thông báo thường xuyên hàng tháng cho các cấp chính quyền từ tỉnh tới xã, nếu ở đâu mức tiêu thụ rượu quá thấp so với khả năng thì chính quyền địa phương cần có biện pháp hỗ trợ. Từ đó hình thành việc bán rượu bằng cách phân phối số lượng theo từng đơn vị hành chính, xuống tới cấp xã. Với cách làm này, ở Việt Nam, nhất là ở Bắc kỳ, tính trung bình mỗi người dân vào thập niên 1930 phải tiêu thụ khoảng 3 lít rượu, cũng có nghĩa phải chịu số thuế tiêu thụ rượu là 0đ36. Với thuốc phiện, theo sắc lệnh ngày 7 tháng 2 năm 1899, nhà nước thực dân đã thiết lập chế độ độc quyền về nhập, chế biến và bán thuốc phiện trên toàn cõi Đông Dương. Đây là mặt hàng xa xỉ; chỉ tầng lớp quan lại và những người có quyền, có tiền mới mua được thuốc phiện. Bên cạnh mục đích thu thuế, thực dân Pháp thông qua bán loại hàng này để kiểm soát, điều khiển, biến những người này thành tay sai đắc lực cho họ.
+ Thuế quan: đây là loại thuế chiếm khoảng 30% tổng số thu về thuế trong ngân sách Đông Dương. Thuế quan chủ yếu thu từ xuất nhập khẩu; trong đó thuế nhập khẩu quan trọng hơn thuế xuất khẩu. Thực dân Pháp thực hiện chính sách "đồng hóa thuế quan", nên các sản phẩm của chính quốc nhập vào Đông Dương được miễn thuế, các sản phẩm của Đông Dương (chủ yếu là thực phẩm) xuất sang Pháp cũng được miễn thuế. Trong khi đó hàng hóa của tất cả các nước trên thế giới nhập vào Đông Dương bị đánh thuế rất nặng. Chính sách "Đồng hóa thuế quan" đã biến Việt Nam thành thị trường độc quyền của thực dân Pháp và trở thành nguồn thu quan trọng của ngân sách Đông Dương.
Thời kỳ này, ngoài thuế gián thu và thuế quan, còn có một số loại thu khác cho ngân sách Đông Dương được gọi là thuế. Đó là: thuế đăng ký sử dụng đất đai, thuế thừa kế tài sản, thuế công chứng các giấy tờ có liên quan đến pháp luật của người Pháp, thuế tem trong các loại dịch vụ bưu điện... Các loại thuế này được quy định và có sự thay đổi theo từng thời kỳ. Đây là khoản thu không đáng kể trong ngân sách Đông Dương.
- Thu thuế cho ngân sách địa phương
Thuế thu cho ngân sách địa phương bao gồm hai loại thuế trực thu là thuế đinh và thuế điền. Trong đó:
+ Thuế đinh (hay thuế thân, sưu) là loại thuế đánh vào mọi đàn ông từ 18 tuổi đến 60 tuổi. Thời Nguyễn loại thuế này chỉ đánh vào "nội đinh", tức những người có ít nhiều tài sản, có khả năng đóng thuế, do đó được hưởng những quyền lợi như được chia ruộng đất công, được tham gia các chức vụ chính quyền ở xã hay ngoài phạm vi xã... Những người "ngoại đinh" thì không được hưởng những quyền lợi nói trên, được miễn thuế thân. Dưới thời Pháp cai trị, thuế thân tăng vọt. Thực dân Pháp đánh thuế không phân biệt nội đinh hay ngoại đinh mà cứ chiểu theo suất đinh, đến từng cá nhân. Mức đóng thuế cũng tăng lên nhiều so với thời nhà Nguyễn. Ở Nam kỳ, thời Pháp thuộc, số người đóng thuế thân tăng lên gấp ba lần, còn mức thuế cũng tăng lên bảy lần so với trước. Còn ở Bắc kỳ, mức thuế thân tăng từ 20 đến 40 lần tùy theo từng hạng nông dân [Viện sử học, 1990, 101].
+ Thuế điền (thuế ruộng): Dưới thời nhà Nguyễn đánh thuế hầu hết các loại ruộng đất trừ đất công cộng, đất ban thưởng cho gia đình quan lại, đất đình chùa và ruộng đất thờ tự. Cho đến trước năm 1897, thực dân Pháp vẫn thu thuế ruộng đất theo cách cũ của nhà Nguyễn. Nhưng từ năm 1897 trở đi, sắc lệnh ngày 2 tháng 6 năm 1897 đã ấn định lại thể lệ đánh thuế ruộng đất (tương đối thống nhất) trong cả ba kỳ. Thực dân Pháp luôn tìm mọi cách nhằm thu được thuế ruộng đất nhiều nhất nên loại thuế này tăng vọt so với thời Nguyễn.
• Về chi ngân sách
Nhìn chung, trong cơ cấu chi ngân sách, thực dân Pháp chủ yếu chi cho quân sự và bộ máy thống trị. Trong thời kỳ bình định Việt Nam, thực dân Pháp đã chi 97% ngân sách cho quân sự và bộ máy thống trị, chỉ dành ra 3% ngân sách cho công chính phục vụ sản xuất.
Sau khi thành lập ngân sách Đông Dương, ngoài các khoản chi như trên, Pháp đã đưa thêm hai khoản chi mới là nộp vào quỹ nước Pháp và trả nợ bên Pháp (Pháp gọi là khoản đóng góp cho chi phí của chính quốc và cơ quan vay nợ). Ở khoản thứ nhất, nhân dân ta phải đóng góp giống như cống nộp đời xưa cho công quỹ nước Pháp. Ở khoản thứ hai, do tư bản tư nhân Pháp bỏ vốn cho Chính phủ Đông Dương vay tiền làm các
công trình xây dựng, nên hàng năm ngân sách Đông Dương phải trả từng phần cả vốn và lãi cho tư bản Pháp.
Bảng 3.2. Cơ cấu các khoản chi của ngân sách Đông Dương (1931-1938)
(Đơn vị: %)
1931 | 1935 | 1938 | |
- Cơ quan vay nợ | 3,5 | 26,7 | 19,2 |
- Đóng góp cho chi phí của Chính phủ | 12,2 | 7,0 | 5,1 |
- Hành chính quản lý | 57,0 | 47,6 | 48,0 |
- Công trình công cộng | 15,9 | 7,6 | 12,2 |
- Trợ cấp cho ngân sách địa phương | 11,4 | 11,1 | 15,5 |
Tổng cộng | 100,0 | 100,0 | 100,0 |
Có thể bạn quan tâm!
- Bối Cảnh Lịch Sử Và Chính Sách Kinh Tế
- Diễn Biến Của Hoạt Động Lúa Gạo Ở Đông Dương
- Lịch sử kinh tế Việt Nam Phần 1 - 15
- Lịch sử kinh tế Việt Nam Phần 1 - 17
- Lịch sử kinh tế Việt Nam Phần 1 - 18
Xem toàn bộ 151 trang tài liệu này.
Nguồn: [Viện Nghiên cứu tài chính, 2001, 152]
Bảng số liệu 3.2 cho thấy, phần lớn các khoản thu ngân sách (khoảng 50%) được thực dân Pháp dùng để chi cho bộ máy quản lý hành chính. Một phần đáng kể, chiếm khoảng 10% để đóng góp cho chính quốc, gần 10% để trả cho cơ quan vay nợ. Chi phí về công trình công cộng phục vụ phát triển kinh tế được dành phần rất ít, thường chiếm trên dưới 10%.
b. Tiền tệ
Trước năm 1875, nước ta có nhiều loại tiền cùng tham gia lưu thông, đó là: tiền đồng, tiền kẽm của nhà Nguyễn, bên cạnh tiền của các nước: Mexico, Anh, Mỹ... Đến ngày 21 tháng 1 năm 1875, Tổng thống Pháp có sắc lệnh thành lập Ngân hàng Đông Dương, trụ sở chính đặt tại Paris và giao cho Ngân hàng này độc quyền phát hành tiền mới lưu hành ở Đông Dương. Ngân hàng Đông Dương là một tổ chức ngân hàng dành cho các hoạt động kinh tế, tài chính của nhiều thuộc địa Pháp, đặc biệt là thuộc địa ở Đông Dương. Ngân hàng này vừa phát hành, chiết khấu, cho vay, vừa cung cấp vốn, vừa đầu tư tài chính, đồng thời là cơ quan phát hành trái phiếu của Nhà nước và của
các hội tư nhân... Như vậy, ngoài chức năng phát hành tiền, Ngân hàng Đông Dương còn thực hiện kinh doanh tiền tệ, cho vay lãi. Trong suốt thời gian hoạt động của mình, Ngân hàng Đông Dương đã thu được những khoản lợi nhuận lớn từ các hoạt động đầu tư vốn vào các ngành đem lại lợi nhuận cao cho tư bản Pháp như khai thác mỏ, trồng cao su, xuất khẩu gạo...
Sau khi phát hành tiền, ngân hàng Đông Dương tiến hành thu dần các đồng tiền khác, không cho lưu hành nữa (trừ tiền đồng và tiền kẽm của triều Nguyễn). Từ đây đồng bạc Đông Dương ngày càng chiếm lĩnh trong lưu thông. Lúc đầu, tiền Đông Dương được phát hành theo bản vị bạc, cứ 100 đồng bạc Đông Dương bằng bạc thật thì phát hành 300 đồng bạc bằng giấy tương ứng. Đến ngày 31 tháng 5 năm 1930, Toàn quyền Đông Dương ra sắc lệnh, quy định mỗi đồng bạc Đông Dương có mệnh giá tương đương 655 mg vàng, tương đương với 10 phơrăng của Pháp. Bên cạnh đó, Ngân hàng Đông Dương cũng cam kết đổi bạc giấy của mình ra vàng với một mức quy định tối thiểu. Tuy vậy, trong những năm 1931 đến năm 1936, tiền Đông Dương vẫn bấp bênh và vốn đầu tư của chính quốc vào Đông Dương ngày càng giảm sút. Để cải thiện tình hình, ngày 2 tháng 10 năm 1936, Tổng thống Pháp ra sắc lệnh quy định Ngân hàng Đông Dương phải đảm bảo việc đổi đồng bạc Đông Dương ra đồng phơrăng, theo tỷ lệ mỗi đồng bạc Đông Dương tương đương 10 phơrăng. Cũng từ đây đồng bạc Đông Dương không còn được đảm bảo bằng bạc hay vàng nữa mà dựa hẳn vào đồng phơrăng của Pháp. Chính sách này giúp cho tư bản Pháp nhanh chóng chiếm quyền kinh doanh trên thị trường tài chính tiền tệ, đầu cơ thu lợi nhuận lớn và làm cho nền kinh tế Việt Nam ngày càng phụ thuộc sâu sắc vào nền kinh tế Pháp.
Để cạnh tranh với tư bản Hoa Kiều, Ấn Kiều, địa chủ Việt Nam, ngoài Ngân hàng Đông Dương, thực dân Pháp còn lập ra nhiều tổ chức kinh doanh tiền tệ khác như: Ngân hàng Nông phố, Ngân hàng Pháp - Hoa, Ngân hàng kỹ nghệ và thương mại, Hội vạn quốc tiết kiệm, các hiệu cầm đồ... Trong đó đáng chú ý nhất là Ngân hàng Nông
phố. Ngân hàng này được thành lập năm 1913 ở Nam Bộ, đến năm 1927 thì mở rộng ra Bắc Bộ và Trung Bộ.
3.1.2.5. Thương mại
Thực dân Pháp đã bảo vệ thị trường của mình ở Đông Dương bằng hàng rào thuế quan. Từ năm 1887, thực dân Pháp thi hành chính sách "Đồng hóa thuế quan", quy định hàng Pháp nhập khẩu vào Đông Dương được hoàn toàn miễn thuế, còn hàng hóa nước khác phải đóng thuế từ 25% đến 130% giá trị hàng hóa. Như vậy, hàng hóa Pháp được tự do tràn vào Việt Nam, và nước ta trở thành thị trường hàng hóa gần như độc chiếm của Pháp.
a. Nội thương
Chính quyền thuộc địa Pháp ở Việt Nam có chính sách "khuyến khích" người dân bản xứ bằng những phần thưởng dành cho những thương nhân mở rộng được quan hệ buôn bán, thiết lập được nhiều cơ sở đại lý, phát triển được ngành giao thông đường thủy. Việc thực thi chính sách này đã tạo cơ hội cho sự phát triển của nội thương, người bản xứ được tham gia vào các hoạt động buôn bán, trao đổi ở những mức độ khác nhau.
Thời kỳ này hệ thống chợ (bao gồm chợ làng, chợ huyện, chợ tỉnh) tiếp tục phát triển. Đầu thế kỷ XX nước ta có những chợ lớn, nổi tiếng như chợ Bến Thành (Sài Gòn), chợ Đồng Xuân (Hà Nội), chợ Đông Ba (Huế),... Bên cạnh đó có sự mở rộng giao lưu buôn bán giữa các vùng miền với những phương tiện vận tải ngày càng phong phú như tàu hỏa, tàu thuyền, các loại xe cộ. Tuy vậy, các hoạt động buôn bán trong nước chủ yếu do người nước ngoài nắm. Thực dân Pháp độc quyền kinh doanh muối, rượu, thuốc phiện. Tư bản Hoa kiều giữ vai trò đáng kể sau tư bản Pháp trong nội thương. Các thương nhân Hoa kiều, với kinh nghiệm lâu đời về buôn bán đã trở thành chỗ dựa cho người Pháp trong việc làm đại lý đối với hàng nhập từ nước ngoài và đứng ra làm trung gian thu mua sản phẩm xuất khẩu cho các thương nhân người Pháp. Hoa kiều được tự do thương mại ở Đông Dương
ngay cả khi thực dân Pháp thực hiện chính sách độc quyền. Họ có vai trò đáng kể trong các lĩnh vực buôn bán đối với thực phẩm, ăn uống, thuốc bắc...
Người Việt cũng có hoạt động kinh doanh trong thương mại, họ phần lớn là tầng lớp tiểu thương hoạt động ở các thành thị nhỏ, thị trấn, các chợ quê. Người Việt chủ yếu bán lẻ ở các cửa hiệu tạp hóa và hàng xén, lưu thông những sản phẩm thủ công nghiệp và nông lâm, thủy hải sản, đáp ứng nhu cầu của đại đa số nhân dân lao động. Có nhiều thương nhân lớn người Việt, do không cạnh tranh được với tư bản Pháp và Hoa kiều, đã chuyển hướng sang: làm thầu khoán, cho vay lấy lãi, mua ruộng đất và thực hiện "phát canh thu tô".
b. Ngoại thương
Ngoại thương được chính quyền thuộc địa chú trọng phát triển. Ngay sau những đợt tấn công quân sự đầu tiên, năm 1860, thực dân Pháp tuyên bố mở cửa biển cho tàu buôn Pháp tự do vào Sài Gòn, chấm dứt thời kỳ thực hiện chính sách "bế quan tỏa cảng" của nhà Nguyễn. Tiếp theo là mở cửa biển Đà Nẵng (1862), Quảng Yên, Hải Phòng (1885). Trong những năm đầu, ngoài Pháp, đã có các tàu buôn của nhiều nước như Trung Quốc, Anh, Hà Lan... đến mua bán ở Việt Nam và cạnh tranh với người Pháp.
Thực dân Pháp nắm độc quyền ngoại thương, trong đó các công ty buôn bán lớn chủ yếu do người Pháp nắm giữ. Trong số 10 công ty vô danh thương mại của Pháp được thành lập từ năm 1897 đến năm 1918 thì có 7 công ty hoạt động trong lĩnh vực ngoại thương, có tàu buôn đường dài với chính quốc và với các nước khác. Sự phát triển của ngoại thương còn thể hiện ở sự tăng lên của tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong thời gian từ 1897 đến 1918, từ 81 triệu đồng năm 1897 (xuất 46 triệu, nhập 35 triệu), lên 171 triệu đồng năm 1902 (xuất
74 triệu, nhập 97 triệu), và 192 triệu đồng năm 1912 (xuất 102 triệu,
nhập 90 triệu).
Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp nắm hầu hết các hoạt động ngoại thương trên toàn Đông Dương, đưa việc xuất nhập khẩu hai chiều Pháp - Đông Dương tăng lên nhanh chóng. Thực dân Pháp ngày càng biến Đông Dương trở thành thị trường độc chiếm của Pháp. Trước chiến tranh thế giới lần thứ nhất, hàng hóa Pháp ở Đông Dương chỉ chiếm 37%, đến năm 1920 tăng lên 63%. Cán cân thương mại thời kỳ này thường "xuất siêu", trong 50 năm (1890-1939) chỉ có 9 năm nhập siêu, còn 41 năm xuất siêu. Qua đây cho thấy sự bóc lột nặng nề của thực dân Pháp đối với Việt Nam. Trong khi dân ta thường xuyên bị nạn đói đe doạ, thì thực dân Pháp ra sức vơ vét hàng hóa để xuất khẩu kiếm lời.
Thời kỳ này hàng xuất chủ yếu là lúa gạo, than đá, xi măng, quặng kẽm, quặng thiếc, kẽm thỏi, vải lụa,... trong đó lúa gạo thường chiếm hơn 60% cơ cấu hàng xuất khẩu. Năm 1860, nước ta xuất khẩu
58.045 tấn gạo; đến năm 1867, lượng gạo xuất khẩu là 197.889 tấn gạo và năm 1870 xuất khẩu tới 230.031 tấn. Như vậy, chỉ trong vòng 10 năm, số gạo xuất khẩu đã tăng đến 4 lần. Tiếp theo, từ đầu thế kỷ XX trở đi, mỗi năm thực dân Pháp đều xuất khẩu trên dưới 1 triệu tấn, được xếp thứ hai sau Miến Điện về xuất khẩu gạo trên thế giới. Hàng nhập khẩu gồm vải bông, dầu mỏ, máy móc, đồ cơ khí, rượu vang, thuốc lá, tơ lụa nhân tạo, ô tô, sữa, đồ hộp, bột mì, xăng dầu... Hàng tiêu dùng chiếm 80% trong cơ cấu hàng nhập khẩu. Các loại hàng hóa này chủ yếu đáp ứng nhu cầu đô thị.
Với việc thực dân Pháp thi hành chính sách độc quyền về ngoại thương, việc giao thương giữa Việt Nam và Pháp thực chất là quá trình tước đoạt thuộc địa. Thực dân Pháp đã tước đoạt tài nguyên thiên nhiên, sản vật địa phương để xuất khẩu, đồng thời biến nước ta thành nơi tiêu thụ hàng hóa của Pháp, đem lại nhiều lợi nhuận cho tư bản thương nhân Pháp. Bên cạnh những hạn chế, thương mại thời Pháp thuộc có sự phát triển đáng kể. Thông qua các hoạt động buôn bán, cạnh tranh trên thị trường Việt Nam và thế giới, tư bản Pháp đã góp
phần mở mang nền thương mại Việt Nam, hình thành một phương pháp kinh doanh mới, hiện đại hơn dưới hình thức các công ty thương mại.
3.2. KINH TẾ GIAI ĐOẠN 1939 - 1945
3.2.1. Bối cảnh lịch sử và chính sách kinh tế
3.2.1.1. Bối cảnh lịch sử
Ngày 1 tháng 9 năm 1939, phát xít Đức tấn công Ba Lan, cuộc chiến tranh thế giới thứ hai chính thức bùng nổ. Ngày 16 tháng 6 năm 1940, quân Đức tiến vào Paris, Pháp bị Đức chiếm đóng. Một chính phủ phản động, tay sai của chủ nghĩa phát xít ở Pháp được thành lập, đứng đầu là Pêtanh (Pétain). Ngày 22 tháng 6 năm 1940, chính phủ Pêtanh ký với phát xít Đức hiệp ước ngừng bắn và chấp nhận mọi điều kiện đầu hàng do người Đức đưa ra. Ngay sau khi đầu hàng phát xít Đức, chính phủ Pêtanh đã khẳng định đường lối phục vụ lợi ích của chủ nghĩa phát xít bằng hàng loạt các chính sách đối nội và đối ngoại.
Ở châu Á, khi phát xít Nhật mở rộng đánh chiếm Trung Quốc thì Pháp rất lo lắng cho số phận của Đông Dương bởi đây là thuộc địa giàu có của họ. Đông Dương đã tạo cho thực dân Pháp một vị trí mạnh ở châu Á, đồng thời đem lại cho nước Pháp rất nhiều quyền lợi. Ngày 23 tháng 9 năm 1940, quân Nhật đánh chiếm Lạng Sơn, ném bom Hải Phòng và đổ bộ lên Đồ Sơn. Mặc dù thực dân Pháp đã bố trí lực lượng khá mạnh ở Lạng Sơn, nhưng chỉ trong 3 ngày, quân Pháp đã thất bại nặng nề trước sự tấn công của quân Nhật. Sau khi đưa quân vào Bắc Đông Dương, phát xít Nhật đã ép thực dân Pháp nhượng bộ, kí kết các hiệp ước có lợi cho mình. Với Hiệp định Tokyo (được ký ngày 6 tháng 5 năm 1941), thực dân Pháp thừa nhận ưu đãi đặc biệt cho phát xít Nhật trong các quan hệ kinh tế với Đông Dương.
Việc Pháp tham gia chiến tranh thế giới lần thứ hai đã làm thay đổi chính sách của họ ở cả chính quốc lẫn thuộc địa. Các thuộc địa của Pháp phải cung cấp sức người, sức của cho Pháp tham gia cuộc chiến. Trong thời gian này, thực dân Pháp ra sức vơ vét bóc lột thuộc địa để đáp ứng nhu cầu chiến tranh và đòi hỏi của quân đội Nhật. Một chính sách kinh tế