Thuế Ruộng Đất Công, Tư Ở Khu Vực Ii Thời Gia Long


Đối với đất đai canh tác ở những vùng đồng bằng, bãi sông thuộc hạ lưu sông Lam cư dân tiến hành khơi sâu mương máng, dẫn nước từ ao hồ, đầm, hoặc lấy nước trực tiếp từ sông Lam để tưới cho lúa và hoa màu. Qua phản ánh của địa bạ, có thể nhận thấy mật độ phân bố kênh mương ở những vùng thuận tiện về nguồn nước như tổng Nam Hoa, Bích Triều dày đặc hơn so với những nơi khác trong huyện. Cư dân trong các tổng này đã biết lợi dụng những nơi có đầm, ao hồ tự nhiên để đắp thêm các hồ chứa nước nhỏ trữ nước phục vụ tưới tiêu vào mùa khô hạn. Tuy nhiên, do diện tích các hồ chứa nhân tạo có quy mô nhỏ, lượng nước tích trữ ít nên hiệu quả trong việc chống hạn không cao. Đối với những diện tích ruộng đất sát vùng đồi núi, nhân dân lợi dụng khe suối tự nhiên kết hợp với làm guồng xe quay để dẫn nước vào đồng ruộng [116, tr.219]. Trong quá trình nghiên cứu địa bạ Nam Đàn chúng tôi nhận thấy, hầu như các xã, thôn trong huyện, đặc biệt là các xã thôn gần đồi núi thì kích thước khe cừ được thống kê khá nhiều và chi tiết, một số xã thôn có tổng chiều dài sông suối, khe cừ, rất lớn như: thôn Lương Trường (tổng Bích Triều) có 2 dải khe cừ dài 215 trượng [237], xã Vũ Nguyên (tổng Bích Triều) có 1 dải suối khe cừ dài 500 trượng [255]…

Liên quan đến các công trình thủy lợi, tưới tiêu trên địa bàn huyện Nam Đàn, trong tập tài liệu bằng tiếng Pháp của Hội Dân gian Đông Dương, lập vào năm 1937, lưu tại Thư viện Quốc gia mang ký hiệu: FQ4018/69 với tựa đề: “Lịch sử về ngài Bùi Huy Nhượng”, do thầy giáo Nguyễn Văn Tường, giáo viên dạy trường Thanh Đàm (Nam Tân ngày nay) tường thuật khi trả lời câu hỏi theo phiếu phỏng vấn của Hội Dân gian Đông Dương về đền miếu và công tích của các vị thần được dân làng thờ phụng, có nội dung như sau:“Ở làng Phú Thọ, tổng Xuân Khoa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, có đền Đức Ông thờ ngài Bùi Huy Nhượng, một nhân thần. Ngài sinh ngày 13 tháng 4 năm Quý Mùi (1523) và mất ngày 15 tháng 10 năm Đinh Hợi (1587). Ngài sai đào một kênh dẫn nước cho Bàu Láng (ở trong làng Phú Thọ) bên bờ hữu Lam Giang” [83, tr.40 - 48].

Việc tưới tiêu, chống ngập úng trong sản xuất nông nghiệp ở Nam Đàn còn gắn liền với địa danh Hồ Nón thuộc xã Non (Nộn) Liễu ở phía Đông Bắc huyện Nam Đàn. Sách Đại Nam nhất thống chí cho biết: “khoảng giữa đời Lê Dương Hòa (1635 - 1643), người xã Hương Lãm là Thị lang Hương Lãm hầu Nguyễn Văn Mệnh bới đào cửa hồ, nước hồ có chỗ tiêu đi, sau mới thành ruộng” [154, tr.199].


Các công trình thủy lợi kể trên chủ yếu được làm từ thời hậu Lê, đến thời Nguyễn tiếp tục được cư dân làng, xã sử dụng vào mục đích tiêu úng, chống ngập lụt. Trong thời kỳ 1802 - 1884, trên địa bàn huyện Nam Đàn hầu như không có công trình thủy lợi có quy mô nào được xây dựng, đây là tình trạng chung của cả xứ Nghệ An, điều này được phản ánh cụ thể trong sách Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch: “Xứ Nghệ An gần núi, giáp biển, đất đai sỏi sạn, cằn cỗi lại không có mấy nơi bằng phẳng, rộng rãi nên từ xưa không có chính sách đắp đê” [106, tr.219]. Các công trình tưới tiêu phổ biến trên đồng ruộng Nam Đàn là hệ thống mương, máng dẫn nước do các hộ gia đình cày cấy trên cùng một xứ đồng huy động công sức đào mương, đắp máng để dẫn thủy nhập điền, chống hạn tiêu úng. Hầu hết các công trình này có quy mô nhỏ, không đáp ứng đủ nhu cầu tưới tiêu trong nông nghiệp. Những nơi gần nguồn nước người nông dân sử dụng gàu sòng, gàu giai tát nước trực tiếp vào ruộng, hoặc sử dụng các con mương nhỏ hẹp để dẫn nước phục vụ tưới tiêu. Phần lớn các diện tích ruộng đất còn lại đều trong tình trạng chung là khô hạn, thiếu nước tưới tiêu vào mùa hè, bị lũ cuốn hoặc ngập úng thường xuyên vào mùa mưa lũ.

Những hạn chế về công tác trị thủy và thủy lợi dưới triều Nguyễn đối với một số địa phương trong đó có trấn/tỉnh Nghệ An, đã dẫn đến nông nghiệp trong thế kỷ XIX đối với hầu hết người dân làng xã ở Nam Đàn, rộng hơn là các phủ, huyện trong tỉnh rơi vào hoàn cảnh lệ thuộc vào tự nhiên, giống như cha ông thuở trước:

“Ơn trời mưa nắng phải thì, Nơi thì bừa cạn, nơi thì cày sâu. Công lênh chẳng quản bao lâu,

Ngày nay nước bạc, ngày sau cơm vàng” [96].

3.2.4. Nghề làm vườn, trại‌

Khi nền kinh tế tiểu nông mang tính tự cung, tự cấp đang bao trùm lên vành đai làng xã trên toàn bộ đất nước, ruộng đất công trong làng xã không đủ chia cho cư dân để canh tác nông nghiệp thì việc người nông dân từ đời này qua đời khác đã biết sử dụng các diện tích đất trong khuôn viên gia đình thành những mảnh vườn làm nơi trồng trọt rau màu hoặc xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, đào ao thả cá là một hiện tượng diễn ra phổ biến.

Nghề làm vườn ở Nam Đàn có từ lâu đời, ngay từ khi khai ấp, lập làng người


dân đã biết tận dụng đặc điểm địa hình nơi cư trú để làm vườn, trại. Việc làm vườn, làm trại dần trở thành một nghề trong cơ cấu ngành nông nghiệp của cư dân làng xã.

Những khu vườn trong hộ gia đình thường được bao quanh bởi nhiều loại trồng như tre, mây, gỗ vườn các loại, vừa để phân định ranh giới sở hữu giữa các hộ gia đình, đồng thời ngăn không cho gia súc, gia cầm của nhà khác sang phá hoại các loại cây trồng trong vườn. Mây, tre, gỗ tạp trồng quanh vườn là nguyên liệu có thể dùng để làm nhà ở, làm các đồ dùng, vật dụng trong nhà hoặc để dựng chuồng chăn nuôi gia súc, gia cầm… Tùy thuộc vào diện tích sở hữu mà vườn có quy mô lớn, nhỏ khác nhau. Những gia đình giàu có, khá giả, hay các chức dịch trong làng xã, diện tích đất vườn có thể lên tới 600 - 1000 m2, còn đại bộ phận gia đình nông dân có diện tích đất vườn dưới một sào (500 m2). Trong những diện tích vườn, ngoài khu vực để dựng nhà làm nơi sinh hoạt hàng ngày, chuồng nuôi gia súc, gia cầm, các gia đình nông dân ở Nam Đàn thường trồng đủ các loại, từ rau màu như: rau cải, bầu bí, cà, mướp ngọt, dưa chuột, su su, mùi tàu, tía tô, hành, tỏi, ớt cay… đến các loại cây ăn quả như: cam, bưởi, ổi, khế, đu đủ... Không ít gia đình còn đào ao, đìa để thả cá. Công việc làm vườn thường dành cho người già và trẻ nhỏ, là hoạt động diễn ra thường xuyên, các loại rau màu, sản phẩm từ vườn chủ yếu phục vụ cho cuộc sống thường nhật của gia đình.

Theo số liệu thống kê từ 40 địa bạ, diện tích đất dân cư vườn, ao trong địa bàn huyện Nam Đàn không nhiều, chỉ chiếm 3,6% (1264.7.2.2.8) trong tổng diện tích đất đai cả huyện (34623.4.10.0.0). Tuy nhiên, con số này chưa phản ánh hết diện tích vườn ở Nam Đàn (40/65 xã, thôn) nhưng cũng cho thấy sự hạn hẹp về không gian sống của cư dân làng xã . Phân tích một số địa bạ cho biết, hầu hết diện tích vườn đều không đánh thuế: địa bạ thôn Dương Phổ Tứ, xã Nam Hoa Đông thuộc tổng Nam Hoa huyện Nam Đàn có ghi “Đất ở, vườn của bản thôn 10 mẫu 6 sào; xưa đều không có thuế lệ; trong đó xứ Trung Châu 6 mẫu 1 sào; Xứ Hạ Mụ Bà 4 mẫu 5 sào” [226], hay địa bạ xã Hương Lãm (Trám) thuộc tổng Nộn Liễu (Non Liễu) có ghi “Một mảnh đất thổ trạch, vườn, đất ở 57 mẫu 9 sào. Đất cũ không có thuế; trong đó: đất xứ Điếm Chợ; 10 mẫu; xứ Điếm Tuần 10 mẫu; xứ Điếm Nhật 8 mẫu 5 thước 3 tấc; Xứ Kẻ Niệm 10 mẫu; xứ Điếm Trong 9 mẫu 8 sào 9 thước 7 tấc; xứ Điếm Hội 3 mẫu; xứ Điếm Ngoài 7 mẫu” [233].

Ở Thừa Thiên Huế, nhà Nguyễn đánh thuế hầu hết diện tích đất vườn của các hộ gia đình theo thuế ruộng nên địa bạ ghi diện tích đất vườn vào diện tích ruộng: địa


bạ làng Xuân Hòa thuộc tổng Phú Xuân, huyện Hương Trà trong phần ruộng đất tư đều có ghi “nhà vườn cũ nộp thuế tô theo ruộng” [205, tr.140]. Đối với trấn/tỉnh Nghệ An nói chung, Nam Đàn nói riêng suốt thế kỷ XIX, nhà Nguyễn không đánh thuế diện tích đất vườn ở. Đây có thể là một ân điển mà các vị vua nhà Nguyễn dành cho cư dân Nghệ An, nơi thường xuyên phải đối mặt với hạn hán, triều dâng, bão lũ, dịch bệnh, mất mùa đói kém.

Ngoài việc làm vườn, một bộ phận đông đảo cư dân làng xã dưới chân núi Đại Huệ (thuộc tổng Non Liễu), núi Thiên Nhẫn (thuộc tổng Nam Kim và một số làng xã của tổng Bích Triều như: Chi Cơ, Tàm Tang, Phú Thọ, Khoa Trường, Vũ Nguyên) còn khai hoang, phục hoá vùng đất nhỏ hẹp dọc các sườn đồi, khe suối để trồng một số rau màu như bầu, bí, sắn, ngô, chè và một số cây ăn quả như hồng, cam, chanh… Người dân địa phương gọi diện tích đất này là trại hay các rày. Sách Đại Nam nhất thống chí (quyển 5) phần về tỉnh Nghệ An có ghi: “Núi Đại Huệ: ở cách huyện Nam Đường 54 dặm về phía Đông, hình núi như quả chuông úp… sườn núi cây chè xanh tốt” [154, tr.180].

Để trồng được các loại cây trên diện tích đồi núi hoặc vùng tiếp giáp giữa đồng bằng và đồi núi, nông dân làng xã đã lấy đá xếp thành từng bức tường thành theo dọc sườn núi rồi gánh đất màu từ ruộng đồng lên đổ vào, làm mương đưa nước từ các khe suối để tưới tiêu chống hạn. Các bức tường đá xếp vừa chống xói mòn, giữ được đất đai không bị rửa trôi, cây cối không bị gãy đổ đồng thời cũng là hàng rào chống gia súc, thú rừng phá hoại. Đến nay, các dấu tích bờ/tường đá dọc theo chân núi Đại Huệ và Thiên Nhẫn vẫn còn và cư dân địa phương vẫn duy trì việc trồng chè, dứa, ngô, khoai, sắn dây, chanh, cam... ngay trên vùng đất xưa cũ do ông cha để lại.

Các diện tích rày, trại, khai thác nguồn đất đai dọc chân núi nơi tiếp giáp với đồng bằng, thung lũng, vùng đầm lầy, ao hồ tự nhiên gắn liền với hoạt động khai hoang của cư dân trong làng xã. Hoạt động khai hoang trên những diện tích đất nói trên chủ yếu mang tính chất tự phát của người dân, hoặc do những nhân vật có công khai ấp, lập làng khởi xướng từ nhiều thế kỷ trước.

Cư dân các xã Thanh Tuyền (nay là xã Nam Thanh), xã Diên Lãm (nay là thị trấn Nam Đàn), xã Xuân Hồ (nay là xã Xuân Hoà) từ thế kỷ XVII dưới triều nhà Lê trung hưng (đời Dương Hoà) đã có công lớn trong việc khai phá vùng đất ngập nước ở Hồ Nón, biến đây thành những thửa ruộng có thể gieo cấy cả vụ hạ và vụ thu.


Đầu thế kỷ XIX, một số hộ gia đình bần cố nông ở Diên Lãm, Thanh Tuyền, Xuân Hồ... đã rời làng xã đến khai hoang, phục hoá tạo nên một số cánh đồng như: nương Mượu, cồn Chùa, cồn Làng, cồn Sỏi, động Lòi, cây Sanh, cồn Gây, khe Sét... Đến những năm 60 - 70 của thế kỷ XIX dần hình thành 7 thôn dân cư tập trung (mỗi xóm có từ 15 - 25 hộ gia đình) gọi chung là xã Nghĩa Động (thuộc địa bàn xã Nam Nghĩa ngày nay). Họ lập đền thờ thần Cao Sơn Cao Các ở xóm Rú Lá, dưới chân núi Đại Huệ (đã được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2012).

Trong cuộc khởi nghĩa Giáp Tuất (1874), địa bàn cư trú của cả 7 thôn thuộc xã Nghĩa Động nằm trong địa bàn hoạt động của nghĩa quân Trần Tấn, các hộ gia đình ở đây đã tích cực ủng hộ lương thảo, khí giới, tham gia lực lượng khởi nghĩa. Đến cuối năm 1874, khởi nghĩa Giáp Tuất thất bại, quân đội triều đình đã đốt sạch toàn bộ nhà cửa và thảm sát những người ủng hộ, tham gia nghĩa quân. Một số người may mắn trốn thoát được đã tìm đến nhiều làng xã ở huyện Thanh Chương, huyện Lương Sơn (Nghệ An), huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) thay tên đổi họ để sinh sống. Toàn bộ đồng ruộng do nhân dân xã Nghĩa Động khai phá, cày cấy từ đầu thế kỷ XIX sau khởi nghĩa Giáp Tuất (1874) bị bỏ hoang. Phải đến những năm cuối cùng của thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, các hộ gia đình ở Diên Lãm (Thị trấn Nam Đàn ngày nay) mới lên khai hoang, phục hoá lại vùng đất thuộc xã Nghĩa Động. Điều đặc biệt là họ chỉ lên cày cấy rồi lại trở về Diên Lãm (Hương Lãm) mà không định cư tại vùng đất gắn với bao chuyện ma quái, bệnh tật nơi đây [30, tr.34 - 35]. Theo khảo sát của chúng tôi, vùng đất gắn với 7 thôn thuộc xã Nghĩa Động (tương ứng với địa bàn xã Nam Nghĩa ngày nay) là vùng đất hoang, được khai phá và cày cấy có diện tích lớn nhất so với những vùng đất được khai hoang, phục hoá trên địa bàn huyện Nam Đàn ở thế kỷ XIX. Điều đáng quan tâm là toàn bộ diện tích đất theo ghi chép trong địa bạ phần lớn là đất lưu hoang, phế canh và đều không bị đánh thuế. Địa bạ xã Nghĩa Động lập năm Minh Mệnh 13 (1832) cho biết: “Công điền thổ các hạng tổng cộng 683 mẫu 6 sào 9 thước 8 tấc, trong đó diện tích công điền, công thổ là 675 mẫu 3 sào 6 thước 8 tấc đều là đất lưu hoang và phế canh” [241], còn lại là tư điền chiếm diện tích rất ít.

Tóm lại, sản phẩm thu được từ nghề làm vườn, trại (rày), khai thác nguồn lợi tự nhiên đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo nguồn lương thực, thực phẩm cho các hộ gia đình nông dân làng xã. Ngoài ra, cư dân ở một số làng xã ven các chân núi


vào những dịp nông vụ nông nhàn thường tập trung lại thành các phường săn (thường có từ 10 đến 15 người) tổ chức đi săn các loại chim, thú trên núi Đại Huệ và núi Thiên Nhẫn. Cư dân còn vào khe Mét, khe Trúc, khe Mai... (núi Đại Huệ), khe Bò Đái, núi Hoàng Tâm... (dãy Thiên Nhẫn) khai thác cỏ Gianh, các loại song, mây, nứa mét, gỗ rừng về để xây dựng nhà cửa, chế tác các dụng cụ sinh hoạt, làm chuồng nuôi gia súc, gia cầm, hoặc mang ra các chợ trong làng, trong huyện để bán hoặc trao đổi nhu yếu phẩm khác cho gia đình.

3.2.5. Năng suất và tô thuế‌

3.2.5.1. Năng suất

Miêu tả về thời tiết, khí hậu thất thường ảnh hưởng đến năng suất, mùa vụ và những gian truân mà người Nghệ An đối mặt, Bùi Huy Bích (1744 - 1818), người huyện Thanh Trì, Hà Nội từng giữ chức Đốc đồng trấn Nghệ An (1777), cho biết:

“...Vào hè gió nóng thổi hoài,

Qua thu, mưa vẫn dẳng dai không ngừng.

Tháng mười, nước lũ còn dâng.

Tết Trùng dương (9/9 Âm lịch) cúc chưa từng nở hoa

... Gạo ăn rắn tựa đá nung,

Nước triều reo tựa quạ đồng kêu ran...” [106, tr.32]

Bùi Dương Lịch trong Nghệ An ký, còn cụ thể thêm: “Ruộng ở khoảng giữa thì có khi được vụ chiêm mất vụ mùa, hoặc được vụ mùa mất vụ chiêm, mà nơi cấy được vụ chiêm thì thường bị gió bão, nơi cấy được vụ mùa thì thường bị lũ lụt không sao cho thu hoạch vẹn toàn” [106, tr.219 - 220]. Hay sách Đại Nam nhất thống chí cũng cho biết: “Việc làm ruộng bắt đầu từ mùa hè mà thu hoạch về mùa đông, đấy là do khí hậu sớm muộn mà thành khác nhau như vậy”[106, tr.167].

Chính sách không đắp đê mà nhà Nguyễn duy trì và những diễn biến thất thường của thời tiết, khí hậu cùng với phương thức canh tác lạc hậu, không có hệ thống thuỷ lợi tưới tiêu đủ sức dẫn thuỷ nhập điền vào mùa hạ hay tiêu úng về mùa lũ; các loại giống, cây trồng đều giống với các thế kỷ trước, là những nguyên nhân chính khiến năng suất, sản lượng lúa và các loại cây lương thực, hoa màu ở Nghệ An nói chung, Nam Đàn nói riêng ở thế kỷ XIX thấp, nhiều năm thậm chí mùa vụ có thể mất trắng do thiên tai, địch họa, khiến lương thực, thực phẩm không đủ để đáp ứng nhu cầu của cư dân địa phương. Những năm thiên tai kéo dài, mất mùa đói kém, giá gạo lên


cao, ngoài một số gia đình khá giả ở Nam Đàn “Thường phải ăn đong gạo xứ Sơn Nam đem đến bán” [106, 220], còn đại đa số rơi vào tình trạng thiếu đói, nhà Nguyễn đã phải nhiều lần mở kho phát chẩn hoặc bán rẻ cho dân để cứu đói, chẳng hạn năm 1816 phát 16 phương gạo bán rẻ cho dân đói Nghệ An [170, tr.164].

3.2.5.2. Tô thuế

Ngay sau khi lên nắm vương quyền, vua Gia Long cho sửa lại hộ tịch và điền tịch đã hư hỏng trong những năm đất nước rơi vào thảm hoạ nội chiến. Theo đó, hộ tịch phân ra 9 hạng, tuỳ từng hạng mà nộp thuế toàn phần hoặc được miễn giảm phân nửa hay miễn trừ cả sưu thuế lẫn sai dịch. Dân công nghệ thì nộp thuế sản vật. Thời Minh Mệnh thì định lại thuế điền, chia cả nước ra 3 khu vực để đánh thuế. Dân Thanh Nghệ và Bắc Hà chịu thuế đinh và thuế điền cao nhất cả nước. Theo thống kê của bộ Hộ thì số đinh năm đầu đời Gia Long ở trấn Nghệ An (gồm Nghệ An và Hà Tĩnh) là 65.400 người, đến triều Tự Đức riêng tỉnh Nghệ An là 56.870 người [2, tr.19]. Đối với tô thuế, đến cuối thời vua Gia Long, tổng số ruộng đất của trấn Nghệ

An (bao gồm cả Nghệ An và Hà Tĩnh), công tư điền thổ hơn 413.500 mẫu với số đinh hơn 115.400 người. Nghệ An lúc bấy giờ thuộc khu vực II (gồm các trấn Thanh Hóa, Nghệ An, Sơn Tây, Kinh Bắc, Hải Dương, Sơn Nam Thượng, Sơn Nam Hạ, phủ Phụng Thiên), cho nên huyện Nam Đàn cũng bị áp bảng thuế như các huyện khác trong tỉnh. Theo đó, các loại đất công, tư đều chịu mức thuế là 120 bát/mẫu, trong khi ruộng công và ruộng tư có sự phân biệt rất rõ, cụ thể:

Bảng 3.10. Thuế ruộng đất công, tư ở khu vực II thời Gia Long


Ruộng công

Mức thuế

Ruộng tư

Mức thuế

Loại 1

120 bát/mẫu

Loại 1

40 bát/mẫu

Loại 2

84 bát/mẫu

Loại 2

30 bát/mẫu

Loại 3

50 bát/mẫu

Loại 3

20 bát/mẫu

Ruộng vụ mùa

15 thăng/mẫu

Ruộng các hạng

15 thăng/mẫu

Tiền thập vật

1 tiền

Tiền thập vật

1 tiền

Tiền mao nha

30 đồng

Tiền mao nha

30 đồng

Đất công, tư

Đất phù sa công cấy lúa

120 bát/mẫu

Đất tư trồng lúa

120 bát/mẫu

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 203 trang tài liệu này.

Kinh tế huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An dưới triều Nguyễn thời kỳ 1802 - 1884 - 12

[149, tr.169 - 170, 275 - 276]


Sang thời Minh Mệnh, việc quy định thuế ruộng đất có sự thay đổi. Năm 1840, các khu vực từ Nghệ An - Hà Tĩnh trở ra Bắc được xếp vào khu vực II. Trong bối cảnh đó Huyện Nam Đàn vẫn thuộc khu vực II và chịu mức thuế đối với ruộng công, ruộng tư như sau:

Bảng 3.11. Thuế ruộng công, tư ở khu vực II thời Minh Mệnh


Ruộng công

Mức thuế

Ruộng tư

Mức thuế

Loại 1

80 thăng/mẫu

Loại 1

26 thăng/mẫu

Loại 2

56 thăng/mẫu

Loại 2

20 thăng/mẫu

Loại 3

33 thăng/mẫu

Loại 3

13 thăng/mẫu

[149, tr.283]


Ngoài ra, thuế đối với đất trồng các loại như: dâu, mía, trầu cau, khoai, lạc... và đất ở ít nhất một mẫu nộp 4 tiền, cao nhất 2 quan.

Đến thời Tự Đức, tỉnh Nghệ An được xếp vào khu vực IV (từ Hà Tĩnh trở ra các tỉnh đồng bằng sông Hồng), mức thuế ở đây lại tăng lên so với trước.

Bảng 3.12. Thuế ruộng đất công, tư ở khu vực IV thời Tự Đức


Ruộng công, tư

Ruộng công

Mức thuê

Ruộng tư

Mức thuế

Loại 1

120 bát/mẫu

Loại 1

40 bát/mẫu

Loại 2

84 bát/mẫu

Loại 2

30 bát/mẫu

Loại 3

50 bát/mẫu

Loại 3

20 bát/mẫu

Đất công, tư

Đất công trồng dâu

2,2 quan

1 tiền lúa cánh

Đất chuyên trồng dâu

1,5 quan

1 tiền lúa cánh

Đất trồng khoai

1,2 quan

1 tiền lúa cánh

[149, tr.137 - 139]

Theo các bảng thống kê trên, tính trung bình chung các loại theo ruộng đất công tư thì thuế ruộng đất công cao hơn 2,8 lần so với thuế ruộng đất tư. Nhà nước thu tô thuế chủ yếu bằng hiện vật, tức là bằng lúa. Ngoài các khoản thuế trên còn có các khoản phụ thu khác và thu bằng “tiền về thẻ tre, khoán khố, điền mẫu, thường tân, cung đốn, không cứ công hay tư, mỗi mẫu nộp 3 tiền” [156, tr.549].

Xem tất cả 203 trang.

Ngày đăng: 16/04/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí