Đảng bộ Hà Nội lãnh đạo xây dựng hệ thống tổ chức chính quyền từ 1954 đến 1965 - 10

máy và quan hệ công tác của văn phòng Uỷ ban hành chính cấp khu, thành phố trực thuộc Trung ương và tỉnh. Theo đó, văn phòng Uỷ ban hành chính khu, thành phố, tỉnh có nhiệm vụ: nghiên cứu, theo dõi, tổng hợp, kiểm tra, đôn đốc công tác của các ngành thuộc quyền Uỷ ban hành chính các cấp; biên tập các chỉ thị, nghị quyết, báo cáo, công văn, giấy tờ; giúp ban hướng dẫn cấp dưới lề lối làm việc, hội họp, học tập, công tác văn thư lưu trữ. Tổ chức bộ máy văn phòng Uỷ ban hành chính khu, tỉnh, thành phố gồm bộ phận thư ký và phòng hành chính, quản trị. Đây cũng là cơ sở để các Uỷ ban hành chính khu, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trực thuộc tỉnh sắp xếp lại bộ máy của văn phòng để mọi mặt công tác có hiệu quả thiết thực.

Ngày 10-11-1962, Chính phủ ban hành Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính, đánh dấu một bước tiến mới trên con đường củng cố chính quyền dân chủ nhân dân của Việt Nam. Nội dung và tinh thần cơ bản của Luật là kiện toàn chính quyền địa phương theo Hiến pháp mới, đẩy mạnh hơn nữa sự hoạt động của Hội đồng nhân dân, làm cho Hội đồng nhân dân thực sự là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đồng thời kiện toàn Uỷ ban hành chính các cấp, làm cho Uỷ ban hành chính phát huy tốt vai trò quản lý hành chính Nhà nước ở địa phương.

Bộ Nội vụ đã triển khai nhiều hoạt động chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện kiện toàn chính quyền địa phương. Ngày 16 và 17-1-1963, Bộ tổ chức Hội nghị cải tiến tổ chức bộ máy Nhà nước ở địa phương. Ngày 4-2-1963, Bộ ra Thông tư số 04/NV hướng dẫn về cải tiến tổ chức, giảm nhẹ biên chế các cơ quan nhà nước ở địa phương. Tiếp đó là Thông tư số 04/NV năm 1964 hướng dẫn việc cải tiến công tác và chấn chỉnh tổ chức ở các thành phố thuộc tỉnh, thị xã; Thông tư số 15/NV năm 1964 hướng dẫn về việc kết hợp cải tiến tổ chức, tinh giản bộ máy, giảm nhẹ biên chế trong cuộc vận động “ba xây, ba chống”.

Ngày 8-3-1963, Hội đồng Chính phủ đã ra thông tư hướng dẫn thi hành mặt tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính các cấp. Sau hai năm, việc thi hành luật đã có tác động tăng cường tổ chức và đẩy mạnh hoạt động của Uỷ ban hành chính các cấp. Tuy nhiên cũng có có Uỷ ban hành chính chưa thực hiện đầy đủ chức năng của mình và chấp hành nghiêm chỉnh những quy định của luật để đẩy mạnh sự hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp mình và quy định những vấn đề thuộc quyền hạn của Hội đồng nhân dân hoặc của cơ quan Nhà nước cấp trên. Về mặt tổ chức, có nơi cấu tạo thành phần của Uỷ ban hành chính chưa đúng chính sách, luật lệ, hoặc đã thay đổi một cách tuỳ tiện. Về chế độ làm việc, có nơi sự phân công và sử dụng của Uỷ ban hành chính còn nhiều lúng túng, chưa đảm bảo nguyên tắc tập trung lãnh đạo phân công phụ trách. Nguyên nhân chủ yếu của những thiếu sót trên là do nhận thức về vai trò của Uỷ ban hành chính chưa được quán triệt và từ đó việc hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc của Uỷ ban hành chính cấp trên đối với cấp dưới trong việc chấp hành chức năng, quyền hạn trong việc củng cố tính chất và chế độ làm việc của Uỷ ban hành chính chưa được thực hiện đầy đủ.

Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung, thống nhất quản lý mọi mặt hoạt động kinh tế, văn hoá và các công tác khác của địa phương. Đi đôi với việc phân cấp quản lý trong từng nhiệm vụ và quyền hạn cho cấp tỉnh, thành phố, vai trò của Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố càng trở nên rất quan trọng. Để làm tròn trọng trách ấy, đòi hỏi phải đặc biệt chú ý trong từng nhiệm vụ lãnh đạo của Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố. Nhưng, sự lãnh đạo của Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố chưa được kiện toàn đúng mức. Nhiệm vụ, quyền hạn phân công lề lối làm việc chung của Uỷ ban hành chính và riêng của từng thành viên Uỷ ban hành chính chưa được quy định rành mạch cụ thể.

Do đó, ngày 18-6-1963, Bộ Nội vụ đã ban hành đề án cải tiến tổ chức cơ quan Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để làm cho cơ quan Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố được kiện toàn đúng mức đủ sức lãnh đạo các ngành, các cấp thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, chỉ tiêu kế hoạch của Đảng và Nhà nước. Cụ thể:

1. Cải tiến sự lãnh đạo của Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố đối với mọi ngành, mọi mặt công tác theo đúng chỉ thị của Trung ương Đảng, xác định chế độ chức trách của từng thành viên của Uỷ ban hành chính.

2. Kiện toàn bộ máy trực tiếp giúp việc Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố. Cụ thể là kiện toàn văn phòng và thư ký, bổ sung cán bộ có năng lực, xác định chế độ, chức trách để đủ sức làm tham mưu giúp Uỷ ban hành chính nghiên cứu giải quyết các vấn đề quan trọng và tổng hợp tình hình, điều hoà phối hợp công tác của các ngành, các cấp. Đồng thời kiện toàn các phòng ban trực thuộc làm cho tổ chức bộ máy của nó được nhỏ gọn, đủ sức đảm đương công tác được giao.

3. Xây dựng tốt nội quy tổ chức Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố. Trong nội quy này sẽ nêu rõ giới hạn nhiệm vụ tổ chức bộ máy, quan hệ công tác, lề lối làm việc của Uỷ ban hành chính và của văn phòng thư ký vụ, các phòng ban trực thuộc.

Để đưa việc giám sát đi vào nề nếp và phù hợp với yêu cầu của tình hình mới, ngày 23-6-1965, Bộ Nội vụ đã ra Thông tư hướng dẫn việc quản lý tổ chức và chế độ làm việc của Uỷ ban hành chính các cấp nhằm tăng cường hướng dẫn thi hành một số điểm cần thiết trong việc quản lý tổ chức và chế độ làm việc của Uỷ ban hành chính các cấp đối với việc chấp hành chức năng, quyền hạn của Uỷ ban hành chính các cấp; việc xây dựng, quản lý và tổ chức của Uỷ ban hành chính các cấp; việc thực hiện chế độ làm việc của Uỷ ban hành chính các cấp.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 272 trang tài liệu này.

Ngày 15-1-1965, Bộ Nội vụ đã ra Thông tư số 93/NV nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc kiện toàn chính quyền xã trong năm 1965, mà trọng tâm là "Đẩy mạnh thi đua xây dựng xã 5 tốt thành phong trào liên tục và sâu rộng".

Đối với công tác lãnh đạo bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp, sau khi Pháp lệnh mới về bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp được Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã thông qua ngày 28-1-1961, thực hiện Quyết định số 28/CP ngày 27-2-1961 của Hội đồng Chính phủ, Bộ Nội vụ đã ra Thông tư hướng dẫn các địa phương một số việc trong công tác bầu cử như: lập danh sách cử tri, số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, thành lập hội đồng bầu cử, ban bầu cử, tổ bầu cử và hội đồng giám sát bầu cử, tổ chức ngày bỏ phiếu, việc bầu lại hoặc bầu thêm…

Đảng bộ Hà Nội lãnh đạo xây dựng hệ thống tổ chức chính quyền từ 1954 đến 1965 - 10

Ngày 20-1-1965, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ra Thông tư số 115/TTTW về việc lãnh đạo bầu cử Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính các cấp. Thông tư nêu rõ:

“Cuộc bầu cử lần này là một cuộc sinh hoạt chính trị lớn, có ý nghĩa quan trọng, nhằm tăng cường Nhà nước chuyên chính dân chủ nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, động viên mạnh mẽ nhân dân hăng hái thi đua hoàn thành thắng lợi kế hoạch Nhà nước, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu và hành động khiêu khích của đế quốc Mỹ và tay sai, góp phần củng cố miền Bắc vững mạnh, làm cơ sở cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.

“Cuộc bầu cử cần đạt mấy yêu cầu sau đây:


“1. Kiện toàn Hội đồng nhân dân các cấp, làm cho Hội đồng nhân dân tiêu biểu được lực lượng sản xuất mới, bao gồm những người có phẩm chất, có đạo đức tốt, có năng lực, có uy tín trong nhân dân, thể hiện được ý chí phấn đấu và tập trung trí tuệ dồi dào của nhân dân địa phương, có tác dụng động viên nhân dân tham gia xây dựng chủ nghĩa xã hội và quản lý đời sống của mình.

“2. Kiện toàn Uỷ ban hành chính các cấp được vững mạnh, có khả năng tập trung và thống nhất quản lý mọi mặt công tác chính quyền địa phương.

“Nâng cao hơn nữa ý thức làm chủ Nhà nước của nhân dân ta, làm cho mọi người có nhận thức đúng đắn thêm về tính chất và chức năng của Hội đồng nhân dân, thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc lựa chọn đại biểu xứng đáng vào Hội đồng nhân dân, thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của mình trong việc bầu cử cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương” [84].


Thực hiện chủ trương và sự chỉ đạo của Trung ương, để chính quyền thực sự trở thành cơ quan quyền lực của nhân dân và vì nhân dân, Đảng bộ Hà Nội luôn coi trọng đúng mức công tác củng cố tổ chức chính quyền địa phương vững mạnh.

Từ ngày 25-1 đến ngày 2-2-1961, Đại hội đại biểu lần thứ II Đảng bộ thành phố Hà Nội họp tại nhà hát lớn. Đại hội bầu ra Ban chấp hành mới gồm 40 đồng chí trong đó có 30 đồng chí là uỷ viên chính thức và 10 đồng chí là uỷ viên dự khuyết. Trong đó, đồng chí Hoàng Văn Hoan là Bí thư, các đồng chí Nguyễn Thọ Chân, Trần Minh Việt, Trần Anh Liên làm Phó bí thư Thành uỷ. Sau đó đồng chí Nguyễn Lam được Bộ Chính trị quyết định làm Bí thư Thành uỷ thay đồng chí Nguyễn Văn Hoan.

Đại hội đánh giá thắng lợi cơ bản của Đảng bộ là đã đưa thành phố chủ yếu mang tính chất tiêu thụ sang tính chất thành phố sản xuất, hình thành quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa. Các mặt chính trị, kinh tế và văn hoá của Thủ đô đã biến đổi về chất và phát triển mạnh mẽ.

Đại hội đánh giá chính quyền thành phố đã phát huy được tác dụng chuyên chính vô sản, hoàn thành thắng lợi khôi phục kinh tế, căn bản hoàn thành cải tạo xã hội chủ nghĩa và đang đẩy mạnh sự nghiệp phát triển kinh tế,

văn hoá. Hội đồng nhân dân xã và Hội đồng nhân dân thành phố đã được dân chủ bầu ra, Uỷ ban hành chính các cấp được củng cố. Các cơ quan chuyên môn của chính quyền nói chung đều được củng cố và tăng cường cả về tổ chức, tư tưởng, nghiệp vụ. Chính quyền có cơ sở vững chắc trong nhân dân, được nhân dân tích cực ủng hộ và bảo vệ [56].

Trên cơ sở đánh giá tình hình thành phố, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết của Bộ Chính trị ngày 12-9-1959 về cải tạo, xây dựng và mở rộng Thủ đô theo hướng: Hà Nội là Thủ đô của nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, một thành phố công nghiệp, trung tâm chính trị và văn hoá kinh tế của cả nước, Đại hội đã xác định nhiệm vụ của Thủ đô trong 2 năm 1961-1962 là: gia sức phát triển công nghiệp và nông nghiệp, đẩy mạnh công cuộc phát triển kinh tế, lấy sản xuất công nghiệp làm trọng tâm, tiếp tục cải tạo và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, xây dựng thành phố theo quy hoạch, gia sức phát triển giáo dục, chăm lo cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tiếp tục xây dựng chủ nghĩa ở miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của Thủ đô, Đại hội xác định nhiệm vụ về công tác chính quyền của Đảng bộ trong 2 năm 1961-1962 là: “củng cố chính quyền nhân dân các cấp vững mạnh, đủ sức lãnh đạo sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hoá của thành phố; tiến hành bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp, bổ sung thêm cán bộ vào các uỷ ban, cơ quan giúp việc của Uỷ ban hành chính cũng cần được kiện toàn” [56].

Sau 2 năm thực hiện nghị quyết, ngày 1 đến 8-7-1963, Đại hội đại biểu lần thứ III Đảng bộ thành phố được tiến hành tại Nhà hát lớn thành phố. Đại hội bầu ra Ban chấp hành Đảng bộ mới gồm 29 đồng chí, đồng chí Nguyễn Lam là Bí thư Thành uỷ, các đồng chí Nguyễn Tuân, Trần Sâm, Trần Vỹ được bầu làm Phó bí thư Thành uỷ.

Đại hội đánh giá 2 năm thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất: thành phố đã giành được những thắng lợi to lớn, bước đầu thực hiện nhiệm vụ công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa, tăng cường một bước lực lượng kinh tế quốc doanh, công tư hợp doanh và tiểu thủ công nghiệp; quan hệ sản xuất trong các hợp tác xã nông nghiệp, thủ công nghiệp được củng cố; cách mạng tư tưởng văn hoá tiếp tục đẩy mạnh; đời sống nhân dân được cải thiện một bước.

Trên cơ sở đánh giá tình hình thành phố, căn cứ vào những nhiệm vụ cơ bản và mục tiêu phấn đấu của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất về phát triển kinh tế và văn hoá mà Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng đã đề ra, dựa theo tinh thần Hội nghị lần thứ 8 của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Đại hội định ra nhiệm vụ chung của Đảng bộ và nhân dân Thủ đô trong thời gian 1963-1965:

“Phát huy tinh thần tích cực sáng tạo của nhân dân tham gia xây dựng và quản lý thành phố, quyết tâm phấn đấu vươn lên xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật cho các ngành kinh tế của thành phố, thực hiện một bước công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa, củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất mới, nâng cao trình độ quản lý kinh tế, tài chính, xúc tiến cuộc cách mạng kỹ thuật, tư tưởng và văn hoá, gia sức phát triển công nghiệp và nông nghiệp, trọng tâm là sản xuất công nghiệp (bao gồm cả thủ công nghiệp); từng bước cải tạo và xây dựng thành phố theo quy hoạch; cải tiến công tác thu mua, lưu thông phân phối, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tiến thêm một bước mới trên con đường xây dựng Hà Nội thành Thủ đô xã hội chủ nghĩa, góp phần tăng cường miền Bắc về mọi mặt làm cơ sở cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà” [68, 11-12].

Chính quyền thành phố là công cụ chủ yếu của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Thủ đô, để

thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội đã đề ra, hệ thống chính quyền của thành phố cũng cần phải được củng cố vững mạnh.

Trong 2 năm 1961-1962, Đảng bộ đã chú trọng củng cố chính quyền nhân dân các cấp, bầu cử Hội đồng nhân dân thành phố, huyện, xã. Uỷ ban hành chính thành phố và các cấp bước đầu được kiện toàn phát huy chức năng quản lý kinh tế, kiến thiết thành phố, giữ vững trật tự an ninh. Tuy nhiên, việc tăng cường củng cố chính quyền chưa đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới. Nhìn chung chức năng của chính quyền chưa được phát huy đầy đủ. Các cấp uỷ còn bao biện, có lúc làm thay công việc của chính quyền. Trình độ tổ chức và năng lực quản lý kinh tế, quản lý văn hoá, quản lý đời sống của chính quyền cấp cơ sở còn quá yếu. Tổ chức và nhiệm vụ cơ quan chuyên môn ở thành và chính quyền khu phố cần được nghiên cứu thêm để phát huy tác dụng hơn.

Trước thực tế đó, Đảng bộ Hà Nội đã đề ra nhiệm vụ về công tác chính quyền trong hai năm 1963-1965: “phát huy tinh thần làm chủ của nhân dân, nhất là của công nhân và nhân dân lao động, làm cho mọi người thấy được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình, tích cực tham gia xây dựng và quản lý thành phố.

“Phải phát huy mạnh mẽ chức năng của Hội đồng nhân dân các cấp trong việc xây dựng và quản lý thành phố. Hội đồng nhân dân thành phố phải kiểm tra chặt chẽ công tác của Uỷ ban hành chính và các ngành chuyên môn.

“ Kiện toàn Uỷ ban hành chính các cấp từ thành đến khu phố, huyện, xã, phát huy đầy đủ chức năng của chính quyền trong việc trực tiếp quản lý và chỉ đạo cụ thể các mặt công tác kinh tế, văn hoá, tổ chức thực hiện kế hoạch Nhà nước, đôn đốc các cơ quan chuyên môn và chính quyền cấp dưới tiến hành công tác” [68, 40-41].

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 24/04/2023