4. MỤC ĐÍCH-NHIỆM VỤ- ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU
Luận án tập trung trả lời các câu hỏi sau đây để làm sáng tỏ bình diện ngữ dụng của hành động hỏi: Chúng ta làm gì khi chúng ta nói? Chúng ta thực sự nói gì khi chúng ta nói? Tại sao tôi lại hỏi người bạn rằng anh có thể đưa hộ quyển sách cho tôi hay không, trong khi rõ ràng rằng anh ta có thể? Ai nói với ai? Ai nói? Nói cho ai? Anh nghĩ tôi là ai để có thể nói với tôi như vậy? Nói như vậy là rõ chưa hay còn mơ hồ? Ngoài ý nghĩa theo lời nói trên bề mặt, phát ngôn còn có ý nghĩa nào khác nữa? Làm sao để có thể hiểu được các nghĩa đó sau bề mặt của câu chữ? … Luận án nghiên cứu về hành động nói (speech acts), hẹp hơn nữa là hành động hỏi (ask acts), ở trong sự kiện nói (speech event) thuộc một lĩnh vực rộng lớn hơn là phân tích hội thoại (conversational analysis).
Trong khi cố gắng biểu hiện mình, người ta không chỉ tạo ra những phát ngôn chứa các cấu trúc ngữ pháp và các từ, mà người ta còn thực hiện các hành động bằng các phát ngôn đó. Nghiên cứu hành động nói không chỉ ở từng phát ngôn riêng rẽ, mà chính là trong tập hợp các phát ngôn.
Sự kiện nói chính là tập hợp các phát ngôn có tình huống xã hội gồm nhiều người tham dự; họ phải có một kiểu quan hệ xã hội nhất định nào đó; họ phải thể hiện trong một dịp cụ thể hay một ngữ huống cụ thể nào đó; và họ phải có những mục tiêu riêng biệt.
Tất cả được thể hiện trong một lĩnh vực rộng lớn hơn là sự phân tích hội thoại nhằm phát hiện ra các đặc điểm ngôn ngữ học của hội thoại là gì và được thể hiện như thế nào. Luận án đề xuất cấu trúc lựa chọn trong hành động hỏi. Mà hành động hỏi trong lĩnh vực giao tiếp mua bán là mối quan tâm lớn của ngôn ngữ xã hội học nói chung, ngữ dụng học nói riêng.
Việc nghiên cứu, ứng dụng chúng vào thực tế giao tiếp mua bán là mục đích đầu tiên của chúng tôi. Mục đích kế tiếp là dựa trên cứ liệu ngôn ngữ mua bán, chúng tôi xác định các yếu tố có thực trong HĐH của lí thuyết dụng học và các vấn đề liên quan đến lí thuyết này từ góc độ vận dụng, nhất là vấn đề chuẩn ngôn ngữ và yếu tố lịch sự trong giao tiếp mua bán.
Từ mục đích trên, luận án hướng tới đối tượng và nhiệm vụ chính sau:
- Phân biệt phát ngôn hỏi-hành động hỏi; hành động hỏi trực tiếp – gián tiếp
- Nghiên cứu HĐH trong phát ngôn mở đầu đoạn thoại giao tiếp mua bán.
- Phân chia các tiểu loại hành động hỏi.
- Nghiên cứu các bình diện kết học- nghĩa học- dụng học của phát ngôn chứa hành động hỏi trực tiếp và gián tiếp.
- Nghiên cứu các nhân tố ngữ dụng thuộc cấu trúc thông báo, cấu trúc lựa chọn của phát ngôn chứa hành động hỏi trong mua bán thông qua hệ thống từ xưng hô; phương pháp lập luận; cơ chế tạo ý nghĩa hàm ẩn; các lược đồ đặc trưng văn hoá dân tộc….
- Nghiên cứu cấu trúc thông báo và cấu trúc lựa chọn của phát ngôn chứa chứa hành động hỏi trực tiếp và gián tiếp.
- Giải thích cơ chế hàm ẩn của phát ngôn chứa hành động hỏi dưới góc độ đặc trưng văn hoá dân tộc và tư duy ngôn ngữ của người Việt.
- Thông qua việc nghiên cứu các vấn đề cụ thể trên đây, khái quát vấn đề cấu trúc lựa chọn mang tính hàm ngôn cao là sản phẩm tất yếu của lí thuyết giao tiếp và lí thuyết dụng học.
5. NGUỒN NGỮ LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
5. 1. NGUỒN NGỮ LIỆU
Có thể bạn quan tâm!
- Phát ngôn chứa hành động hỏi trong giao tiếp mua bán bằng tiếng Việt - 1
- Phát ngôn chứa hành động hỏi trong giao tiếp mua bán bằng tiếng Việt - 3
- Nguyên Lí “Giải Thuyết Cục Bộ” Và “Phép Suy Luận Tương Tự”
- Lí Thuyết Về Cấu Trúc Lựa Chọn Để Tạo Nghĩa
Xem toàn bộ 206 trang tài liệu này.
- Các ngữ liệu được thu thập từ các nguồn:từ điển ngoại thương; từ điển thương mại; các loại giáo trình kĩ thuật thương mại quốc tế… Các ngữ liệu còn được thu thập từ việc phỏng vấn trực tiếp hay từ những lời thoại được ghi âm và chuyển sang dạng viết trong ngôn ngữ tự nhiên của các tầng lớp người mua bán, chủ yếu là môi trường các chợ, các siêu thị, cửa hàng mua bán.
- Chúng tôi còn dựa vào tư liệu lí luận và thực tiễn nghiên cứu về lí thuyết ngữ dụng học, về lí thuyết giao tiếp, về lí thuyết tín hiệu học…
5.2. PHƯƠNG PHÁP XỬ LÍ TƯ LIỆU
Đầu tiên là chúng tôi quan sát và ghi âm cuộc thoại. Tiếp theo là ghi nhật kí ngữ liệu, ghi các nhân tố hoàn cảnh giao tiếp và các nhân tố phi ngôn ngữ. Sau đó là nghe lại, chuyển lời thoại thành dạng viết. Cuối cùng là đánh dấu các phát ngôn chứa hành động hỏi, lập hồ sơ, phân loại, phân tích tư liệu.
5. 3. PHƯƠNG PHÁP VÀ THỦ PHÁP NGHIÊN CỨU
Luận án này thực hiện theo hướng gắn lí thuyết với thực tiễn xã hội trong sử dụng ngôn ngữ, nên chúng tôi đã sử dụng các phương pháp chung sau đây:
5.3.1. Phương pháp thống kê và quy nạp
Chúng tôi thống kê tần số xuất hiện của các yếu tố trong hành động hỏi và các phát ngôn hỏi trên các nguồn ngữ liệu đã nêu. Kết quả thống kê sẽ được sử dụng để rút ra các đặc điểm của đối tượng nghiên cứu (thống kê định lượng để rút ra và quy nạp các kết luận định tính) là những căn cứ thực tiễn giúp cho các cứ liệu khoa học có tính xác thực, tính chứng minh, thuyết phục.
5. 3.2. Phương pháp phân tích kết hợp với phương pháp tổng hợp
Các phương pháp này giúp ích cho việc phân tích hành động hỏi trong hoàn cảnh sử dụng của nó. Mối quan hệ với ngữ cảnh rộng và hẹp sẽ giúp hành động hỏi bộc lộ rõ mối quan hệ với các nhân tố khác. Căn cứ vào cặp thoại có chứa hành động hỏi và hành động trả lời, chúng tôi phân tích các nhân tố đi theo chúng.
Đối với hành động hỏi được thực hiện bằng phát ngôn hỏi không chính danh, phương pháp phân tích còn phải bám vào các nhân tố ngữ cảnh (context), nhân tố văn cảnh (cotext) như: người nói, người nghe, mục đích hay ý đồ giao tiếp, vốn tri thức nền, những lượt lời được đặt trước và sau phát ngôn chứa hành động hỏi…
Bên cạnh việc sử dụng phương pháp phân tích, chúng tôi còn sử dụng kết hợp phương pháp tổng hợp, khái quát vấn đề một cách có cơ sở, nghĩa là vừa phân tích vừa tổng hợp, vừa diễn dịch vừa quy nạp để xử lí tốt các vấn đề.
5.3.3. Thủ pháp miêu tả
Chúng tôi vận dụng phương pháp miêu tả cấu trúc – ngữ nghĩa- phương thức cấu tạo các phát ngôn có ý nghĩa hành động hỏi, các nhân tố ngôn ngữ và phi ngôn ngữ đi kèm các hành động hỏi…
5.3.4. Thủ pháp điều tra và trắc nghiệm bằng phỏng vấn
Chúng tôi đã điều tra trực tiếp các đối tượng tham gia hoạt động mua bán một cách khách quan, tự nhiên (xem bảng phụ lục)
5. 3.5.Thủ pháp so sánh
Thủ pháp này sử dụng để xem xét nét giống nhau và khác nhau giữa các nhân tố của hành động hỏi trực tiếp và gián tiếp, để tạo nền cho phương pháp phân tích, tổng hợp, miêu tả …được thực hiện chính xác và hiệu quả hơn.
5.3.6. Phương pháp điền dã
Luận án này thực hiện theo hướng gắn lí thuyết với thực tiễn xã hội trong việc sử dụng ngôn ngữ, nên bên cạnh các phương pháp chung, chúng tôi đã sử dụng phương pháp điền dã là phương pháp đặc thù chủ yếu, bằng cách đi thực tế để thu thập tư liệu từ việc phỏng vấn trực tiếp, ghi âm lời thoại trong phạm vi mua bán. Sau đó dựa vào và xử lí tốt nguồn tư liệu để đi đến các kết luận.
6. PHẠM VI NGHIÊN CỨU
6. 1. Gồm cả phát ngôn hỏi chính danh- phát ngôn hỏi không chính danh.
6.2. Nghiên cứu phát ngôn hỏi có lực ngôn trung là yêu cầu cung cấp cái được thông báo của người nói và cái được hiểu của người nghe..
6. 3. Các công trình đi trước thường chỉ chú ý đến phát ngôn hỏi của người hỏi mà ít chú ý đến phát ngôn hỏi hồi đáp của người nghe. Luận án chú ý nghiên cứu cả quá trình lập mã tạo hành động hỏi của phát ngôn hỏi ở người hỏi, cả quá trình giải mã của cái được hiểu để tạo hành động hồi đáp và có khi bằng hành động hỏi hồi đáp (hỏi lại) của người nghe trực tiếp hay gián tiếp.
6. 4. Đối tượng nghiên cứu của luận án rộng và phức tạp nên việc triển khai luận án được giới thuyết bằng nhiều khía cạnh có liên quan. Đó là giới thuyết giao tiếp, giới thuyết ngữ dụng, giới thuyết hội thoại, giới thuyết hành động ngôn ngữ. Chúng được cụ thể hóa bằng các giới thuyết khi được vận dụng như: giới thuyết về hiệu lực giao tiếp, giới thuyết về nguyên tắc lập mã và giải mã, giới thuyết về áp lực phi NN, giới thuyết về đặc điểm của cấu trúc lựa chọn…
7. DỰ KIẾN NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA LUẬN ÁN
Đầu tiên là phân loại hành động hỏi một cách tổng quan và hệ thống.
Kế tiếp là thông qua việc xác định hành động hỏi gián tiếp, từ đặc điểm riêng của môi trường giao tiếp mua bán, chúng tôi gợi mở cho lí thuyết hội thoại cấu trúc lựa chọn là một dạng cấu trúc thông báo vừa hiển ngôn vừa hàm ngôn. Cấu trúc lựa chọn vừa hiển ngôn, vừa hàm ngôn này thực chất là loại cấu trúc xác lập hiệu lực giao tiếp theo hướng hàm ngôn, lấy cấu trúc hiển ngôn làm hình thức chứa đựng.
Cấu trúc lựa chọn là cấu trúc tạo nghĩa và tạo hiệu lực giao tiếp được xác lập theo hướng phân chia cấp độ nghĩa theo hệ liên tưởng, theo hướng hàm ngôn (không phân đoạn thực tại theo hệ hình), gắn với cơ chế ngữ dụng của nó là kết quả sự tận dụng tối đa yếu tố phi ngôn ngữ, yếu tố ngôn ngữ, gắn với tư duy ngôn ngữ xã hội học điển hình, mang đặc trưng riêng của GT mua bán.
Việc phát hiện, lí giải sự hình thành và hoạt động của loại CTLC mang tính hàm ngôn cao, có thể xem là một cơ hội tốt để chúng tôi có thể mở rộng sự hiểu biết của mình vào những tầng bậc cao của ngữ dụng học như: cách xử lí mối quan hệ giữa phạm trù ngôn ngữ và phi NN đối với người lập mã và người giải mã trong quá trình sử dụng; cách lí giải về mối quan hệ giữa ngôn ngữ và các biểu thức quy chiếu (được xác lập thông qua hành động chiếu vật của người giao tiếp) theo nguyên tắc chuyển mã từ cơ chế tín hiệu học.
Cấu trúc lựa chọn là một loại quy ước siêu ngôn ngữ, hay là một loại ẩn dụ phức hợp. Bởi vì chúng tuy được xác lập từ mã ngôn ngữ, nhưng trên thực tế, hiệu lực giao tiếp đích thực của chúng nhiều khi không còn dựa trên nghĩa thực thể vốn có của ngôn ngữ.
Nói khác đi, ngôn ngữ thực ở đây đã được mã hóa theo hướng phi ngôn ngữ và ngược lại, có thể nói đây cũng chính là quá trình ngôn ngữ hóa các yếu tố phi ngôn ngữ.
Vấn đề này không thể thoát li khỏi cái nhìn triệt để của cơ chế lí thuyết tín hiệu học với sự bổ sung của ngôn ngữ học tri nhận, và kèm theo, đó phải là một tầm nhìn ngôn ngữ rộng mở về phía xã hội học và văn hóa học.