Xác Định Quyền Sở Hữu Tài Sản Và Sự Ổn Định Chính Trị


Chúng ta có thể khái quát các nhân tố đó là : tư bản hiện vật, vốn nhân lực, tài nguyên thiên nhiên và tri thức công nghệ.

3.2.1. Tư bản hiện vật

Tư bản hiện vật (hay vốn sản xuất) là khối lượng máy móc, nhà cửa và hàng tồn kho được kết hợp với các nhân tố sản xuất khác để sản xuất ra hàng hoá (sản lượng).

Công nhân làm việc với năng suất cao hơn nếu họ có nhiều công cụ lao động hơn. Khối lượng trang thiết bị và cơ sở vật chất dùng trong quá trình sản xuất ra hàng hoá và dịch vụ được gọi là tư bản hiện vật, hay ngắn gọn gọi là tư bản. Tư bản biểu thị yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất mà trước đó nó từng là đầu ra của quá trình sản xuất khác. Như vậy, tư bản là nhân tố sản xuất được dùng để sản xuất ra tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ, trong đó có bản thân tư bản.

Ví dụ: khi người thợ mộc làm việc, anh ta cần có cưa, đục, bào, máy tiện… Việc có nhiều công cụ hơn cho phép người thợ làm việc nhanh và chính xác hơn. Nghĩa là trong một tuần, người thợ mộc với vài dụng cụ thô sơ sẽ làm được ít đồ gỗ hơn so với người thợ mộc được trang bị công cụ tinh vi, chuyên dụng cho nghề mộc.

Với một lực lượng lao động nhất định, khi tăng tổng số tư bản và số lượng tư bản trên đầu người lao động, sản lượng sẽ tăng. Tuy nhiên, tư bản bị hao mòn theo thời gian, vì vậy cần có một lượng đầu tư mới nhất định chỉ để duy trì nguyên vẹn khối lượng tư bản hiện có. Khi lực lượng lao động tăng, cần có một lượng đầu tư lớn hơn nữa nếu muốn giữ lượng tư bản trên một công nhân không thay đổi. Khi đầu tư tăng nhanh hơn, lượng tư bản trên từng công nhân tăng theo thời gian. Do đó làm tăng sản lượng mà mỗi công nhân có thể sản xuất ra.

3.2.2. Vốn nhân lực

Đây là nhân tố trung tâm của mọi sự biến đổi và phát triển kinh tế. Nguồn lao động là một nhân tố không thể thiếu được của tăng trưởng và phát triển kinh tế. Bởi vì mức việc làm có thể tăng vì hai lý do: Thứ nhất, có thể do dân số tăng. Thứ hai, một bộ phận lớn hơn trong dân số nhất định có thể đang có việc làm. Tuy nhiên, đầu vào về lao động phụ thuộc vào số giờ làm việc cũng như số người đang làm việc. Thậm chí với một mức việc làm nhất định, số giờ làm việc tăng sẽ làm tăng đầu vào lao động thực tế trong hàm sản xuất và do vậy làm tăng sản lượng.

Ngày nay trước tác động của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại, nhất là từ nửa cuối thập kỷ 70 trở lại đây, khi lao động trí tuệ trở thành đặc trưng, thì nguồn lao động dồi dào về số lượng chưa có ý nghĩa quyết định tăng tốc của GDP. Cái có ý nghĩa quyết định đến tăng trưởng và phát triển kinh tế là sự biến đổi về cơ cấu lao động theo hướng hàm lượng lao động trí tuệ trong tổng lượng lao động xã hội hiện có ngày càng tăng và chiếm ưu thế so với hàm lượng lao động giản đơn.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 216 trang tài liệu này.


Vốn nhân lực là kỹ năng và kiến thức nằm trong khối óc và bàn tay của con người. Việc tăng cường giáo dục, đào tạo và kinh nghiệm cho phép công nhân sản xuất nhiều sản phẩm hơn với cùng một lượng tư bản.

Kinh tế học vĩ mô - 8

Ví dụ: Tư bản hiện vật của Tây Đức bị phá huỷ đáng kể trong chiến tranh thế giới thứ II, nhưng vốn nhân lực của lực lượng lao động còn lại không mất đi. Với vốn kỹ năng này, nước Đức đã phục hồi được rất nhanh sau 1945 và tái lập được nguồn vốn vật chất của mình với sự trợ giúp bằng các khoản cho vay lớn của Mỹ theo kế hoạch Marshall. Nhưng nếu không có nguồn vốn nhân lực thừa kế, thì chắc gì chúng ta có thể được nghe nói về sự thần kỳ kinh tế của Đức sau chiến tranh.

Cũng giống như tư bản hiện vật, vốn nhân lực cũng là một nhân tố được quá trình sản xuất tạo ra. Việc sản xuất ra vốn nhân lực đòi hỏi đầu vào dưới dạng giáo viên, thư viện và thời gian nghiên cứu.

3.2.3. Tài nguyên thiên nhiên

Nhân tố thứ ba quyết định năng suất là tài nguyên thiên nhiên. Tài nguyên thiên nhiên là yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất do thiên nhiên mang lại. Đất đai, khoáng sản, nước, khí hậu,… được coi là một nguồn lực quan trọng. Những quốc gia giàu có về tài nguyên thiên nhiên sẽ đặc biệt thuận lợi trong quá trình đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng. Hầu hết các quốc gia có thu nhập thấp trên thế giới đều không được thiên nhiên ban cho những tài nguyên với trữ lượng cao và có thể được khai thác với nhiều lợi nhuận.

Số lượng và chất lượng các tài nguyên thiên nhiên của một quốc gia không hoàn toàn là cố định. Nếu chuyển một phần lao động và tư bản vào nghiên cứu, quốc gia đó có thể phát hiện được các nguồn tài nguyên thiên nhiên mới trong phạm vi biên giới của mình để nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế trong tương lai.

Trong nhóm tài nguyên thiên nhiên thì đất đai có vai trò cực kỳ quan trọng. Đặc biệt trong nền kinh tế nông nghiệp, nếu mỗi người lao động có thêm ruộng đất, sản lượng nông nghiệp sẽ tăng. Trong các quốc gia có nền công nghiệp hoá cao thì đất đai kém phần quan trọng hơn. Ví dụ, Hồng Kông đã tăng trưởng và phát triển hết sức nhanh chóng mặc dù dân quá đông đúc và đất đai khan hiếm.

Có hai loại tài nguyên thiên nhiên: loại tái tạo được và loại không tái tạo được. Rừng cây là ví dụ về tài nguyên tái tạo được. Khi một cây gỗ bị đốn, người ta có thể trồng cây mới để thu hoạch trong tương lai. Dầu mỏ là ví dụ về tài nguyên không tái tạo được. Vì dầu mỏ là sản phẩm của thiên nhiên sau hàng ngàn năm biến đổi, nên nguồn cung chỉ có hạn. Khi nguồn cung dầu mỏ cạn kiệt, chúng ta không thể tạo thêm.

Sự khác biệt về nguồn tài nguyên thiên nhiên gây ra một số khác biệt về mức sống trên thế giới. Sự thành công có ý nghĩa lịch sử của Mỹ một phần bắt nguồn từ


cung đất đai mênh mông, thích hợp cho ngành nông nghiệp. Ngày nay, một số nước ở vùng Trung Đông như Cô - oét và Ả rập Xê út rất giàu chỉ vì họ vô tình sống trên những giếng dầu lớn nhất thế giới.

Mặc dù nguồn tài nguyên thiên nhiên có ý nghĩa quan trọng, nhưng đó không nhất thiết phải là nguyên nhân làm cho nền kinh tế có năng suất cao trong việc sản xuất hàng hoá và dịch vụ. Ví dụ: Nhật là nước thuộc loại giàu nhất thế giới mặc dù không có mấy tài nguyên thiên nhiên. Thương mại quốc tế là nguyên nhân thành công của nước Nhật. Nhật nhập khẩu rất nhiều tài nguyên thiên nhiên cần thiết, chẳng hạn dầu mỏ, rồi xuất khẩu hàng công nghiệp sang nước có nhiều tài nguyên.

3.2.4. Tri thức công nghệ

Tri thức công nghệ là những hiểu biết của xã hội về cách thức tốt nhất để sản xuất ra hàng hoá và dịch vụ. Cách đây một thế kỷ, đa số người Mỹ là nông dân, bởi vì kỹ thuật trồng trọt hồi ấy đòi hỏi nhiều đầu vào lao động để làm ra lượng lương thực cần thiết cho mọi người. Ngày nay, nhờ những tiến bộ trong kỹ thuật trồng trọt, chỉ một phần nhỏ dân số làm việc trong nông nghiệp cũng đủ nuôi sống toàn xã hội. Sự thay đổi về công nghệ như thế cho phép chuyển lao động sang các ngành sản xuất ra hàng hoá và dịch vụ.

Tri thức công nghệ có nhiều dạng. Một số công nghệ là tri thức chung - nghĩa là khi một người sử dụng nó, những người khác cũng nhận thức được nó. Ví dụ, khi Henry Ford áp dụng thành công cách sản xuất bằng dây chuyền lắp ráp, các nhà sản xuất xe hơi khác cũng nhanh chóng áp dụng công nghệ này. Các công nghệ khác là công nghệ độc quyền - chỉ có công ty phát minh ra nó biết. Ví dụ, chỉ duy nhất Coca Cola biết công thức bí mật để pha chế loại nước giải khát nổi tiếng của nó. Một số công nghệ khác mang tính độc quyền chỉ trong thời gian ngắn. Khi công ty bào chế dược phẩm phát minh ra một loại thuốc mới, hệ thống bản quyền cho phép nó có quyền tạm thời là nhà sản xuất duy nhất loại thuốc đặc biệt đó. Song khi bản quyền hết hạn, các công ty khác cũng được phép sản xuất loại thuốc đó. Tất cả các dạng tri thức công nghệ như trên đều có vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất hàng hoá và dịch vụ của nền kinh tế.

Cần phân biệt giữa tri thức công nghệ và vốn nhân lực. Mặc dù hai khái niệm này khá gần nhau, nhưng chúng có một khác biệt quan trọng. Tri thức công nghệ phản ánh kiến thức xã hội trong việc nhận thức thế giới vận hành ra sao. Vốn nhân lực phản ánh mức độ lực lượng lao động hấp thụ và tiếp nhận nguồn tri thức trên như thế nào. Sử dụng lối nói ẩn dụ, chúng ta có thể coi tri thức là cuốn sách giáo khoa của xã hội, trong khi vốn của nhân lực là lượng thời gian mà các thành viên xã hội bỏ ra để đọc cuốn


sách đó. Năng suất của công nhân phụ thuộc vào cả chất lượng cuốn sách lẫn thời gian anh ta bỏ ra để đọc nó.

Yếu tố này bao gồm những tiến bộ về khoa học kỹ thuật cũng như về quản lý. Mấy thập niên qua, loài người đã chứng kiến những tiến bộ to lớn và nhanh chóng trên nhiều lĩnh vực khoa học kỹ thuật như tin học, sinh học, vật liệu mới,… Công nghệ mới đã giúp nhiều quốc gia nhanh chóng mở rộng quy mô sản xuất, hạ thấp chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của hàng hoá, giúp con người khai thác có hiệu quả nhất nguồn tài nguyên thiên nhiên vốn là khan hiếm. Trong thế kỷ XXI, đối với các nước phát triển, yếu tố có ý nghĩa quyết định sự thành công về phát triển kinh tế là công nghệ mới, còn đối với các nước đang phát triển lại đòi hỏi phải nhanh chóng đổi mới công nghệ, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Vấn đề học hỏi, nghiên cứu và lựa chọn công nghệ thích hợp có ý nghĩa quyết định tốc độ tăng trưởng.

Những yếu tố trên đây là những nguồn lực chủ yếu quyết định tăng trưởng kinh tế, nó được coi là những yếu tố sản xuất - những đầu vào của quá trình sản xuất. Khi gia tăng các đầu vào thì sản lượng đầu ra chủ yếu sẽ tăng lên. Mức tăng trưởng nhanh hay chậm tuỳ thuộc vào mức tăng các đầu vào. Vì vậy việc đo lường mức tăng trưởng các đầu vào (nhân lực, tư bản,…) để tính toán khả năng tăng trưởng đầu ra (sản lượng…) thể hiện bằng việc xây dựng các mô hình tăng trưởng (như các hàm sản xuất…) là hướng cố gắng của nhiều nhà kinh tế trên thế giới. Tuy nhiên, trong thực tiễn đã có những khó khăn nảy sinh:

- Có những đầu vào khó đo lường và khó tính được ảnh hưởng của nó (như chất lượng giáo dục, quản lý sản xuất, kỹ thuật mới,..)

- Vai trò mỗi yếu tố đối với tăng trưởng cũng khác nhau đối với các quốc gia. Có những nước rất cần tư bản. Nếu được đầu tư sẽ đem lại sự tăng trưởng rò rệt. Trái lại có những nước việc gia tăng tiết kiệm mở rộng tích luỹ tư bản lại không hiệu quả. Đối với các nước đang phát triển việc sử dụng hiệu quả vốn nhân lực lại có ý nghĩa quan trọng đối với tăng trưởng.

Bao trùm lên toàn bộ các yếu tố tăng trưởng là chiến lược khôn ngoan, đúng đắn, nắm bắt cơ hội trong và ngoài nước, tận dụng mọi lợi thế so sánh sẽ làm cho đất nước có đà tăng trưởng nhanh. Lịch sử tăng trưởng của các nước cũng cho thấy vai trò của sự lãnh đạo của Chính phủ trong điều hành kinh tế là đặc biệt quan trọng.

3.3. CÁC CHÍNH SÁCH THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG

3.3.1. Chính sách khuyến khích tiết kiệm và đầu tư

Vì tư bản là nhân tố sản xuất được sản xuất ra nên xã hội có thể làm thay đổi khối lượng tư bản trong nền kinh tế. Nếu hôm nay đất nước sản xuất ra nhiều hàng hóa đầu tư thì ngày mai nó sẽ có nhiều tư bản hơn và có thể sản xuất ra nhiều hàng hóa,


dịch vụ hơn. Do đó, một cách để nâng cao năng suất trong tương lai là đầu tư nguồn lực hiện có nhiều hơn vào quá trình sản xuất hàng hóa đầu tư.

Tuy nhiên, vì nguồn lực có tính chất khan hiếm nên việc tập trung nhiều nguồn lực hơn vào sản xuất hàng đầu tư buộc chúng ta phải giảm bớt nguồn lực dành cho sản xuất hàng hóa, dịch vụ cho tiêu dùng hiện tại. Nghĩa là, khi xã hội đầu tư nhiều hơn vào tư bản, nó buộc phải tiêu dùng ít hơn và phải tiết kiệm phần thu nhập lớn hơn đồng nghĩa với việc xã hội phải hi sinh tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ ở hiện tại để được hưởng mức tiêu dùng cao hơn trong tương lai.

Giả sử Chính phủ một nước theo đuổi chính sách tăng tỷ lệ tiết kiệm thì điều gì sẽ xảy ra? Khi tiết kiệm nhiều hơn đồng nghĩa với việc các nguồn lực dành cho sản xuất hàng tiêu dùng giảm xuống và nguồn lực dành cho sản xuất hàng đầu tư tăng lên. Kết quả là khối lượng tư bản tăng dẫn đến năng suất và tốc độ tăng trưởng tăng. Nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế cao như thế sẽ duy trì được bao lâu? Nếu tỷ lệ tiết kiệm tiếp tục giữ ở mức cao như ban đầu thì tỷ lệ tăng trưởng cứ cao mãi hay chỉ duy trì trong một khoảng thời gian nào đó thôi?

Quan điểm về quá trình sản xuất là tư bản bị chi phối bởi quy luật lợi suất giảm dần: khi khối lượng tư bản tăng, mức sản lượng được sản xuất thêm từ một đơn vị tư bản bổ sung thêm sẽ giảm xuống. Nói cách khác, khi người lao động đã có một lượng lớn tư bản để sản xuất ra hàng hóa và doanh nghiệp thì việc trang bị thêm cho họ một đơn vị tư bản nữa chỉ làm tăng năng suất lên một ít. Vì lợi suất giảm dần, sự gia tăng tỷ lệ tiết kiệm chỉ dẫn tới tăng trưởng nhanh hơn trong một khoảng thời gian nào đó. Vì tỷ lệ tiết kiệm tăng cho phép tích lũy tư bản nhiều hơn nên ích lợi thu được từ khối lượng tư bản tăng thêm ngày càng giảm xuống và tăng trưởng chậm dần. Trong dài hạn, tỷ lệ tiết kiệm cao hơn dẫn tới năng suất và thu nhập cao hơn nhưng không làm cho các biến số này tăng nhanh hơn.

Lợi suất giảm dần của tư bản còn có một hàm ý quan trọng khác: khi các yếu tố khác không đổi, một nước có xuất phát điểm thấp thường sẽ tăng trưởng với tốc độ cao hơn. Hiệu ứng của điều kiện ban đầu trong tăng trưởng như vậy đôi khi được gọi là hiệu ứng đuổi kịp. Tại các nước kém phát triển, người lao động thiếu phương tiện sản xuất do đó năng suất của họ thấp. Chỉ cần đầu tư thêm một chút tư bản là năng suất của họ tăng lên đáng kể. Trái lại, người lao động ở những nước phát triển đã được trang bị nhiều phương tiện sản xuất và điều này khiến cho năng suất của họ cao. Nhưng do khối lượng tư bản trên một người lao động đã rất cao nên khối lượng tư bản tăng thêm cho những người này chỉ làm tăng năng suất ở mức tương đối nhỏ. Việc nghiên cứu các số liệu quốc tế khẳng định hiệu ứng đuổi kịp: khi kiểm soát được các biến số khác, chẳng hạn tỷ lệ phần trăm GDP dành cho đầu tư, các nước kém phát triển có xu hướng tăng trưởng nhanh hơn các nước phát triển.


3.3.2. Chính sách thu hút đầu tư từ nước ngoài

Tiết kiệm trong nước không phải là cách duy nhất để một nước đầu tư vào tư bản. Một cách khác là nhận đầu tư từ nước ngoài.

Có nhiều loại đầu tư nước ngoài. Công ty Youngone có thể xây dựng nhà máy may ở Việt Nam. Một khoản đầu tư vào tư bản mà quyền sở hữu và quyền điều hành thực hiện bởi chủ thể nước ngoài được gọi là đầu tư nước ngoài trực tiếp. Dạng khác là người Hàn Quốc mua cổ phiếu của một công ty Việt Nam. Khoản đầu tư được tài trợ bằng tiền nước ngoài nhưng do người dân trong nước điều hành gọi là đầu tư nước ngoài gián tiếp. Trong cả hai trường hợp, người Hàn Quốc cung cấp nguồn lực cần thiết để tăng khối lượng tư bản ở Việt Nam. Nghĩa là, tiết kiệm của Hàn Quốc được dùng để tài trợ cho đầu tư ở Việt Nam.

Khi một người nước ngoài đầu tư vào một nước nào đó, họ hi vọng thu được lợi nhuận từ khoản đầu tư. Nhà máy may của Youngone làm tăng khối lượng tư bản của Việt Nam, do vậy làm tăng năng suất và GDP của Việt Nam. Nhưng Youngone lấy đi một phần thu nhập tăng thêm và chuyển về Hàn Quốc dưới dạng lợi nhuận. Tương tự, khi nhà đầu tư Hàn Quốc mua cổ phiếu của Việt Nam, nhà đầu tư này có quyền hưởng một phần lợi nhuận mà công ty Việt Nam kiếm được. Do đó, đầu tư từ nước ngoài là một cách thúc đẩy tăng trưởng của một nước mặc dù một phần lợi ích của khoản đầu tư này chảy ra nước ngoài vì nó thực sự làm tăng khối lượng tư bản của đất nước nhận đầu tư, dẫn tới năng suất và tiền lương cao hơn. Ngoài ra, đầu tư nước ngoài là một cách để các nước kém phát triển học hỏi trực tiếp công nghệ hiện đại của các nước phát triển. Vì lý do đó, Chính phủ nhiều nước khuyến khích đầu tư nước ngoài. Điều này đồng nghĩa với việc xóa bỏ các hạn chế của Chính phủ đối với quyền sở hữu tư bản trong nước của người nước ngoài.

3.3.3. Chính sách về giáo dục

Giáo dục nghĩa là đầu tư vào vốn nhân lực và nó đóng vai trò quan trọng như đầu tư vào tư bản trong việc đóng góp vào sự thành công về kinh tế trong dài hạn của một quốc gia. Có khoảng cách về tiền lương giữa những người có học và những người ít học. Do đó, một cách để chính sách của Chính phủ nâng cao mức sống của người dân là cải thiện điều kiện giáo dục và khuyến khích người dân tham gia vào hệ thống này.

Tương tự như tư bản, đầu tư vào vốn nhân lực cũng có chi phí cơ hội. Khi một sinh viên ngồi trên ghế nhà trường, họ phải từ bỏ số tiền kiếm được nếu như họ đi làm. Tại một số huyện miền núi của Việt Nam, trẻ em phải bỏ học từ khi còn nhỏ vì phải lao động giúp bố mẹ bất chấp lợi ích to lớn từ việc đến trường.

Vốn nhân lực đặc biệt quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế vì vốn nhân lực hàm chứa các ngoại ứng tích cực. Ngoại ứng là ảnh hưởng của hành động mà một cá


nhân thực hiện tới phúc lợi của người ngoài cuộc. Ví dụ: một người được đào tạo tốt có thể đưa ra những ý tưởng mới về việc làm thế nào để sản xuất ra hàng hóa và dịch vụ theo cách tốt nhất. Nếu những ý tưởng đó trở thành tri thức của xã hội và mọi người đều có thể sử dụng thì chúng là những ích lợi từ ngoại ứng của giáo dục. Trong trường hợp này, ích lợi từ đi học đối với xã hội còn lớn hơn ích lợi của cá nhân. Lập luận như vậy giải thích cho các khoản trợ cấp to lớn cho đầu tư vào vốn nhân lực mà thường được thực hiện dưới hình thức giáo dục công lập.

Một vấn đề mà Việt Nam phải đối mặt là hiện tượng chảy máu chất xám – sự di cư của lực lượng lao động có trình độ cao sang các nước phát triển, nơi họ được hưởng cuộc sống tốt đẹp hơn. Ngoài ra, những sinh viên học ở nước ngoài thường không muốn trở về nước và hiện tượng chảy máu chất xám như thế làm cho khối lượng vốn nhân lực trong nước giảm xuống.

3.3.4. Xác định quyền sở hữu tài sản và sự ổn định chính trị

Chính phủ có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách bảo hộ quyền sở hữu và tăng cường sự ổn định chính trị. Quá trình sản xuất trong nền kinh tế thị trường nảy sinh từ mối quan hệ qua lại giữa hàng triệu cá nhân và doanh nghiệp. Ví dụ: khi bạn mua một chiếc xe máy, điều này đồng nghĩa là bạn đang mua sản lượng của người bán xe, của doanh nghiệp sản xuất xe máy, doanh nghiệp sản xuất thép, công ty khai thác quặng… Sự phân công sản xuất giữa vô số doanh nghiệp cho phép các nhân tố sản xuất được sử dụng với hiệu quả tối đa. Để đạt được điều này, nền kinh tế phải phối hợp hoạt động giữa các doanh nghiệp, cũng như giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp. Nền kinh tế thị trường đạt được sự phối hợp này nhờ giá thị trường. Một tiền đề quan trọng để hệ thống giá cả hoạt động là sự tôn trọng quyền sở hữu tài sản trên toàn bộ nền kinh tế.

Quyền sở hữu tài sản là khái niệm được dùng để chỉ khả năng của con người trong việc thực hiện những quyền của mình đối với những nguồn lực mà họ sở hữu. Vì lý do đó, tòa án đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế thị trường. Thông qua hệ thống luật hình sự, tòa án ngăn cản những vụ trộm cắp trực tiếp. Ngoài ra, thông qua hệ thống luật dân sự, tòa án đảm bảo cho người mua và người bán thực hiện nghĩa vụ hợp đồng.

Sự bất ổn về chính trị sẽ đe dọa quyền sở hữu tài sản. Khi cách mạng và đảo chính thường xuyên diễn ra, không ai biết trong tương lai quyền sở hữu tài sản có được tôn trọng hay không. Nếu Chính phủ cách mạng tịch thu tài sản của một số doanh nghiệp, thì người dân sẽ mất động cơ tiết kiệm, đầu tư và thành lập doanh nghiệp mới. Đồng thời, người nước ngoài cũng không muốn đầu tư vào nền kinh tế trong nước nữa.


Do đó, sự thịnh vượng của nền kinh tế một quốc gia phụ thuộc vào sự thịnh vượng về chính trị. Một nước có hệ thống tòa án hữu hiệu, quan chức Chính phủ thanh liêm và có thể chế ổn định sẽ được hưởng mức sống cao hơn so với nước có hệ thống tòa án yếu kém, quan chức tham nhũng, thường xuyên bị bạo loạn và đảo chính đe dọa.

3.3.5. Chính sách thương mại tự do

Một số nước kém phát triển trên thế giới đã từng cố gắng đạt được sự tăng trưởng kinh tế bằng cách theo đuổi chính sách hướng nội. Các chính sách này hướng tới việc nâng cao năng suất và mức sống trong nước bằng cách tránh giao lưu với các nước bên ngoài. Nguyên do của việc áp dụng chính sách này vì các doanh nghiệp trong nước yêu cầu được bảo hộ trước sự cạnh tranh từ nước ngoài để tiến lên và phát triển và cần phải bảo vệ ngành công nghiệp non trẻ. Do đó, Chính phủ các nước kém phát triển đã dựng nên nhiều loại thuế quan và rào cản thương mại khác.

Đa số các nhà kinh tế hiện nay tin rằng các nước kém phát triển sẽ được lợi nếu thực hiện chính sách hướng ngoại, những chính sách cho phép họ hội nhập với thế giới. Thương mại quốc tế cải thiện phúc lợi kinh tế của công dân một nước tham gia vào quá trình thương mại. Nói theo một cách cụ thể nào đó, thương mại là một loại công nghệ. Khi một nước xuất khẩu quần áo và nhập khẩu ô tô, quốc gia thu được lợi ích giống hệt trường hợp nó sáng chế ra một công nghệ chế biến quần áo thành ô tô. Do đó, một nước tháo dỡ các rào cản thương mại sẽ tăng trưởng kinh tế giống hệt như trường hợp nó đạt được tiến bộ về công nghệ.

Tổng kim ngạch thương mại của một nước với các nước khác không chỉ phụ thuộc vào chính sách của Chính phủ mà còn vào điều kiện địa lý. Các nước có nhiều cảng biển tự nhiên thuận tiện giao thương trong thương mại quốc tế dễ dàng hơn những nước không có ưu thế này.

3.3.6. Chính sách kiểm soát tốc độ tăng dân số

Sự gia tăng dân số cũng chi phối một phần năng suất và mức sống của một nước. Rò ràng dân số là nhân tố then chốt quyết định lực lượng lao động của một nước. Do đó, khi một nước đông dân như Trung Quốc có xu hướng tạo ra GDP lớn hơn các nước ít dân. Nhưng quy mô GDP không phải là chỉ tiêu tốt phản ánh phúc lợi kinh tế. Bởi vì các nước quan tâm tới mức sống nên GDP bình quân đầu người mới là quan trọng, vì nó cho biết lượng hàng hóa và dịch vụ người dân trong nền kinh tế được hưởng.

Sự gia tăng dân số tác động đến GDP bình quân đầu người như thế nào? Các lý thuyết chuẩn về tăng trưởng kinh tế dự báo rằng mức gia tăng dân số cao làm giảm GDP bình quân đầu người. Lý do là sự gia tăng nhanh chóng của lực lượng lao động làm phân tán các nhân tố sản xuất khác. Đặc biệt, khi dân số tăng nhanh, việc trang bị

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 03/07/2022