Công tác tiếp công dân tại các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk - 2

MỞ ĐẦU‌

1. Lý do chọn đề tài‌

Tiếp công dân là việc một hoặc nhiều cá nhân đại diện cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đón tiếp công dân để lắng nghe, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; giải thích, hướng dẫn cho công dân về việc thực hiện khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định của pháp luật. Tiếp công dân giúp các cơ quan kịp thời nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người dân về cơ chế, chính sách, đời sống dân sinh [30].

Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nhân dân là trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội. Nhà nước phải đảm bảo và không ngừng phát huy quyền làm chủ mọi mặt của nhân dân, nghiêm trị mọi hành vi xâm phạm lợi ích Tổ quốc và nhân dân, xây dựng đất nước giàu mạnh, thực hiện công bằng xã hội, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện. Quyền khiếu nại, tố cáo liên quan chặt chẽ với các quyền và nghĩa vụ cơ bản khác của công dân, đó là quyền dân chủ trực tiếp, một nội dung quan trọng của chế độ dân chủ Xã hội chủ nghĩa để công dân thông qua đó tích cực tham gia vào việc quản lý Nhà nước, quản lý xã hội [30].

Công tác tiếp công dân là một trong những khâu quan trọng trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; thông qua công tác tiếp công dân, người tiếp công dân đã hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo đúng quy định pháp luật, đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết, khắc phục những hạn chế bất cập trong việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo của công dân. Qua đó tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức pháp luật nói chung, pháp luật khiếu nại, tố cáo của công dân nói riêng. Công tác tiếp công dân có ý nghĩa quan trọng đáp ứng được phần lớn yêu cầu của người dân, hướng tới Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Chính vì vai trò và tầm quan trọng của


công tác tiếp công dân nên Quốc hội khóa XIII đã Thông qua Luật Tiếp công dân năm 2013, đây là văn bản pháp luật có giá pháp lý cao nhất để điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực tiếp công dân. Qua đó, yêu cầu các cơ quan, tổ chức trong trong hệ thống chính trị của nước ta phải quy định rõ tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan tiếp công dân, người phụ trách tiếp công dân, cán bộ tiếp công dân, mối quan hệ giữa các cơ quan tiếp công dân, giữa cơ quan tiếp công dân với các cơ quan, tổ chức; quy định rõ hoạt động tiếp công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; điều kiện bảo đảm hoạt động tiếp công dân, quản lý về công tác tiếp công dân [7].

Công tác tiếp công dân của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk những năm qua đã có chuyển biến tích cực, thông qua công tác tiếp công dân, người đứng đầu đã quan tâm chỉ đạo, xem xét, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các vụ việc khiếu nại, tố cáo của các tổ chức, cá nhân; đáp ứng được phần lớn yêu cầu của người dân. Tuy nhiên, tình hình công dân tập trung tại trụ sở làm việc của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk để khiếu nại, tố cáo; nhất là khiếu nại đông người tại một số nơi vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, chủ yếu liên quan đến tranh chấp đất đai và xung đột lợi ích trong quá trình thực hiện hợp đồng giao nhận khoán, liên doanh, liên kết giữa các hộ dân với các công ty nông, lâm nghiệp; các vụ tố cáo lợi dụng chức vụ quyền hạn cậy quyền, tham nhũng… Bên cạnh đó, người đứng đầu một số cơ quan đơn vị chưa chú trọng đúng mức đến công tác tiếp công dân, còn mang tính hình thức, đối phó; vẫn còn có hiện tượng đùn đẩy, né tránh hoặc chưa nắm rõ được các hoạt động tác nghiệp trong công tác tiếp công dân dẫn đến việc tổ chức quản lý, điều hành hoạt động tiếp công dân còn nhiều lúng túng, khó khăn; kinh nghiệm của một số công chức làm nhiệm vụ tiếp công dân chưa nhiều; khả năng giao tiếp, vận động, thuyết phục công dân chưa cao, kết quả còn hạn chế.


Từ những lý do trên, tác giả chọn đề tài: “Công tác tiếp công dân tại các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân tỉnh Đắk Lắk” làm luận văn thạc sỹ chuyên ngành Quản lý công.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 109 trang tài liệu này.

2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài luận văn‌

Nghiên cứu về công tác tiếp công dân nói chung, tình hình tiếp công dân tại các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nói riêng, từ trước đến nay đã có nhiều nhà khoa học, nhà quản lý quan tâm, nghiên cứu và đã có nhiều công trình được công bố, có thể nêu một số công trình tiêu biểu sau:

Công tác tiếp công dân tại các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk - 2

- Bùi Mạnh Cường “Ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động tiếp công dân”, Đề tài nghiên cứu Khoa học cấp Bộ (2007), tác giả đã làm rõ những vấn đề đặt ra trong hoạt động tiếp công dân và khả năng ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động tiếp công dân để từ đó đưa ra những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động tiếp công dân ở Việt Nam trên nền tảng ứng dụng các thành tựu mới nhất của công nghệ thông tin.

- Nguyễn Sỹ Cương “Nghiên cứu những vấn đề, thực tiễn giải quyết khiếu nại, tố cáo của cán bộ, công chức hiện nay”, Đề tài khoa học cấp Bộ (2007), của tác giả đã nghiên cứu đã chỉ rõ cơ sở khoa học lý luận về khiếu nại, tố cáo; thực tiễn giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định pháp luật; đề xuất những giải pháp hoàn thiện các văn bản luật để phù hợp với tình hình thực tế.

- Tạ Thị Thu Thủy “Hoạt động thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của Thanh tra Chính phủ” - Đề tài khoa học cấp cơ sở (2016), Đề tài nghiên cứu một số vấn đề lý luận chung, các quy định và nhấn mạnh thực tiễn hoạt động thanh tra trách nhiệm việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Thanh tra Chính phủ. Trên cơ sở đó, đề ra phương hướng, giải pháp nhằm


hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra trách nhiệm việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của Thanh tra Chính phủ.

Bên cạnh các đề tài khoa học, nghiên cứu về hoạt động tiếp công dân còn có nhiều luận văn cao học, các bài tạp chí:

- Tạ Minh Chiến “Tiếp công dân tại Ủy ban nhân dân huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước” luận văn Thạc sĩ quản lý công năm 2016. Luận văn nghiên cứu lý luận về tiếp công dân và thực tế tiếp công dân của Ủy ban nhân dân huyện Đồng Phú, trên cơ sở đó đưa ra các giải pháp hoàn thiện hoạt động tiếp công dân tại Ủy ban nhân dân huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước.

- Nguyễn Văn Hải “Tiếp công dân trên địa bàn huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị” luận văn Thạc sĩ quản lý công, năm 2020. Trên cơ sở nghiên cứu lý luận và thực tiễn của công tác tiếp công dân, luận văn đề xuất một số giải pháp nâng cao công tác tiếp công dân trên địa bàn huyện [4].

- Nguyễn Văn Trường “Giải quyết khiếu nại hành chính trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk” luận văn Thạc sĩ quản lý công, năm 2019. Trên cơ sở lý luận và thực tiễn về tình hình khiếu nại hành chính và giải quyết giải quyết khiếu nại hành chính trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk; phân tích, đánh giá được tổng quan thực trạng khiếu nại hành chính và giải quyết khiếu nại hành chính tại địa phương. Qua đó, đề xuất một số Quan điểm và giải pháp nhằm bảo đảm việc thực hiện có hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại hành chính trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk [5].

- Dương Tuấn Lâm “Quản lý nhà nước về hoạt động tiếp công dân tại Ủy ban nhân dân huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình” luận văn Thạc sĩ, năm 2018. Luận văn đánh giá quản lý nhà nước về hoạt động tiếp công dân tại UBND huyện Yên Khánh hiện nay. Đề xuất những giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để nâng cao chất lượng hoạt động quản lý nhà nước về tiếp công dân tại UBND huyện Yên Khánh và kiến nghị những giải


pháp để hoàn thiện hệ thống thể chế pháp luật liên quan đến hoạt động tiếp công dân.

- Phan Thị Lý “Tiếp công dân trong điều kiện xây dựng nền hành chính phục vụ - từ thực tiễn tỉnh Vĩnh Phúc” luận văn Thạc sỹ quản lý công, năm 2017. Luận văn đã xây dựng cơ sở lý luận về tiếp công dân của các cơ quan nhà nước; làm rõ thực trạng tiếp công dân của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; từ đó đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, hướng tới mục tiêu xây dựng một nền hành chính phục vụ [6].

- Phạm Viết Diệu Thảo “Tổ chức và hoạt động của Ban tiếp công dân tỉnh Bình Thuận” luận văn Thạc sỹ quản lý công, năm 2017. Trên cơ sở nghiên cứu làm rõ vấn đề lý luận về công tác tiếp công dân và thực tế việc tổ chức hoạt động, thực trạng tổ chức bộ máy và kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao của Ban Tiếp công dân tỉnh Bình Thuận; từ đó tác giả đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm hoàn thiện tổ chức và hoạt động tiếp công dân tại Ban Tiếp công dân tỉnh Bình Thuận [7].

- Nguyễn Phương Thảo “Một số vướng mắc trong hoạt động tiếp công dân”, Trang thông tin điện tử tổng hợp của Ban Nội chính Trung ương, ngày 15/9/2013. Bài viết đã đánh giá khái quát về kết quả đạt được và một số tồn tại, nguyên nhân của tồn tại việc thực hiện công tác tiếp công dân của các cơ quan hành chính nhà nước ta giai đoạn 2008 – 2012. Từ đó, tác giả đã đưa ra một số yêu cầu cần thiết trong việc nghiên cứu, xây dựng Luật Tiếp công dân để nâng cao hiệu quả của công tác tiếp công dân.

- Cung Phi Hùng “Một số vấn đề về hoạt động Tiếp công dân ở Việt Nam”, Trang Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra, ngày 25/09/2020, Bài viết nêu lên những tồn tại, hạn chế của pháp luật Tiếp công dân, trong hoạt


động tiếp công dân và đưa ra một số giải pháp để nâng cao hoạt động tiếp công dân ở Việt Nam trong giai đoạn tới [2].

Nhìn chung, các công trình nghiên cứu đã đề cập đến những vấn đề chung về cơ sở lý luận và thực trạng thực hiện hoạt động tiếp công dân tại một số địa phương trong cả nước. Tuy nhiên, hiện chưa có công trình nào nghiên cứu một cách tổng thể, có hệ thống về công tác tiếp công dân tại các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk. Chính vì vậy, việc tác giả lựa chọn đề tài “ Công tác tiếp công dân tại các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk” để nghiên cứu, phân tích và đưa ra những giải pháp, phù hợp cho công tác Tiếp công dân tại các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk trong bối cảnh hiện nay là hoàn toàn cần thiết.

3. Mục đích và nhiệm vụ của luận văn‌

3.1. Mục đích

Trên cơ sở nghiên cứu lý luận và thực tiễn về công tác tiếp công dân của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk, luận văn đề xuất một số giải pháp nhằm góp phần nâng cao công tác tiếp công dân của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk trong thời gian tới.

3.2. Nhiệm vụ

Để đạt được mục đích nghiên cứu nêu trên, luận văn cần phải thực hiện một số nhiệm vụ cơ bản sau:

- Nghiên cứu, hệ thống hoá cơ sở khoa học về công tác tiếp công dân; làm rõ bản chất của công tác tiếp công dân; vai trò của công tác tiếp công dân; nguyên tắc, quy trình tiếp công dân tại các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh.

- Đánh giá thực trạng công tác tiếp công dân tại các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk, từ đó chỉ ra những điểm được và


chưa được, nguyên nhân của những hạn chế của công tác tiếp công dân tại các cơ quan chuyên môn của tỉnh Đắk Lắk.

- Đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân tại các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận văn‌

4.1. Đối tượng nghiên cứu

Công tác tiếp công dân tại các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk.

4.2. Phạm vi nghiên cứu

- Phạm vi nội dung: Luận văn tập trung nghiên cứu về tổ chức và hoạt động tiếp công dân tại các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk.

- Phạm vi về không gian: Luận văn nghiên cứu tại Ban Tiếp công dân thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh và Phòng Tiếp công dân thuộc các cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh Đắk Lắk.

- Phạm vi về thời gian: Các thông tin, dữ liệu được thu thập, sử dụng cho phân tích, đánh giá giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020.

5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu của luận văn‌

5.1. Phương pháp luận

Dựa trên cơ sở vận dụng phương pháp luận về quan điểm của Chủ Tịch Hồ Chí Minh và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác tiếp công dân.

5.2. Phương pháp nghiên cứu

Để thực hiện luận văn, tác giả đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu chính sau đây:


- Phương pháp tổng hợp: Phương pháp này nhằm tập hợp, tổng hợp số liệu về tình hình tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk.

- Phương pháp phân tích: Phương pháp này sử dụng xuyên suốt trong luận văn để giải quyết những vấn đề mang tính lý luận, nhằm phân tích thực trạng tình hình để đút kết thành những nhận định mang tính khái quát cao, mang tính cốt lõi về những vấn đề liên quan đến tổ chức bộ máy và hoạt động tiếp công dân của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk.

- Phương pháp so sánh: Phương pháp này sử dụng để so sánh, đối chiếu những quy định của pháp luật với tình hình thực tế.

- Phương pháp lịch sử: Được sử dụng trong việc đánh giá thực trạng tiếp công dân. Qua điều kiện cụ thể của tỉnh Đắk Lắk để tác giả đánh giá đúng thực trạng tiếp công dân của các cơ quan chuyên môn tỉnh Đắk Lắk.

6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn‌

- Luận văn góp phần hệ thống hoá cơ sở lý luận về Tiếp công dân; hệ thống hoá cơ sở thực tiễn công tác tiếp công dân tại các cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh

- Luận văn nghiên cứu thành công có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh.

- Các số liệu khảo sát của luận văn và các giải pháp có thể làm tài liệu tham khảo cho các nhà nghiên cứu và giảng dạy về chuyên đề Tiếp công dân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

7. Kết cấu của luận văn‌

Ngoài phần mở đầu, kết luận, mục lục và danh mục tài liệu tham khảo, luận văn được chia thành 03 chương:

Xem tất cả 109 trang.

Ngày đăng: 03/08/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí