Có thể nói, sau cây lúa thì cây cao su đã được tư bản Pháp bỏ vốn đầu tư rất nhiều, Ngân hàng Đông Dương cũng dùng nguồn vốn của mình để đầu tư và đã kiểm soát được 3 công ty cao su lúc bấy giờ. Bởi vì, cũng giống như cây lúa thì cây cao su cũng nhận được rất nhiều ưu ái từ chính quyền thực dân.
Như vậy, đối với lĩnh vực nông nghiệp, chính quyền thực dân Pháp đã hỗ trợ đắc lực cho Ngân hàng Đông Dương đầu tư và cho vay được bảo đảm lợi nhuận bằng chính sách trợ giá nên chiếm hữu hầu hết ruộng lúa và đồn điền. Còn người nông dân mãi là người làm thuê tay trắng, vẫn luôn nghèo đói. Vì thế mà sau gần 100 năm đô hộ của thực dân Pháp, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn không có một bước chuyển đáng kể nào, máy móc không được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp. Hình ảnh con trâu đi trước cái cày theo sau vẫn là đặc trưng của nông thôn Việt Nam dưới thời Pháp thuộc.
3.2.2. Đầu tư vào công nghiệp
Trong lĩnh vực công nghiệp, giới tư bản Pháp đã vấp phải một mâu thuẫn ở Việt Nam đó là: Một bộ phận tư bản Pháp thì muốn bỏ nhiều vốn để kinh doanh phát triển công nghiệp ở Việt Nam. Nhưng một bộ phận tư bản khác lại nghĩ rằng nếu phát triển mạnh công nghiệp ở Việt Nam thì sẽ làm ảnh hưởng đến việc tiêu thụ hàng hóa sản xuất nơi chính quốc. Phe chủ trương đầu tư phát triển công nghiệp ở Việt Nam thì đưa ra quan điểm rằng: vốn bỏ ra đầu tư là vốn của tư bản Pháp mà Việt Nam là thuộc địa của Pháp, nên tư bản Pháp có thể tha hồ khai thác nguồn nguyên liệu sẵn có ở Việt Nam để cung cấp cho sản xuất công nghiệp và đặc biệt nguồn nhân công ở đây dồi dào, giá thuê thì rất rẻ mạt,… Như vậy, hàng của tư bản Pháp sản xuất ra ở Việt Nam sẽ thu được nhiều lãi.
Ngược lại phe chủ trương bảo vệ công nghiệp chính quốc lại kiên quyết phản đối. Họ muốn hàng công nghiệp làm ra từ bên Pháp phải có một chỗ tiêu thụ chắc chắn. Phe này chủ yếu là những ông trùm tư bản nên quan điểm của họ luôn thắng thế. Điều này thể hiện rõ qua câu nói của Toàn quyền Paul Doumer: “Công nghiệp tại thuộc địa cần được thiết lập để làm những gì nền công nghiệp Pháp không làm, để đưa sản phẩm vào những nơi sản phẩm chính quốc không phân phối…” [4; tr.595]. Chủ trương trên đã được áp dụng vào Việt Nam như sau:
- Vốn của tư bản Pháp bỏ sang Việt Nam phải làm cho Việt Nam trở thành một nước sản xuất ra nguyên liệu thô như than, kẽm, thiếc để bán sang Pháp hay để bán ra các nước ngoài lấy lãi ngay.
- Tư bản Pháp chỉ phát triển các ngành công nghiệp chế tạo những loại hàng nào mà bản thân công nghiệp Pháp sản xuất ra ít như thuốc lá, xi-măng, hoặc nặng nề không tiện chở sang mà nếu có chở sang bán thì chỉ được ít lãi như gạch ngói, hoặc không thể mang sang được như điện, nước...
Tóm lại, tư bản Pháp chỉ chú trọng vào ngành công nghiệp khai mỏ và chế biến làm ra hàng bán lấy lãi ngay chứ không để ý tới công nghiệp nặng, công nghiệp chế tạo máy móc vì những loại công nghiệp này rất thịnh hành ở bên Pháp. Nhìn chung, tư bản Pháp muốn Việt Nam phải phụ thuộc vào Pháp càng nhiều càng tốt.
Ngoài ra, chúng ta cũng dễ thấy rằng Ngân hàng Đông Dương đã vươn vòi bạch tuộc trong lĩnh vực công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến và khai thác mỏ thông qua việc mua cổ phần, đầu tư vốn cho các nhà máy của Pháp tại Việt Nam hoặc trực tiếp thành lập công ty để hoạt động. Mặt khác bằng nhiều thủ đoạn, chúng tiến hành thao túng các chính sách tiền tệ và tín dụng, chèn ép thương mại để không ngừng gia tăng nguồn lợi nhuận kếch sù cho ngân hàng. Trong phần này chúng tôi sẽ tập trung tìm hiểu về hoạt động kinh doanh của hai công ty đó là: Công ty than Hòn Gai và hãng Phông-ten mà Ngân hàng Đông Dương là một cổ đông lớn.
3.2.2.1. Công nghiệp khai thác mỏ
Mỏ than Việt Nam là thứ mà tư bản Pháp muốn chiếm từ lâu đặc biệt là sau khi chiến tranh Pháp - Phổ nổ ra (1870). Chiến tranh Pháp - Phổ đã làm nước Pháp mất tỉnh An-dát (Alsace) và một phần tỉnh Lo-ren (Lorraine) giàu có - miền có mỏ than. Chính vì lẽ đó nền công nghiệp Pháp rất thiếu than và phải nhập rất nhiều từ Anh. Đây cũng là một trong những nguyên nhân buộc Pháp phải đánh chiếm Bắc Kỳ năm 1873, để chiếm lấy các mỏ than của nước ta. Mặc dù chưa hoàn thành được ý đồ chiếm Bắc Kỳ, nhưng từ năm 1881-1882 Pháp đã cử Fuchs đi điều tra
mỏ than ở Bắc Kỳ. Cũng trong thời điểm này, triều đình nhà Nguyễn cũng phải cho tư bản Pháp một số nhượng địa về mỏ than. Khi thực dân Pháp đánh Bắc Kỳ lần hai thì một trong những việc làm đầu tiên của chúng là cho quân chiếm giữ vùng Hòn Gai để cản trở việc khai mỏ than ở đó do một người Trung Hoa lĩnh trưng.
Khi đã hoàn thành việc chiếm đóng Bắc Kỳ, tư bản Pháp nhanh chóng đẩy mạnh việc bỏ vốn lập công ty khai thác than. Chính vì thế mà các công ty khai thác than liên tục ra đời trong đó có công ty than Hòn Gai tức “Công ty than Bắc Kỳ” (Charbonnages du Tonkin) thành lập năm 1888 do ông Ravier - Chauffeur lãnh đạo. Ngân hàng Đông Dương nắm giữ cổ phần lớn tại công ty than Hòn Gai nên chi nhánh Ngân hàng Đông Dương tại Hải Phòng được ủy nhiệm theo dõi thật sát về các bước đi đầu tiên của công ty. Đồng thời, chi nhánh Hải Phòng cũng được ủy thác lo về việc xuất khẩu các quặng mỏ. Năm 1916, công ty than Đông Triều (Charbonnages de Đông Triều) thành lập và đến năm 1933 thì sáp nhập với công ty than Hòn Gai.
Khai thác than là ngành mà tư bản Pháp đầu tư phát triển rất mạnh, bảng sau sẽ cho biết sản lượng than đã được các công ty Pháp khai thác sản xuất qua các năm cụ thể như sau:
Bảng 3.15. Tình hình khai thác than ở Đông Dương giai đoạn 1899-1945
Đơn vị tính: tấn
Than già | Than mỡ | Than con | Tổng cộng | |
1899 | 261.281 | 261.281 | ||
1910 | 480.000 | 480.000 | ||
1913 | 501.000 | 8.000 | 509.000 | |
1923 | 1.002.000 | 50.000 | 5.000 | 1.057.000 |
1929 | 1.903.000 | 39.000 | 30.000 | 1.972.000 |
1932 | 1.668.000 | 25.000 | 23.500 | 1.714.500 |
1939 | 2.615.000 | |||
1941 | 2.329.000 | |||
1945 | 231.000 |
Có thể bạn quan tâm!
- Kết Quả Hoạt Động Cho Vay Của Ngân Hàng Đông Dương Giai Đoạn 1878 - 1885
- Tình Hình Vốn Hoạt Động Của Các Cpa Giai Đoạn 1939-1944
- Sự Tiến Triển Của Việc Tham Gia Tài Chính Của Ngân Hàng Đông Dương Trong Các Công Việc Kinh Doanh Ở Đông Dương Và Hải Ngoại
- Tác Động Của Ngân Hàng Đông Dương Đến Nền Kinh Tế Việt Nam
- Sự Tiến Triển Của Chỉ Số Lưu Hành Bạc Giấy Ở Đông Dương Từ Năm 1913 Đến Năm 1939
- Số Tiền Thưởng Cho Mỗi Kí Lô Cao Su Xuất Khẩu
Xem toàn bộ 231 trang tài liệu này.
Nguồn: Nguyễn Khắc Đạm (1957), Những thủ đoạn bóc lột của tư bản Pháp ở Việt Nam, NXB Văn Sử Địa, Hà Nội, tr.169.
Chúng ta cần phải lưu ý rằng, những số liệu trong bảng thống kê thì chỉ có một phần nhỏ là của tư sản Việt Nam. Tuy nhiên, bảng thống kê trên đã cho chúng
ta thấy sản lượng than của tư bản Pháp ở Việt Nam tăng đều từ khi mới bắt đầu khai thác đến năm 1929. Khi kinh tế thế giới khủng hoảng thì sản lượng than giảm khá nhiều, nhưng rồi nó lại tăng lên rất cao khi chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra (gấp hơn 1,3 lần năm 1929) và giảm dần đến 1945 sản lượng xuống thấp hơn năm 1899. Trong số những công ty khai thác than được thành lập ở Việt Nam thì chỉ có công ty than Hòn Gai là lớn nhất và kinh doanh tốt nhất. Chỉ riêng năm 1937, số than sản xuất của công ty than Hòn Gai chiếm tới 71% tổng số than sản xuất ra ở Việt Nam, và nếu tính cả công ty than Đông Triều đã bị công ty than Hòn Gai thâu tóm từ năm 1933, thì tỷ lệ trên lên tới 92% [140; tr.285]. Và tổng số tiền lời của hai công ty này lớn hơn gấp đôi so với tổng số tiền lương mà họ trả cho công nhân.
Mặc dù có những thăng trầm nhưng ngành than là ngành tư bản Pháp đầu tư phát triển mạnh nhất và đây cũng là ngành tư bản Pháp thu được lãi nhiều nhất, nổi bật là công ty than Hòn Gai. Theo tài liệu lưu ở Trung tâm lưu trữ Quốc gia I, phông công ty Than Bắc Kỳ, hồ sơ số 295-01 báo cáo về về hoạt động của trung tâm mỏ Hòn Gai cho biết số lãi mà công ty than Hòn Gai thu được cụ thể như sau: năm 1913 công ty mới lãi có 2,5 triệu francs nhưng đến năm 1925 đã lãi tới 36,2 triệu. Tính ra riêng số tiền lãi năm 1925 đã gấp đôi tất cả số vốn bỏ ra từ trước và tới năm đó giá trị mỗi cổ phần đã tăng lên gấp 100 lần. Sau đó, nó vẫn tiếp tục thu được nhiều lãi, từ năm 1928 đến năm 1943, đã được lãi tới 361 triệu francs. Nếu kể cả công ty than Đông Triều thì hai công ty này năm 1939 đã thu được lãi tới 53 triệu francs gấp hơn hai lần số tiền chúng trả cho hơn 4 vạn công nhân năm đó [15; tr.60]. Vì thế, số vốn của công ty than Hòn Gai liên tục tăng từ khi thành lập (1888) đến năm 1939 cụ thể như sau:
Bảng 3.16. Nguồn vốn của công ty than Hòn Gai từ 1888-1939
Đơn vị: đồng franc
Số vốn | |
1888 1928 1939 | 4.000.000 38.400.000 100.640.000 |
Nguồn: C.Robequain (1939), L’évolution économiqui de l’Indochine française, NXB Hartmann, Paris, tr.285.
Qua bảng trên cho thấy hoạt động kinh doanh của công ty than Hòn Gai tiến triển rất thuận lợi. Nhờ thế, số vốn của công ty không ngừng tăng từ 4.000.000
francs năm 1888 tăng lên 100.640.000 francs năm 1939 (gấp 25 lần). Như vậy, chỉ tính riêng việc bỏ vốn kinh doanh khai thác than thì Ngân hàng Đông Dương đã thu về cho mình nguồn lợi nhuận rất lớn. Không riêng gì ngân hàng, ngành công nghiệp khai thác mỏ cũng đem lại một nguồn lợi lớn cho giới tư bản Pháp. Và đó là lý do giúp chúng ta hiểu được vì sao Ngân hàng Đông Dương lại bỏ vốn đầu tư để phát triển mạnh ngành này và giao vấn đề xuất khẩu quặng cho chi nhánh Hải Phòng của Ngân hàng Đông Dương thực hiện.
3.2.2.2. Công nghiệp chế biến
Ngành công nghiệp chế biến được tư bản Pháp bỏ vốn đầu tư phát triển muộn hơn so với công nghiệp khai thác. Đến 1907 riêng ở Bắc Kỳ đã có 85 xí nghiệp loại này. Tuy nhiên, về kết cấu công nghiệp chế biến có thể chia thành ba nhóm sau: công nghiệp chế biến những nguyên liệu thiên nhiên, công nghiệp chế biến nông phẩm, công nghiệp chế biến các sản phẩm chăn nuôi. Tuy nhiên, ở phần này cũng giống như công nghiệp khai thác mỏ chúng tôi chỉ đi sâu tìm hiểu về ngành công nghiệp chế biến nông phẩm chủ yếu là chế biến rượu (đặc biệt là hãng Phông-ten) được coi là ngành trọng tâm then chốt không chỉ thu hút vốn đầu tư của Ngân hàng Đông Dương mà còn thu hút các viên Toàn quyền và quan chức Pháp tham gia bỏ vốn đầu tư.
Rượu, thuốc phiện đều do nhà nước độc quyền sản xuất và mua bán thế nên ngành công nghiệp chế biến rượu đã nhận được rất nhiều ưu đãi từ chính quyền thực dân. Các nhà máy nấu rượu vì thế mà phát triển rất mạnh và thu được rất nhiều lợi nhuận. Những nhà máy nấu rượu ta (còn gọi là rượu cồn) của tư bản Pháp ở Việt Nam phần lớn đều thuộc vào Société française des distilleries de l’Indochine (Liên hiệp các các hãng cất rượu ở Đông Dương) thường gọi Công ty Fontaine (hãng Phông-ten), thành lập năm 1901, trụ sở: phố Armand Rousseau, Hà Nội. Vốn ban đầu là 1.000.000 francs (1 triệu francs) chia làm 2.000 cổ phần, mỗi cổ phần là 500 francs. Thời gian hoạt động là 50 năm. Nhằm mục tiêu thiết lập và khai thác một hãng cất rượu ở Hà Nội và một số nơi khác ở Đông Dương (Nam Định, Hải Dương, Chợ Lớn, Phnôm Pênh...); chưng cất rượu theo phương pháp Collette et Boidin [97; tr.726].
Các cổ đông lớn trong công ty chưng cất rượu là Ngân hàng Đông Dương, Toàn quyền Maurice Long, và nhiều nhân vật cao cấp trong chính quyền. Năm 1904, viên Toàn quyền Beau đã ký với công ty này một bản hợp đồng độc quyền dành cho công ty cung cấp mỗi năm 2,3 triệu francs trong khi đó vốn của công ty chỉ mới có là 3,5 triệu francs [65; tr.155]. Điều này đủ cho thấy công ty đã được ưu ái biết chừng nào. Công ty có 5 nhà máy lớn ở Hà Nội, Nam Định, Hải Dương, Chợ
Lớn, Nam Vang vừa nấu rượu ta vừa chế biến dấm, rượu rum, rượu 900. Hàng năm
công ty đã thu được khoản lãi khổng lồ. Chỉ riêng năm 1926, công ty đã lãi hơn 28 triệu francs trong khi đó tổng số vốn bỏ ra từ đầu đến năm đó mới có 33 triệu francs. Để thu được nhiều lãi hơn nữa, ngoài việc công ty này đã giữ được độc quyền nấu và bán rượu (nhờ có sự giúp đỡ của chính quyền thực dân) công ty còn có nhiều mánh khóe khác để trục lợi. Như trong những năm đầu chiến tranh thế giới thứ nhất, công ty được lệnh cứ 100 lít rượu thì pha thêm 8 lít nước lã. Tính ra mỗi năm nhà máy đã lãi ròng thêm 8% khoảng gian lận này đạt hơn 4 triệu francs [30; tr.27]. Với những thủ đoạn đó công ty đã đạt được một sự thăng tiến vượt bậc. Đến năm 1920, công ty này đã chia cho cổ đông với mức lãi gần tương đương với cổ đông của Ngân hàng Đông Dương. Nhờ sự trợ giúp của Chính phủ, công ty đã khai thác tốt các lĩnh vực hoạt động như khai thác các nhà máy rượu ở Đông Dương; kinh doanh thương mại về gạo và tất cả các loại ngũ cốc khác. Vì thế, lợi nhuận không ngừng tăng lên thể hiện qua bảng sau:
Bảng 3.17. Lợi nhuận của hãng Phông-ten
Đơn vị: đồng franc
Tiền lãi thu được | |
1913 1919 1937 1938 1939 | 4500.000 6.750.000 17.888.000 17.181.000 18.606.000 |
Nguồn: Đinh Xuân Lâm (2010), Đại cương Lịch sử Việt Nam, Tập II (1858-1945), NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, tr.323 và Dương Kinh Quốc (2006), Việt Nam những sự kiện lịch sử (1858- 1918), NXB giáo dục, Hà Nội, tr.271.
Nếu năm 1901 khi mới thành lập số vốn ban đầu chỉ có 1 triệu francs thì đến năm 1940 số vốn đã lên đến 100 triệu francs [32; tr.271]. Như vậy, chỉ sau gần 40
năm kinh doanh số vốn của hãng Phông-ten đã tăng gấp 100 lần. Và đó cũng là lý do vì sao không chỉ có Ngân hàng Đông Dương mà còn có rất nhiều quan cai trị Pháp có cổ phần trong công ty.
3.2.3. Đầu tư phát triển giao thông vận tải
3.2.3.1. Khái quát về sự phát triển giao thông vận tải ở Việt Nam
Lịch sử đã cho chúng ta thấy rằng số tiền mà tư bản Pháp bỏ vào đầu tư các công trình giao thông vận tải từ khi người Pháp sang xâm lược đến khi chúng rút khỏi Việt Nam có thể chia làm 2 thời kỳ sau: thời kỳ thứ nhất bắt đầu từ khi Pháp mới sang xâm lược Việt Nam đến trước năm 1898; thời kỳ thứ hai bắt đầu từ năm 1898 (năm chương trình Paul Doumer được thiết lập) đến năm 1945.
Trong thời kỳ thứ nhất, nhìn chung Pháp chưa có kế hoạch cụ thể để xây dựng và phát triển giao thông theo quy mô lớn. Các công trình lúc này chỉ mang tính chất phục vụ cho cuộc sống của người Pháp và cho các cuộc hành binh. Chính vì thế, trong 20 năm chiếm đóng Nam Kỳ (1862-1882), tư bản Pháp chỉ bỏ tiền thuế ra để đào hay khơi rộng thêm được một ít con sông để phục vụ việc binh; Lắp đặt thiết bị trên bến Sài Gòn để tàu buôn ra vào thuận lợi; Làm con đường xung quanh Sài Gòn để công chức người Pháp đi dạo; Xây dựng vườn Bách thú Sài Gòn để trẻ con và gia đình công chức dạo chơi trong những ngày nghỉ.
Trong khi đó chúng bắt nhân dân ta đi phu đắp một số đường nối liền các tỉnh để phục vụ cho chính sách cai trị được dễ dàng; Làm con đường sắt Mỹ Tho - Sài Gòn nhằm giúp bọn tư bản kỹ nghệ bên Pháp tiêu thụ một số thiết bị đường sắt; Lắp đặt một số đường dây thép để tiện cho việc liên lạc,…
Sau khi Pháp đánh và chiếm được Bắc và Trung Kỳ, các công trình xây dựng đầu tiên của Pháp cũng chỉ mới là bắt đầu. Tuyến đường Hà Nội - Lạng Sơn; Hà Nội - Thái Nguyên; Lắp đặt đường giây thép nối liền các tỉnh Bắc Bộ; hay làm tuyến đường sắt Phủ-lạng-thương - Lạng Sơn… để tiện cho Pháp hành binh đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta và chuẩn bị công cuộc khai thác thuộc địa với quy mô lớn hơn.
Tóm lại, trong suốt khoảng thời gian xâm chiếm Việt Nam, thực dân Pháp chưa đầu tư xây dựng một công trình nào để phục vụ cho mục đích đẩy mạnh và
phát triển sản xuất. Do đó, Toàn quyền Lanessan đã phải nhắc đi nhắc lại cần phải kiến thiết cái gì “để chứng tỏ cho dân Việt Nam rằng người Pháp quyết ở lại, không chịu để bị đánh đuổi đi đâu” [8; tr.189].
Sang thời kỳ thứ hai (từ năm 1898 về sau), khi tình hình chính trị ở Việt Nam đã ổn định tư bản Pháp bắt đầu bỏ vốn mạnh vào đầu tư các ngành kinh tế ở Việt Nam để phục vụ cho chính sách vơ vét, khai thác thuộc địa thì giao thông vận tải cũng được tư bản Pháp đầu tư phát triển với quy mô lớn. Các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy và đặc biệt là các hải cảng đã được đầu tư xây dựng với số vốn đầu tư rất lớn.
Để hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữ các công trình với việc phát triển kinh tế, chúng tôi xin được chia các công trình công chính đó làm ba loại sau:
- Loại thứ nhất là các công trình đem lại những lợi ích trực tiếp bao gồm những công trình góp phần làm tăng năng suất cho những vùng đất có công trình xây dựng. Loại này gồm những công trình thủy nông nhằm phục vụ tưới tiêu cho nông nghiệp.
- Loại thứ hai là các công trình đem lại những lợi ích gián tiếp. Đây là những công trình giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, nhưng không đem lại lợi nhuận trực tiếp đối với người sử dụng. Phần lớn đây là các đường giao thông, các tuyến đường bộ, các kênh đào, các tuyến đường sắt, các cảng biển và cảng sông.
- Loại thứ ba là những công trình làm đẹp bộ mặt dân sinh đó là các công trình kiến trúc nhà cửa; các công trình phục vụ cho các cơ quan hành chính và quản lý; các cơ sở y tế, giáo dục và viện nghiên cứu.
Tuy nhiên trong khuôn khổ của luận án chúng tôi xin phép chỉ đề cập đến loại thứ hai và chủ yếu đề cập đến tuyến đường sắt vì Ngân hàng Đông Dương có tham gia xây dựng và khai thác tuyến đường này.
3.2.3.2. Đường sắt
Ngay từ đầu đường xe lửa đã được chính quyền thực dân đặc biệt chú ý. Nó được coi như là phương tiện cần thiết cho sự khai thác các xứ Đông Dương trong