Công chứng các văn bản liên quan đến tài sản của vợ chồng - 2

về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân theo pháp luật hôn nhân và gia đình hiện hành" của ThS Bùi Minh Hồng, Tạp chí Luật học, số 5/2003; "Chế độ tài sản theo thỏa thuận của vợ chồng liên hệ từ pháp luật nước ngoài đến pháp luật Việt Nam" của ThS Bùi Minh Hồng - Khoa Luật dân sự, Đại học Luật Hà Nội, Tạp chí Luật học, số 11 (114) năm 2009…

Trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thực hiện xã hội hóa hoạt động công chứng, vấn đề công chứng các văn bản liên quan đến tài sản của vợ chồng cần được làm sáng tỏ hơn về mặt lý luận và thực tiễn, làm cơ sở cho việc hoàn thiện các quy định pháp luật về công chứng các văn bản liên quan đến tài sản của vợ chồng.

3. Mục đích và phạm vi nghiên cứu

* Mục đích nghiên cứu

Luận văn làm rõ nội dung các quy định của pháp luật về công chứng các văn bản liên quan đến tài sản của vợ chồng, thực tiễn thực hiện việc công chứng các văn bản liên quan đến tài sản của vợ chồng, từ đó đánh giá, đưa ra các kiến nghị, giải pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến việc công chứng các văn bản liên quan đến tài sản của vợ chồng theo chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng mà Đảng và Nhà nước ta đã đề ra trong giai đoạn hiện nay.

* Phạm vi nghiên cứu

Theo quy định của pháp luật dân sự hiện hành thì có nhiều văn bản có liên quan đến tài sản của vợ, chồng. Tuy nhiên phạm vi nghiên cứu của đề tài chỉ đề cập đến việc công chứng các văn bản liên quan đến tài sản của vợ chồng được quy định trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, Luật Công chứng và các văn bản hướng dẫn thi hành các luật trên gồm:

- Công chứng văn bản thỏa thuận chia tài sản chung của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân;

- Công chứng văn bản khôi phục chế độ tài sản chung của vợ chồng;

- Công chứng văn bản nhập tài sản riêng của một bên vợ hoặc chồng vào tài sản chung.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 129 trang tài liệu này.

Ngoài ra, đề tài cũng đề cập đến hai loại văn bản phát sinh trong thực tiễn hành nghề công chứng có liên quan đến tài sản của vợ, chồng được phần lớn công chứng viên thực hiện việc chứng nhận là: văn bản xác nhận tài sản riêng của vợ hoặc chồng và văn bản chia tài sản chung sau khi có bản án hoặc quyết định công nhận thuận tình ly hôn đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền.

4. Phương pháp nghiên cứu

Công chứng các văn bản liên quan đến tài sản của vợ chồng - 2

Đề tài được nghiên cứu dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa hoạt động công chứng.

Luận văn sử dụng kết hợp các phương pháp nghiên cứu như: phương pháp hệ thống, phương pháp phân tích - tổng hợp, phương pháp lịch sử, phương pháp khảo sát thực tiễn, phỏng vấn chuyên gia…

5. Đóng góp mới về khoa học của luận văn

- Luận văn là công trình đầu tiên nghiên cứu sâu về công chứng các văn bản liên quan đến tài sản của vợ chồng.

- Luận văn đã phân tích, làm rõ quy trình công chứng các văn bản liên quan đến tài sản của vợ chồng; chỉ ra và phân tích các yếu tố quy định và chi phối việc công chứng các văn bản liên quan đến tài sản của vợ chồng thể hiện trong các quy định pháp luật Việt Nam hiện hành, chỉ ra những điểm tiến bộ so với các quy định trước đây và những điểm còn bất cập. Luận văn cũng đưa ra những đánh giá, nhận định khách quan về thực trạng thực hiện việc công chứng các văn bản liên quan đến tài sản vợ, chồng trong thực tiễn hoạt động công chứng.

- Dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn, luận văn đưa ra được những kiến nghị cụ thể về hoàn thiện pháp luật công chứng các văn bản liên quan đến tài sản của vợ chồng cũng như các kỹ năng cần thiết bảo đảm cho công chứng viên thực hiện tốt hơn vai trò là "thẩm phán phòng ngừa" của mình. Do vậy, những kiến nghị luận văn đưa ra có ý nghĩa cả về mặt lý luận và thực tiễn đối với hoạt động công chứng các văn bản liên quan đến tài sản của vợ chồng.

6. Ý nghĩa của luận văn

Luận văn có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo trong quá trình nghiên cứu hoàn thiện các quy định pháp luật, góp phần nâng cao hoạt động công chứng của các tổ chức hành nghề công chứng ở Việt Nam.

Luận văn có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo cho việc nghiên cứu và học tập cho các học viên các lớp đào tạo nghiệp vụ công chứng, môn học Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam. Luận văn cũng được sử dụng làm tài liệu tham khảo cho các công chứng viên khi thực hiện việc chứng nhận các văn bản liên quan đến tài sản của vợ, chồng.

7. Kết cấu của luận văn

Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của luận văn gồm 3 chương:

Chương 1: Khái quát chung về công chứng các văn bản liên quan đến tài sản của vợ chồng.

Chương 2: Quy định của pháp luật và thực tiễn áp dụng trong việc công chứng các văn bản liên quan đến tài sản của vợ chồng.

Chương 3: Hoàn thiện pháp luật về công chứng các văn bản liên quan đến tài sản của vợ chồng theo yêu cầu xã hội hóa hoạt động công chứng.

Chương 1

MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ CÔNG CHỨNG VÀ VIỆC CÔNG CHỨNG CÁC VĂN BẢN‌

LIÊN QUAN ĐẾN TÀI SẢN CỦA VỢ, CHỒNG


1.1. CÔNG CHỨNG


1.1.1. Khái niệm công chứng

Công chứng là một hoạt động có liên quan đến quyền lực nhà nước. Khái niệm công chứng ở nước ta lần đầu tiên được đề cập đến trong Thông tư số 574/QLTPK ngày 10/10/1987 của Bộ Tư pháp hướng dẫn công tác công chứng của nhà nước (dưới đây gọi là Thông tư số 574/QLTPK ngày 10/10/1987), theo đó "Công chứng nhà nước là một hoạt động của Nhà nước, nhằm giúp công dân, các cơ quan, tổ chức lập và xác nhận các văn bản, sự kiện pháp lý, hợp pháp hóa các văn bản, sự kiện đó, làm cho các văn bản, sự kiện đó có hiệu lực thực hiện" [6]. Từ khái niệm trên cho thấy công chứng nhà nước là một hoạt động chỉ do các cơ quan nhà nước thực hiện. Theo Công văn số 554/CV-CC ngày 10/7/1989 của Bộ Tư pháp về việc bổ sung một số điểm trong việc triển khai thực hiện Thông tư số 574/QLTPK ngày 10/10/1987 và Thông tư số 858/QLTP ngày 15/10/1987 thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện công chứng nhà nước là Phòng công chứng nhà nước và Ủy ban nhân dân tỉnh (nơi chưa có Phòng công chứng nhà nước) (mục II.2 "Về thẩm quyền thực hiện các việc làm Công chứng nhà nước"). Khái niệm trên cũng chỉ rõ phạm vi công chứng nhà nước bao gồm việc lập và xác nhận các văn bản, sự kiện pháp lý theo yêu cầu của công dân, cơ quan, tổ chức và sau khi công chứng viên chứng nhận, các văn bản, sự kiện đó có giá trị pháp lý được "hợp pháp hóa" và "có hiệu lực thực hiện".

Theo Nghị định số 45/HĐBT ngày 27/2/1991 của Hội đồng Bộ trưởng về tổ chức và hoạt động công chứng nhà nước (sau đây gọi là Nghị định số 45/HĐBT ngày 27/2/1991) thì:

Công chứng nhà nước là việc chứng nhận tính xác thực của các hợp đồng và các giấy tờ theo quy định của pháp luật, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân và cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, góp phần phòng ngừa vi phạm pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa [10].

Từ khái niệm này cho thấy công chứng vẫn là hoạt động đặc thù chỉ do nhà nước thực hiện, nhưng phạm vi công chứng đã thu hẹp lại, chỉ là việc chứng nhận tính xác thực của các hợp đồng và các giấy tờ theo quy định của pháp luật.

Nghị định số 31/CP ngày 18/5/1996 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động công chứng nhà nước (dưới đây gọi là Nghị định số 31/CP ngày 18/5/1996) đưa ra khái niệm công chứng như sau:

Công chứng là việc chứng nhận tính xác thực của các hợp đồng và các giấy tờ theo quy định của pháp luật, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân và cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội (sau đây gọi chung là tổ chức), góp phần phòng ngừa vi phạm pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa [11].

Như vậy, Nghị định số 31/CP ngày 18/5/1996 đưa ra khái niệm "công chứng" thay vì "công chứng nhà nước" như quy định tại các văn bản pháp luật đã đề cập trước đó. Ngoại trừ điểm khác biệt đó, nội dung khái niệm "công chứng" cũng tương tự như khái niệm "công chứng nhà nước" được nêu trong Nghị định số 45/HĐBT ngày 27/2/1991. Đến Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 18/12/2000 của Chính phủ về công chứng, chứng thực (sau đây gọi là Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 18/12/2000) thì khái niệm "công chứng" được ghi nhận tại khoản 1 Điều 2, theo đó:

Công chứng là việc Phòng Công chứng chứng nhận tính xác thực của hợp đồng được giao kết hoặc giao dịch khác được xác lập

trong quan hệ dân sự, kinh tế, thương mại và các quan hệ xã hội khác (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch) và thực hiện các việc khác theo quy định của Nghị định này [13].

Như vậy, từ những văn bản đầu tiên cho đến trước khi Luật Công chứng ra đời, khái niệm công chứng luôn gắn liền với hoạt động của nhà nước, các hoạt động công chứng đều do các Phòng công chứng nhà nước thực hiện và công chứng là việc chứng nhận tính xác thực của các văn bản được xác lập.

Luật Công chứng được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 29/11/2006, có hiệu lực từ ngày 01/7/2007 đã đưa ra khái niệm về công chứng với nhiều điểm mới, theo đó: "Công chứng là việc công chứng viên chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch khác (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch) bằng văn bản mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng" [42, Điều 2]. Như vậy, Luật Công chứng với khái niệm nêu trên đã khẳng định chủ thể thực hiện hành vi công chứng là công chứng viên chứ không phải là Phòng công chứng như ghi nhận tại các văn bản quy phạm pháp luật trước đó. Công chứng viên là chủ thể thực hiện việc "chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch" và việc chứng nhận đó được thực hiện theo quy định của pháp luật hoặc theo yêu cầu tự nguyện của tổ chức cá nhân.

1.1.2. Công chứng viên

1.1.2.1. Công chứng viên

Xuất phát từ việc công chứng là một hoạt động góp phần phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật, giúp cho việc giải quyết tranh chấp được thuận lợi, góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, các văn bản pháp luật trước đây đều có những quy định mang tính chất "chuẩn hóa" đối với chức danh công chứng viên như: công chứng viên phải là người có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; đã tốt nghiệp đại học pháp lý (đại học luật) và được bồi dưỡng về nghiệp vụ công chứng (mục II Thông tư số 574/QLTPK ngày

10/10/1987, Điều 14 của Nghị định số 45/HĐBT ngày 27/2/1991, Điều 17 Nghị định số 31/CP ngày 18/5/1996, Điều 30 Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 18/12/2000). Ngoài các tiêu chí trên, cùng với sự phát triển của hoạt động công chứng, điều kiện để một người được bổ nhiệm công chứng viên cũng ngày càng cao hơn. Nghị định số 45/HĐBT ngày 27/2/1991 (Điều 14), Nghị định số 31/CP ngày 18/5/1996 (Điều 17), Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 18/12/2000 (Điều 30) đều đòi hỏi ngoài các điều kiện đã nêu, một người muốn được bổ nhiệm công chứng viên còn phải đáp ứng điều kiện có thời gian công tác pháp luật từ 5 năm trở lên; Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 18/12/2000 còn đòi hỏi công chứng viên được bổ nhiệm phải có chứng chỉ tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng. Mặt khác, các văn bản pháp luật về công chứng trước đó cũng đã có những quy định về việc công chứng viên phải hoạt động chuyên trách không được kiêm nhiệm các công việc khác (mục II.5 Thông tư số 276/TT-CC ngày 20/4/1991 của Bộ Tư pháp hướng dẫn về tổ chức và quản lý công chứng nhà nước; Điều 17 Nghị định số 31/CP ngày 18/5/1996 và Điều 29 Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 18/12/2000).

Luật Công chứng đã có sự kế thừa và phát triển các quy định trước đây về công chứng viên. Điều 7 Luật Công chứng quy định "Công chứng viên là người có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật này, được bổ nhiệm để hành nghề công chứng" [42]. Khoản 1 Điều 13 Luật Công chứng quy định về tiêu chuẩn công chứng viên là:

1. Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt và có đủ các tiêu chuẩn sau đây thì được xem xét, bổ nhiệm làm công chứng viên: a) Có bằng cử nhân luật; b) Có thời gian công tác pháp luật từ năm năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức; c) Có Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề công chứng; d) Đã qua thời gian tập sự hành nghề công chứng; đ) Có sức khỏe bảo đảm hành nghề công chứng [42].

Như vậy, ngoài các điều kiện đã được nêu tại các văn bản pháp luật trước đó, một người để được bổ nhiệm làm công chứng viên theo quy định của Luật Công chứng thì còn phải qua thời gian tập sự hành nghề công chứng ít nhất là 12 tháng tại tổ chức hành nghề công chứng. Luật cũng quy định rõ nội dung công việc mà người tập sự nghề công chứng phải làm trong thời gian tập sự. Và công chứng viên phải hoạt động chuyên trách, phải "hành nghề tại một tổ chức hành nghề công chứng" (điểm d khoản 2 Điều 22 Luật Công chứng).

Một trong những điểm rất mới của Luật Công chứng là công chứng viên không bắt buộc phải là công chức nhà nước. Điều 22 Luật Công chứng quy định công chứng viên có quyền lựa chọn tổ chức hành nghề công chứng. Điều 23 Luật Công chứng quy định tổ chức hành nghề công chứng gồm có Phòng công chứng và Văn phòng công chứng. Phòng công chứng do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập, là đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Tư pháp. Văn phòng công chứng do công chứng viên thành lập, được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân (nếu Văn phòng công chứng do một công chứng viên thành lập); được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh (nếu Văn phòng công chứng do hai công chứng viên trở lên thành lập). Như vậy, công chứng viên là công chức hoặc viên chức nhà nước nếu làm việc tại Phòng công chứng, không phải là công chức hay viên chức nhà nước nếu làm việc tại các Văn phòng công chứng. Dù làm việc ở tổ chức hành nghề công chứng nào và có là công chức, viên chức nhà nước hay không thì địa vị pháp lý của các công chứng viên trong hành nghề công chứng là hoàn toàn như nhau. Họ đều có quyền công chứng các loại hợp đồng, giao dịch như nhau và các văn bản do họ chứng nhận có giá trị pháp lý như nhau.

1.1.2.2. Vai trò của công chứng viên trong việc chứng nhận hợp đồng, giao dịch

Công chứng viên có vai trò đặc biệt quan trọng trong hoạt động công chứng. Tuy nhiên các văn bản pháp luật về công chứng trước đây chưa làm rõ được vị trí của công chứng viên, thậm chí vai trò, vị trí của công chứng viên

Xem tất cả 129 trang.

Ngày đăng: 25/12/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí