làng nghề” tái chế cũng có thể phát triển theo hướng “doanh nghiệp sản xuất quy mô nhỏ”. Khi hoạt động theo cơ chế thị trường “có sự định hướng của Nhà nước” sẽ tạo ra hiệu
quả không nhỏ. Theo hướng này, các doanh nghiệp được cạnh tranh bình đẳng trong việc sử dụng nguồn tài nguyên đầu vào là rác tái chế và năng động trong việc tiêu thụ đầu ra sản phẩm (giấy, nhựa, thép…). Một nền kinh tế “xây dựng trên cơ sở tài nguyên tái chế” hoàn toàn khả thi và cần được khuyến khích.
Mô hình cộng đồng tự quản lý nói chung và thu gom rác thải nói riêng cũng đã manh nha ở Việt Nam từ khá lâu, chỉ có điều, nó được gọi bằng cái tên khác, hoặc có thể tính dân chủ trong các cộng đồng đó chưa cao. Ngày nay, nhiều “cộng đồng quản lý” đã được xây dựng, phát triển theo hướng chú trọng bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững, độc lập, tự chủ và có tiếng nói tại nhiều địa phương như Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Bình…
Hoạt động của các NGOs ở Việt Nam khá phong phú, đa dạng và đang có xu hướng chuyển từ trang bị khoa học công nghệ hiện đại sang đầu tư cho hoạt động giáo dục, nâng cao nhận thức cho người dân, cho cộng đồng.
Có thể bạn quan tâm!
- Nhận Thức Của Cộng Đồng Về Các Vấn Đề Chung:
- Kết Quả Thực Tế Từ Hệ Thống Quản Lý Rác Thải Cộng Đồng
- Giá Cả Các Nguyên Vật Liệu Có Thể Tái Chế
- Mô hình quản lý kinh doanh rác thải phù hợp cho Việt Nam - 13
Xem toàn bộ 104 trang tài liệu này.
Mỗi mô hình riêng lẻ trên tuy đã phần nào có hiệu quả, nhưng chưa đạt lợi ích và hiệu quả mà xã hội mong muốn. Để nâng cao được hiệu quả của mô hình quản lý và kinh doanh rác thải cần có sự kết hợp hài hòa giữa hành lang pháp lý vững chắc của Nhà nước về phân loại rác tại nguồn (quản lý tổng hợp của khu vực công), với hoạt động hiệu quả của các công ty kinh doanh dịch vụ liên quan đến rác thải và các mô hình kinh doanh nhỏ lẻ, tự phát được tổ chức chặt chẽ (tăng tính cạnh tranh cũng như hiệu quả của khu vực tư nhân), cùng với việc xây dựng các cộng đồng hướng tới sự phát triển bền vững (khu vực xã hội dân sự).
A. Về vĩ mô (Nhà nước)
I. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống hành lang pháp lý vững mạnh
Trước đây Việt Nam thực hiện cơ chế quản lý môi trường theo kiểu mệnh lệnh, kiểm soát (command & control). Đặc điểm của công cụ này là việc đưa ra luật lệ, tiêu chuẩn các giấy phép hoạt động môi trường để điều tiết quá trình sản xuất nhằm hạn chế phát sinh chất thải rắn và quy hoạch các vùng sản xuất riêng biệt, các khu công nghiệp nhằm hạn chế phát thải. Tuy nhiên, mô hình này gặp phải nhiều khó khăn. Các quy định, tiêu chuẩn không thích hợp với tình hình cụ thể ở
từng địa phương. Các hệ thống xử lý ô nhiễm ở các nhà máy hoạt động cầm chừng một cách đối phó (chỉ hoạt động khi có đoàn kiểm tra đến), vẫn có nhiều nhà máy sản xuất “lách luật” qua sự bao che của các cán bộ quản lý môi trường. Chi phí hành chính để duy trì hoạt động cao.
Hiện nay, cơ chế này đã thay đổi. Việt Nam đang hoàn thiện hơn hệ thống quản lý, pháp luật liên quan trên cơ sở đóng góp có sự tham gia nên hữu ích và mang tính thực tiễn chứ không phải là đống giấy tờ, sách vở. Năm 2005, khi xây dựng Luật Bảo vệ Môi trường, Bộ Tài nguyên môi trường mà đứng đầu là bộ trưởng Mai Ái Trực cũng đã rất cố gắng trong việc thu hút ý kiến đóng góp từ các bộ, ban, ngành, tổ chức các hội thảo lấy ý kiến đóng góp nhằm hoàn thiện hơn khung pháp lý cao nhất là Luật Bảo vệ Môi trường 2005.
Cần xây dựng và thực hiện tốt các quy định và hành lang pháp lý cho việc phân loại và quản lý rác thải. Xây dựng tiêu chuẩn thống nhất, hợp lý. Cần có sự phối kết hợp của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố với công ty URENCO. Ở Việt Nam hiện nay mới chú ý đến quản lý chất thải rắn nguy hại, mà cũng chỉ trên giấy tờ, có quy định nhưng chưa có chế tài xử phạt, chưa thực hiện nghiêm. Vì thế, hiệu lực pháp lý hay tính pháp chế còn chưa cao.
Hoàn thiện khung pháp lý trên giấy tờ thôi là chưa đủ, Nhà nước phải đóng vai trò chủ đạo trong việc đưa các văn bản này “sống” được trong đời sống xã hội. Muốn vậy, luật phải xuất phát từ dân và dân phải nhận thức được đầy đủ về luật. Nhà nước còn tuyên truyền để “dân hiểu, dân làm theo”.
Việc phân cấp quản lý cũng cần phải rõ ràng, minh bạch hơn. Việc xây dựng hệ thống pháp luật do Quốc hội tiến hành, nhưng việc thực hiện nó lại do Chính phủ, các bộ, ban, ngành, các đoàn thể thực hiện. Việc điều tra do công an môi trường, thanh tra lại do thanh tra môi trường tiến hành, còn xử lý lại thuộc về Tòa án. Vì thế, cần phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan hữu quan, tránh việc chồng chéo, bên này chen chân vào lĩnh vực của bên khác hay không bên nào chịu trách nhiệm về mình. Khi có bất cứ vấn đề nào phát sinh, các cơ quan hữu quan phải kịp thời xử lý và công khai với người dân. Giữa các bộ phận trong hệ thống quản lý cũng cần có sự liên kết, hỗ trợ nhau để hoạt động đạt kết quả cao nhất.
Chính phủ cần xây dựng các đơn vị quản lý có trách nhiệm giám sát và thúc đẩy hiệu quả việc quản lý rác. Tăng cường sức mạnh cho các nhà cầm quyền địa phương, đặc biệt là trong việc giám sát môi trường. Điều này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ, Sở Tài nguyên và Môi trường với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố. Không dừng lại ở việc nâng cao năng lực cho chính quyền cơ sở mà còn phải trao quyền cho dân, để chính những người dân tại cộng đồng địa phương được “nhìn, nghe, thấy, giám sát” việc quản lý rác thải cộng đồng họ.
Chú trọng tới việc cập nhật khung pháp lý và tập trung vào việc thực thi, phối hợp nhịp nhàng giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công nghiệp, Bộ Y tế và Bộ Xây dựng. Nhiệm vụ đặt ra của khung pháp lý là phải linh hoạt, phù hợp và đi trước các thay đổi của tình hình hiện tại, có khả năng dự báo xa hơn những thách thức và cách giải quyết cho các vấn đề môi trường trong tương lai.
II. Tăng cường đầu tư và mở rộng hoạt động của dịch vụ quản lý rác thải
Nhà nước cần tăng cường hiệu quả hoạt động của các bãi chôn lấp hiện tại và xây dựng các bãi chôn lấp đạt tiêu chuẩn quốc tế, hợp vệ sinh. Để thực hiện mục tiêu này, cần có sự phối hợp giữa Bộ xây dựng, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, các nhà tài trợ và công ty URENCO.
Ngoài nguồn vốn viện trợ chính phủ, các dự án phát triển, Nhà nước cũng nên đi đầu trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho việc thu gom, xử lý, chế biến rác thải. Vì việc đầu tư các công nghệ này đòi hỏi chi phí ban đầu rất cao, việc thu hồi lại chậm, nên khó có thể đòi hỏi các doanh nghiệp chịu toàn bộ chi phí. Tuy nhiên, khi nguồn ngân sách còn hạn hẹp, Chính phủ cần chú ý hài hòa, hợp lý hóa các khoản đầu tư này, có ưu tiên, tăng cường xã hội hóa và kêu gọi đầu tư bằng các biện pháp khuyến khích như thuế, đăng kí kinh doanh…
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, URENCO cũng cần phối hợp chặt chẽ để thực hiện tốt việc thu phí hợp lý cho việc hoạt động và duy trì dịch vụ, điều chỉnh mức phí tăng tùy theo mức độ lạm phát và đa dạng hóa phí thu gom. Chú ý hợp lý giữa số lượng và khả năng chi trả của người sử dụng dịch vụ, phù hợp với nguyên tắc đã đề ra trong mô hình lý thuyết. Cố gắng hướng tới độc lập về tài chính cho các công ty kinh doanh dịch vụ liên quan đến rác thải, cải thiện các kĩ
năng chuyên môn và khả năng quản lý đem lại hiệu quả chi phí, tư nhân hóa hoặc xã hội hóa các đơn vị kinh doanh dịch vụ rác thải để tăng hiệu quả.
III. Xây dựng các khuyến khích cho việc giảm thiểu hóa rác thải và tăng cường tái chế
Nhà nước cần tạo lập thị trường và các ưu đãi thuế cho việc giảm thiểu hóa rác, tái chế và xử lý rác thành phân hữu cơ. Để làm được điều này, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ tài chính cùng với khu vực tư nhân cần phải đóng vai trò là người xây dựng “luật chơi” góp phần điều tiết vĩ mô cơ chế thị trường, nhưng không can thiệp quá sâu và lấn át hiệu quả hoạt động của cơ chế thị trường. Các biện pháp xử lý hành chính như các chế tài xử phạt là cần thiết, nhưng không nên quá nhiều và trở thành rào cản phát triển. Chú trọng tính thị trường, tính cạnh tranh và đảm bảo công bằng cho những người chơi chính là một trong những nhân tố cơ bản mang lại hiệu quả quản lý vĩ mô của nhà nước.
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các NGOs cũng cần hỗ trợ việc thành lập các hợp tác xã thu gom, tái chế, xử lý rác thải. Cơ sở tổ chức của các hợp tác xã này là cộng đồng, nhưng khả năng tổ chức và tài chính của cộng đồng lại rất hạn chế. Việc hỗ trợ cả về năng lực, tài chính, đào tạo là hết sức cần thiết. Với các làng nghề tái chế vốn hoạt động tự phát theo cơ chế thị trường, Nhà nước nên nhìn nhận như một yếu tố tất yếu và cần thực hiện việc hỗ trợ để các làng nghề này phát triển.
Về vĩ mô cũng cần chú ý mở rộng các chương trình sản xuất sạch (clean production) và định hướng phát triển kinh tế theo cơ chế phát triển sạch (CDM – Clean Development Machinism), có sự phối hợp giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công nghiệp, và các ngành hữu quan.
Nhà nước cũng cần công nhận thu gom rác thải là một nghề, có các chế độ chính sách phù hợp để gắn bó người lao động với nghề, xây dựng các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn lao động, đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Chú trọng vị trí của con người trong mô hình này là vị trí trung tâm. Tất cả nhằm tới mục tiêu sức khỏe và lợi ích của các cộng đồng dân cư.
IV. Tăng cường thông tin cộng đồng – xây dựng hệ thống quản lý thông tin môi trường (EIMS)
Thông tin hết sức quan trọng trong việc phát triển kinh tế. Trong điều kiện của Việt Nam, thông tin giống như một loại hàng hóa, ai nắm được thông tin sẽ có lợi thế hơn trên thị trường. Thông tin có thể nằm trong các tài liệu tuyên truyền, các kinh nghiệm thành công hay thất bại khi triển khai mô hình, thông tin cũng có thể là hiểu biết về công nghệ, khoa học…
Cần mở rộng và nâng cao hoạt động của các chương trình giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về môi trường như “không rác thải” hay “hạn chế rác”, trách nhiệm liên quan thuộc về Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài nguyên và Môi trường, và các NGOs. Nếu đưa việc giảng dạy các chương trình về rác thải, môi trường, phân loại rác thải tại nguồn… vào chương trình học như một môn tự chọn, có hoạt động ngoại khóa, hoặc một phần trong các môn như “Tự nhiên xã hội”, “Đạo đức”… thì chắc chắn hiệu quả đem lại sẽ không nhỏ chút nào. Hãy nhìn về thế hệ tương lai, “muộn còn hơn không”, nếu chúng ta bắt đầu từ bây giờ, con cháu chúng ta sẽ biết phân loại rác thải thế nào, đến thời cháu chắt chúng ta sẽ biết cách sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả và đến đời sau đó, chắc chắn mơ ước về một tương lai Việt Nam phát triển bền vững là điều hoàn toàn có thể.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cần thực hiện hỗ trợ tư vấn công về việc đánh giá tính kinh tế, môi trường, xã hội của các công cụ xử lý, thu gom, chế biến rác. Cả các công nghệ, máy móc, phương tiện nhập khẩu của các đơn vị thu gom cũng cần được đánh giá để tránh việc trở thành bãi rác công nghệ của thế giới, hoặc tác dụng tích cực từ việc chế biến lại không cao bằng tác động tiêu cực về tiêu hao nhiên liệu hay gây ô nhiễm không khí, tiếng ồn, nước… của các công nghệ nhập khẩu.
Hiện nay Bộ Tài nguyên môi trường đã đưa ra hệ thống quản lý thông tin môi trường về Quản lý chất thải rắn nguy hại, nhưng việc sử dụng nó chưa thực sự hiệu quả. Sản phẩm chưa thực sự đến được với khách hàng hoặc với mức giá quá cao. Hệ thống này còn cần phải hoàn thiện rất nhiều và mở rộng ra cho nhiều lĩnh vực khác, như: rác tái chế, phân loại rác…
Như vậy, vai trò của Nhà nước trong hệ thống kinh doanh rác thải là vô cùng quan trọng, nhằm thiết lập được một hệ thống pháp lý vững mạnh và hệ thống thông tin hiệu quả, nhằm tạo nền tảng cho các mô hình kinh doanh ở khu vực tư nhân và xã hội dân sự phát huy lợi thế linh hoạt của mình.
B. Về vi mô
I. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ liên quan đến rác thải
Thống kê cho thấy, ở một số nước thực hiện phân loại rác tại nguồn, các công ty tái chế có thể đạt lợi nhuận 200% sau 5 năm ổn định sản xuất. Vốn đầu tư ban đầu có thể rất cao, nhưng việc thu lại không phải là không thực hiện được.
1. Xã hội hóa, cổ phần hóa hoặc tư nhân hóa
Rác thải vẫn được xem là hàng hóa công cộng và việc đầu tư cho xử lý nó vẫn mặc nhiên được xếp vào “trách nhiệm của khu vực công”. Nhưng thực tế trong chương II đã chứng minh rằng rác thải và các dịch vụ liên quan hoàn toàn có thể trở thành hàng hóa tư nhân khi ý thức của người dân về nó được cải thiện. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ này hoàn toàn có khả năng tự hạch toán, thậm chí có thể đạt được mức lợi nhuận khổng lồ. Hoạt động sản xuất từ nguồn tài nguyên rác thải đã phân loại, kinh doanh sản phẩm rác tái chế, xử lý và các dịch vụ thu gom, chuyên chở… sẽ hiệu quả hơn rất nhiều khi được thực hiện bởi khu vực tư nhân và khu vực xã hội dân chủ.
Xã hội hóa, cổ phần hóa hoặc tư nhân hóa các doanh nghiệp này sẽ giúp các doanh nghiệp tích cực, chủ động hơn trong việc hạch toán và tìm kiếm các phương thức sản xuất phù hợp để tìm kiếm lợi nhuận. Nguồn thu có thể từ phí xả rác, từ việc bán năng lượng từ xử lý rác, từ bán sản phẩm rác tái chế, hay từ phí dịch vụ làm sạch môi trường hay từ việc thu hút đầu tư của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư khác. Điều quan trọng là phải “dám nghĩ, dám làm”, nhìn nhận đây là một ngành có tiềm năng phát triển chứ không cần sự bợ đỡ, che chở của Nhà nước nữa. Nhà nước cũng cần hạn chế sự độc quyền, khuyến khích sự tham gia của các khu vực khác và sự cạnh tranh, cho phép thành lập các doanh nghiệp mới nếu có đủ khả năng để thực hiện dịch vụ kinh doanh liên quan đến rác thải, miễn sao đảm bảo cho doanh nghiệp làm ăn hiệu quả sẽ tồn tại và phát triển tốt.
2. Đầu tư, trang bị máy móc, thiết bị, công nghệ hiện đại
Chi phí ban đầu cho công nghệ, cơ sở hạ tầng có thể rất cao. URENCO cũng đã đầu tư được rất nhiều cho mảng này nhờ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước (vì URENCO là công ty nhà nước một thành viên), từ các nguồn vốn viện trợ chính phủ (Đan Mạch, Đức, Úc…) và các dự án hỗ trợ công nghệ của các NGOs (JICA, DANINA, CIDA…). Tuy nhiên, công nghệ luôn cần được cải tiến. URENCO sẽ cần năng động hơn trong việc đầu tư, chú trọng đầu tư công nghệ quản lý, xử lý hiện đại, giảm thiểu lượng lao động phải làm việc trong môi trường độc hại, cũng như đánh giá hợp lý giá trị công nghệ khi nhập khẩu, đảm bảo lợi ích không chỉ của công ty mà còn cả quốc gia và đảm bảo lợi ích môi trường, hướng tới phát triển bền vững.
3. Cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, xây dựng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn lao động, công nhận lao công là một nghề
Lao động trong URENCO khá lớn, nhưng phần lớn là lao động phổ thông, cường độ lao động cao, thu nhập rất thấp, không đảm bảo được điều kiện sinh hoạt tối thiểu. Vì thế, lao động gắn bó với nghề chủ yếu là vì họ không thể làm được việc gì khác. Lao động chủ yếu là nữ, nhiều lúc phải làm việc vào ca đêm để đảm bảo việc thu gom không ảnh hưởng đến giao thông nên cũng gặp nhiều nguy hiểm. Điều kiện lao động khó khăn, trang bị bảo hộ thiếu thốn, đơn giản, không đảm bảo được việc bảo vệ sức khỏe. Gần đây, các quy định an toàn vệ sinh lao động cho công nhân thu gom đã được cải thiện đáng kể, nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn. Điều làm nản lòng đội ngũ lao động này nhất là vị thế của họ trong xã hội bị xem nhẹ.
Đặt con người vào vị trí trung tâm, URENCO cần chú trọng cải thiện đời sống cho anh chị em lao công, đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần cho họ, trang bị bảo hộ lao động đầy đủ, phân công lao động hợp lý và có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ công nhân. Việc đưa vào công nghệ hiện đại cũng cần chú ý đảm bảo lợi ích, nếu không sẽ gây ra vấn đề cắt giảm việc làm. Điều quan trọng là có những chính sách đối xử phù hợp, để người lao động thực sự cảm nhận mình là một phần của công ty và cảm thấy tự hào về công việc mình làm. Nâng cao nhận thức xã hội, coi trọng những người lao động trong ngành này.