Hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục đại học Việt Nam hiện nay - 9


quân/năm khoảng trên dưới 10%. Một số nước có tỷ lệ tăng cao hơn bình quân là Anh (10,7%), Mỹ (28%), Đức (13,4%), Thụỵ Điển (24,8%), Thuỵ Sỹ (25,1%),

Italia (10,9%) và Đan Mạch (14,9%). Hiện nay trên 40 % thanh niên Nhật Bản trong lứa tuổi đang theo học trong các trường đại học và khoảng 30% khác đang theo học trong các cơ sở giáo dục sau trung học[181 và 182].


Quy mô đào tạo đại học tăng đã và đang làm cho GDĐH gặp phải những khó khăn không dễ vượt qua. Khó khăn lớn nhất hiện nay là sự bất cập về khả năng cung cấp các nguồn lực công cộng cho GDĐH phát triển. Đây là sự bất cập có tính “bao trùm ở khắp mọi nơi và có thể gọi là tình trạng khắc khổ leo thang”[40]. Để vượt qua thách thức, trên bình diện chung nhất, các nước một mặt tập trung ưu tiên đổi mới giáo dục phổ thông để cung cấp cho người học một hệ thống giáo dục có tính khác biệt với những kiến thức tổng quát vững chắc, đặc biệt là những kiến thức về toán học, khoa học tự nhiên và ngoại ngữ; mặt khác, chú trọng vào việc nâng cao tính thực dụng nghề nghiệp cho sinh viên đại học bằng cách rút ngắn thời gian đào tạo, phát triển mạng lưới trường đại học đồng đều giữa các vùng, địa phương trong phạm vi quốc gia, mở thêm các khóa đào tạo các ngành nghề dịch vụ trong những trường đại học truyền thống và bổ sung các loại hình đào tạo có tính linh hoạt nhằm giải tỏa sức ép về sĩ số sinh viên, đồng thời đáp ứng nhu cầu của thị trường nhân lực. Chẳng hạn ở nước Anh, từ năm 1960 đã tổ chức lại hệ thống đại học theo hai bậc: hàn lâm (đào tạo theo hướng nghiên cứu) và công nghệ (đào tạo các chương trình ngắn hạn, thực hành và định hướng nghề nghiệp). Tương tư như vậy, hệ thống đại học của Hà Lan và Cộng hòa Liên bang Đức cũng phát triển thành các nhánh: Trường đại học đào tạo sinh viên về khoa học lí thuyết và trường cao đẳng đào tạo thực hành


nhiều hơn để chuẩn bị cho sinh viên tham gia trực tiếp sản xuất. Tại Hoa Kỳ, GDĐH gồm có các chương trình đào tạo tại trường đại học, trường cao đẳng, trường cao đẳng cộng đồng, trường kỹ thuật, trường dạy nghề và trường chuyên nghiệp. Thông thường, những người theo học các môn học nghề của những khoá đào tạo 2 năm tại các trường cao đẳng, trường cao đẳng cộng đồng khi tốt nghiệp được cấp bằng cao đẳng. Bằng cử nhân cấp cho những người tốt nghiệp các khoá đào tạo 4 năm tổ chức trong trường đại học hoặc trường cao đẳng. Bằng master cấp cho những người đã có bằng cử nhân và hoàn thành khoá đào tạo từ 1 đến 3 năm tại các trường đại học. Bằng tiến sỹ cấp cho những người đã có bằng master và hoàn thành khoá đào tạo 3 năm trong các trường đại học.


Các nước thực hiện một chương trình cải cách mang tính cộng đồng chuyển nội dung quản lý đại học từ mô hình kiểm soát sang mô hình giám sát dựa trên những nguyên tắc quản lý chung, không phân biệt quyền sở hữu trường đại học thuộc chính phủ hay tư nhân. Chương trình này chủ yếu được điều hành bởi những người thuộc bộ máy nhà nước (các nhà hành pháp, lập pháp và những quan chức chính phủ, hoặc những người có quyền lực để gây ảnh hưởng tới nhà trường) hơn là bởi giáo viên hay ban quản lý của chính trường đó. Chương trình được thực hiện thông qua hệ thống văn bản pháp luật, quy định, chỉ thị, hướng dẫn, khẩu hiệu hành động của chính phủ và điều kiện bắt buộc phải có để các trường đại học nhận tiền cấp phát từ ngân sách nhà nước. Kèm theo, còn có sự giám sát trực tiếp của chính phủ như việc bổ nhiệm hoặc bãi nhiệm hiệu trưởng, kiểm soát việc sử dụng kinh phí, tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ-giảng viên và thậm chí chương trình đào tạo. Chương trình thực hiện việc phân cấp quản lý và quản trị đại học xuống địa phương hoặc xuống các trường đại học, nhưng không


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 251 trang tài liệu này.

nới lỏng hay làm yếu đi vai trò điều hành trung ương. Chẳng hạn, việc đặt ra sứ mệnh tổng thể của trường đại học, phê chuẩn chương trình mới dựa trên các sứ mệnh đó, cũng như việc đề ra các nguyên tắc về trách nhiệm giảng dạy, chương trình và mức độ kiểm định, một số hình thức đánh giá tổng thể vẫn do trung ương điều khiển.


Hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục đại học Việt Nam hiện nay - 9

Nhiều nước khuyến khích thành lập các trường đại học tư thục hoặc chuyển quyền sở hữu về cho trường đại học, thậm chí cho các khoa/ngành trong trường đại học. Chẳng hạn ở Nhật Bản và Hàn Quốc, năm 2001 có tới gần 77% sinh viên tư thục. Tỷ lệ này ở Indonesia là khoảng 65% năm 2001 và Malaysia xấp xỉ 33% năm 2000 [35]. Ở các nước này, hệ thống trường công lập và trường tư thục không tồn tại biệt lập, mà có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, tác động lẫn nhau tạo thành cơ cấu đa thành phần sở hữu trong hệ thống GDĐH. Các trường công lâp và trường tư thục cùng tồn tại trong môi trường vừa hợp tác, vừa cạnh tranh. Nhà nước có chính sách hỗ trợ trường tư thục. Mỗi loại hình trường có mục tiêu kinh tế-xã hội-chính trị khác nhau, với trình độ công nghệ và năng lực cung cấp các loại hình dịch vụ nhất định; chịu sự chi phối của các quy luật kinh tế, cơ chế quản lý nhất định. Các thành phần sở hữu được thể hiện ở các hình thức tổ chức cung ứng dịch vụ đào tạo đa dạng, đan xen, hỗn hợp. Thông qua cơ chế cạnh tranh, các nước kỳ vọng sẽ thúc đẩy nâng cao năng suất, chất lượng đào tạo, khuyến khích các trường đổi mới phương pháp truyền đạt, tăng cường các nguồn tư liệu phục vụ cho giảng dạy như thư viện, phòng thí nghiệm, thiết bị khoa học, máy tính và internet; nâng cao tính phù hợp của chương trình đào tạo; cải thiện trình độ chuyên môn và khả năng giảng dạy của đội ngũ giảng viên; đổi mới quá trình đánh giá và tuyển chọn sinh viên.


Về tài chính, mặc dù có sự khác nhau về chính trị, văn hoá, kinh tế, và tư tưởng nhưng nhìn chung, các nước đều có một số nét tương đồng. Thứ nhất, bổ sung vào nguồn thu công quỹ chính phủ bằng các khoản phi chính phủ và chuyển gánh nặng chi phí trong giáo dục từ những người đóng thuế hoặc từ công dân nói chung sang người học, cha mẹ người học. Cho đến nay, hầu hết các nước đã áp dụng chế độ học phí đối với sinh viên trong các trường được nhà nước cung cấp phần lớn hoặc toàn bộ chi phí. Trong nửa đầu của thập kỷ 90, học phí ở các trường đào tạo 4 năm đã tăng gần 50%; năm 1994 học phí và các chi phí khác của sinh viên chính quy chiếm trên 14% của các gia đình có thu nhập trung bình và sinh viên nước Anh đã phải đóng học phí với mức 1.000 bảng/năm bắt đầu từ năm học 1998-1999. Áp dụng chế độ đóng học phí được gắn liền với một số chính sách hỗ trợ sinh viên, thực hiện công bằng xã hội và bình đẳng về giới (như miễn, giảm học phí, trợ cấp sinh hoạt hoặc cho sinh viên nghèo vay tiền để duy trì được cơ hội học tập). Thứ hai, cải cách tài chính ở khu vực giáo dục công lập và thay đổi phương pháp phân bổ ngân sách hàng năm cho trường đại học nhằm tạo ra sự chủ động, đồng thời loại bỏ những rào cản gây trở ngại cho việc phân bổ và phân bổ lại một cách tối ưu các nguồn thu từ nhà nước. Hiện nay ngân sách nhà nước phân bổ cho các trường đại học công lập ở Mỹ, Vương quốc Anh, Thuỵ Điển, Đan Mạch, Netherland, Bỉ, Úc, New Zealand đều ở dạng cấp trọn gói. Thứ ba, thực hiện đổi mới việc tuyển dụng và trả lương cho cán bộ giảng dạy và cán bộ quản lý nhà trường (không bắt buộc tuyển giảng viên và nhân viên vào công chức, và cho phép các trường tự quy định mức lương cũng như những điều khoản và điều kiện khác khi tuyển cán bộ, nhân viên). Thứ tư, nhà nước hỗ trợ trường đại học nâng cao thu nhập bằng việc khuyến khích sử dụng các phòng thí nghiệm làm dịch vụ nghiên cứu ứng dụng-dù những hoạt


động này chủ yếu vẫn mang tính tự chu cấp và không thu được lợi nhuận. Theo Burton Clark, hoạt động kinh doanh đưa ra một công thức phát triển trường đại học trên cơ sở tự chủ, đa dạng hoá thu nhập để tăng nguồn tài chính, trả lương tuỳ theo hoàn cảnh và điều kiện cụ thể và giảm sự phụ thuộc vào chính phủ.


Các nước như Hàn Quốc, Đài Loan và Hồng Kông thuộc khu vực Đông Á và Thái Lan, Singapoere, Malaysia, Indonesia, Philippines ở khu vực Đông Nam Á là những quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc nhóm các nước đang phát triển, công nghiệp hóa mới (NICs). Trong hơn 30 năm qua, nền kinh tế của các quốc gia và vùng lãnh thổ này đã có những bước phát triển nhảy vọt và trở thành các điểm sáng tăng trưởng của thế giới. Nếu giữa thế kỷ XX Hàn Quốc bắt đầu sản xuất đài bán dẫn bằng công nghệ lắp ráp thô sơ, thì đến đầu thế kỷ XXI đất nước này đã đứng đầu thế giới về công nghệ sản xuất thiết bị bán dẫn, bộ nhớ flash, đóng tàu biển, màn hình số hóa tinh thể lỏng và đứng thứ 5 về sản lượng xe hơi sản xuất hàng năm. Năm 2005 tổng giá trị sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc tính theo sức mua tương đương đạt khoảng 1.097 tỉ USD. Thu nhập bình quân đầu người tính theo sức mua tương đương khoảng 22.620 USD. Thái Lan đã đạt được tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới, trung bình 9% mỗi trong năm giai đoạn từ 1985 đến 1995. Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997, nền kinh tế của Thái Lan đã được phục hồi ngay từ năm 1998 và đến năm 2002 đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 5,2%; năm 2004 khoảng hơn 6%. Năm 2000 thu nhập bình quân đầu người tính theo sức mua tương đương của Malaysia đã đạt khoảng 12.106 USD, xếp hạng 62 trên thế giới

. Đây thật sự là các ví dụ rất đáng ngạc nhiên bởi vì Hàn Quốc là một nước nhỏ (diện tích 98.000 km2) với mật độ dân cư đông đúc (dân số khoảng 46 triệu


người), nghèo tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản. Thái Lan vốn là một nước nông nghiệp. Malaysia trước đây phụ thuộc chủ yếu vào công nghiệp khai thác mỏ và nông nghiệp. Vậy bí quyết nào đã giúp cho Hàn Quốc, Thái Lan , Malaysia nói riêng, các nước và vùng lãnh thổ NICs ở Đông Á và Đông Nam Á nói chung đã thành công về kinh tế tới mức như vậy[187].


Câu trả lời cho những thắc mắc trên đây có thể tìm thấy từ lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Trong hơn 40 năm qua. Người Hàn quốc luôn tin tưởng vào vai trò của giáo dục trong phát triển kinh tế. Nhờ có lòng tin đó mà giáo dục là phương tiện để nâng cấp vị thế xã hội của người dân. Thậm chí ngay sau cuộc chiến tranh Triều Tiên năm 1953, cha mẹ học sinh Hàn Quốc đã gửi con em mình đến trường với chi phí phần lớn tài sản của mình cho con cái học hành. Thống kê của UNESCO cho thấy số lượng học sinh tiểu học Hàn quốc năm 1960 đạt 94% so với dân số trong độ tuổi, cao hơn rất nhiều so với mức thu nhập mong đợi của đất nước. Chính phủ Hàn Quốc đã phát triển một hệ thống giáo dục mạnh mẽ, một chương trình phát triển nhân lực trình độ cao cho nghiên cứu và phát triển. Thành tựu mà Malaysia đạt được dựa chủ yếu vào công tác đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực khoa học-công nghệ và ngoại ngữ, trong đó ngành công nghệ thông tin (ICT) được đầu tư đồng bộ và tiên tiến. Hầu hết mọi người dân Malaysia đều coi tiếng Anh là ngoại ngữ thứ hai mà mọi người cần phải lĩnh hội. Việc tăng cường, khuyến khích học tiếng Anh nhằm mở ra cơ hội cho thế hệ trẻ trong quá trình tiếp thu, lĩnh hội những kiến thức khoa học-công nghệ tiên tiến từ nhiều nguồn khác nhau ở thế giới bên ngoài. Đối với Hồng Kông, hệ thống giáo dục của vùng lãnh thổ này gần giống như của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ai-rơ-len.


Chính sách phát triển GDĐH các nước và vùng lãnh thổ NICs ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á trong mấy thập kỷ qua có một số điểm rất đáng lưu ý. Đó là tỷ lệ dân số trong độ tuổi 18 đến 24 đi học đại học ngày càng tăng lên. Số liệu thống kê chỉ ra rằng, giữa những năm 1970 và 1980, quy mô sinh viên của Hàn Quốc và Malaysia tăng bình quân khoảng 20%/năm. Tỷ lệ tăng trưởng này ở Singapore là 6,2% và ở Đài Loan là 6,8%. Trong suốt những năm 1980, tỷ lệ sinh viên tăng bình quân hàng năm ở Malaysia là 13,3%; Singapore: 12,4%; Đài Loan: 5,6% và Hàn Quốc: 14,8%. Ngay trong các năm 1997-1998, mặc dầu suy thoái kinh tế do khủng hoảng tài chính, sự mở rộng qui mô GDĐH ở các quốc gia và vùng lãnh thổ này vẫn tiếp tục gia tăng. Năm 2005, Hàn Quốc có 419 cơ sở giảng dạy đại học với 3,55 triệu sinh viên (dân số Hàn Quốc xấp xỉ 44,5 triệu người năm 2005). Vào khoảng 88,3% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông và 67,6% học sinh tốt nghiệp các trường trung cấp dạy nghề của nước này theo học các trường đại học và các bậc giáo dục cao hơn[187].


Khu vực GDĐH tư nhân của các nước phát triển mạnh. Năm 2000 Malaysia có 89 trường đại học tư thục/tổng số 105 trường đại học và cao đẳng (dân số Malaysia năm đó xấp xỉ 24 triệu). Năm 2005, Thái Lan có 63 trường đại học tư thục/tổng số 177 trường đại học và cao đẳng (dân số Thái Lan cùng thời điểm xấp xỉ 64,5 triệu người). Trong tổng số sinh viên đại học, sinh viên các trường tư thục của Thái Lan chiếm khoảng 16%; Philipines xấp xỉ 66%; Hàn Quốc gần 80% và Malaysia khoảng 33%[187]. Hệ thống giáo dục đại học bao gồm cả trường công lẫn tư không những chỉ làm giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, mà còn giúp tăng cường hiệu năng và chất lượng giáo dục qua sự cạnh tranh lẫn nhau.


Cấu trúc GDĐH của tất cả các nước đã có sự thay đổi, nhấn mạnh ưu tiên phát triển đào tạo kỹ thuật và công nghệ đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế công nghiệp hóa. Hàn Quốc và Đài Loan đã tăng gấp đôi số sinh viên các ngành kỹ sư điện và điện tử. Singapore tập trung đào tạo các chuyên gia máy tính (phần cứng và phần mềm) và công nghệ sinh học. Hệ thống GDĐH của hầu hết các nước rất đa dạng. Trong khi đặt tầm nhìn chiến lược dài hạn vào xây dựng các trường đại học nghiên cứu đạt trình độ quốc tế, các nước thành lập các cơ sở GDĐH ngắn hạn (thường là 2 năm) đào tạo những người có trình độ thích hợp làm việc trong công nghiệp ở trình độ công nghệ khác nhau. Các trường đại học của Thái Lan đưa ra các chương trình đào tạo gần gũi với công nghiệp và phù hợp với nhu cầu của cộng đồng. Hồng Kông, song song với việc phát triển một hệ thống trường đại học theo mô hình Mỹ với một hệ thống viện nghiên cứu đặc trưng của Anh đào tạo và cấp bằng cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ, chứng chỉ đại học đại cương và các bằng cấp bậc dại học khác, đang triển khai áp dụng hệ thống giáo dục trung học cao cấp cải cách kiểu “3+3+4”, trong đó có ba năm trung học thông thường, ba năm trung học cao cấp và bốn năm cao đẳng, đại học sẽ được áp dụng từ năm 2009..


Chính sách chất lượng đào tạo được xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Tất cả các quốc gia đều phấn đấu xây dựng một nền GDĐH có chất lượng giảng dạy và nghiên cứu theo chuẩn quốc tế. Các trường đại học được khuyến khích mở rộng hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Hầu hết các trường đại học đều thành lập một trung tâm đảm bảo chất lượng. Các trường đảm bảo đủ số lượng và đạt yêu cầu về chất lượng đội ngũ giáo viên. Thái Lan đưa ra khẩu hiệu lấy sinh viên làm trung tâm, đẩy mạnh phương pháp học tập tích cực vì cuộc sống.

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 13/09/2022