Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo báo điện tử trong giai đoạn hiện nay - 1


MỞ ĐẦU

1. Tính cấp thiết của đề tài

Báo chí cách mạng Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, góp phần nâng cao nhận thức, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, thúc đẩy phong trào hành động cách mạng, đưa sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc đến thắng lợi. Hiện nay, Đảng và nhân dân ta đang thực hiện sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN). Đây là sự nghiệp cách mạng vĩ đại, nhưng đầy khó khăn, thử thách. Trong sự nghiệp đó, Đảng cần phát huy vai trò của báo chí để báo chí tham gia, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao tính tự giác cách mạng của các tầng lớp nhân dân, tranh thủ thời cơ, khắc phục các nguy cơ, thật sự xứng đáng là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và diễn đàn của nhân dân.

Báo chí nước ta hiện nay đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Báo chí phải không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; bảo đảm tính tư tưởng, tính chân thật, tính nhân dân, tính chiến đấu và tính đa dạng của hoạt động báo chí, góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới. Để đáp ứng yêu cầu đó, Nghị quyết Hội nghị Trung ương năm khóa X “về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới” yêu cầu phải đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động báo chí.

Báo điện tử là loại hình báo chí mới, truyền tải thông tin trên các trang thông tin điện tử. Báo điện tử ra đời từ sự kết hợp của ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông. Báo điện tử có tác dụng và tiện ích hơn hẳn các loại hình báo chí truyền thống, với dung lượng thông tin rất lớn, tương tác thông tin nhanh, phát hành không bị trở ngại về không gian, thời gian, biên giới quốc gia. Đặc điểm nội bật nhất của báo điện tử là thông tin luôn được cập nhật và độc giả


có thể đọc mọi lúc, mọi nơi, rất tiện lợi. Một đặc điểm quan trọng nữa của báo điện tử là tính tương tác rất cao với người viết, có thể tạo ra giao lưu với người đọc bằng nhiều hình thức khác nhau. Với những ưu điểm đó, báo điện tử ngày càng trở nên gần gũi với cộng đồng, có ảnh hưởng to lớn đến đời sống xã hội.

Kể từ khi xuất hiện đến nay, hệ thống báo điện tử ở Việt Nam phát triển khá nhanh và mạnh. Báo điện tử đã bám sát thực tiễn đời sống xã hội, thực hiện đúng sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, thông tin nhanh nhạy, toàn diện về mọi diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội trong nước và thế giới.

Ngày 22-7-2005, Ban Bí thư (BBT) Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 52-CT/TW “về phát triển và quản lý báo điện tử ở nước ta hiện nay”. Thực hiện Chỉ thị của BBT, Ban Tư tưởng - Văn hóa (TT-VH) Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) đã có các văn bản hướng dẫn, Bộ Văn hóa - Thông tin đã ban hành các văn bản quản lý đối với báo điện tử. Các cơ quan lãnh đạo và quản lý đã hình thành cơ chế lãnh đạo, quản lý đối với các báo điện tử, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh. Cấp ủy, thủ trưởng cơ quan chủ quản báo điện tử đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện đối với cơ quan báo điện tử của mình. Tuy nhiên, lãnh đạo báo điện tử vẫn là vấn đề mới, còn có sự lúng túng nhất định. Một số cấp ủy đảng, thủ trưởng cơ quan chủ quản và một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa nhận thức rõ vị trí, tầm quan trọng của báo điện tử, cả mặt tích cực cũng như tác hại của nó, dẫn đến tình trạng khắt khe hoặc dễ dãi, buông lỏng lãnh đạo, quản lý. Sự lãnh đạo, quản lý báo điện tử của Đảng và Nhà nước chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng, có phần phức tạp của loại hình báo chí này; thiếu các văn bản cần thiết để lãnh đạo, quản lý mạng internet nói chung, đối với báo điện tử nói riêng; nhiều điều khoản trong Luật Báo chí đã tỏ ra lạc hậu, không theo kịp với sự phát triển của báo chí, nhất là với báo điện tử. Thiếu sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan liên quan trong chỉ đạo, quản lý về lĩnh vực này.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 185 trang tài liệu này.


Xuất phát từ tình hình nêu trên, việc nghiên cứu đề tài “Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo báo điện tử trong giai đoạn hiện nay”, làm rõ thêm những vấn đề lý luận và thực tiễn để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống báo điện tử ở nước ta, thúc đẩy phát triển và phát huy mạnh mẽ vai trò, tác dụng của loại hình báo chí tiện ích này có tính cấp thiết cả về lý luận và thực tiễn.

Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo báo điện tử trong giai đoạn hiện nay - 1

2. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu của luận án

2.1. Mục đích

Trên cơ sở làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn về sự lãnh đạo của Đảng đối với báo điện tử ở Việt Nam, luận án đề xuất các giải pháp khả thi nhằm góp phần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo điện tử ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu công tác tư tưởng trong giai đoạn hiện nay.

2.2. Nhiệm vụ

- Tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài.

- Làm rõ vai trò, đặc điểm của báo điện tử và những vấn đề lý luận liên quan đến sự lãnh đạo của Đảng đối với báo điện tử ở Việt Nam.

- Đánh giá đúng thực trạng sự lãnh đạo của Đảng đối với báo điện tử ở

Việt Nam, xác định rõ nguyên nhân và rút ra những kinh nghiệm.

- Đề xuất phương hướng và các giải pháp chủ yếu nhằm tăng cường sự

lãnh đạo của Đảng đối với báo điện tử ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

3.1. Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của luận án là sự lãnh đạo của Đảng đối với báo điện tử ở Việt Nam.

3.2. Phạm vi nghiên cứu

Đề tài luận án chủ yếu khảo sát sự lãnh đạo của Đảng ở cấp Trung ương (Ban Chấp hành Trung ương (BCHTƯ), Bộ Chính trị (BCT), (BBT), ban, bộ, ngành Trung ương và các cấp ủy lãnh đạo báo điện tử có số lượt người truy cập lớn) đối với báo điện tử ở Việt Nam từ năm 1998 (từ khi có


báo điện tử ở Việt Nam) đến nay. Các giải pháp luận án đề xuất có giá trị đến năm 2020.

4. Cơ sở lý luận, thực tiễn và phương pháp nghiên cứu

4.1. Cơ sở lý luận

Luận án nghiên cứu trên cơ sở quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về công tác tư tưởng, báo chí; về sự lãnh đạo, quản lý báo chí nói chung, báo điện tử nói riêng. Luận án kế thừa kết quả nghiên cứu của các công trình khoa học đã công bố có liên quan đến đề tài.

4.2. Cơ sở thực tiễn

Cơ sở thực tiễn của luận án là thực trạng hoạt động báo điện tử và sự lãnh đạo đối với báo điện tử của cấp ủy, tổ chức đảng ở Trung ương. Luận án tham khảo các báo cáo, thống kê, tư liệu có liên quan.

4.3. Phương pháp nghiên cứu

- Luận án được nghiên cứu trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa

Mác - Lênin.

- Luận án sử dụng các phương pháp nghiên cứu cụ thể như: tổng kết thực tiễn; khảo sát, thống kê; lôgíc và lịch sử; phân tích và tổng hợp; quy nạp và diễn dịch; chuyên gia; so sánh…

5. Đóng góp mới về khoa học của luận án

- Làm rõ đặc điểm của báo điện tử ở Việt Nam và quan niệm, nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với báo điện tử ở Việt Nam.

- Rút ra 5 bài học kinh nghiệm và đề xuất một số giải pháp có tính khả thi nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo điện tử ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án

- Kết quả nghiên cứu của luận án có thể là tài liệu các cấp ủy, tổ chức đảng tham khảo trong lãnh đạo báo điện tử, góp phần nâng cao hiệu quả sự


lãnh đạo và xây dựng báo điện tử ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

- Luận án có thể được dùng làm tài liệu tham khảo cho việc nghiên cứu, giảng dạy và xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

7. Kết cấu của luận án

Ngoài phần mở đầu, tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, phụ lục, luận án gồm 3 chương, 6 tiết.


Chương 1

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN


1.1. CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU TRONG NƯỚC

1.1.1. Đề tài khoa học và sách

- Đề tài khoa học cấp cơ sở “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại của một số cơ quan thông tấn, báo chí chủ lực ở nước ta hiện nay - thực trạng và giải pháp” của Ban Tuyên giáo Trung ương [12] đã làm rõ một số vấn đề lý luận chung về chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại của các cơ quan thông tấn, báo chí chủ lực; chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại của một số cơ quan thông tấn báo chí chủ lực ở nước ta với những thành tựu, hạn chế, những vấn đề đặt ra; nêu vị trí, vai trò và những nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại của các cơ quan thông tấn, báo chí chủ lực ở nước ta. Đề tài chỉ rõ, trong các loại hình báo chí, báo điện tử có thuận lợi hơn cả trong việc đánh giá chất lượng, hiệu quả báo chí đối ngoại. Thông qua việc phân tích dữ liệu chứa trong phai mã hóa (logfile) có thể biết được số lượng người truy cập hằng ngày, nước nào truy cập nhiều nhất, thời gian truy cập dài hay ngắn, chuyên mục nào được độc giả quan tâm. Báo điện tử nắm bắt được sự phản hồi của người xem một cách nhanh nhất. Thông qua địa chỉ (IP) truy cập có thể biết được phạm vi truy cập. Bên cạnh phạm vi của thông tin, tần suất thông tin cũng là một tiêu chí quan trọng đóng góp vào hiệu quả của thông tin đối ngoại. Tiêu chí này có thể được thể hiện qua các kỳ phát hành của báo in, thời lượng các chương trình trên phát thanh và truyền hình, việc cập nhật thông tin trên báo mạng… Thông tin phải được duy trì, bảo đảm sự ổn định, liên tục, không bị ngắt quãng.

Mặt khác, đề tài đề cập vai trò của báo chí trong việc đấu tranh chống

lại những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực chống đối. Trong cả hai


chiều thông tin đi và thông tin trở lại cho người Việt Nam, báo chí cung cấp những thông tin chọn lọc, đúng định hướng, giúp công chúng tin tưởng vào đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước, không bị dao động trước những luận điệu tuyên truyền của các thế lực thù địch. Đề tài chỉ ra phương hướng và các giải pháp chủ yếu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại của một số cơ quan thông tấn, báo chí chủ lực thời gian tới, nhất là giai đoạn từ nay đến năm 2020: tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với các cơ quan thông tấn, báo chí chủ lực; mở rộng và nâng cao hiệu quả sự phối hợp hoạt động thông tin đối ngoại của các cơ quan thông tấn, báo chí chủ lực; đa dạng hóa nội dung, hình thức hoạt động của các cơ quan thông tấn, báo chí chủ lực; đổi mới cơ chế thông tin, bảo đảm tính nhanh nhạy, tính sắc bén, tính thuyết phục trong hoạt động thông tin đối ngoại của các cơ quan thông tấn, báo chí chủ lực; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nhanh chóng áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, nhất là công nghệ thông tin; nâng cao bản lĩnh chính trị, chất lượng chuyên môn của cán bộ, phóng viên.

- Sách “Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW của Bộ Chính trị khóa VIII về đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo, quản lý công tác báo chí, xuất bản” do Ban TT-VH Trung ương, Bộ Văn hóa - Thông tin, Hội Nhà báo (HNB) Việt Nam phối hợp phát hành [19] đã khẳng định, báo chí là một bộ phận cấu thành quan trọng trong toàn bộ công tác tư tưởng - văn hóa (TT-VH) của Đảng; là một trong những công cụ sắc bén, hiệu quả để xây dựng, bồi đắp nền tảng tư tưởng chính trị của Đảng; tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cổ vũ, động viên, tổ chức nhân dân thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, là chiếc cầu hữu nghị để Việt Nam mở rộng giao lưu, hội nhập với thế giới.

Cuốn sách cũng nêu, để nâng cao hiệu quả lãnh đạo đối với báo chí, Đảng phải không ngừng đổi mới tư duy, phong cách, phương thức lãnh đạo đối với công tác báo chí. Đảng lãnh đạo báo chí bằng việc đề ra nghị quyết,


chỉ thị, định hướng quy hoạch, kế hoạch phát triển hệ thống báo chí và định hướng nội dung thông tin, tuyên truyền của báo chí; lãnh đạo công tác tổ chức, cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đối với tổ chức đảng và đảng viên trong cơ quan báo chí; lãnh đạo các đoàn thể chính trị - xã hội trong cơ quan báo chí. Nhà nước có trách nhiệm thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối, quan điểm của Đảng về báo chí bằng chính sách, pháp luật trong quản lý hoạt động báo chí. Trong quá trình lãnh đạo nhân dân ta tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, Đảng ta đã có bước chuyển quan trọng trong việc đổi mới tư duy, phong cách và phương thức lãnh đạo đối với công tác báo chí.

- Sách “Cơ sở lý luận báo chí” do PGS, TS Tạ Ngọc Tấn và TS Đinh Thế Huynh đồng chủ biên [113] đã đề cập các nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí (tính đảng, tính quần chúng, tính chân thật); những quy định, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác báo chí. Cuốn sách đề cập báo chí là sản phẩm thuộc kiến trúc thượng tầng, nó ra đời và phát triển do nhu cầu thông tin của xã hội. Một mặt, báo chí được sử dụng như một phương tiện tuyên truyền, giáo dục, cổ động nhân dân; mặt khác, nó trở thành diễn đàn của mọi người về các lĩnh vực của đời sống. Không có một đảng phái, tổ chức kinh tế, xã hội nào không sử dụng báo chí với tư cách một phương tiện thông tin để phục vụ các mục tiêu của mình.

Các tác giả chỉ ra phương pháp nghiên cứu lý luận báo chí, đặc biệt là phương pháp luận khoa học, sáng tạo dựa trên phép biện chứng duy vật của chủ nghĩa Mác - Lênin để tìm hiểu các văn kiện, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về vấn đề báo chí. Ngoài ra, các tác giả cũng sơ bộ xem xét hệ thống tư liệu mang tính pháp lý của Việt Nam về báo chí.

- Sách “Tăng cường lãnh đạo, quản lý tạo điều kiện để báo chí Việt Nam phát triển mạnh mẽ, vững chắc trong thời gian tới” do Ban Tuyên giáo Trung ương biên soạn [13] đã đề cập vấn đề có tính quy luật đối với báo chí cách mạng nước ta là báo chí luôn đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 28/04/2022