Viforest Và Hoạt Động Xuất Khẩu Gỗ Và Sản Phẩm Gỗ

Hộp 3.5 Vai trò của VASEP trong giải quyết các vụ việc PVTM


“VASEP là một trong số ít các Hiệp hội ngành hàng có kinh nghiệm và kiến thức sâu về lĩnh vực PVTM, do đã có cơ hội tích lũy thông qua việc xử lý vụ kiện điều tra chống bán phá giá cá tra - basa từ 2003 và tôm từ năm 2004. Đây là hai trong số các vụ việc được điều tra sớm nhất của nước ngoài với hàng xuất khẩu của Việt Nam và cũng là hai vụ việc “dài hơi” với nhiều diễn biến phức tạp và liên quan đến các vấn đề kỹ thuật, đòi hỏi kiến thức sâu về chống bán phá giá và các tranh chấp quốc tế. Trong các vụ việc đó, VASEP đã điều phối, kêu gọi được sự đoàn kết, nỗ lực của tất cả các doanh nghiệp để phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng chiến lược kháng kiện chung, xuyên suốt, đảm bảo tốt nhất lợi ích của cả ngành”.

Tính đến nay, trong số 05 vụ việc Việt Nam chủ động khởi kiện ra WTO thì có tới 04 vụ việc liên quan tới ngành thủy sản. Trong quá trình tranh tụng tại WTO, VASEP rất tích cực trong việc phối hợp với Cục PVTM (cơ quan đầu mối xử lý tranh chấp tại WTO) để hỗ trợ cung cấp thông tin, số liệu, xây dựng lập luận, góp phần không nhỏ vào kết quả tích cực trong các vụ việc..., dẫn tới việc Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh áp thuế cho doanh nghiệp xuất khẩu tôm của ta”.[10]

Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục PVTM, Bộ Công thương

(Nguồn: VASEP, 2020)

3.4.2.2. VIFOREST và hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ

a) Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ:

Hiện nay, cả nước có khoảng 3.500 doanh nghiệp chế biến gỗ, 340 làng nghề gỗ, thu hút khoảng 250.000 – 300.000 lao động. Theo đánh giá của Trung tâm nghiên cứu Công nghiệp Italia (CSIL) Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới về sản xuất và xuất khẩu đồ gỗ. Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, ngành chế biến gỗ Việt Nam tiếp tục đón nhận những cơ hội từ việc dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu để trở thành điểm của nhiều doanh nghiệp FDI và trở thành nhà cung cấp lớn trên thị trường đồ gỗ toàn cầu.

Gỗ và sản phẩm gỗ đã trở thành ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (đứng thứ 6 sau điện tử, dệt may, giày dép, dầu thô và thủy sản). Việt Nam

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 171 trang tài liệu này.

đã trở thành nước xuất khẩu đồ gỗ đứng đầu Đông Nam Á. Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ (G&SPG) của Việt Nam trong năm 2020 đạt 12,37 tỷ USD, tăng 16,2% so với năm 2019.



Hình 3.8 Kim ngạch xuất khẩu G&SPG năm 2019 -2020

Về thị trường xuất khẩu: Hoa Kỳ là thị trường chủ lực đóng góp lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu G&SPG trong năm 2020 của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu G&SPG sang thị trường này đạt 7,17 tỷ USD, tăng 33,8% so với năm 2019, chiếm 57,9% tổng kim ngạch xuất khẩu G&SPG của toàn ngành. Thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 là thị trường Nhật Bản, chiếm 10,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Trong năm 2021, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu G&SPG của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ấn tượng, kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đạt 9,58 tỷ USD, tăng 55% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó sản phẩm gỗ đạt 7,44 tỷ USD, tăng 64% so với cùng kỳ năm trước.

b) Hoạt động của VIFOREST:

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) được thành lập ngày 08/05/2000, là tổ chức tự nguyện của các doanh nghiệp trong lĩnh vực trồng rừng, khai thác, chế biến, tiêu thụ, kinh doanh và xuất nhập khẩu Gỗ – Lâm sản.

Mặc dù đã đạt được những thành tựu lớn, nhưng ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản đang đối mặt với nhiều thách thức như: Thiếu nguồn nguyên liệu có chất lượng; việc thực hiện Chứng chỉ quản lý rừng bền vững còn hạn chế; mối liên kết theo chuỗi từ khâu trồng rừng, chế biến, xuất khẩu chưa chặt chẽ; chưa chú trọng đầu tư phát triển thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu quốc gia về sản phẩm gỗ. Bên cạnh đó, môi trường thương mại quốc tế cũng có

nhiều tác động như cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung hay những thay đổi, điều chỉnh chính sách thường xuyên của các nước xuất khẩu nguyên liệu và nhập khẩu đồ gỗ của Việt Nam cũng ảnh hưởng đến ngành chế biến gỗ và lâm sản.

Theo Báo cáo nghiên cứu “Một số rủi ro chính sách của ngành chế biến gỗ trong bối cảnh hội nhập” do VCCI thực hiện (2016), mức độ hiểu biết về 04 quy định pháp lý cơ bản đối với đồ gỗ nhập khẩu của các thị trường Hoa kỳ (Lacey Act), EU (Quy định EUTR&FLECT VPA), Úc (Luật cấm khai thác gỗ trái phép) thì có tới 40% số doanh nghiệp không nắm được cả 04 quy định trên.


Hình 3 9 Hiểu biết của DN về quy định pháp luật đối với nguồn gốc gỗ 1

Hình 3.9 Hiểu biết của DN về quy định pháp luật đối với nguồn gốc gỗ

(Nguồn: VCCI, 2016)

Trước tình hình đó, VIFOREST đã tích cực, chủ động trong thực hiện chức năng “vận động chính sách” góp phần hoàn thiện chính sách, khuôn khổ pháp luật về ngành hàng như:

- VIETFOREST đã tích cực đóng góp vào quá trình xây dựng Luật lâm nghiệp 2017 (có hiệu lực từ 01/01/2019); Quyết định 824/2019/QĐ-TTg ngày 04/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ” nhằm siết chặt quy định về sử dụng nguyên liệu gỗ có nguồn gốc hợp pháp, siết chặt việc cấp giấy Chứng nhận xuất xứ (Certificate of Origin); Nghị định 102/2020-NĐ-CP ngày 1/9/2020 quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp nhập khẩu vào Việt Nam. Đây là những văn bản QPPL quan trọng, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động sản xuất, chế biến, xuất khẩu G&SPG của Việt Nam;

- VIFOREST đã tham gia tư vấn về việc ký kết Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) ngày 19/10/2018 (có hiệu lực từ 01/6/2019), tích cực tuyên truyền, vận động doanh nghiệp thành viên thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của hiệp định. Đại diện VIFOREST là thành phần tham gia các phiên đánh giá định kỳ về thực thi Hiệp định. Thực thi Hiệp định là tiền đề pháp lý quan trọng để đẩy mạn xuất khẩu G&SPG của Việt Nam vào thị trường EU, đồng thời tạo cơ hội để ngành gỗ Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Để thực thi các quy định trong các văn bản trên, ngày 01/9/2020, VIFOREST và Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) đã ký Quy chế phối hợp trong lĩnh vực chế biến, thương mại lâm sản; quản lý rừng bền vững và chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Theo đó, VIFOREST sẽ tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp thành viên thực hiện và phối hợp với các chức năng giám sát việc thực hiện các văn bản trên.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là quá trình triển khai các FTAs luôn tiềm ẩn rủi ro về việc các quốc gia nhập khẩu thực hiện các biện pháp PVTM đối với G&SPG của Việt Nam. Thời gian qua đã có nhiều quốc gia như Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc đã thực hiện điều tra và áp dụng thuế CBPG đối với sản phẩm gỗ Việt Nam, nhiều nhất là đối với mặt hàng gỗ dán. Dự báo trong thời gian tới ngành gỗ Việt có thể phải đối mặt với thêm nhiều vụ kiện CBPG, trong đó cần lưu ý tới quan điểm của Liên minh Thương mại công bằng gỗ dán cứng Mỹ (The American Coalition for Fair Trade of Hardwood Plywood ) cho rằng Việt Nam chưa có những biện pháp hiệu quả ngăn chặn gian lận xuất xứ đối với các sản phẩm gỗ Trung Quốc lợi dụng để tránh thuế CBPG do Hoa Kỳ áp đặt trong bối cảnh tranh chấp thương mại Mỹ Trung.[18]

Tháng 10 năm 2020, Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) đã thông báo khởi xướng điều tra về tình hình nhập khẩu và sử dụng gỗ nguyên liệu được khai thác và buôn bán bất hợp pháp tại Việt Nam. Vụ việc điều tra của Hoa Kỳ chưa có kết luận cuối cùng. Gần đây nhất theo thông báo của Cục PVTM, từ tháng 1-5/2021, mặt hàng gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng, tủ gỗ, ghế sofa có không gỗ xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đang đối diện có nguy cơ kiện CBPG, chống trợ cấp.

Trong bối cảnh đó VIFOREST thường xuyên trao đổi thông tin, chủ động đề xuất phương án để tư vấn với các cơ quan QLNN, doanh nghiệp và các bên liên quan có phương án ứng phó phù hợp. Trong trường hợp xuất hiện các vụ kiện CBPG hay các biện pháp PVTM khác, VIFOREST tích cực tham gia, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, đồng hành cùng các doanh nghiệp, cung cấp thông tin, hỗ trợ các hoạt động điều tra, đề xuất các giải pháp khả thi cho từng vụ việc, hạn chế thấp nhất những hệ quả tiêu cực ảnh hưởng tới lợi ích của doanh nghiệp, của ngành hàng và quốc gia.

3.4.2.3. VFA và hoạt động xuất khẩu gạo

a) Xuất khẩu gạo:

Trồng lúa nước là ngành nông nghiệp truyền thống gắn với lịch sử hình thành và phát triển quốc gia Việt Nam (văn minh lúa nước). Ngày nay, khi đất nước đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ngành lúa gạo vẫn giữ vai trò hết sức quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.

Quá trình từ nền kinh tế Kế hoạch hóa tập trung chuyển sang cơ chế thị trường, có thể nói chính kết quả “khoán nông nghiệp” là cơ sở thực tiễn quan trọng, là khởi điểm cho chính sách “Đổi mới” của Đảng cộng sản Việt Nam. Cũng kể từ khi thực hiện chính sách đổi mới, ngành nông nghiệp đã lập kỳ tích khi nhanh chóng đưa Việt Nam từ quốc gia “thiếu đói”, hàng năm phải nhập khẩu hơn 1 triệu tấn lương thực (1981-1985), trở thành nước xuất khẩu lương thực (xuất khẩu 1,5 triệu tấn gạo, 1990). Theo Bộ NN&PTNT, hiện nay Việt Nam đã khẳng định khả năng đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và luôn nằm trong top 3 các nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Trung bình mỗi năm, Việt Nam sản xuất khoảng 26 - 28 triệu tấn gạo, sau khi dành cho nhu cầu trong nước, khối lượng gạo xuất khẩu khoảng 6 - 6,5 triệu tấn gạo/năm, trong đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa chính chiếm đến hơn 50% sản lượng và hơn 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Xuất khẩu gạo của Việt Nam chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới, sản phẩm gạo Việt đã có mặt trên thị trường của hơn 150 nước. Thị trường xuất khẩu gạo chủ yếu của Việt Nam là châu Á, trong đó, Trung Quốc và Philippines là hai thị trường lớn nhất.

Năm 2020, tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt 6,25 triệu tấn với kim ngạch xuất khẩu đạt 3,12 tỷ USD, giảm 1,9% về lượng nhưng tăng 11,2%

về trị giá so với năm 2019. Châu Á vẫn là khu vực nhập khẩu nhiều nhất, đạt khoảng 3,68 triệu tấn, chiếm 66,16% tổng lượng xuất khẩu.



Hình 3.10 Một số thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2020

(Nguồn: Tổng cục hải quan, 2021)

Một số thị trường xuất khẩu chính là: (i) Philippines: 2,17 triệu tấn, chiếm 35,54%; (ii) Trung Quốc: 810,1 nghìn tấn, chiếm 13,25%; (iii) Malaysia: 681,8 nghìn tấn, chiếm 11,15%; (iv) Indonesia: 92,5 nghìn tấn, chiếm 1,51%. Châu Phi là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ 2 của Việt Nam, đạt khoảng 1,13 triệu tấn, chiếm 18,54%. Tiếp theo là châu Mỹ: 392,7 nghìn tấn, chiếm 6,42%, châu Đại Dương: 260,8 nghìn tấn, chiếm 4,27%, Trung Đông: 189,5 nghìn tấn, chiếm 3,1%, châu Âu: 87,2 nghìn tấn, chiếm 1,43%.

b) Vai trò của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA):

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) được thành lập ngày 13/11/1989, là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh lương thực, nông sản và các sản phẩm chế biến từ lương thực.

Điều lệ của VFA xác định một số chức năng, nhiệm vụ chủ yếu như sau:

(1) Thực hiện chức năng vận động chính sách, kiến nghị với các cơ quan nhà nước về chiến lược phát triển ngành lương thực Việt Nam; góp ý xây dựng, sửa đổi chính sách, pháp luật, liên quan đến ngành lương thực Việt Nam;

(2) Tăng cường hợp tác, liên kết nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; bảo vệ lợi ích của các hội viên, lợi ích của nông dân và lợi ích của quốc gia trong hoạt động thương mại lương thực trên thị trường nội địa và quốc tế;

(3) Thực hiện các nhiệm vụ, trách nhiệm trong hoạt động phối hợp, điều phối kinh doanh lương thực theo quy định của pháp luật;

(4) Tổ chức thu thập và cung cấp thông tin kinh tế thương mại, khoa học - kỹ thuật phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh;

(5) Tổ chức hoạt động XTTM, hỗ trợ các doanh nghiệp hội tìm kiếm cơ hội thị trường, quan hệ khách hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh;

(6) Thúc đẩy hợp tác quốc tế, nghiên cứu đề xuất các dự án đầu tư phát triển sản xuất, chế biến và kinh doanh lương thực xúc tiến mở rộng đầu tư phục vụ ngành lương thực.

Giai đoạn 1990 - 2000, là thời kỳ Việt Nam mới bắt đầu tham gia thị trường xuất khẩu gạo, các Tổng công ty lương thực giữ vai trò chính trong hoạt động thu mua, tạm trữ, xuất khẩu gạo theo cơ chế Hợp đồng tập trung (ký giữa Chính phủ Việt Nam với chính phủ quốc gia nhập khẩu gạo), đó cũng là thời gian hoạt động ban đầu của VFA sau khi được thành lập. Các hoạt động của VFA đã đóng góp quan trọng trong XTTM xuất khẩu gạo, xây dựng và quảng bá hình ảnh, thương hiệu “Gạo Việt Nam” trên thị trường thế giới.

Tuy nhiên với sự chi phối của các thành viên là những doanh nghiệp xuất khẩu lớn trong hiệp hội, hoạt động của VFA đã xa rời nguyên tắc của một tổ chức xã hội- nghề nghiệp (NGO). Thông qua hoạt động “tư vấn” xây dựng chính sách, đặt ra những điều kiện xác định “thương nhân xuất khẩu gạo” như quy mô vốn, cơ sở chế biến, kho lưu trữ, kinh nghiệm xuất khẩu…; VFA đã trở thành tổ chức có nhiều “đặc quyền” trong quản lý, điều hành hoạt động xuất khẩu gạo, như có quyền cấp hạn ngạch (quota) xuất khẩu, định giá sàn, giá trần trong thu mua lúa nguyên liệu và giá xuất khẩu gạo… Những quy định đó đã tạo rào cản, hạn chế doanh nghiệp mới tham gia thị trường xuất khẩu gạo, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vi phạm nguyên tắc đảm bảo tự do cạnh tranh trong hoạt động của hiệp hội. Vấn đề “đặc quyền” và hoạt động của VFA đã trở thành chủ đề thảo luận tại Quốc hội21 (tháng 5/2010), trong đó những nội dung ghi trong


21 https://vneconomy.vn/xem-lai-quyen-han-cua-hiep-hoi-luong-thuc-viet-nam.htm [truy cập 15/10/2019]

Điều lệ của VFA cũng được đưa ra phân tích (Thực hiện các nhiệm vụ, trách nhiệm trong hoạt động phối hợp, điều phối kinh doanh lương thực theo quy định của pháp luật). Thậm chí, những quyền hạn hành chính và cách thức điều hành hoạt động xuất khẩu gạo của VFA thời điểm đó đã thu hút sự quan tâm của quốc tế. Trong Báo cáo rà soát Nông nghiệp và Lương thực thường niên của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) [OECD (2015), Chính sách nông nghiệp của Việt Nam 2015, Nhà xuất bản PECD, Paris].

Ngày 30/3/2018, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã tổ chức hội thảo, công bố Báo cáo nghiên cứu “Đánh giá vai trò của Hiệp hội Lương thực Việt Nam đối với ngành lúa gạo và đề xuất các biện pháp cải tổ Hiệp hội”22. Báo cáo do TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng cùng Nhóm nghiên cứu của VEPR thực hiện, đã đánh giá toàn diện hoạt động của VFA, đưa ra những kiến nghị sửa đổi chính sách (Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo), hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về hiệp hội, xóa bỏ “đặc quyền” của VFA; và đưa ra khuyến nghị VFA cần tiến hành cải tổ toàn diện…

Trước những vụ việc trên, ngày 06/3/2018, VFA đã tiến hành Đại hội nhiệm kỳ 8 (2018-2023), bầu ra Ban chấp hành mới của hiệp hội với 27 thành viên, ông Nguyễn Ngọc Nam được bầu là Chủ tịch hiệp hội. Tại đại hội, tân Chủ tich VFA đã khẳng định “VFA sẽ tiếp tục tăng cường phát triển hội viên để phối hợp hành động; chống ép giá, bán phá giá; hạn chế cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh và uy tính của ngành gạo Việt Nam”. Hiện nay, VFA vẫn đang nỗ lực tự đổi mới tổ chức, hoạt động của hiệp hội, trong đó có lĩnh vực xuất khẩu gạo.

3.5. Đánh giá chung về thực trạng vai trò, hoạt động của HHNH đối với xuất khẩu nông sản

3.5.1. Một số kết quả đạt được

(1) Hơn 20 năm kể từ khi HHNH đầu tiên là Hiệp hội chè Việt Nam được thành lập (1998), đến nay đã có hơn 30 HHNH cấp quốc gia đang hoạt động trên cả nước. Các HHNH có mặt ở hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế, ở nhiều ngành sản xuất, HHNH đã được thành lập theo phân ngành gắn với sản phẩm có giá trị sản lượng lớn hoặc là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của quốc gia. Sự ra đời


22 http://vepr.org.vn/533/ebook/danh-gia-vai-tro-cua-hiep-hoi-luong-thuc-viet-nam-vfa-doi-voi-nganh-lua-gao- va-de-xuat-cac-bien-phap-cai-to-hiep-hoi/27210.html [truy cập 15/10/2019]

Xem tất cả 171 trang.

Ngày đăng: 08/07/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí