2.3.8. Các tuyến du lịch sinh thái điển hình của Cần Thơ
Một số tuyến du lịch sinh thái tiêu biểu của Cần Thơ
- Tuyến du lịch nội thành:
+ Tuyến du lịch lộ vòng cung
+ Tuyến du lịch nội đô
+ Tuyến du lịch Cần Thơ - Thốt Nốt
+ Tuyến du lịch Cần Thơ - Cờ Đỏ
+ Tuyến du lịch Cần Thơ - Thốt Nốt - Cờ Đỏ
- Tuyến du lịch liên tỉnh:
+ Thành phó Hồ Chí Minh - Vĩnh Long - Cần Thơ - Cà Mau
+ TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ - An Giang - Kiên Giang
+ Đồng Tháp - Cần Thơ - Hậu Giang - Sóc Trăng
- Tuyến du lịch đường sông:
+ Tuyến Thành phố Hồ Chí Minh - Sóc Trăng - Cần Thơ - An Giang, trong tương lai tuyến này có thể được kéo dài tới Phnôm Pênh, Siem Riệp, Pắc Sế, Viên Chăn, Luông Phrabăng...
+ Tuyến Ninh Kiều - Cồn Ấu - Cồn Khương - Cồn Cái Khế
+ Tuyến Cần Thơ - cù lao Tân Lộc
+ Tuyến du lịch sông Bình Thủy
2.3.8.1. Tuyến Ninh Kiều – Cái Răng – Mỹ Khánh
Quý khách ra bến Ninh Kiều để lên tàu đi tham quan Chợ nổi Cái Răng, loại hình chợ đặc trưng chỉ có ở vùng sông nước miền Tây. Từ bến Ninh Kiều đến khu vực Chợ nổi Cái Răng khoảng 30 phút. Chợ nổi có cách chào hàng rất độc đáo: người bán không rao mà treo hàng lên cây bẹo trước cửa tàu, ghe hàng để giới thiệu. Quý khách có thể mua trái cây hay rau quả tươi với giá rẻ hơn ở chợ và chụp hình cảnh họp chợ đông vui cùng những người nông dân miệt vườn nhiệt tình và mến khách.
Rời Chợ nổi, quý khách đến thăm Vườn du lịch Mỹ Khánh, Phong Điền. Khu vườn rộng hơn 7ha, trồng hơn 20 loại cây trái, hoa cảnh và nhiều loại động vật như: chim, khỉ, cá sấu, ba ba…
Du khách đến đây có thể đi dạo trong vườn cây xanh mát, tham gia trò chơi câu cá sấu, thưởng thức các món ăn dân dã miệt vườn, nghe đờn ca tài tử, tham quan nhà cổ Nam bộ, có dịp được thưởng thức niềm vui và cảm giác của “Một ngày làm nông dân”; “Cơm điền chủ”. Quý khách ăn trưa và nghỉ ngơi tại vườn du lịch Mỹ Khánh.
Bảng 2.10: Bảng giá tham khảo tuyến Ninh Kiều – Cái Răng – Mỹ Khánh (2 ngày 1 đêm)
Khách Việt Nam | Khách nước ngoài | |
Từ 10 đến 20 khách | 500.000 đ / khách | 560.000 đ / khách |
Từ 21 đến 30 khách | 480.000 đ / khách | 540.000 đ / khách |
Từ 31 đến 40 khách | 450.000 đ / khách | 510.000 đ / khách |
Từ 41 đến 50 khách | 430.000 đ / khách | 490.000 đ / khách |
Trên 50 khách | 400.000 đ / khách | 460.000 đ / khách |
Có thể bạn quan tâm!
- Doanh Thu Du Lịch Và Đầu Tư Phát Triển Du Lịch
- Hoạt Động Của Chính Quyền Và Cộng Đồng Địa Phương
- Giá Chương Trình Du Lịch “Tham Quan Đất Tây Đô”
- Dự Báo Khách Du Lịch Đến Cần Thơ Thời Kỳ 2015 – 2020
- Giải Pháp Phát Triển Du Lịch Sinh Thái Bền Vững Thành Phố Cần Thơ
- Đầu Tư Và Thu Hút Đầu Tư Du Lịch Sinh Thái
Xem toàn bộ 162 trang tài liệu này.
(Nguồn: www.mykhanh.com)
+ Bao gồm: Ăn theo chương trình, phòng nghỉ, thuyền tham quan, đờn ca tài tử, hướng dẫn viên, bảo hiểm và có VAT.
+ Không bao gồm: Các chi phí dịch vụ phát sinh ngoài chương trình.
2.3.8.2. Tuyến Cần Thơ – vườn cò Bằng Lăng – cù lao Tân Lộc
Từ Cần Thơ du khách đi bằng ô tô đến vườn cò Bằng Lăng (phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ), một trong những sân chim lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long. Trên đường từ Cần Thơ về thành phố Long Xuyên (An Giang), qua khỏi trung tâm quận Thốt Nốt chừng 5km là đến vườn cò Bằng Lăng. Đi dọc theo bờ sông nhỏ, dưới những hàng cây rợp bóng trước một vùng nước trắng mênh mông như biển, đó là ruộng lúa đã gặt xong vào mùa nước nổi. Du khách đến thăm vườn cò sẽ được thấy hàng trăm, hàng ngàn hàng vạn con cò (cò trắng, cò xám, cò đen, cồng cộc) chao cánh và sà xuống những cành trúc la đà, đong đưa theo gió, rối rít
gọi đàn... Trong vườn còn có một cái tum dựng chìa ra bờ ruộng, làm bằng tre, cao chừng 3m, thoạt trông như một khán đài mà từ đó du khách có thể dõi nhìn khắp vườn cò, tìm hiểu cảnh sinh hoạt của đàn cò đông đúc giữa vùng đồng quê thanh bình của đồng bằng sông Cửu Long.
Sau khi tham quan vườn cò Bằng Lăng, một địa điểm mà du khách không thể bỏ qua là cù lao Tân Lộc, một cù lao vắt ngang sông Hậu với tổng chiều dài trên 20km, một địa điểm du lịch sinh thái hết sức lý tưởng cho du khách gần xa. Khi đến Thốt Nốt, chỉ cần mất khoảng 10 phút ngồi phà là chúng ta đã đến vùng cù lao xanh ấy. Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt du khách là một thảm xanh dày đặc bao gồm nhiều chủng loại cây thẳng tắp hai bên đường. Gió từ sông Hậu thổi lên mát rượi. Càng đi sâu, du khách càng cảm thấy thoải mái bởi không khí trong lành, không gian yên tĩnh và những hàng cây dày đặc hai bên đường, rất thích hợp cho việc tổ chức những chuyến nghỉ cuối tuần sau những ngày làm việc căng thẳng. Nếu đến đây vào ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch, bạn sẽ được chứng kiến không khí nhộn nhịp khó tả. Đây cũng là dịp để du khách từ các nơi đổ về nghỉ dưỡng, ngắm một rừng trái cây đang mùa sai quả. Những du khách lần đầu tiên đến đây cứ ngỡ cư dân vùng này cúng mùng 5 tháng 5 mà không biết rằng mùa trái cây nở rộ luôn thu hút được nhiều người đến tham quan, nghỉ dưỡng và vui chơi như thế. Còn nếu đi vào những ngày thường, có hai điểm nên đến tham quann là vườn du lịch sinh thái Sơn Ca và nhà cổ của ông Trần Bá Thế.
2.3.8.3. Tuyến nội đô (chùa Ông, chùa Munir Ansay, chùa Nam Nhã, nhà cổ Bình Thủy)
Từ trung tâm thành phố Cần Thơ du khách ghé tham quan chùa Ông (còn gọi là Quảng Triệu – Hội Quán). Ngôi chùa của người Hoa được xây dựng vào năm Quang Tự thứ 20 (1894) và tồn tại cho đến ngày nay với kiến trúc hầu như còn nguyên vẹn từ hình dáng bên ngoài đến trạm trổ nội điện. Chùa có vị trí đẹp gần bến Ninh Kiều, mặt tiền hướng ra sông Cần Thơ.
Tiếp theo, quý khách sẽ đến tham quan Chùa Munir Ansay của người Khmer theo Phật giáo Nam Tông, tọa lạc tại số 36 Đại lộ Hòa Bình. Đây là ngôi chùa
Khmer hiếm hoi trong lòng phố thị Cần Thơ. Với kiến trúc tiêu biểu của chùa Khmer: cổng chùa phù điêu, chánh điện cao vút,... Munir Ansay là điểm dừng chân đầy thú vị của du khách đến Cần Thơ.
Tiếp tục hành trình, quý khách đến thăm Chùa Nam Nhã, còn gọi là Nam Nhã Đường, ngôi chùa tọa lạc ở số 612 đường Cách mạng Tháng Tám, phường An Thới,
Q. Bình Thủy, thành phố Cần Thơ, cũng là một địa điểm tham quan khó bỏ qua khi đến Cần Thơ. Phía trước chùa là dòng sông Bình Thủy in hình những bóng cây đại thụ, đối diện là đình Long Tuyền uy nghi đồ sộ. Chùa được dựng vào thế kỷ XIX và trùng tu vào năm 1917. Chùa theo tông phái Minh Sư nên còn được gọi là chùa Minh Sư.
Điểm dừng chân cuối cùng là Nhà cổ Bình Thuỷ, còn có tên gọi là Vườn Lan. Nhà có kiến trúc bên ngoài xây theo lối kiến trúc Pháp với nền nhà được nâng cao so với mặt sân hơn 1m, mặt tiền trang trí phù điêu đắp nổi, cầu thang kiểu Gotique với 4 bậc thang hình cánh cung tao nhã kết nối với khoảng sân rộng. Toàn bộ hệ thống vì kèo, bao lam, 4 hàng cột (gồm 24 chiếc) với đường kính mỗi cột khoảng 30cm và cao từ 4m đến 6m… đều được làm từ gỗ lim đen bóng, đặc biệt hơn hệ thống này được kết nối với nhau không phải bằng đinh mà bằng mộng ngàm. Sau đó quý khách quay trở lại trung tâm thành phố Cần Thơ, kết thúc chuyến tham quan.
2.3.9. Đánh giá thực trạng phát triển du lịch sinh thái Cần Thơ
Nhìn chung, các khu du lịch sinh thái ở Cần Thơ mang đặc trưng riêng của vùng miệt vườn sông nước với những sản phẩm, dịch vụ kèm theo ngày càng tăng cả về số lượng lẫn chất lượng. Do đó, đã và đang thu hút được nhiều khách trong thành phố, khách các tỉnh trong cả nước kể cả khách khách quốc tế đến tham quan. Đặc biệt, năm du lịch quốc gia năm 2008, thành phố Cần Thơ đăng cai tổ chức với chủ đề “Miệt vườn sông nước Cửu Long” vào tháng 2 năm 2008, đây là cơ hội để quảng bá hình ảnh du lịch Cần Thơ đến với khách du lịch trong cả nước và khách du lịch quốc tế. Để chuẩn bị cho sự kiện này, các khu du lịch sinh thái ở Cần Thơ đã
có những chương trình chuẩn bị độc đáo như thi thả diều diễn ra ở khu du lịch sinh thái Phù Sa, lễ hội trái cây ở khu du lịch Mỹ Khánh,….
Bên cạnh đó, cũng phải nhìn nhận lại rằng, tuy là khu du lịch sinh thái nhưng chưa có chuẩn nào về một khu du lịch sinh thái được qui định rõ ràng ở Cần Thơ mà đa phần các khu du lịch sinh thái chỉ mang tính tự phát, nên một số khu du lịch chỉ trồng vài loại cây trái, đào một vài hồ cá, xây vài chòi lá cũng gọi là khu du lịch sinh thái (như khu du lịch sinh thái Kim Phú Đô, khu du lịch sinh thái Thiện Phước,….), mà thực chất đây chỉ là một “loại nhà hàng theo kiểu mới” nhằm đáp ứng một bộ phận khách cuối tuần có nhu cầu ăn uống, nghỉ ngơi trong một không gian yên tĩnh của vườn cây, hoa trái. Thực chất, đa phần các khu du lịch sinh thái ở Cần Thơ chưa có sự liên kết giữa bảo tồn thiên nhiên và phát triển du lịch bền vững theo đúng với tên gọi “du lịch sinh thái”. Nhìn chung, ở các khu du lịch sinh thái Cần Thơ vẫn còn tồn tại những hạn chế :
- Cơ sở hạ tầng còn yếu kém, nhất là những tuyến đường vào các khu du lịch sinh thái rất khó đi lại do đường làng nhỏ hẹp hoặc đang sửa chữa, nhiều đoạn “ổ gà” nên không thuận lợi cho xe số lượng khách đông đến tham quan….
- Cơ sở vật chất kỹ thuật chưa được đầu tư phát triển đúng mức, hệ thống điện nước, trang thiết bị phục vụ khu du lịch, nhà vệ sinh,… còn sơ sài và tạm bợ, gây phản cảm cho du khách.
- Ngoài ra, còn nhiều dự án đang “bỏ ngõ”, tiến hành chậm, chưa được các cấp, ban ngành đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Ví dụ, dự án xây dựng nhà hàng, khu vui chơi, nơi quan sát chim…ở vườn cò Bằng Lăng của Sở du lịch thành phố Cần Thơ, trường đại học Cần Thơ vẫn chưa được tiến hành đang chờ được thực thi.
- Về giá cả vào cửa ở các khu du lịch sinh thái của thành phố Cần Thơ còn chênh lệch nhau khá nhiều như giá vào vườn cò Bằng Lăng là 2.000 đồng/người đối với khách nội địa, còn khách quốc tế là 4.000 đồng/người. Và với vườn du lịch Mỹ Khánh giá vé là 15.000 đồng/người (đối với cả khách nội địa và khách quốc tế). Còn đối với khu du lịch sinh thái Phù Sa, giá khá chênh lệch so với hai khu du lịch vừa kể, đối với trẻ em là 10.000 đồng /vé và người lớn là 20.000 đồng/vé. Đồng
thời giá vé có sự phân biệt giữa khách quốc tế và khách nội địa, tạo ấn tượng không tốt cho du khách.
- Về sản phẩm du lịch còn có sự trùng lặp, bắt chước lẫn nhau làm, ví dụ loại hình câu cá sấu đều có ở vườn du lịch sinh thái Mỹ Khánh, Thủy Tiên, Phù Sa.
- Về vấn đề môi trường: chưa có hệ thống xử lý rác thải tốt ở những nơi hoạt động du lịch như vấn đề rác thải ở các khu chợ nổi (Cái Răng, Phong Điền) hiện nay đang là vấn đề.
- Một số khu du lịch sinh thái không xác định rõ ràng đối tượng khách trước khi đầu tư kinh doanh du lịch nên dẫn đến tình trạng sản phẩm không đặc trưng, lãng phí đầu tư, gây lỗ vốn về sau. Các nhà doanh nghiệp có đầu tư vào các khu du lịch sinh thái nhưng chưa thật có tầm nhìn chiến lược, mà chỉ muốn thu hồi vốn nhanh, nên chỉ hoạt động mạnh vào thời gian một hai năm đầu, rồi sau đó kinh doanh “cầm chừng”, tiếp đến là lỗ vốn đóng cửa, điển hình là khu du lịch sinh thái Ba Láng, đã làm ăn thua lỗ và hiện nay khu du lịch đã xuống cấp và “sơ xác”.
- Việc quảng bá hình ảnh du lịch chưa thật sự được chú ý đầu tư, chưa thật sự chuyên nghiệp, chỉ diễn ra trong một thời điểm nhất định, không kéo dài (tuy trên Internet có thông tin nhưng chưa đầy đủ và thiếu chính xác). Vì vậy, thông tin du lịch về sản phẩm mới, các dịch vụ, chương trình khuyến mãi,… ở các khu du lịch sinh thái khách du lịch còn nhiều thắc mắc, thiếu thông tin khi cần thiết.
- Về hướng dẫn viên tại khu du lịch có trình độ hiểu biết thật sự còn rất thiếu, nên chưa truyền tải hết giá trị của khu, điểm du lịch sinh thái.
- Ý thức người dân địa phương về cách ứng xử, giao tiếp với khách du lịch còn chưa tốt: ví dụ vấn đề giao thông bằng đò vào vườn cò Bằng Lăng, người dân tự qui định giá, tạo ấn tượng không tốt đối với khách tham quan nên khách khó quay lại lần hai.
Chương 3: ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN DU LỊCH SINH THÁI BỀN VỮNG THÀNH PHỐ CẦN THƠ
3.1. Định hướng phát triển du lịch sinh thái Cần Thơ
3.1.1. Định hướng chung về du lịch Cần Thơ
3.1.1.1. Phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết 21-NQ/TW
Thành phố Cần Thơ bước vào thời kỳ phát triển mới trong bối cảnh có nhiều thuận lợi và cơ hội lớn, nhưng cũng có nhiều thách thức gay gắt, nhất là trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.
Đảng bộ và nhân dân thành phố cần tiếp tục quán triệt và vận dụng tốt Nghị quyết Đại hội IX của Đảng, Nghị quyết 21-NQ/TW, ngày 20-01-2003 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2001 - 2010 vào điều kiện cụ thể của mình. Trên cơ sở đó, phấn đấu xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trở thành thành phố đồng bằng cấp quốc gia văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, xứng đáng là thành phố cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mê Kông, là trung tâm công nghiệp, trung tâm thương mại - dịch vụ, du lịch, trung tâm giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ, trung tâm y tế và văn hoá, là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế, là địa bàn trọng điểm giữ vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh của vùng đồng bằng sông Cửu Long và của cả nước.
Các dự án cần ưu tiên đầu tư trước là cảng Cái Cui, sân bay Trà Nóc, đoạn đường nối quốc lộ 1A với quốc lộ 80, đường Cần Thơ - Xà No - Vị Thanh, bờ kè sông Hậu và sông Cần Thơ, các trung tâm văn hóa Tây Đô, trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia, bệnh viện Đa khoa, trường đại học Y dược, cồn Cái Khế, cù lao Tân Lộc, cầu đường qua cồn Khương, đường Mậu Thân - sân bay Trà Nóc, đường Bốn Tổng - Một Ngàn, khu trung tâm thành phố, khu đô thị mới Nam sông Cần
Thơ, khu đô thị công nghiệp nặng, khu đô thị công nghệ cao, khu sinh thái Phong Điền, khu công nghiệp, dịch vụ Thốt Nốt.
Cần Thơ phải phấn đấu là một trong những địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá để trở thành đô thị trung tâm và cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020, là một cực phát triển, đóng vai trò động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của toàn vùng.
3.1.1.2. Định hướng chung về du lịch Cần Thơ đến năm 2020
Cần Thơ là thành phố trực thuộc Trung ương, là trung tâm của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, có tiềm năng du lịch tương đối đa dạng và phong phú để phát triển du lịch. Ngành kinh tế du lịch Cần Thơ có điều kiện phát triển và đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu ngoại tệ và tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Phát triển ngành du lịch Cần Thơ trong thời gian trước mắt cũng như lâu dài phải dựa trên những định hướng phát triển chính sau:
- Phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế của một thành phố trung tâm khu vực, thu hút mạnh mẽ các nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố xứng đáng là trung tâm du lịch của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đến năm 2020, ngành du lịch Cần thơ phải phát triển ngang tầm với yêu cầu của một thành phố đồng bằng cấp quốc gia, văn minh, hiện đại. Khu nội thị xây dựng hoàn chỉnh các khu du lịch sinh thái, khu vui chơi giải trí tổng hợp, trung tâm văn hóa Tây Đô, trung tâm hội nghị quốc tế và nhiều khách sạn cao cấp hiện đại. Mở rộng không gian du lịch ngoại thành với nhiều nhà hàng – khách sạn mới và hệ thống du lịch vườn, du lịch nông thôn phục vụ ăn uống tại chỗ. Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, các loại hình ẩm thực, tham quan mua sắm, giải trí cuối tuần... đáp ứng đầy đủ nhu cầu của du khách gần xa. Mở nhiều tuyến điểm du lịch mới, các tour du lịch liên vùng và du lịch quốc tế. Đào tạo đội ngũ nhân viên du lịch chuyên nghiệp, phong cách phục vụ văn minh, lịch sự. Phấn đấu để thành phố Cần Thơ thực sự là “Điểm đến du lịch lý tưởng – an toàn – thân thiện", nơi hội tụ của “Văn minh sông nước Mê kông”.