Khảo sát truyện cổ tích thần kỳ của dân tộc Mông lưu hành ở Yên Bái - 2

gian của dân tộc nói chung và truyện cổ tích thần kỳ của dân tộc Mông ở Yên Bái nói riêng sẽ giúp chúng ta có được cái nhìn đầy đủ hơn về truyện dân gian của dân tộc Mông ở Yên Bái. Với những lý do trên, chúng tôi đã quyết định lựa chọn đề tài Khảo sát truyện cổ tích thần kỳ của dân tộc Mông lưu hành ở Yên Bái để làm đề tài nghiên cứu. Việc lựa chọn đề tài này mặc dù gặp rất nhiều khó khăn và vất vả, song nếu thành công chắc chắn nó sẽ có nhiều hữu ích.

2. Lịch sử vấn đề.

Tìm hiểu về văn hóa cũng như truyện cổ tích của mỗi dân tộc trong mấy thập kỷ gần đây đã được những người làm công tác văn hóa tư tưởng, văn nghệ dân gian cùng những người yêu thích văn học dân tộc lưu tâm. Xét riêng ở tỉnh Yên Bái, việc sưu tầm nghiên cứu về văn hóa Mông cũng như truyện kể dân gian Mông đã được chú ý. Cho đến nay, văn học cũng như truyện cổ tích của dân tộc Mông ở Yên Bái mới chỉ được sưu tầm, dịch và giới thiệu trên một số công trình hay tạp chí của địa phương và trung ương.

Qua quá trình khảo sát, chúng tôi chưa thấy có công trình nào giới thiệu đầy đủ về truyện cổ tích thần kỳ của dân tộc Mông lưu hành ở Yên Bái. Bên cạnh đó, việc khảo sát các giá trị về nội dung và nghệ thuật của các truyện cổ tích thần kỳ cũng chưa được tiến hành. Có thể những điều đó chưa phải là mục đích của các công trình đã nghiên cứu. Về truyện dân gian của dân tộc Mông lưu hành ở Yên Bái, chúng tôi mới chỉ thấy luận văn Khảo sát truyền thuyết các dân tộc lưu hành ở Yên Bái của Thạc sĩ Phùng Thị Phương Hạnh đề cập đến vấn đề này. Một số công trình khác của Lò Ngân Sủn, Trần Hữu Sơn, Doãn Thanh, Minh Khương, Đinh Sơn, Hoàng Hạc, Hoàng Việt Quân lại tập trung vào nghiên cứu văn hóa, dân ca, lịch sử mang tính tổng hợp chứ không phải là công trình nghiên cứu văn học.

Chúng tôi nhận thấy rằng số lượng truyện cổ tích thần kỳ của dân tộc Mông lưu hành ở Yên Bái không những phong phú về số lượng mà còn đa dạng trong việc thể hiện nội dung. Bên cạnh những điểm tương đồng trong


3

một vài truyện kể thì truyện cổ tích thần kỳ của dân tộc Mông lưu hành ở Yên Bái có nhiều điểm khác biệt so với truyện cổ tích của các dân tộc anh em khác. Chính điều đó đã làm nên sức hấp dẫn của truyện cổ tích thần kỳ của dân tộc Mông lưu hành ở Yên Bái.

Trên cơ sở kế thừa thành tựu của những người đi trước, chúng tôi mong muốn trong một giới hạn nhất định đề tài Khảo sát truyện cổ tích thần kỳ của dân tộc Mông lưu hành ở Yên Bái sẽ là cơ hội để mình tiến hành tìm hiểu các giá trị về nội dung và nghệ thuật làm nên giá trị của truyện dân gian dân tộc Mông trên tinh thần khoa học và toàn diện nhất có thể, từ đó hướng tới một cách hiểu và cách lý giải thuyết phục về cái hay, cái độc đáo và hấp dẫn của truyện cổ tích dân tộc Mông ở Yên Bái. Hy vọng rằng việc nghiên cứu đề tài này là một đóng góp của người viết trong việc phát hiện về bản sắc văn hóa của dân tộc.

3. Đối tượng, phạm vi, mục đích nghiên cứu.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 107 trang tài liệu này.

3.1. Đối tượng nghiên cứu:

Khi thực hiện công việc, chúng tôi sẽ đặt trọng tâm vào đối tượng chính: Truyện cổ tích thần kỳ của dân tộc Mông lưu hành ở Yên Bái được sưu tầm và giới thiệu trên các sách, báo, tạp chí; các phương tiện thông tin đại chúng của trung ương và địa phương. Tiêu biểu là các công trình sau:

Khảo sát truyện cổ tích thần kỳ của dân tộc Mông lưu hành ở Yên Bái - 2

- Nàng Nu - truyện cổ dân tộc Mông do Minh Khương sưu tầm, Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc (1997).

- Suối nước mắt - Tập truyện dân gian vùng Văn Chấn do Phạm Đức Hảo sưu tầm, Nhà xuất bản văn hóa dân tộc (1996).

- Ông vua ngốc - truyện cổ các dân tộc Hoàng Liên Sơn do Lò Ngân Sủn biên tập, in tại xí nghiệp in Hoàng Liên Sơn (1989).

3.2. Phạm vi nghiên cứu:

Trong giới hạn của đề tài luận văn, chúng tôi sẽ tập trung vào việc khảo sát truyện cổ tích thần kỳ của dân tộc Mông lưu hành ở Yên Bái. Qua đó chỉ ra những đặc điểm về nội dung và nghệ thuật trong các truyện.


4

3.3. Mục đích nghiên cứu:

Truyện cổ tích thần kỳ của dân tộc Mông là một tiểu loại đặc sắc, đậm đà màu sắc văn hóa Mông. Qua việc nghiên cứu đề tài Khảo sát truyện cổ tích thần kỳ của dân tộc Mông lưu hành ở Yên Bái, chúng tôi muốn góp phần gìn giữ, bảo tồn và giới thiệu những nét đặc sắc trong truyện cổ tích của dân tộc Mông ở Yên Bái đến độc giả và những người quan tâm đến vấn đề này.

4. Những đóng góp mới của luận văn.

4.1 Về lý luận:

- Thống kê và phân loại được truyện cổ tích thần kỳ của dân tộc Mông lưu hành ở Yên Bái.

- Hiểu được mối quan hệ hữu cơ giữa văn học và các yếu tố ngoài văn học: lịch sử tộc người, quan niệm sống, vùng đất, địa bàn cư trú, văn hóa… Đó là những nhân tố quan trọng góp phần làm nên sức sống của truyện cổ tích thần kỳ của dân tộc Mông.

4.2 Về nhận thức:

Kết quả mà luận văn đạt được chính là những giá trị nội dung cũng như những giá trị nghệ thuật làm nên sự hấp dẫn trong truyện cổ tích thần kỳ của dân tộc Mông lưu hành ở Yên Bái.

Mặt khác, kết quả mà luận văn nghiên cứu sẽ là nguồn tư liệu hữu ích cho việc nghiên cứu và giảng dạy của giáo viên đứng lớp sau này khi giảng dạy về văn học địa phương ở Yên Bái cũng như văn học các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.

5. Phương pháp nghiên cứu: Để thực hiện được mục đích đề ra trong phạm vi tự giới hạn, trong quá trình nghiên cứu, luận văn đã sử dụng phối hợp một số phương pháp sau:

- Phương pháp thống kê, phân loại.

- Phương pháp phân tích - tổng hợp: Từ việc khảo sát, thống kê, phân loại, chúng tôi tiến hành tìm hiểu các giá trị về nội dung và nghệ thuật làm nên nét riêng trong truyện cổ tích thần kỳ của dân tộc Mông lưu hành ở Yên Bái.



5

- Phương pháp đối chiếu, so sánh: Để làm nổi bật tính địa phương trong truyện cổ tích thần kỳ của dân tộc Mông lưu hành ở Yên Bái, chúng tôi có so sánh, đối chiếu với truyện cổ tích thần kỳ của người Việt và các thể loại tự sự dân gian khác.

- Phương pháp điền dã: Chụp hình, ghi chép các thông tin có liên quan đến truyện cổ tích thần kỳ của dân tộc Mông lưu hành ở Yên Bái

- Phương pháp nghiên cứu liên ngành.

Trong các phương pháp nghiên cứu trên thì thống kê phân loại là phương pháp được áp dụng tích cực trong quá trình xử lí tư liệu. Các tư liệu được thống kê phân loại là cơ sở để đưa ra những phân tích, so sánh khoa học có sức thuyết phục của đề tài. Bên cạnh đó, phương pháp nghiên cứu liên ngành cũng được chúng tôi sử dụng trong cả quá trình nghiên cứu nhằm giải mã văn hóa với một số biểu tượng trong văn học dân tộc Mông, từ đó làm sáng tỏ những đặc điểm về nội dung và nghệ thuật. Điều này cũng phù hợp với xu hướng nghiên cứu hiện nay.

Song song với việc vận dụng phối hợp các phương pháp trên, chúng tôi còn vận dụng những kiến thức đã học được về các khoa học liên ngành như: lý luận văn học, thi pháp học, phong cách học, phương pháp luận nghiên cứu văn học… để phục vụ hiệu quả cho việc nghiên cứu cụ thể các vấn đề người viết đã chọn làm đề tài cho luận văn.

6. Cấu trúc của luận văn.

Ngoài phần mở đầu và phần kết luận, nội dung chính của luận văn được thể hiện trong 3 chương:

Chương 1: Tổng quan về truyện cổ tích thần kỳ của dân tộc Mông lưu hành ở Yên Bái.

Chương 2: Những đặc điểm về nội dung trong truyện cổ tích thần kỳ của dân tộc Mông lưu hành ở Yên Bái.

Chương 3: Những đặc điểm về nghệ thuật trong truyện cổ tích thần kỳ của dân tộc Mông lưu hành ở Yên Bái.


6

NỘI DUNG

CHƯƠNG 1

TỔNG QUAN VỀ TRUYỆN CỔ TÍCH THẦN KỲ CỦA DÂN TỘC MÔNG LƯU HÀNH Ở YÊN BÁI

1.1. Sơ lược về điều kiện tự nhiên, đặc điểm xã hội và đời sống văn hóa của dân tộc Mông ở Yên Bái

1.1.1. Đặc điểm địa - chính trị Yên Bái

Yên Bái là một tỉnh miền núi nằm sâu trong nội địa. So với các tỉnh miền núi khác, Yên Bái có một vị trí địa lý khá đặc biệt. Phía Bắc giáp với tỉnh Lào Cai, phía Nam giáp tỉnh Phú Thọ, phía Đông giáp tỉnh Tuyên Quang, phía Tây giáp tỉnh Sơn La. Yên Bái nằm giữa hai vùng Đông Bắc và Tây Bắc, nằm ở khu vực chuyển tiếp giữa miền Tây Bắc và Trung du Bắc Bộ. Vì vậy mà cả đặc điểm tự nhiên và kinh tế văn hóa xã hội của tỉnh có mối quan hệ giao lưu và mang dấu ấn của cả ba vùng. Yên Bái là tỉnh giữ vị trí trọng yếu về kinh tế và quân sự của Việt Nam và có lợi thế trong quá trình giao lưu với các tỉnh bạn.

Yên Bái có diện tích tự nhiên là 6.888 km2 với ¾ là núi đồi; 01 thành phố (Yên Bái), 01 thị xã (Nghĩa Lộ) và 07 huyện (Yên Bình, Lục Yên, Trạm Tấu, Trấn Yên, Văn Chấn, Văn Yên, Mù Cang Chải). Về địa hình, Yên Bái cao dần từ Đông Nam lên Tây Bắc và được kiến tạo với ba dãy núi lớn đều có hướng chạy là Tây Bắc - Đông Nam. Phía Tây của Yên Bái có dãy núi Hoàng Liên Sơn - Pú Luông kẹp giữa sông Hồng và sông Đà, tiếp đến là dãy núi cổ Con Voi nằm kẹp giữa sông Hồng và sông Chảy. Phía Đông có dãy núi đá vôi kẹp giữa sông Chảy và sông Lô. Địa hình của Yên Bái tuy có phức tạp nhưng vẫn được chia thành hai vùng lớn: vùng cao và vùng thấp. Vùng cao có độ cao trung bình từ 600m trở lên (chiếm 67,56%). Vùng thấp có độ cao dưới 600m là phần diện tích còn lại.


7

Do điều kiện khách quan và chủ quan mà địa giới của tỉnh Yên Bái trước kia và ngày nay có nhiều thay đổi, song từ bao đời nay Yên Bái vẫn là một vùng đất quan trọng của Tổ quốc. Dưới thời Hùng Vương, Yên Bái thuộc Bộ Tân Hưng. Dưới thời Lý, Yên Bái thuộc châu Đăng. Dưới thời Trần, Yên Bái thuộc lộ Quy Hóa. Từ thời Lê đến thời Nguyễn, Yên Bái nằm trong phủ Quy Hóa, tỉnh Hưng Hóa. Ngày 27 tháng 12 năm 1975, Yên Bái đã sáp nhập với tỉnh Lào Cai và Nghĩa Lộ lấy tên là Hoàng Liên Sơn. Từ tháng 8 năm 1991 cho đến nay, Yên Bái được tách thành tỉnh riêng (bao gồm cả Nghĩa Lộ).

Với đặc điểm vị trí thuận lợi như thế, Yên Bái đã trở thành điểm thu hút với các tộc người, các dòng người di cư đi tìm những vùng đất mới để khai hoang và thiết lập lãnh địa của mình. Tỉnh Yên Bái đã thu hút được cả những tộc người di cư từ phương Bắc xuống, từ phía Đông và từ phía Tây sang. Từ đồng bằng lên. Chính vì vậy mà Yên Bái rất phong phú các thành phần dân tộc, số dân tương đối đông và họ định cư ở đây từ rất sớm. Điều này rất quan trọng đối với sự hình thành lịch sử văn hóa, văn học, truyền thống và phong tục tập quán của từng dân tộc trên địa bàn cư trú.

1.1.2. Đặc điểm lịch sử văn hóa dân tộc Mông ở Yên Bái

Dân tộc Mông còn được gọi với tên khác là dân tộc Mèo (hay Miêu). Theo công trình nghiên cứu Một số nét đặc trưng các dân tộc tỉnh Yên Bái do Ban Dân vận và dân tộc tỉnh Yên Bái xuất bản vào tháng 6 năm 2000 thì người Mông ở Yên Bái có 4 ngành: Mông hoa (Mông lềnh, ở Mù Cang Chải gọi là Mông linh), Mông đen (Mông dú, ở Mù Cang Chải gọi là Mông đu), Mông trắng (Mông đư, ở Mù Cang Chải gọi là Mông đơ), Mông đỏ (Mông si). Trong đó người Mông đen chiếm số lượng đông hơn cả.

Người Mông ở tỉnh Yên Bái có khoảng 55.000 người, cư trú tập trung tại 40 xã thuộc 5 huyện: Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, Văn Yên, Trấn Yên. Theo công trình nghiên cứu Tìm hiểu dân ca dân tộc Mông của tác giả Hoàng Việt Quân (N.X.B Văn hóa Dân tộc, 2004) thì người Mông có 5


8

ngành: Mông hoa (Mông lềnh), Mông đen (Mông dú), Mông xanh (Mông chúa), Mông trắng (Mông đư), Mông đỏ (Mông si). Các nhóm Mông trên tuy có sự khác nhau đôi chút về tiếng nói nhưng lại cùng thuộc nhóm ngôn ngữ Mông - Dao. Cả bốn nhóm Mông đều mặc vải lanh nhuộm chàm, riêng váy của ngành Mông trắng để nguyên vải mộc. Chính chất liệu lanh đã tạo nên sự khác biệt giữa trang phục của người Mông với trang phục của các dân tộc khác. Đàn ông Mông thường mặc quần đũng thấp, áo cài vạt sang một bên, thân áo lưng ngắn để hở một khoảng bụng. Phụ nữ mặc váy nhiều lớp, phủ ngoài tạp dề trước và sau, áo ngắn cài khuy một bên, trên ống tay áo có khoác nhiều khoang vải. Trên nền y phục, sắc độ các màu nguyên: đỏ, vàng, xanh, đen cùng với kĩ thuật dệt, thêu, ghép màu vải, vẽ sáp ong, dân tộc Mông đã tận dụng, sử dụng phương tiện tạo hình trên y phục.

Theo các nhà nghiên cứu thì người Mông có nguồn gốc chung với người Dao. Từ thế kỉ VII đến thế kỉ IX sau công nguyên, Mông với Dao mới tách ra thành hai cộng đồng riêng biệt. Những nhóm Mông đầu tiên di cư đến Việt Nam cách đây chừng hơn 300 năm. Người Mông từ Quý Châu (Trung Quốc) vào Lào Cai cách ngày nay hơn 200 năm. Trong đợt thiên di từ Quý Châu đến Lào Cai vào đợt thứ 2 (từ năm 1840 đến năm 1869), có một đoàn từ Bắc Hà xuống Phố Lu lên SaPa đi Than Uyên và tới Mù Cang Chải của Yên Bái. Những người Mông chọn Mù Cang Chải làm điểm dừng chân lập kế sinh nhai, lấy tên là “Xáo Mông”, sau đó họ mở rộng địa bàn sinh sống sang các huyện lân cận như Trạm Tấu và Văn Chấn (Yên Bái). Đầu những năm 2000, một phần đồng bào Mông mới đã di chuyển từ Lào Cai, Hà Giang và Sơn La sang Yên Bái để định cư. Dân tộc Mông cư trú ở vùng đất cao nhất của tỉnh Yên Bái. Dù có sống xen cư với các dân tộc khác nhưng họ vẫn quần tụ với nhau thành cộng đồng và ở sống chủ yếu ở độ cao từ 700m - 1800m. Cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện Mù Cang Chải (1957 - 2002) xuất bản năm 2002 ghi rõ: “Đầu thế kỉ XVIII, người Mông từ Lào Cai vượt dãy Hoàng Liên Sơn


9

vào cư trú tại Nậm Kim và phát triển lên Mù Cang Chải (Lồng Cống, Lồng Mù). Người Mông coi Lồng Cống, Lồng Mù là “vùng đất tổ” khi chết phải chỉ đường cho về đây. Nhóm đầu tiên đến thuộc họ Vàng rồi đến các họ Thào, Giàng, Sùng, Cứ, Hờ, Hảng, Mua, Lý, Phàng, Lầu… trong đó họ Giàng là đông nhất”.

Về văn hóa, có thể khẳng định văn hóa của dân tộc Mông là văn hóa di cư. Trong quá trình thiên di từ Quý Châu (Trung Quốc) sang Việt Nam, người Mông đã mang theo những phong tục tập quán, lối sống, tín ngưỡng. Tuy đến định cư tại vùng đất mới song người Mông vẫn luôn bị ám ảnh bởi những gì đã diễn ra trong quá khứ của họ. Điều đó được thể hiện rõ qua các bài dân ca Mông, các câu chuyện cổ mà họ mang theo trong quá trình thiên di tới vùng đất mới. Người Mông ở Yên Bái có nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Nói đến văn hóa lễ hội dân tộc Mông, các nhà nghiên cứu đều khẳng định rằng Gầu tào là lễ hội quan trọng nhất. Trong những ngày diễn ra lễ hội Gầu tào, điệu múa khèn luôn là nghi lễ mở hội “chù Gầu tào”, sau đó là các trò chơi: đám hát gầu plềnh (giao duyên trai gái), đám đánh tù lú (đánh quay), tâu tí (cầu lông gà), đánh mảy pao. Trong lễ hội Gầu tào, những nghệ nhân điêu luyện người Mông thường thổi khèn múa tua tài với nhiều động tác khá phức tạp như trồng cây chuối, đi qua đòn ống bắc trên chảo thắng cố…

Về văn học, người Mông ở Yên Bái có một kho tàng văn học dân gian rất phong phú, gồm nhiều thể loại: thần thoại, truyện cổ tích, các thể loại dân ca và tục ngữ… Có loại được kể như văn xuôi, có loại kể dưới dạng truyện thơ, bài ca mang tính chất li kì, hấp dẫn. Có thể nói rằng dòng đời của người Mông luôn tắm mình trong các lễ nghi phong tục tập quán, các hoạt động đời sống thực tiễn gắn liền với sinh hoạt văn hóa truyền thống mang đậm tính nguyên hợp. Trong cộng đồng của mình, người Mông vẫn kể chuyện cổ tích cho con cháu của mình nghe. Có thể nói truyện cổ tích đóng một vai trò quan trọng góp phần làm nên sức hấp dẫn của văn học dân tộc Mông ở Yên Bái nói riêng và của văn học Việt Nam nói chung.


10

Xem tất cả 107 trang.

Ngày đăng: 20/01/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí