Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lãnh đạo phát triển quan hệ hữu nghị hợp tác với tỉnh Bôlykhămxay và Khămmuộn CHDCND Lào từ năm 1991 đến năm 2010 - 1


MỞ ĐẦU


1. Lý do chọn đề tài

Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng gần gũi trên bán đảo Đông Dương, núi sông liền một dải; nhân dân hai nước cùng có truyền thống cần cù sáng tạo, đã có mối liên hệ qua lại thân thiết từ lâu đời. Trải qua quá trình đấu tranh lâu dài, gian khổ, hai dân tộc đã luôn luôn đoàn kết, kề vai sát cánh bên nhau trong đấu tranh giành độc lập, tự do, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở mỗi nước. Hơn 80 năm qua, kể từ ngày có Đảng lãnh đạo, mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản cùng các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp không ngừng đơm hoa kết trái. Mối quan hệ thủy chung, trong sáng hiếm có này đã đi suốt chặng đường lịch sử vẻ vang, trở thành tài sản vô giá của hai dân tộc và nhân dân hai nước; là biểu hiện sinh động của sự kết hợp nhuần nhuyễn chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản, là mẫu mực về chính sách láng giềng hữu nghị giữa hai nước. Tổng Bí thư Lê Duẩn đã đánh giá: "Mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào đời đời là niềm tự hào của hai dân tộc chúng ta. Đó là quan hệ mẫu mực hiếm có, vô cùng trong sáng, rất mực thủy chung, gian khổ không đổi thay, đạn bom không lay chuyển" [49, tr.120].

Trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và quân dân Việt Nam thực hiện nghĩa vụ quốc tế đối với cách mạng Lào theo quan điểm: giúp nhân dân nước bạn là tự giúp mình của Chủ tịch Hồ Chí Minh “như một chân lý vĩnh hằng, thể hiện bản chất cách mạng trong sáng, cao quý của quan hệ dân tộc - quốc tế trong thời đại mới” [82, tr.16].

Mối quan hệ ấy càng thể hiện rõ nét, sinh động giữa các tỉnh có chung đường biên giới, từng chung lưng đấu cật nhằm chống lại âm mưu của các thế lực ngoại xâm, để cùng tồn tại và phát triển, trong đó, có tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Bôlykhămxay, Khămmuộn.

Tỉnh Hà Tĩnh gần gũi với tỉnh Bôlykhămxay và Khămmuộn về địa lý, cùng dựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ và có những điểm tương đồng về lịch sử, văn hóa truyền thống, điều kiện kinh tế - xã hội. Đây là cơ sở khách


quan, bền vững của mối quan hệ hữu nghị đoàn kết gắn bó keo sơn giữa nhân dân ba tỉnh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tình cảm đó được thể hiện sinh động trong lịch sử gần một thế kỷ đấu tranh cho độc lập tự do của nhân dân hai nước chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và cùng tiến hành quá độ đi lên CNXH. Mối quan hệ hữu nghị truyền thống hiếm có ấy càng có ý nghĩa đặc biệt đối với nhân dân hai nước nói chung và Đảng bộ nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, tỉnh Bôlykhămxay, Khămmuộn nói riêng trong sự nghiệp đổi mới, trước nhiều vận hội nhưng cũng gặp không ít thách thức trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 178 trang tài liệu này.

Trong tổng thể mối quan hệ hợp tác giữa hai Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào, mối quan hệ giữa tỉnh Hà Tĩnh và Bôlykhămxay, Khămmuộn là một bộ phận cấu thành rất quan trọng, là sự biểu hiện sinh động, cụ thể của quan hệ đối ngoại giữa hai nước. Trên cơ sở mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước, mối quan hệ hữu nghị hợp tác toàn diện giữa tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Bôlykhămxay, Khămmuộn ngày càng được củng cố và không ngừng phát triển.

Sau năm 1975, quan hệ hai nước Việt Nam - Lào nói chung, tỉnh Hà Tĩnh với tỉnh Bôlykhămxay và Khămmuộn nói riêng có những chuyển biến mới. Từ quan hệ chủ yếu về chính trị, quân sự, đối ngoại chuyển sang quan hệ hợp tác trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng. Đặc biệt, từ năm 1991, khi tỉnh Hà Tĩnh được tái lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, quan hệ hữu nghị và hợp tác với hai tỉnh bạn có những bước phát triển mới, đạt được những thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực.

Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lãnh đạo phát triển quan hệ hữu nghị hợp tác với tỉnh Bôlykhămxay và Khămmuộn CHDCND Lào từ năm 1991 đến năm 2010 - 1

Hiện nay, trong bối cảnh hai nước Việt Nam và Lào tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hợp tác và phát triển, đa phương hóa và đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; tích cực và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế; đặc biệt là việc thực hiện Hiệp ước hữu nghị và hợp tác, các nội dung hợp tác mang tính chiến lược Việt Nam - Lào đang đi vào chiều sâu, nhiệm vụ xây dựng mối quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa tỉnh Hà Tĩnh với tỉnh Bôlykhămxay và Khămmuộn càng được tích cực đẩy mạnh và tăng cường.


Do đó, việc nghiên cứu quá trình lãnh đạo xây dựng mối quan hệ hợp tác với tỉnh Bôlykhămxay, Khămmuộn của Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh từ ngày tái lập tỉnh đến năm 2010, nhằm tổng kết, đánh giá những thành tựu đạt được, chỉ rõ những hạn chế, khiếm khuyết, qua đó đúc rút những kinh nghiệm trong quá trình hoạch định chủ trương cũng như trong tổ chức triển khai thực hiện, nhằm góp phần thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ với hai tỉnh bạn là việc làm cần thiết.

Đồng thời, nghiên cứu quá trình lãnh đạo xây dựng mối quan hệ hợp tác với tỉnh Bôlykhămxay, Khămmuộn của Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh trong chặng đường gần 20 năm đổi mới góp phần tổng kết thực tiễn quá trình thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở của Đảng trên một địa phương cụ thể, có nhiều đặc thù cả về điều kiện tự nhiên và lịch sử. Trên cơ sở đó, luận án không chỉ làm phong phú thêm lịch sử hoạt động đối ngoại của Đảng, mà còn góp phần nghiên cứu toàn diện hơn về lịch sử Đảng bộ địa phương, cung cấp cơ sở lịch sử để giáo dục và phát huy truyền thống đoàn kết, gắn bó giữa nhân dân tỉnh Hà Tĩnh với nhân dân tỉnh Bôlykhămxay, Khămmuộn, góp phần tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác lâu dài, toàn diện, bền vững giữa hai nước Việt Nam - Lào trong điều kiện lịch sử mới.

Xuất phát từ ý nghĩa nêu trên, tác giả chọn đề tài: "Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lãnh đạo phát triển quan hệ hữu nghị hợp tác với tỉnh Bôlykhămxay và Khămmuộn (Nước CHDCND Lào) từ năm 1991 đến năm 2010" làm đề tài luận án tiến sĩ lịch sử, chuyên ngành Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam.

2. Mục đích và nhiệm vụ của luận án

2.1. Mục đích

Nghiên cứu, tái hiện lại một cách chân thực, khách quan, khoa học và có hệ thống toàn bộ quá trình lãnh đạo xây dựng mối quan hệ hữu nghị hợp tác với tỉnh Bôlykhămxay, Khămmuộn của Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn từ năm 1991 đến năm 2010; góp phần tổng kết thực tiễn một chủ trương quan trọng trong chính sách đối ngoại của Đảng trên một địa bàn nhất định; đánh giá những thành tựu đạt được và những bất cập, hạn chế; đúc rút một số kinh nghiệm chủ yếu trong quá trình lãnh đạo tổ chức thực hiện, từ đó đóng góp cơ sở lịch sử cho quá trình lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ tăng cường mối quan hệ


hữu nghị đặc biệt, hợp tác toàn diện với tỉnh Bôlykhămxay và Khămmuộn trong thời gian tới có hiệu quả hơn.

2.2. Nhiệm vụ

- Phân tích, làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn hình thành mối quan hệ đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa tỉnh Hà Tĩnh với tỉnh Bôlykhămxay và Khămmuộn; những nhân tố cơ bản tác động, ảnh hưởng tới mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa tỉnh Hà Tĩnh với tỉnh Bôlykhămxay và Khămmuộn từ năm 1991 đến năm 2010;

- Hệ thống hoá chủ trương của và quá trình chỉ đạo thực hiện xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị hợp tác với tỉnh Bôlykhămxay và Khămmuộn của Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh từ năm 1991 đến năm 2010;

- Đánh giá những thành tựu nổi bật, những khó khăn, hạn chế, bất cập trong quá trình hoạch định chủ trương và chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ tăng cường tình hữu nghị và hợp tác với tỉnh Bôlykhămxay, Khămmuộn của Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh từ năm 1991 đến năm 2010;

- Làm rõ những đặc điểm của mối quan hệ giữa tỉnh Hà Tĩnh với hai tỉnh

nước bạn Lào cùng chung biên giới;

- Đúc kết các kinh nghiệm từ quá trình lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển mối quan hệ quan hệ hữu nghị hợp tác toàn diện với tỉnh Bôlykhămxay, Khămmuộn của Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh từ năm 1991 đến năm 2010.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

3.1. Đối tượng nghiên cứu

Luận án nghiên cứu quá trình hoạch định chủ trương và lãnh đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác toàn diện với tỉnh Bôlykhămxay, Khămmuộn của Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 1991 - 2010.

3.2. Phạm vi nghiên cứu

Về nội dung: Luận án tập trung nghiên cứu quá trình lãnh đạo xây dựng mối quan hệ hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện với tỉnh Bôlykhămxay và Khămmuộn của Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh từ năm 1991 đến năm 2010, trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục đào tạo, y tế, khoa học công nghệ,


an ninh quốc phòng, công tác biên giới, hoạt động tình nghĩa, giao lưu hữu nghị nhân dân.

Về không gian: các hoạt động quan hệ hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện trên địa bàn ba tỉnh: tỉnh Hà Tĩnh, tỉnh Bôlykhămxay và tỉnh Khămmuộn

Về thời gian: Luận án nghiên cứu quá trình lãnh đạo xây dựng quan hệ hữu nghị hợp tác với tỉnh Bôlykhămxay, Khămmuộn của Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn từ năm 1991 đến năm 2010.

4. Cơ sở lý luận, phương pháp nghiên cứu và nguồn tài liệu

4.1. Cơ sở lý luận

Luận án được thực hiện trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về quan hệ đối ngoại nói chung, quan hệ hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện với nước Cộng hòa DCND Lào nói riêng.

4.2. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp nghiên cứu chủ yếu của Luận án là phương pháp lịch sử và phương pháp logic, đồng thời kết hợp các phương pháp nghiên cứu chuyên ngành và liên ngành, trong đó đặc biệt chú trọng phương pháp khảo sát thực tế, thống kê.

4.3. Nguồn tài liệu

- Các văn kiện liên quan đến quan hệ đối ngoại hai Đảng, Nhà nước và Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh: văn kiện của ĐCS Việt Nam và Đảng NDCM Lào; văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh và các NQ chuyên đề của BCH, BTV Tỉnh ủy Hà Tĩnh các khóa XIII, XIV, XV, XVI, XVII; các NQ, Chương trình hành động, Đề án, Quy hoạch, Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của HĐND, UBND tỉnh.

- Nguồn tài liệu về mối quan hệ ba tỉnh như: Báo cáo tổng kết, sơ kết đánh giá quá trình thực hiện nhiệm vụ hợp tác giữa ba tỉnh trên các lĩnh vực từ 1991 - 2010; Văn bản hội đàm giữa lãnh đạo cấp cao tỉnh Hà Tĩnh với hai tỉnh bạn qua các chuyến thăm và làm việc chính thức; Văn bản ghi nhớ của các đoàn công tác các ngành, đoàn thể, các tổ chức kinh tế xã hội, các địa phương, đơn vị; các công văn, quyết định, công thư, các văn bản lưu tại TTLT tỉnh,


Phòng Lưu trữ - Văn phòng Tỉnh ủy và các sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương tỉnh Hà Tĩnh, tỉnh Nghệ An và tỉnh Bôlykhămxay, Khămmuộn.

- Những công trình nghiên cứu gồm sách, báo, tạp chí, luận án viết về quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Lào nói chung, tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Bôlykhămxay, Khămmuộn nói riêng, có liên quan đến đề tài. Các bài báo, phim tài liệu, bản đồ có liên quan đến đề tài...

- Kết quả khảo sát thực tế và phỏng vấn một số nhân chứng lịch sử tại tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Bôlykhămxay, Khămmuộn.

5. Đóng góp của luận án

- Qua sưu tầm tài liệu, nghiên cứu, khảo sát thực tế về ba tỉnh, Luận án làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn hình thành mối quan hệ đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa tỉnh Hà Tĩnh với tỉnh Bôlykhămxay và Khămmuộn trong thời gian từ năm 1991 đến năm 2010.

- Đánh giá một cách khách quan thực trạng, những kết quả đạt được, những khó khăn, hạn chế, bất cập trong quá trình hoạch định chủ trương và lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ tăng cường tình hữu nghị và hợp tác với tỉnh Bôlykhămxay, Khămmuộn của Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh. Từ đó, luận án góp phần giúp cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, các tập thể, cá nhân lên quan có thêm căn cứ khoa học và tư liệu thực tiễn để tham khảo, vận dụng trong quá trình tham mưu, xây dựng chủ trương cũng như việc tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác giữa tỉnh Hà Tĩnh với tỉnh Bôlykhămxay và Khămmuộn trong thời gian tới.

- Luận án góp phần cung cấp thêm nguồn thông tin, tư liệu để có cái nhìn toàn cảnh, có hệ thống về quan hệ hữu nghị hợp tác giữa tỉnh Hà Tĩnh với tỉnh Bôlykhămxay và Khămmuộn giai đoạn 1991 - 2010, từ đó góp phần giáo dục truyền thống, làm phong phú thêm lịch sử Đảng bộ và lịch sử địa phương tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Bôlykhămxay, Khămmuộn.

6. Bố cục luận án

Ngoài phần mở đầu, Tổng quan tình hình nghiên cứu, kết luận, phụ lục và danh mục tài liệu tham khảo, luận án gồm có 03 chương nội dung, 6 tiết


TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU


1. Các công trình nghiên cứu liên quan đến đề tài Luận án

Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam đi vào lịch sử thế giới như một biểu tượng sáng ngời về tinh thần đoàn kết quốc tế vô sản, một tấm gương mẫu mực và hiếm có về sự thuỷ chung, trong sáng trong lịch sử quan hệ quốc tế. Vì vậy, quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào

- Việt Nam là một chủ đề được giới nghiên cứu đặc biệt quan tâm. Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về chủ đề này, nổi bật là những công trình nghiên cứu trên các nhóm vấn đề sau:

1.1. Các công trình nghiên cứu liên quan đến quan hệ Việt Nam - Lào

Các công trình nghiên cứu tình hình thế giới, khu vực, quan điểm, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta qua các thời kỳ, trong đó đã đề cập đến mối quan hệ hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, đáng chú ý là: "Hội nhập quốc tế và giữ vững bản sắc" của Bộ Ngoại giao [29]; "Ngoại giao Việt Nam 1945 - 2000" của Bộ Ngoại giao [30]; “Những vấn đề lớn của thế giới và quá trình hội nhập, phát triển của nước ta” của Ban Tư tưởng văn hóa trung ương [17]…

Các bài nói, bài viết của các nhà nghiên cứu liên quan đến vấn đề này như: "Thế giới năm qua và nhiệm vụ đối ngoại của Đảng ta trong năm 2001", của Nguyễn Dy Niên [83]; "Tư tưởng Hồ Chí Minh về quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào" của Trịnh Nhu [82]... Bên cạnh đó còn có một số hội thảo khoa học về quan hệ hữu nghị đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào. Các công trình này đã tiếp cận được nhiều tư liệu quan trọng ở cả hai quốc gia và tập trung theo các chủ đề chung nhằm dựng lại lịch sử mối quan hệ giữa hai nước, trong đó đi sâu vào từng lĩnh vực cụ thể như: Chính trị, Ngoại giao, An ninh, Quân sự, Văn hoá - giáo dục, Kinh tế.

Đặc biệt, từ sau Đại hội X của ĐCS Việt Nam, chủ trương nhằm tăng cường hơn nữa gìn giữ những giá trị truyền thống lịch sử, đúc kết những vấn đề lý luận, thực tiễn, rút ra những bài học kinh nghiệm, tiếp tục vun đắp và


nâng cao hiệu quả mối quan hệ, hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai nước, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa X) và Bộ Chính trị Đảng Nhân dân cách mạng Lào (khóa VIII) đã quyết định tổ chức hợp tác cùng biên soạn công trình “Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào; Lào - Việt Nam (1930- 2007)”[68]. Công trình gồm có 6 sản phẩm: “Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào; Lào - Việt Nam 1930 -2007”; Văn kiện Đảng và Nhà nước; Biên niên sự kiện; Hồi ký; tập Sách ảnh tư liệu và bộ phim “Bản anh hùng ca quan hệ Việt - Lào”.

Ðây là công trình có quy mô lớn nhất từ trước tới nay về mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước, được Bộ Chính trị và Ban Bí thư của hai Ðảng trực tiếp chỉ đạo. Công trình được nghiên cứu, biên soạn công phu, mang tầm vóc lớn lao của mối quan hệ đặc biệt giữa hai Ðảng, hai Nhà nước, hai dân tộc và nhân dân hai nước, đúng với quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị Ðảng Cộng sản Việt Nam và Ðảng Nhân dân Cách mạng Lào. Công trình đã tái hiện sinh động lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam; làm sáng tỏ quy luật tất yếu, khách quan hai dân tộc phải đoàn kết, nương tựa vào nhau, chống lại kẻ thù chung trong chiến tranh giải phóng dân tộc trước đây và cùng nhau “chia ngọt sẻ bùi” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Công trình đã góp phần tổng kết, phân tích, đánh giá những đặc điểm của mối “quan hệ đặc biệt” và đúc kết những bài học kinh nghiệm, đồng thời gợi mở những vấn đề vận dụng vào hiện tại và tương lai. Bộ sách thuộc công trình đã được Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản năm 2011, 2012. Ngoài ra còn có một số công trình nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn về Đảng Cộng sản cầm quyền và xây dựng đảng cầm quyền trong quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam và kinh tế hàng hóa theo cơ chế thị trường định hướng XHCN ở Lào, phân tích những tương đồng và khác biệt của công tác xây dựng đảng cầm quyền ở Việt Nam và Lào, cuốn sách đề ra một số giải pháp nhằm xây dựng đảng cầm quyền ở Việt Nam và Lào, làm sáng tỏ cơ sở lý luận và thực tiễn về xây dựng đảng cầm quyền ở hai nước.

Ngoài ra, một số công trình nghiên cứu về Lào và một số nước trong khu vực cũng ít nhiều đề cập đến mối quan hệ với Việt Nam như: "Góp phần nhận thức thế giới đương đại" của Nguyễn Đức Bình (Chủ biên) [27]. Các tác

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 04/11/2022