Tốc Độ Tăng Gdp Và Lạm Phát Của Nhật Bản

- Những biện pháp can thiệp vào nền kinh tế thông qua chính sách tài chính và tiền tệ không còn hiệu lực, thậm chí để lại hiệu quả đó là bội chi ngân sách ngày càng lớn. Cuối những năm 1970, nợ đọng của Nhật Bản là 38,8% so với tổng sản phẩm quốc dân. Bội chi ngân sách lớn, nợ nhà nước tăng cộng với lạm phát, nợ tư nhân tăng, cung tiền tăng đã dẫn đếngiá cả tăng mạnh.

Trước tình hình trên, Nhật Bản đã tiến hành điều chỉnh kinh tế nhằm thích ứng với điều kiện kinh tế - xã hội thay đổi, phục hồi và duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định. Điều chỉnh kinh tế của Nhật Bản tập trung vào một số nội dung sau:

- Tăng cường nghiên cứu và ứng dụng khoa học- kỹ thuật,công nghệ: Trong giai đoạn tăng trưởng nhanh lúc đó, Nhật Bản dựa nhiều vào việc nhập khẩu kỹ thuật - công nghệ từ nước ngoài. Tuy nhiên, từ cuối những năm 1970, Nhật Bản đã thực hiện một chiến lược phát triển khoa học –kỹ thuật trên cơ sở những ưu tiên sau đây:

+ Chuyển từ vay mượn thành tựu khoa học-kỹ thuật của nước ngoài sang tự phát triển những kỹ thuật và công nghệ tiên tiến; chú trọng hoạt động nghiên cứu cơ bản.

+ Tập trung nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu khoa hoc – kỹ thuật vào sản xuất các mặt hang có hàm lượng công nghệ cao, có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới: ứng dụng rộng rãi máy vi tính trong các ngành sản xuất, trong điều hành các hoạt động của nền kinh tế, đẩy mạnh tự động hoá sản xuất, tăng cường áp dụng công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học…

+ Tích cực nghiên cứu và áp dụng nhiều thiết bị và quy trình công nghệ tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu trong tất cả các ngành nghề. Đa dạng hoá các nguồn năng lượng: năng lượng hạt nhân, năng lượng mặt trời, thuỷ triều, nhiên iệu hoá thạch…

- Điều chỉnh cơ cấu ngành kinh tế: do tác động của cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật và nhu cầu thực tế của nền kinh tế, vào đầu những năm 1980, ở Nhật Bản có xu hướng điều chỉnh ngành theo hướng:

+ Giảm tỷ trọng các ngành công nghiệp truyền thống, tăng tỷ trọng các nghành công nghiệp chế biến và dịch vụ. Đặc biệt tăng nhanh các ngành công nghiệp mới, các ngành có hàm lượng cao như sản xuất máy tính điện tử, người máy công nghiệp, mạch tổ hợp, dịch vụ thu nhập, xử lý chuyển giao thông tin...

+ Phát triển lĩnh vực dịch vụ: Đây là đặc diểm quan trọng của quá trình cải tổ kinh tế của Nhật Bản trong những năm 1970-1980. Các nghành dịch vụ mới như dịch vụ thiết kế, tư vấn kỹ thuật,tín dụng trả tiền, thuê thiết bị, cung cấp lao động, các loại dịch vụ tiêu dùng…đã tăng mạnh làm thay đổi quá trình sản xuất, thay đổi động thái tổng cầu trong nền kinh tế Nhật Bản và trực tiếp làm gia tăng GDP. Trong thời gian từ năm 1970 đến năm 1985, dịch vụ tăng trưởng với tốc độ bình quân 10,9%, nhờ đó tỷ của khu vưc dịch vụ đã tăng lên chiếm 63,5%GDP.

Sự điều chỉnh cơ cấu ngành như trên ở Nhật Bản đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất xã hội, đẩy nhanh những tiến độ khoa học kỹ thuật, tạo thuận lợi cho bước nhảy vọt về chất trong tất cả các ngành kinh tế quốc dân.

- Điều chỉnh sự can thiệp của nhà nước: Thực chất là xác định lại vai trò kinh tế giữa nhà nước và khu vực tư nhân. Nhật Bản tiến hành tư hữu hoá và giảm quy mô hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, mở rộng phạm vi hoạt động của kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là phủ nhận vai trò điều chỉnh kinh tế của nhà nước, mà chỉ nhằm giới hạn sự can thiệp của nhà nước vào một số hướng chiến lược chủ yếu, nâng cao hiệu quả của nó và giảm bớt những chức năng không còn cần thiết nữa.

- Điều chỉnh chiến lược kinh tế đối ngoại:

+ Về xuất khẩu hàng hoá: thực tế cho thấy, xuất khẩu luôn đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế Nhật Bản. Để đẩy mạnh xuất khẩu, Nhật Bản thực hiện chiến lược mở rộng địa bàn xuất khẩu, đa dạng hoá mặt hàng xuất khẩu, giảm bớt tình trạng quá tập trung vào một mặt hàng nhất định, tăng cường xuất khẩu các mặt hang có kỹ thuật cao, có giá trị gia tăng lớn.

+ Về đầu tư ra nước ngoài: từ cuối những năm 1970, do xuất khẩu của Nhật Bản vấp phải xu hướng bảo hộ ngày càng tăng trên thị trường thế giới, hoạt động đầu tư ra nước ngoài đã thực sự được Nhật Bản sử dụng như một công cụ chủ yếu để mở rộng thị trường nước ngoài. Thực tế, từ đầu những năm 1980, đầu tư ra nước ngoài của Nhật Bản tăng lên nhanh chóng, từ 7.7 tỷ USD Năm 1982, tới 47 tỷ USD năm 1988,

67.54 tỷ USD năm 1989. Đầu tư của Nhật Bản vào các nước công nghiệp phát triển chủ yếu là các hoạt động dịch vụ, thương mại, ngân hàng và các nghành chế tạo nhằm mục đích là chọc thủng hàng rào bảo hộ của các nước này đối với hàng hoá Nhật Bản. Với các nước đang phát triển, thị trường đầu tư chủ yếu của Nhật Bản là các nước thuộc khu vực Đông và Đông nam á (chiếm trên 50% tổng đầu tư của Nhật Bản vào các nước đang phát triển) và tập trung vào các ngành khai thác và chế tạo nhằm tận dụng lợi thế so sánh để khai thác thị trường và chuyển giao công nghệ- kỹ thuật thấp sang các nước khác.

Với những điều chỉnh phù hợp nền kinh tế đã thoát ra khỏi tình trạng trì trệ và trong những năm 1980 tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản ở mức tương đối cao, lạm phát được duy trì ở mức thấp.

Bảng 3.1. Tốc độ tăng GDP và lạm phát của Nhật Bản

(đơn vị%)



1974-

1982

1983

1984

1985

1986

1987

1988

1989

1990

Tốc độ

tăng GDP

4,3

2,8

4,3

5,2

2,6

4,3

6,2

4,7

5,6

Lạm phát

7,1

1,4

2,3

1,6

1,8

-

0,4

1,9

1,9

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 162 trang tài liệu này.

Lịch sử kinh tế quốc dân - 8

Về thương mại quốc tế, Nhật Bản đã chiếm lĩnh được thị trường về nhiều loại sản phẩm công nghiệp ở nhiều khu vực trên thế giới, ngay cả trên chính thị trường của Mỹ và các nước Tây Âu. Trong thập kỷ 1980, xuất khẩu của Nhật Bản đã tăng lên rất mạnh, mức thặng dư cán cân thương mại ngày càng tăng. Đặc biệt trong quan hệ thương mại với Mỹ và Tây Âu, Nhật Bản thường xuyên ở thế xuất siêu. Sự thay đổi cơ cấu sản xuất đã đem lại sự thay đổi về cơ cấu thương mại theo hướng đáp ứng nhanh chóng những đòi hỏi và biến động của thị trường quốc tế.

Trong suốt những năm 1980, vị trí của Nhật Bản trong nền kinh tế, trong khoa học kỹ thuật và tài chính thế giới tăng lên mạnh mẽ. Năm 1980, Nhật Bản mới chỉ chiếm 8,6% tổng sản phẩm quốc dân của thế giới thì đến 1989 là 15% ; tổng sản phẩm quốc dân bình quân đầu người năm 1990 của Nhật Bản là 25.430 USD, trong khi đó Mỹ là 21.970 USD. Sự lớn mạnh của nền kinh tế đã giúp Nhât Bản trở thành một trong các cường quốc hành chính lớn nhất thế giới. Tokyo đã trở thành trung tâm tài chính quốc tế, các ngân hàng của Nhật Bản nằm trong số các ngân hàng lớn nhất thế giới. Năm 1988, các tổ chức Nhật Bản chiến 36% tài sản ở nước ngoài trên thế giới.

Nhật Bản cũng thành công trong việc dịch chuyển cơ cấu công nghiệp lên trình độ cao hơn đồng thời hình thành sự phân công mới với các nền kinh tế đang trỗi dậy ở Đông Á và Đông Nam Á.

Nhìn chung, trong giai đoạn này, Nhật Bản vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng kinh kế khá cao so với nhiều nước tư bản phát triển nhờ thành công trong việc nhanh chóng khác phục hậu quả của hai cuộc khủng hoảng năng lượng ( năm 1973 và năm 1979) và sự kiện đồng Yên lên giá đột ngột (giai đoạn 1985 – 1987). Điều đáng chú ý là sự tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản trong thời gian này đã đóng góp quan trọng cho sự tăng chỉ tiêu của người Nhật. Theo số liệu thống kê của Liên hợp quốc thì chỉ tiêu của hộ gia đình của Nhật Bản tăng trung bình 5,2% trong giai đoạn 1970 - 1979 và tăng trung bình 3,2% trong giai đoạn 1980 – 1989.

Trong thập niên 1980, Nhật Bản đã vươn lên thành cường quốc kinh tế có ảnh hưởng nhiều mặt trên thế giới và khu vực.

* Giai đoạn từ 1992 đến nay:

Năm 1992, kinh tế Nhật Bản lại lâm vào thời kỳ suy thoái. Tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm sút, thậm chí một số năm có tốc độ tăng trưởng âm, đồng thời quá trình phục hồi kinh tế diễn ra rất chậm chạp.

Bảng 3.2. Tốc độ tăng trưởng GDP(1992-2002)

(Đơn vị: %)



1992

1993

1994

1995

1996

1997

1998

1999

2000

2001

2002

Tốc độ

tăng

1,1

0,1

0,5

0,9

2,7

1,1

-2,5

0,6

1,4

-0,9

0,5


Thực tế, vào đầu những năm 1990, nền kinh tế bong bóng của nước Nhật Bản đã đổ vỡ .Gía cổ phiếu và giá đất hạ 50% đã tạo nên một cú sốc trong ngành kinh doanh bất động sản và kéo theo sự khủng hoảng của hệ thống ngân hàng. Gánh chịu thiệt hại đầu tiên và cũng là nghiêm trọng nhất là hệ thống các ngân hàng và các công ty tài chính. Một số ngân hàng lớn gần như mất khả năng thanh toán. Từ đó đến cuối năm 1995, đã có hàng loạt công ty bị phá sản. Tổng số nợ của các ngân hàng lên tới 40.000 ty yên (khoảng 400 tỷ USD). Nhiều ngân hàng và công ty tài chính lâm vào cảnh hết sức khó khăn, thậm chí bị đổ vỡ theo, trong đó có cả 11 ngân hàng mạnh nhất của Nhật Bản nhưng cũng là của thế giới đã phải giảm tới 10% khả năng hoạt động trong 2 năm 1994-1995.Theo cục kế hoạch kinh tế Nhật Bản (EPA) ước tính đến thời điểm năm 1998, tổng giá trị các khoản nợ khó đòi trong nước của các ngân hàng đã lên tới 800 tỷ USD, chiếm 20% tổng lượng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng Nhật Bản. Ngoài ra, khoảng 300 tỷ USD tiền các nước châu á vay cũng có nguy cơ khó đòi do các nước này cũng rơi vào tình trạng khủng hoảng.

Thực tế đó cho thấy, mô hình kinh tế của Nhật Bản đã thể hiện rò những hạn chế, bất cập trước những yêu cầu, thách thức mới của thời đại mà nguyên nhân của tình trạng này là do:

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế khá nhanh của Nhật Bản trong những năm cuối thập niên 1980, tù 26% năm 1986 tăng lên 4,3% năm 1987; 6,2% năm 1988; 4,7% năm 1989 và 5,6% năm 1990 không phải xuất phát từ việc tập chung phát triển của các hoạt động sản xuất vật chất như thời kỳ trước đó. Do kinh tế phát triển cao trong hai thập kỷ 1970 – 1980, giá tài sản Nhật Bản đã tăng lên nhanh.Thêm nữa, với sự dư thừa cán cân thương mại, người Nhật đã ồ ạt mua tài sản nước ngoài. Năm 1985, với thoả thuận Plaza (Plaza Accord) Nhật Bản đã chấp nhận tăng giá đồng yên (1USD bằng 240 yên) vì không muốn các nước tư bản phát triển, đặc biệt là Mỹ đưa ra biện pháp bảo vệ thị trường, ngăn chặn hàng hoá xuất khẩu của Nhật Bản. Cũng vì chính sách ép buộc của Mỹ và các nước phát triển đòi hỏi Nhật Bản mở cửa cho tư bản tài chính và hàng hoá vì sự tăng giá trị đồng yên nên từ năm 1985, Nhật Bản cũng tăng cường đầu tư ra nước

ngoài. Hàng năm Nhật Bản xuất khẩu tư bản (qua cho vay, đầu tư trực tiếp và mua tài sản ở nước ngoài) lên đến 2 - 3% GDP. Điều đó đã ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư phát triển sản xuất trong nước. Để đối phó với tình trạng này, đặc biệt là sự lên giá mạnh của đồng yên, chính phủ Nhật Bản đã duy trì kéo dài chính sách lãi xuất cho vay thấp. Do vậy, các hoạt động đầu tư buôn bán bất động sản, cổ phiếu, trái phiếu,… tăng giá mạnh.

- Thể chế tài chính ở Nhật Bản cũng bộc lộ rò những hạn chế. Thời gian trước những năm 1990 khu vực doanh nghiệp đóng vai trò là khu vực mượn vốn từ các khu vực khác để phát triển nhưng từ năm 1990 trở đi, khu vực này giảm dần việc mượn vốn và trở thành khu vực cung ứng vốn cho thị trường thế giới. Từ năm 1990 đến năm 2001, nhu cầu vốn của doanh nghiệp sụp giảm chỉ bằng 14% GDP. Chính vì vậy, Nhật Bản đã tăng chi ngân sách nhà nước để kích thích kinh tế. Hậu quả là bội chi ngân sách nhà nước quá lớn. Năm 1996, bội chi tài chính của chính phủ Nhật Bản trên danh nghĩa chiếm 7,4% tổng thu nhập quốc dân.

- Việc nhà nước bảo hộ các ngành sản xuất vật chất phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng nội địa ở Nhật Bản đã tỏ rakhoong phù hợp khi qua trình toàn càu hoá, khu vực hoá kinh tế ngày càng diễn ra mạnh mẽ. Điều đó đã làm cho năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Nhật Bản đã bị suy yếu so với một số nước phát triển khác.

- Cơ cấu kinh tế của Nhật Bản được thiết lập trong thời kỳ sau chiến tranh đã trở nên kém hiệu quả. Trong nội dung của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ mới, việc coi nhẹ nghiên cứu cơ bản thiên về nghiên cứu ứng dụng đã dẫn đến hiệu quả là Nhật Bản mất dần ưu thế trong lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ mũi nhọn. Cơ chế quản lý trong nội bộ các doanh nghiệp Nhật Bản có phần sơ cứng, kém hiệu quả, kém sức sáng tạo, khó đáp ứng kịp thời với nhu cầu quản lý kinh tế kinh doanh hiện đại. Đặc biệt, sự phát triển mạnh mẽ của một số nền kinh kế mới nổi ở khu vưc Đông Á và Đông Nam Á với việc gia tăng sản xuất và xuất khẩu những sản phẩm hàng hoá công nghệ cao đã tác động đến các thị trường xuất khẩu chủ yếu của Nhật Bản.

Trước tình hình trên, năm 1997 chính phủ Nhật Bản theo đuổi chính sách cải tổ hệ thống tài chính, giảm thiểu các quy định đã lỗi thời để tăng cung nhưng ko đưa lại kết quả. Thực tế phải các ngân hàng dư thừa vốn nhưng không tìm ra người vay. Chính sách cân bằng ngân sách từ cuối năm 1997 đến cuối năm 1998 của chính phủ Nhật Bản đã làm cho tình hình kinh tế trở lên xấu hơn, GDP năm 1997 và 1998 tăng trưởng âm. Hệ quả tiếp theo là ngân sách thâm hụt thêm do nguồn thu từ thuế giảm sút. Do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu thì từ năm 2008 tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản bắt đầu suy giảm. Đây cũng là năm lần đầu tiên Nhật Bản rơi vào tình trạng thâm hụt cán cân thương mại trong khoảng 30 năm. Sản xuất công nghiêp cũng trở về mức của những năm đầu thập niên 1980.

Bảng 3.4. Tốc độ tăng trưởng GDP 1993-2010

(đơn vị: %)


Thời gian

1993 - 2002

2005

2006

2007

2008

2009

2010

Tốc độ tăng trưởng GDP

0,8

1,9

2,0

2,4

-1,2

-6,3

3,9

Thực tế, cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ lan rộng ra cả thế giới kéo theo suy thoái kinh tế toàn cầu đã có tác động nhiều mặt đến sự phát triển kinh tế Nhật Bản:

- Thứ nhất, nó tác động trực tiếp đến các nhà đầu tư Nhật Bản nắm dữ cổ phiếu và trái phiếu của các tổ chức tài chính Mỹ. Giá trị tài sản của các tổ chức tài chính Nhật Bản nắm giữ cổ phiếu và trái phiếu của các tổ chức tài chính Mỹ sụt giảm mạnh.

- Thứ hai, sự khủng hoảng tín dụng nhà ở thứ cấp lan rộng thành khủng hoảng tài chính ở Mỹ cũng tạo ra một hiệu ứng tâm lý tiêu cực đối với thị trường bất động sản của Nhật Bản.

- Thứ ba, nó ảnh hưởng đến xuất khẩu của Nhật bản mà nguyên nhân sâu xa là do thị trường Mỹ cùng lên giá.

Trong một số năm gần đây, nhờ những biện pháp tich cực, nền kinh tế Nhật Bản đã có sự phục hồi mạnh mẽ. Năm 2010, tốc độ tăng trưởng GDP thực tế của Nhật theo tỷ giá thị trường là 3,9% là cao nhất trong các nước G7 ở cùng thời kỳ. Năm 2010, ngành công nghiệp chiếm 23% GDP của Nhật Bản trong khi ngành dịch vụ chiếm tới 75,9% và nông nghiêp chỉ còn chiếm 1,1% GDP.

Mặc dù tình trạng trì trệ, suy thoái của nền kinh tế Nhật Bản kéo dài gần hai thập kỷ qua nhưng Nhật Bản vẫn nằm trong số những nước tiên tiến và sáng tạo nhất thế giới. Nhiều sản phẩm công nghiệp ché tạo của Nhật Bản, đặc biệt trong lĩnh vực chế tạo điện tử và ô tô, vẫn đang đứng hàng đầu trên thế giới cả trong sản xuất và tiến bộ công nghệ. Các hang sản xuất ô tô của Nhật Bản luôn nắm giữ công nghệ tiên tiến và có giá trị nhất trên thế giới.

Nhật Bản là một trong những quốc gia đầu tiên ở châu Á đã tiến hành công nghiệp hoá thành công và trở thành một cường quốc kinh tế. Từ cuộc cải cách Minh Trị từ năm 1968 đến nay đánh dấu sự thăng trầm của nền kinh tế Nhật Bản. Trong giai đoạn 1952 -1973, kinh tế thế giới đánh dấu sự phát triển thần kỳ của Nhật Bản và Nhật Bản đã trở thành một trong 3 trung tâm kinh tế của thế giới tư bản. thời gian sau đó đến thập kỷ 1990, Nhật Bản vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn so với Mỹ và Tây Âu. Tuy nhiên, từ năm 1991 đến nay, nền kinh tế Nhật Bản rơi vào tình trạng suy thoai kéo dài, sự phục hồi kinh tế găp nhiều khó khăn. Đặc biệt là những khó khăn do những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu thời gian gần đây.

Hiện tại, vị trí tương quan của kinh tế Nhật trong nền kinh tế thế giới đã có sự thay đổi. Về quy mô GDP, Nhật Bản đã tụt xuống đứng thứ 3 thế giới sau Mỹ và Trung Quốc. Năm 2010, GDP của Nhật Bản tính theo tỷ giá thị trường là 5.458 tỷ USD và GDP tính theo ngang giá sức mua là 4.309 tỷ USD. Tuy nhiên với quy mô nền kinh tế lớn và có tiềm lực mạnh về khoa học công nghệ, Nhật Bản sẽ còn tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với sự phát trển của khu vưc Đông Á và Đông Nam Á dù trong thời điểm hiện tại nền kinh tế Nhật Bản đang còn đứng trước tình trạng giảm phát kéo dài, tình trạng già hoá và sụt giảm dân số và là nước có nợ công lớn nhất thế giới ở mức trên 200% GDP.

Câu hỏi ôn tập

1. Trình bày nội dung cải cách Minh Trị của Nhật Bản trong thế kỷ 19.

2. Trình bày vai trò của cải cách Minh Trị của Nhật Bản trong thế kỷ 19 đối với kinh tế Nhật Bản.

3. Trình bày nguyên nhân Nhật Bản phát triển “thần kỳ” trong giai đoạn 1952 - 1973. Bài học kinh nghiệm từ việc nghiên cứu vấn đề này là gì?

4. Phân tích quá trình tích lũy và sử dụng vốn của Nhật Bản trong giai đoạn 1952 – 1973.

Bài học kinh nghiệm từ việc nghiên cứu vấn đề này là gì?

5. Phân tích việc tích lũy, sử dụng và đầu tư vốn của Nhật Bản trong giai đoạn 1952 - 1973. Bài học kinh nghiệm từ việc nghiên cứu vấn đề này là gì?

6. Phân tích vai trò nhà nước ở Nhật Bản trong gai đoạn phát triển kinh tế “thần kỳ” 1952 – 1873. Bài học kinh nghiệm từ việc nghiên cứu vân đề này với thực tiễn ở Việt Nam hiện nay là gì?

7. Trình bày những khó khăn của kinh tế Nhật Bản trong giai đoạn 1974 – 1991.

8. Trình bày nội dung những cải cách kinh tế chủ yéu của Nhật Bản trong giai đoạn 1974 – 1991. Ý nghĩa của những cải cách kinh tế này là gì?

9. Khủng hoảng kinh tế năm 2008 có ảnh hưởng như thế nào đến Nhật Bản?

10. So sánh các biện pháp khắc phục khủng hoảng kinh tế của Nhật Bản so với Mỹ sau cuộc khủng hoảng năm 2008.

Xem tất cả 162 trang.

Ngày đăng: 16/07/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí