Hoàn thiện kiểm soát nội bộ tại các công ty cổ phần khai thác và chế biến than thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam - 4


trình trong nước nào nghiên cứu chuyên sâu. Khoảng trống mà luận án hướng tới là đưa ra các giải pháp kiểm soát những rủi ro đã được nhận diện mà chưa được các doanh nghiệp khắc phục triệt để.

Từ những lý do nêu trên, tác giả cho rằng khoảng trống để tác giả nghiên cứu đề tài “Hoàn thiện kiểm soát nội bộ tại các công ty cổ phần khai thác và chế biến than thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam” là hoàn toàn phù hợp với chuyên ngành đào tạo và mã số chuyên ngành. Đề tài có ý nghĩa cả góc độ lý luận, thực tiễn và không trùng lắp với các công trình nghiên cứu khoa học đã được nghiên cứu trước đó.

3. Mục tiêu nghiên cứu

- Mục tiêu nghiên cứu chung: Nghiên cứu lý luận KSNB; Phân tích, đánh giá thực trạng KSNB tại các công ty cổ phần khai thác và chế biến than thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam từ đó đưa ra các giải pháp nâng cao tính hữu hiệu của KSNB.

- Mục tiêu nghiên cứu cụ thể:

+ Hệ thống hóa những vấn đề lý luận về KSNB của doanh nghiệp.

+ Phân tích thực trạng KSNB, xác định các nhân tố ảnh hưởng và đo lường mức độ ảnh hưởng của các nhân tố này đến tính hữu hiệu của KSNB tại các công ty cổ phần khai thác và chế biến than thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam.

+ Đánh giá được thực trạng KSNB tại các công ty cổ phần khai thác và chế biến than thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam.

+ Đề xuất các giải pháp hoàn thiện và điều kiện để thực hiện giải pháp hoàn thiện KSNB tại các công ty cổ phần khai thác và chế biến than thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 261 trang tài liệu này.

4. Câu hỏi nghiên cứu

Để đạt được các mục tiêu nghiên cứu nêu trên, các câu hỏi nghiên cứu được đặt ra như sau:

Hoàn thiện kiểm soát nội bộ tại các công ty cổ phần khai thác và chế biến than thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam - 4


Câu hỏi 1: Kiểm soát nội bộ là gì? Có những mô hình kiểm soát nội bộ và yếu tố cấu thành kiểm soát nội bộ nào?

Câu hỏi 2: Kinh nghiệm KSNB của một số quốc gia trên thế giới, từ đó rút ra bài học vận dụng gì cho các doanh nghiệp khai khoáng ở Việt Nam?

Câu hỏi 3: Thực trạng việc thiết kế và vận hành KSNB tại các công ty cổ phần khai thác và chế biến than thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam như thế nào?

Câu hỏi 4: Các nhân tố cấu thành KSNB tại các công ty cổ phần khai thác và chế biến than thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam có ảnh hưởng như thế nào đến tính hữu hiệu của KSNB?

Câu hỏi 5: Những giải pháp và điều kiện nào cần được đưa ra để hoàn thiện KSNB tại các công ty cổ phần khai thác và chế biến than thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam?

5. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

- Đối tượng nghiên cứu: KSNB tại các công ty cổ phần khai thác và chế biến than thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam.

- Phạm vi nghiên cứu:

Phạm vi về nội dung: Phạm vi tiếp cận KSNB chủ yếu theo hướng quản trị rủi ro với mục tiêu chính là đánh giá thực trạng KSNB và đưa ra các giải pháp nhằm đảm bảo tính hữu hiệu của KSNB tại các công ty cổ phần khai thác và chế biến than thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam.

Phạm vi về không gian: Luận án chỉ nghiên cứu các công ty con cổ phần có hoạt động SXKD chính là khai thác và chế biến than. Cụ thể gồm có 8 công ty con cổ phần thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (danh sách các công ty tại Phụ lục 2). Luận án không nghiên cứu các công ty có hoạt động SXKD đa dạng hoặc hoạt động SXKD khác.


Phạm vi về thời gian: Đối với số liệu thứ cấp: Nghiên cứu sử dụng các dữ liệu từ năm 2016 đến năm 2021. Đây là khoảng thời gian nằm trong kế hoạch phát triển 5 năm 2016-2020 của TKV đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và những năm đầu thực hiện chiến lược phát triển năng lượng quốc gia theo Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị; Đối với số liệu sơ cấp: Dữ liệu điều tra, khảo sát diễn ra từ tháng 01/2019 đến tháng 12/2021. Đây là khoảng thời gian kiểm tra công tác triển khai thực hiện kế hoạch 5 năm (2016-2020) có đảm bảo những mục tiêu đề ra hay không và bước đầu thực hiện nhiệm vụ phát triển giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

6. Phương pháp nghiên cứu

6.1. Phương pháp luận

Luận án sử dụng quan điểm duy vật biện chứng, quan điểm hệ thống (xem xét sự việc trong tổng thể), quan điểm thực tiễn (tính ứng dụng của vấn đề nghiên cứu trong thực tiễn) và quan điểm duy vật lịch sử. Vận dụng các quan điểm này, luận án nhận thức các nội dung về KSNB trong các doanh nghiệp nói chung và KSNB tại các công ty cổ phần khai thác và chế biến than thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản nói riêng nhằm đảm bảo tính hệ thống, tính logic và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể.

6.2. Phương pháp cụ thể

a. Phương pháp nghiên cứu định tính

Phương pháp nghiên cứu định tính là phương pháp chính được tác giả sử dụng trong luận án để khám phá hiện tượng khoa học cần nghiên cứu. Nghiên cứu định tính được sử dụng trong việc tìm ra bảng hỏi cũng như mô hình phù hợp với mục tiêu nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng tới sự hữu hiệu của kiểm soát nội bộ dựa trên các nhân tố mà Báo cáo COSO 2013 đề cập. Nghiên cứu được dựa trên phương pháp phỏng vấn chuyên gia về kiểm soát


nội bộ với quy tắc bão hòa thông tin (hỏi tới khi 3 chuyên gia liên tiếp không đưa ra các ý kiến mới thì được coi là điểm bão hòa và phỏng vấn sẽ dừng ở đây) để chọn lọc các thông tin có được từ phỏng vấn chuyên gia.

Căn cứ vào bảng phác thảo nội dung khảo sát từ bảng hỏi Báo cáo COSO với 17 nguyên tắc, tác giả tiến hành phỏng vấn trực tiếp các chuyên gia, kết quả các cuộc thảo luận khẳng định và làm rõ các thang đo các nhóm nhân tố ảnh hưởng và thang đo tính hữu hiệu của KSNB của doanh nghiệp. Cuộc phỏng vấn với các chuyên gia được thực hiện trong khoảng thời gian từ 30 phút đến 60 phút. Kết quả phỏng vấn nhà quản lý cho thấy, người trả lời phỏng vấn hiểu rõ câu hỏi, nội dung các thang đo phù hợp với tiêu chí đo lường KSNB, phù hợp với đặc điểm ngành nghề và hoạt động của DN. Kết quả nghiên cứu định tính, các chuyên gia đều cho rằng các nhân tố của KSNB ảnh hưởng đến tính hữu hiệu gồm:

- Môi trường kiểm soát gồm 05 biến quan sát.

- Đánh giá rủi ro gồm 04 biến quan sát.

- Hoạt động kiểm soát gồm 03 biến quan sát.

- Hệ thống thông tin và truyền thông gồm 03 biến quan sát.

- Hoạt động giám sát gồm 02 biến quan sát.

Dựa vào thang đo của các nhóm yếu tố cấu thành KSNB, tác giả tiến hành nghiên cứu 8 công ty cổ phần khai thác và chế biến than thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam để thu thập thông tin chi tiết về thực trạng của từng yếu tố cấu thành KSNB.

b. Phương pháp nghiên cứu định lượng

Tổng thể nghiên cứu tất cả các cán bộ liên quan tới hoạt động KSNB tại các công ty cổ phần khai thác và chế biến than thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam. Tuy nhiên điều tra tổng thể là việc làm bất khả thi, vì vậy luận án sử dụng điều tra theo phương thức chọn mẫu. Về cách chọn


mẫu có nhiều phương pháp khác nhau: Theo Hair và cộng sự (2006) cỡ mẫu tối thiểu cho các nghiên cứu định lượng là 100; Đối với những nghiên cứu sử dụng phân tích hồi quy Tabenick và Fidell (2007) đưa ra công thức lấy mẫu: n>= 50 + 8p, trong đó n là cỡ mẫu, p là số biến độc lập. Áp dụng quy tắc này thì cỡ mẫu cần thiết của nghiên cứu tối thiểu là: n = 50 + 8*5 = 90. Comrey và Lee (1992) đưa ra các cỡ mẫu với các quan điểm tưởng ứng: 100 = tệ, 200

= khá, 300 = tốt, 500 = rất tốt, 1000 hoặc hơn = tuyệt vời (dẫn theo Maccallum và cộng sự, 1999).

Nghiên cứu này xem xét lấy mẫu ở mức khá theo quy tắc của Comrey & Lee (1992) với cỡ mẫu được xác định dự kiến là 200 mẫu.

Đối tượng khảo sát:

Các công ty cổ phần khai thác và chế biến than thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam.

Mục đích khảo sát:

Quá trình khảo sát nhằm mục đích phân tích các nhân tố có ảnh hưởng đến tính hữu hiệu của KSNB tại các công ty cổ phần khai thác và chế biến than từ đó đi sâu vào nghiên cứu định tính theo từng nhân tố, đánh giá được thực trạng của từng nhân tố để đưa ra các giải pháp hoàn thiện KSNB.

Phương pháp khảo sát:

Khảo sát được thực hiện thông qua các bảng hỏi được thiết kế theo mẫu (Phụ lục 3) và được gửi trực tiếp hoặc email cho 4 nhóm đối tượng: Lãnh đạo công ty; Lãnh đạo phòng, ban, phân xưởng; Nhân viên công ty; Một số cán bộ có liên quan (kiểm toán độc lập, cán bộ về hưu, cán bộ chuyển công tác ra ngoài Tập đoàn). Kết quả điều tra, khảo sát thu về được kiểm tra, xử lý đảm bảo tính hợp lệ trước khi đi vào xử lý dữ liệu.

Bảng hỏi được thiết kế như sau:


- Phần I: Thông tin chung về cá nhân được khảo sát. Xác định vị trí công tác để từ đó thấy được chức năng, nhiệm vụ của cá nhân trong KSNB.

- Phần II: Các yếu tố tác động đến tính hữu hiệu của KSNB tại các công ty cổ phần khai thác và chế biến than. Nội dung này gồm có 21 câu hỏi với mức độ từ 0 đến 5 để đo lường mức độ ảnh hưởng của 5 nhân tố, 17 nguyên tắc đến tính hữu hiệu của KSNB.

- Phần III: Khảo sát cụ thể các yếu tố tác động đến tính hữu hiệu của KSNB với 43 câu hỏi.

Phương pháp xử lý dữ liệu

Sau khi thu hồi được các phiếu điều tra, tác giả tiến hành mã hóa và đưa vào phần mềm SPSS để phân tích. Dựa trên kết quả phân tích bằng phần mềm SPSS, thước đo của các biến trong mô hình được đánh giá bằng các bước sau:

(1) Kiểm định độ tin cậy thang đo (kiểm định Cronbach’s Alpha).

(2) Phân tích nhân tố.

(3) Kiểm định tương quan tuyến tính giữa các nhân tố (kiểm định pearson).

(4) Phân tích hồi quy.

(5) Kết quả kiểm định các giả thuyết nghiên cứu.

6.3. Phương pháp thu thập dữ liệu

- Thu thập dữ liệu thứ cấp: Các thông tin được thu thập từ các tài liệu của ngành than thông qua các báo cáo của Tập đoàn, Internet, hệ thống tài liệu từ các Bộ, ngành, Tạp chí Than khoáng sản Việt Nam... Ngoài ra, tác giả còn thu thập, nghiên cứu các tài liệu của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Từ đó, tác giả có cái nhìn tổng quan về ngành khai khoáng nói chung và các công ty cổ phần khai thác và chế biến than nói riêng.


- Thu thập dữ liệu sơ cấp: Các dữ liệu, thông tin được thu thập thông qua quá trình phỏng vấn, điều tra, khảo sát thực tế tại các doanh nghiệp được lựa chọn. Các dữ liệu thu thập được tổng hợp đầy đủ các thông tin nhằm đảm bảo mục tiêu nghiên cứu.

