Nâng Cao Nhận Thức, Thúc Đẩy Năng Lực Ở Người Nghèo


Kết quả thảo luận với cán bộ và người dân tại các xã nghèo liên quan đến câu hỏi này cho thấy kênh thông tin hiệu quả nhằm thúc đẩy ý chí, quyết tâm giảm nghèo cho người dân là các cuộc họp thôn bản, truyền thông giáo dục trực tiếp (cán bộ đến gia đình hộ nghèo vận động, giáo dục), các buổi trao đổi giữa người có uy tín trong cộng đồng với người nghèo. Nhìn từ khía cạnh khoa học xã hội, việc truyền thông, giáo dục nhận thức sẽ hiệu quả tích cực nếu quá trình diễn ra mang tính tương tác, tập trung và người chuyển tải là người có uy tín, ảnh hưởng đến đối tượng.

Định hướng về chi phí của sự thay đổi nhận thức, ý chí

Để thuyết phục một người đang có nhận thức, thái độ AN PHẬN sang quyết tâm vượt lên thoát nghèo trước hết phải hiểu rõ những gì mà đối tượng có thể phải trả cho sự thay đổi đó. Không những thế còn phải chia sẻ một cách đầy đủ với đối tượng về « giá » phải trả nhưng đồng thời làm rõ những lợi ích hay giá trị to lớn mà sự thay đổi mang lại cho đối tượng. Do đó, bên cạnh việc làm rõ lợi ích từ các nỗ lực vươn lên là không chỉ tăng thu nhập mà còn thể hiện giá trị cá nhân, nó xứng đáng để từ bỏ thái độ an phận, “chịu khổ chứ không chịu khó” thì cũng cần khẳng định để có thể thoát khỏi nghèo đói đòi hỏi con người phải nỗ lực một cách bền bỉ, kiên trì và có phương pháp (chứ không phải chỉ trong thời gian ngắn, hoặc thiếu phương pháp hợp lý).

Định hướng thực hiện truyền thông, quảng bá

Nội dung của các thông điệp truyền thông đã nằm trong các bản thân sản phẩm ở các cấp độ, phương tiện truyền thông cũng là các kênh tiếp cận đối tượng mục tiêu, do đó các nội dung còn lại đối với định hướng thực hiện truyền thông, xúc tiến và quảng bá sẽ tập trung vào các nỗ lực làm nổi bật các giá trị, lợi ích của ý chí vươn lên thoát nghèo. Theo hướng đó, nội dung truyền thông, xúc tiến sẽ bao gồm việc tổ chức các sự kiện tôn vinh các giá trị về nỗ lực tự vươn lên thoát nghèo; Hỗ trợ vật chất động viên các cá nhân có thành tích giảm nghèo hoặc tích cực tham gia các chương trình tập huấn, hướng dẫn cách làm ăn; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về giảm nghèo.


3.3.1.2 Nâng cao nhận thức, thúc đẩy năng lực ở người nghèo

Nhìn một cách tổng thể, nâng cao năng lực cho người nghèo bao gồm năm khía cạnh là vốn tự nhiên, vốn xã hội, vốn tài chính, vốn vật chất và vốn con người. Tuy nhiên trong nội dung này, vốn con người với những yếu tố về trình độ hiểu biết, kỹ năng thúc đẩy nâng cao năng lực,...là khía cạnh chính được phân tích và đề xuất giải pháp tăng cường, các yếu tố khác sẽ được gắn với các giải pháp tiếp theo như giải pháp về thúc đẩy người dân chủ động tiếp cận cơ hội phát triển hay bảo đảm an sinh, tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản.

Cần khẳng định rằng nếu người nghèo chưa có nhận thức về việc cần phải nâng cao năng lực thì họ sẽ không thể nâng cao năng lực được và không được nâng cao năng lực thì sẽ không có những nỗ lực giảm nghèo hiệu quả và như vậy thì sẽ không thể thoát nghèo bền vững. Kết quả từ khảo sát tại 7 tỉnh cho thấy 78% người nghèo tự đánh giá là thiếu trình độ, kỹ năng sản xuất, kinh doanh nhưng ngược lại họ (64%) lại không chủ động học tập, tìm hiểu từ các mô hình, kinh nghiệm có hiệu quả; 15% trong số hộ nghèo giải thích rằng học tập kinh nghiệm cũng không có kết quả vì thực tế nhiều hộ đã theo phong trào (nghĩa là cũng học tập) và thất bại trong làm ăn. Thực tế đó chỉ ra rằng cần thực hiện các giải pháp marketing xã hội thúc đẩy nhận thức và hỗ trợ hành vi để nâng cao năng lực ở người nghèo.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 226 trang tài liệu này.

Đối tượng mục tiêu: Kết quả phân tích trong nghiên cứu cho thấy rằng đối tượng mục tiêu sẽ là người nghèo nói chung ở tất cả các tỉnh. Trong phần này, nghiên cứu không trình bày về quy mô và đặc trưng đối tượng do cùng nhóm với nhóm đối tượng mục tiêu cần thúc đẩy ý chí, quyết tâm (trên đây).

Mục tiêu cần đạt được của giải pháp này:

Marketing xã hội với việc giảm nghèo bền vững ở Việt Nam - 22

- Làm cho người nghèo nhận thức về yêu cầu cần nâng cao năng lực để tăng hiệu quả lao động, cải thiện thu nhập, đời sống, xóa đói giảm nghèo;

- Giảm tình trạng người nghèo thiếu chủ động trong việc tìm hiểu, học tập kinh nghiệm phát triển sản xuất, cải thiện chất lượng cuộc sống;

- Tạo điều kiện cho người nghèo có nhu cầu được tham gia các khoá tập huấn về khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, thanh niên nghèo được học nghề.


Định hướng sản phẩm

Để nâng cao nhận thức của người nghèo về cải thiện năng lực và thúc đẩy họ chủ động nâng cao năng lực thì cần đồng thời thực hiện cả các chiến dịch marketing xã hội và hoạt động hỗ trợ.

- Cần làm cho người nghèo hiểu được rằng năng lực (theo nghĩa là hiểu biết và kỹ năng thực hiện công việc) không tự nhiên có được mà là kết quả tích luỹ được qua quá trình học tập, lao động (không ai sinh ra đã có nhưng về cơ bản ai cũng có thể cải thiện năng lực của mình).

- Thuyết phục được người nghèo rằng nếu họ cố gắng tìm tòi, học tập bổ sung thêm hiểu biết và kỹ năng họ có thể thu được nhiều lợi ích hơn với cùng một công sức bỏ ra.

- Người nghèo cũng cần được hướng dẫn và hiểu rằng chủ động tìm tòi, học hỏi là việc làm đáng được khuyến khích; mạnh dạn áp dụng hiểu biết, kinh nghiệm vào thực tế để tích luỹ là rất cần thiết.

Sản phẩm cụ thể

- Các khoá huấn luyện về kỹ năng sản xuất, dạy nghề phù hợp với đặc điểm kinh tế-xã hội của địa phương;

- Các khoá tập huấn ngắn hướng dẫn về kỹ năng quản lý kinh tế hộ gia đình theo từng nhóm đối tượng (nam, nữ; nhóm tuổi);

- Hướng dẫn kỹ năng lập kế hoạch sản xuất kinh doanh;

- Các khoá hoặc buổi tập huấn đầu bờ các mô hình, cách thức sản xuất theo từng loại giống cây, con (khuyến nông-lâm-ngư).

Định hướng quảng bá, xúc tiến

Thực tế, những năm qua hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực cho người nghèo đã được tổ chức thực hiện với nhiều nội dung liên quan (như dự án dạy nghề chi thanh niên, dự án khuyến nông-lâm-ngư,...), tuy nhiên điểm yếu nhất dẫn đến hiệu quả không cao là do các yếu tố ít được quan tâm như rào cản mà người nghèo gặp phải, công tác quảng bá, giới thiệu không hấp dẫn và nơi tổ chức/thời điểm thực hiện không phù hợp. Dưới đây là một số cách thức nhằm cải thiện những điểm yếu đó:


- Thay vì tổ chức tập huấn theo hình thức giảng viên nên chuyển sang tổ chức theo hình thức trình diễn hoặc các hoạt động chia sẻ, học tập kinh nghiệm làm ăn giữa các hộ gia đình trong một cộng đồng; giữa các hộ gia đình thuộc các cộng đồng.

- Tổ chức các hoạt động khuyến khích người nghèo tham gia như tổ chức các cuộc thi liên quan đến tay nghề, năng suất lao động, sáng tạo,... từ cấp thôn bản trở lên.

- Trước các khoá tập huấn, trình diễn nên có hình thức truyền thông, quảng bá cho nội dung tập huấn, hướng dẫn (ví dụ: kèm theo nội dung hướng dẫn là những dẫn chứng cụ thể về một trường hợp áp dụng và thành công).

- Các giải thưởng hoặc sự công nhận (tôn vinh) trong cộng đồng và xã hội cũng như khuyến khích khác (được đi thăm quan, học tập miễn phí,...).

Định hướng về chính sách giá (chi phí mà người nghèo phải trả)

Yêu cầu là giảm thiểu các rào cản và nêu rõ những lợi ích khi học hỏi, áp dụng kiến thức, hiểu biết, kỹ năng vào phát triển sản xuất kinh doanh. Được hỗ trợ kinh phí khi đi tham quan mô hình; được giảm phí học nghề; hỗ trợ in ấn tài liệu (được dịch ra tiếng địa phương để giảm e ngại); tập huấn cụ thể, đơn giản, có công cụ hỗ trợ để dễ hiểu.

Nội dung về phân phối

Các nhà cung cấp dịch vụ về nâng cao năng lực ở địa phương được đào tạo để có khả năng thực hiện việc tập huấn, hướng dẫn người dân ở địa phương. Ví dụ : cán bộ khuyến nông huyện được đào tạo, tập huấn để về địa phương hướng dẫn người dân hoặc các trường dạy nghề thuộc hệ thống dạy nghề của nhà nước đặt tại địa phương. Bên cạnh đó, cần tổ chức tập huấn theo hình thức trình diễn hoặc các hoạt động chia sẻ, học tập kinh nghiệm làm ăn giữa các hộ gia đình trong một cộng đồng; giữa các hộ gia đình thuộc các cộng đồng.

3.3.1.3 Chủ động tìm kiếm và tiếp cận cơ hội phát triển

Trong nền kinh tế thị trường với xu hướng công nghệ ngày càng phát triển, cơ hội ngày càng mở rộng cho các thành viên xã hội, tuy nhiên nếu không có những hỗ trợ bổ sung cho đối tượng yếu thế thì cơ hội sẽ không đến với người nghèo. Báo cáo


nghiên cứu thị trường cho người nghèo (2006) chỉ ra rằng người nghèo ở vùng sâu, vùng xa chưa tiếp cận được với các thị trường như thị trường lao động, thị trường đất đai, thị trường tài chính-tín dụng, thị trường công nghệ,... Các nhận định từ nghiên cứu thực địa ở 7 tỉnh của tác giả cũng không khác so với nhận định trên. Điểm mà tác giả tập trung là vấn đề có hay không sự chủ động của người nghèo trong tìm kiếm và tiếp cận cơ hội, thị trường? tại sao?

Nếu khẳng định là người nghèo không có sự chủ động tìm kiếm cơ hội phát triển là không đúng nhưng thực tế phạm vi mà người nghèo tìm kiếm cơ hội là rất hạn hẹp nhất là người nghèo ở vùng miền núi. Người nghèo thường ít (không có nhu cầu) tìm hiểu thông tin về các thị trường làm cơ sở cho lập kế hoạch sản xuất kinh doanh. Lý do chính là xa thị trường, thiếu kênh thông tin, người nghèo không tin rằng có thể thu được lợi ích và nhất là thói quen chỉ sản xuất trên mảnh ruộng mảnh vườn. Những lý do này là tiền đề cho đề xuất giải pháp về thúc đẩy người nghèo chủ động tìm kiếm và tiếp cận cơ hội phát triển.

Đối tượng mục tiêu: Tập trung vào nhóm đối tượng là người nghèo ở vùng dân tộc, miền núi.

Quy mô đối tượng: Tính trên cả nước, số người nghèo ở khu vực dân tộc, miền núi khoảng 1 triệu hộ.

Mục tiêu chính: Thúc đẩy người nghèo vùng dân tộc và miền núi chủ động tìm kiếm và tiếp cận cơ hội thị trường, cơ hội phát triển kinh tế.

Định hướng phát triển sản phẩm marketing xã hội

Để nâng cao nhận thức của người nghèo về sự cần thiết phải chủ động, tích cực tìm kiếm cơ hội thị trường và thúc đẩy họ mạnh dạn tiếp cận, khai thác cơ hội phát triển kinh tế thì cần đồng thời thực hiện cả các chiến dịch marketing xã hội và hoạt động hỗ trợ.

- Làm cho người nghèo hiểu được rằng tiềm năng, cơ hội thị trường thường xuyên tồn tại nhưng chỉ những ai chủ động, tích cực tìm hiểu, nắm bắt và mạnh dạn thực hiện mới có thể thu được lợi ích.


- Thuyết phục được người nghèo rằng họ cũng có những lợi thế, có tiềm năng để giành lấy cơ hội phát triển kinh tế (thuốc lá tắm của người Dao đỏ là ví dụ điển hình) ;

- Phát triển hạ tầng cơ sở ở các địa phương nghèo gắn với cơ hội việc làm tăng thu nhập cho người nghèo thiếu việc làm.

- Hỗ trợ chi phí gián tiếp để tạo thuận lợi cho người nghèo tiếp cận tín dụng (hỗ trợ ngân hàng thiết lập mạng lưới dịch vụ ở địa phương nghèo).

- Hỗ trợ phát triển ngành nghề; liên kết tạo đầu ra cho sản phẩm của người nghèo Bên cạnh việc nâng cao nhận thức thì các sản phẩm hay hoạt động hỗ trợ rất

cần thiết để người nghèo giảm được rào cản, chi phí và tâm lý để chủ động tìm kiếm, tiếp cận cơ hội phát triển.

Định hướng chi phí, giá đối với nhóm sản phẩm về tiếp cận cơ hội phát triển

- Giảm các chi phí và ái ngại khi tìm kiếm cơ hội thị trường. Hỗ trợ để người nghèo tham gia các sự kiện giao lưu kinh tế-xã hội làm cho người nghèo không còn cảm thấy xa lạ với thị trường (hội chợ hàng hoá, đặc sản của người miền núi, dân tộc).

- Tăng cường dịch vụ tiết kiệm-tín dụng theo hướng lãi suất thị trường nhưng mức vay và hình thức vay linh hoạt, dịch vụ thuận tiện (thay vì như hiện nay lãi suất ưu đãi nhưng nhiều rào cản do sự không linh hoạt, khó tiếp cận và dịch vụ chất lượng thấp).

Thiết lập hệ thống phân phối thuận lợi cho người nghèo và thực hiện xúc tiến, quảng bá

- Xây dựng kênh thông tin kinh tế phục vụ lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh như thông tin thị trường lao động, thông tin thị trường tài chính-tín dụng, thị trường hàng hoá,...

- Tổ chức hoạt động của các trung tâm hỗ trợ đột xuất người nghèo của địa phương (cấp tỉnh) ở các thành phố, đô thị mà người dân có thể dễ dàng tìm kiếm việc làm.


3.3.1.4. Chủ động tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản

Tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản (dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, giáo dục phổ thông, tư vấn pháp lý, cung cấp nước sạch sinh hoạt,...) là một trong bốn yếu tố cơ bản của giảm nghèo bền vững. Thực tế, mức độ tiếp cận với dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo thấp hơn rất nhiều so với nhóm trung bình và khá giả, đặc biệt là ở những vùng cơ sở hạ tầng yếu kém, vùng sâu vùng xa, khu vực đồng bào dân tộc thiểu số. Vậy, nguyên nhân là do đâu?

Các kết quả thảo luận với cán bộ cấp tỉnh (ban chỉ đạo và tổ chuyên viên giảm nghèo các tỉnh Trà Vinh, Tuyên Quang, Hà Tĩnh và Đắk Lắk) cho thấy hai nguyên nhân chính là: (1) do thiếu dịch vụ hoặc chất lượng dịch vụ thấp; và (2) người nghèo chưa thấy được lợi ích và cũng chưa chủ động tiếp cận dịch vụ.

Nội dung này, xin trình bày đề xuất hướng giải pháp cho nguyên nhân thứ hai là nâng cao nhận thức và thúc đẩy người dân chủ động tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản (nội dung cải thiện chất lượng dịch vụ và cung cấp đủ dịch vụ sẽ được giải quyết trong chương 3 gắn với các lực lượng tham gia giảm nghèo).

Đối tượng mục tiêu: Tập trung vào nhóm đối tượng là người nghèo ở vùng dân tộc, miền núi với quy mô khoảng 1 triệu hộ.

Mục tiêu chính: Thúc đẩy người nghèo vùng dân tộc và miền núi nhận thức đúng và chủ động tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản nhằm đáp ứng nhu cầu cuộc sống.

Định hướng phát triển sản phẩm

Để nâng cao nhận thức của người nghèo về lợi ích, quyền lợi tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản và thúc đẩy họ mạnh dạn tiếp cận, hưởng lợi các dịch vụ cần đồng thời thực hiện cả các chiến dịch marketing xã hội và hoạt động hỗ trợ. Mục đích là làm cho người nghèo hiểu và các nỗ lực khuyến khích, động viên làm cho người nghèo không e ngại trong quá trình tiếp cận lợi ích.

Sản phẩm cốt lõi: Làm cho người nghèo xác định được rằng dịch vụ xã hội cơ bản là những dịch vụ đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người như chăm sóc sức khoẻ, học hành, ... Nếu không tiếp cận và hưởng các dịch vụ này con người sẽ không có nền tảng để phát triển; Để người dân mạnh dạn cũng như thấy được lợi


ích, cần phải giúp người dân biết rằng họ có quyền được tiếp cận với dịch vụ xã hội cơ bản cũng như dịch vụ công cộng; hơn nữa các dịch vụ này được nhà nước cung cấp, bảo đảm và chi phí mà người dân phải đóng góp chỉ là một phần.

Sản phẩm hiện thực: Bên cạnh việc nâng cao nhận thức thì các sản phẩm hay hoạt động hỗ trợ rất cần thiết để người nghèo giảm được rào cản, chi phí và tâm lý để chủ động tiếp cận dịch vụ xã hội như tổ chức các đội khám chữa bệnh di động đến những địa bàn khó khăn; cấp thẻ bảo hiểm y tế; học sinh nghèo được hỗ trợ khi đến trường (mô hình hỗ trợ có điều kiện cho trẻ em vùng khó khăn-conditional cash transfer).

Thiết lập kênh cung cấp dịch vụ xã hội thuận tiện cho người nghèo

- Đưa các dịch vụ đến gần người dân hơn thông qua việc tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ y tế cơ sở; hệ thống trường học, hệ thống nước sạch được xây dựng và cung cấp cho vùng khó khăn.

Giảm thiểu chi phí

- Người nghèo được giảm một số loại phí cung cấp dịch vụ xã hội, dịch vụ công. Ví dụ: học phí, viện phí,..

- Thực hiện hỗ trợ có điều kiện khi tham gia, tiếp cận với các dịch vụ xã hội mà nhà nước khuyến khích nhằm thúc đẩy xã hội phát triển như khám bệnh thường xuyên, trẻ em đến trường,...

Các hoạt động quảng bá, xúc tiến: Thực hiện khuyến khích người nghèo tiếp cận dịch vụ xã hội. Ví dụ: trẻ em ở vùng khó khăn được hỗ trợ gạo hoặc tiền khi trẻ em nghèo đến trường thường xuyên; Tổ chức thi tìm hiểu về vệ sinh, nước sạch; thực hiện các chương trình cung cấp tài liệu, tờ rơi liên quan đến phòng ngừa bệnh tật,...

3.3.1.5 Chủ động phòng ngừa, khắc phục rủi ro, bảo đảm an toàn

Trong các nghiên cứu về nguyên nhân nghèo đói thì rủi ro luôn được nhắc đến như một nguyên nhân trực tiếp, ảnh hưởng mạnh đến mức sống của người dân. Vì vậy, giải pháp liên quan đến việc phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Xem tất cả 226 trang.

Ngày đăng: 02/09/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí