Phân Công Trách Nhiệm Về Quản Lý Môi Trường Làng Nghề

PHẦN B. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT VỀ BẢO VỀ MÔI TRƯỜNG ĐỐI VỚI CÁC LÀNG NGHỀ‌

3.6. Hiện trạng văn bản quy phạm pháp luật

3.6.1. Cấp Trung ương

- Điều 38, Luật BVMT năm 2005 đã quy định về BVMT làng nghề như sau: “Việc quy hoạch, xây dựng, cải tạo và phát triển làng nghề phải gắn với BVMT; UBND cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thống kê, đánh giá mức độ ô nhiễm của các làng nghề trên địa bàn và có kế hoạch giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường của làng nghề; Cơ sở sản xuất trong các KCN, CCN và làng nghề phải thực hiện các yêu cầu về BVMT: xử lý nước thải; thu gom và vận chuyển chất thải rắn; quản lý chất thải nguy hại và đóng góp kinh phí xây dựng kết cấu hạ tầng về BVMT, nộp đầy đủ các phí BVMT”.

Luật BVMT xây dựng riêng một điều quy định về công tác BVMT đối với làng nghề và những yêu cầu cần phải tuân thủ để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, trách nhiệm của UBND cấp tỉnh về quản lý BVMT làng nghề. Tuy nhiên, để có thể áp dụng được vào thực tế cần có các văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện về công tác BVMT làng nghề.

- Các văn bản hướng dẫn thi hành Luật BVMT: Đến nay, các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật BVMT đã được xây dựng để áp dụng cho mọi đối tượng sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, không phân biệt nằm trong khu vực nông thôn, làng nghề, khu đô thị, công nghiệp hay các khu vực khác.

Điều này không phù hợp với những yếu tố đặc thù và khách quan của làng nghề, nhiều văn bản khi áp dụng vào khu vực sản xuất làng nghề không khả thi, hiệu lực triển khai rất thấp.

- Các văn bản có liên quan:

+ Quyết định số 132/2000/QĐ-TTg ngày 24/11/2000 do Thủ tướng Chính phủ ban hành về một số chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn, trong đó quy định các đối tượng, loại hình ngành nghề nông thôn được khuyến khích, hình thức khuyến khích (ưu tiên, ưu đãi về đất đai; đầu tư, tín dụng; thuế, phí; thông tin thị trường; khoa học, công nghệ và môi trường...), cũng như giao trách nhiệm cho các ngành, các cấp chính quyền địa phương và cơ sở sản xuất về xử lý chất thải, bảo đảm

vệ sinh môi trường, thực hiện việc di chuyển cơ sở gây ô nhiễm môi trường đến địa điểm thích hợp.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 113 trang tài liệu này.

+ Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07/07/2006 của Chính phủ về Phát triển ngành nghề nông thôn, trong đó quy định một số nội dung liên quan đến BVMT như: quy hoạch tổng thể phát triển ngành nghề nông thôn gắn với BVMT; các dự án đầu tư đòi hỏi nghiêm ngặt về xử lý ô nhiễm môi trường, bảo đảm yêu cầu nghiên cứu, sản xuất sản phẩm mới thì được ưu tiên giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất tại các KCN, CCN tập trung; các cơ sở, ngành nghề nông thôn di dời ra khỏi khu dân cư đến địa điểm quy hoạch được ưu đãi về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất và hỗ trợ kinh phí để di dời. Về đầu tư, tín dụng có quy định: “ngân sách địa phương hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và xử lý môi trường cho các làng nghề, cụm cơ sở ngành nghề nông thôn”.

+ Thông tư số 116/2006/TT-BNN ngày 18/12/2006 của Bộ NN&PTNT hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07/07/2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn; Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 113/2006/TT-BTC ngày 28/12/2006 về việc hướng dẫn một số nội dung về ngân sách nhà nước hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn theo Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07/07/2006 của Chính phủ trong đó có quy định một trong các nội dung được hưởng hỗ trợ bao gồm “Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và xử lý môi trường cho các làng nghề, cụm cơ sở ngành nghề nông thôn”, với các quy định cụ thể về định mức hỗ trợ, nguồn tài chính hỗ trợ để triển khai thực hiện.

Đánh giá hiện trạng môi trường làng nghề và việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường làng nghề tại một số tỉnh Bắc Bộ - 11

Thông tư số 116/2006/TT-BNN đã xây dựng các tiêu chí phân loại, công nhận làng nghề, làng nghề truyền thống khi áp dụng vào thực tế đã tồn tại nhiều vấn đề không hợp lý dẫn đến con số thống kê số lượng làng nghề hiện nay không thống nhất. Thông tư số 113/2006/TT-BTC vẫn chưa có hướng dẫn thực hiện cụ thể về việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng làng nghề như thế nào, việc xử lý môi trường làng nghề ra sao, cơ quan nào thực hiện và cơ quan nào quản lý...

- Nhiều văn bản quy phạm pháp luật tuy không quy định cụ thể đối với làng nghề nhưng phạm vi điều chỉnh bao gồm cả đối tượng làng nghề, trong đó quan trọng phải kể đến là:

* Nghị định số 67/2003/NĐ-CP ngày 13/06/2003 của Chính phủ về phí BVMT đối với nước thải; Nghị định số 04/2007/NĐ-CP ngày 08/01/2007 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67/2003/NĐ-CP ngày 13/06/2003 của Chính phủ về phí BVMT đối với nước thải; Thông tư liên tịch số 125/2003/TTLT-BTC-BTNMT ngày 18/12/2003 của liên Bộ Tài chính - Bộ TN&MT hướng dẫn thực hiện Nghị định số 67/2003/NĐ-CP ngày 13/06/2003 của Chính phủ về phí BVMT đối với nước thải; Thông tư liên tịch số 106/2007/TTLT/BTC-BTNMT ngày 06/09/2007;

* Nghị định số 59/2007/NĐ-CP ngày 09/04/2007 về quản lý chất thải rắn; Thông tư số 13/2007/TT-BXD ngày 31/12/2007 của Bộ Xây dựng hướng dẫn một số điều của Nghị định số 59/2007/NĐ-CP; Nghị định số 174/2007/NĐ-CP ngày 29/11/2007 của Chính phủ về phí BVMT đối với chất thải rắn; Thông tư số 39/2008/TT-BTC ngày 19/05/2008 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 174/2007/NĐ- CP ngày 29/11/2007 của Chính phủ về phí BVMT đối với chất thải rắn;

* Thông tư số 12/2011/TT-BTNMT ngày 14/04/2011 của Bộ TN&MT quy định về quản lý chất thải nguy hại, trong đó quy định chi tiết: điều kiện hành nghề vận chuyển và xử lý, tiêu hủy chất thải nguy hại; thủ tục lập hồ sơ, đăng ký chủ nguồn thải, cấp phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại, mã số quản lý chất thải nguy hại; nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ nguồn thải, chủ vận chuyển, chủ xử lý, tiêu huỷ chất thải nguy hại;

* Thông tư số 07/2007/TT-BTNMT ngày 03/07/2007 của Bộ TN&MT hướng dẫn phân loại và quyết định danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường cần phải xử lý.

Tuy nhiên, do các quy định không xét đến tính đặc thù riêng của làng nghề nên đến nay, tại các làng nghề việc thu phí BVMT đối với chất thải, quản lý chất thải nguy hại… không được thực hiện.

3.6.2. Cấp địa phương

Một số địa phương có làng nghề đã chú ý đến việc ban hành các văn bản liên quan đến làng nghề, cụ thể:

- Quyết định số 554/QĐ-UBND ngày 27 tháng 01 năm 2011 của UBND thành phố Hà Nội phê duyệt đề án bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề Hà Nội giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2020.

- Quyết định số 22/2008/QĐ-UBND ngày 02 tháng 5 năm 2008 của UBND thành phố Hà Nội ban hành “Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển nghề và làng nghề Hà Nội”.

- Quyết định số 64/QĐ-UBND ngày 23/5/2011 của UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành Quy chế BVMT làng nghề, cụm công nghiệp tỉnh Bắc Ninh.

- Quyết định số 2032/QĐ-UBND ngày 07 tháng 11 năm 2007 của UBND tỉnh Hưng Yên về việc phê duyệt chương trình phát triển công nghiệp - TTCN giai đoạn 2006 - 2010.

- Quyết định số 13/2009/QĐ-UBND ngày 13 tháng 5 năm 2009 của UBND tỉnh Hải Dương quy định về công nhận làng nghề công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hải Dương.

- Quyết định số 56/QĐ-UBND ngày 19 tháng 11 năm 2008 của UBND tỉnh Hải Dương ban hành quy định BVMT ở khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

- Quyết định số 22/2006/CT-UBND ngày 19 tháng 10 năm 2006 của UBND tỉnh Nam Định về việc triển khai thi hành Luật BVMT năm 2005.

Các văn bản này trên thực tế đã góp phần vào công tác BVMT, định hướng phát triển bền vững làng nghề. Tuy nhiên, dù đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng quản lý môi trường làng nghề vẫn đang còn có nhiều tồn tại, bất cập chưa được giải quyết ở các mức độ và cấp độ quản lý khác nhau.

3.6.3. Việc ban hành tiêu chuẩn môi trường và quy chuẩn kỹ thuật về môi trường có liên quan đến làng nghề

Hiện nay, Bộ TN&MT đã nghiên cứu, xây dựng chuyển đổi hoặc ban hành nhiều Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, trong đó có các quy chuẩn thải và quy chuẩn chất lượng môi trường xung quanh.

Tuy nhiên, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường được ban hành và áp dụng cho mọi đối tượng sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; không phân biệt đối tượng có nằm trong làng nghề hay không. Khi xây dựng các quy chuẩn này, mục tiêu là tập trung vào các đối tượng là cơ sở sản xuất công nghiệp. Vì vậy, trên thực tế khi áp dụng các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với các cơ sở TTCN trong làng nghề đã gặp nhiều khó khăn do năng lực xử lý chất thải của các cơ sở này rất hạn chế. Nếu căn cứ theo quy chuẩn thải hiện hành để áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm

hành chính đối với các cơ sở trong làng nghề thì tất cả các cơ sở đều bị xử phạt, thậm chí không ít trường hợp, mức xử phạt còn vượt quá năng lực thi hành của các cơ sở sản xuất. Hơn nữa, dù có vi phạm và bị xử phạt, các cơ sở đang vi phạm do những điều kiện chủ quan và khách quan cũng không thể khắc phục ngay được tình trạng xả thải vượt quy chuẩn trong một thời gian ngắn. Chính điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến tính khả thi và hiệu lực pháp lý của các quy định hiện hành.

Trong thời gian tới, cần nghiên cứu và ban hành các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường phù hợp với thực trạng năng lực sản xuất và khả năng đầu tư, xử lý chất thải của làng nghề (thông qua các hệ số và lộ trình áp dụng Quy chuẩn).

3.7. Phân công trách nhiệm về quản lý môi trường làng nghề

- Theo Luật BVMT năm 2005:

+ Tại Điều 38, Luật BVMT quy định trách nhiệm BVMT làng nghề cho UBND cấp tỉnh: “chỉ đạo, tổ chức thống kê, đánh giá mức độ ô nhiễm của các làng nghề trên địa bàn và có kế hoạch giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường của làng nghề bằng các biện pháp: cải tạo, nâng cấp hoặc xây mới hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung; xây dựng khu tập kết chất thải rắn; quy hoạch cụm, KCN làng nghề để di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra khỏi khu dân cư”.

+ Tại Khoản 4 Điều 121 về trách nhiệm quản lý nhà nước về BVMT của Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã phân công: “Bộ NN&PTNT có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ TN&MT, Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan và UBND cấp tỉnh để chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về BVMT và các quy định khác của pháp luật có liên quan đối với sản xuất, nhập khẩu, sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, chất thải trong nông nghiệp; đối với quản lý giống cây trồng, giống vật nuôi biến đổi gen và sản phẩm của chúng; đối với hệ thống đê điều, thủy lợi, khu bảo tồn rừng và nước sạch phục vụ cho sinh hoạt ở nông thôn”.

+ Tại Khoản 7 Điều 121 quy định: “Bộ Xây dựng có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ TN&MT, Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan và UBND cấp tỉnh để chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về BVMT và các quy định khác của pháp luật có liên quan đối với các hoạt động xây dựng kết cấu

hạ tầng cấp nước, thoát nước, xử lý CTR và nước thải đô thị, khu sản xuất dịch vụ tập trung, cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, làng nghề và khu dân cư nông thôn tập trung”.

+ Tại Điều 126 về trách nhiệm thực hiện kiểm tra, thanh tra BVMT thì Bộ trưởng Bộ TN&MT và Chủ tịch UBND cấp tỉnh có trách nhiệm kiểm tra và ra quyết định thanh tra hoạt động BVMT theo quy định của Luật BVMT và các quy định khác của pháp luật về thanh tra.

- Theo các Nghị định của Chính phủ về phân công nhiệm vụ, quyền hạn của các Bộ:

+ Tại khoản 8 Điều 2 Nghị định số 25/2008/NĐ-CP ngày 04/03/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ TN&MT quy định “Bộ TN&MT có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BVMT” nói chung và BVMT làng nghề nói riêng.

+ Tại Khoản 23 Điều 2 Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ NN&PTNT quy định “Bộ NN&PTNT có trách nhiệm thanh tra, kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường, BVMT sinh thái, an toàn vệ sinh lao động trong hoạt động nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản, thủy lợi và làng nghề nông thôn”.

+ Tại khoản 16 Điều 2 Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương đã giao cho Bộ Công Thương quản lý các cụm, điểm công nghiệp và doanh nghiệp công nghiệp ở địa phương.

+ Tại khoản 7 Điều 2 Nghị định số 17/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng không đề cập đến làng nghề, chỉ quy định trách nhiệm quản lý hạ tầng kỹ thuật đối với đô thị, KCN, KKT, khu công nghệ cao, bao gồm: kết cấu hạ tầng giao thông đô thị; cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, chiếu sáng, công viên cây xanh, nghĩa trang, rác thải.

+ Theo Quyết định số 132/2008/QĐ-TTg ngày 30/09/2008 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng cục Môi trường như sau: “kiểm soát chất lượng môi trường tại các làng nghề; kiểm tra việc xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; điều tra, thống kê, dự báo và thống nhất quản lý nhà nước về chất thải và nguồn gây ô nhiễm khác trên phạm vi cả nước”.

Như vậy, về phân công trách nhiệm: quản lý các cơ sở sản xuất là “doanh nghiệp công nghiệp” thì do ngành Công Thương; quản lý các cơ sở (trong đó có cả doanh nghiệp) “hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản, diêm nghiệp” thì do ngành NN&PTNT. Các tổ chức, cá nhân “sản xuất nông nghiệp” thuộc trách nhiệm quản lý của ngành NN&PTNT.

Có thể nhận thấy sự chồng chéo về phân công trách nhiệm đối với “doanh nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản”. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc nhóm ngành nghề tái chế, dệt nhuộm… không được giao cho ngành nào quản lý.

Trách nhiệm quản lý sản xuất phải gắn liền với trách nhiệm xử lý chất thải từ quá trình sản xuất và giảm thiểu các tác động đến môi trường từ quá trình sản xuất. Để thống nhất trong chỉ đạo, điều hành, việc phân công trách nhiệm cần phải được xem xét lại cho phù hợp, không để tình trạng cùng là làng nghề, nhưng nằm ở nông thôn và đô thị; cùng là làng nghề nhưng sản xuất các sản phẩm khác nhau; cùng một nhóm đối tượng trên cùng một địa bàn (hộ thuần nông và hộ sản xuất nghề; hoặc hộ sản xuất nghề thuộc lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản và nghề muối và hộ sản xuất nghề thuộc các nhóm ngành nghề khác) mà lại thuộc hai Bộ/ngành quản lý khác nhau, vừa chồng chéo, khó thực hiện lại vừa lãng phí nguồn lực.

Riêng quy định về phân công trách nhiệm thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực BVMT đối với đối tượng sản xuất trong làng nghề là chưa rò. Trên cùng một địa bàn làng nghề, nếu là doanh nghiệp công nghiệp thì thuộc trách nhiệm của ngành Công Thương; hộ thuần nông, hộ sản xuất cá thể trong lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản thuộc ngành NN&PTNT; cơ sở gây ô nhiễm môi trường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc ngành TN&MT. Như vậy, nhiều bộ/ngành được phân công như trên, nhưng trên thực tế, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình thi hành pháp luật nói chung và pháp luật về BVMT nói riêng tại các làng nghề là chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

- Theo các văn bản khác:

+ Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07/07/2006 của Chính phủ về Phát triển ngành nghề nông thôn có quy định một số nội dung liên quan đến trách nhiệm BVMT làng nghề như sau:

* Điều 5 về Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn: “Bộ NN&PTNT xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển ngành nghề nông thôn của cả nước. UBND cấp tỉnh xây dựng quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn”.

* Điều 7 về Mặt bằng sản xuất có quy định: “UBND các cấp căn cứ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch tổng thể, định hướng phát triển ngành nghề nông thôn đã được phê duyệt, lập quy hoạch xây dựng làng nghề, cụm cơ sở ngành nghề phù hợp yêu cầu phát triển sản xuất, BVMT, gắn sản xuất với tiêu thụ, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt”.

Quyết định số 132/2000/QĐ-TTg ngày 20/04/2000 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn có giao cho Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (trước đây) nay là Bộ TN&MT và Bộ Khoa học và Công nghệ, có trách nhiệm “tổ chức, chỉ đạo và dành nguồn kinh phí cần thiết trong kế hoạch hàng năm cho việc nghiên cứu và chuyển giao công nghệ xử lý chất thải, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường trong ngành nghề nông thôn”; Bộ NN&PTNT có trách nhiệm phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tiến hành quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn phục vụ phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn. UBND cấp tỉnh có trách nhiệm quy hoạch chi tiết; xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển sản xuất; chỉ đạo bảo đảm vệ sinh môi trường; thực hiện thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở trong làng nghề chấp hành các quy định của pháp luật (trong đó có các quy định của pháp luật về BVMT).

Nhiều nội dung trong Quyết định số 132/2000/QĐ-TTg, cho đến thời điểm hiện nay vẫn rất có giá trị thực tiễn. Tuy nhiên, việc giao cho Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (trước đây), nay là Bộ TN&MT “có trách nhiệm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường trong ngành nghề nông thôn” là chưa phù hợp. Bộ TN&MT, theo phân công về chức năng, nhiệm vụ, chỉ có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra tình hình thực hiện. Việc tổ chức “giải quyết tình trạng ô nhiễm” phải do các ngành chủ quản và chính quyền địa phương trực tiếp quản lý thực hiện thì mới phù hợp với thực tiễn và quy định của pháp luật. Việc phân công trách nhiệm về “quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn” cho Bộ NN&PTNT lại không phù hợp với quy định tại Điều 121 Luật BVMT. Vì vậy, Quyết định này cần sớm được nghiên cứu và sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 14/06/2022