Đặc sắc thơ Nguyễn Khoa Điềm - 2


công trình nghiên cứu hầu như đều có chung một nhận xét: Thơ Nguyễn Khoa Điềm có sự chuyển đổi từ cảm hứng sử thi sang cảm hứng thế sự đời tư. Cụ thể về điều này, Hoàng Thu Thuỷ trong bài viết Ngôi nhà tâm hồn Nguyễn Khoa Điềm luôn có ngọn lửa ấm đã đặc biệt chú ý đến quan niệm thơ của Nguyễn Khoa Điềm sau chiến tranh: “ Anh cho rằng, nhược điểm của thơ văn trong chiến tranh là suy nghĩ riêng, tâm tư riêng của con người không phong phú đa dạng. Chỉ có một âm hưởng chung là chiến đấu; những ước mơ, dằn vặt lo âu, đau thương mất mát không có… Có lẽ đã đến lúc phải thay đổi cách nhìn về chiến tranh, về văn học chiến tranh”.

- Vũ Tuấn Anh trong Mặt đường khát vọng đến Ngôi nhà có ngọn lửa ấm đã chỉ ra tiến trình vận động thơ Nguyễn Khoa Điềm từ thời chiến sang thời bình và kết luận: Ngôi nhà có ngọn lửa ấm vừa nối tiếp vừa chuyển đổi cảm xúc nên giọng thơ “ điềm đạm và sâu lắng, tách các lớp vỏ của sự vật để tìm cái cốt lòi bên trong khơi gợi từ đấy những triết lý đạo đức và nhân sinh”. Và thực sự, Ngôi nhà có ngọn lửa ấm đã đạt tới những cảm xúc dồn nén trong vùng sâu thẳm của tâm hồn và giàu tính thuyết phục hơn khi chắt lọc chất thơ từ những điều rất đỗi đời thường đơn sơ bình dị.

- Vò Văn Trực trong bài Gương mặt quê hương, gương mặt nhà thơ (1988) thì chú tâm đi tìm và phân tích chất văn hoá Huế trong thơ Nguyễn Khoa Điềm và khẳng định chính chất Huế làm nên phong cách và bản lĩnh thơ Nguyễn Khoa Điềm. Theo Vò Văn Trực, “ Hầu hết đề tài trong thơ anh đều được rút ra từ mảnh đất Huế, ngoại ô Huế và của chiến trường Bình Trị Thiên” và “ Lịch sử Huế, nền văn hoá Huế, hơi thở hàng ngày của cuộc sống cố đô thấm vào máu thịt và cảm xúc về Huế chan chứa trong thơ anh”. Thơ Nguyễn Khoa Điềm không “ ngổn ngang” tên đất tên người xứ Huế, không “ bề bộn” phong tục tập quán Huế nhưng “ tâm hồn Huế vẫn dịu dàng ở phía sau mỗi dòng thơ”.

Đối tượng thẩm mĩ trung tâm của thơ Nguyễn Khoa Điềm trước năm 1975 là hiện thực cuộc sống chiến đấu của nhân dân của đất nước. Sau năm


1975, đặc biệt sau năm 1987, Nguyễn khoa Điềm trở về Ngôi nhà có ngọn lửa ấm với những vui buồn của cuộc sống đời thường.

- Vũ Quần Phương trong Ngôi nhà có ngọn lửa ấm - Nguyễn Khoa Điềm đã bộc lộ thái độ trân trọng trước quan niệm của Nguyễn Khoa Điềm “ Muốn tìm chất thơ tiềm ẩn trong cái thường ngày” và “quan tâm đến những cảm nhận của lòng mình”.

- Tiếp theo mạch tư duy hướng nội, tập thơ Còi lặng ra đời năm 2007 với rất nhiều ý kiến đánh giá khẳng định giá trị của nó. Nguyễn Sỹ Đại trong bài viết Còi lặng của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm cho rằng: “ Một số bài đã vươn tới độ lớn mang tính phổ quát. Dù trong hoàn cảnh nào thì tâm hồn thi sĩ trong anh vẫn hài hoà nồng thắm cùng Đất nước theo cách riêng của mình, tức là nơi chân tơ, kẽ tóc, trong tế bào, trong mỗi hơi thở hàng ngày… Tập thơ mang đậm sự chiêm nghiệm về cuộc sống và triết lý nhân sinh thế sự”.

Giới nghiên cứu, phê bình và độc giả không chỉ tập trung khai thác, đánh giá về những đặc sắc trong nội dung tư tưởng mà còn đặc biệt quan tâm đến việc phát hiện những nét riêng độc đáo về nghệ thuật trong thơ Nguyễn Khoa Điềm. Đó là sự dồn nén và hàm xúc tối đa của câu chữ để từ đó đúc kết những triết lý về đạo đức nhân sinh.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 112 trang tài liệu này.

- Hoàng Thu Thuỷ trong Ngôi nhà tâm hồn Nguyễn Khoa Điềm luôn có ngọn lửa ấm đã có những phát hiện tinh tế và chính xác về nghệ thuật trong thơ Nguyễn Khoa Điềm:

“Nắm vững đặc trưng của thơ ca, bảo đảm cho tư duy thơ đông đặc và nhảy vọt, lựa chọn từ ngữ, hình ảnh hàm xúc, triệt để khai thác âm vang của các khoảng cách trong thơ” và “Đó có lẽ là sự vận động từ gân guốc, mạnh khoẻ một cách điềm tĩnh đến độ sâu sắc đến mức tĩnh tại, chạm vào phần sâu kín nhất của tâm hồn con người làm bật lên những hiệu ứng thẩm mĩ phong phú”.

Đặc sắc thơ Nguyễn Khoa Điềm - 2


- Trong Luận văn Thạc sĩ Phong cách thơ Nguyễn Khoa Điềm (2005), Lưu Thị Lập sau khi nêu lên những đóng góp của thơ Nguyễn Khoa Điềm trong phong trào thơ chống Mỹ đã đưa ra và phân tích những cảm hứng chính trong thơ Nguyễn Khoa Điềm (về đất nước, con người trong và sau chiến tranh) đã tập trung phân tích những hình ảnh thơ, ngôn ngữ thơ và màu sắc văn hoá dân gian trong thơ Nguyễn Khoa Điềm.

- Nguyễn Văn Long trong bài viết Nguyễn Khoa Điềm với Mặt đường khát vọng (1974) đã nhấn mạnh đến lối thơ thời sự, chính luận và cách trữ tình khác biệt của Nguyễn Khoa Điềm. Về nhược điểm: “ Cũng dễ thấy là đọc thơ ông, có ấn tượng hơi căng thẳng, có khi nặng nề nữa”. Cuối cùng, tác giả khẳng định: “ Nguyễn Khoa Điềm có những đóng góp nhất định và đáng kể vào bước phát triển của thơ ca cách mạng miền nam”.

- Trong Nguyễn khoa Điềm, nhà thơ trẻ có nhiều triển vọng (1976), Tôn Phương Lan đề cập đến sự thể nghiệm mới và thành công của Nguyễn Khoa Điềm từ thơ chuyển sang sáng tác trường ca: Trường ca Mặt đường khát vọng là một thể nghiệm mới trong vấn đề tìm tòi phương pháp thể hiện và là một thành công mới của anh”. Về cấu trúc trường ca này, Tôn Phương Lan nhận xét khá xác đáng: “ không coi việc kể chuyện là chính. Lấy suy nghĩ, cảm xúc làm chỗ dựa cho kết cấu để rồi từ đó triển khai cả bề rộng lẫn bề sâu”.

- Trần Đăng Xuyền trong cuốn Giảng văn văn học Việt nam (1998) chủ yếu tập trung phân tích, đánh giá chương Đất Nước: Thông qua những vần thơ kết hợp giữa cảm xúc và suy nghĩ, trữ tình và chính luận, Nguyễn Khoa Điềm muốn thức tỉnh ý thức, tinh thần dân tộc, tình cảm gắn bó với nhân dân, đất nước của thế hệ trẻ trong những năm chống Mỹ”.

- Trong cuốn Về một đặc trưng thi pháp thơ Việt nam giai đoạn 1945- 1995 (1999), Vũ Văn Sỹ sau khi giới thiệu kết cấu toàn bộ chín chương của trường ca đã nhận xét: “ Trường ca viết về phong trào đấu tranh của học sinh,


sinh viên Huế, nhưng tác giả không dừng lại khai thác những sự kiện ở Huế, mà còn mở rộng liên tưởng trên nhiều bình diện, nhiều khía cạnh của vấn đề: tình hình thời sự trong nước và thế giới, về lãnh tụ, về lịch sử, về ca dao, thần thoại... Trong các trường đoạn này các biện pháp tự sự vẫn được huy động một cách đắc lực”.

- Nguyễn Trọng Hoàn trong Cảm nhận thơ Nguyễn khoa Điềm (1999) đề cập đến độ chín về mọi mặt, độ khái quát cao và sức vươn tới của thơ Nguyễn Khoa Điềm: “ Trường ca Mặt đường khát vọng hội tụ không chỉ độ chín của tư tưởng, nhận thức mà còn thể hiện một phong cách thơ có chất giọng riêng”

- Nét đặc sắc về nghệ thuật trong thơ Nguyễn Khoa Điềm còn được thể hiện ở những biểu tượng thơ sống động, độc đáo theo kiểu chấm phá, khơi gợi. Năm 2000, Chu Văn Sơn trong bài phê bình thi phẩm Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm đã khẳng định: “ Nét chủ đạo trong tư duy triết luận trữ tình là đào sâu vào cái bản chất của sự vật dưới dạng những biểu tượng thi ca sống động. Tư duy ấy chuyển động dựa trên mạch lôgic biện chứng với những mối liên hệ bất ngờ kì thú”. Sự hoà hợp nhuần nhuyễn hai yếu tố triết luận và trữ tình đã góp phần tạo nên đặc sắc thơ Nguyễn Khoa Điềm.

- Với sự am hiểu sâu sắc văn hoá Huế, Hoài Anh trong bài viết Nguyễn Khoa Điềm với chủ đề thơ sóng đôi: Đất và khát vọng đăng trên báo Văn nghệ ra ngày 25/4/2002 đã tìm thấy ảnh hưởng của khúc đàn tranh xứ Huế trong thơ Nguyễn Khoa Điềm: “ Đọc thơ Nguyễn Khoa Điềm, tôi liên tưởng đến một khúc đàn tranh của một nhạc sỹ Huế”. Theo tác giả, trong thơ Nguyễn Khoa Điềm niềm vui thì “ khoẻ khoắn, tươi lành của điệu Nam Xuân”, nỗi buồn thì “ nhẹ nhàng, sâu lắng của điệu Nam Bình” và những đoạn “ đảo phách”, “ chuyển điệu” của bản Đảo Ngũ Cung…

Trên cơ sở tiếp thu, kế thừa thành tựu nghiên cứu của những người đi trước, trong luận văn này, chúng tôi tập trung vào những suy nghĩ và cảm nhận của mình, phân tích và lý giải những đặc trưng thẩm mĩ đặc sắc của thơ Nguyễn Khoa Điềm.


3. Phương pháp nghiên cứu

3.1. Phương pháp phân tích tác giả và tác phẩm

Trong luận văn, chúng tôi cố gắng bám sát tìm hiểu mối quan hệ giữa tiểu sử tác giả (tức là những hoạt động xã hội thực tiễn) với tác phẩm thi ca. Về mặt tác phẩm, chúng tôi dành nhiều cho sự cảm nhận chủ quan của mình, với tư cách là người đọc đã được đào tạo Ngữ văn.

3.2. Phương pháp liên nghành giữa văn học và văn hóa.

Luận văn cũng đi sâu nghiên cứu thơ Nguyễn Khoa Điềm từ góc độ văn hóa. Nhấn mạnh sự ảnh hưởng của văn hóa vùng miền được hội tụ ở đất Huế thẩm thấu vào thơ ông.

3.3. Ngoài ra, chúng tôi có vận dụng các lý thuyết và các phương pháp bổ trợ như xã hội học, thi pháp học; các phương pháp, thao tác khác như phân tích – tổng hợp và so sánh.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

4.1. Đối tượng nghiên cứu của luận văn là những ấn tượng thẩm mĩ đặc sắc về thơ Nguyễn Khoa Điềm.

4.2. Về phạm vi nghiên cứu là 4 tập thơ chính.

- Đất ngoại ô (1972)

- Mặt đường khát vọng (Trường ca, 1974)

- Ngôi nhà có ngọn lửa ấm (1986)

- Còi lặng (2007)

Ngoài ra là các tài liệu bổ trợ về thân thế sự nghiệp, tác giả và tác phẩm của Nguyễn Khoa Điềm.

5. Mục đích và ý nghĩa của luận văn


Nguyễn Khoa Điềm là nhà thơ tiêu biểu của thế hệ nhà thơ trẻ thời chống Mỹ. Mục đích của luận văn là phát hiện những đặc trưng thẩm mĩ đặc


sắc của một phong cách thơ vừa ổn định vừa vận động nhưng cũng nhất quán trong tư duy nghệ thuật của ông.

Tìm hiểu đặc sắc thơ Nguyễn Khoa Điềm là cách tiếp cận mới mẻ, có nhiều triển vọng giúp người đọc có cái nhìn thấu đáo, toàn cảnh thơ ông. Qua đó góp phần đánh giá một cách khoa học vị trí của Nguyễn Khoa Điềm trong nền thơ chống Mỹ.

6. Kết cấu của luận văn

Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Tư liệu tham khảo, luận văn gồm 3 chương:

Chương 1. Một cảm hứng thi ca giàu chất sử thi của tuổi trẻ khát vọng và hành động.

Chương 2. Một hồn thơ thấm đượm trầm tích Huế.

Chương 3. Một chất giọng trữ tình suy tưởng, chính luận và triết lý mang dấu ấn cá tính.


