Di tích bãi cọc Cao Quỳ xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng - 9

chế tác. Mặt cắt biên cọc (phần mủn hoá từ cọc) có dạng gần hình phễu, miệng rộng 18cm, đáy tù, phần giáp cọc có nhiều mùn cây, ẩm ướt (Bản vẽ 58; Ảnh 96).

Địa tầng điểm cắt làm lộ cọc từ độ sâu -116 đến - 217 so với mốc 0’có 3 lớp, gồm:

- L1: Là lớp đất màu trắng xám (HUE 10YR 4/6 strong brown), mịn, kết cấu rắn chắc, lẫn nhiều laterite màu nâu đỏ; lớp này tương đương L1 trên vách hố, độ dày còn lại 35cm.

- L2: Dày từ 58 - 77cm, là lớp đất sét pha bùn màu nâu xám (HUE 10R 4/1 gray), thuần, mịn, lẫn một số vệt cát mỏng nằm ngang, lớp này ẩm và mềm hơn lớp trên; đây là lớp chứa chân cọc và tương đương với L2 trên vách hố.

- L3: Vẫn còn ăn sâu xuống phía dưới, độ dày xuất lộ từ 5 - 10cm. Là loại bùn màu xám xanh (HUE GLEY2 2.5/5PB bulish black), thuần, ẩm ướt; lớp này tương đương với L3 trên vách hố.

* Cọc gỗ 20.CQ.H5.C1


Xuất lộ tại lớp đào Lm của hố H5, sâu -101cm so với mốc 0’. Cách vách Bắc 85cm, cách vách Tây 8,1m, cách C2 2,6m về phía Nam. Khi mới xuất lộ, đầu cọc có dạng gần tròn, màu nâu đen, đường kính đầu cọc khoảng 6cm, bị gãy và tiêu tâm nặng chia đầu cọc thành 2 phần không đều nhau. Không thấy xuất hiện biên cọc khi xuất lộ.

Cắt làm lộ mặt phía Đông có thể thấy cọc được cắm theo phương thẳng đứng, dài còn lại 123cm, đường kính thân 15cm, nửa phía trên cọc chỉ còn lại lòi gỗ, màu nâu, có nhiều vết nứt nhỏ và vẫn còn dấu vết của cành cây. Nửa phía dưới cọc màu đen sẫm, vẫn còn lưu lại lớp gỗ giác dày khoảng 4cm, lớp gỗ này đã bị mủn nặng, mềm và rất dễ bóp vụn. Chân cọc được đẽo nhọn, độ dài đoạn đẽo khoảng 20cm, vết đẽo lớn nhất dài 12cm (Bản vẽ 63; Ảnh 102, 103).

Địa tầng hố cắt làm lộ cọc có 5 lớp, gồm:

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 233 trang tài liệu này.


- Lm: Đây là lớp đất canh tác, dày còn lại từ 4,5 - 7cm, là lớp đất sét màu nâu vàng (HUE 7.5YR 4/6 strong brown), kết cấu khá rắn chắc, lẫn các hạt laterite rất nhỏ màu nâu đỏ.

Di tích bãi cọc Cao Quỳ xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng - 9

- L1: Dày còn lại từ 22 - 35cm, đất sét màu xám trắng (HUE 10YR 5/1 gray) lẫn nhiều hạt laterite lớn màu nâu vàng, kết cấu khá rắn chắc.

- L2: Dày từ 33 - 70cm, là lớp bùn màu xám đen, phía dưới loang lổ xám xanh (HUE 10R 4/1 dark reddish gray), dẻo, ẩm ướt hơn các lớp phía trên.

- L3: Dày từ 10 - 32cm, là loại bùn màu xám xanh (GLEY2 2.5/5PB bulish black), thuần, ẩm ướt. Phần sát chân cọc dày và cao hơn có thể do tác động của quá trình cắm cọc làm trồi lớp bùn này lên.

- L4: Lớp này vẫn còn ăn sâu xuống phía dưới, độ dày xuất lộ khoảng 12 - 30cm, là lớp bùn màu nâu đen hơi ngả hồng (HUE 10YR 2.5/1 reddish black), thuần, ẩm ướt; chân cọc cắm xuống lớp này khoảng 16cm. Đáy hố đào kiểm tra có độ sâu -235cm so với mốc 0’.

Xung quanh thân cọc, tính từ đầu cọc khoảng từ 5 - 70cm bao lấy thân cọc là một lớp đất màu xám đen hơi ngả xanh, dẻo, mịn, có dạng hình phễu, miệng phễu rộng 18cm, đôi chỗ lẫn mùn cây. Đây có thể là đất do lớp gỗ giác của cọc mủn hoá tạo thành.

* Cọc gỗ 20.CQ.H5.C3


Xuất lộ tại lớp đào L3 của hố 20.CQ.H5, sâu -140cm so với mốc 0’. Cách vách Tây 6,9m, cách vách Nam 50cm, cách H5.C2 khoảng 3m về phía Nam. Khi mới xuất lộ, cọc có màu nâu đen, đầu cọc hơi nhọn, cao hơn ở phía Tây Nam và thấp dần về phía Đông Bắc; xung quanh đầu cọc bị gãy và mủn nặng, đường kính đầu cọc 10cm, không phát hiện biên cọc.

Cắt làm lộ ½ phía Đông cọc có thể quan sát thấy cọc được cắm theo phương thẳng đứng, ½ phía trên cọc chỉ còn phần lòi, ½ phía dưới của cọc vẫn còn lớp gỗ dác nhưng đang trong quá trình mủn hóa rất nặng; lớp gỗ này mềm, ẩm ướt và bám không đều xung quanh lòi cọc, độ dày lớp gỗ giác còn lại khoảng 5cm.

Cọc có màu nâu sẫm, dài 90cm, vân gỗ chạy dọc thân, trên thân vẫn còn dấu vết của các cành cây chưa được làm nhẵn, dấu vết cành cây nhô lên khỏi thân cọc khoảng 0,5 - 2cm. Đặc biệt, dấu vết các cành cây này quay xuống dưới chứng tỏ cọc được cắm xuống từ phần ngọn. Chân cọc bị mủn nặng, không quan sát được rò ràng, tuy nhiên có thể phán đoán rằng chân cọc được chặt vát đều từ 2 phía (Bản vẽ 64; Ảnh 105).

Địa tầng khu vực làm lộ cọc gồm 4 lớp:


- Lm: Là lớp đất được bồi lấp bởi một hố đào hiện đại, dày còn lại khoảng 20cm, dày hơn ở phía Nam và mỏng dần về phía Bắc, màu sắc đất lẫn lộn giữa nâu vàng, xám và xám xanh.

- L2: Dày từ 2 - 40cm, tương đương với L2 trên vách hố, là loại đất sét pha bùn màu nâu xám (HUE 10R 4/1 dark reddish gray), mịn, khá dẻo. Lớp đất này đã bị một hố đất đen hiện đại cắt mất phần phía trên, đáy hố đất đen nằm phía Bắc cọc.

- L3: Dày từ 20 - 65cm, bề mặt của lớp này không phẳng, là loại bùn màu xanh đen (GLEY2 2.5/5PB bulish black), mịn, dẻo, phần gần chân cọc còn ăn sâu xuống dưới.

- L4: Độ dày xuất lộ từ 15 - 36cm, lớp này tương đương với L4 trên vách hố, là loại bùn màu nâu hồng (HUE 10YR 2.5/1 reddish black), thuần, dẻo.

Sát cọc là vệt bùn dẻo màu nâu nhạt, ẩm ướt và rất nhiều mùn cây, đây có thể là lớp vỏ và gỗ giác của cọc mủn hoá tạo thành vệt bùn có màu sắc và tính chất khác so với lớp đất xung quanh ôm lấy thân cọc.

2.1.1.2. Phương pháp cắm cọc


Về phương pháp cắm cọc, từ năm 1962, khi khi nghiên cứu về trận Bạch Đằng năm 1288, Nguyễn Văn Dị và Văn Lang có giả thuyết về cách cắm cọc như sau “Dùng hai chiếc thuyền kết lại với nhau cho chắc chắn, trên cột buồm buộc chặt một thanh gỗ ngang thước thợ với cột buồm, ở đầu thanh gỗ có mang ròng rọc bằng gỗ: dùng dây bắt ngang qua ròng rọc kéo cây cọc lên rồi thả xuống vài lần. Kết quả là cây cọc cắm chắc xuống bùn nước” [65, tr.72].

Theo Lưu Trần Tiêu và Trịnh Căn, “ý kiến này có những mặt hợp lý, nhưng cũng có mặt không tưởng”. Hai ông cho rằng “có thể dùng hệ thống ròng rọc như vậy, nhưng không phải để kéo cọc lên thả cọc xuống mà để nâng các loại vồ cỡ lớn tìm được trong đợt khai quật… vì loại vồ lớn không thể cầm trực tiếp trong tay để đóng cọc nên phải dùng ròng rọc hoặc một hình thức tương tự như thế để kéo vồ lên thả xuống. Chính vì cách nâng vồ như vậy nên cần phải có một người cầm trực tiếp vào vồ để điều khiển cho vồ rơi đúng vào đầu cọc. Và chỗ ú nhô ra ở một đầu vồ chính là chỗ tay cầm đó. Còn loại vồ nhỏ thì có thể cầm vào hai tay đóng vào đầu cọc” [65, tr.72].

Tống Trung Tín, Phạm Như Hồ và Phan Tiến Ba lại nhận định kỹ thuật đóng cọc xuống sông ngày nay và thời Trần không có gì khác nhau. Người xưa đóng cọc xuống sông Bạch Đằng cũng chỉ bằng phương pháp dộng lắc như bây giờ mà không dùng chày vồ như một số người quan niệm. Các cọc đều có đầu nhọn để đóng xuống lòng sông, còn phần trên để nguyên, thậm chí để nguyên cả cành lá lòa xòa, không hề có vót nhọn, cũng không hề có bịt sắt và cọc cũng đóng thẳng đứng cho vững, không có chú ý đóng xiên để đâm vào thuyền giặc. Những kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy ngoài kỹ thuật dộng lắc sử dụng cho

các cọc đóng sâu vào lòng sông nơi có bùn, cát, các kĩ thuật cắm khác được sử dụng cho các cọc nhỏ, thường ở vùng bãi bồi nhiều bùn lầy ven sông.

Đối với di tích bãi cọc Cao Quỳ, cọc ở đây được cắm xuống theo cách nào vẫn là câu hỏi lớn? Tuy nhiên, có thể bước đầu đưa ra giả thuyết rằng tại đây có 2 cách cắm cọc.

Cách 1: Biên độ dao động do cọc tạo ra tại bãi cọc Cao Quỳ rất nhỏ, cho thấy đây không phải là dấu vết của kỹ thuật dộng lắc; đặc điểm địa chất và kỹ thuật chặt chân cọc cũng không cho phép thực hiện phương pháp này. Các lớp đất tại đây chủ yếu là bùn lỏng, ít cát, ít vỏ nhuyễn thể trong môi trường nước nên việc chặt bằng hoặc tròn chân cọc rồi liên tục dùng động tác nhổ cọc lên thả cọc xuống sẽ làm cho cọc được cắm sâu xuống lớp bùn. Tuy nhiên, dụng cụ để đưa cọc lên, thả cọc xuống chúng tôi vẫn chưa thể xác định bởi chưa có chứng cứ.

Cách 2: Đào hố chôn cọc. Tại khu vực chân các gò thấp ven sông, khi thuỷ triều xuống thấp nhất có thể đào các hố sâu khoảng 25 - 138cm rồi chôn cọc xuống. Một số cọc được cắm xuyên qua hố đào, xuống sâu hơn, cho thấy có một lực ấn khá lớn tác động vào cọc. Kỹ thuật này có thể quan sát thấy rất rò ở hố 19.CQ.H3.

Để hiểu rò hơn về vấn đề này, chúng ta cần có thêm nhiều chứng cứ, cần nghiên cứu chuyên sâu, chi tiết hơn nữa.

2.2.2. Hố chôn cọc


Trong các cuộc khai quật, chúng tôi đã phát hiện 22 hố đất đen và bước đầu xác định đây có thể là các hố chôn cọc hoặc hố đào cọc lên, tất cả đều được phát hiện tại hố khai quật 19.CQ.H3 (Bản vẽ 32-46; Ảnh 58-80).

Các di tích xuất lộ trên bề mặt sét trắng, ở độ sâu -137cm đến -174cm so với mốc 0’, phân bố chủ yếu ở phía Bắc của hố, cách nhau 3,5 - 5m theo chiều

Đông - Tây, 4 - 6m theo chiều Bắc - Nam. Hố hình gần tròn đường kính 23 - 30cm, gần hình chữ nhật (chiều Bắc - Nam: 36 - 100cm, chiều Đông - Tây: 30 - 95cm), hay không có hình dạng xác định (chiều Bắc - Nam: 45 - 70cm, chiều Đông - Tây: 45 - 90cm). Bề mặt là đất bùn nâu nhạt dẻo lẫn than tro và mùn cây. Xung quanh là sét trắng lẫn oxit sắt. Đất trong hố đa phần là đất bùn nâu nhạt lẫn nhiều mùn cây và than tro, một số là bùn xám nhạt thuần, dẻo lẫn laterite hay bùn đen loang lổ sét trắng. Hố đào thu nhỏ dần hoặc giật cấp. Lỗ cọc hình gần tròn, đường kính trên 20 - 45cm, đường kính đáy 10 - 30cm, sâu 25 - 138cm. Lỗ cọc thẳng đứng hoặc nghiêng một góc từ 17 - 630. Đáy hố là lớp sét vàng loang lổ sét trắng.

Đa số các dấu vết cọc được cắm hơi xiên, đầu nghiêng về phía Đông là chủ yếu, không có hiện tượng gia cố chân cọc. Cọc cắm xuyên qua lớp sét trắng và sét vàng sinh thổ. Như vậy, có thể hố được đào để chôn cọc nhưng sau đó cọc lại được cắm xuyên qua hố để tạo độ vững chãi hoặc cũng có thể là những hố đào rút cọc lên trong thời gian sau. Tuy nhiên, theo chúng tôi, khả năng đây là những hố đào chôn cọc cao hơn. Bởi lẽ, khu vực này là một gò đất thấp mà đỉnh gò chúng tôi đã trình bày ở phần địa tầng, khi nước thuỷ triều rút đến mức thấp nhất, việc đào hố tại đây là hoàn toàn khả thi.

2.2.3. Hố đất đen


Ngoài các hố chôn cọc, chúng tôi còn phát hiện 4 di tích hố đất đen, trong đó 3 di tích tại hố 19.CQ.H3 và 1 di tích tại hố 20.CQ.H5.

Các hố đất đen tại hố 19.CQ.H3 ký hiệu lần lượt là 19.CQ.H3.F1, 19.CQ.H3.F8 và 19.CQ.H3.F10, xuất lộ ở độ sâu -150cm đến -159cm so với mốc 0’. Hố hình gần tròn đường kính 25cm, hình gần vuông (chiều Bắc - Nam 20cm, chiều Đông - Tây 18cm) hay không có hình dạng xác định (chiều Bắc - Nam 56cm, chiều Đông - Tây 60cm), sâu từ bề mặt di tích xuống đáy 18 - 30cm. Bề mặt và đất trong hố là bùn màu nâu lẫn nhiều mùn cây, khác hoàn toàn so với

loại bùn đen nhạt, thuần bên ngoài. Có hố đào thẳng, có hố hơi dốc từ phía Bắc xuống phía Nam. Đáy hố phẳng, là loại đất sét màu vàng loang lổ sét trắng, đất bùn màu xám lẫn sét vàng hoặc đất sét màu trắng xám (Ảnh 81, 82).

Hố đất đen phát hiện tại hố 20.CQ.H5 ký hiệu 20.CQ.H5.HĐĐ1, xuất lộ tại lớp đào L3 của hố, cách vách Đông 2,9m, cách vách Bắc 4m. Di tích đã bị vách Nam của hố kiểm tra cọc C1, C2 cắt mất phần phía Bắc. Phần còn lại của biên hố có hình dạng không xác định, dài 91cm, rộng 28cm. Đất bên trong màu xanh đen lẫn xám trắng, khác hoàn thoàn với loại đất bên ngoài.

Hố sâu 71cm, đường kính đáy hố 44cm. Hai cạnh của hố không đều nhau, cạnh phía Tây thẳng đứng, cạnh phía Đông giật thành 2 cấp; phía trong hố chứa rất nhiều mảnh gỗ nhỏ đang trong quá trình mủn hoá. Đây có thể là dấu vết của một cọc gỗ, tuy nhiên vì một lý do nào đó nên hiện tại cọc đã bị mất đi (Bảng 5; Ảnh 102).

2.2.4. Các di tích khác


Ngoài các di tích như cọc gỗ, hố chôn cọc, hố đất đen, chúng tôi còn phát hiện một số loại di tích khác như cụm gỗ và di tích chưa xác định:

2.2.4.1. Cụm gỗ


- Cụm gỗ 1 (19.CQ.H2.F2): Di tích xuất lộ ở độ sâu -215cm so với mốc 0’, tại góc Đông Bắc hố khai quật 19.CQ.H2, trong lớp bùn đen xanh lẫn cát mịn, cách vách Bắc 3m, cách vách Đông 2m. Di tích là một cụm gỗ vụn xếp lại với nhau thành hình vành khăn, kích thước 1m (Bắc - Nam) x 0,8m (Đông - Tây) x 65cm (chiều dày). Các mảnh gỗ vụn màu xám đen, đang trong quá trình mủn hoá, kích thước khác nhau và không có vết chế tác ken dày tạo thành một hình dạng gần hình vành khăn khá khó hiểu. Có thể do đây là vùng nước sâu, một dòng xoáy mạnh đã cuốn các mảnh gỗ tập trung lại một khu vực này và có hình dạng như hiện tại (Ảnh 37, 38).

Cách di tích này 40cm về phía Tây Bắc xuất lộ 1 đoạn sắt dài 30cm, rộng 2 - 3cm, nằm ngang theo chiều Tây Bắc - đông nam, ký hiệu 19.CQ.H2.KL2. Di vật trong tình trạng bị gãy và oxi hoá nặng, rất khó xác định hình dáng. Sau khi xuất lộ toàn bộ, kích thước đo được dài còn lại 99cm, dày 0,1cm. Kết quả chụp X-quang không cho thấy được hình dạng ban đầu của di vật (Ảnh 38-40).

- Cụm gỗ 2 (19CQ.H2.F3): Xuất lộ trong quá trình dỡ các hiện vật sắt 19CQ.H2.KL3-KL4, ở độ sâu -228cm so với mốc 0’, cách vách Nam 2,5m, cách vách Đông 2,5m. Cách cụm gỗ 1 khoảng 2,1m về phía Bắc, nằm trong lớp đất bùn xám xanh lẫn nâu xám và laterite, bên dưới và về phía Đông của hiện vật sắt 19CQ.H2.KL3 10cm. Cụm gỗ có kích thước 65cm theo chiều Bắc - Nam, 90cm theo chiều Đông - Tây, gồm 4 bộ phận nằm chồng lên nhau. Đó là 1 thanh gỗ nằm ngang theo chiều Đông - Tây, đây có thể là một đoạn cọc; một tấm gỗ dẹt là một đoạn thân cây dừa bổ đôi; 1 đoạn gỗ hình trụ dài, đường kính nhỏ, nằm bên trên đoạn gỗ dẹt, có thể là một đoạn gỗ buộc bè, và một đoạn “dây chão” bằng song đập dập nằm ở góc đông của thanh gỗ nằm ngang.

Thanh gỗ nằm ngang bên trên dài 84cm, đường kính 10cm. Đầu phía Tây có lỗ mộng (?), kích thước 14cm x 7cm. Ở phía Đông của thanh gỗ có xuất lộ đoạn dây chão dài khoảng 40cm, rộng 2 - 3cm, có thể được bện từ dây mây.

Bên dưới là đoạn gỗ dẹt, dày 3cm, dày ở giữa mỏng dần hai bên, tạo mặt cắt hình lòng máng úp ngược, dài 67cm, rộng 22cm, đặt xiên, đầu hướng về phía Bắc.

Ở khoảng giữa thanh gỗ bên dưới có một đoạn gỗ nằm ngang, bị gãy ở phía Tây, đầu phía Đông thu nhỏ, đường kính 1cm, mủn nhiều, phần ở giữa nhẵn bóng, đường kính 4cm (Bản vẽ 17; Ảnh 41, 42).

Hiện tại, loại hình và chức năng của di tích này chúng tôi vẫn chưa thể xác định rò ràng.

2.2.4.2. Di tích chưa xác định

Xem tất cả 233 trang.

Ngày đăng: 20/07/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí