Tư Liệu Về Thao Tác Xúc Hồn, Tiễn Hồn Trong Tang Ma

thầy mo và người phụ lễ ngồi xuống tại chỗ. Mo cúng tay cầm quạt (), quạt vào bó hương, vừa quạt vừa đọc lời khấn: "Hồn ơi, hồn về nhà ông thôi, về nhà có cá, bánh, trứng đã chuẩn bị sẵn để đón hồn về, về nhà hồn còn được ăn gà, đừng đi lang thang nữa mà đói mà khổ". Người phụ lễ tay cầm cái ca xa (vợt bắt cá), hứng hết khói bay từ phía quạt để "đón hồn về với cả nhà". Người phụ lễ này còn nhặt lấy những hòn sỏi rơi trên mặt đất chỗ ngã, "nhặt hết, lấy hết những khoăn còn rơi lại của trẻ, để khoăn được về đầy đủ với nhà" (Tư liệu điền dã Mộc Châu, 21/11/2018). Việc nhặt viên sỏi tượng trưng cho hồn vía cũng được mô tả trong lễ cúng hồn vía lạc (hịak khuân lông) do Tòng Văn Hân (2016, tr.75) cung cấp. Mo mang vợt xúc cá ra ngoài ruộng, ngoài ao, trên nương lúa… (những nơi người ốm thường qua lại), khấn và làm động tác xúc lấy hồn vía người đi lạc bằng cách lấy một hòn sỏi nhỏ bỏ vào trong cái vợt, mang về trả cho thân chủ. Lời khấn có đoạn: Bà Một lớn giữa chốn/ Mới mở gói thiêng đi lùng tìm vía/ Chống gói thiêng đi gọi hồn ngươi/ Tìm chỗ tiếng cối/ Người ta đi vấp/ Tìm chỗ tiếng lỏng/ Người ta đi đến/ Tìm chỗ chủ đám mương/ Tìm chỗ chủ đám ruộng lắm cá.

Lễ cúng lùng tìm hồn (ha khuân)

Trong lễ cúng giải nạn (xên kẻ khớ), mo một đi tìm hồn tại đẳm chuống kang (tổ tiên ngụ tại không trung), lên mường trời, qua đẳm đoi (tổ tiên ngụ gần đất các Then), rồi vào nhà Then tìm kiếm. Mỗi chặng đường, một gian nan. Đường đi qua nhiều hiểm nguy: qua khúc đường có con đỉa to bằng tấm giát, tấm phản, con vắt to bằng lá dong lăm le hút máu người, qua thác nước đổ xối xả… Mỗi không gian, một cách ứng xử. Đến với nơi ở của ma hồn tổ tiên, đánh thức tổ tiên dậy, mời ăn những đồ cúng ngon lành nhất, rồi mo lấy mâm cơm "đổi hồn đầu, đổi hồn mình", lùng tìm khắp nơi trong nhà đẳm rồi cõng hồn địu vía theo mo đi về. Đến nhà các then, mo không chỉ mời ăn mâm cỗ lớn mà còn dùng "Tiền chất bằng vai đem đổi lấy vai/ Bạc chồng bằng người đem đổi lấy người/ Đến bồng lấy vía đầu/ Đến ẵm lấy hồn tên", nhanh chóng ẵm hồn địu vía bám chặt vào mo để xuống mường trần. Sự quyết liệt lùng tìm của mo được nói tới với "Hồn tìm trong cát, trong đá mo kéo ra/ Vào góc trời nào mo cũng lần lượt kéo về/ Rơi xuống vực mo tìm/ Rơi xuống hố mo kéo/ Kéo được hồn về theo/ Đưa được hồn về đủ" (xem thêm văn bản của Lò Vũ Vân [302]).

Lễ xú khuân (thết hồn)

(Tư liệu trong các bài cúng hồn đã được dịch và từ tư liệu điền dã của tác giả trong các phần lễ Xú khuân diễn ra tại Mộc Châu, Thuận Châu và thành phố Sơn La).

Các thao tác cụ thể trong phần Xú khuân:

Pỏn khuân (bón cho hồn), thực hiện trong lễ cúng hồn cho chủ áo, thầy mo xướng lễ xong thì mọi người lấy ít thịt, xôi bón cho chủ áo ăn; quẹn khuân - sau khi bón cho chủ áo thì mình tự lấy ít thịt xôi cho hồn mình ăn.

Phúk khuân (trói, buộc hồn): sau khi bón cho hồn ăn thì mọi người lấy sợi chỉ trắng, sợi chỉ đen gộp vào nhau buộc cổ tay cho người làm hồn vía để buộc chặt hồn vía họ lại. Lời mo cúng có đoạn: Ba mươi hồn về đây gộp lại/ Sáu mươi hồn vào đây gộp cùng/ Về ăn cơm với thịt lợn/ Về ăn cá với gà mo lớn ta đón/ Bảo hồn ăn rồi, mo sẽ bảo hồn ở/ Gộp hồn thành một người.

Tốp khuần, hom khuần: mo gom hồn, nắn hồn lại thành một khối, về đúng chỗ của hồn, tụ hồn vào từng bộ phận. Mo hát xướng, chẳng hạn: Hồn đầu vào trong đầu thành hồn gốc/ Hồn đầu nhập vào đầu đừng đau/ Hồn mồm vào trong mồm ăn cá/ Hồn mắt nhập vào mắt cho sáng/ Hồn tai nhập vào tai đừng điếc/ Hồn thân vào trong thân cho tốt cho sáng. Hồn vía nào đi lạc bị sứt mẻ thì mo sẽ sửa: "Vía nào cao mo sửa/ Hồn nào thấp mo kê/ Không cho hồn nhập cánh dính tường/ Không để hồn mọc mắt dính cây/ Hồn mọc cánh mo mường sẽ nhổ/ Hồn mọc mào mo mường bẻ vứt" (Lương Thị Đại, Lò Xuân Hinh, 2009, tr.468).

Xon khuân (răn dạy hồn): mời ăn xong, mo hát xướng hai màn - răn hồn ở (xon khuân dú) và răn hồn ngủ (xon khuân non). Lời mo răn hồn: Mọi hồn đều quỳ gối/ Mọi hồn đều cúi đầu/ lắng nghe kĩ mo răn/ Muốn sống lâu hồn ở với chủ/ Muốn thọ hồn ở với thân (Hoàng Trần Nghịch, 2014, tr.298-300). Lời răn hồn ngủ: Rủ hồn vào thân/ Rải đệm nhé nàng vợ/ Rải đệm rải cho dầy/ Rải chăn rải cho rộng/ Rải đệm rộng lấy hồn lên ngủ/ Gộp hồn vào mà ở/ Vào ngủ đệm riềm đen (Tư liệu điền dã, 6/2019). Trong lời răn, mo dặn dò, cũng có lúc dọa hồn về việc không được đi theo lời rủ rê của ma, mo chỉ ra cho hồn thấy nếu rời bỏ thân thể thì sẽ dẫn đến các nguy cơ như thế nào, chẳng hạn: "Hồn ở đây ốm nặng/ Hồn thích chỗ này sẽ vàng vọt/ Hồn lạc đây ốm mệt/ Không ốm đau cũng mệt mỏi chân tay"; "Được ăn cơm mường ma phải nôn/ Được nhai quả mương dịch phải khạc (…) Ăn cơm ở mường ma buồn mửa/ Ăn trưa ở mường ma buồn nôn (…) Ốm đau ma bỏ cho ma/ Sốt ma bỏ lại cho ma (…) Hồn không về hôm nay hồn dại/ Hôn đợi hôm khác hồn sẽ tiếc (…) Về sớm sẽ có bữa trưa/ Về muộn sẽ có rượu" (Cầm Vui, Lò Văn Lả, 2016, tr.427- 428).

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 403 trang tài liệu này.

Mo còn có thêm phần chỉ ra viễn cảnh tốt đẹp nếu hồn ăn ở yên ổn với chủ áo, chẳng hạn: Đưa hồn đầu về nhà ăn cá/ Đưa hồn mắt về nhà ăn cơm nhé/ Ăn cơm cho no ngon trong miệng/ Ăn trái để cho nó ngọt trong cổ/ Cho chủ áo này ở tốt như chim yểng láng/ Cho ở sáng như mặt trời/ Ở mát như nước mó/ Giờ vải sẽ choàng người/ Áo vải sẽ choàng người/ Áo vải mặc vòng thân/ Vải vòng người cho ở tốt/ Áo vải quây thân/ Cho ở khỏe ở mạnh/ Hú hồn về cửa về nhà” (Cầm Hùng, 2013, tr.42).

Mo còn cho hồn thấy tình cảnh gia đình khi vắng hồn: Không xuống, con khóc trong màn rưng rức/ Vợ trải đệm chăn mong chờ/ Vợ yêu đợi chăn đắp nằm đôi/ Con khóc đòi ăn xôi lèn trứng không ai hộ/ Con khóc đòi ăn xôi lèn cá chẳng ai đưa (Vương Trung, 1999, tr.211).

Ma thuật trong đời sống văn hóa của người Thái tỉnh Sơn La - 31

4. Chuyện về lễ tẳng cảu

Lễ tẳng cảu của cô dâu Phùng Trang (thành phố Sơn La) diễn ra vào thời điểm ngay sau khi đoàn nhà trai sang nhà gái. Sau lời thưa chuyện ban đầu của trưởng đoàn hai họ, sau khi lễ vật theo tục lệ đã được bày ra đủ, hai người phụ nữ đại diện cho nhà trai mang theo một túi đồ để tẳng cảu được (nhà trai) chuẩn bị sẵn, bày ra thành một mâm riêng. Mâm lễ có một bát gạo, trên dựng quả trứng gà sống, 12 chén nước, 12 chén rượu, trầu cau và nến. Một chiếc lược sừng, 2 lọn tóc của bà, của mẹ chú rể gom lại sau mỗi lần chải (dùng để nối cuốn vào tóc thật của cô dâu), 1 chiếc trâm bạc cài đầu sau khi tẳng cảu. Cạnh mâm lễ là một chậu nước vo gạo có ngâm lá nát (lá trừ ma). Bát nước trong mâm tẳng cẩu khá đa dạng, có nơi đặt bát nước vo gạo nếp có chứa các loại lá có gai, lá nát; nơi

thì dùng bát nước lã, bên trong có sỏi lấy từ ba bến, búi rau mần trầu lấy từ ba vườn. Nước được dùng để nhúng lược chải tóc cho cô dâu. Trước khi diễn ra lễ tẳng cảu, cô dâu được hai cô bạn gái giúp gội đầu bằng nước vo gạo nếp cùng các loại lá thơm, với thao tác xõa tóc thả xuống nước gội đầu, để "vía xấu trôi đi, chỉ còn lại vía lành". Cô dâu ngồi trên sàn nhà, quay về phía mặt trời mọc, để cho hai bà dì bên chồng và hai người bác bên nhà mình tẳng cảu. Nai cảu (người trực tiếp tẳng cảu) trong lễ cho Trang là em gái của mẹ chú rể, tươi cười nhúng chiếc lược vào bát nước lá rồi trao lược cho bác của cô dâu. Bà bác cầm lược, ngồi phía trước cháu gái, bắt đầu chải tóc dồn hết về phía trước, với đầu cô dâu cúi thấp. Sau khi đã chải mượt mớ tóc đen nhánh, bà bác nắm đỡ tóc phía dưới mặt cô dâu rồi bảo cô hất đầu lên, toàn bộ mớ tóc đã nằm trong tay bà nai cảu đang ngồi đón phía bên kia (sau lưng) cô gái. Hai bà bác nhà gái lui ra một bên, cùng hơn chục người phụ nữ đủ các lứa tuổi của hai họ ngồi xem chăm chú xung quanh. Nai cảu thong thả chải tóc cô dâu dần lên đỉnh đầu, vừa chải vừa vuốt, túm tóc chặt nhưng phần trên và hai bên để hơi chùng, bồng ra. Mớ tóc của nhà trai mang sang được buộc quấn cùng tóc cô dâu, cuốn từ tay trái vòng sang bên phải thành một cột tóc trên đầu rồi cố định lại bằng sợi dây đen và chụp bên ngoài bằng túi lưới cũng màu đen. Cẩn thận chỉnh lại cho búi tóc thẳng trên đỉnh đầu, nai cảu lấy chiếc trâm bạc (mản khắt phôm) cài xiên vào búi tóc để gốc trâm lộ theo hướng mặt rồi khe khẽ hát "Gội đầu sạch, chải tóc mượt, búi tóc lên lấy chồng, từ giờ này đi, từ

nay về sau, nước không thay dòng, lòng không đổi chỗ, con ơi"291. Chiếc piêu được đội lên

đầu. Nghi lễ hoàn tất.

Nghi lễ này được thực hiện trước mặt cả hai họ, và với sự tham gia của đại diện cả bên nhà trai và nhà gái. Đồ để tẳng cảu là của nhà trai. Trong cột tóc cô dâu có tóc của bà và mẹ chồng. Người nhà gái chải tóc cô thật mượt, rồi hất chuyển sang phía tay đón nhận của người làm tẳng cẩu phía nhà trai. Bà bác của Trang bảo, tẳng cẩu không được chải lên xuống các chiều lộn xộn, mà phải làm chầm chậm từng lần đưa lược để khi dựng búi tóc là chỉ chải hất lên. Khi cuốn tóc thành búi, cũng tuyệt đối không được xoay đảo chiều mà chỉ duy nhất theo chiều từ trái sang phải.

5. Tư liệu về thao tác xúc hồn, tiễn hồn trong tang ma

Xúc hồn vía người sống trước khi đưa người chết ra rừng ma

Trước lúc đưa thi hài người chết ra khỏi nhà, thao tác xúc hồn (xỏn khuân) được tiến hành. Sau khi đã xem mặt người chết lần cuối, vào lúc vợ (chồng), con cháu người chết đi quanh quan tài (choong), tuần tự theo hàng một, từ phía quản vòng sang phía sàn rồi vòng lên phía người chết nằm; một người phụ nữ đứng phía cuối quan tài ở phía bên sàn cầm vợt xúc trên không khí, cạnh sườn của từng người đi qua, miệng lẩm nhẩm rất khẽ. Lời giải thích được đưa ra sau đó là "xúc để giữ lấy hồn vía của người thân trong nhà, không cho đi theo hồn ma người chết"; kèm theo lời khấn đại ý "hồn vía ở lại nhà, ngủ với chăn với đệm, đừng đi theo hồn ma nhé". Người phụ nữ này cũng giải thích rằng, phải xúc hồn xong hết rồi mới được đưa choong ra khỏi nhà (Tư liệu điền dã Thuận Châu, tháng 7/ 2018).

Một số nghi thức, thao tác tại rừng ma


291 Tiếng Thái: Khắt cẩu đi, vi hoa kiểng, tẳng cẩu au phua, té nị pay nả, ca nị mưa nưa, báu đảy nặm pay nảu, chau pau ứn lụk ơi.

Trong nghi thức hỏa táng của người Thái đen Nghĩa Lộ, đống củi được chất lên thành 7 tầng (vì người chết là nam giới, ông mo bảo, nếu là nữ giới thì sẽ là 9 tầng), xếp thưa với 4 chiếc cọc cao hẳn lên phía trên để níu các tầng củi và đỡ quan tài khỏi rơi ra. Đây là loại củi tươi - vì phải cháy lâu nên chọn củi tươi mới thiêu được hết. Quan tài được đặt lên phía trên cùng, lửa được châm từ tầng phía dưới gần quan tài. Điều này được giải thích là nếu châm lửa từ tầng dưới cùng, lửa cháy lên sẽ khiến giàn thiêu bị sập xuống, có thể làm rơi quan tài và thi thể ra ngoài. Khi lửa cháy đều, con cháu trong đứng bên cạnh giàn thiêu, cầm mẹt quạt hất từ dưới lên - kiêng không quạt hất lên hất xuống. Thao tác này được thực hiện rất nhẹ nhàng, và được giải thích là quạt cho hồn lên trời, và chỉ quạt bằng mẹt, không bằng thứ gì khác. Lửa cháy phía trên rồi lan dần xuống dưới, đến khi quan tài cháy hết thì bên dưới vẫn còn tầm 4 tầng củi nữa. Quan tài và thi hài sụt dần xuống theo đà củi cháy. Chờ đến chiều, khi củi đã cháy hết, con cháu bắt đầu việc nhặt xương để cho vào hũ. Một chiếc mẹt được đặt dưới đất, sát bên đống tro than. Một người lấy can rượu đã chuẩn bị sẵn, dội lên đống tro than. Toàn bộ phần than đen là than củi, còn phần xương người chết thì đổi sang màu trắng. Cặp dùng để gắp xương được người thân ngồi vót trong lúc chờ thiêu thi thể - cặp này có thể được làm bằng tre hoặc bằng mía. Một nhóm người thân, ngồi quanh đống than, cẩn thận gắp từng mẩu xương đặt vào trong mẹt, vừa nhặt vừa bình luận, nói chuyện vui vẻ, hỏi xem tìm thấy cái gì lẫn trong tro xương. Có người cười bảo tìm thấy đồng tiền, người lại bảo thấy cái nhẫn bạc,.. Nhặt xương xong, đống tro than còn được gom lại để cho xuống ngôi mộ được xây song song với quá trình hỏa táng. Xương trên mẹt được đổ rượu để rửa một lần nữa rồi dốc cho vào túi vải màu trắng, buộc túm đầu rồi lấy một sợi dây chỉ chập 3 lớp, buộc vào một khúc xương to bên trong túi, sau để nối lên trên phía trên nhà mộ. Một chiếc hũ nhỏ được đặt xuống lòng mộ (đã được xây bằng gạch từ dưới lên với hình lục lăng, với lớp nền là toàn bộ đống tro củi hỏa táng). Sau khi nhoài người đặt và kiểm tra xem hũ đã chắc chắn chưa, ông lúng ta quay người nhận túi xương, cẩn thận cúi người cho vào trong hũ. Trước khi đậy nắp, ông cẩn thận với lấy sợi dây xai chơ kéo lên, buộc vào một cành cây và đặt ngang trên mộ. Tro than tiếp tục được đổ xuống đến hết, và tiếp đó là đổ đất lên tràn trên miệng huyệt.

Mộ được xây, ốp ngay sau đó, và một ngôi nhà được dựng lên cho ma (nhà gỗ tự làm như trong đám tang ở Mộc Châu hoặc nhà khung tre dán giấy nhiều màu ở Nghĩa Lộ hoặc Phù Yên). Đồ dùng vật dụng chia cho ma để hết bên trong ngôi nhà mộ, và sợi dây nối thẳng từ mộ lên nhà. Sau khi hỏa táng xong, cột heo cho phi được dựng lên. Phía trên cây này là con ngựa, cái ô, trên tay đòn của cây có áo của người chết đã được lộn trái và cắt đứt hết cúc, phía bên kia là áo của vợ con. Áo người chết treo theo hướng của cây hoa hướng về đầu nguồn nước - lên trời. Áo vợ con thì xuôi cuối nguồn, người sống. Anh Mương tham dự lễ bảo, "áo này treo lên đây, như nhà mình, mình đi làm ruộng về nhìn thấy cái áo là như thấy bố mình ấy, cũng đỡ buồn hơn". Việc lộn trái và cắt cúc được anh giải thích vì là áo cho ma nên phải khác với áo mặc của người sống.

Trong đám tang ở Mộc Châu, việc đưa ma hồn ra ở tại mộ chưa kết thúc sau nghi lễ chôn cất mà còn kéo dài tới lễ đóng cửa mả sau đó 3 ngày. Trong lễ đóng cửa mả, mo tiếp tục chia của cho ma hồn. Chiếc chiếu cúng trải ra nền đất bằng, hướng về phía mộ, bên trên đặt la liệt đồ cúng với xôi, gà, thủ lợn, rượu, hoa quả, chồng vải Thái, tiền vàng, đồ mã với

nhà tầng, xe máy hiệu Jupiter có ghi rõ biển số xe (là biển số xe mà người chết đang dùng), mũ xe máy, mũ cối bộ đội, quần áo, bát đũa nồi niêu xong chảo, ti vi, điện thoại. Một chồng áo to của cả nhà, khoảng hơn 20 chiếc đủ màu, buộc thành hai bó đặt bên cạnh mâm cúng, với chiếc vợt ca xa đặt lên phía trên. Mo cúng mời - thưa chuyện với thần đất (phi đin) và các phi ở tại rừng ma, trình bày về việc ma hồn mới chết, chọn đất chỗ này, xin được cho ma đến ở. Mo cúng mời ma hồn nhập mường phi tại pá heo, nhận nhà mới, mời ma hồn ăn uống, nhận mọi của cải mo giao, dặn dò ma ăn ở cho đúng đạo lý và quan tâm phù hộ cho con cháu. Mo dùng tiền xu gieo xuống đĩa, kiểm tra xem ma đã đồng ý nhận chưa. Sau đó, mo đọc lời cúng nhờ thần chủ đất và các phi tại rừng ma giúp đỡ ma hồn mới đến.

Chia xong hết đồ cho ma, một bà tầm 50 tuổi kéo chị vợ ra khoảnh đất trống bên cạnh mộ. Dưới sự hướng dẫn của bà, chị vợ lấy cuốc, đào hố rồi đặt trồng một cây chuối non, tiếp đó, một khóm mía, và rồi xẻ luống trồng 3 luống hoa cho ngôi nhà mộ của chồng. Mọi việc xong xuôi, ông mo bắt đầu thao tác đóng cửa ngôi nhà mộ. Vợ và hai con của người mất được gọi ra, chia cho mỗi người một quả chuối, đứng hướng về phía mộ bóc ăn ngon lành. Rồi mâm cơm cúng đặt trên nhà mộ được dọn đi, ông mo với tay lấy thanh tre đặt trong nhà mộ ra, bảo cậu con trai tầm 8 tuổi đứng quay lưng lại ngôi mộ. Ông cầm thanh tre đặt dọc trên cái địu màu đen buộc ngang sẵn trên lưng cậu, miệng nói "để con nó cõng phi bố về nhà nhé" rồi ẩy cậu đi theo hướng về bản. Ông dặn với theo, "không được quay đầu lại đâu nhé, đi về nhà luôn đấy". Mo lấy kiếm vạch dưới chân mộ 5 đường, vừa vạch vừa lẩm nhẩm. Sau khi ông vạch xong thì quay sang giải thích: "ông chỉ đường cho ma nó đi cho nó biết nó nhớ, đây nhé, 5 đường tất cả, một đường đi chợ đi búa, đường kia đi thăm họ hàng cả sống cả chết đi đường đấy, đây là đường đi nương đi rẫy lấy củi, đường đi tắm rửa, đường về thăm nhà. 5 đường tất cả đấy".

Về con đường đi được mo chỉ cho ma này được bà mo Song (Mộc Châu) nói tới trong một lần chuyện trò về tin đồn gốc đa trong bản có người chết thiêng, ma nó ở đấy rồi làm cho người này người kia bị ốm. Bà bảo chuyện đồn thổi đấy là không đúng, "người chết cũng có về thật, nhưng người ta chỉ được phép đi mấy chỗ thôi. Vì là, ngôi mộ ở đây, ông thầy mo vẽ đường cho đi: một đường đi chợ; một đường đi nương, đi ruộng; đường đi về thăm quê nội; đường về thăm quê ngoại. Chỉ có 4 đường thôi, mo chỉ đi đâu thì được đi đấy, không đi lung tung. Có phải là thích về nhập vào ai thì vào đâu" (Tư liệu điền dã Mộc Châu, 24/3/2018).

Vẽ xong, mo bảo người nhà đóng lại. Hai người đàn ông lấy miếng gỗ dài vốn vẫn để bên cạnh, cài dọc vào vị trí cửa đang để trống. Xong việc, mo quay ra bảo: có thấy con gà không? Mấy cậu thanh niên chỉ tay về phía rặng cây tít bên trong bảo, nó vừa chạy vào đó. Mấy anh chàng chỉ con gà đang ngáo nghênh tít phía trong khu cây cối rậm rạp và bảo, đấy là con gà trống thả riêng cho anh chết này. Ơ thế không sợ ai bắt gà à?, "không sao đâu, cứ để nó ở đó. Đấy là gà của ma rồi". Cậu cười rồi kể chuyện ăn trộm gà ở rừng ma hồi mấy năm trước: "Em với bạn đi thả bò, thấy con gà thế là ôm về thả dưới sàn. Tối hôm đấy mơ luôn thấy ông ấy về bảo trả con gà cho ông. Được vài hôm thì con gà chết". Thế không sợ hay sao mà dám bắt gà của người ta? "Cũng bình thường mà, nhìn thấy thì bắt thôi. Nhưng

mà ông ấy về đòi luôn tối hôm ấy đấy, buồn cười thật". Sau gà chết thì làm sao? "Phải xin mẹ một con khác thả lại vào trả cho ông đấy, về đòi suốt".


6. Tư liệu về những giao tiếp với hồn sinh thể trong tự nhiên

Khi đi hái lá thuốc cùng bà mo Song (Mộc Châu, ngày 14-15/01/2019), tôi nhận thấy mỗi khi định lấy cây lá nào, bà lại xoay người nhẹ một cái rồi mới hái. Hỏi thì bà bảo, "nhà cô làm thuốc có cái riêng, là phải đợi mặt trời lên, trước lúc hái thì đứng quay lưng mình về phía mặt trời chiếu, để cái bóng mình đè lên bóng cây thuốc, thế thì mới có tác dụng chữa bệnh, ngược lại là không chữa được". Giải thích cặn kẽ thêm, bà bảo, hồn vía mình khống chế hồn cây, thế mới chữa khỏi cho con nuôi của mình được (Tư liệu điền dã tại thị trấn Mộc Châu, 14-15/01/2019).

Câu chuyện của ông Tiến (Mộc Châu) chia sẻ niềm tin Thái về sự hiện diện của loại ma rừng (phi pá), thứ xuất hiện khá nhiều trong các lễ cúng chữa bệnh hồn người bị con phi này chiếm giữ. "Năm 1984, đêm, chúng tôi ngồi dưới cây thị cổ thụ (100m), nghe một luồng gió như rụng hết cành lá xuống, cách 10 mét thì dừng lại. Ma rừng hay về dọa mo mới, nếu mình sợ thì nó càng dọa. Ma rừng là thần cây, thần hang, không có hình dạng, chỉ là các hiện tượng lạ, khi bấm đèn thì lại không thấy gì. Vì thế, khi đi rừng, phải có con gà để cúng báo cáo, đại ý, tôi là con người bình thường, tôi đến đây làm nương làm rẫy, xin các vị thần linh cho phép, thông cảm. Cúng xong đi rừng thì sẽ không có vấn đề gì. Khi đi lên rừng thì cúng gà, đi sông suối thì cúng vịt" (Tư liệu điền dã, 24/3/2017).

Những câu chuyện xoay xung quanh việc khôi phục lễ hội bị đứt đoạn 40 năm của dòng mo mun tại một bản ở Mộc Châu cũng cho thấy niềm tin và cách ứng xử của con người với tự nhiên quanh mình. Bà Pán kể, khi dựng lại lễ này thì làm ở chỗ cây đa, ông mo tảy trong bản cúng thay ông mo mun đã chết. Năm đầu tiên làm xong là có mưa lác đác xuống, khi khấn xong là trời tối sập, mưa xuống rất to. Các ông trên Phòng văn hóa huyện vào muộn cứ tiếc mãi là không quay được cảnh đó. Lúc đó là cúng thật, cúng gà và giết lợn ở ngay đó, nên chắc các thần các ma cũng mừng. Mỗi lần tổ chức lễ hội đều mưa, không mưa trước thì mưa sau. Chỗ cây đa trong bản, nơi tổ chức lễ hôi, cũng rất nhiều chuyện ly kì. "Ma cây đa là con gái, nghe các cụ kể là chôn người con gái dưới đó để giữ của gì đó, ngày xưa họ làm nghệ thuật ở đây không chịu cúng bái gì thì có người bị điên, bây giờ biết rồi, cúng bái rồi thì hết, không bị nữa. Có thể lấy lá cây, cành cây nhưng đừng có đụng đến gốc, rễ cây. Nó làm cho đau bụng ngay đấy. Bà ở đây, ngày lễ tết đều cũng phải cúng bái, cúng ở nhà mình thì mời họ về ăn, ngày rằm tháng giêng thì cúng cả bản, mỗi nhà một con gà mang ra chỗ cây thì có thầy mo cúng. Ở đây quen thì không sao, kể cả đêm hôm đi vào cũng không sao, nhưng nếu người lạ thì dễ có chuyện đấy" (Tư liệu điền dã tại bản A., Mộc Châu, 19/12/2017).

Mô tả về tết Xíp xí Phù Yên, Lò Xuân Dừa [54] cho biết, người Thái ở đây thường thả trâu vào lũng để tự đàn trâu đi ăn ngủ trong rừng một thời gian. Thỉnh thoảng vào lũng kiểm tra, đuổi về gần nếu trâu đi vào rừng xa. Nếu không thấy trâu thì làm hèm để đề phòng hổ, sói ăn, rắn rết cắn: cầm bát to nâng miệng bát lên gần miệng rồi niệm lời cầu xin thần phù hộ rồi úp miệng bát vào miệng ninh đồng, khấn đại loại là: "Trâu ơi chúng tôi lo

cho mày/ Nhớ mày, tìm mày chưa thấy (cụ thể tìm kiếm thế nào thì nói rõ)/ Chúng tôi làm hèm cầu cho mày không bị sao trâu nhé/ Đỉa đừng vào mũi, bọ độc đừng vào răng/ Không bị hổ to bắt/ Không bị con rắn cắn/ Không bị con bọ bám/ Đi về nên hòn tảng/ Về bản nên của cải/ Đi đường đừng trượt ngã/ Đừng có cỏ độc, có con rết nhé".


7. Chuyện bói tìm chỗ chôn người chết:

Khi trong nhà có người chết, ngoài việc lo chuẩn bị các khâu để làm tang lễ theo thủ tục, một công việc rất quan trọng mà người Thái cần tiến hành là chọn đất (nhà) cho người chết. Với quan niệm, hồn ma người chết sẽ tự lựa chọn ngôi nhà cho mình tại rừng ma, nên người nhà sẽ khấn báo với hồn trước khi đi, mang trứng theo để tung, chỗ nào trứng vỡ sẽ được chọn để chôn cất. Trong đám tang anh Hoàng Văn Tiến ở Mộc Châu, ông cậu bên ngoại (lúng ta) là người cầm trứng trong đoàn đi tung chọn chỗ chôn cho cháu, "tìm chỗ, đi đâu về đâu, số vận may thế nào là bên ngoại chúc phúc, vận may các thứ là bên ngoại hết". Trước khi đi, ông cậu 'làm phép' tại nhà, vì "không làm phép thì vứt bao nhiêu cũng chẳng vỡ được quả trứng đâu". Lúng ta cầm theo trứng, đứng cạnh quan tài, nói khẽ "cháu

ơi, giờ cháu mất rồi, ông cậu đi tìm cho cháu chỗ ăn chỗ ở nhé"292, rồi ông cầm theo cái

túi nylon trong gói 3 quả trứng gà sống (là trứng gà so mới đẻ của nhà) cùng một miếng vải trắng hình chữ nhật dài tầm hai gang tay. Đoàn người đi ra rừng ma, đến một khu cây cối rậm rạp gần ngôi nhà mộ có chiếc ô đổ nát, chui qua bụi tre, bắt đầu phát quang một khoảnh nhỏ (tầm 50 phân vuông), cào lá, cỏ trên bề mặt để hở riêng nền đất. Lúng ta miệng lẩm nhẩm khấn, tay giơ quả trứng nhỏ lên ngang trán rồi ném bụp xuống đất, ném mạnh và dứt khoát. Quả trứng rơi bộp, không vỡ, nảy tưng lên rồi lăn sang hướng khác. Mọi người ồ lên, không vỡ rồi, ông cậu cúi người nhặt trứng, tay chỉ một khoảnh cần phát quang theo hướng quả trứng lăn để những người đi theo được biết. Chu trình lặp lại như cũ

- dọn dẹp sơ qua - ném trên đất - và lần này trứng vẫn tiếp tục nảy lên, lăn xa hơn ra một hướng khác. Nhóm nam giới đi theo ông cậu tỏ ra bình thản, không hề sốt ruột, lại cần mẫn tiếp tục phát dọn đám dây leo nhằng nhịt trên khoảnh đất nhỏ theo hướng lăn mới của quả trứng. Tới lần thứ ba này thì "bụp" - quả trứng vỡ ra, nhưng theo cách vỡ nứt, còn nguyên lòng đỏ chứ không bắn tung tóe. Dừng lại nhìn quả trứng vỡ, mấy người cười và bảo "đồng ý ở chỗ này rồi", "nhất trí rồi", "chỗ này nó thấy đẹp". Lúng ta lấy dải vải trắng, chụm đoạn giữa túm cả quả trứng vỡ lại, buộc thắt nút rồi lấy một chiếc que dài tầm 80 phân, chọc xuyên qua chỗ buộc, kéo xuống thanh tre một đoạn. Ông cắm thanh tre có dải vải trắng xuống đúng chỗ đất nơi lòng đỏ trứng vỡ - "chỗ này mai sẽ là chỗ tim của nó" (khi

chôn vào hôm sau, thi hài được đặt theo đúng vị trí tim tại điểm đó, dây xai chau293 nối từ

mộ lên nhà mồ bên trên cũng thẳng với vị trí này - ĐTTH). Mọi người dùng dao phát



292 Có trường hợp người rể cả (khươi cốc) quz thắp nhang phía chân quan tài, đọc theo lời khấn của mo, báo với ma hồn người chết biết trước khi đi tung trứng: (nói tên người chết) "Tắm nước không mát/ Cúng vái không lành/ Mới ngã lìa chữ ghi trong sổ/ Chết lìa tên trong nhà/ Ngã thành ma/ Đi thành đẳm/ Nhắm mắt đi theo tổ tiên/ Rể cả tôi đây/ Sẽ đi tìm chỗ cho ngươi ở/ Sẽ đi tìm nơi cho ngươi ăn/ Chỗ nào lành phía trước/ Chỗ nào tốt đằng sau/ Tung đặt trứng xuống/ Cho nó vỡ nơi đấy nhé" (Dẫn theo Tòng Văn Hân, 2016c, tr.78-79).

293 Dây nối từ dưới mộ thẳng lên phía trên nhà mồ, bằng bông, nhiều sợi nhỏ chập lại. Trong đám hỏa táng,

sợi dây này được buộc vào một mẩu xương trong hũ đựng, nối từ dưới mộ lên trên.

quang cây cối, dọn dây leo, nhổ cỏ rồi đi về, để hôm sau ra đào huyệt (Tư liệu điền dã tại bản A., Mộc Châu, 10.9.2019).

Trong cuộc trao đổi sau đó, ông cậu và mọi người còn nói thêm rằng, trứng vỡ như hôm nay là đẹp, "kiểu nứt ra thôi, giống mỉm cười ấy". Nếu trứng vỡ quá (bắn tung tóe chẳng hạn) là "294 không nhất trí, nó tức bực vỡ tan ra ấy, thế là lại phải đi tìm chỗ khác". Nên ở đây khi đi tung trứng thường mang tầm 2-3 quả, nhỡ vỡ tung tóe ra thì có trứng để dùng tiếp. Họ còn bảo, như cháu này ba lần là được luôn, trong bản có người

đến ba mươi lần, khó lắm. Đi tìm từ chỗ bên kia (giơ tay chỉ, vòng từ phía núi bên này sang đến bên kia, cả một dải vòng theo phía tây của cánh đồng lúa), vòng qua bên này. Con cháu đi tìm mãi mới được chỗ ở. Ở bản này đi tung trứng phải theo đúng hướng sang phía bên Lào, chứ không phải thích đi ngược đi xuôi là được. Thấy vẻ mặt ngạc nhiên của tôi về việc quả trứng sống có thể không vỡ khi bị ném thẳng tay xuống đất, những người chứng kiến vui vẻ bảo, nếu không phải ở rừng ma thì ném chỗ nào trứng cũng vỡ đấy, "không biết duy tâm duy vật thế nào nhưng nó mà chưa đồng ý là trứng còn chưa vỡ".

Ngoài tung trứng, còn có thêm một cách bói khác được người Thái Thuận Châu sử dụng khi tìm chỗ chôn cất cho người chết. Trước khi đi, Khươi Cốc nói trước linh cữu, mời ma hồn đi theo để chọn chỗ an táng, ưng chỗ nào hãy mách bảo. Vào rừng ma, tang chủ chọn chỗ bằng mắt thường, ưng chỗ nào thì Khươi Cốc gieo quẻ sấp ngửa tại đó. "Khươi Cốc phát quang khoảng nhỏ và quét sạch rác rưởi; cắm chiếc đũa, đầu trên chẻ kẹp cái đọt bông, chặt lấy đoạn cây tươi tròn nhỏ, dài khoảng 15 phân, bổ đôi làm que gieo sấp ngửa. Đoạn, Khươi Cốc cắm mũi kiếm xuống đất, cạnh chiếc đũa, quay lưỡi sang phía mình và lấy Chàu vải trắng (gồm 4 sải liền) với vòng tay bạc trong túi đang đeo ra đặt đối diện lưỡi kiếm. Khươi Cốc quỳ gối lên Chàu vải gấp nhỏ, khổ thành chiều dài, cầm sấp hai que song song trên 4 ngón tay, miệng xướng những câu nói với vong hồn người quá cố ý nói là người đã qua đời biến thành kiếp khác, tôi là Khươi Cốc đến chọn chỗ an nghỉ cho người, nếu ưng chỗ này hãy cho que sấp ngửa. Nói đoạn Khươi Cốc hất ngang hai que vào lưỡi kiếm. Sau khi hai que va lưỡi kiếm rơi xuống đất mà một que ngửa, một que sấp nằm song song thì vong linh đã ưng nơi an nghỉ tại đây, chỗ đũa kẹp đọt bông cắm là giữa tim. Nếu hai que tuy sấp ngửa nhưng lại vắt chéo nhau hoặc đầu ra đầu vào thì vong linh chưa thật ưng tại đây mà muốn an nghỉ nơi gần quanh đâu đây, như vậy phải di chuyển gieo que những nơi gần quanh đó. Nếu hai que đều sấp hay đều ngửa thì vong linh không ưa chỗ đó mà phải tìm nơi khác mà gieo que. Mỗi lần gieo đều phải tiến hành đúng động tác như nói trên và thay que sấp ngửa mới. Chọn được chỗ nào, Khươi Cốc để nguyên chiếc đũa cắm đọt bông (…). Nếu định địa táng thì đào huyệt, chỗ chiếc đũa cắm là tim" (Lường Vương Trung, 2011, tr.42).


294 Nó ở đây là ma hồn của người mới chết.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 13/09/2023