Góp vốn kinh doanh bằng tài sản trí tuệ trong pháp luật Việt Nam - 2

MỞ ĐẦU


1. Tính cấp thiết của việc nghiên cứu đề tài

Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong bất cứ lĩnh vực nào cũng đều gắn liền với vốn. Vốn là yếu tố đầu tiên và giữ vai trò quan trọng và quyết định đối với một doanh nghiệp, không có vốn thì không thể tiến hành sản xuất kinh doanh được. Doanh nghiệp muốn ra đời, tồn tại và phát triển thì phải quan tâm đến vấn đề tạo lập vốn, quản lý, khai thác và sử dụng đồng vốn sao cho có hiệu quả, nhằm đem lại nhiều lợi nhuận nhất.

Trước đây, tài sản đưa vào sử dụng làm vốn thường chỉ bao gồm tiền tệ và vật chất. Tiến đến nền kinh tế hiện đại, nhiều quốc gia nhất là các quốc gia phát triển đang hướng tới một nền kinh tế dựa trên tri thức (thông tin và công nghệ), phạm trù vốn được hiểu với nghĩa rộng hơn không chỉ là tiền, vàng, nhà xưởng, xe cộ... mà nó bao gồm cả tài sản vô hình (TSVH), trong đó có tài sản trí tuệ (TSTT). Ngày nay, việc góp vốn bằng giá trị quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) đã trở thành thông lệ phổ biến trên thế giới bởi vai trò hết sức đặc biệt của nó. TSTT ngày càng được thừa nhận là có vai trò quyết định đối với sự phát triển khoa học, công nghệ, kinh tế, xã hội của mỗi quốc gia. Với các doanh nghiệp, TSTT đóng vai trò như là thước đo hiệu quả kinh doanh, sức cạnh tranh và khả năng phát triển của doanh nghiệp trong tương lai. Bằng việc xây dựng, phát triển và sở hữu các TSTT, uy tín và vị thế của doanh nghiệp luôn được củng cố và mở rộng; khả năng cạnh tranh, thị phần và doanh thu của doanh nghiệp được nâng cao.

Tại Việt Nam, vấn đề góp vốn bằng TSTT còn hết sức mới mẻ. Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1996 đã cho phép nhà đầu tư nước ngoài góp vốn bằng TSVH này (Khoản 1 Điều 2). Tiếp đó, Luật Doanh nghiệp (LDN) năm 2005 cũng như LĐT năm 2005 đều cho phép nhà đầu tư được quyền góp vốn bằng giá trị quyền SHTT với tư cách là một loại TSVH để tiến

hành các hoạt động đầu tư, kinh doanh (Điều 4 LDN và Điều 3 Luật Đầu tư (LĐT)). Tuy vậy, việc đưa TSTT vào hoạt động đầu tư bằng cách nào thì các doanh nghiệp còn hết sức lúng túng vì không biết phải làm gì. Xuất phát từ nhận thức tầm quan trọng của giá trị quyền SHTT đối với doanh nghiệp cũng như đối với nền kinh tế, do yêu cầu thực tế hiện nay trong việc sử dụng nguồn vốn TSTT vào hoạt động kinh doanh, tác giả chọn nghiên cứu luận văn: "Góp vốn kinh doanh bằng tài sản trí tuệ trong pháp luật Việt Nam".

Khi lựa chọn nghiên cứu đề tài này, mong muốn của tác giả là mang đến những thông tin nhất định để giúp các doanh nghiệp khai thác tốt hơn nguồn vốn TSTT mà lâu nay còn đang bị bỏ ngỏ, đặc biệt là thông qua hoạt động góp vốn kinh doanh khi doanh nghiệp thành lập hoặc đang hoạt động, thông qua đó góp phần vào quá trình sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan như Bộ luật Dân sự (BLDS), Luật SHTT, LDN, LĐT... trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.

2. Tình hình nghiên cứu đề tài

TSTT có liên quan đến rất nhiều khía cạnh trong kinh doanh, vì vậy nó đóng một vai trò quan trọng đối với doanh nghiệp. Hiện nay, góp vốn kinh doanh bằng TSTT là một nhu cầu tất yếu giúp đưa vào khai thác, sử dụng TSTT một cách có hiệu quả.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 136 trang tài liệu này.

Tuy nhiên, pháp luật quy định về góp vốn kinh doanh bằng TSTT và thực tiễn thực hiện góp vốn kinh doanh bằng TSTT như thế nào thì vẫn đang là vấn đề được nhiều người quan tâm. Trong quá trình tìm kiếm thông tin để viết luận văn này, tôi chưa có may mắn được gặp bất kỳ công trình nghiên cứu quy mô hay cuốn sách nào viết về vấn đề này, chỉ có may mắn gặp được một số bài báo tản mạn trên mạng Internet hoặc một số chuyên đề liên quan như giá trị TSTT và định giá TSTT, và một số nghiên cứu nhỏ lẻ về góp vốn bằng TSVH hay TSTT vì vấn đề đưa ra nghiên cứu còn hết sức mới mẻ. Các

công trình nghiên cứu trên mới chỉ mang tính chất gợi mở, đi sâu vào nghiên cứu một khía cạnh, lĩnh vực cụ thể chứ chưa đi vào nghiên cứu một cách toàn diện, đầy đủ và có hệ thống vấn đề góp vốn kinh doanh bằng TSTT - một vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc.

Góp vốn kinh doanh bằng tài sản trí tuệ trong pháp luật Việt Nam - 2

3. Mục đích nghiên cứu và nhiệm vụ nghiên cứu

Luận văn làm sáng tỏ về mặt lý luận TSTT và góp vốn kinh doanh bằng TSTT. Trên cơ sở các quy định của pháp luật và thực tiễn thực hiện đề xuất một số biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động góp vốn kinh doanh bằng TSTT.

Mục đích của đề tài được cụ thể hóa ở những nhiệm vụ nghiên cứu sau đây:

- Nghiên cứu vấn đề lý luận về TSTT, giá trị của TSTT và những yếu tố ảnh hưởng đến giá trị TSTT cũng như định giá TSTT.

- Nghiên cứu một cách có hệ thống những vấn đề lý luận và thực tiễn của hoạt động góp vốn kinh doanh bằng TSTT.

- Đánh giá những ưu, nhược điểm của các quy định hiện hành đối với thực tiễn của hoạt động góp vốn kinh doanh bằng TSTT.

- Đưa ra một số kiến nghị để hoàn thiện các quy định pháp luật và nâng cao hiệu quả góp vốn kinh doanh bằng TSTT.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Trong khuôn khổ luận văn thạc sĩ luật học, tác giả tập trung nghiên cứu một số vấn đề lý luận cơ bản về TSTT; góp vốn kinh doanh bằng TSTT; những quy định của pháp luật về góp vốn kinh doanh bằng TSTT và thực tiễn của hoạt động góp vốn kinh doanh bằng TSTT, từ đó bước đầu đưa ra những kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật và nâng cao hơn nữa hiệu quả của hoạt động góp vốn kinh doanh bằng TSTT.

5. Phương pháp nghiên cứu

Trong quá trình nghiên cứu đề tài, tác giả sử dụng phép biện chứng của triết học Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm cơ sở cho quá trình nghiên cứu. Ngoài ra, các phương pháp phân tích, tổng hợp, đối chiếu, so sánh, khảo sát, thu thập,… được sử dụng phù hợp với từng mặt, từng lĩnh vực nghiên cứu của đề tài. Các quy định của Hiến pháp, BLDS, Luật SHTT, LDN, LĐT…. có liên quan đến góp vốn kinh doanh bằng TSTT được sử dụng với tư cách là cơ sở lý luận, cơ sở pháp lý cho quá trình nghiên cứu.

6. Kết quả của luận văn

Luận văn nghiên cứu những vấn đề về lý luận chung về TSTT, góp vốn kinh doanh bằng TSTT, pháp luật về góp vốn kinh doanh bằng TSTT và thực tiễn hoạt động góp vốn kinh doanh bằng TSTT, đánh giá các quy định của pháp luật hiện hành cũng như thực tiễn thực hiện, từ đó đưa ra các kiến nghị đồng bộ cả về mặt lập pháp và tổ chức thực hiện nhằm góp phần thúc đẩy hoạt động góp vốn kinh doanh bằng TSTT thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Góp vốn kinh doanh bằng TSTT là vấn đề thực tiễn đang diễn ra rất sôi động, tuy nhiên, hiện nay chưa có bất kỳ một đề tài nào nghiên cứu về vấn đề này. Do đó, kết quả của luận văn sẽ là nguồn tài liệu tham khảo rất hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp và những ai quan tâm đến vấn đề này.

7. Kết cấu của luận văn

Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của luận văn gồm 3 chương:

Chương 1: Một số vấn đề lý luận về tài sản trí tuệ và góp vốn kinh doanh bằng tài sản trí tuệ.

Chương 2: Thực trạng góp vốn kinh doanh bằng tài sản trí tuệ theo pháp luật Việt Nam hiện nay.

Chương 3: Những giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về góp vốn kinh doanh bằng tài sản trí tuệ ở Việt Nam.

Chương 1‌‌

MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ TÀI SẢN TRÍ TUỆ VÀ GÓP VỐN KINH DOANH BẰNG TÀI SẢN TRÍ TUỆ


1.1. MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ TÀI SẢN TRÍ TUỆ


1.1.1. Khái niệm tài sản trí tuệ

Trước thập niên 90, khái niệm "tài sản" được nhiều người biết đến chỉ bao gồm tiền tệ và vật chất. Trong nền kinh tế hiện đại, nhiều quốc gia nhất là các quốc gia phát triển đang hướng tới một nền kinh tế dựa trên tri thức, khái niệm này dần được thay đổi, "tài sản" không chỉ là tiền, vàng, nhà xưởng, xe cộ... là những TSHH mà nó bao gồm cả TSVH, trong đó có TSTT.

Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng mạnh mẽ như hiện nay, TSTT nổi lên như một khái niệm mới và là một loại tài sản đặc biệt quan trọng đối với sự tăng trưởng kinh tế của một quốc gia, cho dù đó là nước phát triển, đang phát triển hay là nước kém phát triển. Trong cuốn "Sở hữu trí tuệ - một công cụ đắc lực để phát triển kinh tế" của Tiến sỹ Kamil Idris, Tổng giám đốc Tổ chức SHTT thế giới (WIPO): "tài sản trí tuệ là thuật ngữ mô tả những ý tưởng, sáng chế, công nghệ, tác phẩm nghệ thuật, âm nhạc và văn học, những cái vô hình khi mới được tạo ra nhưng trở nên đáng giá dưới dạng sản phẩm hữu hình" [50]. Như vậy, nếu hiểu theo khái niệm này, TSTT chính là các sản phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học, là các giải pháp công nghệ, các ý tưởng kinh doanh, v.v...

Trong phạm vi quốc gia, pháp luật Việt Nam thừa nhận TSTT là một loại tài sản gắn liền với các thành quả sáng tạo của con người. TSTT có thể là sản phẩm sáng tạo khoa học, công nghệ (như các bí quyết kỹ thuật, sáng chế, dữ liệu thử nghiệm, phần mềm máy tính, công trình nghiên cứu...), hoặc sản phẩm sáng tạo văn học, nghệ thuật (như các tác phẩm văn học/ âm nhạc/ hội

họa/ mỹ thuật ứng dụng/ sân khấu/ điện ảnh, các sản phẩm liên quan như các cuộc biểu diễn, trình diễn, các sản phẩm ghi âm/ghi hình...), hoặc sản phẩm sáng tạo kinh doanh, thương mại (như bí mật thương mại, tên thương mại, nhãn hiệu hàng hóa/dịch vụ, tên miền...). Như vậy, một khi TSTT được luật hóa, nghiễm nhiên tài sản đó trở thành những tài sản cụ thể và được pháp luật bảo vệ mặc dù đây là những TSVH. Mặc dù các TSTT là các sản phẩm sáng tạo trí tuệ mang bản chất vô hình nhưng có khả năng lan truyền không có giới hạn và quan trọng hơn có thể do nhiều người cùng chiếm hữu. Hơn thế, TSTT với khả năng vật chất hóa vô tận, thường mang lại những giá trị vô cùng to lớn, do đó rất dễ bị sao chép hoặc bắt chước. Trong khi đó, việc khuyến khích hoạt động sáng tạo, đầu tư phát triển khoa học kỹ thuật, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh là những mục tiêu luôn đồng hành cùng với chính sách phát triển tổng thể của một quốc gia, do đó việc bảo vệ các TSTT đương nhiên là một việc làm cần thiết nếu không muốn nói là đặc biệt quan trọng để đảm bảo các mục tiêu đó. Cùng với quá trình phát triển của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, kinh tế, người ta dần dần cũng cụ thể hóa được một cách tổng thể các TSTT gồm những tài sản gì, đó chính là các tác phẩm văn học, khoa học, nghệ thuật, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh...

Pháp luật Việt Nam hiện nay chưa có bất kỳ một văn bản nào quy định khái niệm TSTT mặc dù thuật ngữ này đã được sử dụng phổ biến trong các văn bản pháp luật cũng như trong đời sống thực tế. BLDS năm 2005 mới đưa ra khái niệm tài sản nói chung bằng cách liệt kê các hình thái biểu hiện của nó là "tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản" [34, Điều 163], trong đó "Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự, kể cả quyền sở hữu trí tuệ" [34, Điều 181]. Luật SHTT năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT năm 2009 chỉ đưa ra khái niệm quyền SHTT "là quyền của các tổ chức cá nhân đối với

TSTT, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng" [39, Điều 4.1], tuy nhiên lại không quy định thế nào là TSTT. Mặc dù khái niệm quyền SHTT được định nghĩa thông qua khái niệm TSTT nhưng khái niệm về TSTT lại được hiểu thông qua các khái niệm về quyền SHTT, trong đó quyền SHTT bao gồm: quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng, theo đó:

- Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu;

- Quyền liên quan đến quyền tác giả (còn gọi là quyền liên quan) là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa;

- Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh;

- Quyền đối với giống cây trồng là quyền của tổ chức, cá nhân đối với giống cây trồng mới do mình chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển hoặc được hưởng quyền sở hữu.

Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 04 không có khái niệm TSTT, nhưng có nêu TSCĐ vô hình là "tài sản không có hình thái vật chất nhưng xác định được giá trị và do doanh nghiệp nắm giữ, sử dụng trong sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ hoặc cho các đối tượng khác thuê phù hợp với tiêu chuẩn ghi nhận TSCĐ vô hình" [3, Mục 06]. Theo đó, các loại TSTT là một bộ phận của TSCĐ vô hình, được ghi nhận theo chuẩn mực kế toán Việt Nam bao gồm:

Bản quyền, bằng sáng chế: Phản ánh giá trị TSCĐ vô hình là các chi phí thực tế chi ra để có bản quyền tác giả, bằng sáng chế.

Nhãn hiệu hàng hóa: Phản ánh giá trị TSCĐ vô hình là các chi phí thực tế liên quan trực tiếp tới việc mua nhãn hiệu hàng hóa.

Phần mềm máy vi tính: Phản ánh giá trị TSCĐ vô hình là toàn bộ các chi phí thực tế doanh nghiệp đã chi ra để có phần mềm máy vi tính.

▪ ...

Theo Thông tư số 203/2009/TT-BTC ngày 20/10/2009 về hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định cũng không giải thích thế nào là TSTT mà nêu ra định nghĩa TSCĐ hữu hình và TSCĐ vô hình, trong đó đã liệt kê TSTT là một bộ phận của TSCĐ vô hình:

Tài sản cố định vô hình là những tài sản không có hình thái vật chất, thể hiện một lượng giá trị đã được đầu tư thỏa mãn các tiêu chuẩn của tài sản cố định vô hình, tham gia vào nhiều chu kỳ kinh doanh, như một số chi phí liên quan trực tiếp tới đất sử dụng; chi phí về quyền phát hành, bằng phát minh, bằng sáng chế, bản quyền tác giả... [7, Khoản 2 Điều 2].

Như vậy, theo nghĩa rộng, chúng ta có thể hiểu: TSTT là một loại đặc biệt của TSVH, đây là tài sản do trí tuệ con người sáng tạo ra thông qua các hoạt động tư duy, sáng tạo trong các lĩnh vực công nghiệp, khoa học, văn học và nghệ thuật, không thể xác định được bằng các đặc điểm vật chất của chính nó nhưng lại có giá trị vì có khả năng sinh ra lợi nhuận và thường được pháp luật bảo vệ khỏi sự sử dụng trái thẩm quyền. Theo nghĩa hẹp có thể hiểu TSTT gồm: các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; các chương trình biểu diễn, các bản ghi âm và các chương trình phát sóng; các sáng chế; các kiểu dáng công nghiệp; các bí mật kinh doanh; các nhãn hiệu; bản quyền, bằng sáng chế, bí quyết thương mại, bí quyết kinh doanh; chỉ dẫn địa lý; tên thương mại; giống cây trồng mới; thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn...

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 12/05/2024