Nguyên Tắc, Ý Nghĩa, Tác Dụng Phân Loại Miễn Tnhs


bị truy cứu TNHS khi có đầy đủ những điều kiện nhất định thì một người đã phạm tội họ có thể được miễn TNHS.

Về mặt lý luận pháp luật hình sự cho thấy khi việc truy cứu TNHS đối với một người là không cần thiết do tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi thì sẽ có trường hợp trên thực tế Nhà nước không buộc người đó phải chịu TNHS mà cho họ được miễn TNHS. Vì vậy, việc đặt ra chế định miễn TNHS đối với người thực hiện hành vi phạm tội ở chừng mực nhất định thể hiện chính sách phân hoá tội phạm; đồng thời, thể hiện sự khoan hồng, nhân đạo của Nhà nước đối với người phạm tội. Qua đó, nhằm động viên, khuyến khích họ lập công chuộc tội, nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng và xã hội.

Trên cơ sở khái niệm TNHS được đề cập như trên, khái niệm miễn TNHS được hiểu là việc cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào từng giai đoạn tố tụng hình sự tương ứng cụ thể hủy bỏ việc áp dụng các hậu quả pháp lý được áp dụng đối với người thực hiện hành vi phạm tội khi có các căn cứ do pháp luật hình sự quy định.

Miễn TNHS là một chế định quan trọng thể hiện chính sách nhân đạo của pháp luật hình sự. Tuy nhiên, về mặt khoa học pháp lý thì mãi đến BLHS năm 1985, chế định miễn TNHS mới được nhà làm luật nước ta ghi nhận chính thức. Xét về phương diện pháp lý thì bản chất pháp lý của chế định miễn TNHS là tư tưởng nhân đạo được thực hiện bởi các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình áp dụng mà căn cứ vào các điều kiện cụ thể theo chế định miễn TNHS đối với người mà hành vi của người đó đã thỏa mãn các dấu hiệu của một cấu thành tội phạm cụ thể trong BLHS để xem xét miễn TNHS cho họ. Các điều kiện được miễn TNHS được quy định cụ thể trong Phần Chung và Phần Các Tội phạm của BLHS năm 2015. Mặc dù người được miễn TNHS không phải chịu các hậu quả pháp lý hình sự bất lợi của việc phạm tội nhưng có thể phải chịu một hoặc nhiều biện pháp cưỡng chế phi hình sự được quy


định trong các ngành luật khác như: Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Công chức, Luật Viên chức; Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước...

Cùng với khái niệm TNHS, miễn TNHS cũng được các nhà lý luận định nghĩa dưới nhiều góc độ khác nhau, cụ thể:

Theo quan điểm của tác giả người Nga B.X. Xavelôva: “Miễn trách nhiệm hình sự được hiểu theo hai nghĩa: nghĩa hẹp - không kèm theo việc quyết định hình phạt, tức là miễn trách nhiệm hình sự do Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát thực hiện, cũng như do Tòa án thực hiện (khi không đưa ra bản án kết tội đối với người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự) và theo nghĩa rộng - suy cho cùng đó cũng đồng thời chính là miễn hình phạt [55, tr. 428]. Hay tác giả Kêlina X.G (Liên bang Nga) cho rằng: "Miễn trách nhiệm hình sự là việc hủy bỏ sự đánh giá tiêu cực đối với người đó dưới hình thức bản án" [56, tr. 31].

Quan điểm này cũng có những hạt nhân hợp lý của nó như việc thừa nhận một người phải có TNHS thì mới có thể được miễn TNHS mà việc xác định một người có hay không là thuộc thẩm quyền của Tòa án. Điều này cũng được Hiến pháp 2013 quy định: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật” (khoản 1 Điều 31) [19/tr5]. Cụ thể hóa trong Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) Việt Nam 2015 được xây dựng và thực hiện theo 27 nguyên tắc cơ bản (từ Điều 7 đến Điều 33).

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 96 trang tài liệu này.

Các nhà lý luận hình sự Việt Nam đề cập đến khái niệm miễn TNHS ở những khía cạnh sau:

- Quan điểm thừa nhận nội dung và chỉ rò bản chất pháp lý của Miễn TNHS “là một chế định nhân đạo của luật hình sự Việt Nam và được thể hiện bằng việc xóa bỏ hậu quả pháp lý của việc thực hiện hành vi nguy hiểm cho

Miễn trách nhiệm hình sự từ thực tiễn tỉnh Đồng Nai - 3


xã hội bị luật hình sự cấm đối với người bị coi là có lỗi trong việc thực hiện hành vi đó" [8, tr. 7];

- Quan điểm ghi nhận nội dung và hậu quả pháp lý của miễn TNHS nhưng không đề cập thẩm quyền áp dụng và giai đoạn áp dụng: Miễn trách nhiệm hình sự là "miễn những hậu quả pháp lý đối với một tội phạm do pháp luật quy định" [45, tr. 269] hay là "không buộc tội một người chịu trách nhiệm hình sự về tội mà họ đã thực hiện" [43, tr. 321];

- Nhóm quan điểm ghi nhận tương đối đầy đủ về nội dung, phân định các giai đoạn áp dụng, thẩm quyền áp dụng và hậu quả pháp lý: Miễn trách nhiệm hình sự là "miễn truy cứu trách nhiệm hình sự và đương nhiên kéo theo phải miễn chịu các hậu quả tiếp theo do việc thực hiện trách nhiệm hình sự từ phía Nhà nước đem lại như: miễn bị kết tội, miễn phải chịu biện pháp cưỡng chế của trách nhiệm hình sự và miễn bị mang án tích. Trên thực tiễn ở giai đoạn xét xử có thể có trường hợp người phạm tội được Tòa án miễn trách nhiệm hình sự. Và theo đó, miễn trách nhiệm hình sự chỉ bao gồm miễn chịu biện pháp cưỡng chế của trách nhiệm hình sự và mang án tích" [41, tr. 19];

Mặc dù có nhiều quan điểm khác nhau nhưng các nhà lý luận hình sự đều thống nhất một số nội dung quan trọng của chế định miễn TNHS: Nội dung, điều kiện, thủ tục các hình thức miễn TNHS.

Trên cơ sở tổng kết các quan điểm khoa học đã nêu, kết hợp với việc phân tích các quy định của pháp luật hình sự có liên quan, dưới góc độ khoa học luật hình sự, theo chúng tôi khái niệm miễn TNHS có thể được định nghĩa như sau: Miễn trách nhiệm hình sự là một chế định nhân đạo của pháp luật hình sự Việt Nam, là sự hủy bỏ việc áp dụng các hậu quả pháp lý đối với người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hình sự khi họ thực hiện những hành vi phạm tội được quy định trong BLHS nếu đáp ứng các điều kiện được miễn TNHS mà pháp luật quy định.


1.1.2. Đặc điểm miễn trách nhiệm hình sự

Căn cứ các khái niệm đã đề cập như trên và trên cơ sở nghiên cứu các quy định của pháp luật hình sự hiện hành về chế định miễn TNHS, có thể chỉ ra một số đặc điểm cơ bản của chế định này như sau:

Thứ nhất, miễn TNHS là người thực hiện tội phạm được miễn những hậu quả pháp lý về các tội phạm khi họ đáp ứng những điều kiện theo quy định pháp luật. Theo đó, người được miễn TNHS, họ thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội mà luật hình sự quy định là tội phạm. Tuy nhiên, tùy thuộc vào giai đoạn tố tụng hình sự tương ứng, các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử xem xét, xác định tính cần thiết của việc truy cứu TNHS đối với người đó hay không mà vẫn đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng và chống tội phạm cũng như đảm bảo tính giáo dục, cải tạo cao.

Thứ hai, miễn TNHS thể hiện chính sách phân hóa tội phạm và người phạm tội, cũng như thể hiện nguyên tắc "nghiêm trị kết hợp với khoan hồng", "trừng trị kết hợp với giáo dục, thuyết phục, cải tạo" trong pháp luật hình sự Việt Nam.

Thứ ba, miễn TNHS do cơ quan tiến hành tố tụng quyết định phải được thể hiện dưới hình thức văn bản. Cụ thể: “theo quy định của BLTTHS Việt Nam năm 2003, cơ quan Điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra khi có căn cứ miễn TNHS quy định tại Điều 19, Điều 25 và khoản 2 Điều 69 BLHS (Điều 164); VKS ra quyết định đình chỉ vụ án khi có một trong các căn cứ miễn TNHS quy định tại Điều 19, Điều 25 và khoản 2 Điều 69 BLHS (Điều 169) hoặc rút quyết định truy tố và đề nghị Tòa án đình chỉ vụ án (Điều 181), Tòa án cấp phúc thẩm có quyền sửa bản án sơ thẩm trong trường hợp miễn TNHS hoặc miễn hình phạt cho bị cáo (điểm a khoản 1 Điều 249)”.


Thứ tư, miễn TNHS chỉ áp dụng đối với người mà trong hành vi của họ đã thỏa mãn các dấu hiệu của một cấu thành tội phạm cụ thể trong Phần các tội phạm Bộ luật hình sự nhưng họ lại có những điều kiện nhất định để được miễn TNHS. Cụ thể khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, do sự chuyển biến của tình hình mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét thấy hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa thì được miễn trách nhiệm hình sự (khoản 2 Điều 29) hay khi có quyết định đại xá (khoản 3 Điều 25 Bộ luật hình sự). Điều này có nghĩa, nếu TNHS chỉ áp dụng đối với người mà trong hành vi của họ đã thỏa mãn các dấu hiệu của một cấu thành tội phạm cụ thể trong Phần các tội phạm Bộ luật hình sự, thì miễn TNHS cũng áp dụng với đối tượng như vậy, nhưng trường hợp của họ lại có những điều kiện nhất định để được miễn TNHS.

Thứ năm, chế định miễn TNHS còn áp dụng có lợi cho người phạm tội là họ không phải chịu các hậu quả pháp lý hình sự bất lợi của việc phạm tội do mình thực hiện một cách hiển nhiên (như: không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, không bị kết tội, không phải chịu hình phạt hoặc biện pháp cưỡng chế về hình sự khác, không bị coi là có án tích và không bị coi là có tội).

1.2. Nguyên tắc, ý nghĩa, tác dụng phân loại miễn TNHS

1.2.1. Nguyên tắc của chế định miễn TNHS trong Luật Hình sự Việt Nam

Thứ nhất, nguyên tắc nhân đạo trong miễn TNHS

Nguyên tắc nhân đạo là nguyên tắc chung và là nguyên tắc quan trọng trong pháp luật hình sự. Nhân đạo nói chung và trong pháp luật nói riêng được cụ thể hóa thông qua các quy định của pháp luật với ý nghĩa bảo vệ lợi ích của công dân khi bị tội phạm xâm phạm, có thể là lợi ích hợp pháp của cá nhân người phạm tội nếu xứng đáng được hưởng khoan hồng của Nhà nước và đáp


ứng các điều kiện nhất định. Vì vậy, nghiên cứu miễn TNHS vừa thể hiện nguyên tắc nhân đạo vừa tạo cơ sở pháp lý cho sự kết hợp các biện pháp cưỡng chế hình sự với các biện pháp tác động xã hội trong việc giáo dục, cải tạo người phạm tội, lấy gia đình, nhà trường, xã hội làm nơi giúp họ tự cải tạo, giáo dục để khuyến khích họ lập công chuộc tội mà không buộc họ cách ly ra khỏi cộng đồng.

Về nguyên tắc nhân đạo, PGS.TS Hồ Sĩ Sơn viết: “Nguyên tắc nhân đạo trong Luật Hình sự là tư tưởng chủ đạo được ghi nhận trong Luật Hình sự chỉ đạo hoạt động xây dựng và áp dụng Luật Hình sự mà nội dung cơ bản của nó là sự khoan hồng của Luật Hình sự đối với người phạm tội. Mức độ phạm vi của sự khoan hồng của Luật Hình sự đối với người phạm tội được quyết định bởi điều kiện xã hội và bị ràng buộc bởi các yêu cầu khác của Luật Hình sự mà trước hết là công bằng, công lý xã hội”[18, tr. 9]

Thứ hai, nguyên tắc "nghiêm trị kết hợp với khoan hồng", "trừng trị kết hợp với giáo dục, thuyết phục, cải tạo".

Là nguyên tắc được xem là xuyên suốt của BLHS đối với chế định miễn TNHS, là chính sách hình sự của pháp luật hình sự áp dụng với người phạm tội. Đây là nguyên tắc nhân đạo đối với người phạm tội; đồng thời, tạo cơ sở pháp lý cho sự kết hợp các biện pháp cưỡng chế hình sự của Nhà nước với các biện pháp tác động xã hội trong việc giáo dục, cải tạo người phạm tội, cũng là một trong những hình thức đảm bảo không để lọt tội phạm và người phạm tội.

Thứ ba, nguyên tắc phân hóa trách nhiệm hình sự

Miễn trách nhiệm hình sự thể hiện chính sách phân hóa tội phạm và người phạm tội trong pháp luật hình sự. Phân hóa trong luật hình sự nước ta được thể hiện trên nhiều phương diện như: phân loại tội phạm, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, hệ thống hình phạt và các biện pháp tư pháp, phân hóa trách


nhiệm hình sự, đương nhiên được miễn trách nhiệm hình sự hay có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

Thứ tư, nguyên tắc công bằng, công minh trong miễn TNHS

Nguyên tắc này được xem là nguyên tắc cơ bản, là tư tưởng chủ đạo, định hướng xuyên suốt quá trình xây dựng và áp dụng Bộ luật hình sự. Nguyên tắc này đặt trong mối tương quan giữa Nhà nước với người phạm tội, thể hiện thông qua “đối xử” của Nhà nước đối với người phạm tội như thế nào: đối xử công bằng giữa những người phạm tội; đối xử với người phạm tội tương xứng với hành vi phạm tội của họ.

Người được miễn TNHS không phải chịu các hậu quả pháp lý hình sự bất lợi của việc phạm tội nhưng có thể chịu một hoặc nhiều biện pháp cưỡng chế không phải hình sự được quy định trong các ngành luật trong hệ thống pháp luật. Như vậy, việc công bằng trong đánh giá hành vi phạm tội có ý nghĩa trong việc áp dụng chế định miễn trách nhiệm hình sự.

Nhìn chung, chế định miễn TNHS trong luật hình sự Việt Nam không chỉ phản ánh nguyên tắc nhân đạo trong chính sách hình sự mà còn thể hiện nguyên tắc xử lý kết hợp hài hòa giữa trừng trị với giáo dục, thuyết phục; đồng thời, phản ánh sự cần thiết, việc xem xét của cơ quan tiến hành tố tụng có truy cứu trách nhiệm hình sự một người hay không nhưng cốt lòi vẫn đảm bảo yêu cầu đấu tranh, phòng chống tội phạm và giáo dục cải tạo người phạm tội đó và răn đe người khác trong xã hội.

1.2.2. Ý nghĩa và tác dụng của miễn TNHS và phân loại TNHS

Việc nghiên cứu chế định miễn TNHS là một vấn đề quan trọng và cấp thiết, một mặt góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm, một mặt thể hiện chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta đối với người phạm tội và hành vi do họ thực hiện. Qua đó, nhằm động viên khuyến khích người phạm tội lập


công chuộc tội, được sự giám sát, giáo dục, cải tạo từ phía nhà trường, gia đình, xã hội giúp họ hòa nhập với cộng đồng và trở thành người có ích cho xã hội. Do đó, nó có ý nghĩa quan trọng, được thể hiện trên các phương diện sau:

Thứ nhất, về phương diện chính trị-xã hội, việc quy định những trường hợp miễn trách nhiệm hình sự trong pháp luật hình sự giúp cho cơ quan tiến hành tố tụng nhận thức đúng đắn và áp dụng trường hợp nào người phạm tội và hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa hoặc không cần thiết phải áp dụng TNHS mà vẫn đảm bảo yêu cầu đấu tranh và phòng, chống tội phạm, hạn chế tới mức thấp nhất sự lạm dụng và tùy tiện áp dụng hoặc e ngại khi áp dụng chế định này. Mặt khác, việc áp dụng chế định miễn TNHS trong thực tiễn cũng là một trong những hình thức xã hội hóa giáo dục để Nhân dân, cơ quan, đoàn thể, nhà trường và gia đình tham gia vào việc giáo dục, cải tạo người phạm tội, giúp họ hoàn lương, hướng thiện, lao động chân chính và có ích cho xã hội.

Thứ hai, về phương diện pháp lý, biện pháp miễn TNHS chỉ có thể đặt ra đối với một người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội mà LHS quy định hành vi đó là tội phạm nhưng đối với người đó lại có căn cứ pháp lý và những điều kiện nhất định để được miễn TNHS trong từng trường hợp tương ứng mà pháp luật hình sự hiện hành quy định cũng như tùy thuộc vào từng trường hợp miễn TNHS đó có tính chất tùy nghi hay tính chất bắt buộc.

Ngoài ra, cũng với phương diện này, người được miễn TNHS đương nhiên không phải chịu các hậu quả pháp lý hình sự bất lợi của việc phạm tội do mình thực hiện như: không bị truy cứu TNHS, không bị kết tội, không phải chịu hình phạt hoặc biện pháp cưỡng chế về hình sự khác, không bị coi là có án tích và không bị coi là có tội. Tuy nhiên, họ vẫn có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý như: dân sự, hành chính, trách nhiệm pháp lý kỷ luật nếu thuộc trường hợp là cán bộ, công chức tùy theo từng trường hợp tương ứng cụ thể.

Xem tất cả 96 trang.

Ngày đăng: 24/06/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí