Lịch sử kinh tế Việt Nam Phần 1 - 2


Chương 1

ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU CỦA MÔN LỊCH SỬ KINH TẾ VIỆT NAM


1.1. ĐỐI TƯỢNG VÀ NHIỆM VỤ CỦA MÔN HỌC

1.1.1. Đối tượng nghiên cứu

Tuỳ vào đặc điểm riêng ở mỗi nước mà người ta có những quan niệm khác nhau về việc xác định đối tượng nghiên cứu của môn lịch sử kinh tế của nước mình. Ở Việt Nam, tại Hội nghị Sử học năm 1959, dựa trên cơ sở phương pháp luận duy vật biện chứng về sự phát triển lịch sử xã hội, có tham khảo các cuộc tranh luận xung quanh việc xác định đối tượng nghiên cứu của lịch sử kinh tế trên thế giới, giới sử học nước ta đã xác định đối tượng nghiên cứu cơ bản của khoa học Lịch sử kinh tế

Việt Nam là1:

1) Nghiên cứu quá trình phát triển tổng thể của những lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất chi phối mỗi giai đoạn phát triển của lịch sử Việt Nam nói chung, lịch sử kinh tế Việt Nam nói riêng.

2) Nghiên cứu sự phát triển tổng quát các yếu tố cấu thành sức sản xuất xã hội ở mỗi giai đoạn lịch sử tương ứng với sự xuất hiện, phát triển của các quan hệ sản xuất trong xã hội đó, ở giai đoạn lịch sử đó.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 151 trang tài liệu này.

3) Nghiên cứu một phần, một số yếu tố của kiến trúc thượng tầng, khi các yếu tố đó có tác dụng trực tiếp đến sự phát triển nền kinh tế của nước đó, xã hội đó như hệ tư tưởng xã hội có liên quan về kinh tế, hay tư duy kinh tế, cơ chế kinh tế, bộ máy quản lý kinh tế, v.v...

Tham khảo quan điểm trên, kết hợp với một số tài liệu khác2, giáo trình này xác định lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất cùng với một

Lịch sử kinh tế Việt Nam Phần 1 - 2


1 Dẫn theo Lê Quốc Sử (1998), Một số vấn đề về lịch sử kinh tế Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội. tr. 9-10.

2 "Giáo trình Lịch sử kinh tế" của Trường Đại học kinh tế quốc dân (Chủ biên: Nguyễn Trí Dĩnh, Phạm Huy Vinh, Trần Khánh Hưng, 2013), "Lịch sử kinh tế Việt Nam" (Chủ biên: Nguyễn Ngọc Thanh, 2013) và "Lịch sử kinh tế Việt Nam" (Võ Văn Sen, 2017).

bộ phận của kiến trúc thượng tầng có tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế trong các thời kỳ lịch sử nước ta là đối tượng nghiên cứu của Lịch sử kinh tế Việt Nam.

Theo lý luận Mác-xít về hình thái kinh tế - xã hội, lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất kết hợp với nhau tạo thành phương thức sản xuất xã hội. Vì thế, cũng có thể nói theo cách khác, Lịch sử kinh tế Việt Nam có đối tượng nghiên cứu là các phương thức sản xuất trong lịch sử nước ta cùng với một bộ phận kiến trúc thượng tầng (tư tưởng, chính sách, chủ trương, đường lối...) có tác động trực tiếp đến phương thức sản xuất trong mỗi thời kỳ cụ thể.

Lịch sử kinh tế Việt Nam xác định nghiên cứu đối tượng thông qua lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất là cách tiếp cận hợp lý, khoa học và đi vào bản chất của kinh tế. Theo cách tiếp cận này, nghiên cứu lực lượng sản xuất giúp ta nhận biết rõ về trình độ phát triển của nền kinh tế. Sự phát triển của một nền kinh tế biểu hiện ở nhiều khía cạnh nhưng trực diện và rõ nét nhất là trong sự phát triển của lực lượng sản xuất. Lý luận Mác-xít chỉ ra rằng trong một phương thức sản xuất, lực lượng sản xuất là yếu tố nói lên trình độ phát triển của nền kinh tế, đồng thời nó cũng là tiêu chí để phân biệt sự khác nhau giữa các thời đại lịch sử. Do đó, việc nghiên cứu lực lượng sản xuất là để một mặt làm rõ bản thân sự phát triển của lực lượng sản xuất, mặt khác làm rõ ý nghĩa kinh tế - xã hội của lực lượng sản xuất. Lý luận kinh tế chính trị học Mác-xít còn khẳng định trong một phương thức sản xuất, lực lượng sản xuất phát triển nhanh hay chậm phụ thuộc rất nhiều vào quan hệ sản xuất có phù hợp với lực lượng sản xuất hay không. Nếu hai yếu tố này có mối quan hệ phù hợp, lực lượng sản xuất có điều kiện phát triển. Ngược lại quan hệ sản xuất sẽ cản trở, kìm hãm lực lượng sản xuất phát triển. Bên cạnh lực lượng sản xuất, Lịch sử kinh tế Việt Nam cần phải quan tâm nghiên cứu sự phát triển của quan hệ sản xuất bởi quan hệ sản xuất là cơ sở kinh tế của một hình thái kinh tế - xã hội, nó biểu hiện tính chất xã hội của một nền kinh tế. Đồng thời quan hệ sản xuất còn là tiêu chí để phân biệt sự khác nhau giữa các hình thái kinh tế - xã hội trong lịch sử. Khi quan hệ sản xuất thay đổi xã hội cũng biến đổi từ hình thái kinh tế - xã hội này sang hình thái kinh tế -

xã hội khác. Nghiên cứu sự biến đổi, phát triển của quan hệ sản xuất chính là để làm rõ vai trò của quan hệ sản xuất đối với sự biến đổi, phát triển của lực lượng sản xuất theo hướng tích cực (mở đường) hay tiêu cực (kìm hãm) của nền kinh tế.

Tuy vậy, có điều cần lưu ý là trong một giai đoạn lịch sử thường tồn tại nhiều phương thức sản xuất khác nhau, do đó có những quan hệ sản xuất khác nhau cùng tác động đến lực lượng sản xuất. Vì thế trong nghiên cứu cần phải xác định rõ quan hệ sản xuất nào đóng vai trò chủ đạo, có tác động tích cực đối với sự phát triển của lực lượng sản xuất. Bên cạnh phải quan tâm đến cả ba mặt của quan hệ sản xuất, đó là: quan hệ sở hữu, quan hệ tổ chức quản lý quan hệ phân phối. Trên thực tế, mỗi một sự thay đổi về quan hệ sở hữu có thể dẫn đến sự thay đổi về quan hệ tổ chức quản lý và quan hệ phân phối, đồng thời tác động đến sự biến đổi của lực lượng sản xuất và đối với toàn bộ nền kinh tế.

Nền kinh tế ngoài sự chi phối của lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất còn chịu tác động, ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác là môi trường, điều kiện tự nhiên và các tác nhân xã hội. Vì thế, để làm rõ sự phát triển kinh tế thì bên cạnh việc nghiên cứu lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất cũng cần quan tâm đến tác động, ảnh hưởng của những yếu tố khác như môi trường, điều kiện tự nhiên, đặc biệt là một số yếu tố thuộc kiến trúc thượng tầng có tác động trực tiếp đến kinh tế như tư tưởng, đường lối, chính sách, thể chế kinh tế, v.v...

Lịch sử kinh tế Việt Nam có mối quan hệ chặt chẽ với một số môn khoa học khác là Lịch sử Việt Nam (thông sử), Địa lý kinh tế Việt Nam, Kinh tế Việt Nam... nhưng các môn khoa học này có đối tượng nghiên cứu riêng. Chẳng hạn, môn Lịch sử Việt Nam có đối tượng nghiên cứu là toàn bộ các mặt của đời sống xã hội theo tiến trình lịch sử, còn Lịch sử kinh tế Việt Nam chỉ đi sâu nghiên cứu về mặt kinh tế. Do đó, mối quan hệ giữa Lịch sử kinh tế Việt Nam và Lịch sử Việt Nam là mối quan hệ giữa cái riêng với cái chung. Tương tự, Lịch sử kinh tế Việt Nam với môn Kinh tế Việt Nam cùng nghiên cứu kinh tế Việt Nam nhưng phạm vi giới hạn về thời gian là khác nhau. Kinh tế Việt Nam chỉ tập trung nghiên cứu nền kinh tế nước ta trong thời kỳ đổi mới (từ 1986 đến nay)

thì Lịch sử kinh tế Việt Nam nghiên cứu quá trình kinh tế nước ta từ nguồn gốc đến hiện tại.

1.1.2. Nhiệm vụ nghiên cứu

Mỗi môn khoa học khi hình thành, tồn tại và phát triển đều có chức năng, nhiệm vụ cụ thể. Lịch sử kinh tế Việt Nam có các nhiệm vụ sau:

- Một là: Phản ánh sự phát triển kinh tế trong các thời kỳ lịch sử nước ta một cách khách quan, khoa học. Dựa vào nguồn tài liệu (sử liệu) đã thu thập và xử lý, chọn lọc, Lịch sử kinh tế Việt Nam sẽ phục dựng (hay phác họa) lại bức tranh kinh tế nước ta qua các thời kỳ cụ thể.

- Hai là: Chỉ ra những đặc điểm, quy luật kinh tế (đặc thù) của các thời kỳ lịch sử và dự báo xu hướng phát triển kinh tế trong tương lai. Việc rút ra những đặc điểm, những quy luật kinh tế từ mỗi thời kỳ giúp ta nhận thức sâu sắc hơn về các sự kiện, hiện tượng, quá trình kinh tế đất nước.

- Ba là: Rút ra những kinh nghiệm của mỗi thời kỳ để góp phần vào xây dựng, phát triển kinh tế đất nước trong hiện tại và tương lai. Thế mạnh của khoa học lịch sử nói chung, của Lịch sử kinh tế nói riêng là có thể rút ra những bài học, những kinh nghiệm (từ thành công và từ thất bại) giúp ích cho xây dựng, quản lý, phát triển kinh tế hiện tại và tương lai tốt hơn.

1.2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

1.2.1. Phương pháp luận

Phương pháp luận là học thuyết về phương pháp được sử dụng trong các môn khoa học cụ thể. Nó là một bộ phận không thể thiếu trong nhận thức khoa học của con người. Khi có phương pháp luận đúng, hoạt động nghiên cứu sẽ đem lại tác dụng thiết thực đối với hoạt động thực tiễn.

Để nghiên cứu và lý giải được các sự kiện, hiện tượng, quá trình kinh tế trong tiến trình lịch sử nước ta một cách khoa học môn học này dựa vào hệ thống lý luận Mác-Lênin. Trong đó, các nguyên lý, phạm trù, quy luật của chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử,

kinh tế chính trị học Mác-Lênin là cơ sở lý luận chung, là bộ khung lý thuyết để môn học tiếp cận đối tượng và hình thành các phương pháp nghiên cứu cụ thể về đối tượng của mình.

Trong các quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, quan điểm duy vật biện chứng đòi hỏi phải xem xét các sự kiện, hiện tượng, quá trình kinh tế trong mối liên hệ phụ thuộc lẫn nhau, có phủ định và kế thừa nhau trong sự vận động, phát triển không ngừng. Vì thế, khi vận dụng quan điểm này vào nghiên cứu kinh tế Việt Nam qua các thời kỳ cần quan tâm đến không chỉ các sự kiện, hiện tượng kinh tế riêng biệt, mà còn phải chú ý xem xét, phân tích, đánh giá các sự kiện, hiện tượng đó trong mối liên hệ phổ biến giữa chúng với nhau. Nếu làm ngược lại thì dễ dẫn đến những kết luận chủ quan, không thấy được tác động tích cực và xu hướng vận động chung của nền kinh tế. Trong đó có những nhân tố mang tính quyết định, phản ánh đặc trưng và xu hướng phát triển kinh tế. Một quan điểm cơ bản và quan trọng khác của chủ nghĩa Mác- Lênin là quan điểm duy vật lịch sử. Quan điểm duy vật và kinh tế chính trị học Mác-Lênin khẳng định: Cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng tầng và ngược lại kiến trúc thượng tầng có tác động đối với cơ sở hạ tầng. Quan hệ sản xuất phải phù hợp với lực lượng sản xuất về tính chất và trình độ, v.v... Các quan điểm, nguyên lý, quy luật này đóng vai trò cơ sở phương pháp luận quan trọng của khoa học Lịch sử kinh tế Việt Nam.

Bên cạnh lý luận Mác-Lênin, các lý thuyết về kinh tế học khác của nhân loại cùng với đường lối, chủ trương, chính sách kinh tế của Đảng, Nhà nước ta thời hiện đại cũng là cơ sở phương pháp luận để Lịch sử kinh tế Việt Nam tiếp cận đối tượng, hình thành những phương pháp nghiên cứu cụ thể.

1.2.2. Phương pháp cụ thể

Do sự phát triển của khoa học và yêu cầu của thực tiễn, các bộ môn khoa học ngày nay thường theo quan điểm tiếp cận liên ngành. Bên cạnh các phương pháp riêng của bộ môn, nhiều phương pháp của các bộ môn khác cũng được sử dụng phối kết hợp trong quá trình nghiên cứu.

Trong nghiên cứu đối tượng của mình, khoa học Lịch sử kinh tế Việt Nam sử dụng phối kết hợp nhiều phương pháp của các bộ môn khoa học khác nhau. Đó là: phương pháp lịch sử, phương pháp lôgic, phương pháp thống kê, phương pháp toán kinh tế, các phương pháp khảo cổ học, dân tộc học, sinh thái học, địa lý học, v.v... Trong những phương pháp trên thì phương pháp lịch sử - lôgic có vai trò quan trọng hàng đầu. Trong đó, phương pháp lịch sử là phương pháp nghiên cứu các sự kiện, hiện tượng kinh tế theo thời gian, gắn với điều kiện, bối cảnh cụ thể. Đây là phương pháp quan trọng nhất đối với Lịch sử kinh tế Việt Nam. Bởi phương pháp này giúp môn học thực hiện được chức năng nhiệm vụ của mình là phản ánh sự phát triển kinh tế nước ta qua các chặng đường cụ thể.

Phương pháp lôgic là một trong những phương pháp của triết học được nhiều bộ môn khoa học sử dụng. Phương pháp này đòi hỏi khi nghiên cứu phải bỏ qua các sự kiện, hiện tượng ngẫu nhiên để đi sâu vào bản chất của các sự kiện, hiện tượng, quá trình kinh tế. Từ đó khái quát đặc điểm, xu hướng, mô hình và quy luật phát triển của nền kinh tế trong lịch sử. Phương pháp lịch sử và phương pháp lôgic được khoa học Lịch sử kinh tế Việt Nam sử dụng phối kết hợp chặt chẽ; chúng hỗ trợ, bổ sung cho nhau trong quá trình nghiên cứu.

Trong nghiên cứu các vấn đề kinh tế Việt Nam theo tiếp cận lịch sử, phương pháp phân kỳ đóng một vai trò quan trọng. Phân kỳ lịch sử là việc chia một quá trình lịch sử thành các thời kỳ, giai đoạn. Theo đó, quá trình kinh tế Việt Nam được chia thành những thời kỳ, giai đoạn khác nhau. Việc phân chia như vậy giúp hoạt động nghiên cứu đi sâu vào mỗi thời kỳ, giai đoạn cụ thể. Từ đó mới có thể tìm ra được những đặc điểm, đặc trưng và phát hiện các quy luật kinh tế (đặc thù) trong mỗi thời kỳ, giai đoạn cụ thể của nền kinh tế.


1.3. VAI TRÒ, Ý NGHĨA CỦA MÔN HỌC

Nói chung, các khoa học thuộc phạm trù sử học (trong đó có khoa học Lịch sử kinh tế Việt Nam) đều có vai trò quan trọng. Bởi theo nhà sử học Pháp (Norman Davies) thì "Không một người trưởng thành có học vấn nào có thể hy vọng hoạt động một cách hữu hiệu nếu không biết một

số điều cơ bản về những nguồn gốc của các vấn đề đương đại"1, tức nhìn vấn đề dưới góc nhìn lịch sử. C. Mác, Ph. Ăgghen ngay từ thế kỷ XIX đã đánh giá rất cao vai trò của khoa học lịch sử. Các ông đã từng nhấn mạnh tầm quan trọng của sử học qua câu nói: "Chúng ta chỉ biết một khoa học duy nhất, khoa học lịch sử"2.

Hiện nay để xây dựng, phát triển nền kinh tế hiện đại, chúng ta không thể xem nhẹ việc học tập, nghiên cứu đối với quá khứ kinh tế của dân tộc. Theo đó môn Lịch sử kinh tế Việt Nam có vai trò, ý nghĩa quan trọng đối với người học. Môn học này có vai trò quan trọng bởi nó góp phần vào:

- Cung cấp kiến thức cơ sở, giúp người học tiếp thu và vận dụng kiến thức chuyên ngành tốt hơn trong hoạt động thực tiễn

Chương trình đào tạo của sinh viên kinh tế được thiết kế trên hai nền tảng kiến thức: đại cương và chuyên ngành. Lịch sử kinh tế Việt Nam là một trong những môn học thuộc giai đoạn đại cương. Nó cùng với nhiều môn học khác tạo nền tảng kiến thức đại cương cho người học. Theo đó, Lịch sử kinh tế Việt Nam góp phần "tạo nền", giúp người học tiếp thu và vận dụng tốt hơn kiến thức chuyên ngành trong hoạt động thực tiễn.

- Bồi dưỡng, nâng cao quan điểm lịch sử cho người học

Trong học tập, công tác và trong cuộc sống, đây là quan điểm có vai trò quan trọng đối với người học. Quan điểm lịch sử (Mác-xít) yêu cầu phải xem xét các sự vật, hiện tượng trong sự hình thành, phát triển và trong mối liên hệ với những điều kiện lịch sử cụ thể. Lịch sử kinh tế Việt Nam luôn quán triệt, vận dụng quan điểm lịch sử để nhận thức và trình bày những vấn đề liên quan đến đối tượng của mình. Vì thế, qua học tập, nghiên cứu môn học này, sinh viên sẽ có điều kiện hình thành, phát triển quan điểm lịch sử cho bản thân, giúp họ nhận thức và hành động đúng đắn, hiệu quả hơn trong cuộc sống.


1 Norman Davies (2012), Lịch sử châu Âu, Nxb. Từ điển bách khoa, 2012, tr.12.

2 C. Mác, Ph. Ăngghen (1995), Toàn tập, tập 3, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.25.

- Nâng cao khả năng tư duy, năng lực công tác chuyên môn trong các lĩnh vực kinh tế, quản lý, quản trị kinh doanh

Lịch sử kinh tế Việt Nam cung cấp cho sinh viên những tri thức khái quát về tình hình, đặc điểm, quy luật vận động kinh tế nước ta theo tiến trình lịch sử, giúp họ nâng cao khả năng tư duy, năng lực công tác chuyên môn của mình trong các lĩnh vực kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh. Sinh viên là những người chủ của đất nước trong tương lai. Nếu được đào tạo tốt về chuyên môn, trong đó có Lịch sử kinh tế Việt Nam, họ sẽ là lực lượng quan trọng góp phần đưa đất nước tiến lên theo định hướng "dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh".


Tài liệu tham khảo

[01] C. Mác, Ph. Ăngghen (1995), Toàn tập, tập 3, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

[02] Phạm Văn Chiến (2007), "Bàn thêm về đối tượng của Lịch sử kinh tế, Lịch sử kinh tế Việt Nam", Tạp chí Khoa học, Đại học Quốc gia Hà Nội, Kinh tế - Luật, số 23, tr. 96-102.

[03] Nguyễn Trí Dĩnh & cộng sự (2013), Giáo trình lịch sử kinh tế, Nxb. Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội.

[04] Hội đồng Trung ương chỉ đạo biên soạn giáo trình quốc gia các bộ bộ môn khoa học Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh (1999), Giáo trình triết học Mác - Lênin, Hà Nội.

[05] Phan Ngọc Liên (Chủ biên, 2007), Phương pháp luận sử học, Nxb. Đại học Sư phạm Hà Nội.

[06] Norman Davies (2012), Lịch sử châu Âu, Nxb. Từ điển Bách khoa.

[07] Lê Quốc Sử (1998), Một số vấn đề về Lịch sử kinh tế Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

[08] Võ Văn Sen (2017), Lịch sử kinh tế Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 16/09/2023