Kiến Thức Về Chăm Sóc Răng Miệng Của Học Sinh:


Theo xếp loại của WHO cặn bám ở mức độ trung bình cao nhất chiếm 77,6%, cặn bám ở mức độ kém: 9,9%, trong khi đó số HS có răng hoàn toàn sạch, ở mức độ rất tốt chiếm 4,8% và cặn bám ở mức độ tốt: 7,7%. Điều này chứng tỏ các em chưa có ý thức giữ gìn VSRM, có thể do các em chải răng chưa đúng phương pháp nên không làm sạch được cặn thức ăn, cho nên chúng ta cần phải làm tốt hơn nữa công tác chải răng có giám sát sẽ cải thiện được tình trạng cặn bám cho HS.

Tình trạng cao răng ở mức độ trung bình chiếm tỷ lệ: 19,7%, cao răng ở mức độ kém chỉ có 5,0%. Muốn làm giảm tỷ lệ cao răng cho HS cần có cán bộ y tế có chuyên môn lấy cao răng cho các em, nếu chúng ta kiểm soát tốt mảng bám PI, cặn bám răng, cao răng sẽ được kiềm chế.

Tình trạng VSRM của HS nghiên cứu được thể hiện rõ qua bảng 3.13, 3.14, chúng tôi chia tình trạng VSRM thành 2 nhóm lớn thông qua chỉ số OHI-S: Nhóm VSRM tốt (gồm chỉ số OHI-S ở mức độ 0;1), nhóm VSRM không tốt (gồm chỉ số OHI-S ở mức độ 2;3). Bảng 3.13 cho biết tình trạng vệ sinh răng miệng không tốt của HS Quốc Oai cao hơn ở Gia Lâm, sự khác biệt có ý nghĩa thông kê (p <0,05). Có thể do HS huyện Gia Lâm đã triển khai công tác NHĐ nên các em HS biết cách VSRM tốt hơn các em HS huyện Quốc Oai.

Các nghiên cứu trong nước về VSRM ở lứa tuổi 12 rất ít: Theo Chu Thị Vân Ngọc 2008 nghiên cứu trên HS lứa tuổi 11 – 14 tại Hoàng Mai Hà Nội cho kết quả lứa tuổi 12 về chỉ số OHI-S như sau: OHI-S ở mức độ 0: 29,8%; mức độ 1: 46,8%, mức độ 2: 23,4% [27]. Theo Lê Bá Nghĩa nghiên cứu trên HS trường trung học cơ sở Tân Mai Hoàng Mai Hà Nội cho kết quả như sau: Tình trạng VSRM tốt chiếm tỷ lệ 60,7%, nhóm học sinh có tình trạng VSRM không tốt chiếm tỷ lệ 39,3%, tình trạng VSRM giữa HS nam và nữ khác nhau nhưng không có ý nghĩa thông kê [26].


So sánh với kết quả nghiên cứu của chúng tôi thì tình trạng VSRM tốt của Chu Thị Vân Ngọc, Lê Bá Nghĩa cao hơn. Có sự khác nhau này là do HS huyện Quốc Oai chưa triển khai chương trình NHĐ nên HS chưa biết cách VSRM hoặc những năm gần đây ở những quận nội thành của Hà Nội có sự phát triển mạnh mẽ các phòng khám RHM tư nhân nên việc tiếp cận và được CSRM của các em cũng được nâng cao.

Một số nghiên cứu của tác giả nước ngoài: Theo Cesar Mexia de Almeida và CS năm 2003 nghiên cứu trên 800 HS 12 tuổi cho kết quả như sau: OHI-S mức độ 0: 5,3%, mức độ 1: 18,4%, mức độ 2: 74,5%, mức độ 3: 1,9% [72]

Theo Mohammed Redman nghiên cứu trên 242 HS 11 – 14 tuổi ở Pakistan cho kết quả về VSRM như sau: OHI-S mức độ 0; 1: 36,4%, mức độ 2: 60,3%, mức độ 3: 3,3% [97]. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cũng gần tương tự với hai tác giả trên.

Balwant Rai và CS nghiên cứu ở HS 9 - 12 tuổi đã nghi nhận tình trạng VSRM ở HS nam và nữ không có sự khác biệt. Điều này cũng được một số tác giả khác nghi nhận về tình trạng VSRM giữa HS nam và nữ khác nhau không có ý nghĩa thống kê như nghiên cứu trên 280 HS lứa tuổi 12 – 13 ở một thành phố đông Nepal [64].

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 174 trang tài liệu này.

Qua phân tích các thành phần của chỉ số VSRM đơn giản chúng ta có thể biết được kỹ năng thực hành về chăm sóc RM của HS chưa tốt, tình trạng VSRM không tốt còn cao, tuy nhiên chỉ số cao răng ở mức độ trung bình và kém không cao, chỉ số cặn bám trung bình và kém cao nên việc can thiệp để giải quyết tình trạng cặn bám cho HS sẽ đơn giản và mang lại hiệu quả nhanh hơn.


Đánh giá hiệu quả kiểm soát mảng bám răng trong dự phòng sâu răng, viêm lợi ở học sinh 12 tuổi tại một số trường ở ngoại thành Hà Nội - 15

4.1.2. Kiến thức, thái độ, thực hành của HS về CSRM


Một trong những biện pháp phòng bệnh RM cho HS đó là tuyên truyền giáo dục nha khoa giúp HS có những kiến thức, thái độ, thực hành tốt trong việc giữ gìn VSRM. Trong nghiên cứu này để đánh giá kiến thức, thái độ, thực hành trong việc phòng bệnh sâu răng, viêm lợi của HS chúng tôi tiến hành phỏng vấn trực tiếp các em qua bộ câu hỏi.

4.1.2.1. Kiến thức về chăm sóc răng miệng của học sinh:

Theo kết quả nghiên cứu ở bảng 3.15 học sinh ở hai huyện có tỷ lệ điểm kiến thức CSRM ở các mức độ khác nhau xếp theo thứ tự từ cao đến thấp: Trung bình: 61,3%, khá: 20,5%, giỏi: 18,2%, sự khác biệt giữa các tỷ lệ về mức điểm kiến thức có ý nghĩa thống kê (p<0,05), sự khác nhau này có thể do chương trình Nha Học Đường đã góp phần giáo dục các em kiến thức về phòng bệnh RM.

Như vậy các em có kiến thức khá, giỏi (38,8%) chiếm tỷ lệ thấp, phải chăng các em chưa có được nhiều thông tin hiểu biết về bệnh răng miệng. Thầy cô giáo cũng như bố mẹ các em chưa quan tâm đúng mức đến bệnh RM, nên chúng ta phải tuyên truyền, giáo dục cho các em hiểu biết kiến thức bệnh RM. Chương trình NHĐ cần được tăng thêm số tiết dạy cho các em về kiến thức nha khoa vì từ chỗ các em có kiến thức đúng mới có thái độ và thực hành đúng để chăm sóc RM, giúp cho các em có một hàm răng khỏe mạnh.

4.1.2.2. Thái độ về chăm sóc răng miệng của học sinh:

* Chải răng

Chải răng không chỉ đơn thuần làm sạch cặn thức ăn, phòng chống việc hình thành mảng bám răng mà còn sử dụng fluor tại chỗ phòng sâu răng và viêm lợi vì fluor chỉ có tác dụng lên mặt nhẵn của răng với điều kiện mặt răng phải sạch, không có mảng bám răng (trong kem đánh răng có fluor).


Ở bảng 3.17 cho thấy chỉ 38,1% trẻ đồng ý phải chải răng sau bữa ăn chính. Như vậy các em chưa thật sự hiểu rõ về lợi ích của việc chải răng đối với việc bảo vệ sức khoẻ răng miệng nên có thái độ không đúng về vấn đề này.

* Khám răng định kỳ:

Khám răng định kỳ là 6 – 12 tháng khám một lần, mục đích là phát hiện sớm những trường hợp sâu răng, viêm lợi để điều trị sớm tránh tai biến, nhổ những răng sữa lung lay đã đến tuổi thay, trám bít hố rãnh để phòng sâu răng.

Trong 1022 em chúng tôi phỏng vấn chỉ có 251 em (chiếm 24,6% - bảng 3.17) đồng ý phải khám răng định kỳ. Tỷ lệ này rất thấp, sở dĩ có tỷ lệ này do các em không hiểu đi khám răng định kỳ cũng là một phương pháp phòng bệnh răng miệng rất tốt.

* Đau răng

Kết quả ở bảng 3.17 cho chúng ta biết chỉ có 39,9% em HS đồng ý khi đau răng phải đến gặp bác sĩ để khám, điều này cho thấy các em chưa có thói quen đi khám răng, có tâm lý rất sợ khi phải đến gặp bác sĩ nên có tới 58,9% các em lưỡng lự khi được hỏi về vấn đề này.

*Kem chải răng

Hiện nay có rất nhiều loại kem đánh răng dành cho các em nhỏ, hương vị khác nhau như dâu, cam...không bị hăng cay khi chải răng, công thức đặc biệt tinh khiết, gồm có fluor và calcium phù hợp với sự phát triển răng của các em. Do vậy các em không sợ và thích dùng kem đánh răng để chải răng.

Kết quả ở bảng 3.17 cho biết có 429 em (chiếm 42,0%) trả lời đồng ý phải dùng kem đánh răng để chải răng là biện pháp phòng các bệnh răng miệng. Điều này chứng tỏ các em có kiến thức tương đối tốt, biết sử dụng kem đánh răng để chải răng có tác dụng phòng các bệnh răng miệng, tuy nhiên có tới 58,0% các em


không hiểu rõ được tác dụng của kem đánh răng mang lại khi chải răng, nên có

thái độ không đúng về vấn đề này.

4.1.2.3. Thực hành về chăm sóc răng miệng của học sinh

Đối với vấn đề thực hành chải răng sau bữa ăn hiện nay chỉ có 230 em (chiếm 22,5%) sau bữa ăn chính vệ sinh răng miệng bằng chải răng. Kết quả ở bảng 3.17 cho thấy có 38,1% HS đồng ý phải chải răng sau bữa ăn chính. Điều đó cho thấy từ thái độ đến thực hành còn một khoảng cách rất lớn. Một số em có thái độ đúng về việc phải chải răng sau khi ăn cơm, nhưng do thói quen sau khi ăn cơm xong chỉ súc miệng hay dùng tăm răng, đây là một thói quen không tốt của các em, bởi vì nó không làm sạch được hết cặn thức ăn, hình thành nên mảng bám răng, có ảnh hưởng rất nhiều tới sức khoẻ răng miệng, nên chúng ta phải tuyên truyền, giáo dục cho các em hiểu để bỏ thói quen này. Chúng ta phải làm tốt hơn nữa công tác chải răng có giám sát ở trường cũng như ỏ nhà.

Kết quả phỏng vấn trực tiếp của chúng tôi còn cho biết có tới 618 em chải răng một lần/ngày, chiếm 60,5% (bảng 3.18). Tỷ lệ này khá cao, do thói quen hàng ngày các em chải răng thường vào buổi sáng trước khi ngủ dậy, còn sau bữa ăn chính, các em đều không chải răng, đây là một thói quen không tốt cho sức khoẻ răng miệng, nên ngoài việc tuyên truyền, giáo dục các em hiểu lợi ích của việc chải răng, các bậc phụ huynh cũng như thầy cô giáo phải gương mẫu thực hiện và giám sát các em thực hiện chải răng.

Kết quả ở bảng 3.19 cho biết chỉ 40,3% các em thực hành chải răng đúng phương pháp, chải đủ được ba mặt của răng, còn phần đông các em chải răng không đúng phương pháp thường chải ngang, nên thực trạng VSRM của các em không tốt. Vì vậy biện pháp chải răng có giám sát ở nhà trường vô cùng quan trọng giúp các em biết cách chải răng đúng cách, đúng thời điểm. Hơn nữa còn giúp cho các em có một thói quen tốt để phòng bệnh RM.


Về thời gian chải răng mỗi lần: Có 713 em HS chải răng dưới 3 phút chiếm tỷ lệ 65,3% (bảng 3.20) và chỉ 30,2% chải răng nhiều hơn 3 phút. Điều đó cho thấy các em chưa biết tác dụng quan trọng của chải răng để phòng bệnh RM (chải răng ≥ 3 phút mới đủ thời gian cho fluor từ kem ngấm vào men răng làm cho men răng cứng hơn, đề kháng tốt hơn với sâu răng). Thông thường các em chải răng không kỹ nên tình trạng VSRM không tốt.

*Vai trò của Fluor

Nhận thức tầm quan trọng của fluor trong việc phòng bệnh sâu răng, các nhà khoa học khuyến cáo dùng fluor theo đường toàn thân như: Fluor hoá nước uống, đưa fluor vào muối ăn, sữa, viên fluor và sử dụng fluor tại chỗ như: Nước súc miệng, kem đánh răng, gel fluor [30]. Hiện nay ở Việt Nam chương trình nha học đường (chỉ được triển khai ở học sinh tiểu học) đang sử dụng fluor 0,2% để súc miệng cho học sinh. Biện pháp dùng nước súc miệng bằng fluor 0,2% hàng tuần tại trường học đã được áp dụng từ nhiều thập kỷ qua ở rất nhiều nước trên thế giới và có nhiều nghiên cứu đã khẳng định tính khoa học và hiệu quả của fluor. Hiện nay hầu hết các tỉnh thành trong cả nước đã thực hiện biện pháp này. Theo kết quả nghiên cứu của Nguyễn Văn Tín: Thực trạng sâu răng ở học sinh có và không dùng nước súc miệng fluor ở Hà Nội năm 2004 cho thấy rõ hiệu quả phòng bệnh sâu răng bằng fluor: Sau 5 năm áp dụng riêng lẻ biện pháp súc miệng bằng fluor 0,2% một lần/ tuần trong 2 phút tại trường thì tỷ lệ sâu răng giảm 32,5%, chỉ số SMT giảm 79,4% [45].

Trong 1022 em được hỏi có 510 em (chiếm 49,9% - bảng 3.22) trả lời ở trường (từ tiểu học đến nay) không được súc miệng bằng fluor. Tỷ lệ này tương đối cao, do HS huyện Quốc Oai chưa được triển khai chương trình NHĐ.


*Chỉ nha khoa

Theo kết quả phỏng vấn trực tiếp của chúng tôi cho thấy có 951 em không dùng chỉ nha khoa để làm sạch mặt bên của răng, chiếm 93,1% (bảng 3.22). Tỷ lệ cao này do hầu hết các em không có kiến thức về chỉ nha khoa cũng như cách vệ sinh răng miệng bằng chỉ nha khoa.

Thực tế hiện nay thói quen sinh hoạt hàng ngày của người dân nước ta dùng tăm răng để xỉa răng sau ăn. Tăm răng được mua dễ dàng, 100% hộ gia đình, nhà hàng, quán ăn có tăm răng. Sau bữa ăn các cháu lấy tăm cho ông bà, bố mẹ là thể hiện sự tôn kính, lễ phép trong gia đình cho nên đã đi vào tiềm thức của các em, đây là thói quen không tốt cho sức khoẻ răng miệng vì khi dùng tăm để làm sạch mặt bên của răng gây tổn thương lợi dẫn đến viêm lợi, tụt lợi. Việc dùng chỉ nha khoa để làm sạch cặn thức ăn ở mặt bên của răng rất tốt, tránh được những chấn thương lợi do tăm răng gây ra. Chúng tôi nghĩ rằng cần tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn các em phương pháp vệ sinh răng miệng bằng chỉ nha khoa để các em có hàm răng khoẻ mạnh, dần bỏ thói quen dùng tăm xỉa răng.

*Ăn uống

Kết quả bảng 3.23 cho biết có 68,8% em HS ăn uống đồ ngọt nhiều lần trong một ngày, tỷ lệ này rất cao, đây là một nguy cơ làm cho bệnh RM gia tăng. Bảng 3.23 còn cho biết chỉ 4,1% các em HS sau khi ăn uống đồ ngọt xong chải răng. Tỷ lệ này rất thấp, một thói quen không tốt cho sức khỏe RM, nhiều em, do ngại mà không chải răng sau khi ăn uống đồ ngọt. Cần tuyên truyền, giáo dục cho các em hiểu và có ý thức phòng bệnh răng miệng.

*Khám răng định kỳ

Kết quả nghiên cứu của Han Jiang, Poul Erik Petersen, Bin Peng, et al (2005) trên 2662 học sinh 3 lứa tuổi (11,13, 15) ở 8 thành phố Trung Quốc

cho thấy 26,0% đi khám răng định kỳ [87].


Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy: Tỷ lệ khám răng định kỳ

20,0%, thấp hơn tại Trung Quốc.

Theo kết quả nghiên cứu của Bin Peng, Baojun Tai, et al (2004): Đánh giá hiệu quả chương trình giáo dục sức khoẻ răng miệng cơ bản tại thành phố Wuhan Trung Quốc cho thấy: Những trẻ ở các trường thực nghiệm lựa chọn việc chăm sóc răng miệng thông thường như chải răng sau ăn, sử dụng kem đánh răng có fluor, ít sử dụng bánh kẹo, khám răng định kỳ, làm giảm tỷ lệ mắc bệnh sâu răng, viêm lợi [69].

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cao hơn kết quả nghiên cứu của Trần Văn Trường (10,6%) [50], nhưng thấp hơn so với kết quả của Lê Bá Nghĩa (23,5%) [26], sự khác nhau này là do những năm gần đây mạng lưới phòng khám RHM tư nhân phát triển mạnh ở Hà Nội nên các em được tiếp cận với dịch vụ này nhiều hơn.

Thực tế khám chúng tôi thấy một số em đến trường trong tình trạng vệ sinh răng miệng rất kém: Hơi thở hôi, răng lợi bẩn, nhiều cao răng. Nhiều em trong miệng còn giắt nhiều thức ăn, răng vĩnh viễn mọc chồi lên lệch ra khỏi cung hàm, các răng sâu không được hàn gây biến chứng viêm tuỷ, abces, dò mủ. Có những em có tới 6 răng sâu không được xử trí, có những răng số 6 vừa mọc nên đã sâu nhưng không được điều trị. Kết quả trên cho thấy một số em thực hành chăm sóc răng miệng còn kém. Từ kiến thức đến thái độ đến thực hành còn một khoảng cách khá xa. Cha mẹ chưa quan tâm đúng mức tới tình trạng răng miệng của các em, không nhắc nhở, động viên tạo thói quen cho các em chăm sóc răng miệng. Phải chăng số tiết giáo dục kiến thức cơ bản về nha khoa tại trường còn chưa đủ, hay do nhận thức của cha mẹ, thầy cô về bệnh răng miệng còn nhiều hạn chế, đó là những yếu tố thuận lợi làm cho bệnh răng miệng ngày một gia tăng như hiện nay.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 04/11/2022