Lịch sử kinh tế Việt Nam Phần 2 - 23

Trong thập niên 1990, sự yếu kém trong quản lý nội bộ cùng với tác động của khủng hoảng tài chính châu Á dẫn tới vấn đề nợ xấu của các ngân hàng. Đến cuối năm 2000, nợ xấu chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng dư nợ của các ngân hàng, gây ảnh hưởng tiêu cực tới toàn bộ nền kinh tế. Để giải quyết, Chính phủ bắt đầu quá trình xử lý nợ xấu và tái cấu trúc các ngân hàng thương mại. Các ngân hàng thương mại hoạt động kém hiệu quả được sáp nhập hoặc được kiểm soát đặc biệt. Do đó, số lượng ngân hàng thương mại cổ phần giảm từ trên 50 xuống còn khoảng 36 sau vài năm. Các ngân hàng thương mại Nhà nước được cải cách thông qua việc tái cơ cấu vốn và cải thiện năng lực quản trị. Cho vay theo chính sách được tách khỏi cho vay thương mại. Ngân hàng vì người nghèo được thành lập; về sau được đổi tên thành ngân hàng chính sách xã hội.

Sau khi ban hành hai luật ngân hàng năm 1997, số lượng và loại hình các tổ chức tài chính ngân hàng và phi ngân hàng đã tăng nhanh chóng. Hiện nay, nước ta có 5 ngân hàng thương mại quốc doanh, 36 ngân hàng thương mại cổ phần, 45 chi nhánh ngân hàng nước ngoài và 5 ngân hàng liên doanh... Các tổ chức tín dụng phi ngân hàng gồm 2 ngân hàng chính sách, 17 công ty tài chính, 13 công ty cho thuê tài chính, quỹ tín dụng nhân dân trung ương và 1.019 quỹ tín dụng nhân dân ở địa phương. Mặc dù có số lượng nhiều, các ngân hàng Việt Nam vẫn có quy mô nhỏ so với các ngân hàng trong khu vực.

Ngân hàng thời đổi mới có hình thức và quy mô đa dạng, điều này giúp hệ thống dịch vụ lĩnh vực này có thể bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau đáp ứng nhu cầu đa dạng của các nhóm khách hàng. Nhìn chung, các ngân hàng có sự phát triển trong mấy thập niên qua. Tuy vậy, dịch vụ tài chính ngân hàng cũng còn nhiều bất cập, đó là khuôn khổ pháp lý và quản lý chưa đồng bộ, chưa có đủ các điều kiện về quyền của người cho vay. Các quy định thận trọng, phòng ngừa rủi ro và tiêu chuẩn kế toán chưa phù hợp với tiêu chuẩn và thực tiễn quốc tế; quản trị và năng lực quản lý còn nhiều yếu kém; cơ sở hạ tầng còn nghèo nàn; hầu hết các ngân hàng Việt Nam nhỏ về vốn và quy mô tài sản... Những yếu kém, bất cập này đã cản trở năng lực cạnh tranh và hiệu quả cung cấp dịch vụ trên thị trường thế giới.

- Dịch vụ vận tải

Vận tải luôn có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm đến dịch vụ vận tải trong thời đổi mới. Điều này được phản ánh rõ trong Quyết định số 35/2009/QĐ-TTg; Thủ tướng Chính phủ đã xác định giao thông vận tải là bộ phận quan trọng cần được ưu tiên phát triển trước một bước để tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải có điều kiện phát triển mạnh. Vận tải đường bộ gồm hai loại dịch vụ: vận tải ô tô và vận tải đường sắt. Trong các dịch vụ vận tải, đường bộ là xương sống của vận tải nước ta. Nếu so sánh về năng lực vận chuyển hành khách và hàng hóa, thì đường bộ luôn chiếm ưu thế vượt trội so với các loại hình khác (chiếm 93,8% lượng hành khách và 76,5% lượng hàng hóa vào năm 2015). Có một điểm đặc biệt là thời kỳ đổi mới, cung cấp dịch vụ vận tải đường bộ hầu hết là tư nhân đảm nhiệm, dịch vụ vận tải của nhà nước chiếm tỷ trọng nhỏ. Tư nhân phát triển mạnh đã tạo ra thị trường vận tải rất cạnh tranh. Vận chuyển hành khách và hàng hóa đã tăng từ 1.349,6 triệu lượt người và 460.146,3 nghìn tấn năm 2005 lên 3.310,5 triệu lượt người và 1.146.895,7 nghìn tấn vào năm 2015 [Niên giám thống kê 2016, 640 và 652].