PHẦN NỘI DUNG

Chương 1

MỘT CẢM HỨNG THI CA GIÀU CHẤT SỬ THI CỦA TUỔI TRẺ KHÁT VỌNG VÀ HÀNH ĐỘNG


Sau khi tốt nghiệp Đại học, Nguyễn Khoa Điềm đã tình nguyện chọn cho mình địa bàn Thừa Thiên- Huế để sống và chiến đấu trong suốt cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ. Vùng cảm hứng thi ca của ông là phong trào đấu tranh của học sinh và sinh viên đô thị vùng tạm chiếm miền Nam. Việc chọn cho mình mảng hiện thực máu lửa này khiến cho thơ Nguyễn Khoa Điềm để lại ấn tượng đặc biệt, đặc sắc và khó lẫn. Đây chính là luận đề mà luận văn nghiên cứu trong chương này.

1.1. Quan niệm nghệ thuật thi ca của Nguyễn Khoa Điềm

Nguyễn Khoa Điềm xuất thân trong một gia đình trí thức cách mạng. Ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1964, cùng một lứa với Phạm Tiến Duật, Lê Anh Xuân(Ca Lê Hiến), sau đó Nguyễn Khoa Điềm được trở về quê hương hoạt động ở chiến trường Thừa Thiên- Huế. Trong một trận càn, ông bị địch bắt giam tại nhà lao Thừa Phủ suốt mấy tháng ròng. Mãi đến chiến dịch Mậu thân (1968), ông mới được giải thoát, tiếp tục trở lại hoạt động. Chính thời điểm này, Nguyễn Khoa Điềm bắt đầu làm thơ. Trong buổi giao lưu với công chúng yêu thơ ở Huế, Nguyễn Khoa Điềm nói một cách thành thật là ông hoàn toàn không có năng khiếu về thơ. Nguyễn Khoa Điềm làm được thơ là nhờ học hỏi, tìm tòi, khổ luyện. đặc biệt là được sống trong không khí cách mạng sôi sục của đồng bào miền Nam và tinh thần chiến đấu chống Mỹ của nhân dân cả nước. Được đào tạo ở miền Bắc, lại sớm tiếp thu một cách có chọn lọc văn học đô thị miền Nam thông qua các bạn văn như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân, Trần Vàng Sao... Điều đó góp phần hình thành phong cách thơ ông ngay trong những sáng tác đầu tay.


Nguyễn Khoa điềm đến với thơ hơi muộn nhưng đã sớm định hình một phong cách riêng. Thơ ông nhanh chóng được dư luận chú ý và khẳng định: “ Đó là một thứ thơ trữ tình thấm đẫm chất men say khát vọng và hành động. Một thứ thơ giầu chất sử thi của một thời”.[35]. Gần đây, trong cuốn Nhà văn Việt Nam thế kỉ XX, Nguyễn Khoa Điềm đã “tự bạch”: Theo nhà thơ, những yếu tố làm nên bản chất văn chương là lời, hành động và tấm lòng. Lời không chỉ là câu thơ, lời văn mà bao hàm cả cách thể hiện, cách viết- tức là hình thức văn chương; Hành động, đó là ý tưởng văn chương thúc giục người ta hành động; Còn “ tấm lòng, đó là tâm hồn tác giả trên từng trang giấy. Có lời văn hay, có khát vọng hành động mạnh mẽ nhưng thiếu đi tấm lòng nhân hậu, cao thượng thì vẫn chưa có văn hay”. Theo ông, “ Thơ phải góp phần làm đẹp tâm hồn”. Tóm lại, với Nguyễn Khoa Điềm, thi ca là một hoạt động xã hội, hay nói đúng hơn, làm thơ tức là thể hiện khát vọng hành động.

Sau hơn bốn mươi năm vừa đảm nhiệm những chức vụ quan trọng vừa cầm bút, ông đã đóng góp cho nền thơ ca nước nhà một sồ thành tựu đáng kể. Những tác phẩm Đất ngoại ô, Mặt đường khát vọng Ngôi nhà có ngọn lửa ấm của Nguyễn Khoa Điềm đã nhận được Giải thưởng Nhà nước về Văn học- Nghệ thuật. Bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ và chương Đất Nước trong trường ca Mặt đường khát vọng của ông đã được tuyển chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn để giảng dạy trong nhà trường. Nguyễn Khoa Điềm là một trong những gương mặt thơ tiêu biểu của thế hệ thơ trẻ xuất hiện trong những năm chiến tranh chống Mỹ.

Trong cuốn Văn nghệ - Một thời để nhớ, cuốn sách tập hợp những lá thư của anh chị em văn nghệ sĩ miền Nam gửi miền Bắc trong những ngày kháng chiến chống Mỹ đầy khó khăn ác liệt nhưng cũng rất hào hùng và oanh liệt. Đó là những lá thư viết vội, viết dở dang ở chiến trường, giữa hai trận chống càn quyết liệt. Những lá thư như là những lá huyết thư gợi nhớ những

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 04/08/2022