So Với Các Tác Phẩm Đạt Giải Thưởng Của Hội Văn Nghệ Việt Nam 1951-1952 Và 1954-1955


thanh của địch. Đạn bắn trúng cánh tay phải của tôi và trúng vào má bên phải của tôi. Tôi bị ngã và ngất đi trong mấy phút. Tôi tưởng chết, cố hô Hồ Chủ tịch muôn năm, Việt Nam độc lập muôn năm. Khi tỉnh lại, tôi kiểm điểm lại người tôi, thì thấy một bên mình đã tê đi, sờ đến cánh tay phải thì lủng lẳng, má bên phải thì mất. Lúc đó tôi lại nghĩ đến nhiệm vụ của tôi. (...). Tôi liền nghĩ là phải quay giở xuống tìm một anh bạn nhờ chặt tay đi thì mới làm được nhiệm vụ. Rồi tôi quay xuống ngay. Đến nửa đường tôi gặp anh tiểu đội trưởng tiểu đội xung kích đang tiến lên. Tôi bảo anh chặt hộ tay cho tôi. Anh ngạc nhiên và bảo tôi quay xuống cho y tá băng bó. Tôi nói cho anh rõ ý định của tôi và nhất định yêu cầu anh cứ chặt tay cho tôi để tôi làm xong nhiệm vụ. Anh tiểu đội trưởng lúc đó mới hiểu, bèn lấy mác chặt cái tay bị thương đã gãy. Xong anh xé áo buộc cho tôi. Nhưng anh quên làm ga-rô, nên đi được một quãng tôi thấy máu ở cánh tay phải cứ chảy ra ròng ròng làm ướt đẫm một miếng vải buộc. Về sau miếng vải đó cũng bị tuột ra. Nhưng tôi không để ý đến cánh tay nữa, tôi cũng không biết đau nữa cứ chạy lên con đường cũ. Tôi đến chỗ giấu bộc phá nhặt lấy rồi tiếp tục lên phá lô cốt..."(Trích Bản tự thuật của anh La Văn Cầu về trận đánh đồn Đông Khê lần thứ hai được ghi trong “Biên bản Đại hội Toàn quốc các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu” diễn ra tại Việt Bắc, tháng 5 năm 1952).

Hay chuyện kể của chiến sĩ Đinh Nói, người Ba-na lại gợi một vẻ đẹp riêng của người Tây Nguyên. Đi bộ đội, Nói chỉ mong diệt xong cái đồn Ba- tơ rồi thì về. Nhưng bộ đội cứ đi mãi. Ra tận Thu-xà thấy biển "tưởng mình đã đến một nước nào xa lạ và sắp phải đi xa nữa", Nói sợ quá muốn trốn về nhưng lại không biết đường. Dần dần trong đời sống tập thể, giữa đồng đội và nhân dân, anh trưởng thành và làm nên những thành tích lớn. Anh biết đánh Tây là phải đánh lâu dài, bỏ thành kiến với anh em người Kinh, thấy đồng chí chính trị viên rất tốt lại nghĩ Hồ Chủ tịch không biết "tốt gấp lần và thương


dân biết mấy lần"... Tuy nhiên các bản tự thuật dù được nhà văn ghi lại không phải với yêu cầu của một sáng tạo nghệ thuật, vẫn có những đóng góp quan trọng cho đời sống văn học lúc đó. Nó đem lại một khí sắc mới, gợi một phương hướng mới cho sáng tác của các nhà văn. Trong bản tổng kết Giải thưởng Văn nghệ năm 1951-1952, Hoài Thanh có nhận xét: "Loại truyện ngắn mộc mạc mà khiêm tốn đó (chỉ "Truyện anh hùng chiến sĩ thi đua") tuy mới kể chuyện một cách đơn giản, còn sơ lược, chưa đi sâu vào diễn tả những cảnh sống và phân tích tư tưởng nhưng đã cho chúng ta thấy một hình ảnh về người anh hùng công nông khác hẳn với nhiều hình ảnh thấp kém và lớt phớt về công nông trong các truyện từ trước đến nay" (Văn nghệ số 46, tháng 12- 1953). Đây là một đánh giá đúng đắn trên cơ sở so sánh với những gì văn xuôi đã thu hoạch được. Nhưng trên yêu cầu chặt chẽ về nghệ thuật, yêu cầu những chân dung sinh động, yêu cầu điển hình hóa hiện thực, yêu cầu mô tả cuộc sống một cách phong phú đa dạng,... thì nhìn chung, ở thời điểm này, xét trên toàn cảnh văn xuôi, vẫn chưa phải là mục tiêu người viết đạt được. Nhiệm vụ ấy còn tiếp tục đặt ra cho nhiều năm sau, và để có một bước tiến căn bản trước yêu cầu này, văn xuôi phải vượt cho được trở lực chính là bệnh sơ lược, sự minh họa, quả là một nhược điểm khó tránh trước đòi hỏi mới của cách mạng và công chúng, trong tình hình nhận thức và trình độ nghệ thuật còn bị hạn chế của người viết lúc này. Kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, với sự ra đời của Đất nước đứng lên, qua hình ảnh Núp, Nguyên Ngọc đã khắc hoạ được một cách chân thực, đầy đủ, sinh động mẫu người anh hùng của thời đại cách mạng ngày nay, thời đại đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc dưới sự lãnh đạo của tư tưởng Mác - Lê-nin. Bởi vì ở tác phẩm này, Nguyên Ngọc đã chung đúc được những nhân tố có giá trị văn học rất dồi dào trong cách kể chuyện, và mạnh dạn hơn một bước, đã đi sâu thể hiện con người anh hùng thông qua tính cách riêng, thông qua thế giới tâm hồn phong phú và


nhiều mối quan hệ xã hội. Núp là mẫu người anh hùng mới của thời đại bởi Núp chính là người anh hùng từ trong nhân dân mà ra. Núp kết tinh được những phẩm chất ưu tú nhất của nhân dân Ba-na, đồng thời Núp cũng là kết tinh ý thức sáng suốt của cả tập thể. Cũng như nhân dân trong làng, Núp không đi theo Pháp nhưng hơn thế Núp còn nuôi tư tưởng đánh Pháp. Điều đó xuất phát từ lòng căm thù của anh đối với giặc, từ bản chất giai cấp cũng như từ sự hiểu biết về tính chất bóc lột, áp bức tàn bạo của kẻ thù. Anh tâm sự với người yêu: "Nó làm chết người Ba-na mình nhiều quá, Liêu ạ. Anh đi coi thử đánh có được không...". Và anh cũng đã bày tỏ suy nghĩ với dân làng sau một đêm nghe Bok Sung kể chuyện về ông Tú và cái gươm của ông: "Năm nay không chạy nữa, phải đánh nó đi, đánh nó chết mới có lúa ăn. Ông bà trước đánh Pháp, sao bây giờ mình không đánh. Chạy miết không sống nổi đâu. Chết hết người Ba-na còn gì". Để thuyết phục được dân làng, Núp đã quyết tâm tìm hiểu về thằng Pháp và chứng minh "Pháp không phải là ông trời. Pháp cũng đánh được". Nhờ sự giác ngộ của anh Cầm, anh Thế - cán bộ Đảng, Núp càng hiểu rằng "Pháp tới đây cầm súng đánh mình để lấy nước mình, mình cũng phải cầm giáo, mác, cung tên đánh lại nó mới lấy lại đất nước được". Núp đã động viên và cùng dân làng làm rẫy, tỉa bắp; rồi vót chông, làm bẫy đá, đoàn kết các buôn làng quyết tâm đánh giặc giữ đất, giữ làng. Núp cũng hiểu rằng phải "Đánh đến khi hơn Pháp, hết Pháp ở đất nước mình mới thôi. Đánh đời mình chưa xong, thì đánh đến đời con, đời cháu mình nữa". Trong những thời điểm gian nan nhất của cuộc chiến đấu chống Pháp, mọi thứ đều thiếu thốn: rìu rựa bị Pháp lấy, thiếu vải, thiếu gạo, đáng sợ nhất là thiếu muối. Nhưng chính trong những lúc như thế, Núp đều có mặt. Núp là người lãnh đạo gương mẫu, xông xáo và đi tiên phong trong mọi công việc, gánh phần trách nhiệm nặng nề về mình. Anh đồng cam cộng khổ với quần chúng, khuyến khích, cổ vũ quần chúng chịu đựng để kháng chiến thắng


lợi. Núp đã tập hợp được xung quanh anh những phần tử trung kiên nhất và từ đó tập hợp được cả làng Kông Hoa, rồi nhân dân các làng bên đứng lên chống Pháp. Rõ ràng sức mạnh của Núp bắt nguồn từ sức mạnh của nhân dân, đồng thời Núp cũng là người tổ chức, lãnh đạo nhân dân để phát huy thêm sức mạnh của tập thể. Có thể nói đó là mối quan hệ biện chứng giữa người anh hùng và tập thể quần chúng.

Núp là người anh hùng của thời đại cách mạng nhưng Núp cũng mang đầy đủ vẻ đẹp hồn nhiên, chất phác của con người Tây Nguyên. Khi xây dựng hình tượng nhân vật Núp, Nguyên Ngọc không quá lí tưởng hoá, tuyệt đối hóa nhân vật này. Nhà văn cũng miêu tả những khiếm khuyết thường tình của con người Núp. Ví dụ như lúc đầu Núp cũng sợ Giàng, khi anh Thế ốm, Núp cũng cúng Giàng cầu cho anh Thế mau khỏi bệnh. Hay trước khi bắn Pháp, Núp cũng còn nhiều hồ nghi, băn khoăn, lo ngại, sợ rằng thằng Pháp là Giàng, là ông trời như mọi người vẫn nói... Có thể nói ở Núp luôn có sự kết hợp hài hoà hai mặt đối lập nhưng thống nhất: một mặt là tính chất mộc mạc, hồn nhiên, cổ sơ của con người chưa cách xa lắm với thời nguyên thuỷ, mặt khác là tính chất rất tiến bộ của con người hiện đại, tinh thần đấu tranh chống Pháp, tinh thần giác ngộ cách mạng, ý thức tổ chức, ý thức Đảng... Chính vì lẽ đó mà Núp đã trở thành hình tượng nhân vật anh hùng của thời đại rất sinh động, rất sống.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 121 trang tài liệu này.

Bên cạnh Núp, tác giả còn xây dựng hình ảnh tập thể bà con làng Kông Hoa như một cái nền làm sáng tỏ thêm hình tượng nhân vật Núp và làm sáng tỏ chủ nghĩa anh hùng tập thể. Nhân vật quần chúng, nhân vật tập thể dưới ngòi bút của Nguyên Ngọc cũng hiện lên thật cụ thể, sinh động. Đó là Bok Sung, Bok Pa, bà mẹ Núp, Liêu, Ghíp, Xíp, Tun, Xá, ...Những con người ấy, từ già đến trẻ, từ đàn ông đến đàn bà, do tất cả đã sinh ra trên mảnh đất này nên đều có chung một mối thù mất nước, mất làng; đều có chung tinh thần


Hành trình sáng tác của Nguyên Ngọc từ Đất nước đứng lên đến Đất Quảng - 4

quyết đấu tranh tiêu diệt kẻ thù để giữ đất, giữ làng, bảo vệ sự sống cho dân tộc mình. Và còn có cả anh Cầm, anh Thế - những người đại diện Đảng, "gieo mầm" cách mạng trong nhân dân. Nhờ có anh Cầm, anh Thế, có Đảng, có Bok Hồ chỉ đường dẫn bước mà Núp và dân làng Kông Hoa đã biết đoàn kết với các buôn làng khác để đánh Pháp, bảo vệ quê hương. Đúng như lời Núp nói: "Người Kông Hoa cảm ơn Đảng, cảm ơn Bok Hồ...", và như lời kể của Bok Sung trước dân làng: " Lũ làng ạ, ngày nay gươm ông Tú đã tìm được lưỡi, gươm đã chắp cán rồi đấy. Gươm ông Tú lũ làng có biết là gì không? Gươm ông Tú là đoàn kết đấy, người Kinh đoàn kết với người Thượng, tất cả đất nước đoàn kết lại hết. Ngày trước không có ai tìm được cái lưỡi, lắp được cái cán. Bây giờ làm được rồi. Làm được là do Đảng đấy, do Bok Hồ dạy cho đấy...". Đọc Đất nước đứng lên, chúng ta không thể quên được đoạn văn miêu tả tâm trạng bồi hồi xúc động của Núp trong đêm chia tay lũ làng để sớm hôm sau cùng anh Thế lên đường tập kết ra Bắc: "Núp muốn nói chuyện nhiều nhưng không biết nói gì. Anh Thế cũng vậy. Núp nhìn Ghíp, Bok Pa, Xíp, Du, Bok Sung, Bok Sring...Xá, Khíp ở Ba-lang, Đê-ta cũng tới tiễn Núp và Thế. Núp nhìn tất cả lũ làng. Lửa cháy bập bùng soi mặt mọi người, khi sáng khi tối. Lửa soi mái tóc quăn của Ghíp, lửa soi cái cằm vuông và cặp mắt sáng Bok Pa, lửa soi cánh tay Khíp to chắc và đen, cặp mắt Khíp hiền lành, im lặng... Mười năm qua, những người Ba-na đó ăn tro, mặc áo vỏ cây kơ-đôn, giặc Pháp cố hết sức vùi dập xuống bùn, nhưng không một ai chịu ngã vùi xuống. Ai nấy đều đứng lên cả rồi (...). Còn bao nhiêu người nữa, tất cả người Ba-na đều đứng lên được hết rồi. Người Ê-đê, Gia-rai, Kinh, M'nông... Khắp nơi cũng đều đứng lên hết. Núp đi, núi rừng Tây Nguyên còn có hàng trăm, hàng ngàn người thay Núp...".

Có thể nói hình ảnh anh hùng Núp và dân làng Kông Hoa đã trở thành biểu tượng của một "Đất nước đứng lên", thể hiện tinh thần bất khuất của cả


một dân tộc. Đúng như ý kiến nhận xét sau: "Với Đất nước đứng lên, lần đầu tiên loại truyện anh hùng, truyện người thật việc thật được công nhận như một sáng tác văn học thực sự". Đây là "một tác phẩm hoàn chỉnh, khá toàn bích về sức khái quát, năng lực biểu hiện hiện thực cuộc chiến tranh nhân dân và xây dựng được những nhân vật có chiều sâu tâm lí, sinh động, chân thực và hấp dẫn"[48]. Nhờ vốn hiểu biết phong phú và tình cảm sâu sắc, chân thành có được từ những năm chiến đấu, kết hợp với lối viết giản dị, trong sáng, giàu cảm xúc, Nguyên Ngọc đã dựng lại sinh động, súc tích quá trình giác ngộ và trưởng thành của những người dân ở Tây Nguyên, cuộc sống và chiến đấu độc đáo, đầy sáng tạo của một buôn làng trên núi cao. Qua câu chuyện về người anh hùng dân tộc thiểu số Núp và bà con buôn làng nơi anh sinh sống, cuốn tiểu thuyết của Nguyên Ngọc đã lí giải được tương đối đầy đủ, rõ ràng nguyên nhân chiến thắng của dân tộc Việt Nam trước một kẻ thù hùng mạnh và tàn bạo như thực dân Pháp.

1.3.2. So với các tác phẩm đạt Giải thưởng của Hội Văn nghệ Việt Nam 1951-1952 và 1954-1955

Cùng thời điểm ra đời với Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc, hàng loạt tác phẩm xuất sắc của các nhà văn khác cũng xuất hiện. Có thể kể đến như: Vùng mỏ của Võ Huy Tâm, Xung kích của Nguyễn Đình Thi, Kí sự Cao Lạng của Nguyễn Huy Tưởng, Truyện Tây Bắc của Tô Hoài, Con trâu của Nguyễn Văn Bổng,... Tất cả đều tập trung viết về đề tài chiến tranh cách mạng giữ nước song ở mỗi tác phẩm lại có cách khám phá, phát hiện và đóng góp riêng.

Vùng mỏ của Võ Huy Tâm (Giải Nhất) miêu tả về hiện thực đời sống và đấu tranh của công nhân mỏ thời Pháp thuộc. Ở tiểu thuyết này, nhà văn đã xây dựng thành công nhân vật Tuấn - nhân vật trung tâm của tác phẩm, là cán bộ công Đoàn, được phân công về hoạt động bí mật ở một vùng mỏ đang bị


thực dân Pháp chiếm đóng. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tuấn và chi bộ Đảng, công đoàn đã hăng hái, kiên trì bám sát, vận động, giác ngộ quần chúng đấu tranh, hướng những cuộc đấu tranh tự phát thành phong trào đấu tranh có tổ chức, tiến đến những mục tiêu chính trị và chuẩn bị cho việc đưa một số thợ mỏ ra vùng tự do tham gia kháng chiến. Cùng với Tuấn là hàng loạt những nhân vật khác cũng được khắc họa có sức sống, có cá tính riêng như Thiết, Tài Bá, Min, Le, Thịnh, Sử, Bảo, Lê, Khiết,... và hình ảnh khối quần chúng đông đảo trong những cuộc bãi công, đình công. Tất cả những nhân vật này đã góp phần bổ sung và hoàn thiện bức chân dung của những người công nhân mới, với những phẩm chất cao đẹp: lòng nhân ái, tình cảm đôn hậu, trong sáng, dũng cảm hi sinh, tận tụy phục vụ cách mạng và có ý thức giác ngộ giai cấp, giác ngộ dân tộc.

Xung kích của Nguyễn Đình Thi (Giải Nhì) lại thành công trong việc khắc họa hình ảnh cuộc kháng chiến toàn dân, trong đó nổi bật lên là hình ảnh "anh bộ đội cụ Hồ" với vẻ đẹp tinh thần đặc sắc. Những người lính dù thiếu thốn mọi bề, ít bữa ăn no và thường ngủ đói nhưng họ là những con người có phẩm chất cách mạng vững vàng, sẵn sàng hi sinh cho kháng chiến, trong đó chính trị viên Sản, đại đội trưởng Kha là những hình ảnh tiêu biểu. Ở đây căn bản không còn nữa hình ảnh người Vệ quốc trong khẩu khí anh hùng, hoặc trong cốt cách tiểu tư sản. Ở đây là anh bộ đội đến từ nhiều nguồn - và gốc rễ lao động có để lại dấu ấn trên gương mặt và trong phẩm chất của họ. Những phẩm chất đó đã có điều kiện thể hiện một cách rõ nét hơn trên nền cảnh chiến đấu - vốn là hoàn cảnh điển hình, với những trận công đồn, đuổi giặc gay go, ác liệt.

Dựng chân dung anh bộ đội trong các chiến dịch lớn, Kí sự Cao Lạng của Nguyễn Huy Tưởng (Giải Ba) ghi tiếp một thành công mới cho văn xuôi cách mạng. Tác phẩm đã ghi lại chân thực, đầy cảm xúc và ấn tượng về hình ảnh những đoàn bộ đội và dân công trên đường ra chiến dịch; những trận


đánh quyết liệt, sinh tử giữa ta và địch trên các địa danh cụ thể như Cao Bằng, Đông Khê, Na Sầm, Đồng Đăng, Lạng Sơn, Hòa Bình... Ở tác phẩm này, nhà văn vừa tái dựng được hoàn cảnh diễn biến của một chiến dịch lớn, vừa miêu tả cụ thể những hành động và sự kiện làm nổi bật ý chí kiên cường, lòng quả cảm của con người Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc.

Trong các sáng tác viết về nông thôn chiến đấu, Con trâu của Nguyễn Văn Bổng (Giải Nhì) có một vị trí nhất định. Tác phẩm mở đầu bằng một trận càn, và kết thúc cũng bằng một trận càn. Nhưng giữa hai tình huống như lắp lại đó là quá trình phát triển và trưởng thành của một cuộc chiến tranh nhân dân. Thực dân Pháp liên tiếp mở những trận càn quét, đàn áp, giết hại những người cách mạng, sát hại trâu bò - công cụ lao động chủ yếu của người nông dân, nhằm phá hoại sản xuất và uy hiếp tinh thần nhân dân. Trước sức ép của địch, một số ít người vững nhất trụ lại, tìm cách xoay chuyển tình thế. Tiêu biểu nhất là Chức - bí thư chi bộ xã và Trợ - đội phó du kích. Họ đã vận động bà con đi tản cư trở về làng, sớm ổn định cuộc sống và bắt tay vào tăng gia sản xuất, không để ruộng đất bị bỏ hoang. Rồi bàn bạc và thực hiện thành công kế hoạch giải thoát cho đàn trâu bị địch bắt giữ. Khi đàn trâu trở về, những người nông dân lại phải tìm cách bảo vệ bằng nhiều cách (phân tán đàn trâu, đào hầm cho trâu trốn khi giặc càn, ...). Ở đây, vấn đề "con trâu" không còn là câu chuyện "đầu cơ nghiệp" của một gia đình riêng lẻ, mà là chuyện gắn với sự sống còn chung của dân tộc. Bảo vệ trâu là bảo vệ sản xuất, nuôi dưỡng sức dân, chiến đấu lâu dài. Bảo vệ trâu cũng là một kiểu thử thách quyết tâm chiến đấu bám địch giữ làng của người nông dân vùng địch hậu. Kháng chiến còn dài, còn lắm gian khổ, nhiều thử thách còn đặt ra nhưng người nông dân trong quá trình trưởng thành dưới sự lãnh đạo của Đảng đã có đủ những trang bị tinh thần và vật chất để làm thất bại từng âm mưu của địch, và đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi.

Xem tất cả 121 trang.

Ngày đăng: 05/02/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí