Những Nghiên Cứu Về Cuộc Đời Và Sự Nghiệp Của Đào Tấn


NỘI DUNG

Chương 1:

TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU

Chương này giới thuyết các khái niệm liên quan trực tiếp đến cách tiếp cận vấn đề của luận án. Chúng tôi điểm lại một cách khái quát các công trình nghiên cứu văn học, nghệ thuật liên quan đến Đào Tấn đặc biệt là hướng nghiên cứu tuồng ở phương diện kịch bản văn học. Ở đây, chúng tôi cũng đưa ra các tiền đề lý thuyết làm cơ sở cho việc triển khai nghiên cứu của đề tài.

1.1. Khái quát chung về tuồng

1.1.1.Tuồng trong văn học sử Việt Nam

Nếu văn học sân khấu mặc nhiên được thừa nhận là một bộ phận cơ hữu của văn học sử các quốc gia trên thế giới cũng như trong văn học cận – hiện đại Việt Nam (văn học viết bằng chữ Quốc ngữ) thì việc thừa nhận hay không thừa nhận vai trò của tuồng trong văn học trung đại Việt Nam vẫn còn là một vấn đề chưa được thống nhất. Có thể thấy rõ điều này qua việc điểm xét các bộ văn học sử, các giáo trình lịch sử văn học.

Những học giả không đề cập đến kịch bản tuồng trong văn học có thể kể đến Nguyễn Đổng Chi (Việt Nam cổ văn học sử, 1942) [23], Ngô Tất Tố (Việt Nam văn học, 1942)

[259] và sau này Lê Văn Siêu (Văn học sử Việt Nam, 2006) [192] cũng chỉ nhắc đến hát nói chứ không đề cập đến tuồng. Đặc biệt, Phạm Thế Ngũ (Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, quyển II – Văn học lịch triều: Việt văn, 1996), khi bàn về các thể loại văn Nôm, ông đã coi hát nói như bước tiến cuối cùng của thể cách văn Nôm [154, tr.45].

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 263 trang tài liệu này.

Một số tác giả đã thừa nhận sự tồn tại của tuồng trong văn chương Việt Nam nhưng lại không cho nó một vị trí đáng kể nào khi phân tích tiến trình văn học hay tuyển chọn các tác phẩm tiêu biểu để giới thiệu. Có thể kể đến Phạm Văn Diêu (Văn học Việt Nam, 1960) [38], Nguyễn Văn Sâm (Văn học Nam Hà, 1971) [189]… Trong những giáo trình này có đôi chỗ nhắc đến tuồng và các tác phẩm Sơn Hậu, An trào kiếm, Tam nữ đồ vương… nhưng không đi sâu vào vấn đề văn chương tuồng và tác gia tuồng tiêu biểu như những thể loại khác.

Nhóm các nhà nghiên cứu quan tâm đến sự tồn tại của tuồng trong lịch sử văn học đầu tiên phải kể đến Dương Quảng Hàm (Việt Nam văn học sử yếu, 1943) [59]. Ở đây, kịch bản văn học (chủ yếu là kịch bản tuồng) lần đầu tiên được đề cập đến với tư cách một trong năm yếu tố cấu thành nên văn học Việt Nam (triết học, lịch sử, thi văn, kịch bản và tiểu thuyết). Ngoài ra, ông còn giới thiệu một số đoạn trích minh họa cho phần lý thuyết được rút ra từ các vở Sơn Hậu, Giang Tả cầu hôn, Tân diễn, Đệ bát tài tử hoa

Kịch bản tuồng Đào Tấn – Một số vấn đề nội dung và nghệ thuật - 3


tiên ký, Tống Địch Thanh, Nguyễn chúa phù Lê hoàng, Tượng kỳ khí xa và đề cập đến Bùi Hữu Nghĩa, Hoàng Cao Khải với tư cách là tác gia văn học tuồng. Tuy nhiên, bức tranh đầy đủ về quá trình hình thành và phát triển cùng các kịch bản tuồng tiêu biểu qua từng thời kỳ chưa được làm rõ. Hai tác gia được nhắc tới khó có thể được coi là đại diện nổi bật nhất cho tuồng Việt Nam. Văn chương tuồng cũng mới dừng lại ở những nhận xét chung chung chứ chưa có khảo cứu và đánh giá xác đáng.

Sau này, vị trí của kịch bản tuồng trong văn chương Việt Nam ngày càng được cải thiện hơn bằng nhiều hình thức khác nhau. Trong sách Sơ khảo lịch sử văn học Việt Nam (Viện văn học, Văn Tân chủ biên, 1960) đã có mục viết về văn chương tuồng hát với nhận định “Hát tuồng là một nghệ thuật sân khấu có tác dụng giáo dục lớn. Các vua nhà Nguyễn rất có ý thức cho việc tuyên truyền cho chế độ mà họ đã dựng ra, tất nhiên, họ phải nắm lấy nghệ thuật hát tuồng để tuyên truyền cho họ. Nhờ vậy mà thể văn hát tuồng phát triển”[201, tr.9]. Đặc biệt, trong giáo trình Văn học Việt Nam (nửa cuối thế kỷ XVIII đến hết thế kỷ XIX, 2004) do Nguyễn Lộc chủ biên đã xếp tuồng hát bội như một thể loại văn học của giai đoạn này và khái quá nguồn gốc quá trình phát triển, nội dung những vở tuồng hát bội tiêu biểu [130]. Tiếp đó, Tổng tập văn học Việt Nam (1993) [172] đã dành riêng 2 quyển số 14A và 14B cho văn chương tuồng hát để giới thiệu một số văn bản tuồng tiêu biểu và sau này được Hoàng Châu Ký gộp lại trong tập 15 – Tuồng cổ [94]. Trong Kịch bản tuồng dân gian, Xuân Yến cũng tuyển chọn và giới thiệu 19 văn bản tuồng dân gian tiêu biểu [285]... Tuồng hát bội cũng được đưa vào chương trình trung học phổ thông qua giới thiệu đoạn trích Sơn Hậu ở phần đọc thêm sách Ngữ văn lớp 11, bộ nâng cao.

Sau này, Phạm Đức Duật trong chuyên khảo “Văn học tuồng nước ta từ hình thành đến hết thế kỉ XIX” in trong Văn học Việt Nam thế kỷ X-XIX những vấn đề lý luận và lịch sử (Trần Ngọc Vương chủ biên, 2007) [274] cũng có những dụng ý muốn đặt văn chương tuồng vào đời sống văn học dân tộc. Tuy nhiên, sau đó, chưa thấy thêm công trình nào đề cập đến việc xác định vị trí, vai trò của tuồng trong văn học sử Việt Nam.

Khi đưa ra nguyên nhân cho vấn đề này, có ý kiến cho rằng sở dĩ tuồng chưa được đặt đúng vị trí, vai trò trong văn học sử Việt Nam do thiếu vắng thông tin về văn bản Nôm, ít văn bản được dịch ra chữ quốc ngữ. Một số ý kiến khác lại khẳng định nguyên nhân chính khiến tuồng chưa được thừa nhận là một bộ phận của văn học Việt Nam là do tuồng chưa được nghiên cứu nhiều, đặc biệt là trên bình diện thể loại và tác gia tiêu biểu. Trong bối cảnh này, chúng tôi mong muốn từ việc nghiên cứu khai thác một số vấn đề nội dung và nghệ thuật kịch bản tuồng Đào Tấn có thể góp phần nào đó vào việc xác lập vị trí của thể loại kịch bản tuồng trong văn chương cổ điển Việt Nam.


1.1.2. Khái niệm “kịch bản tuồng”

Trong lĩnh vực sân khấu, yếu tố trước tiên phải kể đến là kịch bản. Đối với thể loại kịch hát dân tộc như tuồng, ở giai đoạn đầu đều dựa vào các “tích” để diễn “trò”, chính vì vậy mới có câu “có tích mới dịch ra trò” hoặc “tích nào, trò đó”. Đến các giai đoạn sau, kịch bản tuồng tồn tại dưới dạng tuồng cương, một dạng cốt truyện sơ lược mà căn cứ vào đó người diễn viên có thể vừa sáng tác vừa biểu diễn. Do vậy kịch bản tuồng lúc này chưa được cố định mà tùy ý được thay đổi theo cảm hứng của người diễn. Hầu hết các tuồng cương đều khuyết danh và được lưu truyền như những tác phẩm văn học dân gian. Thế kỷ XVI - XVII, với chính sách phát triển văn hóa của chúa Nguyễn ở Đàng Trong và vai trò của Đào Duy Từ (1572 – 1634), tuồng bắt đầu được định hình và cố định thành văn bản, tuy nhiên do quá trình lưu truyền, biểu diễn, tuồng giai đoạn này tồn tại nhiều dị bản khác nhau và chủ yếu vẫn là tuồng khuyết danh. Từ nửa cuối thế kỉ XVIII trở đi kịch bản tuồng mới được hoàn thiện và phát triển đạt đến đỉnh cao với nhiều tác phẩm kinh điển như Ngũ Hổ bình Liêu, Hồ Nguyệt Cô hóa cáo, Hộ sinh đàn, Vạn bửu trình tường, Quần trân hiến thụy... và sự xuất hiện của các nhà soạn tuồng chuyên nghiệp như Nguyễn Diêu, Bùi Hữu Nghĩa, Lê Văn Duyệt, Diên Khánh Vương, Nguyễn Hiển Dĩnh,... đặc biệt là Đào Tấn.

Khái niệm kịch bản tuồng đã được nhắc đến trong các nghiên cứu của Phạm Phú Tiết, Hoàng Châu Ký, Hà Văn Cầu, Lê Ngọc Cầu, Nguyễn Lộc, Hoàng Chương dưới các tên gọi: tuồng bản, tuồng cương, kịch bản tuồng, kịch bản bi hùng... nhưng chưa có tác giả nào đưa ra nội hàm cụ thể cho khái niệm này.

Khi nghiên cứu Những vấn đề thẩm mỹ, đạo lý xã hội trong tuồng cổ, Xuân Yến nhấn mạnh ý nghĩa văn học của kịch bản tuồng và khẳng định nó là một thể loại văn học của thời kỳ trung đại:“Kịch bản tuồng trước khi được các nghệ sĩ trình diễn trên sân khấu nó đã có một văn bản tương đối hoàn chỉnh” [284, tr.9]. Thông qua ngôn từ, người đọc cảm thụ được nội dung cốt truyện, chủ đề tư tưởng và những cảm xúc thẩm mỹ do các hình tượng nghệ thuật đem lại. Trong khi phản ánh hiện thực đời sống, các tác giả tuồng chịu sự chi phối của một hệ tư tưởng cũng như lý tưởng thẩm mỹ của một thời đại nhất định. Với phương thức phản ánh hiện thực riêng, kịch bản tuồng có một cấu trúc văn bản tương đối chặt chẽ. Nhiều thể loại văn học được sử dụng làm phương tiện phản ánh trong kịch bản tuồng. Kịch bản tuồng là một tác phẩm văn học thực sự, nó tồn tại như một thể loại văn học của thời kỳ trung đại. Kịch bản tuồng chẳng những chứa đựng những giá trị thẩm mỹ chung của một tác phẩm văn học mà nó còn có những giá trị riêng của loại hình văn học sân khấu.

Trong Khảo luận về tuồng “Quần phương tập khánh”, Nguyễn Tô Lan đưa ra khái niệm phân định khá rạch ròi kịch bản văn học và kịch bản biểu diễn của tuồng:


Kịch bản văn học được dùng để chỉ loại kịch bản được sáng tác hoặc nhuận sắc theo chiều hướng văn học hóa, chủ yếu phục vụ cho việc thưởng thức văn học, vì vậy lời văn thường chú ý chau chuốt về mặt văn học mà không quá câu nệ vào việc lời kịch bản, (nhất là thanh điệu) có phù hợp với điệu hát trong thực tế hay không. Kịch bản văn học thường có dung lượng lớn, khó có thể đáp ứng nhu cầu thực tế của việc biểu diễn.

Kịch bản biểu diễn được dùng chỉ loại kịch bản phục vụ trực tiếp cho biểu diễn. Loại này chia làm hai loại chính, loại vốn dĩ là kịch bản để diễn và loại cải biên từ kịch bản văn học...” [106, tr.26]

Có thể thấy, theo cách hiểu của Nguyễn Tô Lan, kịch bản văn học và kịch bản biểu diễn có mối quan hệ mật thiết nhưng cũng có sự độc lập tương đối với nhau. Kịch bản văn học hướng tới chức năng đọc, thưởng thức hơn là diễn xướng. Ngược lại, kịch bản biểu diễn dù được cải biên từ kịch bản văn học nhưng lại lược bớt các yếu tố rườm rà để phù hợp với các điệu hát, điệu múa tuồng. Cho dù hiểu theo cách nào thì cũng phải khẳng định rằng, trước khi tồn tại trên sân khấu, kịch bản tuồng phải tồn tại bằng hình thức ngôn từ (dạng viết hoặc dạng nói). Trong quá trình gia công kịch bản với mục đích khác nhau (để đọc hay để biểu diễn) mà tồn tại những loại kịch bản khác nhau.

Trong luận án này, chúng tôi nghiên cứu kịch bản tuồng Đào Tấn theo hướng tiếp cận nghiên cứu văn bản với mục đích để thưởng thức vẻ đẹp ngôn từ của tác phẩm văn học trong mối liên hệ với nghệ thuật biểu diễn. Vì vậy, có thể hiểu “kịch bản tuồng là thành phần ngôn ngữ được cố định trong văn bản là cơ sở để tổ chức diễn xướng tuồng”. Không giống với kịch bản sân khấu bị chi phối bởi các yếu tố ngoài ngôn ngữ như điệu hát, điệu múa, biểu cảm, hành động, bối cảnh, trang phục..., kịch bản tuồng được xem như một tác phẩm văn học, một sản phẩm của nghệ thuật ngôn từ và chịu tác động bởi các yếu tố ngôn ngữ và văn học như tư tưởng, chủ đề, hình tượng, kết cấu, văn thể, không gian – thời gian nghệ thuật...

1.1.3. Phân loại kịch bản tuồng

Việc phân loại tuồng cho đến nay vẫn còn là vấn đề nan giải. Riêng về tên gọi các loại tuồng hiện nay có hơn ba mươi tên gọi: tuồng cổ, tuồng thầy, tuồng pho, tuồng cung đình, tuồng kinh, tuồng ngự, tuồng truyền thống, tuồng liên hồi, tuồng Văn thân, tuồng tiểu thuyết, tuồng lịch sử, tuồng cải lương, tuồng dân gian, tuồng đồ, tuồng hài, tuồng cận đại, tuồng hiện đại, tuồng cải biên, tuồng cách mạng… Và ở mỗi vùng miền lại có tên gọi khác nhau cho các loại tuồng như ở miền Bắc nhân dân gọi tuồng hiện đại là tuồng áo ngắn, ở miền Nam gọi là tuồng mới… Theo cách gọi lâu nay của ngành tuồng, thì một vở tuồng có thể thuộc nhiều loại khác nhau, như Sơn Hậu có thể xếp vào tuồng cổ, tuồng pho, tuồng truyền thống, tuồng kinh (vì đã được diễn nhiều lần ở Huế), tuồng ngự (vì thường diễn cho vua chúa xem), tuồng thầy (vì tác phẩm thường đem dạy cho các diễn viên mới vào nghề), tuồng liên hồi (vì vở có bốn hồi)…


Sở dĩ có tình trạng trên vì việc phân loại tuồng không có một hệ thống các tiêu chí nhất định và thống nhất. Việc này gây khó khăn trong nghiên cứu và tìm hiểu loại hình nghệ thuật truyền thống này. Lê Ngọc Cầu cũng thừa nhận hiện tượng nói trên:“Phải nói dứt khoát rằng cách phân loại các vở tuồng của người xưa rất tùy tiện và không dựa trên một khái niệm rành mạch về từng loại”[19]. Tuy nhiên trong cuốn Tuồng hài [20], ông vẫn chưa đưa ra được một cách phân loại khoa học. Lê Ngọc Cầu chia các vở tuồng trước năm 1945 thành hai loại: tuồng cổ điển (tuồng thầy) và tuồng dân gian. Cách phân loại như vậy chưa thực sự hợp lý vì có nhiều vở ra đời trước năm 1945 nhưng không phải tuồng cổ điển như Kim Thạch kỳ duyên của Bùi Hữu Nghĩa, Tượng kỳ thí xa của Hoàng Cao Khải, Trưng Vương của Phan Bội Châu… những vở nói trên không phải tuồng cổ cũng chẳng phải tuồng thầy. Việc gộp các vở tuồng theo thời gian để phân loại sẽ rất khó khăn trong việc nghiên cứu các đặc trưng của từng loại tuồng vì mỗi giai đoạn lịch sử tuồng có sứ mệnh và nội dung phản ánh khác nhau.

Phủ nhận quan điểm “Kịch bản tuồng cổ mang tính cổ điển chủ nghĩa, tuồng tân thời mang tính lãng mạn chủ nghĩa”, Hoàng Châu Ký dựa vào thời gian xuất hiện, tác giả sáng tác và nội dung phản ánh để phân loại tuồng như sau: tuồng cổ, tuồng cung đình, tuồng dân gian, tuồng đồ, tuồng Văn thân, tuồng tân thời, tuồng cận đại, tuồng hiện đại, tuồng lịch sử [92; tr.6-8]. Sự phân loại này cũng chưa hợp lý vì không đưa ra một bộ tiêu chí phân loại bao quát được tất cả các tác phẩm tuồng.

Theo Xuân Yến, “Nếu dựa vào tính chất thì chỉ nên chia làm hai loại tuồng: Thứ nhất là tuồng bác học, từ bác học được dùng theo nghĩa phân biệt với bình dân. Tuồng bác học có thể được gọi là tuồng thành văn, đó là những vở được cố định tương đối trong các văn bản và tác giả của chúng chắc chắn thuộc tầng lớp trí thức. Thứ hai là tuồng dân gian gồm những vở được sáng tác tập thể, lưu truyền miệng” [284; tr.29-31]. Tiêu biểu cho tuồng bác học là các vở Sơn Hậu, Đào Phi Phụng (khuyết danh), Trầm Hương các (Đào Tấn), Võ Hùng vương (Nguyễn Hiển Dĩnh), Trảm Trịnh Ân (Phạm Xuân Thận)ở thời kỳ trung đại. Nguyễn Trãi (Từ Diễn Đông), Trưng vương (Phan Bội Châu), Kim Thạch kỳ duyên (Bùi Hữu Nghĩa)ở thời cận đại. Trần Hưng Đạo (Kính Dân), Đề Thám (Bửu Tiến), Chu Văn An (Xuân Yến), Chị Ngộ (Nguyễn Lai) ở thời hiện đại. Tuồng dân gian có thể kể đến các vở như Nghêu – Sò - Ốc – Hến, Trương Ngáo, Hồn Trương Ba da hàng thịt…

Như vậy, việc phân loại tuồng cho đến nay vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau. Coi tuồng của Đào Tấn là những tác phẩm tiêu biểu cho thể loại kịch bản tuồng trong thời kỳ trung đại, chúng tôi sử dụng cách phân loại tuồng theo tính chất của Xuân Yến, xếp các văn bản tuồng của Đào Tấn vào loại tuồng bác học với hai đề tài chủ yếu là quân quốc và thế sự, chịu sự chi phối của ý thức hệ Nho giáo và các phạm trù thẩm mỹ của văn học trung đại.


1.2. Lịch sử vấn đề nghiên cứu

Được suy tôn là danh nhân văn hóa của dân tộc, cuộc đời và sự nghiệp của Đào Tấn được nghiên cứu trên nhiều bình diện khác nhau. Ở đây, chúng tôi khái quát những nét cơ bản lịch sử nghiên cứu về “Hậu tổ tuồng” trên các phương diện như: tình hình nghiên cứu chung về tác giả, con người, cuộc đời, thơ, từ, tuồng, lý luận sân khấu... để có thể xem xét một cách tổng thể bức tranh nghiên cứu về Đào Tấn cho đến nay. Chúng tôi đặc biệt đi sâu vào khai thác lịch sử nghiên cứu kịch bản tuồng Đào Tấn ở phương diện nội dung và nghệ thuật làm cơ sở triển khai những luận điểm trong phần nội dung của luận án.

1.2.1. Khái quát tình hình nghiên cứu chung về Đào Tấn

Trước kháng chiến chống Pháp, Đào Tấn được nhắc đến trong một số bài viết về nghệ thuật Hát bội của Đoàn Nồng [165], Huỳnh Lý [99, tr.131-140] với sự ghi nhận ban đầu ông là “nhà soạn tuồng tiêu biểu nhất” “nhà soạn tuồng xuất sắc hàng đầu ở thế kỷ XIX”, song những đánh giá đó còn chủ quan và chưa có những cứ liệu thật thuyết phục.

Năm 1960, Quách Tấn giới thiệu Tiểu sử Đào Tấn, Sự nghiệp văn chương của Đào Tấn và bài thơ Thuật hoài cùng tên một số vở tuồng do ông sáng tác [209], [210]. Những bài viết này mới chỉ nêu những nét chính về thời đại, con người, sự nghiệp Đào Tấn qua những câu chuyện được nghe kể lại. Năm 1963, Mịch Quang khởi đầu việc nghiên cứu giới thiệu về danh nhân đất Bình Định với tiểu luận Đào Tấn – nhà soạn tuồng kiệt xuất [173], tiểu luận đã giới thiệu tương đối đầy đủ về con người và sự nghiệp văn học nghệ thuật của ông. Sau đó, ông Đào Nhữ Tuyên (con trai Đào Tấn) chiếu theo gia phả và bi minh viết lại thành Tiểu sử cụ Đào Tấn [265]. Đây là tư liệu tương đối đầy đủ và chính xác về cuộc đời của “Hậu tổ tuồng”. Trong các công trình nghiên cứu về nghệ thuật tuồng của Phạm Phú Tiết [255], [256], Hoàng Châu Ký [92], ông cũng được nhắc đến như một tác giả tiêu biểu nhất của loại hình nghệ thuật này. Nghiên cứu Đào Tấn dưới góc độ văn hóa, ở thời kỳ này còn có các bài viết của Chương Thâu [235], Nguyễn Đắc Xuân [279], Lưu Văn Lãng [109], Đặng Quý Địch [42], Hồ Hữu Tường [266], Hồ Đắc Bích [12], [13], Trần Văn Giáp [52]... Nhìn chung, do đất nước bị chia cắt, nguồn tư liệu ít ỏi nên những bài về Đào Tấn trước 1975 còn tản mát và mang tính chất giới thiệu, cảm thụ nhiều hơn là công trình nghiên cứu khoa học.

Từ 1975 cho đến nay, trừ những bài viết đăng trên các báo, tạp chí, nghiên cứu về Đào Tấn được công bố tại các hội thảo và được chọn lọc, biên tập in trong những công trình tổng hợp sau:

- Các hội thảo khoa học về Đào Tấn:

1. Hội thảo Đào Tấn - Con người và sự nghiệp tổ chức tại Quy Nhơn năm 1977. Sau đó những bài viết của hội thảo này được tập hợp in trong cuốn Kỷ yếu Đào Tấn – Nhà thơ, nghệ sĩ tuồng xuất sắc [99]. Theo Hoàng Chương “Hội thảo Đào Tấn lần thứ nhất mới chỉ là một cuộc vỡ hoang cho sự nghiệp nghiên cứu về Đào Tấn” [33, tr. 6]. Tại đây, những vấn đề về cuộc đời và sự nghiệp của Đào Tấn bắt đầu được khơi mở, tài


năng và cống hiến của Đào Tấn cho nền văn học, văn hóa dân tộc được các nhà nghiên cứu đánh giá cao. Các vấn đề về văn học kịch (kịch bản tuồng, ngôn ngữ, nhân vật....) đã được đề cập đến song còn nhiều vấn đề về tư tưởng yêu nước, quan điểm sáng tác, phong cách nghệ thuật tuồng Đào Tấn... chưa được bàn sâu.

2. Hội thảo Đào Tấn lần thứ hai, được tổ chức tại Quy Nhơn năm 1981 nhằm làm rõ những vấn đề tư tưởng chính trị của Đào Tấn và các nội dung xoay quanh vấn đề văn bản của tập Hý trường tùy bút. Nhưng cho đến nay, nguồn gốc của Hý trường tùy bút vẫn đang là vấn đề còn chưa thống nhất trong học giới. Luận án sẽ đề cập đến vấn đề này kỹ hơn khi khái quát lịch sử nghiên cứu về lý luận sân khấu của ông.

3. Hội thảo Đào Tấn lần thứ ba được tổ chức tại Quy Nhơn năm 1988 tập trung vào các vấn đề tư tưởng, nhân cách và tài năng nghệ thuật của Đào Tấn. Tại hội thảo này, nhiều tư liệu mới về Đào Tấn được sưu tầm và công bố, khẳng định Đào Tấn là một ông quan yêu nước, có mối quan hệ với phong trào Cần vương và các tổ chức yêu nước cuối thế kỉ XIX. Đánh giá cuộc đời và di sản mà Đào Tấn để lại, hội thảo tôn vinh ông là “Danh nhân văn hóa kiệt xuất của dân tộc”[33, tr. 9].

4. Hội thảo Phong cách tuồng Đào Tấn, được tổ chức tại Quy Nhơn năm 2000 nêu ra những vấn đề về phong cách nghệ thuật của Đào Tấn nhưng chất lượng hội thảo không được như mong muốn nên sau đó hội thảo này không xuất bản kỷ yếu.

5. Hội thảo Danh nhân Đào Tấn, sự nghiệp, tài năng và sự cống hiến được tổ chức tại Bình Định năm 2010. Tại đây, các vấn đề về con người và những cống hiến của Đào Tấn một lần nữa được khai thác sâu sắc trên nhiều bình diện. Hội thảo nhận định ông xứng đáng được tôn vinh là “danh nhân văn hóa thế giới” và xác định cần có những công trình nghiên cứu công phu, quy mô và bài bản hơn về Đào Tấn.

6. Hội thảo Kỷ niệm 170 năm ngày sinh danh nhân Đào Tấn được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 20/8/2015. Với 20 tham luận của nhiều thế hệ các nhà khoa học, văn nghệ sĩ và cả các nhà lãnh đạo chính trị được gửi đến và trình bày trong hội thảo. Con người, cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến của ông ngày càng được khẳng định và tôn vinh. Hội thảo còn ghi nhận sự quan tâm nghiên cứu của thế hệ trẻ với danh nhân Đào Tấn.

Ngoài ra, còn một số bài viết về Đào Tấn được công bố trong các hội nghị kỷ niệm ngày sinh và ngày giỗ chẵn năm của ông như: 150 năm ngày sinh (Hà Nội - 1995), 90 năm ngày mất (Hà Nội - 1997), 100 năm ngày mất và 55 năm thành lập Nhà hát tuồng Đào Tấn (Bình Định - 2007), 165 năm ngày sinh danh nhân Đào Tấn (Hà Nội - 2010)... Về sau, những bài viết đó được tuyển chọn và giới thiệu trong các công trình nghiên cứu tổng hợp về nhà viết tuồng.

- Các công trình nghiên cứu, tổng hợp, giới thiệu về Đào Tấn:

Cho đến nay, nhiều công trình nghiên cứu, giới thiệu về Đào Tấn đã được xuất bản và công bố như: Đào Tấn - Nhà thơ, nghệ sĩ tuồng xuất sắc [99], Hý trường tùy bút [202], Thư mục Tư liệu về Đào Tấn [115], Kịch bản tuồng Đào Tấn (2 tập) [203], Tang sự tích biên [206], Tuyển


tập tuồng của Đào Tấn [205], Mai Viên cố sự (chuyện về Đào Tấn) [207], Đào Tấn – Thơ và Từ (1987) [204], bản in năm 2003 [117]; Đào Tấn – Tuồng hát bội (2005) [118], Đào Tấn – Qua thư tịch (2006) [119], Đào Tấn và hát bội Bình Định (2007) [214], Đào Tấn – Trăm năm nhìn lại [32], Công trình Nghiên cứu tổng hợp những giá trị nghệ thuật của Đào Tấn [33], Đào Tấn với vở tuồng Trầm Hương các [148], Thế giới nghệ thuật thơ chữ Hán Đào Tấn [247].

Như vậy có thể thấy, các công trình, bài viết nghiên cứu về Đào Tấn đã được thực hiện dưới nhiều hình thức, ở nhiều cấp độ và tiếp cận ở nhiều phương diện khác nhau, trong đó tập trung ở ba nội dung chính: cuộc đời sự nghiệp; thơ và từ; tuồng. Trong đó, tuồng là lĩnh vực Đào Tấn có nhiều cống hiến và thành tựu nhất. Tuy nhiên, phần lớn các nghiên cứu dừng lại ở cấp độ bài tham luận, bài báo, tiểu luận... hoặc giới hạn phạm vi nghiên cứu ở từng kịch bản tuồng đơn lẻ chứ chưa có công trình nào khảo sát đầy đủ các kịch bản tuồng tiêu biểu của ông trên phương diện nội dung, nghệ thuật và đặt nó trong lịch sử văn học Việt Nam như một thể loại văn học. Những ý kiến, luận điểm của các nhà nghiên cứu đi trước là tiền đề gợi mở những ý tưởng để chúng tôi đi sâu vào khảo sát văn bản và thực hiện luận án này.

1.2.2. Những nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Đào Tấn

Đánh giá về cuộc đời, con người và vị trí của “Hậu tổ tuồng” trong nền văn hóa, văn học dân tộc được nêu ra trong các bài viết: Thân thế và sự nghiệp nghệ thuật tuồng của Đào Tấn (Mịch Quang) [99, tr.22-92], Chung quanh bức chân dung cụ Đào (Lê Ngọc Cầu) [99, tr.401-421], Những điều nghe, biết về Đào Tấn (Mạc Như Tòng) [99, tr.93- 130], Từ cuộc đời đến nghệ thuật tuồng Đào Tấn (Vũ Ngọc Liễn) [99, tr.141-160], Tìm hiểu Đào Tấn (Xuân Diệu) [99, tr.232-247], Cái lớn của Đào Tấn (Hoàng Châu Ký) [99, tr.360-366], Đào Tấn với sĩ phu yêu nước (Nguyễn Thế Phiệt) [32, tr.63-69], Đào Tấn và gia đình Hồ Chí Minh (Sơn Tùng) [32, tr.70-73], Từ quan hệ gia đình tìm hiểu về danh nhân văn hóa Đào Tấn (Đoàn Minh Tuấn) [32, tr.79-84], Đào Tấn – ông quan nghệ sĩ (Vũ Ngọc Liễn) [32, tr.103-118], Một vài cảm nhận về danh nhân văn hóa Đào Tấn (Vũ Mão) [32, tr.119-128], Từ cuộc đời Đào Tấn, sự đánh giá nghệ thuật Đào Tấn... đến công việc cần làm (Hà Xuân Trường) [99, tr.450], Đào Tấn (Huỳnh Lý) [99, tr.131-140], Sự nghiệp Đào Tấn nhìn từ thế kỷ XXI (Nguyễn Văn Thành) [32, tr.293-302]...

Bằng các tư liệu sưu tầm trong và ngoài nước; gặp gỡ các chứng nhân lịch sử để ghi lại những câu chuyện về Đào Tấn; điền dã các vùng đất Đào Tấn đã từng sống; nghiên cứu mối quan hệ của Đào Tấn với các nhân vật lịch sử Mai Xuân Thưởng, Hoàng Hoa Thám, Phan Đình Phùng,... và phong trào Cần Vương, phong trào Duy Tân ở thế kỷ XIX..., với những lăng kính và góc tiếp cận khác nhau, các nhà nghiên cứu đã đi sâu vào thân thế sự nghiệp của Đào Tấn và khẳng định những nội dung sau:

Thứ nhất, Đào Tấn là một nhà Nho truyền thống. Mặc dù sinh ra và lớn lên trong thời kì đất nước có nhiều chuyển biến lớn nhưng về cơ bản tư tưởng Đào Tấn vẫn chịu ảnh hưởng sâu sắc của ý thức hệ Nho giáo.

Xem tất cả 263 trang.

Ngày đăng: 20/09/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí