bị lu mờ so với Phòng công chứng. Cách thức tổ chức Phòng công chứng nhà nước trước đây khiến cho phần lớn người dân và các cơ quan, tổ chức coi Phòng công chứng là chủ thể duy nhất của hoạt động công chứng, còn công chứng viên chỉ là công chức làm việc trong Phòng công chứng giống như các công chức làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước khác.
Điều 2 Luật Công chứng quy định "Công chứng là việc công chứng viên chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch" [42]. Khi chứng nhận hợp đồng, giao dịch, công chứng viên phải tuân theo các nguyên tắc hành nghề công chứng được quy định tại Điều 3 Luật Công chứng như: tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; khách quan, trung thực; chịu trách nhiệm trước pháp luật về văn bản công chứng; tuân theo quy tắc đạo đức hành nghề công chứng. Như vậy chủ thể thực hiện việc công chứng nói chung và thực hiện việc chứng nhận các văn bản liên quan đến tài sản của vợ, chồng nói riêng là công chứng viên. Tuy nhiên trách nhiệm đặt lên vai các công chứng viên là rất lớn bởi khi chứng nhận hợp đồng, giao dịch trong đó có các văn bản liên quan đến tài sản của vợ, chồng, công chứng viên không chỉ đảm bảo "tính xác thực" mà còn phải đảm bảo "tính hợp pháp" của các hợp đồng, giao dịch đó. Bản thân công chứng viên phải chịu trách nhiệm về văn bản công chứng do mình chứng nhận. Theo Giáo trình kỹ năng công chứng của Học viện Tư pháp do Nhà xuất bản Tư pháp ấn hành năm 2010 thì:
Công chứng viên có vai trò rất quan trọng, không chỉ xác lập hợp đồng, giao dịch về mặt hình thức phù hợp pháp luật mà còn phải giải thích về pháp luật và tư vấn cho các bên về quyền và nghĩa vụ của họ; bảo đảm các quy định bắt buộc của pháp luật phải được tuân thủ; tư vấn cho các bên về những sự lựa chọn mà họ có thể trong trường hợp các bên còn chưa thống nhất, hay nói cách khác làm cho nội dung của hợp đồng, giao dịch phù hợp theo quy định của pháp luật và đạo đức xã hội, và một vấn đề rất quan trọng là làm cho các giao dịch thực tế đúng như quy định của pháp luật.
Nó cũng đòi hỏi công chứng viên phải xác định chính xác và khách quan những người tham gia giao kết hợp đồng, giao dịch hoàn toàn tự nguyện, không bị ép buộc, cưỡng ép, lừa dối [29, tr. 79].
Tính xác thực của hợp đồng, giao dịch được công chứng viên chứng nhận là một yếu tố bảo đảm cho các hợp đồng, giao dịch đó có giá trị chứng cứ. Mà nói đến chứng cứ trong hoạt động tố tụng là nói đến "những gì có thật" và công chứng viên chỉ được chứng nhận "những gì có thật". Điều 3 Luật Công chứng cũng quy định công chứng viên phải "khách quan, trung thực" khi thực hiện việc công chứng. Công chứng viên "có quyền từ chối công chứng" nếu trong hồ sơ yêu cầu công chứng "có vấn đề chưa rõ" hoặc "có sự nghi ngờ đối tượng của hợp đồng, giao dịch là không có thật" mà người yêu cầu công chứng "không làm rõ được" hoặc sau khi công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định theo đề nghị của người yêu cầu công chứng mà cũng "không làm rõ được" (khoản 4 Điều 35 Luật Công chứng). Do vậy, các tình tiết, sự kiện trong các văn bản công chứng đã được công chứng viên chứng nhận là những tình tiết, sự kiện có thực, khách quan, đúng như được mô tả trong hợp đồng, giao dịch.
Khi chứng nhận hợp đồng, giao dịch, trong đó có các văn bản liên quan đến tài sản của vợ, chồng, ngoài việc đảm bảo tính xác thực, công chứng viên còn phải đảm bảo tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch đó. Đây chính là điểm khác biệt giữa trường phái công chứng hệ Latine (công chứng nội dung) và công chứng hệ Anglosason (trường phái công chứng hình thức). Đối với công chứng hệ Anglosason, việc công chứng được giao cho các luật sư, hộ tịch viên hoặc cố vấn pháp lý của nhà thờ thực hiện. Khi công chứng, họ chỉ chú trọng đến tính xác thực về mặt hình thức như: nhận diện đúng khách hàng, xác định đúng thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng, ghi lại sự kiện pháp lý hoặc thỏa thuận của các bên mà không quan tâm đến việc xác định tình trạng pháp lý của đối tượng hợp đồng, không quan tâm đến việc thỏa thuận của các bên yêu cầu công chứng có phù hợp hay trái với các quy định
của pháp luật…Do vậy, những hợp đồng, văn bản được lập và chứng nhận bởi các luật sư, hộ tịch viên hoặc cố vấn pháp lý của nhà thờ mang lại sự an toàn pháp lý không cao, không được coi là chứng cứ trước Tòa án mà chỉ được coi là nguồn chứng cứ nên vẫn cần phải điều tra, xác minh. Trong công chứng hệ Latine, công chứng viên chỉ chứng nhận các hợp đồng, giao dịch hợp pháp và được từ chối công chứng đối với những hợp đồng, giao dịch bất hợp pháp. Luật Công chứng của nước ta quy định công chứng viên khi chứng nhận hợp đồng, giao dịch là chứng nhận "tính hợp pháp" của các hợp đồng, giao dịch đó. Công chứng viên "có quyền từ chối công chứng" đối với những hợp đồng, giao dịch "có điều khoản vi phạm pháp luật" sau khi công chứng viên đã chỉ rõ cho người yêu cầu công chứng sửa chữa nhưng họ không sửa chữa (khoản 5 Điều 35 Luật Công chứng).
Theo Giáo trình kỹ năng công chứng của Học viện Tư pháp do nhà xuất bản tư pháp ấn hành năm 2010 thì việc đảm bảo tính xác thực và tính hợp pháp trong văn bản công chứng "chính là việc công chứng viên đảm bảo an toàn pháp lý cho hợp đồng, giao dịch, hạn chế tranh chấp, đạt hiệu quả tích cực về mặt kinh tế - xã hội" [29, tr. 179]. Và như vậy công chứng viên "đã hoàn thành nhiệm vụ chính trị của một "thẩm phán phòng ngừa" đối với việc "phòng ngừa những giao dịch, thỏa thuận không phù hợp với quy định của pháp luật, tạo môi trường lành mạnh, trong sạch cho đời sống kinh tế, thương mại, dân sự của xã hội" [29, tr. 179]. Và chính sự đảm bảo tính xác thực và tính hợp pháp khi chứng nhận hợp đồng, giao dịch là một yếu tố quan trọng làm nên giá trị pháp lý của văn bản công chứng.
1.1.3. Văn bản công chứng
1.1.3.1. Khái niệm
Có thể bạn quan tâm!
- Công chứng các văn bản liên quan đến tài sản của vợ chồng - 1
- Công chứng các văn bản liên quan đến tài sản của vợ chồng - 2
- Pháp Luật Việt Nam Về Chế Độ Tài Sản Của Vợ, Chồng Và Việc Công Chứng Các Văn Bản Liên Quan Đến Tài Sản Của Vợ, Chồng Qua Các Giai Đoạn
- Một Số Quy Định Chung Về Công Chứng Các Văn Bản Liên Quan Đến Tài Sản Của Vợ, Chồng
- Công Chứng Hợp Đồng, Giao Dịch Do Công Chứng Viên Soạn Thảo Theo Đề Nghị Của Người Yêu Cầu Công Chứng
Xem toàn bộ 129 trang tài liệu này.
Theo Đại từ điển Tiếng Việt do Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành năm 2011 thì văn bản là "bản chép tay hoặc in ấn với một nội dung nhất định, thường để lưu lại lâu dài" [59, tr. 1744]. Khoản 1
Điều 4 Luật Công chứng quy định về văn bản công chứng, theo đó văn bản công chứng là "hợp đồng, giao dịch bằng văn bản đã được công chứng theo quy định của luật".
Khác với các hợp đồng, giao dịch thông dụng, văn bản công chứng bao gồm hai yếu tố. Một là nội dung của hợp đồng, giao dịch được thể hiện trên giấy. Các nội dung này thể hiện ý chí, sự thỏa thuận của các bên khi tham gia giao dịch. Công chứng viên có trách nhiệm kiểm tra nội dung của hợp đồng, giao dịch để đảm bảo những nội dung đó không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội và công chứng viên sẽ thực hiện chứng nhận tính hợp pháp, tính xác thực của các nội dung đó theo một trình tự thủ tục do pháp luật qui định.
Yếu tố thứ hai trong văn bản công chứng là lời chứng của công chứng viên. Theo quy định tại Điều 5 của Luật Công chứng thì lời chứng của công chứng viên phải ghi rõ các nội dung sau: thời gian, địa điểm công chứng, họ, tên công chứng viên, tên tổ chức hành nghề công chứng; chứng nhận người tham gia hợp đồng, giao dịch hoàn toàn tự nguyện, có năng lực hành vi dân sự, mục đích, nội dung của hợp đồng, giao dịch không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội, đối tượng của hợp đồng, giao dịch là có thật, chữ ký trong hợp đồng, giao dịch là đúng chữ ký của người tham gia hợp đồng, giao dịch. Sau những nội dung trên, công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng vào văn bản công chứng.
1.1.3.2. Đặc điểm của văn bản công chứng
Văn bản công chứng có các đặc điểm sau:
Thứ nhất, văn bản công chứng có tính chính xác về thời gian, địa điểm công chứng và chủ thể tham gia hợp đồng, giao dịch.
Thời gian công chứng phải chính xác ngày, tháng, năm; trong một số trường hợp như công chứng di chúc hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu công chứng, thời gian công chứng còn phải chính xác cả giờ, phút. Ngày,
tháng, năm chính xác vì đó là ngày, tháng, năm giao kết hợp đồng, giao dịch; là ngày, tháng, năm công chứng viên ký, là ngày, tháng, năm văn bản công chứng có hiệu lực. Ngày, tháng, năm trong lời chứng của công chứng viên ghi bằng chữ. Ngoài ra, các số liệu trong văn bản công chứng, sau phần ghi bằng số phải ghi bằng chữ để tránh sai lệch hoặc sửa chữa.
Chính xác về thời gian công chứng, văn bản công chứng còn phải chính xác về địa điểm công chứng. Điều 5 Luật Công chứng quy định: "Lời chứng của công chứng viên phải ghi rõ thời gian, địa điểm công chứng" [42]. Theo quy định tại Điều 39 Luật Công chứng về địa điểm công chứng thì việc công chứng phải được thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng. Việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng nếu người yêu cầu công chứng là người già yếu không thể đi lại được, là người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng. Như vậy, cho dù việc công chứng có thể được thực hiện tại trụ sở hay ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng nhưng trong mọi trường hợp văn bản công chứng vẫn bắt buộc phải ghi rõ địa điểm công chứng.
Văn bản công chứng cũng thể hiện sự chính xác về chủ thể tham gia hợp đồng, giao dịch (người yêu cầu công chứng). Theo quy định tại Điều 8 Luật Công chứng thì "người yêu cầu công chứng là cá nhân, tổ chức Việt Nam hoặc cá nhân, tổ chức nước ngoài" [42]. Nếu người yêu cầu công chứng là tổ chức thì việc yêu cầu công chứng được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của tổ chức đó. Người yêu cầu công chứng phải có năng lực hành vi dân sự, xuất trình đủ các giấy tờ cần thiết liên quan đến việc công chứng và chịu trách nhiệm về tính chính xác, tính hợp pháp của các giấy tờ đó. Một trong những hoạt động không thể thiếu của công chứng viên trong quá trình giải quyết việc công chứng là phải kiểm tra, nhận dạng người yêu cầu công chứng thông qua các giấy tờ tùy thân, để xác định được chủ thể tham gia giao dịch có đủ điều kiện giao kết hợp đồng, giao dịch; xác định
được chủ thể đó trùng hợp với giấy tờ tùy thân và các giấy tờ khác có liên quan đến việc công chứng mà họ đã cung cấp. Và theo quy định tại Điều 41 Luật Công chứng thì "người yêu cầu công chứng phải ký trước mặt công chứng viên" [42]. Điều 5 Luật Công chứng cũng quy định lời chứng của công chứng viên phải "chứng nhận người tham gia hợp đồng, giao dịch hoàn toàn tự nguyện, có năng lực hành vi dân sự…, chữ ký trong hợp đồng, giao dịch là đúng chữ ký của người tham gia hợp đồng, giao dịch" [42]. Như vậy, bất luận vì lý do gì dẫn đến việc không chính xác về chủ thể tham gia hợp đồng, giao dịch sẽ là nguyên nhân dẫn đến việc mất hiệu lực của văn bản công chứng.
Thứ hai, văn bản công chứng chính thức hóa, công khai hóa các sự kiện pháp lý. Đặc điểm này được thể hiện rất rõ ngay từ những văn bản đầu tiên quy định về hoạt động công chứng (Thông tư số 574/QLTPK ngày 10/10/1987), theo đó công chứng nhà nước là một hoạt động của Nhà nước "nhằm giúp công dân, các cơ quan, tổ chức lập và xác nhận các văn bản, sự kiện pháp lý, hợp pháp hóa các văn bản, sự kiện đó, làm cho các văn bản, sự kiện đó có hiệu lực thực hiện" [6]. Ý chí của các bên phải được thể hiện rõ trong văn bản công chứng vì đây sẽ là cơ sở cho việc thực hiện hoạt động công chứng. Điều 5 Luật Công chứng quy định trong lời chứng của công chứng viên phải chứng nhận việc "người tham gia hợp đồng, giao dịch hoàn toàn tự nguyện" và "đối tượng của hợp đồng, giao dịch là có thật". Theo quy định tại khoản 4 Điều 35 Luật Công chứng thì trong trường hợp có căn cứ cho rằng "việc giao kết hợp đồng, giao dịch có dấu hiệu bị đe dọa, cưỡng ép" hoặc "có sự nghi ngờ đối tượng của hợp đồng, giao dịch là không có thật" thì "công chứng viên đề nghị người yêu cầu công chứng làm rõ hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định; trường hợp không làm rõ được thì có quyền từ chối công chứng" [42].
Thứ ba, văn bản công chứng là những văn bản phù hợp với pháp luật, đạo đức xã hội. Sự phù hợp của nội dung văn bản công chứng với pháp luật, đạo đức xã hội là điều kiện cơ bản, quan trọng để văn bản công chứng đó có
giá trị pháp lý. Do vậy, khi thực hiện việc công chứng, công chứng viên có trách nhiệm xem xét các nội dung của hợp đồng, giao dịch có phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành và đạo đức xã hội hay không. Khoản 5 Điều 35 Luật Công chứng quy định:
Công chứng viên kiểm tra dự thảo hợp đồng, giao dịch; nếu trong dự thảo hợp đồng, giao dịch có điều khoản vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội, đối tượng của hợp đồng, giao dịch không phù hợp với thực tế thì công chứng viên phải chỉ rõ cho người yêu cầu công chứng để sửa chữa. Trường hợp người yêu cầu công chứng không sửa chữa thì công chứng viên có quyền từ chối công chứng [42].
Thứ tư, văn bản công chứng là văn bản tuân thủ đúng về mặt hình thức. Văn bản công chứng phải đáp ứng các điều kiện của pháp luật về hình thức để đảm bảo tính chính xác và giá trị pháp lý của văn bản công chứng (ví dụ: vợ chồng thỏa thuận chia tài sản chung thì hình thức văn bản bắt buộc phải là văn bản thỏa thuận chia tài sản chung của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân mà không phải là một văn bản chuyển nhượng nào khác). Ngoài ra, văn bản công chứng cũng phải tuân thủ các quy định về chữ viết, sửa lỗi kỹ thuật, ghi số tờ, số trang trong văn bản, ký tên hoặc điểm chỉ…
Thứ năm, văn bản công chứng là văn bản tuân thủ các nguyên tắc, thủ tục công chứng. Luật Công chứng đã có các quy định về các nguyên tắc, trình tự, thủ tục công chứng. Và công chứng viên là người chịu trách nhiệm trước pháp luật về văn bản công chứng nên việc tuân thủ các nguyên tắc, thủ tục này đem lại sự an toàn pháp lý cho công chứng viên đồng thời bảo đảm tính pháp lý cho văn bản mà công chứng viên chứng nhận, tránh được các tranh chấp có thể xảy ra.
1.1.3.3. Giá trị pháp lý của văn bản công chứng
Giá trị pháp lý của văn bản công chứng nói chung và của các văn bản liên quan đến tài sản của vợ, chồng được công chứng nói riêng có ý nghĩa
quyết định sự tồn tại của thiết chế công chứng trong đời sống xã hội. Tại sao các hợp đồng, giao dịch, đặc biệt là các hợp đồng, giao dịch về bất động sản cần phải được công chứng? Nói cách khác, các bên trong hợp đồng, giao dịch có được lợi ích gì khi qua thủ tục công chứng?
Tại các nước có hệ thống công chứng Latine (Pháp, Bỉ, Tây Ban Nha, Hà Lan, Italia…), văn bản công chứng có giá trị chứng cứ và giá trị thi hành. Các hợp đồng, giao dịch đã được công chứng thì có hiệu lực thi hành đối với các bên trong hợp đồng, giao dịch đó và có hiệu với người thứ ba. Tại Pháp, nếu chủ nợ có giấy chứng nợ là một văn bản công chứng được lập dưới hình thức bản gốc, trong đó có ghi một phần nợ có thực và đã đến hạn phải trả thì chủ nợ không phải mất thời gian đi đòi nợ, không phải kiện ra tòa án để đòi nợ mà có thể trực tiếp yêu cầu con nợ thanh toán. Chủ nợ chỉ cần cung cấp cho nhân viên thừa phát lại một bản sao có hiệu lực thi hành để nhân viên này tiến hành thủ tục thi hành (kê biên tài sản của con nợ). Như vậy, giá trị thi hành của văn bản công chứng thể hiện ở việc nếu một bên không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia không cần phải kiện ra tòa án mà chỉ cần xuất trình văn bản hợp đồng, giao dịch đã được công chứng đó cho cơ quan có thẩm quyền (ví dụ, thừa phát lại) để cưỡng chế thi hành. Theo quy định tại Điều 1319 của Bộ luật Dân sự Pháp, người nào đưa ra một văn bản công chứng có bề ngoài hợp thức thì không phải chứng minh tính xác thực của của nội dung văn bản đó. Người nào muốn phản đối tính xác thực của văn bản thì phải chứng minh được cái sai trong văn bản đó thông qua một thủ tục rất phức tạp gọi là thủ tục khởi kiện về hành vi giả mạo giấy tờ. Các nước có hệ thống công chứng Latine đều ghi nhận việc văn bản công chứng có giá trị chứng cứ; các tình tiết, sự kiện đã ghi trong hợp đồng, giao dịch được coi là chứng cứ hiển nhiên trước tòa, không cần phải xác minh. Người muốn phản đối đối văn bản đó phải khởi kiện trước tòa án phải có phải xuất trình được chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình. Và chỉ có tòa án mới có thẩm quyền bác bỏ hiệu lực của văn bản công chứng nếu có đủ chứng cứ. Điều đó