Chiến Tranh Du Kích Muốn Giành Thắng Lợi Phải Kiên Trì Bám Đất, Bám Dân, Bám Đánh Địch.

bảo vệ quyền lợi của mình. Chưa quán triệt cơ sở của việc tong quân xây dựng lực lượng là ở xã và chưa thấy hết ý nghĩa vận động tòng quân cũng là một phương pháp tích cực phá âm mưu bắt lính của địch. Do trên cơ sở sai lầm này đã ảnh hưởng xấu đến các mặt chấp hành chính sách như : Chưa chiếu cố gia đình bộ đội, chưa triệt để thực hiện chính sách thương binh tử sĩ, chưa thấu đáo tầm quan trọng chính sách tôn giáo, biện pháp giáo dục tư tưởng và vận động thanh niên tòng quân chưa có kinh nghiệm.

3.2. Một số bài học kinh nghiệm

3.2.1. Chiến tranh du kích muốn giành thắng lợi phải kiên trì bám đất, bám dân, bám đánh địch.

Quán triệt quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin chiến tranh cách mạng, kế thừa và phát huy truyền thống quân sự của dân tộc trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm đề ra đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo. Đặc biệt là đã sớm biết tổ chức, phát động kháng chiến toàn dân, toàn diện và trường kỳ, “Chiến tranh ngày nay phức tạp và hết sức khó khăn, không dùng toàn lực lượng của nhân dân về đủ mọi mặt để ứng phó không thể nào thắng lợi được”. “Dân khí mạnh thì quân lính nào, súng ống nào cũng không chống lại nổi” [42, tr. 295]. Cuộc kháng chiến của ta là một cuộc chiến tranh nhân dân, dựa vào sức mình là chính, vì thế việc tranh thủ và phát động đông đảo nhân dân đứng lên kháng chiến là một vấn đề có ý nghĩa chiến lược to lớn. Hồ Chí Minh khẳng định: “Cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến của toàn dân”, Người nói “phải dựa vào dân, dựa chắc vào dân thì kẻ địch không thể nào tiêu diệt được”[74, tr.295].

Xuất phát từ quan điểm của Đảng về vai trò của quần chúng nhân dân, ngay từ khi bắt đầu kháng chiến, Đảng bộ Thái Bình đã biết lãnh đạo nhân dân Thái Bình cùng với nhân dân cả nước, phát huy cao độ lòng căm thù giặc sâu sắc, sớm xây dựng một quyết tâm chiến đấu rất cao. Lòng căm thù, ý chí

quyết tâm và lòng tin của nhân dân Thái Bình càng ngày càng cao do hành động xâm lược, đàn áp, khủng bố, cướp bóc của thực dân Pháp, từ truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, từ kinh nghiệm trong thời kì Cách mạng Tháng Tám và từ đường lối kháng chiến của Đảng. Nhưng buổi đầu kháng chiến chưa ai có thể nghĩ ra đáp số cho bài toán hóc búa cụ thể ở một tỉnh không có rừng núi, địa hình bằng phẳng, bốn mặt đều là sông nước trong khi so sánh lực lượng hai bên là quá chênh lệch, địch có hàng vạn quân Âu Phi cơ động, cùng hàng vạn quân ngụy được trang bị nhiều vũ khí phương tiện chiến tranh hiện đại, còn ta không chỉ trong vòng vây của địch mà vũ khí hết sức thiếu thốn, ban đầu còn thiếu kinh nghiệm chiến đấu. Làm thế nào để chống lại và đánh thắng các cuộc càn quét đánh phá ác liệt cùng các âm mưu thủ đoạn tàn bạo và thâm hiểm của địch? Từng bước, qua thực tế chiến đấu, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân Thái Bình đã hiểu một cách thấm thía rằng, giải pháp cơ bản là phải xây dựng tổ chức, phát động phong trào toàn dân đánh giặc đúng như lời của Hồ Chí Minh đã dạy từ ban đầu. Đây cũng là quy luật làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến nói chung, chiến tranh du kích ở Thái Bình nói riêng, là sức mạnh của mọi sức mạnh. Hơn nữa, đối với một tỉnh thuần nông như Thái Bình, việc phát huy sức mạnh của nhân dân, thực chất là phát huy sức mạnh của giai cấp nông dân, mà nếu “khéo tổ chức khéo lãnh đạo thì lực lượng ấy sẽ làm xoay chuyển đất, bao nhiêu thực dân và phong kiến cũng sẽ bị lực lượng ấy đánh tan” [60, tr. 290]. Nhưng hiểu được sức mạnh của nhân dân đã khó, làm thế nào để phát huy sức mạnh của nhân dân lại càng khó hơn. Thực tế cuộc chiến tranh du kích ở Thái Bình cho ta thấy muốn phát huy sức mạnh của dân, trước tiên phải kiên trì bám đất, bám dân, bám đánh địch. Nếu không bám đất, bám dân, bám đánh địch thì cuộc kháng chiến nói chung, chiến tranh du kích nói riêng sẽ không thể giành được thắng lợi. Bởi “Du kích như cá. Dân chúng như nước. Cá không có nước thì cá chết. Du kích không có dân thì du kích chết”[67, tr. 469].

Tuy nhiên, không phải ngay từ đầu chúng ta đã nhận thức được vấn đề này. Trước và trong những ngày đầu thực dân Pháp tấn công Thái Bình, do nhận thức còn chưa đầy đủ thậm chí còn sai lầm trong đánh giá về địch đã dẫn đến tưởng bám đất, bám dân, bám đánh địch không được coi trọng, biểu hiện là những khuyết điểm, thiếu sót trong quá trình chuẩn bị mọi mặt cho chiến đấu. Vì vậy, khi địch tấn công Thái Bình chúng ta không những không chặn được giặc, bảo vệ được nhân dân mà ngược lại không ít cán bộ, đảng viên lực lượng vũ trang, chạy dài hoặc có tư tưởng cầu an. Tình trạng này khiến cho nhân dân hoang mang, dao động mất niềm tin vào lực lượng cách mạng trong tỉnh. Ở nhiều nơi trong tỉnh, nhân dân không dám che chở cho lực lượng cách mạng vì sợ địch khủng bố. Xuất phát từ lẽ đó, chiến tranh du kích ở Thái Bình đã chịu những tổn thất nghiêm trọng.

Từ bài học thực tế của việc mất đất, mất dân dưới sự chỉ đạo kiên quyết của Trung ương và Liên khu ủy, các cấp lãnh đạo, cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang trong tỉnh đã vượt qua mọi hi sinh, gian khổ, trở lại tìm mọi cách bám đất, bám dân để gây dựng lại cơ sở từ đó tổ chức phát động phong trào kháng chiến, bám đánh địch để giữ làng. Nhờ đó chiến tranh du kích ở Thái Bình không những nhanh chóng được khôi phục mà còn có những bước phát triển vững chắc, tiến lên giành và giữ vững thế chủ động đập tan mọi âm mưu, cố gắng của địch trên địa bàn tỉnh, biến vùng chiếm đóng của địch thành tiền phương và hậu phương của ta, góp phần tạo điều kiện cho các chiến trường cả nước giành thắng lợi. Chính vì vậy, du kích không chỉ là “du” (đi) để “kích” (đánh) mà phải kiên trì bám đất, bám dân, bám địch mà đánh là đánh địch từ cơ sở làng xã. Đó chính là cuộc chiến tranh nhân dân tại chỗ ở cơ sở. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dặn tại Hội nghị tổng kết chiến tranh du kích (7 - 1952): "Phải bám sát lấy dân, rời dân ra là nhất định thất bại. Bám lấy dân là làm sao cho được lòng dân, dân tin, dân mến, dân yêu. Như vậy thì bất kể việc gì khó cũng làm được cả và nhất định thắng lợi” [72, tr. 525].

Muốn phát huy sức mạnh của dân, việc huy động phải gắn liền với việc bồi dưỡng sức dân. Đây là việc làm thường xuyên của cha ông ta trong lịch sử cũng như của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, vừa kháng chiến vừa xây dựng hậu phương, vừa huy động sức dân vừa bồi dưỡng sức dân luôn có mối quan hệ biện chứng với nhau. Ở Thái Bình, những chính sách ruộng đất cùng những cải cách dân chủ được thực hiện ngay sau Cách mạng Tháng Tám và tích cực thực hiện ngay trong kháng chiến ở những khu du kích đã làm cho nhân dân hiểu rõ giá trị thiêng liêng của những quyền lợi mà mình đang có, vì vậy họ càng thêm một lòng, một dạ gắn bó và quyết tâm bảo vệ chính quyền cách mạng. Đây chính là gốc rễ, là nền tảng vững chắc để chiến tranh du kích Thái Bình làm nên những kì tích trong kháng chiến chống Pháp. Đúng như lời khẳng định của Lênin: “Không bao giờ người ta có thể chiến thắng được một dân tộc mà đa số công nhân và nông dân đã biết, đã cảm và trông thấy rằng họ bảo vệ chính quyền của mình… chính quyền của những người lao động, rằng họ bảo vệ sự nghiệp mà một khi thắng lợi sẽ đảm bảo cho họ, cũng như cho con cái họ, có khả năng hưởng thụ mọi thành quả văn hóa, mọi thành quả lao động của con người”[75, tr. 378].

Để phát triển, đẩy mạnh chiến tranh du kích, các lực lượng vũ trang ta phải tích cực bám đánh địch bảo vệ nhân dân, là chỗ dựa vững chắc để nhân dân tham gia kháng chiến. Trước chiến dịch Hòa Bình, trong các cuộc tấn công, càn quét của địch, lực lượng vũ trang trong tỉnh đã không làm tốt được nhiệm này. Trước sự đánh phá, khủng bố điên cuồng của địch, nhân dân một số nơi trong tỉnh đã có tư tưởng hoang mang, dao động, mất niềm tin vào lực lượng vũ trang. Thậm chí có nơi nhân dân còn không dám cho du kích, bộ đội địa phương vào bám làng để chiến đấu vì sợ địch khủng bố. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến những tổn thất nghiêm trọng của chiến tranh du kích nói chung, lực lượng vũ trang nói riêng ở Thái Bình. Nhưng, khi lực lượng vũ

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 129 trang tài liệu này.

trang trong tỉnh kiên trì, dũng cảm bám đất, bám dân gây dựng lại cơ sở, tích cực bám đánh địch hỗ trợ quần chúng nhân dân đấu tranh, thì nhân dân trong tỉnh không những hăng hái tham gia xây dựng lực lượng vũ trang mà họ còn phối hợp với lực lượng vũ trang đánh địch bằng nhiều hình thức với mọi vũ khí trong tay, tạo ra thế trận toàn dân đánh giặc. Những thắng lợi của chiến tranh du kích ở Thái Bình từ sau Chiến dịch Hòa Bình là một minh chứng cho điều này. Mối quan hệ giữa quân và dân luôn khăng khít và chặt chẽ như cá với nước, thúc đẩy nhau phát triển. Vì vậy, muốn huy động được nhân dân tham gia đánh giặc, lực lượng vũ trang luôn phải quán triệt tư tưởng lấy dân làm gốc, phải tích cực bám đánh địch để bảo vệ được dân và luôn là lực lượng nòng cốt để hỗ trợ nhân dân kháng chiến. Bài học này đã được lịch sử chứng minh luôn là chìa khóa của những thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Để có thể phát triển phong trào du kích chiến tranh việc vận động đồng bào trong vùng địch tạm chiếm có vị trí, vai trò rất quan trọng. Ngoài việc kiên trì bám đất, bám dân thì phải có hình thức linh hoạt, phù hợp với tín ngưỡng và đặc điểm của từng vùng. Riêng đối với đồng bào công giáo do đặc điểm về tín ngưỡng nên họ rất dễ bị kẻ địch dụ dỗ, lôi kéo. Vì vậy, ngoài những hoạt động tuyên truyền, giáo dục thì việc tố cáo tội ác của phản động đội lốt Thiên chúa giáo cũng là việc làm hết sức cần thiết. Việc chính quyền cách mạng trong tỉnh tiến hành khai quật thi hài của những người dân bị bọn phản động Thiên chúa giáo giết hại ở Quỳnh Lang (Quỳnh Côi), Phương Xá (Đông Quan), Tràng Lũ (Phụ Dực) và mở phiên tòa xử án tử hình đối với Mai Đức Tín tên phản động đội lốt Thiên chúa giáo có nhiều nợ máu đối với nhân dân (12-5-1953) đã giúp nhân dân trong tỉnh, đặc biệt là đồng bào theo đạo hiểu rõ hơn bộ mặt thật của chúng, tạo điều kiện cho cuộc vận động đồng bào lương giáo có hiệu quả.

Đảng bộ tỉnh Thái Bình lãnh đạo chiến tranh du kích trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp 1946 - 1954 - 13

Để phát huy được sức mạnh của nhân dân đòi hỏi những người lãnh đạo phải bám sát dân, phải biết dựa vào dân từ đó mới có thể đưa ra những biện pháp, chính sách phù hợp đối với từng vùng, từng thời kì lịch sử.

3.2.2 Chiến tranh du kích phải xây dựng được hậu phương tại chỗ

Bất cứ một cuộc chiến tranh nào cũng đều phải có hậu phương. Trong kháng chiến chống Pháp, đường lối xây dựng căn cứ địa hậu phương chiến tranh nhân dân của Đảng đã sớm hình thành, ngày càng hoàn chỉnh với những chính sách ngày càng cụ thể. Đảng, Bác Hồ không quan niệm hậu phương theo nghĩa thông thường của chiến tranh quy ước, hiện đại, có chiến tuyến rõ rệt, mà có sự phát triển mới về lý luận và được chứng minh bằng thực tiễn, với những điểm sáng tạo, độc đáo, tạo ra ngay trong vùng địch tạm chiếm đóng thành nơi xây dựng và dự trữ tiềm lực của cuộc kháng chiến, cả về chính trị, quân sự, kinh tế và văn hóa; nơi huy động nhân vật lực cho kháng chiến và tạo chỗ dựa về tinh thần cho cuộc kháng chiến ở địch hậu. Có nhiều loại hình hậu phương tạo ra thế trận xen kẽ một cách triệt để giữa ta và địch, làm cho hậu phương và tiền tuyến đan xen, luôn luôn biến động, không có ranh giới ổn định mà thường xuyên chuyển hóa, xoay vần cùng với kẻ địch trong một quá trình trường kì kháng chiến, tạo nguồn sức mạnh vô tận cho chiến tranh nhân dân, trong đó mỗi người dân là một người lính, mỗi làng xã là một pháo đài, đánh giặc một cách toàn diện và bằng mọi thứ vũ khí có trong tay.

Xuất phát từ quan điểm của Đảng, Bác Hồ, hậu phương của chiến tranh du kích ở Thái Bình là hậu phương tại chỗ. Hậu phương này lấy làng xã làm chỗ dựa. Vì làng chiến đấu chính là gốc rễ của chiến tranh du kích. Đánh giặc giữ làng đã trở thành truyền thống của người dân Thái Bình. Truyền thống này đã được kế thừa và phát huy cao độ dưới sự lãnh đạo của Đảng tiên phong, hướng nhiệm vụ cụ thể là xây dựng làng kháng chiến, biến mỗi làng xã thành một pháo đài, gắn chặt việc giữ nước với giữ làng. Cơ sở làng xã là nơi xây dựng nền kinh tế nông nghiệp tự cấp, tự túc, nên có thể dựa vào sức

mạnh tại chỗ để kiên trì cuộc chiến đấu lâu dài, dù có bị chia cắt, càn quét khốc liệt. Xây dựng nhiều làng kháng chiến sẽ là cơ sở để hình thành các khu du kích hoặc các căn cứ du kích. Vì vậy, có thể ví làng chiến đấu ở Thái Bình là từng viên gạch, căn cứ du kích là bức tường, là khối tổng hợp các làng chiến đấu tạo ra sức mạnh và tác dụng to lớn. Tuy nhiên trong quá trình xây dựng làng chiến đấu, quân dân trong tỉnh đã mắc phải một số sai lầm, đặc biệt là tư tưởng hình thức, đánh giá quá cao làng chiến đấu dẫn đến những tổn thất như cuộc chiến đấu của nhân dân làng An Định (Thụy Anh) diễn ra vào ngày 6-3-1950. Vì vậy, việc sử dụng làng chiến đấu cần phải có một sự linh hoạt dựa vào tương quan lực lượng giữa ta và địch là việc làm cần thiết để phát huy tối đa hiệu quả của làng kháng chiến.

Bên cạnh đó, do nét đặc sắc của chiến tranh du kích ở đồng bằng nói chung, Thái Bình nói riêng, hậu phương của ta không chỉ nằm ở vùng giải phóng mà còn nằm ngay trong vùng địch tạm chiếm, đồng thời hậu phương cũng là tiền tuyến. Hơn nữa, hậu phương và tiền tuyến không cố định mà có thể hoán đổi vị trí cho nhau phụ thuộc vào thế và lực giữa ta và địch. Chính vì vậy muốn xây dựng được hậu phương tại chỗ được vững chắc, việc cốt lõi là phải dựa vào dân. Thực chất cuộc kháng chiến ở vùng sau lưng địch là cuộc chiến đấu giành đất, giành dân, bên nào giành được dân bên đó sẽ giành thắng lợi. Ở đâu có nhân dân ủng hộ ở đó có hậu phương. Cuộc chiến tranh du kích ở Thái Bình đã cho thấy, từ khi cán bộ, đảng viên, các lực lượng vũ trang trong tỉnh kiên trì quay về bám đất, bám dân chúng ta đã xây dựng được thế trận lòng dân không chỉ ở vùng giải phóng, mà cả ở vùng tạm chiếm. Vì vậy mà ta đã có một hậu phương vững chắc không chỉ ở vùng giải phóng mà còn ngay trong vùng địch tạm chiếm. Trong khi đó, thực dân Pháp chiếm được đất nhưng chúng không chiếm được lòng dân, vì vậy âm mưu “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt” của địch ở Thái Bình

không những bị phá sản, mà ngược lại chúng còn bị hao người, tốn của bởi cuộc chiến tranh không có giới tuyến rõ ràng của quân và dân Thái Bình.

3.2.3. Chiến tranh du kích cần có sự kết hợp giữa các lực lượng, hình thức và mặt trận đấu tranh.

Sức mạnh của chiến tranh du kích không chỉ dựa vào lực lượng vũ trang và đấu tranh vũ trang, mà chủ yếu dựa vào lực lượng quần chúng đông đảo. Đó là lực lượng rộng lớn trong các đoàn thể của mặt trận. Đấu tranh quân sự phải gắn liền với đấu tranh chính trị và kết hợp với đấu tranh chính trị, hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy phá tề, trừ gian giành và giữ quyền làm chủ kết hợp tiến công tiêu diệt địch. Đấu tranh chính trị phát huy ưu thế của cuộc chiến tranh chính nghĩa, tập hợp và đoàn kết quần chúng, xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng, chống lại thủ đoạn chính trị lừa bịp của kẻ thù.

Đấu tranh kinh tế là một nội dung rất quan trọng trong chiến tranh du kích. Phải đấy mạnh tăng gia sản xuất và tiết kiệm, đồng thời phải bảo vệ sản xuất, chống địch phá hoại ruộng vườn, hoa màu, không cho địch cướp phá thóc lúa, bắn giết trâu bò, làm thất bại chính sách “ lấy chiến tranh nuôi chiến tranh” của chúng. Có như vậy mới xây dựng được nền kinh tế “ tự cấp, tự túc”, đảm bảo cuộc chiến đấu tại chỗ, đảm bảo đời sống nhân dân và lực lượng vũ trang của ta.

Kháng chiến về tư tưởng văn hóa cũng là một măt trận đấu tranh “để đào tạo con người mới và cán bộ mới cho công cuộc kháng chiến kiến quốc”. Phải triệt để tẩy trừ mọi ảnh hưởng nô dịch của văn hóa thực dân đồng thời phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc. vì thế mà cuộc đấu tranh trên mặt trận văn hóa tư tưởng diễn ra rất quyết liệt.

Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến chiến tranh du kích ở Thái Bình không chặn được các cuộc tấn công, càn quét lớn của địch là do trong tác chiến chưa có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các vùng miền trong tỉnh, giữa vùng tạm chiếm và vùng tự do, giữa đấu tranh quân sự với đấu

Xem tất cả 129 trang.

Ngày đăng: 25/09/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí