Kinh doanh du lịch di sản văn hóa ở Việt Nam - 5

được trưng bày trong bảo tàng hay quang cảnh, không gian trong khu vực bảo tàng với các giá trị lịch sử - văn hóa đặc trưng riêng của các bảo tàng. Với việc thu lợi nhuận từ việc bán vé hoặc doanh thu từ việc bán đồ lưu niệm hay các dịch vụ ẩm thực, giải trí trong khuôn viên bảo tàng. Đối với các bảo tàng dưới nước, ngoài việc bán vé tham quan bảo tàng dưới nước, các nhà kinh doanh còn có thể thu lợi từ các dịch vụ cho thuê các dụng cụ hay đồ lặn biển chuyên dụng cũng như việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ lặn biển tham quan bảo tàng dưới nước.

- Kinh doanh tour du lịch đến điểm di sản: hình thức kinh doanh này được cung cấp bởi các cơ sở kinh doanh du lịch – lữ hành, khách du lịch sẽ được trải nghiệm các di sản trong khu vực. Các di sản có thể là các di sản nằm trong vùng di sản (gồm có nhiều di sản khác nhau) hoặc các di sản nằm ở các khu vực/ vùng/ tỉnh khác nhau. Các nhà kinh doanh có thể thu lợi từ việc bán vé dịch vụ tour các di sản trong khu vực kết hợp việc cung cấp các dịch vụ ẩm thực, giải trí, vận chuyển, lưu trú đi kèm.

Từ các hoạt động tham quan di sản và bảo tàng di sản, có một loạt các hoạt động kinh doanh đi theo như:

- Kinh doanh dịch vụ cung cấp kiến thức về di sản: Dịch vụ cung cấp kiến thức di sản văn hóa là các dịch vụ được cung cấp bởi hệ thống thông tin, quảng bá đồng thời từ các hướng dẫn viên, thuyết minh viên, dẫn chương trình tại các điểm di sản. Dịch vụ này được đánh giá bởi các tiêu chí về Tần suất quảng bá về điểm di sản, kênh thông tin, các sự kiện, Ý thức người dân bản địa về bảo tồn, Các chỉ dẫn, biểu chú thích hiện vật; Thuyết minh giới thiệu về di sản của hướng dẫn.

- Kinh doanh dịch vụ ẩm thực: là việc một cơ sở kinh doanh cung cấp cho khách du lịch đến di sản thức ăn, đồ uống đã được chế biến chín. Thức ăn, đồ uống có thể mang đi hoặc dùng tại chỗ. Một số các cơ sở kinh doanh dịch vụ ẩm thực tại các khu di sản/ điểm di sản như: cửa hàng ăn uống, quầy hàng kinh doanh thức ăn nhanh (fast-food), tiệm ăn uống nhỏ, quán ăn nhỏ, nhà hàng ăn uống, cơ sở chế biến suất ăn sẵn, can-tin, bếp ăn tập thể, khách sạn, homstay, villas. Dịch vụ ẩm thực được đánh giá bởi các tiêu chí về Sự đa dạng về chủng loại, Nội dung ẩm thực, Giá cả của dịch vụ, Chất lượng phục vụ, Sự an toàn thực phẩm.

- Kinh doanh dịch vụ lưu trú (bao gồm các dịch vụ phụ trợ khác): là việc các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú như khách sạn, khu biệt thự, homstay, nhà nghỉ, nhà khách cung cấp cho khách du lịch đến di sản chỗ ngủ, nghỉ, ăn uống với hình

thức qua đêm hoặc không qua đêm. Các dịch vụ phụ trợ mà các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú cung cấp đi kèm là dịch vụ giặt là, dịch vụ internet, dịch vụ gọi xe, dịch vụ thông tin (về điểm di sản, về tour di lịch, về văn hóa lịch sử…), dịch vụ thể thao – giải trí (bể bơi, sân golf, sân tennis…). Dịch vụ lưu trú được đánh giá bởi các tiêu chí về Sự đa dạng của dịch vụ (đa lựa chọn), Giá cả của dịch vụ (Cao, thấp, trung bình), Chất lượng của dịch vụ, Dịch vụ hỗ trợ khách hàng tại khu lưu trú. Chất lượng chỗ ở được xác nhận là yếu tố quyết định quan trọng để nâng cao sự hài lòng của khách du lịch (Shonk, 2006).

- Kinh doanh dịch vụ vận chuyển: là việc các cơ sở kinh doanh dịch vụ vận chuyển cung cấp cho khách du lịch các cách thức/ các phương tiện có tài xế hoặc các phương tiện tự lái để khách du lịch có thể di chuyển đến các điểm/ các khu di sản với sự đảm bảo về chất lượng và sự an toàn của phương tiện. Dịch vụ vận chuyển được đánh giá bởi các tiêu chí về Sự thuận lợi của giao thông vận tải, Giá cả của dịch vụ, Chủng loại phương tiện, Tài xế, Sự an toàn.

- Kinh doanh dịch vụ giải trí: là việc các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí (trực tiếp) hoặc các cơ sở kinh doanh khác (gián tiếp) cung cấp cho khách du lịch các loại hình giải trí như các hoạt động văn hóa dân gian, lễ hội truyền thống, các hoạt động âm nhạc, hoạt động chèo thuyền trên sông, các hoạt động văn hóa khác… Dịch vụ giải trí được đánh giá bởi các tiêu chí về Sự đa dạng về chủng loại, Nội dung giải trí, Giá cả của dịch vụ, Chất lượng phục vụ.

- Kinh doanh tour du lịch di sản kết hợp với các hình thức kinh doanh du lịch khác như du lịch MICE, du lịch cộng đồng hay du lịch nông thôn…, các nhà cung cấp dịch vụ tour du lịch có thể tối ưu hóa hiệu suất hoạt động kinh doanh với việc cung cấp trọn gói các dịch vụ từ việc tham quan địa điểm di sản, các bảo tàng, các điểm giải trí, điểm tham quan… cho đến việc cung cấp các dịch vụ như lưu trú, ẩm thực, vận chuyển trong quá trình đi tour.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 152 trang tài liệu này.

Ngoài ra, các nhà kinh doanh có thể khai thác tối đa lợi nhuận với quy mô kinh doanh du lịch di sản văn hóa ở trong nước hay quốc tế. Các nhà kinh doanh có thể chỉ chú trọng việc cung cấp các dịch vụ du lịch di sản văn hóa cho các du khách nội địa hoặc quốc tế, hoặc kết hợp cả khách nội địa và quốc tế. Tuy nhiên, do đặc điểm nhân khẩu học, mức độ nhu cầu khách nội địa và quốc tế là không giống nhau, nên việc song song cùng phục vụ hai đối tượng khách hàng sẽ khó khăn hơn chỉ một đối tượng

trong việc tối ưu hóa hiệu suất hoạt động kinh doanh. Bởi vậy, việc phân chia hoạt động kinh doanh du lịch di sản văn hóa với quy mô trong nước hay quốc tế còn là vấn đề phụ thuộc vào năng lực, đặc điểm và nhu cầu của mỗi đơn vị kinh doanh.

Kinh doanh du lịch di sản văn hóa ở Việt Nam - 5

2.1.4. Các tiêu chí đánh giá tiềm năng và thực trạng kinh doanh du lịch di sản văn hóa

2.1.4.1. Các tiêu chí đánh giá tiềm năng kinh doanh du lịch di sản văn hóa

Theo các quan điểm và khái niệm về “tiềm năng kinh doanh du lịch di sản văn hóa”, các tiêu chí để đánh giá tiềm năng kinh doanh du lịch di sản văn hóa” phải kết đến:

- Cầu du lịch di sản văn hóa là tiêu chí cho thấy nhu cầu đi du lịch di sản văn hóa của cộng đồng trên thế giới. Tiêu chí này sẽ cho thấy tiềm năng về số lượng, chất lượng, tính chất của khách đi du lịch trong tương lai. Qua đó sẽ đánh giá được tiềm năng trong việc kinh doanh du lịch di sản văn hóa có lớn hay không. Nếu nhu cầu đi du lịch di sản văn hóa của cộng đồng khách du lịch càng lớn, thì tiềm năng trong việc kinh doanh du lịch di sản văn hóa càng lớn và ngược lại.

- Cung du lịch di sản văn hóa là tiêu chí cho thấy khả năng cung ứng hàng hóa và dịch vụ để phục vụ cho khách du lịch di sản văn hóa trong tương lai, bao gồm: Nguồn cung các điểm di sản văn hóa; Nguồn cung các dịch vụ du lịch: ẩm thực, vận chuyển, giải trí, lưu trú…; Khả năng và mức độ về truyền thông, quảng bá; Nguồn cung về cơ sở hạ tầng giao thông vận tải và kết nối. Nguồn cung du lịch di sản văn hóa càng tốt, càng dồi dào, cho thấy tiềm năng về việc đảm bảo phục vụ khách du lịch càng lớn, thì tiềm năng trong việc kinh doanh càng lớn.

2.1.4.2. Các tiêu chí đánh giá hoạt động kinh doanh du lịch di sản văn hóa

- Đóng góp GDP cho địa phương hay quốc gia là con số quan trọng cho thấy sự phát triển và tính hiệu quả trong kinh doanh du lịch gắn với di sản văn hóa và mức độ đóng góp của ngành đối với nền kinh tế.

- Doanh thu và lợi nhuận của ngành là tiêu chí quan trọng cho thấy kết quả kinh doanh của ngành. Doanh thu được đưa ra cụ thể bằng các con số, các con số sẽ đánh giá các hoạt động kinh doanh của ngành là hiệu quả hay không và đánh giá các tiềm năng hoạt động kinh doanh trong tương lai. Doanh thu của ngành trong một năm bằng tổng số lượt du khách tới vùng/quốc gia nhân với chi tiêu trung bình/du khách. Doanh thu của ngành càng cao, chứng tỏ ngành càng phát triển, càng thu hút sự đầu tư và nguồn nhân lực vào ngành trong tương lai. Và đây cũng là tiêu chí

quan trọng nhất cho thấy kết quả kinh doanh cuối cùng của ngành sau một giai đoạn nào đó. Lợi nhuận được đưa ra cụ thể bằng các con số, các con số sẽ đánh giá các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp là hiệu quả hay không và đánh giá các tiềm năng hoạt động kinh doanh của ngành trong tương lai. Lợi nhuận của ngành bằng doanh thu của ngành trừ đi chi phí ngành đã chi ra. Lợi nhuận của ngành càng cao, chứng tỏ ngành càng phát triển, càng thu hút sự đầu tư và nguồn nhân lực vào ngành trong tương lai.

- Chi phí của ngành là tiêu chí quan trọng cho thấy các chi phí đã bỏ ra trong quá trình quản lý hoạt động kinh doanh của ngành. Chi phí được đưa ra cụ thể bằng các con số, sẽ đánh giá các hoạt động kinh doanh của ngành là hiệu quả hay không và qua đó cho thấy mức lợi nhuận của hoạt động kinh doanh có đạt mức kì vọng. Chi phí cũng là tiêu chí cho thấy tiềm năng có thể đầu tư trong tương lai. Chi phí của ngành càng thấp trong khi doanh thu cao thì càng dễ dàng càng thu hút sự đầu tư vào ngành trong tương lai. Và điều này cũng cho thấy hoạt động kinh doanh này là có hiệu quả.

- Việc làm trực tiếp và gián tiếp là tiêu chí đánh giá nguồn việc làm có được từ hoạt động DLDSVH. Điều này đánh giá DLDSVH có phát triển hay không? Có hấp dẫn các nguồn lực lao động hay không? Số lượng lao động trong ngành càng chiếm tỉ lệ cao thì ngành càng phát triển.

- Số lượng khách du lịch nội địa và quốc tế cho biết số lượt khách du lịch đến một vùng/ quốc gia trong một giai đoạn thời gian nào đó (ngày, tháng, năm). Tiêu chí này cho thấy DLDSVH của vùng/ quốc gia có phát triển trong giai đoạn thời gian đó hay không. Đây là tiêu chí rất quan trọng vì đó chính là con số cụ thể nhất để đưa lên bài toán về doanh thu và lợi nhuận của ngành.

- Số lượng các doanh nghiệp kinh doanh trong ngành là tiêu chí cho biết con số các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực DLDSVH. Tiêu chí này cho thấy ngành DLDSVH có hay không hấp dẫn các doanh nghiệp trong việc khai thác các DSVH và phát triển kinh doanh. Số lượng doanh nghiệp kinh doanh DLDSVH càng cao, chứng tỏ DLDSVH là ngành kinh doanh đầy hấp dẫn và hướng tới sự phát triển bền vững.

- Chất lượng dịch vụ được cung cấp (ẩm thực, giải trí, vận chuyển, lưu trú…) thông qua việc đánh giá sự hài lòng của khách hàng là tiêu chí cho thấy các chủ thể kinh doanh du lịch di sản văn hóa cung cấp các dịch vụ với mức độ chất lượng và số

lượng có đảm bảo và thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch hay không. Tính chuyên nghiệp của các chủ thể (tổ chức hoặc cá nhân) tham gia kinh doanh du lịch di sản văn hóa như thế nào. Qua việc đánh giá sự hài lòng của khách du lịch, sẽ nhận biết được thực trạng kinh doanh các dịch vụ hiện nay như thế nào. Mức độ hài lòng của khách du lịch càng cao, chứng tỏ chất lượng các dịch vụ được cung cấp càng tốt, tính chuyên nghiệp cao, đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch.

- Đầu tư cho ngành: là tiêu chí quan trọng cho thấy số lượng các nhà đầu tư và tổng mức đầu tư trong ngành DLDSVH là nhiều hay ít. Tiêu chí này cho thấy ngành DLDSVH có hay không hấp dẫn các nhà đầu tư trong việc đầu tư khai thác và kinh doanh các dịch vụ du lịch gắn liền với các DSVH. Số lượng các nhà đầu tư càng lớn, tổng mức đầu tư càng lớn, chứng tỏ DLDSVH là ngành kinh doanh đầy hấp dẫn, có tiềm năng và hướng tới sự phát triển bền vững.

2.1.5. Các yếu tố ảnh hưởng đến kinh doanh du lịch di sản văn hóa

Có nhiều nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến sự thành công của kinh doanh du lịch. Vấn đề kinh doanh nói chung không chỉ chịu các tác động tích cực mà còn ở khía cạnh tiêu cực. Tuy nhiên, để đạt được những thành công trong kinh doanh. Harold J. Leavitt (1973) tổng hợp thành một khái niệm được gọi là “Kim cương Leavitt” bao gồm 4 yếu tố: Cấu trúc, nhiệm vụ, công nghệ và con người; hay quan điểm của Bellasi và Tukel (1996) là “Hiệu suất kỹ thuật được sử dụng như một thước đo thành công” (Vartiak, 2011). Để có sự thành công trong kinh doanh, Lukáš Vartiak (2011) đã đưa ra sáu yếu tố bên trong và năm yếu tố bên ngoài điểm di sản. Yếu tố bên trong: cấu trúc, chiến lược, con người, công nghệ, hệ thống, kết quả và yếu tố bên ngoài gồm lực lượng xã hội, lực lượng kinh tế, lực lượng văn hóa, lực lượng khách hàng và lực lượng đối tác.

Đối với ngành du lịch di sản văn hóa, các yếu tố ảnh hưởng đến việc kinh doanh của ngành có thể được chia thành hai nhóm:

2.1.5.1. Các yếu tố vĩ mô

- Nhu cầu của khách du lịch về việc đi du lịch di sản văn hóa là một trong những yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất tới kinh doanh du lịch di sản văn hóa. Nhu cầu (cầu trên thị trường) càng lớn thì tiềm năng phát triển kinh doanh càng lớn, cơ hội bán hàng (là các dịch vụ liên quan đến DLDSVH) càng lớn. Nếu nhu cầu đi du lịch

của cộng đồng đến điểm có di sản không lớn, thậm chí không có, việc kinh doanh du lịch gắn với các điểm di sản văn hóa là không thể tồn tại. Do vậy, nhu cầu của cộng đồng về việc đi du lịch gắn với các điểm di sản là điều kiện tiên quyết để tồn tại và thúc đẩy việc kinh doanh các dịch vụ gắn liền với các điểm di sản.

- Chính sách thúc đẩy phát triển văn hóa và du lịch của quốc gia sẽ làm cơ sở, nền tảng và là động lực cho ngành DLDSVH của nước sở tại phát triển. Các chính sách đối với ngành càng tốt ví dụ như chính sách miễn thị thực hay các hình thức cấp thị thực bằng đăng ký trực tuyến… càng thu hút nhiều đầu tư vào ngành, thu hút nhu cầu của cộng đồng đi du lịch đến điểm du lịch di sản, thì hiệu quả kinh doanh du lịch gắn với các di sản càng cao, càng gia tăng lợi nhuận và gia tăng GDP của vùng/ quốc gia đó. Các Chính sách này dựa trên nền tảng tư duy, nhận thức và quan điểm của các nhà lãnh đạo, các nhà làm luật, ban hành các chính sách và tổ chức thực hiện các chính sách đã ban hành đó về các vấn đề liên quan đến di sản văn hóa và kinh doanh du lịch di sản văn hóa của quốc gia hoặc địa phương. Đây là nhân tố không kém phần quan trọng, thậm chí nó có thể tạo ra các rào cản đối với kinh doanh du lịch di sản văn hóa.

- Cơ sở hạ tầng giao thông, vận chuyển là điều kiện tiên quyết để đáp ứng nhu cầu đi lại của khách du lịch, nó có ảnh hưởng rất lớn đến việc khai thác các tài nguyên di sản của một vùng/ quốc gia hay việc thu hút khách. Cơ sở hạ tầng tốt, thuận lợi, an ninh, trật tự là điều kiện đảm bảo cho các hoạt động của khách hàng được thông suốt, đồng thời đảm bảo sự xuyên suốt trong việc cung cấp các dịch vụ cho khách du lịch. Cơ sở hạ tầng giao thông vận chuyển đóng vai trò rất lớn, chính nó mang khách du lịch đến với các điểm di sản và chính nó đảm bảo các dịch vụ đến với khách hàng một cách kịp thời và hiệu quả.

- Sự an toàn, an ninh trật tự của điểm đến di sản là một trong những yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất về phát triển kinh doanh du lịch di sản văn hóa. Vấn đề an ninh trật tự của một quốc gia, hay sự an toàn tại điểm đến di sản là một trong những yếu tố quyết định nhu cầu đi du lịch di sản của cộng đồng trong thời đại hiện nay. Nếu điểm đến du lịch thường xảy ra chiến tranh, bất ổn chính trị, các hiện tượng bắt cóc con tin, khủng bố, đe dọa tính mạng… chắc chắn, sẽ không tồn tại nhu cầu đi du lịch tại điểm di sản của khách du lịch cho dù điểm đến có đặc sắc, giá trị. Bên cạnh

đó, nếu một vùng/ quốc gia không đảm bảo về sự an toàn, an ninh trật tự thì các hoạt động cung cấp dịch vụ đặc biệt các dịch vụ gắn liền với di sản cũng không thể phát triển và kinh doanh hiệu quả.

2.1.5.2. Các yếu tố vi mô

- Nguồn tài nguyên di sản văn hóa là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến việc kinh doanh DLDSVH. Nguồn tài nguyên di sản chính là động lực thúc đẩy khách du lịch đến tìm hiểu, tham quan, chiêm ngưỡng điểm di sản.

Dưới góc độ kinh doanh, thì các di sản văn hóa chính là nguồn nguyên liệu để tạo nên các “sản phẩm du lịch di sản” để bán cho khách du lịch. Người mua hàng mua “sự hiểu biết về các di sản tại điểm di sản nào đó”, người mua hàng mua “sự trải nghiệm về du lịch di sản ở điểm di sản đó”. Vì vậy, nguồn tài nguyên di sản văn hóa có sẵn tại địa phương/ quốc gia nào đó chính là yếu tố quan trọng bậc nhất trong việc khai thác và kinh doanh du lịch di sản văn hóa.

- Hệ thống các dịch vụ (ẩm thực, lưu trú, vận chuyển, giải trí, mua sắm…) đảm bảo về chất lượng, số lượng và sự đa dạng của các dịch vụ được cung cấp bởi các nhà kinh doanh du lịch tổng thể nói chung và trong các khu vực du lịch có các di sản văn hóa nói riêng nhằm đáp ứng các nhu cầu của khách hàng là một trong những yếu tố quan trọng tiếp theo ảnh hưởng đến sự phát triển kinh doanh DLDSVH. Hệ thống các dịch vụ càng hoàn thiện, càng chuyên nghiệp thì hiệu quả khai thác kinh doanh DLDSVH càng cao. Hệ thống các dịch vụ càng thỏa mãn nhu cầu của khách hàng, thì càng gia tăng giá trị của sản phẩm DLDSVH, điều này sẽ khiến cho nhu cầu của khách hàng càng được gia tăng thêm, kéo theo nguồn cầu về DLDSVH trên thị trường càng mở rộng.

- Cơ cấu tổ chức và chuyên môn nghiệp vụ của hệ thống nhân sự của ngành chính là mắt xích quan trọng ảnh hưởng rất lớn tới kinh doanh du lịch di sản văn hóa. Hệ thống nhân sự càng chuyên nghiệp, tính chuyên môn hóa cao thì hiệu quả kinh doanh càng lớn. Đội ngũ phục vụ với các kỹ năng và chuyên môn sâu như hướng dẫn viên, thuyết trình viên, biên-phiên dịch viên, bồi bàn, quản lý nhà hàng-khách sạn… chính là sợi dây kết nối khách du lịch và điểm di sản. Chất lượng phục vụ của đội ngũ nhân sự càng cao, sự hài lòng của khách hàng càng lớn, hiệu quả kinh doanh càng lớn và kéo theo tiềm năng kinh doanh trong tương lai càng mở rộng.

- Sự truyền thông, quảng bá của các doanh nghiệp kinh doanh ngành du lịch di sản về các điểm di sản là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến các quyết định đi du lịch của cộng đồng. Truyền thông, quảng bá giúp cộng đồng trên khắp thế giới có thông tin, hiểu biết về điểm di sản của vùng/ quốc gia nào đó; thu hút cộng đồng đến với các điểm di sản là trách nhiệm của truyền thông và quảng bá. Truyền thông, quảng bá thúc đẩy động lực mong muốn tìm hiểu, khám phá, trải nghiệm về điểm di sản và qua đó gia tăng nhu cầu của khách hàng về việc tham quan, chiêm ngưỡng điểm di sản.

- Văn hóa địa phương, quốc gia cũng là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng lớn đến việc kinh doanh du lịch gắn với các di sản. Văn hóa địa phương/ quốc gia càng đặc sắc, hấp dẫn, giá trị về mặt lịch sử và văn hóa càng dễ dàng thu hút nhu cầu đi tham quan của khách du lịch. Sự cởi mở, thân thiện, chu đáo của người dân địa phương có điểm di sản cũng như của quốc gia nói chung, sẽ làm gia tăng sự hài lòng của khách du lịch, kéo theo gia tăng hiệu quả trong việc kinh doanh các dịch vụ.

2.2. Thực tiễn kinh doanh du lịch di sản văn hóa ở một số nơi trên thế giới

2.2.1. Các hình thức kinh doanh du lịch di sản văn hóa trên thế giới

2.2.1.1. Hoạt động KDDLDSVH với hình thức bảo tàng trên cạn

Bảo tàng là nơi bảo quản và trưng bày các sưu tập về lịch sử tự nhiên và xã hội nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hóa của nhân dân (Luật Di sản Văn hóa, 2002). Một định nghĩa khác, bảo tàng là một tổ chức phi lợi nhuận, phục vụ cho xã hội và sự phát triển của nó, mở cửa cho công chúng, mua lại, bảo tồn, nghiên cứu, truyền đạt và trưng bày các di sản hữu hình và vô hình của nhân loại và môi trường của nó cho mục đích giáo dục, học tập và hưởng thụ (ICOM, 2007). Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều thập kỷ gần đây, các bảo tàng đã thay đổi hoàn toàn, đến mức định nghĩa trước đây không còn phản ánh hết sự đa dạng của bảo tàng. Thừa nhận và giải quyết các xung đột và thách thức của hiện tại, các bảo tàng cất giữ các di vật khảo cổ và các tiêu bản như là trách nhiệm đối với xã hội, bảo vệ các ký ức đa dạng của quá khứ cho các thế hệ tương lai và đảm bảo quyền bình đẳng và quyền tiếp cận di sản cho mọi người. Có nhiều loại bảo tàng, bao gồm bảo tàng nghệ thuật, bảo tàng lịch sử tự nhiên, bảo tàng khoa

học, bảo tàng chiến tranh và bảo tàng trẻ em tồn tại dưới dạng bảo tàng trên bờ hay dưới nước. Trong số các bảo tàng trên bờ lớn nhất và được ghé thăm nhiều nhất trên thế giới là Bảo tàng Louvre ở Paris, Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc tại Bắc Kinh, Viện Smithsonian ở Washington, DC, Bảo tàng Anh và Phòng trưng bày Quốc gia ở London, Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở Thành phố New York và Bảo tàng Vatican tại Thành phố Vatican. Theo Hội đồng Bảo tàng Quốc tế, có hơn 55.000 bảo tàng tại 202 quốc gia (ICOM, 2018). Có rất nhiều các bảo tàng có lịch sử từ lâu đời, nổi tiếng trên thế giới, hiện nay vẫn tiếp tục được mở rộng và đón nhận hàng triệu khách du lịch tới thăm mỗi năm. Một số các bảo tàng nổi tiếng trên thế giới như:

Bảo tàng Anh – Luân Đôn (The British Museum): ở khu vực Bloomsbury, Luân Đôn, Vương quốc Anh là một tổ chức mang tính cộng đồng dành riêng cho lịch sử, nghệ thuật và văn hóa loài người. Đây là một bảo tàng dành cho công chúng đầu tiên trên thế giới gồm khoảng 8 triệu hiện vật, là bộ sưu tập lớn nhất, toàn diện nhất, có nguồn gốc sâu rộng nhất trong suốt thời kỳ của Đế chế Anh quốc. Nó ghi lại đầy đủ câu chuyện về lịch sử văn hóa con người từ thời nguyên thủy đến hiện tại (British Museum, 2019). Bảo tàng gồm có các khu vực triển lãm khác nhau như khu vực dành cho Ai Cập và Sudan; Hy Lạp và Rome…. Ngoài ra, Bảo tàng còn có khu vực dành cho Nghiên cứu Khoa học và Bảo tồn, Bộ phận xuất bản. Bảo tàng Anh là nơi lưu giữ những cổ vật có giá trị nhất thế giới hay là nơi chứa bộ sưu tập cổ vật lớn nhất và toàn diện nhất từ Thế giới Cổ đại Hy – La (Hy Lạp và La Mã) với hơn

100.000 cổ vật.

Điều đặc biệt ở Bảo tàng này là không kinh doanh việc bán vé để tham quan bảo tàng, vé vào cửa được miễn phí hoàn toàn. Tuy nhiên, bảo tàng lại có cách kinh doanh khác đấy là việc tạo ra loại cửa hàng online. Cửa hàng online này bán rất nhiều các loại sản phẩm khác nhau như các sản phẩm hội họa, điêu khắc, thời trang và trang sức, sách, các ấn phẩm… nhằm mục đích phục vụ tốt hơn mọi nhu cầu mua sắm của du khách. Bảo tàng còn hợp tác với Viện nghiên cứu Google nhằm tạo dựng bộ sưu tập trực tuyến. Điều này giúp cho khách du lịch dễ dàng tiếp cận với bảo tàng Anh ở bất cứ nơi đâu và dễ dàng có được các thông tin về bảo tàng (Từ điển Mở và British Museum, 2019).

Bảo tàng Louvre, Paris, Pháp: là viện bảo tàng nghệ thuật và lịch sử nổi tiếng nhất trong số 10 bảo tàng nổi tiếng nhất thế giới (The Art Newspaper, 2019), nằm tại Quận 1, thành phố Paris, nước Pháp. Bên bờ sông Seine, Louvre vốn là một pháo đài được vua Philippe Auguste cho xây dựng vào năm 1190. Thời kỳ Cách mạng Pháp, cung điện trở thành bảo tàng, mở cửa ngày 10 tháng 8 năm 1793. Năm 2014, bảo tàng Louvre đã đón gần 9,3 triệu khách du lịch bao gồm 7,1% là khách quốc tế. Chỉ số hài lòng chung (overall satisfaction index) của khách du lịch đạt đến 94% trong đó có 59% là rất hài lòng. Để cải thiện chất lượng phục vụ khách du lịch, bảo tàng Louvre đã ra mắt dự án Pyramid như là một khu vực thông tin dành cho khách du lịch trước khi vào tham quan bảo tàng. Cũng năm 2014, doanh thu của bảo tàng là 204 triệu euro bao gồm 102 triệu euro trợ cấp của Nhà nước, 65 triệu euro từ bán vé, 13 triệu euro từ sự bảo trợ và quan hệ đối tác truyền thông, 13 triệu euro từ phát triển kinh doanh bất động sản, 5 triệu euro liên quan đến các dự án sản xuất như DVD, phim tài liệu, phí bản quyền cho triển lãm tổ chức ở nước ngoài, 5 triệu từ dự án Louvre Abu Dhabi tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (Louvre, 2014). Năm 2018, bảo tàng Louvre ghi nhận đã đón 10,2 triệu lượt khách du lịch, tăng 25% so với năm 2017. Không có bảo tàng nào trên thế giới đạt được con số kỷ lục này. Năm 2019, Louvre phát động một sự kiện lễ hội mới miễn phí có tên “Saturday Night Openings”, được tổ chức vào thứ 7 đầu tiên của mỗi tháng (Louvre, 2019). Bảo tàng Louvre nổi tiếng với giới trẻ, hơn một nửa du khách dưới 30 tuổi và gần một phần năm là dưới 18 tuổi. Louvre phổ biến với người dùng internet trên thế giới đặc biệt ở các trang mạng xã hội (YouTube, Facebook, Twitter, Instagram, Weibo, WeChat…). Bảo tàng duy trì một số các chính sách có lợi cho những người có giới hạn khi tiếp cận với văn hóa. Năm 2018, hơn khoảng 2200 khách du lịch đến từ các lĩnh vực như giáo dục, xã hội hoặc khuyết tật được hưởng lợi từ các chuyến thăm đặc biệt vào các thứ ba (khi bảo tàng đóng cửa đối với công chúng). Bảo tàng hợp tác với 300 lớp học trong các dự án giáo dục dài hạn (bao gồm một lớp về nghệ thuật đường phố). Có 700 sinh viên hợp tác với bảo tàng để trình bày ở các sự kiện diễn ra vào buổi tối có tên là “Young People Have Their Say – Giới trẻ có tiếng nói riêng của họ”… Bảo tàng còn ra ngoài để gặp gỡ các du khách quốc tế vào năm 2018. Gần 1 triệu du khách đã tham dự các chương trình của bảo tàng như “The Art

of Portraiture” ở Tokyo, “The Louvre in Tehran” ở Iran và “Music! Echoes of Antiquity” ở Barcelona và Madrid. Hay bảo tàng Louvre Abu Dhabi (là một nhánh của bảo tàng Louvre, Pháp tại thủ đô Abu, Dhabi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, thành lập ngày 6/3/2007) đã tổ chức lễ kỷ niệm đầu tiên vào ngày 8/11/2018, đã thu hút một triệu khách du lịch trong năm đầu tiên.

Bảo tàng Acropolis – Athens, Hi Lạp: Bảo tàng Acropolis được thành lập vào năm 2003 và được mở cửa cho công chúng vào năm 2009. Khoảng 4000 cổ vật được trưng bày trên diện tích 14.000 mét vuông. Bảo tàng Acropolis được Hiệp hội các nhà văn du lịch Anh bình chọn là một trong những bảo tàng tốt nhất thế giới (Greektourism, 2019). Bảo tàng Acropolis là một điển hình về bảo tàng hiện đại kết nối giữa lịch sử và thực tại, với hệ thống dịch vụ rất chuyên nghiệp và đầy tính hiệu quả xét về bản chất thuần túy của hoạt động bảo tàng và hoạt động kinh doanh du lịch. Báo cáo quan trọng hàng năm của bảo tàng cho biết, bảo tàng đã đón

1.666.286 lượt khách du lịch tính từ tháng 6 năm 2017 đến tháng 5 năm 2018 trong đó, 74% là du khách độc lập, 26% là khách đi theo nhóm (Acropolis Museum, 2018). Kể từ khi khai trương vào năm 2009, tính đến 2018, bảo tàng đã đón 14,5 triệu lượt khách từ Hy Lạp và nước ngoài, riêng 2018 chiếm đến 1,8 triệu lượt. Ông Dimitris Pantermalis, giám đốc Bảo tàng Acropolis cho biết, Bảo tàng Acropolis đã được ICOM đưa vào danh sách bảo tàng quan trọng nhất thế giới (Pantziou, 2019). Một hoạt động được thực hiện kể từ năm 2009 bởi Bộ Văn hóa Hy Lạp là “Các ưu tiên về văn hóa và chính trị không chỉ được kết nối với nghệ thuật, bảo tàng và di sản quốc gia mà còn kết nối với kinh tế và du lịch”. “Cho dù các phát triển trong tương lai có diễn ra như thế nào trong khủng hoảng kinh tế, chính trị và thể chế, thì Bảo tàng Acropolis cũng đã góp phần thiết lập hàng loạt các cuộc thảo luận ở Hy Lạp về di sản và phát triển bảo tàng cụ thể với thực trạng của nó, về truyền thông, tiềm năng giáo dục và bảo tồn”. “Bên cạnh quan điểm của các đối tượng Nghệ thuật cao đẹp, các bài thuyết trình của bảo tàng nên được rộng rãi hơn đối với du khách nhằm gia tăng kiến thức về một nền văn hóa xa xôi” (Ntaflou, 2011). Bảo tàng ấn tượng về cấu trúc đa cấp bao quanh lõi bê tông có kích thước tương tự như chu vi của đền Parthenon, bên cạnh đó là sự độc đáo về thiết kế nội thất đầy sáng tạo: một sàn kính trên mặt đất khuyến khích du khách xem các cuộc khai quật ở bên dưới,

đồng thời họ có thể nhìn thấy đền Parthenon từ phòng trưng bày bằng kính, bên cạnh đó, các bức tường kính vững chắc cho phép các cuộc triển lãm tắm trong ánh sáng tự nhiên trong khi toà nhà được cấu trúc để kết hợp với một số các cuộc khai quật tại chỗ (The Acropolis Museum). Bảo tàng Acropolis là một trong những bảo tàng khảo cổ duy nhất trên thế giới, độc đáo không chỉ ở hình thức kiến trúc mà cả cách trưng bày hiện vật khảo cổ học quý giá. Ngoài sự độc đáo về các khu khai quật dưới sàn kính, các hiện vật khảo cổ hàng ngàn năm, Bảo tàng là một sự hiện đại và chuyên nghiệp về hệ thống dịch vụ ăn uống, giải trí ngay trong không gian của bảo tàng. Du khách có thể trải nghiệm cảm giác thú vị và độc đáo là trong khi thưởng thức món ăn truyền thống, đồ uống, món tráng miệng mà vẫn có thể ngắm nhìn khu khai quật khảo cổ. Thứ sáu hàng tuần, Nhà hàng trên tầng hai của bảo tàng mở cửa đến 12 giờ đêm, mang đến những lựa chọn đặc biệt cho người sành ăn và cảnh đêm tuyệt đẹp của Acropolis. Ngoài những dịch vụ ăn uống, giải trí, mua sắm ngay tại bảo tàng, Acropolis còn cung cấp cho du khách rất nhiều các chương trình, hoạt động và sự kiện gắn liền với cha mẹ và con cái, giáo viên và học sinh, chương trình đối thoại, triển lãm, giáo dục, thông tin hữu ích…

Bảo tàng Vatican – thành phố Vatican: Bảo tàng Vatican, nằm trong Nhà nước Thành phố Vatican – Thành quốc Vatican (là quốc gia độc lập nhỏ nhất thế giới và là một trong những Di sản Thế giới được công nhận bởi UNESCO, có dân số khoảng 1000 người), được thành lập từ năm 1506 và đã được đưa vào danh sách các bảo tàng quan trọng nhất trên thế giới. Đó là điểm du lịch quan trọng bậc nhất khi đến Rome. Bảo tàng Vatican lưu giữ các bộ sưu tập nghệ thuật, khảo cổ và dân tộc học đầy tinh tế, ý nghĩa lịch sử của Giáo hội Công giáo La Mã và các giáo hoàng thời Phục Hưng như Julius II, Innocent VIII và Sixtus IV đã tích lũy trong nhiều thế kỷ. Bảo tàng có hơn 70.000 hiện vật trong một khu vực rộng 42.000 mét vuông. Ngoài việc chúng là những kiệt tác vĩ đại của mọi thời đại, các bộ sưu tập đã trở thành bằng chứng quý giá của mỗi một thời đại. Bảo tàng Vatican hiện có 12 nhà trưng bày, 5 dãy hành lang chia thành 25 tiểu mục, lưu giữ và trưng bày các bộ sưu tập có một không hai trên thế giới. Bảo tàng nổi tiếng với câu chuyện của Michelangelo Buônarroti, một trong những nghệ sĩ nổi tiếng nhất thế giới thời Phục Hưng, đã dành gần 10 năm cuộc đời mình cho những bức tranh để che kín hầm và

bức tường trên bàn thờ của Nhà nguyện Sistine. Không chỉ có sức hấp dẫn từ những kiệt tác hội họa trên tường, các cầu thang xoắn, các mái vòm cong kéo dài bất tận... mà bảo tàng còn thu hút du khách ở kiến trúc cổ kính bên ngoài. Bảo tàng Vatican vừa mang trong mình vẻ đẹp vĩnh cửu với thời gian vừa lưu giữ và bảo tồn cả một kho tàng nghệ thuật khổng lồ của thế giới (Vatican Museum, 2019). Mỗi năm, bảo tàng Vatincan thu hút khoảng 6 triệu lượt khách du lịch và có khi đạt đến con số

30.000 người mỗi ngày (Lonely Planet, 2018), một con số khổng lồ đối với một bảo tàng nằm trong Thành quốc nhỏ nhất thế giới. Ngoài các chương trình quảng bá rộng lớn, từ năm 2011, bảo tàng Vatican đã hợp tác thành công Viện Francesco Cavazza dành cho người mù ở Bologna nhằm phát triển du lịch đa chiều cho những du khách bị mù hay khiếm thị (Vatican Museum, 2013).

Bảo tàng tàu đắm Viking, Roskilde, Đan Mạch: Bảo tàng Roskilde Đan Mạch tập trung vào những con tàu cổ và trung cổ, sự đi biển và đóng thuyền. Ở đây trưng bày 5 con tàu được khai quật tại Skuldelev. Và nó cũng chứa bản sao của 1 tàu thương mại và 1 tàu chiến. Truyền thống đóng tàu và văn hóa thời đại Viking được minh họa thông qua người thợ đóng tàu và triển lãm được trưng bày tại bảo tàng. Những người thợ làm việc trong các xưởng khảo cổ.

Năm 2011, có sự sụt giảm con số khách du lịch kéo theo sự sụt giảm về du lịch do khủng hoảng kinh tế, mặc dầu vậy, con số vẫn rất ấn tượng là 115,129 du khách (trong đó 70,623 là người lớn và 44,506 là trẻ em dưới 18) đối với một thị trấn nhỏ chỉ có 48.000 cư dân. Những con số ấn tượng tại bảo tàng Viking, Roskilde, Đan Mạch như: - Thu nhập từ bán vé: 1,069,455.31 USD; - Chi phí trợ cấp cho bảo tàng: 2,4 triệu USD tài trợ từ chính phủ, gần 1,5 triệu USD từ thành phố Roskilde năm 2011; - 39% khách tham quan của bảo tàng Viking này đến Roskilde chỉ để tham quan bảo tàng và dành trung bình từ 2 – 3 giờ đồng hồ trong bảo tàng trong khi 19% du khách cũng tham quan nhà thờ Roskilde và 42% đến thành phố Roskilde trong suốt thời gian nghỉ ngơi của họ; - Chi tiêu của khách hàng trong suốt thời gian họ ở tại địa phương là: ~ 3,7 triệu USD; - 69,5% khách du lịch là khách nước ngoài; - 30,5% khách trong nước Đan Mạch, trong đó 4,2% từ Roskilde; - 44,900 người đến tham quan nơi đây mỗi năm vì Bảo tàng tàu Viking này; - 21,875 người đến vì Bảo tàng tàu Viking và vì các địa điểm du lịch hấp dẫn khác ở nơi đây; - 48,354 người

đến vùng này và sống ở đây đến tham quan bảo tàng Viking; - 69% khách tham quan là khách đi ban ngày, 8% là khách nghỉ qua đêm (UNESCO, 2013).

Bảo tàng Con đường Tơ lụa, Trung Quốc: Bảo tàng này là một ví dụ về một bảo tàng tiên tiến được thiết kế phát triển du lịch kết hợp với nghiên cứu khoa học. Bảo tàng Con đường Tơ lụa trên biển Quảng Đông có kiến trúc như những con sóng nhấp nhô ngoài biển. Trung Quốc lên kế hoạch phát triển du lịch cho đảo Hailing bên cạnh bờ biển nơi mà không mấy thu hút du khách đến đây. Tuy nhiên, nó nằm gần với một lộ trình giao thương cổ quan trọng đó là Con Đường Tơ Lụa Trên Biển, và di sản văn hóa là các con tàu đắm cổ được phát hiện gần hòn đảo Hailing này. Các nghiên cứu cho thấy cách tốt nhất là đưa sự hấp dẫn về văn hóa này để thu hút cộng đồng và du khách của nó và để làm cho hòn đảo này hấp dẫn hơn, một bảo tàng “thủy sinh” đầu tiên trên thế giới được xây dựng: “Bảo tàng Con Đường Tơ Lụa Trên Biển”. Xác tàu đắm 800 năm có tên Nam Hải Số 1, được phát hiện và trục vớt và mang tới bảo tàng này trong khi vẫn còn lưu giữ bùn đất ở xung quanh tàu. Nó đã được khai quật và sẽ được trưng bày cho công chúng tham quan. Các mong muốn phát triển đảo với các hoạt động du lịch đã gia tăng đáng kể với các kinh nghiệm văn hóa được cung cấp ở đây và vấn đề phát triển địa phương đã được thực hiện.

2.2.1.2. Hoạt động KDDLDSVH với hình thức bảo tàng dưới nước

Hàng trăm bảo tàng trên khắp thế giới trưng bày những thứ được tìm thấy từ các vụ đắm tàu cổ, từ các thành phố bị chìm dưới biển nước hay các di tích bị chìm thời tiền sử. Điều ngoạn mục nhất trong số đó là các vụ đắm tàu cổ có kích thước lớn, đã được phục hồi từ đáy biển.

Yongala (Australia): Tàu chở khách SS Yongala chìm xuống ở Cape Bowling Green, Queensland, Úc ngày 23/3/1911. Ngày nay, nơi đó trở thành địa điểm du lịch chính trong lĩnh vực công nghiệp lặn biển ở Townsville, Úc. Xác tàu đắm nằm ở khu vực trung tâm của Công viên hải dương san hô Great Barrier (Rạn san hô được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới năm 1981. Đài CNN đã gọi nó là một trong bảy kỳ quan thiên nhiên của thế giới). Điều này kết hợp với vẻ đẹp của con tàu đắm đã khiến cho nó trở thành một điểm lặn rất phổ biến. Trong khi tàu đắm làm gia tăng nhận thức các khu vực có tàu đắm như là di tích di sản văn hóa và điểm du lịch, thì các khu vực này đang bị tác động bởi một lượng lớn khách du lịch. Bởi vậy, để tiếp cận khu vực này phải thông qua giấy phép. Những giấy phép này

có thể lấy được khi nộp đơn vào Bảo tàng Tropical Queensland và điều kiện tiếp cận được chấp nhận. Thêm vào đó, Bảo tàng Hải dương Townsville có trưng bày rộng rãi các vật tưởng niệm Yongala. Tầm quan trọng của con tàu đắm này đối với nền du lịch địa phương là rất đáng kể (Robby Myers, 2017).

The Yongala Wreck (Úc) tập trung các hoạt động du lịch lặn biển. Nó là một phần của Great Barrier Reef. Nó thu hút 10.000 thợ lặn biển mỗi năm, các thợ lặn ở lại lâu hơn và chi tiêu nhiều hơn, thu về hơn 200 triệu EUR vào các tour du lịch, đóng góp 124,000 việc làm trực tiếp và 96,000 việc gián tiếp cho Queensland. Việc xuất khẩu du lịch thu về khoảng 3,9 tỷ USD và trở thành ngành xuất khẩu lớn thứ 2 của đất nước sau ngành xuất khẩu than. Trung tâm Chuuk Lagoon gồm 12 tàu chiến Nhật Bản, 32 tàu buôn và 249 máy bay, Mecca cung cấp dịch vụ lặn xem tàu đắm, một trong top 10 khu vực lặn trên thế giới. Tuy nhiên, ở đây không có các điều kiện thuận lợi như, hầu hết không có khách sạn, không bảo vệ, không chăm sóc. Mặc dù sự hấp dẫn của nó rất lớn, nhưng vẫn chỉ có thể thu hút được khoảng 5.000 thợ lặn tiếp cận với khu vực, và họ chi tiêu cũng rất ít tiền (UNESCO, 2013).

Dự án bảo tàng dưới nước Alexandria (Ai Cập): Trong suốt 40 năm nghiên cứu khảo cổ mãnh liệt tại vùng vịnh hải cảng Alexandria và Abukir, đã xuất hiện sự tồn tại của khu di tích cổ bị ngập chìm dưới đáy đại dương bao gồm Portus Magnus là một trong số những cảng La Mã cổ đại từ thời Ptolemaic (là những triều đại cuối cùng của Ai Cập cổ đại, đế chế của họ kéo dài 275 năm, từ năm 305 đến năm 30 trước Công nguyên), di tích ngọn hải đăng Alexandria, 3 thành phố bị ngập chìm và những còn tàu đắm cổ trong đó có soái hạm của hạm đội Napoleon. Thêm nữa, là hàng ngàn những cổ vật quan trọng khác được phát hiện và xác định. Trong khi bảo tàng chưa được xây dựng, một cuộc triển lãm quốc tế “Những kho báu Ai Cập bị chìm dưới đại dương” đã được tổ chức ở một số quốc gia nói về các khám phá ở Alexandria. Đó là một thành công rất to lớn, thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ của quốc tế đối với các tìm kiếm phi thường. Sau Berlin, Paris, Madrid, cuộc triển lãm đã đã tới Turin và Yokohama, Nhật Bản. Cuộc triển lãm được chiêm ngưỡng bởi 3 triệu lượt khách du lịch khiến cho nó trở thành một trong những cuộc triển lãm đáng chú ý nhất trong những năm gần đây. Tổng thu về là con số đáng kể, một phần trong đó được đóng góp vào kế hoạch xây dựng bảo tàng dưới nước ở Alexandria (khoảng 1,6 triệu đô la Mỹ). Dự án xây dựng bảo tàng dưới nước Alexandria để

Ngày đăng: 15/04/2022