7. Quy trình nghiên cứu

Quy trình nghiên cứu được tác giả trình bày 6 bước cụ thể như sau:


Bước 1: Xác định mục tiêu nghiên cứu

Bước 2: Tổng hợp tài liệu và các nghiên cứu trước

Bước 3: Xây dựng mô hình nghiên cứu



Bước 4: Thiết kế nghiên cứu

Bước 6: Phân tích dữ liệu và viết kết quả

Bước 5: Thu thập dữ liệu

(Nguồn: Đề xuất của tác giả)

Bước 1: Xác định mục tiêu nghiên cứu: Tác giả xác định vấn đề nghiên cứu của luận án, mục tiêu nghiên cứu chung, mục tiêu cụ thể.

Bước 2: Xuất phát từ mục tiêu nghiên cứu, tác giả tiến hành tổng hợp các nghiên cứu có liên quan trong và ngoài nước để hệ thống hóa cơ sở lý luận về KSNB. Đồng thời, việc tổng hợp các tài liệu cũng như nghiên cứu trước đây sẽ giúp tác giả có được những yếu tố giúp xây dựng mô hình, bảng hỏi nhằm hoàn thiện KSNB.

Bước 3: Xây dựng mô hình: Trên cơ sở tổng quan lý luận và các nghiên cứu trước đây, kết hợp với phỏng vấn các chuyên gia, tác giả đưa ra mô hình lý thuyết về tính hữu hiệu KSNB tại công ty cổ phần khai thác và chế biến than thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.

Bước 4: Sau khi có mô hình nghiên cứu, tác giả tiến hành thiết kế nghiên cứu: Xây dựng bộ câu hỏi khảo sát dựa trên nghiên cứu định tính và tham khảo các nghiên cứu trước đây. Số lượng mẫu khảo sát cũng như phương pháp phân tích dữ liệu sẽ được tác giả chỉ rõ trong phần thiết kế nghiên cứu ở chương 2.


Bước 5: Thu thập dữ liệu nghiên cứu được tác giả thực hiện phát phiếu khảo sát cho đối tượng mục tiêu là những cán bộ quản lý, kế toán trưởng, nhân viên... tại các công ty cổ phần khai thác và chế biến than.

Bước 6: Sau khi có dữ liệu thu thập, tác giả tiến hành đưa dữ liệu vào phần mềm SPSS để phân tích. Các kết quả phân tích dữ liệu kết hợp nghiên cứu định tính sẽ chỉ ra nhân tố nào tác động tới tính hữu hiệu KSNB. Từ kết quả này, tác giả cũng đưa ra các giải pháp chi tiết giúp hoàn thiện KSNB tại các công ty cổ phần khai thác và chế biến than thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.

8. Những đóng góp của luận án

- Về mặt lý luận: Luận án đã hệ thống hóa cơ sở lý luận về kiểm soát nội bộ từ các nghiên cứu trong nước và quốc tế. Tổng hợp những đặc điểm của các doanh nghiệp khai khoáng có ảnh hưởng đến việc thiết kế và vận hành KSNB. Nghiên cứu, tổng hợp các mô hình KSNB từ đó xây dựng mô hình sự tác động của các nhân tố đến tính hữu hiệu của KSNB ảnh hưởng đến các mục tiêu: tính hiệu quả hoạt động, tính tuân thủ, độ tin cậy của báo cáo và quản trị rủi ro.

- Về mặt thực tiễn: Luận án trình bày những đặc điểm, rủi ro của các công ty cổ phần khai thác và chế biến than thuộc TKV có ảnh hưởng đến KSNB. Luận án sử dụng kết hợp phương pháp định tính và phương pháp định lượng để tiến hành khảo sát, phân tích thực trạng KSNB tại các công ty cổ phần khai thác và chế biến than thuộc TKV. Từ đó, phân tích và đánh giá cụ thể từng yếu tố cấu thành KSNB của các doanh nghiệp này.

- Về tính ứng dụng: Luận án đã đề xuất các giải pháp góp phần hoàn thiện KSNB tại các công ty cổ phần khai thác và chế biến than thuộc TKV gắn liền với yêu cầu về quản lý vốn nhà nước và tái cơ cấu Tập đoàn. Luận án cũng đã đưa ra các điều kiện để thực hiện các giải pháp tại các công ty cổ phần khai thác và chế biến than thuộc TKV.

Xem tất cả 261 trang.

Ngày đăng: 22/02/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí