e. Tài nguyên du lịch được khai thác tại chỗ để tạo ra các sản phẩm du lịch
Các sản phẩm hàng hoá khác sau khi sản xuất, chế biến có thể vận chuyển đến nơi khác để tiêu thụ nhưng đối với sản phẩm du lịch thì khác. Du khách muốn sử dụng sản phẩm du lịch thì phải đến tận nơi có nguồn tài nguyên du lịch được khai thác tạo thành sản phẩm du lịch đó để thưởng thức và cảm nhận.
Mặt khác, nếu muốn khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên này điều đầu tiên cần quan tâm là phải chuẩn bị tốt cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở hạ tầng, phương tiện vận chuyển khách du lịch... Bởi thế mà những điểm du lịch nào có vị trí địa lý, điều kiện giao thông thuận lợi, cung cấp dịch vụ du lịch tốt… thì hoạt động du lịch ở đó thường đạt hiệu quả tốt hơn.
f. Tài nguyên du lịch có thể sử dụng nhiều lần
Đặc điểm của các tài nguyên tạo nên sản phẩm du lịch là bán quyền sử dụng chứ không bán quyền sở hữu, chính vì thế với cùng một nguồn tài nguyên tạo nên sản phẩm du lịch có thể bán cho nhiều đối tượng khác nhau trong rất nhiều lần.
Tài nguyên du lịch được xếp vào loại tài nguyên có khả năng tái tạo và sử dụng lâu dài. Vấn đề chính là phải nắm được quy luật của tự nhiên, dự đoán được sự thay đổi theo thời gian và những biến đổi do tác động của con người. Từ đó hoạch định phương hướng lâu dài cũng như các biện pháp cụ thể để khai thác, quản lý và bảo tồn hợp lý các nguồn tài nguyên du lịch, đồng thời không ngừng bảo vệ, tôn tạo và hoàn thiện tài nguyên nhằm đáp ứng các nhu cầu phát triển.
Với các đặc điểm đó, việc khai thác các tài nguyên du lịch phải đảm bảo nguyên tắc giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích kinh tế và bảo tồn các giá trị văn hóa và thiên nhiên [11].
1.2.2. Phân loại tài nguyên du lịch
Tài nguyên du lịch chia làm 2 nhóm:
a. Tài nguyên du lịch tự nhiên
Có thể bạn quan tâm!
- Đánh giá tài nguyên du lịch và đề xuất định hướng phát triển du lịch sinh thái đảo Cô Tô lớn, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh - 1
- Đánh giá tài nguyên du lịch và đề xuất định hướng phát triển du lịch sinh thái đảo Cô Tô lớn, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh - 2
- Thống Kê Lượng Khách Quốc Tế Đến Việt Nam Qua Các Năm
- Tiếp Cận Quản Lý Tài Nguyên Thiên Nhiên Dựa Vào Cộng Đồng [15]
- Nhiệt Độ Không Khí Trung Bình, Độ Ẩm Trung Bình Và Lượng Mưa Trung Bình Các Tháng Trong 5 Năm Tại Trạm Cô Tô
Xem toàn bộ 120 trang tài liệu này.
Như chúng ta đã biết, thiên nhiên là môi trường sống của con người và mọi sinh vật trên Trái đất, bao gồm các yếu tố vô sinh và hữu sinh, các hiện tượng tự nhiên cùng những quá trình biến đổi của chúng gây ảnh hưởng đến sự sống và hoạt động của con người.
Theo Khoản 1 Điều 13 Chương II Luật Du lịch Việt Nam (2005) quy định: “Tài nguyên du lịch tự nhiên gồm các yếu tố, địa chất, địa hình, địa mạo, khí hậu, thủy văn, hệ sinh thái, cảnh quan tự nhiên đang được khai thác hoặc có thể được sử dụng phục vụ mục đích du lịch”. [16]
Chính vì thế, tài nguyên du lịch tự nhiên luôn luôn gắn liền với các điều kiện tự nhiên cũng như điều kiện lịch sử - văn hoá, kinh tế - xã hội và đôi khi chúng được khai thác đồng thời với các tài nguyên du lịch nhân văn.
b. Tài nguyên du lịch nhân văn
Tài nguyên du lịch nhân văn là đối tượng, hiện tượng do con người tạo ra trong suốt dòng lịch sử. Nó có thể là di tích lịch sử, văn hóa, công trình lao động sáng tạo của con người và các giá trị nhân văn khác được sử dụng nhằm đáp ứng nhu cầu về du lịch. Nhóm tài nguyên này mang giá trị nhận thức hơn giá trị giải trí, ít phụ thuộc vào các điều kiện tự nhiên, thường tập trung ở các khu vực quần cư và thu hút du khách có mức thu nhập, có trình độ văn hoá, nhận thức cao hơn.
Tài nguyên du lịch nhân văn được phân thành hai loại: Tài nguyên du lịch nhân văn vật thể như các di tích lịch sử văn hóa và tài nguyên du lịch nhân văn phi vật thể như các lễ hội, nghề và làng nghề thủ công truyền thống, các loại hình văn hóa nghệ thuật, văn hóa ẩm thực, thơ ca và văn học nghệ thuật…
1.2.3. Vai trò của tài nguyên du lịch
Tài nguyên du lịch là yếu tố cơ bản để tạo ra các sản phẩm du lịch. Trong các hệ thống lãnh thổ du lịch, tài nguyên du lịch giữ vai trò quan trọng, quyết định sự phát triển của ngành du lịch và sự phát triển kinh tế – xã hội của khu vực.
Để hấp dẫn và đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch, các sản phẩm du lịch cần phong phú, độc đáo và mới mẻ. Số lượng, chất lượng, sự kết hợp của các loại tài nguyên cùng sự phân bố của tài nguyên du lịch là yếu tố quan trọng thu hút du khách. Chúng có mối quan hệ chặt chẽ, ảnh hưởng đến việc đầu tư cơ sở vật chất kĩ thuật du lịch, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực du lịch. Tài nguyên du lịch là yếu tố quan trọng để cấu thành quy mô phát triển, số lượng, chất lượng sản phẩm du lịch và hiệu quả của hoạt động du lịch.
Tài nguyên du lịch là mục đích trong mỗi chuyến đi của du khách. Hoạt động du lịch có phát triển hay không, hiệu quả kinh doanh cao hay thấp phụ thuộc vào rất
nhiều yếu tố, đặc biệt là khách du lịch. Đối với khách du lịch nói chung, đặc biệt là khách du lịch thuần túy, mục đích khi đi du lịch không chỉ để hưởng thụ các dịch vụ lưu trú, đi lại, mua sắm mà còn để thưởng thức, tìm hiểu, cảm nhận các giá trị mà tài nguyên du lịch mang lại.
Bên cạnh đó, tài nguyên du lịch chính là cơ sở quan trọng để phát triển các loại hình du lịch. Nó là một bộ phận quan trọng của tổ chức lãnh thổ du lịch, các phân hệ của hệ thống lãnh thổ du lịch: du khách, tài nguyên du lịch, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kĩ thuật du lịch, đội ngũ cán bộ nhân viên và bộ máy tổ chức, điều hành, quản lý du lịch… Các phân hệ này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau và với sự phát triển kinh tế – xã hội của toàn khu vực.
Hiệu quả phát triển du lịch phụ thuộc vào tài nguyên du lịch. Vì vậy, trong quá trình phát triển du lịch, khi xây dựng các chiến lược, chính sách phát triển du lịch cần phải điều tra, đánh giá xác thực nguồn tài nguyên du lịch. Đồng thời cần thực thi các chính sách, chiến lược, giải pháp quản lý, bảo vệ, tôn tạo, phát triển và khai thác nguồn tài nguyên du lịch hợp lý, đúng đắn và hiệu quả trên quan điểm phát triển du lịch bền vững kết hợp với bảo vệ môi trường.
1.3. Du lịch sinh thái
Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, đời sống của con người không ngừng được cải thiện và nâng cao. Mặt khác, con người cũng thường xuyên phải lao động trong những môi trường hết sức khắc nghiệt. Vì vậy nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí đòi hỏi ngày một cao hơn về cả chất lượng lẫn loại hình. Để đáp ứng nhu cầu đó, năm 1991 xuất hiện khái niệm du lịch sinh thái [6]. Đây là loại hình du lịch có xu thế phát triển nhanh, ngày càng chiếm được sự quan tâm của nhiều người, nhiều quốc gia bởi đây là loại hình du lịch có trách nhiệm, có ảnh hưởng lớn đến việc “xanh hoá” ngành du lịch thông qua các hoạt động nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, phát triển sinh kế cộng đồng và đảm bảo cho sự phát triển bền vững.
Bản chất của du lịch sinh thái là loại hình du lịch dựa vào tự nhiên, được quản lý bền vững, hỗ trợ bảo tồn và có giáo dục môi trường. Mặc dù có rất nhiều cách định nghĩa khác nhau về DLST nhưng đều thống nhất một số đặc trưng cơ bản của DLST như sau [11]:
Một là, DLST là loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên.
Hai là, các cơ quan cung ứng các dịch vụ du lịch, cơ quan bảo tồn, các hãng lữ hành, các công ty du lịch và du khách tham gia hoạt động DLST có trách nhiệm tích cực thực hiện các giải pháp về bảo vệ môi trường, giảm thiểu các tác động tiêu cực của du lịch đối với môi trường.
Ba là, các chương trình hoạt động chủ yếu được thực hiện bởi hướng dẫn viên địa phương – những người có kiến thức sâu rộng và kinh nghiệm về tài nguyên thiên nhiên và môi trường tự nhiên xung quanh họ.
Bốn là, các phương tiện và việc sắp xếp để hỗ trợ các hoạt động DLST bao gồm trung tâm thông tin, đường mòn tự nhiên, cơ sở lưu trú, các tài liệu tuyên truyền…
Năm là, thông qua các hoạt động DLST, du khách có được nhận thức, hiểu biết về tự nhiên đồng thời nâng cao nhận thức về bảo tồn thiên nhiên và có trách nhiệm với môi trường.
Sáu là, hoạt động DLST mang lại lợi ích cho cư dân địa phương và có sự tham gia của cộng đồng dân cư địa phương.
Như vậy, để đảm bảo phát triển DLST cần có sự kết hợp hài hòa về mặt lợi ích của bốn thành phần quan trọng tham gia hoạt động DLST, bao gồm:
- Du khách đến nơi có cảnh quan sinh thái;
- Các nhà điều hành DLST;
- Các nhà quản lý, bảo tồn;
- Cư dân và cộng đồng địa phương.
1.3.1. Những yêu cầu và nguyên tắc cơ bản để phát triển du lịch sinh thái
a. Những yêu cầu cơ bản để phát triển du lịch sinh thái
Yêu cầu đầu tiên để có thể tổ chức được những tour DLST là sự tồn tại của các hệ sinh thái tự nhiên điển hình với tính đa dạng sinh thái cao.
Đa dạng sinh thái là một bộ phận và là một dạng thứ cấp của đa dạng sinh học, ngoài thứ cấp của đa dạng di truyền và đa dạng loài. Đa dạng sinh thái thể hiện ở sự khác nhau của các kiểu cộng sinh tạo nên các cơ thể sống, mối liên hệ giữa chúng với nhau và với các yếu tố vô sinh có ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp lên sự sống như: đất, nước, địa hình, khí hậu... [2]
Yêu cầu thứ hai có liên quan đến những nguyên tắc cơ bản của du lịch sinh thái ở hai điểm:
- Để đảm bảo tính giáo dục, nâng cao được sự hiểu biết cho khách du lịch sinh thái, người hướng dẫn ngoài kiến thức ngoại ngữ tốt còn phải là người am hiểu các đặc điểm sinh thái tự nhiên và văn hoá cộng đồng địa phương.
- Hoạt động du lịch sinh thái đòi hỏi phải có được người điều hành có nguyên tắc, không chỉ quan tâm đến lợi nhuận; mặt khác cần có sự cộng tác chặt chẽ với các nhà quản lý các khu bảo tồn thiên nhiên và cộng đồng địa phương nhằm mục đích góp phần bảo vệ các giá trị tự nhiên và văn hoá khu vực, cải thiện cuộc sống, nâng cao sự hiểu biết chung giữa người dân địa phương và du khách.
Yêu cầu thứ ba nhằm hạn chế tới mức tối đa các tác động có thể có của hoạt động du lịch sinh thái đến môi trường tự nhiên và con người, theo đó du lịch sinh thái cần được tổ chức với sự tuân thủ chặt chẽ các quy định về “sức chứa”. Khái niệm “ sức chứa” được hiểu từ bốn khía cạnh: vật lý, sinh học, tâm lý và xã hội.
Yêu cầu thứ tư là thoả mãn nhu cầu nâng cao kiến thức và hiểu biết của khách du lịch.
b. Những nguyên tắc cơ bản để phát triển du lịch bền vững
Du lịch bền vững đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững. Điều đó không có nghĩa là luôn có sự tăng trưởng liên tục về du lịch. Theo Phạm Trung Lương và nnk (2002) “DLST được phân biệt với các loại hình du lịch thiên nhiên khác do mức độ giáo dục cao về môi trường và sinh thái. Du lịch sinh thái thể hiện mối tác động qua lại giữa con người và thiên nhiên hoang dã cộng với ý thức được giáo dục nhằm biến chính những khách du lịch thành những người đi đầu trong công tác bảo vệ môi trường. Phát triển du lịch sinh thái làm giảm tối thiểu tác động của khách du lịch đến văn hoá và môi trường, đảm bảo cho địa phương được hưởng nguồn lợi tài chính do du lịch mang lại và chú trọng đến những đóng góp tài chính cho việc bảo tồn thiên nhiên”.[9]
DLST thực sự cần đáp ứng được những nguyên tắc cơ bản sau [11]:
- Giáo dục nâng cao hiểu biết cho du khách về môi trường tự nhiên, qua đó tạo ý thức tham gia của du khách vào các nỗ lực bảo tồn.
- Góp phần tích cực vào việc bảo vệ môi trường và duy trì môi trường tự nhiên, góp phần bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa của vùng, quốc gia.
- Tạo việc làm và mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương.
- Lượng khách du lịch luôn điều hòa ở mức vừa phải để đảm bảo không vượt quá giới hạn tối đa về sức chứa tại điểm du lịch.
- Phát triển DLST phải phù hợp với những nguyên tắc tích cực về môi trường, tăng cường khuyến khích trách nhiệm đạo đức đối với môi trường tự nhiên, không được tổn hại đến tài nguyên và môi trường.
- DLST phải tập trung vào các giá trị bên trong hơn là các giá trị bên ngoài và thúc đẩy sự công nhận các giá trị này.
- Phải đảm bảo lợi ích lâu dài đối với tài nguyên, đối với địa phương và đối với ngành (lợi ích về bảo tồn hoặc lợi ích về kinh tế, văn hoá, xã hội hay khoa học).
- DLST phải đem lại cho du khách những trải nghiệm trong tự nhiên.
- Đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ về nội dung hướng dẫn và nhận thức về môi trường sinh thái của cả người hướng dẫn và các thành viên tham gia.
- Cần có sự đào tạo đối với tất cả các cơ quan chức năng: chính quyền, địa phương, tổ chức đoàn thể, hãng lữ hành và du khách (trước, trong và sau chuyến đi).
1.3.2. Một số loại hình du lịch sinh thái trên thế giới
Tùy thuộc vào điều kiện môi trường sinh thái của từng quốc gia sẽ hình thành những loại hình du lịch sinh thái khác nhau.
- Ở Trung Quốc phát triển loại hình DLST cho những người quan tâm nghiên cứu khoa học địa chất, địa mạo do các giáo sư Địa chất học của các trường đại học nổi tiếng hướng dẫn. Ngoài ra, họ còn tổ chức các hình thức du lịch như ngồi bè đi dọc sông Trường Giang để khám phá cuộc sống sông nước và thưởng ngoạn phong cảnh.
- Tại Tanzania: DLST được tổ chức dưới hình thức cho du khách đi bộ trong 17 ngày với đoạn đường 240 km dưới sự hướng dẫn của người dân địa phương tộc Massai, tham quan thung lũng Otwai nổi tiếng với thảo nguyên mênh mông, quan sát đời sống của voi, ngựa vằn, hươu, sư tử, hổ…
- Tại Bolivia: xây dựng khu nhà ở sinh thái nằm trong Công viên Quốc gia Madidi, khu dự trữ Amazon hàng đầu của Bolivia. Nơi đây cung cấp dịch vụ ăn ở cho du khách tham quan trong những túp lều mái tranh hay rơm được xây dựng bằng các vật liệu sẵn có ở địa phương. Dự án này làm việc với một cộng đồng bên trong ranh giới của công viên nói trên nhằm kết hợp du lịch sinh thái với các dự án kinh tế
khác trong các lĩnh vực lâm nông nghiệp, sản xuất hàng thủ công bản địa, và khai thác lâm sản không phải gỗ. [3]
- Ở Indonesia: Không chỉ nổi tiếng bởi loài rồng Komodo huyền thoại – loài thằn lằn duy nhất trên thế giới còn sót lại từ thời tiền sử và chỉ hiện diện tại Indonesia trong đời sống hoang dã, Vườn quốc gia Komodo (được thành lập năm 1980) còn sở hữu cảnh quan thiên nhiên hết sức độc đáo, một thiên đường thực sự hài hòa giữa biển trời với dải bờ biển cát trắng mịn, nước trong xanh rất phong phú các HST rạn san hô, HST trảng cỏ mênh mông, những mỏm đá cheo leo giữa núi non hùng vĩ… Tại đây loại hình DLST được ưa chuộng nhất là du lịch cộng đồng cụ thể là du khách sẽ ở trong những ngôi nhà sàn truyền thống, bơi thuyền hay lặn biển khám phá các rạn san hô, theo dòi rồng Komodo săn mồi...
- Campuchia là đất nước với nền văn hoá phong phú, đậm đà bản sắc. Năm 2005, Campuchia thành lập hai điểm du lịch sinh thái là khu bảo tồn đời sống hoang dã Phnom Prich và khu bảo tồn rừng Mondolkiri, từ đó hình thành loại hình DLST nghiên cứu, khám phá các hệ sinh thái tự nhiên.
Qua việc tìm hiểu một số loại hình DLST phổ biến trên thế giới chúng ta có thể thấy khách du lịch sẵn sàng trả một chi phí lớn để được tham gia vào những tour tham quan, khám phá… thú vị. Nguồn chi phí này cung cấp kinh phí cho hoạt động bảo tồn tại các khu bảo tồn, duy trì hệ sinh thái tự nhiên đồng thời nâng cao thu nhập cho cộng đồng địa phương tham gia vào các hoạt động du lịch sinh thái. Từ đấy cần rút ra những bài học kinh nghiệm khi tiến hành các hoạt động DLST như sau:
- Cần thay đổi quan niệm của mọi người về bảo tồn và phát triển. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục môi trường để nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương và du khách, các đối tượng sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp nguồn tài nguyên thiên nhiên. Xây dựng mối quan hệ tương hỗ giữa khách du lịch, cộng đồng địa phương và cơ quan quản lý nhà nước nhằm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và phát triển du lịch bền vững.
- Cần có cơ chế quản lý phù hợp, trong đó có sự tham gia của người dân địa phương trong các tour du lịch trên địa bàn để có thể quản lý tài nguyên và hoạt động du lịch hiệu quả. Quản lý chặt chẽ những quy hoạch phát triển DLST, tránh tình trạng sử dụng tài nguyên không hợp lý, phá vỡ cảnh quan tư nhiên, làm mất bằng sinh thái trong khu vực thực hiện dự án.
- Cần có chính sách sử dụng các nguồn thu từ các hoạt động du lịch phù hợp. Nguồn thu từ các hoạt động du lịch sinh thái phải được sử dụng để bảo tồn các HST tự nhiên, duy trì đa dạng sinh học và phát triển kinh tế cộng đồng địa phương.
- Khôi phục và phát triển những nét văn hóa, nghề và làng nghề truyền thống tại địa phương; phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù nhằm phục vụ nhu cầu của du khách. Từ đó tạo ra và duy trì nguồn thu nhập cho cộng đồng địa phương.
1.3.3. Tình hình phát triển du lịch và du lịch sinh thái ở Việt Nam
* Chủ trương của Đảng và Nhà nước:
Nhận thức được tầm quan trọng của DLST không chỉ đơn thuần đóng góp vào sự phát triển kinh tế của một vùng, một đất nước mà còn có ý nghĩa to lớn về mặt xã hội như: cải thiện phúc lợi cho người dân địa phương; phân phối lại thu nhập, tái sản xuất sức lao động cho cộng đồng, góp phần tạo sự hiểu biết giao lưu giữa các dân tộc. Do đó, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần IX của Đảng trong phần “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2011 - 2020” đã xác định:
Phát triển du lịch thật sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động trên cơ sở khai thác lợi thế và điều kiện tự nhiên, sinh thái, truyền thống văn hoá, lịch sử, đáp ứng nhu cầu du lịch trong nước và phát triển nhanh du lịch quốc tế, sớm đạt trình độ phát triển du lịch của khu vực. Hình thành một số trung tâm dịch vụ, du lịch có tầm cỡ khu vực và quốc tế. Đa dạng hóa sản phẩm và các loại hình du lịch, nâng cao chất lượng để đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2473/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2011, theo đó một trong những quan điểm phát triển chủ đạo là “Phát triển hệ thống sản phẩm du lịch chất lượng, đặc sắc, đa dạng và đồng bộ, có giá trị cao, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của khách du lịch nội địa và quốc tế; phát triển sản phẩm du lịch “xanh”, tôn trọng yếu tố tự nhiên và văn hóa địa phương”, đi kèm với nó là những chính sách phát triển bền vững, chính sách ưu đãi đối với phát triển du lịch sinh thái, du lịch “xanh”, du lịch cộng đồng, du lịch có trách nhiệm. [24]
Đặc biệt, để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của đất nước trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội trong Định hướng chiến lược phát triển bền vững (Chương trình Nghị sự 21 của Việt Nam) du lịch là một ngành kinh tế nhận được sự quan tâm rất lớn, vì