Hiệu lực của thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng theo pháp luật Việt Nam - 2

Việc nghiên cứu các quy định của pháp luật Việt Nam qua các thời kỳ về thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ theo pháp luật Việt Nam nhằm phân tích, đánh giá các điều luật, tạo điều kiện cho việc nhận thức và áp dụng trên thực tế một cách thống nhất, đồng bộ và đạt hiệu quả. Qua đó, tìm ra những tồn tại, bất cập của các quy định của pháp luật, đưa ra những giải pháp hữu ích đóng góp vào quá trình xây dựng hoàn thiện quy định của pháp luật về thỏa thuận chế độ tài sản của vợ chồng trong luật HN&GĐ năm 2014.

2.2. Mục tiêu cụ thể

Việc nghiên cứu đề tài nhằm làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn của các quy định pháp luật về hiệu lực của thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng, chủ yếu là các quy định của pháp luật Việt Nam. Từ đó mục tiêu cụ thể của đề tài là giải quyết về mặt lý luận các khái niệm thuộc phạm vi nghiên cứu của đề tài cũng như các vấn đề có liên quan. Bên cạnh đó, đề tài cũng đưa ra thực trạng thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng nhằm phát hiện những bất cập, hạn chế trong quá trình áp dụng pháp luật về vấn đề này, chỉ ra những điểm còn thiếu sót, chưa phù hợp của luật thực định. Trên cơ sở đó, luận văn đưa ra một số kiến nghị, giải pháp có tính chất khả thi nhằm góp phần hoàn thiện quy định pháp luật về thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống.

3. Tính mới và những đóng góp của đề tài

Thời gian qua, đã có một số công trình nghiên cứu về thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng. Tuy nhiên, so với những công trình đã nghiên cứu trước đây, đề tài có hướng nghiên cứu khác và có những nội dung mới, cụ thể:

Thứ nhất, đề tài đi sâu nghiên cứu về chế thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng theo pháp luật Việt Nam qua các thời kỳ, đặc biệt là Luật Dân sự và Luật HN&GĐ hiện hành.

Thứ hai, luận văn nghiên cứu các quy định mới của Luật Dân sự và Luật HN&GĐ hiện hành về thỏa thuận chế độ tài sản của vợ chồng. Đồng thời, so sánh chế định này với chế định hôn ước, hợp đồng hôn nhân của pháp luật của một số quốc gia trên thế giới.

Thứ ba, luận văn đi sâu phân tích hiệu lực của thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng nhằm xác định điều kiện có hiệu lực, thời điểm có hiệu lực, quyền nghĩa vụ của vợ chồng về thỏa thuận chế độ tài sản trước khi kết hôn.

Thứ tư, luận văn cũng đưa ra những ví dụ cụ thể về thực tiễn áp dụng các quy định thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng sau hơn 1 năm kể từ khi Luật HN&GĐ năm 2014 có hiệu lực để thấy được những hạn chế và nguyên nhân của hạn chế nhằm đưa ra các giải pháp hoàn thiện pháp luật.

Luận văn có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện chế định pháp luật về thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng, từ đó nâng cao vai trò và hiệu quả điều chỉnh của pháp luật đối với đời sống xã hội. Luận văn cũng có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảocho việc nghiên cứu và học tập các môn học như Luật Dân sự, Luật HN&GĐ... ở các cơ sở đào tạo pháp luật tại Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 89 trang tài liệu này.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Trong khuôn khổ của một luận văn thạc sỹ, đề tài chỉ đi sâu nghiên cứu các quy định về thỏa thuận chế độ tài sản của vợ chồng theo pháp luật Việt Nam mà không nghiên cứu về chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định. Đặc biệt, luận văn tập trung nghiên cứu các quy định về hiệu lực của thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng trong Luật HN&GĐ năm 2014. Bên cạnh đó, đề tài chỉ điểm qua, không đi sâu phân tích các quy định về thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng trong toàn bộ hệ thống pháp luật Việt Nam từ trước đến nay.

Hiệu lực của thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng theo pháp luật Việt Nam - 2

5. Tổng quan tài liệu

Trong những năm gần đây, đã có nhiều công trình nghiên cứu về thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng, điển hình như:

(1) Nguyễn Văn Cừ, Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận trong pháp luật HN&GĐ Việt Nam, Tạp chí Luật học số 4/2015; (2) Nguyễn Văn Cừ, Chế độ tài sản của vợ chồng theo pháp luật HN&GĐ Việt Nam, Nhà xuất bản Tư pháp, 2008; (3) Nguyễn Ngọc Điện, Bình luận khoa học Luật HN&GĐ Việt Nam, tập II, Các quan hệ tài sản giữa vợ chồng, Nhà xuất bản trẻ, 2004; (4) Bùi Minh Hồng, Chế độ tài sản theo chế độ thỏa thuận của vợ chồng liên hệ từ pháp luật nước ngoài đến pháp luật Việt Nam, Tạp chí Luật học số 11, năm 2009.

Các công trình nghiên cứu trên đã làm rõ được những vấn đề lý luận cơ bản và quy định của Luật Dân sự và Luật HN&GĐ về chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận. Tuy nhiên, một số công trình nghiên cứu trên được viết trước thời điểm Luật HN&GĐ năm 2014 ra đời. Vì thế, có những quy định mới về thỏa thuận chế độ tài sản của vợ chồng cần được làm rõ. Mặt khác, theo tính chất đề tài, có công trình được viết chủ yếu theo quy định của Luật Dân sự và Luật HN&GĐ năm 2014 nhưng chỉ phân tích, đánh giá chung các quy định về chế độ tài sản của vợ chồng mà không nghiên cứu sâu vấn đề này.

Đây là công trình nghiên cứu đầu tiên của tác giả về thỏa thuận chế độ tài sản của vợ chồng, hy vọng rằng với nền tảng của các công trình nghiên cứu trước và trên cơ sở tham khảo những tài liệu có liên quan được viết trong thời gian gần đây, đề tài sẽ có những đóng góp nhất định trong việc xây dựng và hoàn thiện Luật HN&GĐ, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cuộc sống.

6. Nội dung, địa điểm và phương pháp nghiên cứu

6.1. Nội dung nghiên cứu

Luận văn đi sâu nghiên cứu các nội dung về: Những vấn đề lý luận cơ bản về thỏa thuận tài sản của vợ chồng; Pháp luật Việt Nam về vấn đề thỏa thuận chế độ tài sản của vợ chồng; Thực tiễn áp dụng tại các quy định này và

các giải pháp hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về thỏa thuận chế độ tài sản của vợ chồng.

6.2. Phương pháp nghiên cứu

Đề tài nghiên cứu dựa trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Quá trình nghiên cứu, đề tài sử dụng nhiều phương pháp nghiên cứu như: Phương pháp phân tích tổng hợp, phương pháp so sánh, phương pháp lịch sử, phương pháp điều tra xã hội học, phương pháp thống kê. Trong quá trình nghiên cứu có sự kết hợp giữa lý thuyết và thực tiễn thông qua điều tra, khảo sát,… từ đó đánh giá bản chất của hiện tượng trong phạm vi đề tài nghiên cứu.

6.3. Địa điểm nghiên cứu

Luận văn nghiên cứu trên lãnh thổ Việt Nam.

7. Kết cấu luận văn

Với định hướng trên, ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của luận văn được kết cầu gồm 3 chương:

Chương 1. Lý luận cơ bản về hiệu lực của thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng

1.1. Khái niệm thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng

1.1.1. Chế độ tài sản của vợ chồng

1.1.2. Các loại chế độ tài sản của vợ chồng

1.1.3. Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng trước khi kết hôn

1.2. Khái niệm hiệu lực của thỏa thuận về chế độ tài sản cua vợ chồng

1.3. Điều kiện, thời điểm có hiệu lực của thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng

1.4. Vai trò, ý nghĩa của hiệu lực của thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng

1.5. Hiệu lực của thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng ở một số nước trên thế giới

1.5.1. Pháp luật Hoa Kỳ

1.5.2. Pháp luật Pháp

1.5.3. Pháp luật Nhật Bản

1.5.4. Pháp luật Trung Quốc

1.5.5. Pháp luật Úc

Chương 2. Pháp luật Việt Nam về hiệu lực của thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng

2.1. Hiệu lực của thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng thời kỳ trước Luật HN&GĐ năm 2014

2.1.1. Hiệu lực của hỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng trong pháp luật miền Nam trước năm 1975

2.1.2. Hiệu lực của hỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng trong pháp luật HN&GĐ từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến Luật HN&GĐ năm 2000

2.2. Hiệu lực của thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ trong theo Luật HN&GĐ năm 2014

2.2.1. Việc công nhận chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận

2.2.2. Sửa đổi, bổ sung nội dung của thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng

2.2.3. Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu

2.2.4. Hiệu lực của thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng khi huỷ hôn nhân trái pháp luật

2.2.5. Hiệu lực của thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng khi huỷ hôn nhân trái pháp luật khi vợ, chồng chết

2.2.6. Hiệu lực của thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng khi huỷ hôn nhân trái pháp luật khi vợ chồng ly hôn

Chương 3. Thực tiễn áp dụng và kiến nghị hoàn thiện quy định của pháp luật về thỏa thuận chế độ tài sản của vợ chồng

3.1. Thực tiễn áp dụng thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng

3.2. Kiến nghị hoàn thiện quy định của pháp luật về thỏa thuận về chế độ tài

sản của vợ chồng

3.2.1. Những kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về chế độ tài sản của vợ chồng

3.2.2. Một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật về chế độ tài sản của vợ chồng

3.2.2.1. Phát huy vai trò của công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về chế độ tài sản của vợ chồng

3.2.2.2. Giải pháp nâng cao chất lượng xét xử các vụ việc liên quan tới chế độ tài sản của vợ chồng

3.2.2.3. Giải pháp nâng cao chất lượng công chứng của các tổ chức hành nghề công chứng

Chương 1.

LÝ LUẬN CƠ BẢN VỀ HIỆU LỰC CỦA THỎA THUẬN VỀ CHẾ ĐỘ TÀI SẢN CỦA VỢ CHỒNG

1.1. Khái niệm thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng

1.1.1. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận

Tài sản vợ chồng là một trong những nội dung quan trọng của luật HN&GĐ. Sau khi kết hôn, tài sản chung được hình thành, các lợi ích và các quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với khối tài sản này cũng vì thế mà hình thành. Do tài sản không chỉ gắn liền với những lợi ích thiết thực của hai bên mà còn liên quan đến người thứ ba, đặc biệt là khi vợ chồng tham gia vào hoạt động kinh doanh thương mại nên vấn đề này lúc nào cũng nảy sinh nhiều mâu thuẫn, đặc biệt là sau khi vợ chồng ly hôn. Thực tiễn xét xử cho thấy, phần lớn các tranh chấp của vợ chồng có liên quan đến tài sản. Sự phức tạp trong việc xác định tài sản chung, tài sản riêng vợ chồng cùng những hạn chế trong việc quy định về chế độ tài sản vợ chồng trong luật dân sự, luật HN&GĐ nước ta ngày càng trở nên bất cập. Một mặt, việc giải quyết các xung đột trên không thể đảm bảo được công bằng, bình đẳng giữa các chủ thể (người vợ thường thiệt thòi về tài sản sau khi ly hôn). Mặt khác, số lượng và độ phức tạp của các vụ việc liên quan đến tranh chấp tài sản vợ chồng ngày càng gia tăng gây khó khăn và tốn kém cho ngành tư pháp. Trước khi nghiên cứu giải pháp cho tình trạng trên thì việc làm rõ các khái niệm chế độ tài sản vợ chồng và các hình thức là cần thiết.

Cho đến nay, pháp luật Việt Nam vẫn chưa có một khái niệm về chế độ tài sản của vợ chồng nào được ghi nhận trong một văn bản pháp luật của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Chế độ tài sản của vợ chồng được quy định trong luật như một tất yếu khách quan để điều chỉnh quan hệ tài sản của vợ chồng, góp phần ổn định các quan hệ xã hội.

Chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định là tổng hợp các quy phạm pháp luật nhằm điều chỉnh về tài sản của vợ chồng, bao gồm các quy định về căn cứ xác lập tài sản, quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng; nguyên tắc phân chia tài sản giữa vợ chồng.

Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận là hệ quả của thỏa thuận giữa hai vợ chồng về lựa chọn chế độ tài sản trong thời kỳ hôn nhân.

Pháp luật ở các quốc gia trên thế giới đều quy định về chế độ tài sản của vợ chồng, có thể không giống nhau. Ngay tại một quốc gia, chế độ tài sản của vợ chồng được quy định có thể khác nhau theo từng giai đoạn phát triển. Điều này phụ thuộc vào quan điểm, chính sách pháp luật, điều kiện phát triển kinh tế

- xã hội, truyền thống, tập quán của mỗi nước.

Chế độ tài sản của vợ chồng thực chất là chế độ sở hữu của vợ chồng. Vợ, chồng với tư cách là công dân, vừa là chủ thể của quan hệ HN&GĐ, vừa là chủ thể của quan hệ dân sự khi thực hiện quyền sở hữu của mình bằng cách tham gia các giao dịch dân sự. Chế độ tài sản của vợ chồng có một số đặc điểm sau:

Thứ nhất, về mặt chủ thể của quan hệ sở hữu trong chế độ tài sản này, các bên phải có quan hệ hôn nhân hợp pháp với tư cách là vợ chồng của nhau. Vì thế, để trở thành chủ thể của quan hệ sở hữu này, các chủ thể ngoài việc có đầy đủ năng lực chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự còn đòi hỏi họ phải tuân thủ các điều kiện kết hôn được quy định trong pháp luật HN&GĐ.

Thứ hai, với vị trí, vai trò quan trọng của gia đình đối với sự tồn tại và phát triển của xã hội, Nhà nước quy định chế độ tài sản của vợ chồng trong hệ thống pháp luật xuất phát từ mục đích bảo đảm quyền lợi của gia đình, trong đó có tính đến lợi ích cá nhân của vợ và chồng. Các quy định này tạo điều kiện để vợ chồng chủ động thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình đối với tài sản của vợ chồng.

Xem tất cả 89 trang.

Ngày đăng: 14/12/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí