vực thông tin du lịch; đầu tư và phát triển sản phẩm cũng như quảng bá cho sản phẩm của địa phương; đào tạo và phát triển du lịch.
(Nguồn: Số liệu của Tổng cục thống kê Việt Nam được xử lý bằng Stata)
Hình 3.12. Biểu đồ phân tán chỉ số Moran’s I địa phương về doanh thu du lịch lữ hành vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ năm 2012 và 2019
Trong khi đó, Quảng Bình và các địa phương còn lại ở vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ (ngoại trừ Khánh Hòa) được định vị vào góc phần tư LL (thấp – thấp), tức là địa phương có doanh thu du lịch lữ hành thấp và các địa phương lân cận cũng thấp trong suốt giai đoạn 2012 – 2019. Như vậy, tính liên kết địa phương và liên kết vùng trong phát triển du lịch của những địa phương này (trong đó có Quảng Bình) là rất thấp, chưa tạo ra được hiệu ứng lan tỏa để thúc đẩy tăng trưởng doanh thu du lịch cho toàn vùng. Kết quả này trùng hợp với nội dung phân tích như đã trình bày ở phần trước, càng bổ sung thêm bằng chứng để kết luận rằng, sự trùng lặp về sản phẩm và việc áp dụng các mô hình phát triển khá giống nhau là thực trạng chung của nhiều địa phương ở khu vực miền Trung, điều đó thể hiện sự chia cắt và phân mảnh trong phát triển du lịch, dẫn đến các nguồn lực không được sử dụng một cách hiệu quả.
Tóm lại, kết nối vùng trong phát triển du lịch ở khu vực miền Trung (bao gồm cả vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ) tập trung vào cụm du lịch Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng – Quảng Nam. Điều này hàm ý một chính sách quan trọng đối với tỉnh Quảng Bình đó chính là việc xác định cụm liên kết ưu tiên với 3 địa phương Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng – Quảng Nam trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế của Di sản Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng để phát triển tour du lịch liên địa phương theo chương trình “Con đường di sản miền Trung”, góp phần tạo sự khác biệt và tính độc đáo của sản phẩn du lịch vùng, tiến tới xây dựng thương hiệu du lịch của cụm liên kết này.
3.4.2. Tác động của kết nối vùng đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch ở tỉnh Quảng Bình
Nhằm đạt được mục tiêu nghiên cứu, trong phần này luận án thực hiện đánh giá tác động của kết nối vùng đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch ở tỉnh Quảng Bình (sau đây gọi chung là doanh nghiệp), hoạt động trong 04 lĩnh vực chủ yếu, gồm: lữ hành, lưu trú, vận tải và nhà hàng. Phương pháp được sử dụng trong nghiên cứu này là thống kê mô tả dựa trên nguồn số liệu điều tra khảo sát các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch. Có 6 tiêu chí được sử dụng để đánh giá tác động của việc tham gia kết nối vùng đến hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, bao gồm: 1) Chia sẻ kiến thức, thông tin và nguồn lực; 2) giảm chi phí xúc tiến, quảng bá; 3) nâng cao năng lực cạnh tranh; 4) mở rộng quy mô kinh doanh; 5) Phát triển sản phẩm mới; 6) Tăng doanh thu và lợi nhuận. Các ý kiến đánh được thực hiện bằng cách cho điểm bằng thang Likert 5 mức độ, trong đó, mức 1 thể hiện quan điểm hoàn toàn không đồng ý, mức 5 thể hiện quan điểm hoàn toàn đồng ý.
Có thể bạn quan tâm!
- Số Lượng Dự Án Và Quy Mô Vốn Đầu Tư Của Các Doanh Nghiệp Trong Nước Vào Lĩnh Vực Du Lịch Tỉnh Quảng Bình Giai Đoạn 2015 – 2019
- Kết Nối Hệ Thống Giao Thông Liên Vùng Phục Vụ Du Lịch
- Phân Tích Mạng Lưới Liên Kết Giữa Các Bên Liên Quan Trong Phát Triển Du Lịch
- Đóng Góp Trực Tiếp Của Du Lịch Vào Grdp Ở Một Số Địa Phương Vùng Duyên Hải Nam Trung Bộ
- Giải Pháp Tăng Cường Kết Nối Vùng Trong Phát Triển Du Lịch Tỉnh Quảng Bình
- Giải Pháp Tăng Cường Liên Kết Sản Phẩm Du Lịch
Xem toàn bộ 168 trang tài liệu này.
(Nguồn: Số liệu điều tra khảo sát doanh nghiệp)
Hình 3.13. Đánh giá của doanh nghiệp về tác động của kết nối vùng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch ở tỉnh Quảng Bình
Kết quả thống kê cho thấy, các ý kiến đánh giá của doanh nghiệp đã ghi nhận một số lợi ích khi tham gia vào các hoạt động kết nối vùng, đó là giúp các doanh nghiệp có cơ hội chia sẻ kiến thức, trao đổi thông tin và nguồn lực để thực hiện các hoạt động kinh doanh. Điều này được thể hiện qua mức điểm đánh giá về tiêu chí “Chia sẻ kiến thức, thông tin và nguồn lực” đạt trên 4 điểm, trong đó điểm đánh giá của các doanh nghiệp lữ hành là 4,26; của các cơ sở lưu trú (4,22 điểm); của các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhà hàng là 4,18 điểm và đơn vị vận tải là 3,16 điểm. Ngoài ra, tiêu chí “Giảm chi phí xúc tiến, quảng bá” cũng được các doanh nghiệp đánh giá tích cực, với mức điểm đánh giá trên 4 điểm, tức là việc tham gia các hoạt động kết nối vùng đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí xúc tiến, quảng bá giới thiệu sản phẩm du lịch.
Tuy nhiên, 4 tiêu chí còn lại không được các doanh nghiệp đánh giá cao, đó là những tiêu chí liên quan đến nâng cao năng lực cạnh tranh; mở rộng quy mô hoạt động; phát triển sản phẩm mới, đặc biệt là tăng doanh thu và lợi nhuận cho doanh nghiệp. Trung bình điểm đánh giá của các tiêu chí này chỉ ở dưới mức 3,5 điểm, ngoại trừ điểm đánh giá của doanh nghiệp lữ hành đối với tiêu chí “Tăng doanh thu và lợi nhuận” đạt mức 4,08 điểm.
Như vậy, xét trên bình diện chung thì việc tham gia các hoạt động kết nối vùng trong phát triển du lịch mới chỉ mang lại một số kết quả bước đầu, trong đó chủ yếu là tạo điều kiện để các doanh nghiệp gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi thông tin và cùng hợp tác trong việc giới thiệu quảng bá sản phẩm dịch vụ du lịch. Kết quả này một lần nữa khẳng định rằng thực trạng hợp tác liên kết giữa các doanh nghiệp tỉnh Quảng Bình với các doanh nghiệp và đối tác bên ngoài tỉnh Quảng Bình phần lớn mới chỉ dừng lại ở mức độ trao đổi thông tin, chia sẻ và dẫn khách du lịch sử dụng một số dịch vụ cơ bản trong các tour, tuyến du lịch đến Quảng Bình như: thăm quan, lưu trú, ăn uống và vận chuyển. Trong khi đó, việc liên kết trong đầu tư, trong đào tạo nhân lực và phát triển sản phẩm dịch vụ hoặc liên kết ở cấp độ đối tác chiến lược, liên doanh liên kết là chưa được thực hiện một cách sâu rộng và phổ biến. Mặt khác, phạm vi tác động của kết nối vùng là khá hẹp, mới chỉ giới hạn trong lĩnh vực lữ hành. Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lưu trú, dịch vụ ăn uống, vận chuyển hành khách chưa đón nhận được những lợi ích từ quá trình tham gia kết nối vùng mà nguyên nhân trực tiếp đó chính là mức độ tham gia liên kết của những doanh nghiệp này là chưa cao, nhất là các doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh quy mô nhỏ.
3.5. Đánh giá tính bền vững trong phát triển du lịch tỉnh Quảng Bình
Như đã trình bày trong chương 1, câu hỏi nghiên cứu đặt ra trong luận án này đó chính là kết quả phát triển du lịch ở tỉnh Quảng Bình có đạt được theo hướng bền vững trên cơ sở thực hiện các chính sách, chương trình hợp tác kết nối vùng? Để trả lời được câu hỏi quan trọng này, tác giả tiếp túc đi sâu phân tích, đánh giá tính bền vững trong phát triển du lịch tỉnh Quảng Bình dựa vào một số chỉ tiêu kinh tế, xã hội và môi trường như thu nhập của ngành du lịch, tỷ trọng và mức độ đóng của ngành du lịch vào GRDP, cơ hội việc làm cho người dân địa phương, và một số vấn đề liên quan đến môi trường sinh thái. Nguồn số liệu được đưa vào phân tích bao gồm cả số liệu thứ cấp và sơ cấp.
(Nguồn: Tổng cục thống kê, Việt Nam)
Hình 3.14. GRDP bình quân đầu người của các tỉnh, thành miền Trung năm 2018
Về kinh tế: Theo báo cáo của Cục thống kê Quảng Bình, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2019 tính theo giá hiện hành đạt 39.155,4 tỷ đồng, tăng 7,34% so với năm 2018 (theo giá so sánh 2010); GRDP bình quân đầu người đạt 43,67 triệu đồng. Nếu như so sánh với các địa phương trong vùng BTB&DHMT thì thu nhập bình quân đầu người của tỉnh Quảng Bình đứng thứ 13/14 tỉnh thành (cao hơn Nghệ An); thấp hơn so với mức thu nhập bình quân chung của vùng BTB&DHMT và các vùng kinh tế khác trong cả nước; xếp thứ 50/63 tỉnh thành về GRDP bình quân đầu người. Điều này phản ánh Quảng Bình vẫn là một tỉnh nghèo, đời sống kinh tế của phần nhiều người dân vẫn gặp nhiều khó khăn, đặt ra nhiều thách thức không nhỏ đối với chính quyền địa phương.
Mặc dù khu vực dịch vụ chiếm 54,46% trong GRDP của tỉnh năm 2019 tính theo giá hiện hành và đạt được tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều năm, nhưng mức độ đóng góp của ngành du lịch vào GRDP của tỉnh Quảng Bình vẫn còn thấp. Tổng hợp và tính
toán từ số liệu niên giám thống kê cho thấy, tỷ lệ doanh thu du lịch/GRDP của tỉnh Quảng Bình bằng khoảng 11 – 14% trong giai đoạn 2015 – 2019. Tuy nhiên, khi bóc tách GRDP dịch vụ lưu trú và ăn uống (kể cả những dịch vụ không gắn liền với du lịch) thì mức độ đóng góp này vào tổng sản phẩm GRDP tỉnh Quảng Bình chưa đến 5%; trong khi đó, tỷ lệ đóng góp trực tiếp của ngành du lịch vào GDP của cả nước trong năm là 9% (Phụ lục 33).
(Nguồn: Tính toán từ số liệu Niên giám thống kê tỉnh Quảng Bình)
Hình 3.15. Đóng góp của ngành du lịch vào GRDP của tỉnh Quảng Bình
Rõ ràng, sự phát triển của ngành du lịch tỉnh Quảng Bình hiện nay vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế về tài nguyên du lịch, sức lan tỏa và khả năng tạo ra hiệu ứng đối với sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Bình vẫn còn thấp. Nếu như viện dẫn vào nội dung quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Quảng Bình đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025 thì sự phát triển của ngành du lịch tỉnh Quảng Bình không đạt được mục tiêu đề ra. Theo nội dung quy hoạch, mục tiêu đến năm 2020, mức đóng góp của ngành du lịch vào GRDP của tỉnh là 2%. Điều này cũng đặt ra nhiều thách thức không nhỏ đối với chính quyền địa phương tỉnh Quảng Bình khi ngành du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn.
Về xã hội: Mặc dù mức độ đóng góp của ngành du lịch đối với sự tăng trưởng kinh tế của Quảng Bình chưa nhiều, nhưng có thể cho rằng tác động lan tỏa đối với cộng đồng xã hội là đáng ghi nhận. Trước hết, ngành du lịch đã tạo ra nhiều việc làm cho người dân địa phương, với khoảng 6000 lao động trực tiếp và gần 12000 lao động gián tiếp (Báo cáo của Sở Du lịch, 2019). Một báo cáo năm 2019 của Ngân hàng thế giới về cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam (chuyên đề đặc biệt: Phát triển du lịch Việt Nam) cho biết, các địa phương nghèo đều có mức tăng trưởng của ngành du lịch khá ngoạn mục, điều này cho thấy du lịch đang là ngành kinh tế quan trọng tạo điều kiện để
phân bố thu nhập từ địa bàn giàu đến địa bàn nghèo ở Việt Nam, trong đó có tỉnh Quảng Bình (Phụ lục 34). So với các địa phương được xếp vào nhóm có mức thu nhập hộ gia đình thấp, Quảng Bình có mức tăng trưởng du lịch tương đối cao, điều này sẽ góp phần không nhỏ đối với quá trình giảm nghèo của địa phương.
Đặc biệt, tác động của ngành du lịch đối với một bộ phận dân cư vùng nông thôn Quảng Bình đã trở nên rõ nét, mang lại nhiều lợi ích thiết thực và đóng góp vào những nỗ lực giảm nghèo của địa phương. Điều này có thể dẫn chứng qua sự phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại vùng đệm VQG PNKB, trong đó tập trung phần lớn ở huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Theo số liệu thống kê năm 2019, trên địa bàn huyện Bố Trạch có 122 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú theo mô hình homestay, farmstay. Trong đó, có nhiều mô hình phát triển thành công, thu hút hàng trăm lượt khách mỗi ngày, phần lớn là du khách nước ngoài như: Chày Lập Farmstay, Phong Nha Farmstay, Pepper House Homstay, Hồ Khanh Homestay, Jungle Boss Homestay. Ngoài các mô hình Homestay, Farmstay còn có các mô hình kinh doanh sản phẩm dịch vụ du lịch khác như: dịch vụ ăn uống, thuê xe đạp leo núi, hoạt động dã ngoại, tham gia các hoạt động sản xuất nông nghiệp với người dân bản địa. Mặc dù mô hình du lịch cộng đồng mới phát triển trong khoảng thời gian gần đây, quy mô còn nhỏ, nhưng loại hình du lịch này đã góp phần không nhỏ trong việc tạo việc làm và tăng thu nhập cho cư dân bản địa, trong đó phần lớn là lao động có kỹ năng thấp và ở khu vực nông thôn.
(Nguồn: Số liệu điều tra các hộ kinh doanh dịch vụ homestay năm 2019)
Hình 3.16. Tác động xã hội của mô hình du lịch cộng đồng tại vùng đệm VQG PNKB
Kết quả điều tra phỏng vấn các hộ kinh doanh homestay cho thấy, phần lớn số lượng thành viên của hộ tham gia vào du lịch cộng đồng homestay là từ 2 – 3 thành viên,
đồng thời cũng có 4-5 lao động trong gia đình làm du lịch cộng đồng, với công việc chính như: quản lý, nhân viên phục vụ, hướng dẫn, phục vụ các dịch vụ trải nghiệm và vận chuyển (xem phụ lục 35). Hơn nữa, lợi ích của mô hình du lịch cộng đồng được các hộ gia đình này đánh giá cao ở một số khía cạnh xã hội khác như người dân có cơ hội để học ngoại ngữ phục vụ khách du lịch quốc tế; cơ sở hạ tầng, đường giao thông, hệ thống nước sạch, năng lượng điện phần nào đã được cải thiện, trong đó kể cả nhà cửa của người dân đã được sửa sang nâng cấp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ.
Tuy nhiên, tác động của du lịch cộng đồng về khía cạnh xã hội cũng xuất hiện một số vấn đề không tích cực, trong đó phần lớn người dân tham gia trả lời phỏng vấn cho rằng sự phát triển du lịch cộng đồng đã làm tăng chi phí sinh hoạt so với trước đây; sự xuất hiện của văn hóa khác dẫn đến sự thay đổi về lối sống của cộng đồng cũng khác nhiều so với lối sống bản địa như trước đây; nguy cơ chia rẽ trong cộng đồng do cạnh tranh và trùng lặp ý tưởng về cách làm du lịch cộng đồng. Đặc biệt, vấn đề quan trọng hơn cả đó chính là cơ hội cho người nghèo được tham gia vào loại hình du lịch này vẫn còn hạn chế, phần nhiều là do quy mô kinh doanh của du lịch cộng đồng chưa đủ lớn, trình độ học vấn, hiểu biết của đại bộ phận người dân ở các khu vực nông thôn còn khá hạn chế.
Về môi trường: Xét trên bình diện tổng thể, các sản phẩm du lịch ở tỉnh Quảng Bình hiện nay phần lớn vẫn dựa vào việc khai thác tài nguyên tự nhiên, trong đó tập trung ở khu vực VQG PNKB – Di sản thiên nhiên thế giới. Chính vì vậy, bên cạnh đặt mục tiêu về tăng trưởng kinh tế của ngành du lịch thì vấn đề bảo tồn môi trường sinh thái tự nhiên cũng rất được quan tâm.
Ghi nhận từ kết quả điều tra phỏng vấn cho thấy, tại các điểm đến du lịch đã xuất hiện các dấu hiệu ô nhiễm môi trường cục bộ do quá trình phát thải các loại tiêu chuẩn sau tiêu dùng của du khách vẫn chưa được thu gom, xử lý kịp thời, đặc biệt là việc xả thải từ hệ thống các nhà hàng, cơ sở lưu trú tại các trung tâm du lịch thành phố Đồng Hới và khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng. Tuy nhiên, nếu như so sánh với các trung tâm du lịch lớn trong vùng và cả nước thì hệ thống tuyến điểm du lịch, cũng như mật độ cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống phục vụ khách du lịch ở trên địa bàn tỉnh Quảng Bình chưa đủ nhiều, do đó tác động của hoạt động du lịch đến môi trường theo chiều hướng tiêu cực tại các điểm đến chưa xảy ra trên phạm vi diện rộng.
(Nguồn: Số liệu điều tra khách du lịch năm 2019)
Hình 3.17. Đánh giá cảm nhận của khách du lịch về môi trường tại các điểm du lịch ở tỉnh Quảng Bình
Vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay về khía cạnh môi trường tự nhiên đó chính là việc bảo tồn nguyên vẹn giá trị Di sản thiên nhiên thế giới VQG PNKB. Như đã trình bày ở phần trước, các sản phẩm du lịch ở khu vực VQG PNKB phần lớn được liệt vào nhóm sản phẩm du lịch đại trà như Động Phong Nha, Động Thiên Đường, Suối nước Moọc, Sông Chày – Hang tối. Đây là những sản phẩm du lịch có sức chứa thấp, thêm nữa là sản phẩm được khách du lịch nội địa lựa chọn tham quan khi đến Quảng Bình, điều này dẫn đến tình trạng quá tải vào mùa cao điểm và cũng đồng nghĩa tác động đến môi trường sinh thái của Di sản thiên nhiên thế giới VQG PNKB.
Như vậy, du lịch Quảng Bình vẫn đang trong giai đoạn phát triển, sức lan tỏa của ngành đối với kinh tế - xã hội của địa phương chưa đủ lớn. Từ thực tiễn này, các chính sách hợp tác kết nối vùng trong phát triển du lịch tỉnh Quảng Bình chủ yếu tập trung trọng tâm vào việc đạt mục tiêu tăng trưởng về lượng của ngành du lịch, trong khi chưa chú trọng đến tăng trưởng về chất, hay nói cách khác là chưa gắn liền với mục tiêu phát triển du lịch theo hướng bền vững.
3.6. Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến kết nối vùng trong phát triển du lịch tỉnh Quảng Bình
3.6.1. Các yếu tố tích cực tạo ra cơ hội kết nối vùng trong phát triển du lịch tỉnh Quảng Bình
Dựa vào kết quả phỏng vấn chuyên sâu và thu thập các thông tin số liệu thứ cấp, nghiên cứu này nhận diện và tóm lược một số yếu tố đã và đang tạo ra những cơ hội cho