Marketing xã hội với việc giảm nghèo bền vững ở Việt Nam - 19


cặp đôi bởi người nghèo cần có kỹ năng cho phát triển sản xuất và cần được vay vốn ưu đãi (Ngân hành chính sách xã hội) để đầu tư và áp dụng kỹ năng đó. Các dịch vụ này thực hiện cho nhóm đối tượng là hộ nghèo (danh sách hộ nghèo của địa phương được lập theo quy định của Chính phủ) vì vậy cán bộ của Ngân hàng chính sách xã hội và cán bộ khuyến nông biết rất rõ đối tượng của mình là ai, được xác định như thế nào. Chủ đề liên quan đến nhận thức mà nghiên cứu đặt ra để trao đổi là “Dịch vụ tín dụng ưu đãi và hướng dẫn cách làm ăn có quan trọng cho giảm nghèo ở địa phương không?”. Kết quả thảo luận là không bất ngờ vì các cán bộ này đều cho rằng dịch vụ của họ rất quan trọng cho giảm nghèo. Nhưng bên cạnh đó, hầu hết đều nhìn nhận tác động của những dịch vụ đến giảm nghèo còn chưa nhiều do những hạn chế như nguồn vốn chưa đáp ứng nhu cầu của người dân, công tác tư vấn, hướng dẫn cách làm ăn cũng chỉ mới ở mức là thực hiện theo chỉ đạo của cơ quan chuyên môn chứ chưa linh hoạt phù hợp với thực tế địa phương...

Báo cáo đánh giá giảm nghèo[6, tr145] nêu ra một khó khăn là cán bộ tín dụng ưu đãi phải đi xa (3-4 ngày đường) mà chi phí không có gì hơn ngoài phụ cấp đi lại khoảng 300.000 đồng. Với khó khăn về địa bàn, khó khăn về nguồn vốn, khó khăn đến từ trình độ dân trí, món vay nhỏ,... vậy những người làm tín dụng có suy nghĩ, đề xuất cách thức cải thiện dịch vụ để giúp người nghèo không? Cán bộ tín dụng được trao đổi trong nghiên cứu này đã cho biết: “Để hài hoà giữa yêu cầu công việc, lợi ích bản thân họ cũng phải tìm những giải pháp khắc phục như dựa vào các tổ chức đoàn thể ở địa phương; mức độ cải thiện chất lượng dịch vụ chắc chưa nhiều”.


TÓM TẮT CHƯƠNG 2


Thực trạng nghèo đói và xu hướng giảm nghèo ở Việt Nam là một trong những nền tảng để phân tích, đánh giá tính cấp thiết tiếp tục các nỗ lực giảm nghèo và vận dụng những mô hình hiệu quả vào giảm nghèo bền vững. Với mục tiêu cung cấp một bức tranh cơ bản, nội dung này đã được nghiên cứu, đánh giá một cách có hệ thống những vấn đề nghèo đói ở Việt Nam và xu hướng giảm nghèo. Kết quả đánh giá cho thấy nghèo đói đã giảm nhanh nhưng để giảm nghèo bền vững thì tiếp tục là thách thức đối với Việt Nam.

Kết quả đánh giá các nỗ lực giảm nghèo theo cách tiếp cận marketing xã hội khẳng định các chính sách, chương trình giảm nghèo hiện nay đã tập trung vào hỗ trợ người nghèo để vươn lên tuy nhiên chưa làm nổi bật được chủ trương “tiếp sức” cho người nghèo, cộng đồng nghèo trên cơ sở ý chí vươn lên.

Thông qua các nghiên cứu thực địa và phỏng vấn sâu, mặc dù có những hạn chế nhất định về tính đại diện nhưng báo cáo đã xác định được những vấn đề liên quan đến các yếu tố của giảm nghèo bền vững của các nhóm đối tượng mục tiêu. Cụ thể, đối với người nghèo: ý chí quyết tâm vươn lên thoát nghèo chưa mạnh và chưa đều giữa các nhóm và giữa các vùng; năng lực của người nghèo trong phát triển kinh tế hộ và tham gia phát triển kinh tế-xã hội địa phương còn hạn chế; chưa chủ động tìm kiếm và tiếp cận cơ hội phát triển cũng như tiếp cận dịch vụ xã hội, dịch vụ công và chưa quan tâm đến phòng ngừa, khắc phục rủi ro. Đối với nhóm đối tác xã hội: nhận thức, thái độ ở một số nhóm đối tượng còn chưa đầy đủ, trách nhiệm đối với mục tiêu giảm nghèo còn chưa thỏa đáng; việc duy trì động lực để xây dựng, thực thi chính sách tạo điều kiện để người nghèo vươn lên chưa được quan tâm; hiệu quả thu hút nguồn lực cho giảm nghèo còn chưa triệt để; sự tham gia của các đối tác xã hội trong việc xây dựng cộng đồng đoàn kết tương trợ cần được nhấn mạnh hơn; và tồn tại những khó khăn trong việc cung cấp dịch vụ xã hội cho người nghèo.

Như vậy, các nhiệm vụ cơ bản về đánh giá thực trạng nhận thức, hành vi của các nhóm có vai trò (các chủ thể) trong giảm nghèo bền vững qua đó phát hiện những vấn đề cần phải có các nỗ lực thay đổi được giải quyết, tạo cơ sở để xác lập các quan điểm, giải pháp marketing xã hội ở chương tiếp theo.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 226 trang tài liệu này.


Chương 3

Marketing xã hội với việc giảm nghèo bền vững ở Việt Nam - 19

QUAN ĐIỂM VÀ GIẢI PHÁP VẬN DỤNG MARKETING XÃ HỘI THỰC HIỆN MỤC TIÊU GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG


3.1 QUAN ĐIỂM VỀ GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

3.1.1. Xác định giảm nghèo bền vững là một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển kinh tế-xã hội

Các căn cứ lý luận và thực tiễn được trình bày ở cả chương I và II đều khẳng định giảm nghèo bền vững vừa là nội dung vừa là cơ sở để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội chung. Văn kiện Đại hội Đảng X cũng thể hiện quan điểm này rất rõ ràng. Quan điểm này thể hiện cả vai trò, chức năng của nhà nước đối với nhiệm cụ giảm nghèo cũng như mối quan hệ giữa giảm nghèo với phát triển.

Trước hết, Nhà nước với vai trò bảo vệ các giá trị xã hội trong đó bảo đảm cho người dân không bị nghèo đói là một trong những giá trị cơ bản. Vì vậy, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia trước hết phải hướng tới thực hiện mục tiêu giảm nghèo.

Bên cạnh đó, động cơ phát triển kinh tế-xã hội cũng là động cơ giảm nghèo vì giải quyết vấn đề phát triển cũng có nghĩa là giải quyết các vấn đề đang cản trở mục tiêu phát triển mà nghèo đói như một mắt xích ở vòng luẩn quẩn nếu không giải quyết được sẽ kìm hãm sự phát triển. Tuy nhiên, việc giải quyết mắt xích này phải đặt trong mối quan hệ với phát triển. Điều này có nghĩa là không chờ khi nào hoàn thành mục tiêu giảm nghèo mới thực hiện mục tiêu phát triển mà phải tiến hành đồng thời vì giảm nghèo đóng góp vào mục tiêu phát triển và ngược lại ngay trong mỗi bước phát triển sẽ góp phần giảm nghèo một cách bền vững. Chính vì vậy, để giảm nghèo bền vững cần phải đặt nó trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội chung.

Từ quan điểm cơ bản này xác lập vị trí của giảm nghèo bền vững trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, các quan điểm, định hướng tiếp theo sẽ cụ thể hóa cách tiếp cận và tạo nền tảng, nguyên tắc cho việc phát triển các chính sách, biện pháp can thiệp cũng như áp dụng các phương pháp hiệu quả vào giảm nghèo bền vững.


3.1.2 Tiếp tục thực hiện chính sách phát triển kinh tế-xã hội theo hướng phát triển bền vững, phát triển vì người nghèo.

Thành tựu giảm nghèo nhiều năm qua cung cấp những bài học kinh nghiệm rất rõ ràng về mối quan hệ, tác động giữa phát triển và giảm nghèo. Tăng trưởng kinh tế là điều kiện quan trọng để giảm nghèo nhưng yêu cầu là tăng trưởng kinh tế phải có tính bền vững, toàn diện và được điều tiết một cách có hiệu quả hướng vào người nghèo.

Trước hết, nhờ tăng trưởng kinh tế nhanh, nhà nước có tiềm lực vật chất để xây dựng và thực hiện các chương trình hỗ trợ vật chất cho các địa phương (xã, huyện) khó khăn phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội cơ bản (điện, đường, trường học, trạm y tế, công trình thủy lợi,…) cũng như các chính sách hỗ trợ trực tiếp các nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội, tiếp sức cho các nỗ lực phát triển sản xuất, kinh doanh tăng thu nhập của người dân.

Dưới giác độ về tạo cơ hội, bản thân quá trình tăng trưởng kinh tế đã mở rộng hơn cơ hội cho người lao động (trong đó có người nghèo) tham gia vào thị trường như thị trường lao động (với nhiều việc làm, sinh kế được tạo ra nhờ đầu tư, tăng trưởng), thị trường vốn, thị trường khoa học công nghệ, thị trường hàng hóa,…. Thực tế, với vai trò điều phối, những năm qua Nhà nước đã xây dựng các biện pháp, kế hoạch, quy hoạch nhằm thúc đẩy tăng trưởng nhanh nhưng đồng thời tạo cơ chế, chính sách (chính sách thuế, đào tạo nghề, đầu tư hạ tầng,…) thu hút đầu tư phát triển vào các vùng miền, giảm thiểu chênh lệch về khả năng tiếp cận cơ hội tăng trưởng của người dân.

Từ các luận cứ khoa học (chương I) và căn cứ thực tiễn giảm nghèo nhiều năm qua chứng minh rằng không có nỗ lực đơn lẻ nào có thể đem lại kết quả giảm nghèo nhanh, bền vững và bản thân tăng trưởng kinh tế không phải lúc nào cũng đồng hành với giảm nghèo. Vấn đề là chính sách, định hướng tăng trưởng, phát triển kinh tế phải nhằm thúc đẩy, hỗ trợ người nghèo, cộng đồng nghèo tiếp cận được cơ hội phát triển, thụ hưởng thành quả phát triển và vươn lên. Việt Nam đã tiếp cận và hành động theo quan điểm phát triển vì người nghèo và thu được những thành tựu cơ bản như giảm nghèo nhanh, hạn chế bất bình đẳng gia tăng (hệ số GINI ở mức dưới 0.4 theo chi tiêu), do đó quan điểm này cần tiếp tục trong những giai đoạn tiếp theo.


3.1.3 Nhiệm vụ giảm nghèo bền vững là nhiệm của nhà nước, cộng đồng và chính người nghèo.

Giảm nghèo bền vững là một nhiệm vụ to lớn, để giảm nghèo bền vững đòi hỏi nhiều yếu tố như năng lực của cả người dân, cộng đồng và chính quyền; khả năng tiếp cận cơ hội phát triển; tiếp cận dịch vụ xã hội và bảo đảm an toàn. Do đó giảm nghèo bền vững cần sự nỗ lực của cả nhà nước, cộng đồng và bản thân người dân. Đây là quan điểm xuyên suốt và có tính quyết định đến hiệu quả, bền vững của giảm nghèo.

Giảm nghèo bền vững phải được coi là sự nghiệp của bản thân người nghèo, cộng đồng nghèo bởi vì sự nỗ lực tự vươn lên để thoát nghèo chính là động lực, là điều kiện cần cho sự thành công của mục tiêu giảm nghèo bền vững. Như đã khẳng định ở chương I, không thể có giảm nghèo bền vững nếu bản thân người nghèo, cộng đồng nghèo không có ý thức tự vươn lên, vì vậy nhân tố này có ý nghĩa quyết định.

Nhà nước với chức năng, vai trò của mình xây dựng và tổ chức thực hiện các biện pháp can thiệp trực tiếp và gián tiếp giảm nghèo cho các nhóm đối tượng yếu thế. Những biện pháp, can thiệp chủ yếu là tạo môi trường, cơ hội để người dân vươn lên; hỗ trợ điều kiện để người dân tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao năng lực, giảm thiểu và khắc phục ảnh hưởng tiêu cực từ các rủi ro, các cú sốc.

Nhiệm vụ giảm nghèo bền vững cũng là của các cá nhân, tổ chức trong cộng đồng vì không có tổ chức, cá nhân nào có thể đứng ngoài sự phát triển xã hội mà nghèo đói là một nội dung. Khi xã hội phát triển, nghèo đói được giảm thiểu thì mọi cá nhân, tổ chức đều được hưởng lợi, ngược lại nếu nghèo đói không được hóa giải, những hệ lụy của nghèo đói như môi trường bị tàn phá, tệ nạn xã hội tràn lan, xung đột triền miên,... sẽ ảnh hưởng tới mọi cá nhân, tổ chức. Khả năng đóng góp vào việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của các cá nhân, tổ chức trong cộng đồng là rất to lớn như cung cấp các nguồn lực vật chất, đoàn kết, chia sẻ và hỗ trợ khắc phục rủi ro; thực hiện và giám sát việc thực hiện các chương trình, chính sách phát triển vì người nghèo.


Tóm lại, nếu coi sự nỗ lực tự vươn lên của người nghèo là điều kiện cần thì sự quan tâm, hỗ trợ, thúc đẩy của nhà nước và cộng đồng là điều kiện đủ để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

3.1.4 Thực hiện đồng bộ các biện pháp giảm nghèo bền vững và gắn với quá trình dân chủ hóa

Đối với giảm nghèo, yêu cầu là phải đảm bảo toàn diện hơn, bền vững hơn, công bằng hơn và hội nhập hơn. Muốn vậy, nỗ lực giảm nghèo phải hướng vào: Tạo các cơ hội về phát triển sản xuất để người nghèo tự lực thoát nghèo, vươn lên khá giả và làm giàu; Cải thiện việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; Xã hội hoá các hoạt động giảm nghèo, đa dạng hoá việc huy động nguồn lực, phát huy tiềm năng thế mạnh tại chỗ; Ưu tiên nguồn lực cho vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao và đồng bào dân tộc thiểu số trên cơ sở có tiêu chí phân bổ rõ ràng, công khai; Tăng cường phân cấp cho địa phương trên cơ sở nâng cao năng lực cán bộ; cải thiện năng lực quản lý nhà nước thông qua việc thực hiện dân chủ cơ sở, minh bạch và tạo sự tham gia của người dân vào tiến trình phát triển. Các quy chế dân chủ cơ sở được thực hiện trong những năm qua đã từng bước phát huy hiệu quả. Kết quả đánh giá từ nhiều nghiên cứu [nghiên cứu chia sẻ, đánh giá quy chế dân chủ cơ sở,…] cũng đã khẳng định vai trò tham gia của người dân vào quá trình xây dựng, thực hiện và giám sát các quyết định, các hoạt động, các chương trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Dân chủ cơ sở được thực hiện dẫn đến tăng cường hiệu quả quản lý địa phương với các biểu hiện là trách nhiệm giải trình được cải thiện, tính công khai minh bạch được nâng cao. Thực tế cũng như lý luận đều khẳng định rằng khi lựa chọn các quyết định, chính sách phát triển có xem xét đến tiếng nói của người dân thì khi đó quyền lợi của người dân mới được bảo đảm. Điều đó cũng có nghĩa là quan điểm thực hiện phát triển vì người nghèo phải được thực hiện cùng với chủ trương về dân chủ cơ sở.

Từ cách tiếp cận đó đòi hỏi cần tiếp tục duy trì những chính sách hỗ trợ trực tiếp hộ nghèo, xã nghèo và huyện nghèo với cơ chế hỗ trợ thích hợp để phát huy vai trò chủ động, tự chịu trách nhiệm của hộ nghèo, xã nghèo, huyện nghèo vươn lên; Tăng hỗ trợ gián tiếp để tạo môi trường và điều kiện cho hộ nghèo, xã nghèo, huyện nghèo


vươn lên thông qua chính sách, chương trình phát triển nông thôn, phát triển cộng đồng; Chuyển mạnh sang thực hiện chính sách, cơ chế hỗ trợ nâng cao năng lực thị trường và đa dạng sinh kế (đa dạng hoá việc làm), đa dạng hoá và tăng thu nhập cho xã nghèo, hộ nghèo; giúp người nghèo chủ động và có khả năng tham gia vào thị trường ngày càng nhiều hơn; Mở rộng cơ hội cho người nghèo tiếp cận và thụ hưởng chính sách an sinh xã hội nhằm chống đỡ các rủi ro xã hội và rủi ro trong kinh tế thị trường, cải cách thể chế; Tăng cường sự tham gia và mối liên kết của các tổ chức kinh tế, các tổ chức xã hội vào công cuộc trợ giúp hộ nghèo, xã nghèo, huyện nghèo thoát nghèo vững chắc; Tăng cường hiệu quả hoạt động của hệ thống quản lý xã hội thông qua nâng cao năng lực của cán bộ, thực hiện phân cấp trao quyền thúc đẩy sự tham gia của người dân và thực hiện đầy đủ chủ trương dân chủ cơ sở.

3.2 QUAN ĐIỂM VẬN DỤNG MARKETING XÃ HỘI VÀO GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Vận dụng marketing xã hội vào giảm nghèo bền vững ở Việt Nam là rất cần thiết vì marketing xã hội cung cấp những cách tiếp cận, công cụ hữu hiệu để thay đổi nhận thức, hành vi ở các nhóm đối tượng, trong khi đó nhiều vấn đề về nhận thức, hành vi đang tồn tại ở cả chính người nghèo và cả cán bộ, đối tác xã hội tham gia vào quá trình giảm nghèo. Việc vận dụng lý thuyết marketing xã hội vào giảm nghèo bền vững ở Việt Nam cần được thực hiện theo các quan điểm sau:

3.2.1. Định hướng vào đối tượng mục tiêu

Việc xây dựng, thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo hiệu quả, bền vững thì quan điểm xuyên suốt quá trình thiết kế, xây dựng và triển khai chương trình là hướng vào đối tượng mục tiêu. Quan điểm định hướng vào đối tượng mục tiêu (hay thị trường mục tiêu) là một trong những yếu tố quan trọng nhất của marketing nói chung. Trong marketing xã hội, đối tượng mục tiêu được tác động để trở nên tích cực tham gia hơn vào quá trình thay đổi, còn người làm marketing xã hội cần tìm ra cơ chế tác động hiệu quả nhất. Muốn vậy, người làm marketing xã hội phải thực hiện việc nghiên cứu đánh giá, nghiên cứu thiết kế sản phẩm, dịch vụ của chương trình trên cơ sở xác định: Những gì đối tượng mong muốn/ cần? Sản phẩm, dịch vụ gì có thể đáp ứng những mong muốn, nhu


cầu của đối tượng? Cảm nhận của đối tượng như thế nào về sản phẩm, dịch vụ mà chương trình cung ứng? Những lợi ích nào mà đối tượng tìm kiếm và thu hút? Các chi phí hoặc rào cản nào mà đối tượng phải vượt qua?

Lưu ý rằng, định hướng khách hàng trong marketing xã hội nhằm trả lời câu hỏi: “Chúng ta có mắc sai sót không? Chúng ta chưa/không hiểu đúng đối tượng mục tiêu ở chỗ nào?” thay cho cách tiếp cận: “Tại sao đối tượng không hiểu? Họ đang mắc sai sót gì?”

Trở lại với mục tiêu giảm nghèo bền vững, nếu những người thực hiện chương trình không nhận biết được đối tượng của chương trình (người nghèo, cơ quan công quyền, và cá nhân/tổ chức tài trợ) mong muốn gì? không xác định được sản phẩm/dịch vụ nào thoả mãn những mong muốn của họ, và họ cảm nhận về các sản phẩm, dịch vụ đó ra sao, lợi ích và rào cản khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ, tham gia chương trình… như thế nào? thì sẽ không thể đạt được mục tiêu của chương trình. Chính vì vậy, hoạt động nghiên cứu, phân tích đối tượng là rất cần thiết, có ý nghĩa quyết định đến việc xây dựng, thiết kế chương trình phù hợp ở mức nào. Cụ thể hoá quan điểm định hướng vào đối tượng mục tiêu: các đề xuất chính sách, dự án, dịch vụ xã hội phải được dựa trên cơ sở phân tích các đặc điểm về môi trường văn hoá, địa lý, nhân khẩu, đặc điểm về tâm lý, hành vi, nhu cầu của đối tượng. Hướng giải quyết vấn đề nghèo đói (một vấn đề có tính tổng hợp) thông qua nhiều chính sách, dự án, giải pháp khác nhau nhưng cũng không có nghĩa mọi người nghèo là đối tượng tác động của tất cả chính sách, dự án.

Thông qua nghiên cứu thử nghiệm, phân tích để đề xuất, lựa chọn những giải pháp thu hút sự tham gia của các nhóm đối tượng, qua đó tổ chức tốt việc thực hiện chính sách, dự án cung cấp các dịch vụ có tính ưu tiên, có ảnh hưởng quan trọng đến nghèo đói, có khả năng tạo bước đột phá, đồng thời có tác động lâu dài và bền vững. Nội dung chính sách, dự án nên tập trung vào các nỗ lực nhằm thay đổi nhận thức, hành vi, sự quyết tâm vươn lên ở người nghèo.

Vì thế, việc vận dụng quan điểm định hướng vào đối tượng mục tiêu cần phải được xác định như một trong những quan điểm quan trọng hàng đầu trong việc xây dựng, thiết kế chương trình, chiến lược giảm nghèo.

Xem tất cả 226 trang.

Ngày đăng: 02/09/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí