Luật kinh doanh dùng cho sinh viên hệ đào tạo đại học từ xa 2007 - 1


HỌC VIỆN CÔNG NGHỆ BƯU CHÍNH VIỄN THÔNG


LUẬT KINH DOANH


(Dùng cho sinh viên hệ đào tạo đại học từ xa)


Lưu hành nội bộ


HÀ NỘI - 2007

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 135 trang tài liệu này.


LUẬT KINH DOANH

Luật kinh doanh dùng cho sinh viên hệ đào tạo đại học từ xa 2007 - 1


Biên soạn : CN. TRẦN ĐOÀN HẠNH


LỜI NÓI ĐẦU‌


Pháp Luật kinh doanh nói chung và Luật kinh doanh nói riêng được coi là bộ phận cấu thành của cơ chế kinh tế, giữ vai trò ngày càng quan trọng trong đời sống kinh tế của đất nước. Lý luận về Luật kinh doanh hiện nay ở nước ta đang là một vấn đề phức tạp do Việt Nam đang trong quá trình đổi mới cơ chế quản lý kinh tế và hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Trong điều kiện khi môi trường pháp luật đang chịu những thay đổi thì việc nghiên cứu hệ thống pháp Luật kinh doanh hiện hành đang đặt ra nhiều vấn đề lý luận mới.

Trong những năm qua, cùng với sự chuyển đổi nhanh chóng của nền kinh tế Việt Nam, pháp luật kinh tế đã thay đổi cơ bản ngành luật kinh tế được đổi tên gọi thành Luật kinh doanh, Luật thương mại cho phù hợp hơn với các quan hệ kinh tế trong tình hình mới. Luật kinh doanh đã được đưa vào giảng dạy tại các trường chuyên ngành luật như Khoa Luật - Trường Đại học quốc gia Hà nội, Đại học Luật Hà nội và các trường đào tạo về kinh tế và quản trị kinh doanh. Cũng như vậy đây là môn học thuộc phần kiến thức giáo dục đại cương theo chương trình khung đào tạo đại học ngành Quản trị kinh doanh của Học viện công nghệ bưu chính viễn thông. Đây là môn học hết sức cần thiết cho các nhà quản lý kinh doanh trong tương lai vì nó trang bị những kiến thức hết sức cơ bản, thực tế về các thành phần kinh tế hiện nay trong nền kinh tế thị trường Việt Nam như pháp luật về các loại hình doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đang tồn tại. Cũng như các hiện tượng của đời sống kinh tế như pháp luật về các loại hợp đồng trong thương mại, về phá sản, về cạnh tranh và chống độc quyền, về các phương thức giải quyết tranh chấp trong kinh doanh...

Tài liệu được kết cấu thành 7 chương theo đề cương môn Luật kinh doanh dành cho chương trình đại học ngành Quản trị kinh doanh của Học viện CNBCVT. Trong đó chương I trình bày các vấn đề lý luận chung về Luật kinh doanh, các chương sau trình bày về các loại hình doanh nghiệp, pháp luật về đầu tư, pháp luật về các loại hợp đồng trong thương mại, pháp luật về phá sản, pháp luật về cạnh tranh và chống độc quyền, pháp luật về các phương thức giải quyết tranh chấp trong kinh doanh... Đây là những quan hệ kinh tế rất phổ biến đang tồn tại trong đời sống xã hội hiện nay cần được điều chỉnh bằng pháp luật.

Do được biên soạn lần đầu tiên một cách chính thức, mặc dù tác giả đã cố gắng cập nhập những văn bản pháp luật mới nhất trong lĩnh vực này và có sự tham khảo giáo trình, tài liệu của một số trường Đại học nhưng không thể tránh khỏi những thiếu sót và hạn chế nhất định. Mong nhận được sự đóng góp để tài liệu được hoàn thiện hơn./.


Hà Nội, tháng 04 năm 2007 Tác giả



CHƯƠNG I: LÝ LUẬN CHUNG VỀ LUẬT KINH DOANH


GIỚI THIỆU CHƯƠNG I

Nội dung của chương I trình bày những vấn đề lý luận chung về Luật kinh doanh với tư cách là một ngành luật độc lập trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Từ những khái niệm về Luật kinh doanh để đưa tới cho người học những hiểu biết nhất định về đối tượng điều chỉnh và phương pháp điều chỉnh của ngành luật này là những quan hệ xã hội nào? Sự tác động của ngành luật đó lên các quan hệ thuộc đối tượng điều chỉnh của mình sẽ bằng những phương pháp và cách thức nào để đạt được mục đích điều chỉnh?

Trong nội dung chương I cũng đề cập tới chủ thể của ngành Luật kinh doanh là ai qua đó cũng đề cập tới các điều kiện để trở thành chủ thể của ngành luật này. Mỗi một ngành luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam đều có những chủ thể riêng với những yêu cầu nhất định của mình, cũng như vậy muốn trở thành chủ thể của Luật kinh doanh phải đáp ứng các điều kiện được pháp luật kinh tế quy định. Quy định này được áp dụng riêng với cá nhân và cơ quan tổ chức. Từ đó tiến hành phân loại các chủ thể của Luật kinh doanh, trong đó đặc biệt chú ý đến chủ thể kinh doanh.

Trong thời đại ngày nay, nhà nước nào cũng có chức năng và vai trò kinh tế, chức năng điều tiết, định hướng và quản lý các hoạt động kinh tế. Vì vậy để thực hiện chức năng đó, nhà nước bao giờ cũng ban hành một hệ thống các quy phạm pháp luật để điều chỉnh một bộ phận lớn và đặc thù của các quan hệ xã hội, các quan hệ kinh tế. Các quan hệ kinh tế nảy sinh trong đời sống xã hội ngày càng đa dạng, phong phú và năng động. Sự phát triển của các quan hệ xã hội trong lĩnh vực kinh tế tất yếu sẽ dẫn tới sự trưởng thành của cơ chế điều chỉnh pháp luật nói chung và của hệ thống pháp luật về quản lý kinh tế nói riêng. Để điều chỉnh các quan hệ kinh tế, nhà nước sử dụng nhiều ngành luật khác nhau với phương pháp và đối tượng điều chỉnh khác nhau, trong đó Luật kinh doanh giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Trong phần cuối của chương I đã đề cập đến vai trò của Luật kinh doanh trong nền kinh tế, trong đó vai trò của Luật kinh doanh được so sánh ở hai thời kỳ, hai giai đoạn với hai cơ chế quản lý kinh tế khác nhau. Đó là trong giai đoạn nền kinh tế tập trung và giai đoạn nền kinh tế thị trường.

NỘI DUNG

1.1- KHÁI NIỆM LUẬT KINH DOANH

1.1.1- Định nghĩa Luật kinh doanh:

1. Quan niệm về Luật kinh doanh:

Ở Việt Nam, thuật ngữ " Luật kinh doanh" hay "Pháp luật kinh doanh" được bàn đến vào những năm đầu của thập kỷ 90 thế kỷ XX, trong các đề tài nghiên cứu khoa học và hội thảo khoa học. Theo PGS.TS Lê Hồng Hạnh " Luật kinh doanh điều chỉnh các quan hệ gắn liền với hoạt động sản xuất kinh doanh ". Cũng theo PGS.TS Dương Đăng Huệ, pháp Luật kinh doanh nói một cách nôm na nhất là tổng hợp các văn bản pháp luật điều chỉnh các quan hệ phát sinh trong quá trình tổ chức hoạt động và giải thể doanh nghiệp. Nội dung của kinh doanh gồm bốn bộ phận cơ


bản cấu thành là: pháp luật về các loại hình doanh nghiệp; pháp luật về hành vi kinh doanh; pháp luật về vỡ nợ, phá sản; pháp luật về cơ quan tài phán trong kinh doanh.

Từ những quan niệm trên cho thấy dù quan niệm Luật kinh doanh là ngành luật hay môn học thì nội dung cơ bản của nó cũng chứa đựng hai vấn đề pháp lý cơ bản đó là: pháp luật về hoạt động kinh doanh của các chủ thể kinh doanh và pháp luật về quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh. Suy cho cùng, những vấn đề trong nội dung của Luật kinh doanh cơ bản giống như nội dung cơ bản của luật kinh tế, có chăng chỉ khác về cách thức, mức độ can thiệp (quản lý) bằng pháp luật của các nhà nước đối với hoạt động kinh doanh trong từng thời kỳ lịch sử.

2. Khái niệm Luật kinh doanh:

Luật kinh doanh là tổng hợp các quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành, điều chỉnh các quan hệ kinh tế phát sinh trong quá trình tổ chức và quản lý kinh tế của Nhà nước và trong quá trình kinh doanh của các chủ thể kinh doanh với nhau.

a. Đối tượng điều chỉnh

Đối tượng điều chỉnh của Luật kinh doanh là những quan hệ kinh tế do Luật kinh doanh tác

động vào bao gồm:

* Nhóm quan hệ quản lý kinh tế:

Là quan hệ phát sinh trong quá trình quản lý kinh tế giữa các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế với các chủ thể kinh doanh.

Nhóm quan hệ này có đặc điểm:

- Quan hệ quản ký kinh tế phát sinh và tồn tại giữa các cơ quan quản lý và cơ quan bị quản lý (các chủ thể kinh doanh) khi các cơ quan quản lý thực hiện chức năng quản lý của mình.

- Chủ thể tham gia quan hệ này ở vị trí không bình đẳng (vì quan hệ này được hình thành và

được thực hiện trên nguyên tắc quyền uy phục tùng).

- Cơ sở pháp lý: chủ yếu thông qua các văn bản pháp lý do các cơ quan quản lý có thẩm quyền ban hành.

* Quan hệ kinh tế phát sinh trong quá trình kinh doanh giữa các chủ thể kinh doanh với nhau: Đây là những quan hệ kinh tế thường phát sinh do thực hiện hoạt động sản xuất, hoạt động tiêu thụ sản phẩm hoặc thực hiện các hoạt động dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi nhuận. Trong hệ thống các quan hệ kinh tế thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật kinh doanh, nhóm quan hệ này là quan hệ chủ yếu, thường xuyên và phổ biến nhất.

Nhóm quan hệ này có đặc điểm:

- Chúng phát sinh trực tiếp trong quá trình kinh doanh nhằm đáp ứng các yêu cầu kinh doanh của các chủ thể.

- Chúng phát sinh trên cơ sở thống nhất ý chí của các bên thông qua hình thức pháp lý là hợp đồng kinh tế hoặc những thoả thuận khác.

- Chủ thể của những quan hệ này chủ yếu là các chủ thể kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế, tham gia vào các quan hệ này trên nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện và cùng có lợi.

- Đây là nhóm quan hệ hàng hoá tiền tệ với mục đích kinh doanh.

* Quan hệ kinh tế phát sinh trong nội bộ một số doanh nghiệp:


Là các quan hệ kinh tế phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh giữa Tổng công ty, tập đoàn kinh doanh và các đơn vị thành viên cũng như giữa các đơn vị thành viên trong nội bộ Tổng công ty hoặc Tập đoàn kinh doanh đó với nhau.

Cơ sở pháp lý của quan hệ là thông qua nội quy, quy chế, điều lệ, cam kết.

* Quan hệ kinh tế phát sinh trong hoạt động tài phán trong kinh doanh, trong phá sản doanh nghiệp: nhóm này bao gồm các quan hệ tổ chức và hoạt động của hệ thống các cơ quan, tổ chức tài phán kinh tế và thủ tục giải quyết các tranh chấp kinh tế, phá sản doanh nghiệp.

b. Phương pháp điều chỉnh:

Luật kinh doanh vừa điều chỉnh các quan hệ quản lý kinh tế giữa các chủ thể bất bình đẳng, vừa điều chỉnh các quan hệ sản xuất kinh doanh giữa các chủ thể bình đẳng, do vậy mà nó sử dụng và phối hợp nhiều phương pháp điều chỉnh khác nhau.

* Phương pháp mệnh lệnh:

Được sử dụng chủ yếu để điều chỉnh nhóm quan hệ quản lý kinh tế giữa các chủ thể có vị trí không bình đẳng với nhau. Để phù hợp với đặc trưng của nhóm quan hệ này, Luật kinh doanh đã tác động vào chúng bằng cách quy định cho các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế trong phạm vi chức năng của mình, có quyền ra quyết định mang tính chất bắt buộc đối với các chủ thể kinh doanh (bên bị quản lý) và bên này có nghĩa vụ thực hiện quyết định đó.

* Phương pháp thỏa thuận:

Được sử dụng để điều chỉnh các quan hệ kinh tế phát sinh trong quá trình kinh doanh giữa các chủ thể bình đẳng với nhau. Bản chất của phương pháp này thể hiện ở chỗ: Luật kinh doanh quy định cho các bên tham gia quan hệ kinh tế có quyền bình đẳng với nhau, cùng thỏa thuận những vấn đề mà hai bên cùng quan tâm. Khi thiết lập hoặc chấm dứt quan hệ kinh tế sẽ không bị phụ thuộc vào ý chí của bất kỳ cá nhân, cơ quan hay tổ chức nào. Điều này có nghĩa là pháp luật quy định quan hệ kinh tế chỉ được coi là hình thành trên cơ sở có sự thống nhất ý chí của các bên và không trái với quy định của nhà nước.

1.1.2- Chủ thể của Luật kinh doanh

Luật kinh doanh có hệ thống các chủ thể riêng, bao gồm những cơ quan, tổ chức và cá nhân có đủ điều kiện để tham gia vào những quan hệ do Luật kinh doanh điều chỉnh.

1- Điều kiện (dấu hiệu) để trở thành chủ thể của Luật kinh doanh

a. Đối với cơ quan, tổ chức:

- Phải được thành lập hợp pháp: những cơ quan, tổ chức được coi là thành lập hợp pháp khi chúng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định thành lập, cấp giấy phép đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động.

- Phải có tài sản riêng: để tham gia vào các quan hệ kinh tế, cơ quan tổ chức phải có tài sản riêng, đồng thời có quyền chi phối khối lượng tài sản đó để có thể tự chịu trách nhiệm độc lập về tài sản trong hoạt động của mình. Quyền chi phối tài sản riêng của tổ chức hoặc cá nhân thường thể hiện dưới hình thức quyền sở hữu hoặc quyền quản lý tài sản.

- Phải có thẩm quyền kinh tế: thẩm quyền kinh tế là tổng hợp các quyền và nghĩa vụ về kinh tế được pháp luật ghi nhận hoặc công nhận. Thẩm quyền kinh tế của chủ thể Luật kinh doanh luôn


phải tuơng ứng với chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực hoạt động của nó. Vì vậy, trên thực tế các chủ thể Luật kinh doanh có những quyền và nghĩa vụ cụ thể không hoàn toàn giống nhau.

b. Đối với cá nhân:

- Phải có năng lực hành vi dân sự hoàn toàn: năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng chính hành vi của mình để xác lập, thực hiện quyền và nghĩa vụ dân sự. Điều đó có nghĩa là cá nhân có khả năng nhận thức được hành vi của mình và tự chịu trách nhiệm về hành vi đó. Pháp luật nước ta quy định, người đủ 18 tuổi trở lên không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh lý khác làm mất hoặc hạn chế khả năng nhận thức hành vi của mình là có đủ năng lực hành vi dân sự.

- Có giấy phép hoạt động và đã đăng ký kinh doanh hoặc được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh: cá nhân có năng lực hành vi dân sự chỉ mới là điều kiện cần. Để trở thành chủ thể kinh doanh, phần lớn các cá nhân còn phải xin phép hoặc đăng ký kinh doanh (tùy theo ngành nghề kinh doanh) ở các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Chỉ sau khi được cấp giấy phép kinh doanh và đã đăng ký kinh doanh, cá nhân mới có năng lực pháp luật trong quan hệ Luật kinh doanh, có quyền hoạt động kinh doanh và khi đó mới trở thành chủ thể của Luật kinh doanh.

2- Phân loại chủ thể của Luật kinh doanh:

* Chủ thể là các cơ quan quản lý Nhà nước về kinh tế:

- Chính phủ

- Các Bộ quản lý chuyên ngành kinh tế - kỹ thuật như công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, điện lực...

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ có thẩm quyền quản lý theo chức năng hoạt động như tài chính, ngân hàng, kế hoạch đầu tư,...

- Các Uỷ ban nhân dân địa phương

- Các Sở, phòng kinh tế ở địa phương.

* Chủ thể là các đơn vị kinh tế:

- Doanh nghiệp Nhà nước

- Tổ chức kinh tế tập thể (Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã)

- Doanh nghiệp theo Luật doanh nghiệp: Công ty TNHH, Công ty cổ phần, Công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân

- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

- Hộ kinh doanh cá thể.

3- Chủ thể kinh doanh:

Mặc dù khái niệm chủ thể kinh doanh không được định nghĩa về mặt pháp lý nhưng xuất phát từ khái niệm về hành vi kinh doanh thì chủ thể của hành vi kinh doanh hiểu theo nghĩa thực tế và pháp lý là những pháp nhân hay thể nhân thực hiện trên thực tế những hành vi kinh doanh.

Theo điều 4 Luật doanh nghiệp quy định thì " Kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi ". Như vậy theo định nghĩa này thì một hành vi được coi là hành vi kinh doanh nếu đáp ứng được các dấu hiệu sau:

- Hành vi đó phải mang tính chất nghề nghiệp

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 06/09/2023