Hiện nay, nước ta có hệ thống đường sắt với tổng chiều dài là

3.161 km, diện tích nhà ga, kho ga là 2.029.837m2. Vận tải hành khách và hàng hóa dọc theo tuyến Bắc - Nam và các tuyến ngắn từ Hà Nội đi các tỉnh lân cận có xu hướng giảm sút do bị cạnh tranh bởi các loại hình vận tải khác. Vận chuyển hành khách và hàng hóa đường sắt năm 2005 là 12,8 triệu lượt người và 8.786,6 nghìn tấn đã giảm xuống còn 11,2 triệu lượt người và 6.707,0 nghìn tấn vào năm 2015 [Niên giám thống kê 2016, 640-652]. Về đường sắt liên vận, doanh thu lớn nhất thuộc về hai tuyến đường sắt vận chuyển hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc là Yên Viên - Đồng Đăng và Yên Viên - Lào Cai. Trong các năm 2014 đến 2016, hàng hoá liên vận quốc tế Việt - Trung tăng mạnh. Chỉ tính riêng tuyến Hà Nội - Côn Minh nếu vào năm 2014 tổng lượng hàng xuất - nhập mới đạt khoảng 14 nghìn tấn thì năm 2015 đã tăng gấp hàng chục lần lên mức 366 nghìn tấn và năm 2016 là 386 nghìn tấn.

Dịch vụ vận tải đường thủy và đường hàng không có bước phát triển mới so với trước. Hiện nước ta có 44 cảng biển, 254 bến cảng, tổng công suất thiết kế khoảng 500 triệu tấn/năm. Vận chuyển hành khách và hàng hóa đường thủy đã tăng từ 156,9 triệu lượt người và 42.051,5 nghìn tấn vào (2005) lên 163,5 triệu lượt người và 60.800 nghìn tấn vào (2015) [Niên giám thống kê 2016, 640-652]. Về hàng không, nước nước ta có 21 cảng hàng không đang khai thác; có 4 hãng hàng không tham gia cung cấp dịch vụ: Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific và Vasco; trong đó, 87% thị phần thuộc về Vietnam Airlines và Vietjet Air. Từ năm 2017, Vietnam Airlines có mạng đường bay quốc tế gồm 55 đường bay đến 29 điểm thuộc 17 quốc gia và vùng lãnh thổ; mạng đường bay nội địa gồm 41 đường bay đến 21 điểm bay trong nước. Vận chuyển hành khách và hàng hóa tăng từ 6,5 triệu lượt người và 111 nghìn tấn (2005) lên 31,1 triệu lượt người và 229,6 nghìn tấn (2015) [Niên giám

thống kê, 2016, 671].

- Dịch vụ bưu chính - viễn thông

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 205 trang tài liệu này.

Từ năm 1991 trở đi, dịch vụ bưu chính - viễn thông phát triển mạnh nhờ sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ. Trong Quyết định số 158/QĐ-TTg (ngày 18 tháng 10 năm 2001), Thủ tướng Chính phủ xác định rõ chiến lược phát triển của ngành bưu chính viễn thông Việt Nam tới năm 2010 và định hướng tới năm 2020. Sau đó, Pháp lệnh Bưu chính viễn thông được ban hành ngày 25 tháng 5 năm 2002. Hai văn bản này đã mở đường cho sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông. Về sau, một loạt hành lang pháp lý khác là các bộ luật về những lĩnh vực cụ thể liên quan đến bưu chính - viễn thông được ban hành. Đó là: Luật Tần số vô tuyến điện (năm 2009), Luật viễn thông (2009), Luật Bưu chính (năm 2011). Tiếp đến, ngày 28 tháng 8 năm 2008, Chính phủ lại ban hành Nghị định số 97/2008/NĐCP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet. Như vậy, các bộ luật, văn bản pháp quy của Nhà nước trên đây đã tạo ra hành lang pháp lý, quy định cụ thể giúp cho các lĩnh vực của bưu chính - viễn thông, Internet phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới đất nước.

Doanh thu của dịch vụ bưu chính - viễn thông tăng mạnh từ 182,2 nghìn tỷ đồng (2010) lên 367,4 nghìn tỷ đồng (2016). Tổng số thuê bao điện thoại cũng tăng nhanh từ 124,3 triệu thuê bao (2010) lên 130,2 triệu thuê bao (2016) và đạt bình quân 140 thuê bao/100 dân (2016). Số thuê bao Internet băng rộng cố định đạt 8,0 triệu thuê bao, tăng 4,9%, bình quân 8,7 thuê bao/100 dân.

Lịch sử kinh tế Việt Nam Phần 2 - 23

- Dịch vụ Logistics

Trong thời kỳ đổi mới, Việt Nam đã nghiên cứu và ứng dụng hệ thống logistics vào sản xuất, kinh doanh và lưu thông phân phối. Theo Luật Thương mại Việt Nam (2005), logistics là hoạt động thương mại do thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công đoạn trong chuỗi các hoạt động: nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan tới hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao. [Ngô Doãn Vịnh, 2013, 399]. Chức năng chính của Logistics là quản lý việc mua bán, vận chuyển, lưu kho cùng với các hoạt động về tổ chức cũng như lập kế hoạch cho các tổ chức đó. Trong đó, giao thông vận tải là một mắt xích quan trọng để mở rộng, phát triển loại hình dịch vụ này. Dịch vụ logistics ngày càng có vị trí, vai trò quan trọng trong sản xuất và đời sống. Nó làm cho quá trình lưu thông, phân phối được thông suốt, chuẩn xác và an toàn, đồng thời còn giảm được chi phí vận tải. Nhờ đó, hàng hóa được đưa đến thị trường nhanh chóng, kịp thời.

Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho biết, tốc độ phát triển của ngành logistics ở nước ta những năm gần đây là 14-16%, có quy mô khoảng 40-42 tỷ USD/năm. Dựa vào chuỗi giá trị của logistics tại Việt Nam, có thể thấy các hoạt động của chuỗi tập trung vào giao nhận, vận tải nội địa, khai thác cảng biển và cảng hàng không, lưu kho bãi, quản lý hàng hóa và vận tải quốc tế. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đang đứng thứ 64/160 nước và đứng thứ 4 trong ASEAN sau Singapore, Malaysia, Thái Lan về mức độ phát triển logistics [Báo cáo Logistics Việt Nam 2017, 71]. Mặc dù có nhiều tiềm năng, nhưng năng lực cạnh tranh của logistics Việt Nam còn hạn chế. Cơ

sở hạ tầng cả phần cứng và phần mềm cũng như công nghệ quản lý và môi trường chính sách cần được đẩy mạnh hơn nữa để bắt kịp trình độ phát triển của các nước đối tác và đối thủ cạnh tranh trong khu vực. Các doanh nghiệp logistics Việt Nam hầu hết có quy mô nhỏ và vừa, chỉ đáp ứng được các dịch vụ giao nhận, cho thuê kho bãi, làm thủ tục hải quan, gom hàng lẻ, chưa tham gia điều hành cả chuỗi logistics như các doanh nghiệp FDI.

- Dịch vụ du lịch

Nước ta có tiềm năng lớn về du lịch, lại nằm trong khu vực có hoạt động du lịch quốc tế phát triển mạnh. Để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho du lịch, Luật Du lịch được ban hành năm 2005. Luật Du lịch ra đời đã đáp ứng được yêu cầu thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng - coi trọng du lịch, hướng ngành này phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Trong thời kỳ đổi mới, hoạt động du lịch có nhiều khởi sắc và phát triển đa dạng, phong phú, chất lượng dịch vụ không ngừng được nâng lên. Doanh thu của các cơ sở lưu trú tăng mạnh từ 28.907,8 tỷ đồng (2010) lên 44.711,5 tỷ đồng (2015); doanh thu của các cơ sở lữ hành tăng mạnh từ 15.539,3 tỷ đồng (2010) lên 30.444,1 tỷ đồng (2015). Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng đông, từ hơn 5 triệu lượt người (2010) lên hơn 10 triệu lượt người (2016) [Niên giám thống kê 2016, 572 và 576]. Các doanh nghiệp lữ hành tích cực tìm kiếm thị trường mới, thiết lập mối quan hệ hợp tác với các đối tác, tích cực tham gia các chương trình xúc tiến quảng bá, các sự kiện du lịch trong và ngoài nước. Các tập đoàn lớn như Sun Group, Vingroup, FLC, Mường Thanh... tiếp tục khẳng định vị thế của mình trong việc cung cấp các tổ hợp vui chơi, giải trí, cơ sở lưu trú có quy mô lớn, đẳng cấp quốc tế, góp phần hình thành thương hiệu sản phẩm, dịch vụ du lịch Việt Nam. Tính đến hết năm 2016, số lượng doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế của Việt Nam là 1.600 doanh nghiệp.

Nhìn chung, trong thời kỳ đổi mới, du lịch nước ta đã chủ động triển khai kế hoạch xúc tiến, quảng bá, phát triển thị trường. Trong đó chú trọng thị trường khách truyền thống, hướng đến dòng khách có khả năng

chi tiêu cao; quan tâm đến thị trường khách du lịch nội địa. Đối với nước ngoài, thị trường trọng điểm được xác định là Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản (chiếm 55,16% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam). Các hoạt động hợp tác quốc tế của du lịch nước ta ngày càng đi vào chiều sâu, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á...

Tuy vậy, du lịch nước ta trong những năm đổi mới cũng gặp những khó khăn, thách thức không nhỏ. Chất lượng dịch vụ tại một số khu, điểm du lịch còn chưa đảm bảo, chưa tạo được những sản phẩm du lịch chủ lực đặc thù, có đẳng cấp. Năng lực cạnh tranh về điểm đến trong khu vực và quốc tế còn thấp, thương hiệu du lịch quốc gia chưa được khẳng định rõ nét. Nhân lực trong lĩnh vực du lịch còn hạn chế về trình độ chuyên môn. Hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ du lịch còn thiếu và yếu chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển...

Kinh tế đối ngoại

- Chính sách thương mại và thu hút đầu tư

Trong thời kỳ đổi mới, kinh tế đối ngoại là một trong những lĩnh vực được quan tâm đặc biệt. Để thúc đẩy các hoạt động của kinh tế đối ngoại phát triển đã có những chính sách, các bộ luật có nội dung tiến bộ, phù hợp liên quan đến thương mại và thu hút đầu tư được ban hành, thực thi. Đó là:

+ Chính sách thương mại quốc tế

Nhà nước đã xóa bỏ chế độ độc quyền ngoại thương. Từ năm 1988, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế được phép hoạt động xuất nhập khẩu. Việc ban hành Nghị định 57/NĐ-CP (1988) đánh dấu bước ngoặt của quá trình tự do hóa ngoại thương ở nước ta. Pháp lệnh về hợp đồng kinh tế ban hành năm 1989 đã tạo ra khuôn khổ pháp lý cho các hành vi giao dịch kinh tế trên thị trường. Bộ luật Dân sự (1995) và Luật Thương mại (1997), bổ sung sửa đổi năm 2005 được ban hành đã tạo khung khổ tương đối hoàn chỉnh cho tự do giao dịch hàng hóa trên thị trường. Nhà nước còn có những biện pháp nới lỏng về quản lý ngoại hối, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trong quá trình

thanh toán với các đối tác nước ngoài. Những rào cản phi thuế quan như chế độ hạn ngạch, đầu mối xuất nhập khẩu cũng từng bước được dỡ bỏ.

+ Chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài

Luật đầu tư nước ngoài có hiệu lực từ tháng 1 năm 1988, sau đó được sửa đổi bổ sung nhiều lần (1990, 1992, 1996, 2000, 2010 và 2014) đã tạo môi trường đầu tư thuận lợi và sân chơi bình đẳng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Theo Luật đầu tư mới (có hiệu lực từ 2016) thì các lĩnh vực được khuyến khích đầu tư ở Việt Nam bao gồm: các ngành công nghệ cao; các ngành có hàm lượng lao động cao; các dự án về cơ sở hạ tầng; các dịch vụ có khả năng thu ngoại tệ; các dự án đầu tư ở vùng sâu, vùng xa; các dự án bảo vệ môi trường và xử lý chất thải.

- Thành tựu kinh tế đối ngoại

Các chính sách và các bộ luật đã phát huy tác dụng tích cực, thúc đẩy kinh tế đối ngoại phát triển, thu được thành tựu to lớn. Cụ thể là:

+ Về quan hệ kinh tế đối ngoại

Sau nhiều năm bị bao vây, cấm vận, ngày 11 tháng 7 năm 1995, Mỹ tuyên bố bình thường hóa và thiết lập quan hệ kinh tế với Việt Nam. Ngày 17 tháng 7 năm 1995, nước ta và Liên minh châu Âu đã ký Hiệp định chung về hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học - kỹ thuật. Ngày 28 tháng 7 năm 1995, Việt Nam gia nhập ASEAN1 và năm 1998 thì tham gia Diễn đàn kinh tế các nước châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Đặc biệt, vào tháng 7 năm 2000, nước ta đã ký Hiệp định thương mại với 61 nước, trong đó có Mỹ, đưa tổng số nước và vùng lãnh thổ có quan hệ thương mại với Việt Nam là 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngày 11 tháng 1 năm 2007, nước ta chính thức trở thành thành viên của WTO2.

Hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, sau đó được nâng lên một tầm cao hơn thông qua việc tham gia ký kết các hiệp định kinh tế đa phương và song phương.



1 ASEAN (Association of Southeast Asian Nations): Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.

2 WTO (The World Trade Organization): Tổ chức Thương mại Thế giới.

Thực hiện chủ trương, chính sách lớn của Đảng về hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã trở thành thành viên của nhiều Hiệp định thương mại và đang tham gia đàm phán một số hiệp định thương mại quan trọng khác. Tính hết năm 2016, Việt Nam đã ký kết và thực thi 10 Hiệp định Thương mại Tự do (FTA1).

+ Kim ngạch xuất nhập khẩu

Đã tăng lên không ngừng trong thời kỳ này. Cụ thể là: năm 1986, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 2.944 triệu USD, trong đó xuất khẩu là 789 triệu USD và nhập khẩu là 2.155 triệu USD. Đến năm 2005, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 69.208 triệu USD, trong đó xuất khẩu đạt hơn

32.447 triệu USD. Trong 5 năm 2011-2015, tổng mức lưu chuyển ngoại thương hàng hóa, dịch vụ đạt 1.441,2 tỷ USD, gấp gần 2,1 lần giai đoạn 2006-2010, trong đó xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ đạt 707,0 tỷ USD, gấp 2,3 lần; nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ đạt 734,2 tỷ USD, gấp 1,9 lần. Tổng mức lưu chuyển ngoại thương trong 5 năm (2011-2015) đạt 1.321,7 tỷ USD, gấp 2,1 lần giai đoạn 2006-2010. Trong đó tổng mức lưu chuyển ngoại thương dịch vụ là 119,5 tỷ USD, gấp 1,7 lần. Tính chung 5 năm 2011-2015, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ/GDP đạt 84,4%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ/GDP đạt 83%.

Việc tăng kim ngạch xuất khẩu có ý nghĩa to lớn trong việc tạo ra nguồn ngoại tệ để phục vụ cho các nhu cầu đầu tư phát triển. Mặt hàng xuất khẩu đa dạng và chất lượng hàng hóa được chú ý nâng cao theo yêu cầu của từng thị trường nhập khẩu. Thị trường xuất khẩu đã có những chuyển dịch theo hướng đa dạng và định hình rõ thị trường trọng điểm. Việt Nam đã có một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dầu thô, than đá, gạo, dệt may, giày dép, thủy sản, cao su, cà phê với số lượng lớn và chất lượng ngày càng tăng.

+ Thu hút vốn đầu tư nước ngoài

Từ khi Luật đầu tư nước ngoài có hiệu lực (1987) đến nay, Việt Nam đã thu hút được khối lượng lớn FDI2. Trong 3 năm 1988-1990, kết quả


1 FTA (Free Trade Agreement): Hiệp định Thương mại Tự do.

2 FDI (Foreign Direct Investment): Đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Xem tất cả 205 trang.

Ngày đăng: 16/09/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí