Thống Kê Lượng Khách Quốc Tế Đến Việt Nam Qua Các Năm

Đảng và Nhà nước ta coi phát triển du lịch, trong đó đặc biệt là phát triển DLST vừa là cơ sở, vừa là động lực cho sự phát triển bền vững [2001].

a. Tình hình phát triển du lịch

Du lịch đã và đang trở thành ngành kinh tế dịch vụ phát triển nhanh và lớn nhất thế giới. Một số nước đang phát triển đã tận dụng lợi thế quốc gia về tài nguyên thiên nhiên độc đáo, nền văn hóa phong phú của các dân tộc... để phát triển du lịch. Nhờ đó, du lịch đã trở thành công cụ xóa đói, giảm nghèo và tăng trưởng kinh tế. Châu Á - Thái Bình Dương vẫn là khu vực năng động và thu hút du lịch mạnh mẽ, trong đó Việt Nam nổi lên như điểm đến hấp dẫn với những giá trị đặc sắc, độc đáo, thu hút mới.

Hướng đến mục tiêu đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp vào năm 2020, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có ngành du lịch phát triển vào năm 2030, ngành du lịch Việt Nam đã được đầu tư phát triển mạnh mẽ, thu hút được sự quan tâm của bạn bè quốc tế. Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam gia tăng hàng năm, thể hiện ở bảng 1.1.

Bảng 1.1: Thống kê lượng khách quốc tế đến Việt Nam qua các năm



Quốc gia

Lượng khách quốc tế (lượt người)

Năm 2006

Năm 2008

Năm 2010

Năm 2011

Trung Quốc

516.286

650.655

905.360

1.416.804

Hàn Quốc

421.741

449.237

495.902

536.408

Nhật Bản

383.896

392.991

442.089

481.519

Mỹ

385.654

417.198

430.993

439.872

Campuchia

154.956

-

254.553

423.440

Đài Loan

274.663

303.527

334.007

361.051

Úc

172.519

234.760

278.155

289.762

Malaisia

105.558

174.008

211.337

233.132

Pháp

132.304

182.098

199.351

211.444

Thái Lan

123.804

183.142

222.839

181.820

Thị trường khác

915.100

1.108.362

1.275.269

1.438.779

Tổng số

3.583.486

4.253.740

5.049.855

6.014.032

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 120 trang tài liệu này.

Đánh giá tài nguyên du lịch và đề xuất định hướng phát triển du lịch sinh thái đảo Cô Tô lớn, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh - 4

(Nguồn: Tổng cục Du lịch)[20]

Tại tỉnh Quảng Ninh trong những năm gần đây, du lịch luôn là một trong những ngành được ưu tiên phát triển hàng đầu. Với nhiều điểm du lịch hấp dẫn như chùa Yên Tử, đền Cửa Ông, khu du lịch Quốc tế Tuần Châu, Minh Châu, Trà Cổ… và đặc biệt là thắng cảnh hai lần được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới – Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh là điểm đến của rất nhiều du khách trong và ngoài nước. Nghị quyết về phát triển du lịch Quảng Ninh giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030 của UBND tỉnh Quảng Ninh đã đề ra mục tiêu phát triển du lịch trong những năm tới là “đưa du lịch thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, là động lực phát triển nền kinh tế - xã hội của toàn tỉnh”.

Lượng khách du lịch đến Quảng Ninh tăng đều theo từng năm. Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng, nhiệm vụ trọng tâm quý IV năm 2013: tính đến hết Quý III năm 2013, tổng lượng khách du lịch đến Quảng Ninh là 6,048 triệu lượt, tăng 10% so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế đạt 1,816 triệu lượt, tăng 2% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu đạt 3.803 tỷ đồng, đạt 72,7 % kế hoạch năm, tăng 15% so với cùng kỳ. Theo ước tính cả năm 2013, tổng khách du lịch đến Quảng Ninh đạt 8.200.000 lượt, trong đó khách quốc tế đạt 2.300.000 lượt, doanh thu từ du lịch ước đạt 4.200 tỷ đồng[28]. Có thể thấy số lượt khách quốc tế đến Quảng Ninh gần bằng 1/3 tổng số du khách, chứng tỏ thương hiệu du lịch Quảng Ninh được phổ biến khá rộng rãi trên thị trường quốc tế.

Quan điểm du lịch của Cô Tô là bền vững, không chạy theo số lượng mà cần hướng tới thị trường khách có thu nhập cao, đảm bảo tăng hiệu quả kinh tế, đồng thời giảm thiểu tác động xấu từ du lịch tới môi trường, cảnh quan và xã hội.

Theo đánh giá của Trần Đức Thạnh và nnk (2012) “Tài nguyên du lịch của huyện Cô Tô là không nhiều, nhưng cũng khá đặc sắc về tự nhiên và nhân văn” [23]. Những đặc điểm độc đáo về vị trí địa lý, địa hình, khí hậu... là điều kiện tốt để Cô Tô phát triển đa dạng nhiều loại hình du lịch như: Du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch tự nhiên. Cô Tô có vai trò là điểm kéo dài của các tour du lịch tại vùng Đông Bắc của Tổ quốc như Vân Đồn, Móng Cái, thành phố Hạ Long... Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để Cô Tô phát triển kinh tế du lịch.

b. Tình hình nghiên cứu và phát triển DLST

Nghiên cứu và phát triển DLST trên toàn quốc

Việc nghiên cứu một cách có hệ thống về DLST ở nước ta mới bắt đầu từ những năm giữa thập kỉ 90 của thế kỷ XX trở lại đây song đã thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu về khoa học và môi trường. Đến cuối những năm 1990, DLST đã bước đầu gây được chú ý ở cấp độ quốc gia với sự tham gia của Tổng cục Du lịch Việt Nam cùng nhiều tổ chức quốc tế tại Việt Nam như Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP - United Nations Development Programme), Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF - World Wide Fund For Nature), IUCN... Việc tổ chức những hội thảo xoay quanh các vấn đề phát triển DLST như Hội thảo về “DLST với phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam” (1998); Hội thảo “Xây dựng chiến lược quốc gia về phát triển DLST ở Việt Nam” (tháng 8/1999), Hội thảo khoa học “Phát triển DLST trong khu dự trữ sinh quyển: cơ hội và thách thức” (2004)... là những dấu hiệu bước đầu cho thấy sự quan tâm rộng rãi hơn đối với sự phát triển DLST của giới học giả. Với đề tài “Cơ sở khoa học phát triển du lịch sinh thái ở Việt Nam” của Phạm Trung Lương (1996) đã xác lập cơ sở khoa học cho sự phát triển DLST ở Việt Nam và tổ chức không gian DLST trên phạm vi toàn quốc. Đặc biệt, sự ra đời của cuốn “Du lịch và du lịch sinh thái” (Thế Đạt, 2003) và “Du lịch sinh thái, những vấn đề về lý luận và thực tiễn ở Việt Nam” (Phạm Trung Lương và Nguyễn Ngọc Khánh, Nguyễn Văn Lanh, Hoàng Hoa Quán, 2002), hệ thống cơ sở lý luận về DLST đã phần nào được định hình. Nhìn chung có thể coi DLST là một quan điểm phát triển du lịch theo hướng bền vững, dựa vào thiên nhiên và văn hóa bản địa, gắn với bảo vệ môi trường, lựa chọn những mặt tích cực của một số loại hình du lịch và có mối quan hệ với các loại hình du lịch khác như: du lịch văn hóa, du lịch dựa vào cộng đồng, du lịch bản địa…

Về cơ sở thực tiễn, dựa trên sự hợp tác của Cục Kiểm Lâm, Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, Tổ chức phát triển bền vững Fundeso và Cơ quan hợp tác quốc tế Tây Ban Nha đã xuất bản cuốn “Cẩm nang quản lý phát triển du lịch sinh thái ở các khu bảo tồn Việt Nam” (2004). Cuốn sách này được coi là nền tảng cho công tác quản lý, tổ chức DLST tại Việt Nam. Ngoài ra, còn nhiều nghiên cứu khác đã và đang được hình thành xoay quanh vấn đề nhận thức và áp dụng thực tiễn DLST ở Việt Nam.

Cuốn sách “ Du lịch sinh thái” (2006) của Lê Huy Bá vừa mang tính lý thuyết và tính ứng dụng cao phục vụ cho quy hoạch du lịch sinh thái, thiết kế tour du lịch. Cuốn sách này thể hiện được các quy luật tương tác giữa các thành phần môi trường trong hệ sinh thái, đa dạng sinh học, diễn thế và sự phụ thuộc lẫn nhau của chúng theo quy luật vận động và phát triển của du lịch sinh thái.

Ngoài ra, nhiều chương trình nghiên cứu, luận án tiến sĩ, thạc sĩ cũng tiếp cận các vấn đề du lịch liên quan đến tự nhiên và sinh thái môi trường như: luận án phó tiến sĩ của Phạm Quang Anh “Phân tích cấu trúc sinh thái cảnh quan ứng dụng định hướng tổ chức du lịch xanh ở Việt Nam” (1996), luận án tiến sĩ địa lý của Nguyễn Thị Sơn “Cơ sở khoa học cho việc định hướng phát triển du lịch sinh thái ở Vườn Quốc gia Cúc Phương” (2000), luận văn thạc sỹ khoa học của Nguyễn Thanh Tuấn “Đánh giá tài nguyên và đề xuất phát triển du lịch sinh thái tại Vườn Quốc gia Bái Tử Long, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh” (2011)...

Việt Nam với biển rộng, sông dài, tài nguyên du lịch phong phú đa dạng, từ những năm 1995 – 1996 DLST bắt đầu phát triển mạnh tại một số địa phương trên cả nước. Hoạt động du lịch sinh thái ở Việt Nam được phân chia theo khu vực địa lý như sau [12]:

Vùng núi và ven biển Đông Bắc: bao gồm các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hải Phòng. Các tài nguyên DLST độc đáo ở khu vực này là các HST trên núi đá vôi, HST đất ngập nước, HST san hô... Tiêu biểu là khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Sơn, Hữu Liên - Lạng Sơn, VQG Ba Bể - Bắc Kạn; hồ Núi Cốc - Thái Nguyên, VQG Bái Tử Long - Quảng Ninh, VQG Cát Bà - Hải Phòng, HST rạn san hô, rừng ngập mặn, HST thung áng ở khu vực Hạ Long và Cát Bà... Các loại hình DLST chủ yếu bao gồm tham quan nghiên cứu các HST đặc thù, du lịch mạo hiểm, du lịch lặn biển, du lịch cộng đồng.

Vùng núi Tây Bắc - Hoàng Liên Sơn: không gian hoạt động DLST ở khu vực này chủ yếu bao gồm phần phía Tây của hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu với HST núi cao Sapa – Fansipan, nơi có nhiều loài sinh vật ôn đới; vườn quốc gia Hoàng Liên có tới 38 loài động vật thuộc loài quý hiếm cần được bảo vệ. Các loại hình du lịch sinh

thái thường được tổ chức ở khu vực này bao gồm tham quan nghiên cứu các HST vùng núi cao, du lịch khám phá mạo hiểm, du lịch bản làng các dân tộc...

Vùng đồng bằng sông Hồng: với không gian chủ yếu thuộc các tỉnh Hà Tây, Vĩnh Phúc, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình. Trên phạm vi không gian vùng du lịch sinh thái này có 4 VQG là Ba Vì, Tam Đảo, Xuân Thủy và Cúc Phương. Căn cứ vào các đặc điểm sinh thái tự nhiên và điều kiện có liên quan hoạt động du lịch sinh thái ở vùng này chủ yếu là tham quan nghiên cứu các HST đặc thù kết hợp với thưởng ngoạn và du lịch văn hóa.

Vùng Bắc Trung Bộ: bao gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và khu vực Đông Nam Thừa Thiên - Huế, phần phía Tây Đà Nẵng và Quảng Nam. Địa bàn này được đánh giá có tính đa dạng sinh học cao với nhiều vườn quốc gia như Bến En, Pù Mát, Vũ Quang, Phong Nha Kẻ Bàng, Bạch Mã. Đây là những khu rừng nguyên sinh rộng lớn, là khu vực đã phát hiện 3 loài thú mới là Sao la, Mang lớn và Voọc Hà Tĩnh. Bên cạnh đó, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng với động Phong Nha được công nhận là di sản thế giới. Chính vì vậy tiềm năng du lịch sinh thái ở vùng này là rất lớn. Các loại hình du lịch sinh thái được thực hiện ở khu vực này bao gồm: tham quan nghiên cứu các hệ sinh thái, tham quan hang động, du lịch mạo hiểm, du lịch dã ngoại, du lịch lặn biển...

Vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên: bao gồm phần phía Tây của Tây Nguyên, một phần phía Bắc Lâm Đồng xuống đến Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Các hệ sinh thái điển hình của vùng bao gồm HST rừng khộp mà tiêu biểu ở Yok Đon, HST đất ngập nước ở Hồ Lắc, HST vùng núi cao ở Ngọc Linh, Bidoup - Núi Bà, HST san hô ở Nha Trang, HST cát ở Mũi Né... Đây là vùng tập trung nhiều hệ sinh thái điển hình và cũng là nơi được thế giới công nhận có tính đa dạng sinh học cao, là nơi duy nhất ở Việt Nam và các nước Đông Nam Á có đủ 4 loài bò xám và bò sừng xoắn; đây cũng là nơi còn có nhiều loài chim, thú, bò sát, cá, các loài thực vật thuộc diện quý hiếm, đặc hữu ở Việt Nam và trên thế giới. Các loại hình DLST thường tổ chức được ở khu vực này bao gồm tham quan nghiên cứu các hệ sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch dã ngoại, du lịch lặn biển.

Vùng Đông Nam Bộ: không gian chủ yếu bao gồm khu vực VQG Cát Tiên (Lâm Đồng - Bình Phước - Đồng Nai), VQG Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh)... Tính đa dạng sinh học của vùng này cũng được đánh giá là khá cao với nhiều HST điển hình. Các loại hình du lịch sinh thái chủ yếu ở đây bao gồm: tham quan nghiên cứu các hệ sinh thái điển hình, du lịch mạo hiểm, du lịch dã ngoại...

Vùng đồng bằng sông Mê Kông: với 2 hệ sinh thái điển hình là đất ngập nước và rừng ngập mặn, không gian hoạt động du lịch sinh thái ở vùng này chủ yếu tập trung ở các tỉnh dọc sông Mekông và các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang. Rừng ngập mặn Cà Mau; Tràm Chim Đồng Tháp - nơi bảo tồn loài sếu cổ trụi; các vườn quốc gia U Minh Thượng, Phú Quốc là những nơi có giá trị đặc biệt cho hoạt động du lịch sinh thái. Ngoài ra, các miệt vườn, đặc biệt trên các cù lao dọc sông Tiền, sông Hậu... là những điểm du lịch sinh thái hấp dẫn của vùng. Tính độc đáo của hoạt động du lịch nói chung, du lịch sinh thái nói riêng ở vùng đồng bằng sông Mekông là du lịch sông nước, miệt vườn.

Đó chỉ là một số loại hình DLST tiêu biểu hiện có và đang được nhiều du khách trong và ngoài nước quan tâm. Trên thực tế còn nhiều loại hình DLST khác đã và đang từng bước đi vào khai thác.

Nghiên cứu và phát triển DLST tại Cô Tô


Đã có một số chuyên đề, luận án thạc sĩ nghiên cứu về điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội cũng như tiềm năng du lịch của huyện đảo Cô Tô như đề tài “Điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên biển quần đảo Cô Tô - Thanh Lân” của Lê Đức An (1992), “Đánh giá điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, kinh tế xã hội, hệ thống đảo ven bờ Việt Nam trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội biển” Lê Đức An (1995) đã xác lập cơ sở khoa học cho sự phát triển kinh tế - xã hội cho các đảo ven bờ ở Việt Nam nói chung và cho huyện đảo Cô Tô nói riêng.

Từ năm 2003 đến năm 2004, Viện Nghiên cứu Hải sản đã phối hợp với Phân viện Hải dương học tại Hải Phòng tiến hành khảo sát, nghiên cứu bổ sung cơ sở khoa học cho việc qui hoạch và quản lý hai Khu bảo tồn biển Cát Bà và Cô Tô. Nội dung chủ

yếu là khảo sát đa dạng sinh học rạn san hô, thảm rong cỏ biển, hệ sinh thái rừng ngập mặn và hệ sinh thái vùng triều. Kết quả nghiên cứu đã góp phần xây dựng quy hoạch và đề xuất kế hoạch quản lý tài nguyên trong khu bảo tồn biển Cát Bà và Cô Tô.

Phạm Hoàng Hải (2007) với Báo cáo tổng kết đề tài “Đánh giá tổng hợp tiềm năng tự nhiên, kinh tế - xã hội; thiết lập cơ sở khoa học và các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho một số huyện đảo” và luận văn Thạc sỹ khoa học Địa lý với đề tài “Nghiên cứu xác lập cơ sở địa lý học phục vụ phát triển du lịch bền vững huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh” của Phạm Thị Hồng Nhung (2008) đã cơ bản hình thành hệ thống cơ sở khoa học về phát triển du lịch và phần nào định hướng phát triển DLST cho huyện đảo Cô Tô.

Mặt khác, ngày 26 tháng 5 năm 2010 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 742/QĐ – TTg về việc phê duyệt Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020, theo đó đến năm 2015 thành lập Khu bảo tồn biển Cô Tô và Khu bảo tồn biển Đảo Trần với tổng diện tích là 12.050 ha. Điều này đã khẳng định giá trị về mặt sinh thái của quần đảo Cô Tô. Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đang tiến hành điều tra, khảo sát lập quy hoạch chi tiết xây dựng và chính thức thành lập Khu bảo tồn biển Cô Tô – Đảo Trần.

CHƯƠNG 2: ĐỊA ĐIỂM, THỜI GIAN, PHƯƠNG PHÁP LUẬN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Địa điểm, thời gian và phạm vi nghiên cứu

2.1.1. Phạm vi nghiên cứu

Nghiên cứu hiện trạng tài nguyên du lịch và định hướng phát triển du lịch sinh thái tại đảo Cô Tô lớn, huyện Cô Tô.

2.1.2. Địa điểm và thời gian nghiên cứu

Huyện đảo Cô Tô nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh, bao gồm toàn bộ diện tích của hơn 40 hòn đảo lớn nhỏ thuộc quần đảo Cô Tô và vùng biển xung quanh. Cách Hạ Long khoảng 70km về phía Đông, với không khí trong lành, bãi biển đẹp và người dân thân thiện, mến khách, trong những năm gần đây Cô Tô nổi lên như một địa điểm du lịch tuyệt vời, thu hút du khách trong và ngoài nước.

Nghiên cứu được thực hiện trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 11 năm 2013. Trong quá trình nghiên cứu, tác giả đã cố gắng cập nhật các số liệu sát với thời gian nghiên cứu, nhằm đưa ra những số liệu gần nhất, chính xác nhất để đề xuất định hướng sát thực cho việc phát triển DLST tại đảo Cô Tô lớn, huyện Cô Tô.

2.2. Nội dung nghiên cứu

Nội dung nghiên cứu của đề tài bao gồm:

1. Cơ sở lý luận về tài nguyên du lịch và du lịch sinh thái.

2. Đặc điểm tài nguyên du lịch của Cô Tô.

3. Hiện trạng ngành du lịch trên đảo, bao gồm: Những điểm du lịch trên đảo; Cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động du lịch: nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi, giao thông, các dịch vụ khác...; Cơ chế, chính sách từ trung ương tới địa phương đối với việc phát triển du lịch.

4. Nghiên cứu, đề xuất định hướng phát triển DLST đối với Cô Tô; từ đó đưa ra các giải pháp thực hiện, cụ thể như các giải pháp kỹ thuật (quy hoạch, phát triển cơ sở vật chất phục vụ du lịch, sử dụng cộng đồng địa phương tham gia hoạt động du lịch nhằm phát triển sinh kế cộng đồng), giải pháp xã hội như giáo dục môi trường…

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 14/06/2022