Chính Sách Thúc Đẩy Nghiên Cứu Và Triển Khai Công Nghệ Mới


thêm máy móc, thiết bị cho mỗi người lao động trở nên khó khăn hơn. Tỷ lệ tư bản trên mỗi lao động giảm làm cho GDP bình quân trên mỗi lao động giảm.

Vấn đề này thể hiện rò nét trong trường hợp vốn nhân lực. Các nước có tỷ lệ gia tăng dân số cao thường có số trẻ em ở độ tuổi đi học lớn. Điều này gây sức ép lên hệ thống giáo dục. Do đó, các nước có dân số tăng nhanh thường ít có những thành tựu cao về giáo dục.

Cắt giảm tốc độ tăng dân số thường được coi là một phương thức tăng mức sống ở các nước kém phát triển. Tại một số nước, mục tiêu kiểm soát tăng trưởng dân số thường được thực hiện một cách gián tiếp thông qua việc làm tăng hiểu biết của mọi người về kỹ thuật sinh đẻ có kế hoạch.

Phương pháp khác mà một nước có thể áp dụng để tác động đến mức tăng dân số là chính sách thúc đẩy sự đối xử công bằng đối với phụ nữ. Những phụ nữ có cơ hội hấp thu nền giáo dục tốt và nghề nghiệp hấp dẫn thường muốn có ít con hơn những phụ nữ không có được co hội như thế. Do đó, chính sách thúc đẩy sự đối xử công bằng với phụ nữ là một phương pháp để kiềm chế tốc độ gia tăng dân số ở các nước kém phát triển.

3.3.7. Chính sách thúc đẩy nghiên cứu và triển khai công nghệ mới

Lý do cơ bản để mức sống ngày hôm nay cao hơn 100 năm trước là những tiến bộ của tri thức công nghệ. Điện thoại, thiết bị bán dẫn, máy tính điện tử và động cơ đốt trong là những sáng chế trong hàng triệu sáng chế đã nâng cao năng lực sản xuất hàng hóa và dịch vụ của chúng ta.

Mặc dù phần lớn tiến bộ về công nghệ bắt nguồn từ các doanh nghiệp và nhà sáng chế độc lập, nhưng nhà nước cũng rất quan tâm đến việc thúc đẩy những nỗ lực này. Nói rộng ra, tri thức là một hàng hóa công cộng: khi một người phát kiến ra ý tưởng, nó thuộc về kho tàng tri thức của xã hội và mọi người có thể tự do sử dụng nó. Vì Chính phủ có vai trò trong việc cung cấp các hàng hóa công cộng như quốc phòng nên nó cũng có vai trò thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và triển khai công nghệ mới.

Còn một cách khác để Chính phủ khuyến khích hoạt động nghiên cứu là thông qua hệ thông bản quyền. Khi một cá nhân hay doanh nghiệp sáng chế ra sản phẩm mới, một loại thuốc mới chẳng hạn, thì nhà sáng chế có thể xin cấp bằng sáng chế. Nếu sản phẩm đó đúng là sáng chế thực sự, Chính phủ sẽ cấp bằng sáng chế và nhà sáng chế có đặc quyền chế tạo sản phẩm ấy trong một số năm nhất định. Về bản chất, bằng sáng chế chứng nhận quyền sở hữu của người sáng chế đối với sản phẩm của họ, biến ý tưởng của họ từ một hàng hóa công cộng trở thành hàng hóa tư nhân. Bằng cách cho phép nhà sáng chế thu được lợi nhuận từ sáng chế của mình – dù chỉ là tạm thời – hệ thống bằng sáng chế thúc đẩy cá nhân và doanh nghiệp tham gia nghiên cứu.


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 216 trang tài liệu này.


BÀI ĐỌC THÊM

Kinh tế học vĩ mô - 9


BÀI 1: CÁC LÝ THUYẾT XÁC ĐỊNH NGUỒN LỰC CỦA TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ

Các nhà kinh tế từ lâu đã nghiên cứu tầm quan trọng tương đối của các nhân tố

khác nhau trong việc quyết định tăng trưởng. Trong phần dưới đây, chúng ta sẽ xem xét các mô hình tăng trưởng kinh tế để có thể đưa ra một số cơ sở về lực điều khiển dứng đằng sau sự tăng trưởng.

1. Lý thuyết cổ điển của Adam Smith và Thomas Malthus

Không giống như các lý thuyết gia về tăng trưởng ngày nay, các nhà kinh tế cổ điển như Adam Smith và Thomas Malthus nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của đất đai trong tăng trưởng kinh tế. Trong tác phẩm “Của cải của các dân tộc” (1776), Adam Smith đã đưa ra một sổ tay hướng dẫn về phát triển kinh tế. Ông xem xét thời kỳ mà trong đó đất đai được chia tự do cho tất cả mọi người. Do đó, đất đai là sẵn có cho mọi người nên mọi người chỉ việc đơn giản mở rộng thêm nhiều diện tích hơn khi dân số tăng lên. Nhưng do không có tư bản, sản lượng sẽ tăng đúng gấp đôi khi dân số tăng gấp đôi.

Thời kỳ như vậy không kéo dài mãi. Khi dân số tiếp tục tăng, tất cả đất đai đều đã có người chiếm giữ. Một khi những vùng đất vô chủ không còn nữa, sự tăng trưởng cân đối đất đai, lao động và sản lượng sẽ không còn thực tế nữa. Những người lao động mới sẽ trở thành quá đông trên những vùng đất đai đã có người khai phá. Đất trở nên khan hiếm và địa tô ra đời để phân phối đất đai cho những cách sử dụng khác nhau.

Dân số vẫn tiếp tục tăng và sản phẩm quốc dân cũng như vậy. Nhưng sản lượng tăng thêm chậm hơn tốc độ tăng dân số. Với số đất đai cố định, mỗi lao động bây giờ có ít đất đai để sử dụng hơn và quy luật lợi tức giảm dần bắt đầu hoạt động. Tỷ số lao động – đất đai ngày càng tăng lên dẫn đến năng suất cận biên của lao động giảm xuống và do đó làm cho tiền lương thực tế giảm. Đồng thời, đất đai khan hiếm hơn làm cho mức địa tô trên một đơn vị diện tích đất cao hơn. Các chủ đất đai sẽ được lợi với các giá phải trả của người lao động.

Mọi việc sẽ đi đến đâu? Malthus cho rằng, áp lực dân số sẽ đẩy nền kinh tế tới một điểm mà tại đó người lao động chỉ còn sống ở mức vừa đủ tối thiếu. Ông cho ràng, các tầng lớp lao động sẽ đi đến một cuộc sống tàn bạo, bẩn thỉu và ngắn ngủi.

Tóm lại, các nhà kinh tế cổ điển như Adam Smith và Thomas Malthus nhấn mạnh đến vai trò của nguồn lực tự nhiên (đất đai) trong tăng trưởng kinh tế. Đây là một trong 4 nguồn lực của tăng trưởng đã được đề cập ở trên.


2. Lý thuyết tăng trưởng của trường phái Keynes

Dựa vào tư tưởng của Keynes về vai trò của đầu tư trong tăng trưởng kinh tế vào những năm 1940, với sự nghiên cứu độc lập, nhà kinh tế học người Anh là Harrod và nhà kinh tế học người Mỹ là Domar đã độc lập công bố mô hình tăng trưởng kinh tế trong đó họ đã lượng hóa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và nhu cầu về vốn, được gọi chung là mô hình Harrod – Domar. Logic cơ bản từ mô hình này là để tăng trưởng kinh tế phải tiết kiệm và đầu tư một phần thu nhập của mình. Tiết kiệm và đầu tư càng nhiều thì tăng trưởng càng nhanh. Tuy nhiên, đây cũng là nhược điểm của mô hình này vì nó quá đơn giản khi coi tốc độ tăng trưởng chỉ được xác định bởi tỷ lệ tiết kiệm.

Như vậy, mô hình tăng trưởng của phái Keynes chỉ ra được nguồn tăng trưởng là tích lũy tư bản, một trong bốn nguồn lực của tăng trưởng đã được đề cập ở trên.

3. Lý thuyết tân cổ điển về tăng trưởng kinh tế

Dự đoán của Malthus không đúng vì ông không nhận ra rằng đổi mới công nghệ và đầu tư vào tư bản có thể khắc phục được quy luật lợi tức giảm dần. Đất không trở thành nhân tố gây hạn chế trong sản xuất. Thay vào đó, cách mạng công nghiệp đã tạo ra bước tiến nhảy vọt, làm cho thế giới thay đổi nhanh chóng.

Để hiểu được tích lũy tư bản và thay đổi công nghệ tác động đến nền kinh tế như thế nào, chúng ta phải hiểu được mô hình tăng trưởng kinh tế tân cổ điển. Robert Solow đã đi tiên phong trong cách tiếp cận này. Mô hình tăng trưởng tân cổ điển được coi là công cụ cơ bản để tìm hiểu quá trình tăng trưởng kinh tế ở các nước tiên tiến và đã được áp dụng vào những nghiên cứu thực nghiệm về các nguồn lực tăng trưởng kinh tế.

Solow đã chuyển mô hình tăng trưởng của Harrod – Domar thành mô hình tân cổ điển bằng cách đưa vào đó một hàm sản xuất thuần ổn định và hiệu quả không đổi theo quy mô.

Mô hình tăng trưởng tân cổ điển mô tả nền kinh tế trong đó một đầu ra đồng nhất duy nhất được sản xuất bằng hai loại đầu vào, tư bản và lao động. Tăng mức lao động được xác định bằng những lực lượng bên ngoài của nền kinh tế và không chịu ảnh hưởng bởi các biến số kinh tế. Ngoài ra, chúng ta giả định rằng, nền kinh tế là cạnh tranh và luôn hoạt động ở mức toàn dụng lao động, do đó, có thể giải thích mức tăng trưởng của sản lượng tiềm năng.

Những thành phần mới chủ yếu của mô hình tăng trưởng tân cổ điển là tư bản và thay đổi công nghệ. Tạm giả định rằng, công nghệ không đổi và chỉ tập trung vào vai trò của tư bản trong quá trình tăng trưởng. Để thuận tiện, giả định rằng chỉ có một loại hàng hóa tư bản duy nhất (K). Trong những tính toán ngoài thực tế, chúng ta tính gần đúng toàn bộ hàng hóa tư bản bằng giá trị bằng tiền của hàng hóa tư bản (tức là giá trị


tính theo giá gốc của thiết bị, nhà xưởng, máy tính…) Nếu L là số công nhân thì K/L là lượng tư bản trên một công nhân.

Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, các nhà kinh tế nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tăng cường tư bản theo chiều sâu, là quá trình trong đó lượng tư bản tính trên đầu người công nhân tăng theo thời gian.

Tỷ suất lợi tức trên tư bản sẽ ra sao trong quá trình tăng cường tư bản theo chiều sâu? Với một trình độ công nghệ nhất định, tốc độ đầu tư nhanh chóng vào nhà xưởng, thiết bị có xu hưởng làm giảm tỷ suất lợi tức trên tư bản. Mỗi công nhân sẽ làm việc với nhiều tư bản hơn và do đó năng suất cận biên của họ sẽ tăng lên.

Chúng ta có thể tóm tắt về tác động của tăng cường tư bản theo chiều sâu trong mô hình tăng trưởng tân cổ điển như sau:

Tăng cường tư bản theo chiều sâu diễn ra khi lượng dự trữ tư bản tăng lên nhanh hơn lực lượng lao động. Khi không có thay đổi công nghệ, tăng cường tư bản theo chiều sâu sẽ làm tăng sản lượng trên mỗi công nhân, là tăng năng suất cận biên của người lao động và tăng tiền lương; nó cũng đồng thời dẫn đến lợi tức của tư bản giảm dần và kéo theo là giảm tỷ suất lợi tức của tư bản



BÀI 2: QUAN ĐIỂM CỦA THOMAS MALTHUS VỀ TỐC ĐỘ TĂNG DÂN SỐ

Trong cuốn sách nổi tiếng nhan đề “Bàn về nguyên lý dân số khi xem xét ảnh hưởng của nó tới tiến bộ tương lai của xã hội”, Thomas Malthus (1766 – 1834), một mục sư đồng thời là nhà tư tưởng kinh tế sơ kỳ người Anh, đã đưa ra những dự báo có lẽ là bi quan nhất trong lịch sử. Malthus cho rằng sự gia tăng dân số liên tục cản trở khả năng sản xuất đủ thực phẩm cho xã hội. Kết quả là loài người phải chịu số mệnh sống mãi mãi trong nghèo khổ.

Logic của Malthus rất đơn giản. Ông bắt đầu bằng việc để ý thấy “ thực phẩm là cần thiết cho sự tồn tại của loài người” và “sự đam mê giữa hai giới tính là cần thiết và sẽ vẫn được duy trì gần như hiện tại”. Ông kết luận rằng “năng lực của dân số rò ràng lớn hơn năng lực của đất đai trong việc tạo ra thực phẩm cho loài người”. Theo Malthus, kết quả duy nhất mà sự gia tăng dân số đem lại là “bần cùng và tội ác”. Những nỗ lực của các tổ chức từ thiện hay Chính phủ nhằm làm giảm bớt đói nghèo sẽ phản tác dụng bởi vì những nỗ lực này chỉ làm cho người nghèo sinh đẻ ngày càng nhiều, đặt thêm nhiều rào cản lên năng lực sản xuất của xã hội.

May mắn thay, dự đoán của Malthus khác xa những gì diễn ra sau đó. Mặc dù dân số thế giới tăng gấp nhiều lần trong vòng hơn hai thế kỷ qua song mức sống trung bình trên thế giới đã được nâng lên cao hơn rất nhiều. Hậu quả của tăng trưởng dân số không còn là nạn đói và suy dinh dưỡng triền miên như thời của Malthus. Nạn đói đôi khi xảy ra nhưng chúng thường là kết quả của sự phân phối thu nhập không bình đẳng hay sự không ổn định chính trị chứ không phải do sản xuất không đủ thực phẩm.

Vậy Malthus sai lầm ở chỗ nào? Ông đã không hiểu được rằng óc sáng tạo của con người phát triển mạnh hơn tốc độ tăng dân số. Những phát kiến mới về phương thức sản xuất hàng hóa và các loại hàng hóa mới đã đem lại sự thịnh vượng nhiều hơn nhiều so với trí tưởng tượng của Malthus hay bất cứ người nào khác ở thời của ông. Phân bón, thuốc trừ sâu, nông cụ được cơ giới hóa và tăng vụ là những yếu tố cho phép mỗi người nông dân ngày càng cung cấp đủ lương thực, thực phẩm cho nhiều người hơn. Những tác động của tiến bộ công nghệ thúc đẩy sự thịnh vượng vượt xa bất cứ tác động làm giảm sự giàu có nào do sự tăng dân số gây ra.

Thực ra, một số nhà kinh tế ngày nay còn đi xa hơn nữa với ý kiến cho rằng sự gia tăng dân số thậm chí còn có thể giúp loài người đạt được mức sống cao hơn. Nếu có thêm nhiều người hơn, chúng ta có thể có thêm nhiều nhà khoa học, nhà phát minh và kỹ sư để góp phần vào tiến bộ công nghệ, đem lại lợi ích cho mọi người. Có lẽ sự gia tăng dân số thế giới không phải là nguồn gốc tước đoạt tăng trưởng như Malthus đã dự báo, mà thực sự là động lực cho tiến bộ công nghệ và sự thịnh vượng kinh tế.




I/ LÝ THUYẾT

NỘI DUNG ÔN TẬP

A/ CÂU HỎI TỰ LUẬN

1. GDP của một quốc gia phản ánh điều gì ? Tỷ lệ tăng GDP phản ánh điều gì ? Bạn muốn sống ở một nước có GDP cao và tỷ lệ tăng trưởng thấp hay ở nước có GDP thấp nhưng tỷ lệ tăng trưởng cao ?

2. Giải thích các yếu tố cơ bản quyết định tăng trưởng kinh tế.

3. Giải thích tại sao mức tiết kiệm cao hơn lại dẫn tới mức sống cao hơn. Tỷ lệ tiết kiệm cao hơn dẫn tới tăng trưởng cao hơn nhưng đến lúc nào đó tăng trưởng sẽ giảm dần. Đúng hay sai ? Tại sao ?

4. Tại sao việc xóa bỏ các rào cản thương mại lại có thể dẫn đến tăng trưởng cao

hơn.


5. Tại sao đầu tư vào giáo dục là chính sách lớn của nhiều quốc gia ?

6. Tìm hai ví dụ mà Việt Nam đã sử dụng để khuyến khích tiến bộ về tri thức

công nghệ.

B/ CÂU HỎI TRẮC NGHIỆM

7. Nếu trong một năm nào đó, GDP thực tế là 110 và GDP thực tế năm trước là 100 thì tốc độ tăng trưởng của năm đó bằng:

a. 110%

b. 10%

c. 210%

d. 20%

8. Mức sống của người dân một nước có thể được phản ánh bằng chỉ tiêu:

a. GDP thực tế bình quân đầu người

b. GDP thực tế

c. GDP danh nghĩa bình quân đầu người

d. GDP danh nghĩa

9. Nguồn gốc của tăng trưởng kinh tế là:

a. Sự gia tăng về tài nguyên thiên nhiên

b. Sự gia tăng của tư bản

c. Sự gia tăng của vốn nhân lực

d. Tất cả các đáp án đều đúng

10. Tăng trưởng kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào:

a. Chất lượng môi trường

b. Chi phí y tế

c. Năng suất

d. Đạo đức kinh doanh


11. Đầu tư cho giáo dục và đào tạo sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vì:

a. Tạo ra nhiều việc làm hơn cho giáo viên

b. Làm gia tăng vốn nhân lực

c. Làm tăng quy mô của lực lượng lao động

d. Làm cho mọi người ngày càng quan tâm đến những vấn đề giáo dục

12. Để nâng cao mức sống, Chính phủ không nên làm điều gì?

a. Khuyến khích tiết kiệm và đầu tư

b. Hạn chế sự gia tăng dân số

c. Dựng lên các rào cản thương mại

d. Khuyến khích các hoạt động nghiên cứu

13. Điều nào sau đây có thể làm tăng mức sống của một quốc gia nghèo?

a. Sự gia tăng cơ hội giáo dục

b. Hạn chế tăng trưởng dân số

c. Sử dụng các hàng rào thương mại

d. A và B đúng

14. Để tăng khối lượng tư bản trong nền kinh tế, cần phải:

a. Thu hút đầu tư

b. Tăng tiêu dùng

c. Tăng chi tiêu Chính phủ

d. Có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú

15. Để nâng cao mức sống, Chính phủ nên làm điều gì?

a. Mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế

b. Khuyến khích các hoạt động nghiên cứu

c. Phát triển giáo dục

d. Tất cả các đáp án trên



CHƯƠNG 4: TỔNG CẦU, TỔNG CUNG VÀ CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA

Hoạt động kinh tế thường xuyên có sự biến động từ quý này qua quý khác, từ năm này qua năm khác. Do có sự tăng trưởng trong lực lượng lao động, tư bản, và tiến bộ công nghệ, nền kinh tế ngày càng sản xuất ra nhiều hàng hóa và dịch vụ hơn. Sự tăng trưởng này cho phép người dân được hưởng mức sống ngày càng cao. Tuy nhiên, trong một số giai đoạn, nền kinh tế có thể trải qua tăng trưởng âm. Hàng hóa và dịch vụ mà các doanh nghiệp sản xuất ra không được tiêu thụ hết buộc nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, thậm chí phải đóng cửa, nhiều công nhân bị mất việc, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Giai đoạn mà thu nhập giảm trong khi thất nghiệp tăng được gọi là suy thoái. Một cuộc suy thoái trầm trọng được gọi là khủng hoảng. Trong một số giai đoạn khác, nền kinh tế có thể tăng trưởng quá nóng. Sản xuất vượt quá mức bình thường có thể duy trì, trong khi áp lực lạm phát cũng tăng lên. Các doanh nghiệp có thể yêu cầu tăng ca, làm thêm giờ. Các biến động kinh tế xung quanh xu hướng dài hạn thường được gọi là chu kỳ kinh doanh.

Tổng cầu và tổng cung là hai thuật ngữ được các nhà kinh tế học vĩ mô sử dụng thường xuyên nhất. Chúng là những lực lượng làm cho nền kinh tế thị trường hoạt động. Chúng quyết định sản lượng hàng hóa và dịch vụ được sản xuất ra và mức giá chung của nền kinh tế. Nếu muốn biết một biến cố hoặc một chính sách ảnh hưởng tới nền kinh tế như thế nào, thì trước hết phải xem xét chúng tác động tới tổng cầu và tổng cung như thế nào.

4.1. TỔNG CẦU CỦA NỀN KINH TẾ

4.1.1. Khái niệm

Tổng cầu là tổng khối lượng hàng hóa, dịch vụ mà các tác nhân trong nền kinh tế (hộ gia đình, doanh nghiệp, Chính phủ) sẵn sàng mua với mức giá cả, thu nhập và các biến số kinh tế khác đã cho. Tổng cầu chính là tổng sản phẩm quốc dân.

Tổng cầu biểu hiện mối quan hệ giữa lượng cầu về hàng hóa, dịch vụ và mức giá chung. Nói cách khác, tổng cầu cho chúng ta biết lượng hàng hóa, dịch vụ mà mọi người sẵn sàng mua và có khả năng mua tại mức giá cả bất kỳ nào đó.

Đường tổng cầu là tập hợp các kết hợp giữa mức giá và sản lượng mà tại đó, cả hai thị trường hàng hóa và thị trường tiền tệ đều cân bằng.

Đường tổng cầu dốc xuống thể hiện rằng nếu các nhân tố khác không đối, một sự giảm mức giá chung sẽ làm cho tổng cầu tăng lên.

Xem tất cả 216 trang.

Ngày đăng: 03/07/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí