"nhân dân có quyền hành động với tư cách quyền lực tối cao và tự mình tiếp tục công việc lập pháp, hoặc dựng lên một hình thức chính phủ mới, hoặc vẫn theo hình thức cũ đó nhưng được đặt vào tay những con người mới, theo những gì họ cho là tốt đẹp" [32, tr.313, 314]. Locke cho rằng với địa vị của mình, đương nhiên nhân dân có "một quyền lực tối cao để xoá bỏ hay thay đổi cơ quan lập pháp, khi họ thấy cơ quan lập pháp hành động trái ngược với sự ủy thác được đặt vào" [32, tr.203]. Locke rất coi trọng việc kiểm soát quyền lực của chủ thể quyền lực đích thực với người được uỷ quyền "nhất thiết phải tìm ra cách thức để kiềm chế những thái quá và ngăn ngừa việc lạm dụng quyền lực, khi mà quyền lực vốn được họ giao phó vào tay người khác chỉ để có được điều tốt lành cho chính họ nhưng nay lại nhận ra rằng nó đã được dùng để gây phương hại cho họ" [32, tr.159-160]. Một khi nhà nước không đảm bảo an ninh cho công dân - cái lý do duy nhất để nó tồn tại, người dân sẽ không còn bị ràng buộc vào khế ước và sẽ giành lại quyền tự nhiên hay tìm kiếm một nhà nước khác để được bảo vệ.
2.1.2.2. Quyền lực nhà nước do một số người nắm giữ, nên nó rất dễ bị các lợi ích cá nhân thao túng
Quyền lực nhà nước trong một xã hội dân chủ về nguyên tắc là ý chí chung của số đông, được giao cho một nhóm người nắm giữ. Mác, Locke và Hobbes đều cho rằng, bản chất của con người là có thể thay đổi được. Do bản chất này, không thể khẳng định người được uỷ quyền luôn luôn xứng đáng với sự tín nhiệm của cộng đồng, hành động vì lợi ích của cộng đồng. Con người luôn có sẵn bản tính tư lợi, chịu ảnh hưởng bởi các loại tình cảm, dục vọng khác nhau nên rất dễ dẫn đến xu hướng sử dụng quyền lợi chung để phục vụ lợi ích cá nhân. Đặc tính vị kỷ và khát vọng quyền lực của con người đã được các nhà tư tưởng chính trị từ trước đến nay đề cập đến như một nội dung quan trọng trong quá trình phân tích về hành vi chính trị. Hobbes nhấn mạnh "Tinh thần vị kỷ trong loài người là một khát vọng không ngừng đối với
quyền lực và điều này chỉ mất đi khi con người chết" [97]. Hobbes đã miêu tả con người như là những thực thể tư lợi thâm căn cố đế, luôn tìm kiếm cho mình những những vị thế mạnh mẽ để bảo đảm được các lợi ích của mình. Từ thế kỷ XVII, Montesquieu cũng đã viết "Bất cứ ai có quyền đều có xu hướng lạm quyền và họ cứ sử dụng quyền đến khi nào gặp phải giới hạn". Còn nhà sử học người Anh, Lord Action lại khẳng định "Quyền lực luôn có xu hướng đồi bại, quyền lực tuyệt đối sẽ dẫn đến sự đồi bại tuyệt đối. Tại sao phải kiểm soát quyền lực nhà nước, James - Madison, cha đẻ của Hiến pháp Hoa Kỳ đã có sự giải thích "Nếu con người là những thiên thần thì sẽ không cần thiết phải có chính quyền. Nếu các thiên thần cai quản thì không cần thiết phải có sự kiểm soát đối với chính quyền dù từ bên ngoài hay bên trong" [62, tr.55]. Vì vậy, việc kiểm soát quyền lực nhà nước là một cách để chống lại sự tha hoá quyền lực nhà nước, chống lại xu hướng quyền lực nhà nước bị sử dụng vì lợi ích cá nhân.
2.1.2.3. Quyền lực nhà nước là ý chí chung của xã hội, nhưng lại được giao cho một số người với những khả năng hữu hạn thực hiện, do vậy nó luôn chứa đựng nguy cơ mắc sai lầm
Những đòi hỏi về tính hợp lý của quyền lực nhà nước là vô hạn trong khi khả năng hoạt động của bộ máy chính quyền nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân lại hữu hạn. Vì quyền lực nhà nước do một số cá nhân nắm giữ nên họ hoàn toàn có thể bị mắc sai lầm. Khả năng của con người là hữu hạn bắt nguồn từ sự hữu hạn của lý tính, trí tuệ của mình. Một người dù có trí tuệ siêu phàm đến đây thì khả năng sai lầm vẫn có thể xảy ra "Loài người không phải là thánh thần không bao giờ sai lầm, chân lý của họ phần nhiều chỉ là các chân- lý - một - nửa" [102, tr.131]. Khi tham gia soạn thảo ra bản Hiến pháp đầu tiên trên thế giới, Hiến pháp Mỹ năm 1787, J. Madison cũng từng nói về điều đó: Chính phủ không phải là những thiên thần, nên Chính phủ cũng có thể mắc sai lầm. Đây là nhận thức căn bản của ông khi đề xuất hệ thống kiềm chế và đối trọng trong Bản Hiến pháp này.
Do vậy, khả năng sai lệch trong nhận thức và thực thi quyền lực nhà nước, khả năng sử dụng quyền lực thiếu hiệu quả là có thể xảy ra. Có thể nói, không có thể chế nào của con người có thể miễn dịch khỏi sự sai lầm. Những sai lầm mang tính cá nhân ở những người nắm giữ quyền lực nhà nước có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của người dân. Do đó, cần thiết lập cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước nhằm đảm bảo cho các quyết định, chính sách của Nhà nước được trao đổi, bàn bạc, thảo luận kỹ trước khi ban hành nhằm tìm kiếm sự đồng thuận của xã hội, hạn chế đến mức thấp nhất việc đưa ra những quyết định sai lầm, không hiệu quả, gây cản trở cho sự phát triển của xã hội. Điều này có nghĩa là thông qua hoạt động kiểm soát quyền lực, ý chí chung sẽ được kiểm định xem có phù hợp với ý chí của người dân hay không, có tính khả thi hay không. Cũng thông qua hoạt động này, các quy định không hợp lý của pháp luật sẽ được sửa chữa, bổ sung kịp thời, những quyết định, văn bản pháp luật không hợp pháp hoặc không còn phù hợp với thực tiễn sẽ bị huỷ bỏ, hoạt động xây dựng pháp luật sẽ tránh được tình trạng quan liêu, chủ quan duy ý chí.
Có thể bạn quan tâm!
- Kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua hoạt động chất vấn của Đại biểu Quốc hội ở Việt Nam hiện nay - 2
- Những Công Trình Nghiên Cứu Liên Quan Đến Chất Vấn Của Đại Biểu Quốc Hội
- Những Vấn Đề Đặt Ra Cho Tác Giả Luận Án Cần Phải Tiếp Tục Nghiên Cứu, Giải Quyết
- Kiểm Soát Quyền Lực Thông Qua Hoạt Động Của Các Đảng Chính Trị Và Bầu Cử
- Kiểm Soát Quyền Lực Thông Qua Các Định Chế Về Công Khai, Minh Bạch Và Trách Nhiệm Giải Trình Của Chính Quyền
- Một Số Bài Học Kinh Nghiệm Rút Ra Nhằm Hoàn Thiện Hoạt Động Chất Vấn Của Quốc Hội Việt Nam
Xem toàn bộ 179 trang tài liệu này.
2.1.2.4. Nhà nước là chủ thể thực thi quyền lực có độc quyền cưỡng chế
Nhà nước có quyền cưỡng chế tức là quyền đè bẹp bất cứ một vật cản nào gây trở ngại cho việc thực hiện lợi ích của nhà nước, trên danh nghĩa lợi ích của nhân dân. Tính độc quyền cưỡng chế tạo cho nhà nước sức mạnh hợp pháp duy nhất và lớn nhất trong xã hội. Đó là một yêu cầu khách quan. Thuộc tính cưỡng chế mang lại cho Nhà nước quyền lực can thiệp một cách hiệu quả vào các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội. Song "chẳng có đảm bảo nào cho rằng, mọi can thiệp của nhà nước sẽ mang lại lợi ích cho xã hội. Độc quyền của nhà nước về cưỡng chế, cái mang lại cho nhà nước quyền lực can thiệp một cách có hiệu lực vào hoạt động kinh tế, cũng mang lại cho nhà nước can thiệp một cách độc đoán, chuyên quyền. Với độc quyền này, Nhà nước sẽ có thể can thiệp một cách độc đoán, chuyên quyền, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của con người. "Quyền này cộng với bất bình đẳng về thông tin giữa dân
chúng và nhà nước tạo ra những cơ hội cho các công chức xúc tiến những lợi ích của riêng họ hay những bạn bè đồng minh của họ, làm thiệt hại cho lợi ích chung. Những khả năng kiếm lợi và tham nhũng là rất lớn" [51, tr.126].
Chính vì tính độc quyền cưỡng chế này của nhà nước, có người đã ví, ví ở thời điểm chuẩn bị và tiến hành tội phạm, nhà nước và kẻ cướp có rất nhiều chỗ giống nhau. Cùng đều phải mang vũ khi, nhưng nguy hiểm ở chỗ, nhà nước được công khai mang vũ khí, còn kẻ cướp thì lại không được công khai. Chính đặc điểm công khai này làm cho nhà nước có một sức mạnh ghê gớm hơn nhiều kẻ cướp. Thực tế cho thấy, không phải bao giờ sự can thiệp của nhà nước cũng đúng đắn và hiệu quả. Do tính nhạy cảm và dễ bị lạm dụng, quyền lực này cần đặt dưới sự giám sát thường xuyên để có thể đưa ra những phản hồi, điều chỉnh kịp thời trước khi chúng gây ra những tồn thất to lớn cho xã hội.
Như vậy, một trong những mục đích của kiểm soát quyền lực nhà nước là nhằm kiểm soát "độc quyền cưỡng chế" sao cho đặc quyền này của nhà nước nằm trong phạm vi "cưỡng chế hợp pháp", giới hạn hoạt động của nhà nước trong ranh giới không vi phạm các quyền và lợi ích chính đáng của công dân; tăng tính trách nhiệm, tính hiệu quả của việc thực thi quyền lực nhà nước và đảm bảo các quyền tự do cơ bản của công dân.
Như vậy, nội dung của kiểm soát quyền lực nhà nước là đảm bảo cho quyền lực nhà nước được sử dụng đúng mục đích, vì lợi ích của nhân dân và đảm bảo cho quyền lực nhà nước thực thi có hiệu lực, hiệu quả.
2.1.3. Phương thức kiểm soát quyền lực nhà nước
2.1.3.1. Lý thuyết phân quyền về kiểm soát quyền lực nhà nước
Tư tưởng về kiểm soát quyền lực nhà nước cũng xa xưa như chính quyền lực nhà nước vậy. Nhưng phải chờ đến khi xu thế chống lại nhà nước quân chủ chuyên chế bùng nổ ở phương Tây mà đỉnh cao là sự ra đời của học thuyết về phân chia quyền lực nhà nước ra đời thì tư tưởng này mới đạt đến tầm cao mới đó là tư tưởng phân quyền, dùng quyền lực để kiểm soát quyền lực.
Các nhà tư tưởng thời kỳ khai sáng như Locke, Montesquieu cho đến Mill, Madison đều cho rằng quyền lực chỉ có thể kiểm soát bằng quyền lực, và sự phân lập quyền lực là một phương thức để hạn chế, kiểm soát quyền lực. Quyền lực nhà nước được phân chia thành ba nhánh: lập pháp, hành pháp, tư pháp, độc lập và tương tác với nhau, tạo nên cơ chế đối trọng, kiểm chế lẫn nhau. Ông chỉ rõ nguy cơ của sự không phân lập quyền lực "Nếu quyền lập pháp và quyền hành pháp đều nằm trong tay một người hay một viện nguyên lão thì sẽ không còn gì là tự do nữa vì chính ông ta hay viện ấy chỉ đặt ra luật độc tài để thi hành một cách độc tài. Cũng không có gì là tự do nếu quyền tư pháp không tách khỏi quyền lập pháp và quyền hành pháp. Nếu quyền tư pháp nhập lại với quyền lập pháp, thì người ta sẽ độc đoán với quyền sống và quyền tự do của công dân; quan toà sẽ là người làm ra luật. Nếu quyền tư pháp nhập lại với quyền hành pháp thì quan toà sẽ có cả sức mạnh của kẻ đàn áp" [49, tr.100). Montesquieu đã từng nói "Kinh nghiệm hàng thế kỷ cho thấy rõ ràng khi nắm quyền trong tay, bất kỳ người nào cũng có thiên hướng lạm dụng nó, và người đó còn đi theo hướng ấy cho tới lúc chưa đạt đến giới hạn". Vì vậy phân chia quyền lực nhằm giảm thiểu sự lạm dụng ấy. Khi thẩm quyền được phân chia và xác định rõ ràng, cử tri sẽ dễ dàng hơn trong việc xác định ai là người có lỗi đối với những hành động không đúng của nhà nước. Cơ chế kiềm chế đối trọng giữa các nhánh quyền lực cũng được các học giả tư sản này đề cập đến như một phương thức kiểm soát quyền lực nhà nước. Cơ chế này đảm bảo không một nhánh quyền lực nào, ngay cả trong lĩnh vực của mình không thể không bị kiểm soát, giám sát, không thể hành động một cách chuyên chế. Cơ chế này được thiết kế không phải vì mục đích hoạt động thông suốt, nhanh chóng của bộ máy nhà nước mà để đảm bảo quyền lực được thực hiện đúng mục đích, không bị lạm dụng. Sự an toàn phải trả giá bằng sự kém linh hoạt. Ví dụ, ở các quốc gia có hình thức chính thể cộng hoà tổng thống, mà điển hình là Hoa Kỳ, Tổng thống không thể gián tán được Nghị viện nhưng Nghị viện cũng không thể phế truất tổng
thống (ngoài trường hợp đàn hạch). Tổng thống có quyền phủ quyết một đạo luật do Nghị viện đã thông qua, nhưng Nghị viện có thể vượt qua sự phủ quyết này bằng cách bỏ phiếu lại với 2/3 tổng số phiếu nghị sĩ. Sự giám sát đối với tính hợp hiến trong các hoạt động của các cơ quan nhà nước được trao cho Toà án tối cao Mỹ, nhưng việc bổ nhiệm các thành viên của Toà án tối cao do Tổng thống tiến hành với sự đồng ý của Thượng viện.
Sự ra đời của cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước từ bên trong bộ máy nhà nước gắn liền với sự hình thành và phát triển của lý thuyết phân quyền, tạo ra sự kiềm chế và đối trọng giữa các nhánh quyền lực ngay bên trong bộ máy nhà nước. Theo lý thuyết này, quyền lực nhà nước được chia làm ba quyền độc lập: lập pháp, hành pháp, tư pháp. Cơ chế phân quyền và đối trọng quyền lực được thể hiện ra là:
Lập pháp ban hành luật, giám sát việc thực hiện luật do nó ban hành và truy tố những cán bộ quan chức hành pháp khi họ vi phạm trách nhiệm
Hành pháp có nhiệm vụ thực thi pháp luật, ngăn chặn những dự định tuỳ tiện của cơ quan lập pháp.
Sự độc lập của cơ quan tư pháp và các quan toà nhằm bảo vệ công dân khỏi sự xâm hại của những cơ quan lập pháp và hành vi tuỳ tiện của cơ quan hành pháp.
Trong cơ chế kiềm chế đối trọng, kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan quyền lực nhà nước. Luận án đi sâu nghiên cứu chức năng kiểm soát quyền lực của cơ quan lập pháp.
2.1.3.2. Kiểm soát quyền lực nhà nước của cơ quan lập pháp
Các hoạt động có tính chất kiểm soát quyền lực nhà nước của cơ quan lập pháp đối với cơ quan hành pháp và cơ quan tư pháp được thông qua các hình thức, cơ chế cụ thể. Quốc hội sẽ hạn chế việc Chính phủ, cơ quan tư pháp hoạt động vượt quá quyền hạn do Hiến pháp quy định, nhằm bảo vệ trật tự pháp luật, bảo vệ quyền công dân và quyền tham chính của các tổ chức
chính trị xã hội khác. Sự kiểm soát quyền lực của cơ quan lập pháp đối với hai nhánh quyền lực nhà nước còn lại được ghi nhận ở nhiều quốc gia, trên một cơ sở lý luận sau "Cơ quan đại biểu cho dân nên chỉ nên làm ra luật, và xem xét người ta thực hiện luật như thế nào. Điều này thì có thể làm tốt và không ai có thể làm tốt hơn là cơ quan đại biểu của dân" [84, tr.111]. Sau khi tiến hành các hoạt động lập pháp, vai trò cơ bản của cơ quan lập pháp là xem xét các đạo luật đó có được thực thi hiệu quả hay không và liệu trên thực tế các đạo luật có định rõ và giải quyết được những vấn đề như dự định của các nhà soạn thảo hay không [20]. Kiểm soát quyền lực của cơ quan lập pháp đối với các cơ quan nhà nước khác được thực hiện dưới những hình thức sau:
Thông qua hoạt động của cơ quan thanh tra quốc hội (nghị viện).
Thanh tra quốc hội ban đầu có tên là thanh tra công lý, xuất hiện từ năm 1809. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, thiết chế thanh tra được chấp nhận ở một số quốc gia ở Bắc Âu. Thanh tra quốc hội có nhiệm vụ chủ yếu là điều tra sự bất bình và khiếu nại của công chúng về sự bất công, tham nhũng, xét xử oan sai của các cơ quan hành chính nhà nước ở cả trung ương và địa phương. Thanh tra quốc hội vừa có thể hành động trên sự phản ánh, khiếu nại của người dân hoặc dựa vào ý kiến riêng của mình mà tiến hành các cuộc điều tra tìm sự thật. Ở những nước như Đan Mạch, Na Uy, Thanh tra Quốc hội không có thẩm quyền khởi kiện hay truy tố, hoạt động của họ chỉ nhằm theo dõi chính quyền và không liên quan đến trách nhiệm pháp lý của cá nhân quan chức. Trong khi đó, thanh tra quốc hội ở các nước như Thuỵ Điển, Phần Lan có quyền đưa ra các hình thức truy cứu trách nhiệm pháp lý các bộ trường. Hiện nay có khoảng hơn 80 nước trên thế giới có thanh tra nghị viện và kiểm toán nghị viện. Đây là thiết chế có vai trò quan trọng giúp nghị viện giám sát hoạt động của chính phủ. Thanh tra Nghị viện có thể tiến hành thanh tra bất cứ nhân vật cao cấp nào trong bộ máy nhà nước khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Chức năng giám sát tối cao toàn bộ hoạt động của bộ máy nhà nước là một trong ba chức năng quan trọng của quốc hội nước ta. Tuy nhiên, từ trước đến nay, mặc dù có nhiều cố gắng nhưng quốc hội vẫn chưa làm tốt chức năng này do thiếu thiết chế quan trọng là thanh tra quốc hội. Thanh tra quốc hội là cơ quan của quốc hội có chức năng tiếp nhận và tổ chức điều tra, báo cáo cho quốc hội theo đơn thư khiếu nại và tố cáo của bất kỳ công dân nào về tham nhũng cũng như các hành vi vi phạm pháp luật khác của Chính phủ và các cơ quan công quyền. Thanh tra Quốc hội có thể đưa ra những ý kiến, kiến nghị nhưng không có quyền đưa ra những quyết định có tính bắt buộc thi hành. Tuy vậy, dựa trên uy thế của mình, những ý kiến, kiến nghị của Thanh tra Quốc hội sẽ được thực hiện trong thực tiễn.
Giám sát tính hợp pháp, hợp hiến của văn bản quy phạm pháp luật được hiểu là hình thức giám sát đặc biệt của Quốc hội, thông qua đó, Quốc hội tiến hành các hoạt động xem xét, kiểm tra, phát hiện, bàn bạc, thảo luận, kiến nghị, đình chỉ hoặc huỷ bỏ những văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ tịch nước ban hành có dấu hiệu trái Hiến Pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Theo quy định của nhiều nước như Canada, Pháp, Bắc Âu thì Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền hệ thống hoá và hợp nhất các văn bản pháp luật. Quốc hội có quyền quy định cụ thể việc sửa đổi, bổ sung hay huỷ bỏ các văn bản dưới luật có nội dung trái với những quy định trong các đạo luật do Quốc hội ban hành. Ở một số nước, đây không phải là chức năng đặc thù của Quốc hội mà giao cho toàn án tối cao.
Hình thức xét báo cáo của Quốc hội là tổng hợp các hoạt động do Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội tiến hành như đọc báo cáo bằng văn bản, nghe báo cáo trực tiếp của các nhân có thẩm quyền hoặc đại diện cơ quan chịu trách nhiệm báo cáo trước Quốc hội tại phiên họp toàn thể, thảo luận